Khi thành phố lên tiếng: Thiên nhiên, đô thị và căn tính trong tiểu thuyết "Phố vẫn gió" của nhà văn Lê Minh Hà từ góc nhìn phê bình sinh thái

In bài này

Tóm tắt: Trong lĩnh vực sinh thái đô thị, căn tính- địa điểm là một trong những vấn đề cốt lõi thu hút các nhà lí thuyết nhằm nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh. Nói chung, nơi chốn tạo ra cảm giác gắn bó hoặc thuộc về cá nhân; giúp các cá nhân xác định họ là ai; củng cố căn tính và thậm chí thay đổi các cá nhân. Sự hiểu biết về căn tính-địa điểm là cơ sở cho phân tích của tôi về danh tính liên quan đến thiên nhiên và đô thị trong tiểu thuyết Phố vẫn gió của Lê Minh Hà. Đầu tiên tôi sẽ phân tích các không gian kiến ​​trúc ở Hà Nội sau năm 1975, chú ý đến việc mở rộng đô thị tự phát diễn ra trong các khu dân cư. Tôi lập luận rằng, không gian sống là sự tự khẳng định vị trí của cá nhân không chỉ với hàng xóm xung quanh mà còn với môi trường tự nhiên. Việc nghiên cứu không gian đô thị là tiền đề để tôi phân tích hai đại diện của bản sắc trong tác phẩm. Đầu tiên, nó là căn tính của các cá nhân trong việc khẳng định quyền lực của họ đối với những người khác. Thứ hai, bản sắc không chỉ được xem chỉ là ý thức của con người mà còn là “nhận thức về thành phố”. Trong cuộc đấu tranh giữa Hà Nội cũ và Hà Nội mới, Hà Nội mới, nhếch nhác và xô bồ đã thắng thế. Điều này dẫn đến sự thay thế các không gian kiến ​​trúc kiểu Pháp trước đây (thường được coi là kiến trúc truyền thống và quyến rũ) bằng các tòa nhà hào nhoáng hiện tại. Khám phá mối quan hệ giữa thiên nhiên, đô thị và căn tính sẽ mang lại một cái nhìn mới về văn học viết về thiên nhiên trong văn học Việt Nam tại nước ngoài.

Từ khoá:  căn tính-địa điểm, phê bình sinh thái, nghiên cứu di cư, Lê Minh Hà, Phố vẫn gió.

Abstract: In the field of urban ecology, place-identity is one of the core issues which attract theorists to research about the relationship between human beings and their surroundings. Generally, the place is to engender the sense of attachment or belonging for the individual; the place helps individuals to define who they are; the (built and non-built) environment reveals the nature of self, strengthen self-identity and even alter the individuals. This understanding of place-identity is the basis for my analysis of identity in relation to the representation of urban in the novel Phố vẫn gió by Lê Minh Hà. I will first analyze the architectural spaces in Hanoi after 1975, paying particular attention to the spontaneous urban expansion taking place in residential areas. I argue that this kind of living space not only reveals the residents’s desire for a personal space toward their neighbors. It is also the self’s articulation of its position towards the natural environment. With the expansion of urban space, the built environment has shown itself to be a winner with the non-built environment. The study of urban space expansion is the premise for me to come up with the analyses of the two representations of identity in the work. First, it is the self-identity of the individuals in asserting their powers over others. Second, identity is not only viewed exclusively as the human being’s consciousness but also as the “awareness of the city”. In the struggle between the old and the new Hanoi, the new but ugly Hanoi has won. This led to the replacement of French-style architectural spaces in the past (often regarded as traditional and charming architecture) with grotesque buildings in present. Exploring the relationship between nature, urban and identity will bring a new perspective on the literary representation of nature in Vietnamese diaspora literature.

Keywords: place-identity, ecocriticism, diaspora studies, Lê Minh Hà, Phố vẫn gió.

Sự hình thành căn tính-địa điểm

Kể từ khi xuất hiện vào giữa những năm tám mươi của thế kỉ XX, phê bình sinh thái, hay “sinh thái văn học”, đã nhấn mạnh vào các nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn học và môi sinh. Trong khi các học giả dùng nhiều thuật ngữ khác nhau để gọi tên các hiện tượng phê bình sinh thái, họ đều chia sẻ chung mối bận tâm trong việc phân tích sự biểu hiện của tự nhiên, bao gồm đất đai, địa điểm, vùng hoang dã, trong văn học; mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên; vai trò của bối cảnh vật chất trong tiểu thuyết; ảnh hưởng của khủng hoảng môi trường trong văn học và văn hóa [8, tr. xix]. Tuy nhiên, qua ba giai đoạn phát triển của chủ nghĩa phê bình sinh thái, tính chất thành thị, mặc dù được hiểu theo nghĩa rộng của phê bình sinh thái, chưa được nghiên cứu chuyên sâu xét về mặt ứng dụng và lí thuyết.

Trong khi thành phố “gắn liền với các quá trình thay thế thay vì dung chứa tự nhiên và động vật hoang dã” [3, tr.1], phê bình sinh thái học dường như xem xét các nghiên cứu về vùng hoang dã hoặc ý thức về môi trường sinh thái. Tuy nhiên, những phát hiện của Lewis Mumford, Yi-Fu Tuan và Lawrence Buell đã gợi ý rằng sự phân biệt giữa “thành thị và hoang dã, giữa môi trường tự nhiên được con người tạo ra và sinh sống, và môi trường được tạo ra bởi các thế lực tự nhiên và nơi sinh sống của các loài động, thực vật, và các sinh vật sống khác” không phải lúc nào cũng tồn tại [3, tr. 1].

Lewis Mumford trong nghiên cứu mang tính bước ngoặt của ông vào năm 1938 Văn hóa các thành phố đã coi thành phố không chỉ “nảy sinh từ nhu cầu xã hội của con người và nhân lên cả hai phương thức và phương pháp biểu hiện” mà còn là sản phẩm của trái đất và của thời gian [7, tr. 4]. Ông nhận ra vị trí của thành phố trong tự nhiên “giống như một cái hang […] hay một đống kiến” [7, tr. 5], tức là công nhận một vật thể do con người xây dựng như một vật thể tự nhiên; “một tác phẩm nghệ thuật có ý thức” có nghĩa là công nhận một đối tượng cụ thể là tồn tại trừu tượng và tưởng tượng. Tuan cũng mô tả không gian đô thị như một bức tường thành để nhân loại thoát khỏi “sự bạo lực của thiên nhiên” [17, tr. 10]. Theo nghĩa này, không gian đô thị đóng vai trò là nơi trú ẩn cho loài người chống lại sự độc tài của thiên nhiên [14, tr. 4]. Sáu phép ẩn dụ tinh tế do Lawrence Buell đề xuất cho mối quan hệ giữa thiên nhiên / môi trường và không gian đô thị cũng đề cao mối quan hệ giữa thành phố và môi trường tự nhiên. Từ những phép ẩn dụ cổ điển coi thành phố là “nhị phân giữa đô thị-thiên nhiên” hoặc thành phố là “sinh vật vĩ mô toàn diện” đến cách hình dung sáng tạo hơn về thành phố như một tập hợp rời rạc, như một văn bản, như một mạng lưới và như một sự khải huyền, Lawrence ngụ ý sự hiểu biết về thành phố như một phần của hệ sinh thái, mặc dù nó biến đổi theo những thay đổi của môi trường bên ngoài theo thời gian [10, tr. 11].

Cùng với các nghiên cứu xem đô thị được tích hợp vào hệ thống sinh học, các nghiên cứu về mối liên kết giữa con người với nơi chốn đã tập trung vào các địa điểm vật lí không chỉ với môi trường xung quanh mà còn với sự hình thành bản sắc của cư dân. Kể từ những cuộc thảo luận đầu tiên về mối quan hệ giữa nơi chốn và căn tính giữa các nhà địa lí vào những năm 1970 [9, tr. 41], những cách tiếp cận gần đây về mối quan hệ giữa con người và thế giới bên ngoài đã coi căn tính không phải là “vấn đề của sự tự ý thức tuyệt đối mà là nhận thức mang tinh tương tác về vị trí của một người” [6, tr. 406]. Khái niệm về căn tính-địa điểm, do Proshansky đề xuất, đã gợi ý một giả định về sự tự nhận dạng được phát triển và mở rộng đến “chính những không gian và địa điểm mà chúng được tìm thấy” [16, tr. 57] và định nghĩa căn tính-nơi chốn là nhận thức phức tạp của con người về thế giới vật chất mà người đó đang sống: “Nhận thức đại diện cho ký ức, ý tưởng, cảm xúc, thái độ, giá trị, sở thích, ý nghĩa và quan niệm về hành vi và kinh nghiệm liên quan đến sự đa dạng và phức tạp của các bối cảnh vật chất xác định sự tồn tại hàng ngày của mỗi con người ”[16, tr. 59]. Ngoài Harold M. Proshansky (1983), Yi-Fu Tuan Tuan (1980), Edward Relph (1976), Anne Buttimer (1980) và Clare C. Cooper (1974) đều có chung những giả định cơ bản về cảm giác thân thuộc mà một người có về nơi ở và “trạng thái không ý thức” đi kèm với cảm giác thuộc về.

Nói chung, những cơ sở lí thuyết về căn tính-địa điểm cung cấp nền tảng để hiểu mối quan hệ qua lại giữa tâm trí và thế giới bên ngoài thông qua cơ thể. Một nơi tạo ra cảm giác gắn bó hoặc thuộc về đối với cá nhân; một nơi giúp cá nhân xác định họ là ai; (môi trường được xây dựng và không được xây dựng) bộc lộ bản chất của bản thân, củng cố bản sắc của bản thân và thậm chí thay đổi cá nhân. Sự tương tác tinh tế giữa các hệ thống sinh thái, thể hiện qua cả các thành phần tự nhiên và nhân tạo và sự hình thành bản sắc riêng của cư dân, tạo cơ sở lí thuyết cho nghiên cứu của tôi về ý thức nơi chốn và mối quan hệ của nó với căn tính cá nhân trong tiểu thuyết Phố vẫn gió của Lê Minh Hà. Sinh ra tại Hà Nội vào năm 1962 và sang Đức vào năm 1994, Lê Minh Hà chủ đích chọn Hà Nội là ngọn nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác của mình. Xuyên suốt bốn tuyển tập truyện ngắn Trăng goá (1998), Gió biếc (1999), Những giọt trầm (2005) và Những gặp gỡ không ngờ (2012); hai tiểu thuyết Gió tự thời khuất mặt (2005), Phố vẫn gió (2014); tản văn Thương thế ngày xưa (2002), Hà Nội đọng lại trong sáng tác của Lê Minh Hà không chỉ là mảnh đất sáng tạo và tưởng tượng mà còn là một nơi đầy cảm xúc, chứa đựng “những ý nghĩa xã hội, tâm lý và tình cảm đáng kể đối với cá nhân và tập thể” [13, tr. 135]. Một mặt, mối liên hệ với Hà Nội, một địa điểm được kéo dài hàm nghĩa của nó như một phép ẩn dụ cho Nhà hay Quê nhà trong bài báo này, đã xác nhận một mối liên hệ chặt chẽ với quá khứ, được cho là điều kiện để xuất hiện một ý thức tha hương bởi chủ thể di động [15, tr. 18]. Mặt khác, sự hiện diện của Hà Nội trong sáng tác của Lê Minh Hà khẳng định ý nghĩa cá nhân của nhà [16, tr. 60] đối với những người tha hương, trong đó sự thống nhất tinh thần được tạo ra giữa những cư dân bị nhổ rễ và một nơi chốn tưởng tượng [12, tr. 71], và cảm giác thuộc về của con người đối với một nơi nhất định được gợi nên từ trí tưởng tượng thuần túy.

Có một số lí do chính để đọc tiểu thuyết Phố vẫn gió qua lăng kính của lí thuyết về căn tính-địa điểm. Cuốn tiểu thuyết này xoay quanh câu chuyện cuộc đời của Ngân, một nhân vật chính trẻ trung và nhạy cảm sống trong một khu tập thể ở Hà Nội vào thời kì Đổi mới. Tác phẩm mô tả một cách sinh động sự tham gia tích cực của nhân vật chính vào những không gian sống, trải dài từ nơi ở của chính cô ấy đến không gian gia đình của bạn bè và hàng xóm. Cuộc gặp gỡ của nhân vật chính với những địa điểm khác nhau được thể hiện một cách sống động thông qua những trải nghiệm và quan sát của cô đối với các di sản kiến trúc của Hà Nội, những trải nghiệm kết hợp giữa nhận thức, cảm xúc, kí ức và trí tưởng tượng.

Các tòa nhà ở Hà Nội mà nhân vật nữ chính quan sát được thể hiện đầy ý nghĩa trong đó không chỉ cảm giác thân thuộc của cư dân về một địa điểm được nhận biết mà hình ảnh và danh tính của các địa điểm cũng được cấu trúc. Hình ảnh về các địa điểm, “hình ảnh tinh thần được tạo ra bởi kinh nghiệm, thái độ, ký ức và cảm giác tức thời của con người đối với một địa điểm” [5, tr. 56], đã tiết lộ một cách tinh vi về cách sự chuyển đổi đô thị tự phát có thể hủy hoại hình ảnh nguyên bản của các địa điểm bằng cách tạo ra một thứ bản sắc tập thể của các địa điểm. Trong lần trở lại Hà Nội, nhân vật chính tiếp xúc với hai bộ mặt đối lập của Hà Nội cũ và mới, nơi cô thất vọng và đau khổ. Đoạn hồi tưởng khắc họa sự đan xen giữa một Hà Nội xưa thanh lịch và quyến rũ với Hà Nội hỗn loạn của hiện tại, qua đó đặt câu hỏi về tính hợp lệ của chiến tranh và vai trò của những nhà quy hoạch kiến trúc.

Những mối quan hệ tương tác giữa thiên nhiên, thành phố và bản sắc được xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau. Các không gian sống đặc trưng trong xã hội bao cấp của Hà Nội, bao gồm không gian biệt thự, không gian phố cổ và không gian khu tập thể được phân tích trước tiên để thể hiện các đặc quyền xã hội mà chủ sở hữu được tiếp cận. Tương ứng với các không gian nhà ở đa dạng là lối sống của cư dân, những minh họa tiêu biểu nhất cho khái niệm “bản sắc của địa điểm” của Relph, trong đó tính cá nhân dai dẳng hoặc sự khác biệt của các địa điểm thực sự được “kế thừa” trong một số không gian nhất định và dùng để phân biệt giữa các không gian khác nhau. Các nghiên cứu về đặc điểm của các địa danh là tiền đề cho việc hoàn thiện tổng thể quá trình cơi nới không gian đô thị diễn ra tại Hà Nội, vốn được cho là hậu quả của các chính sách di cư bất hợp lí. Được ví von như một “tác phẩm nghệ thuật có ý thức”, thành phố Hà Nội đã thể hiện một hình ảnh hoàn toàn mới thông qua phong cách kiến ​​trúc Đổi mới, thông qua việc công dân lấn chiếm không gian công cộng thành không gian riêng và thay thế môi trường tự nhiên bằng không gian ở. Một số “cuộc chiến” đã xảy ra trong quá trình mở rộng không gian-đô thị như vậy, giữa những người hàng xóm với nhau và giữa con người với môi trường, cũng minh họa những mặt hạn chế về mặt xã hội và môi trường trong quá trình chuyển đổi đô thị đối với hệ thống sinh thái.

Nơi cư trú và địa vị xã hội trong Phố vẫn gió

Thông qua lời kể của nhân vật chính Ngân, cuốn tiểu thuyết được bắt đầu với những không gian kiến ​​trúc đặc trưng của Hà Nội: những ngôi nhà mặt phố và những khu tập thể. Những không gian mặt phố này cho thấy địa vị xã hội của hai người bạn thân của Ngân: Béo sống trong một biệt thự kiểu Pháp và Thái Hằng sống trong một khu Phố Cổ. Có mẹ là cán bộ cấp cao, Béo và gia đình cô “sống gần như trọn vẹn tầng hai một biệt thự trong phố” [11, tr. 14]. Nói “gần như” là do họ chia sẻ căn biệt thự với một gia đình khác, điều này sẽ được phân tích ở phần sau. Nhưng đây không phải là vấn đề chính. Điều đáng nói là họ có nhà tắm và nhà vệ sinh riêng. Chính nhà vệ sinh riêng, trong khi mọi hộ gia đình đều sử dụng chung nhà vệ sinh ở Hà Nội, mới xác định chủ sở hữu thuộc tầng lớp trung lưu hoặc bình dân. Do đó, nhà vệ sinh của Béo được miêu tả một cách độc đáo và đáng ngưỡng mộ: “[...] vì trong mắt một cô bé con nhà bình dân, cái nhà xí là minh chứng của ‘một phần của chủ nghĩa xã hội’” nơi mà mọi người “ngồi trong đó đọc Paris sụp đổ dưới ánh nắng chiều rọi qua vòm sấu vào thẳng khung cửa sổ” [11, tr. 14]. Nhóm công dân có đặc quyền cư trú trong không gian nhà mặt phố không chỉ bao gồm những quan chức cấp cao mà còn cả những người tự nhận mình là có học thức và cao quý hơn cư dân tỉnh lẻ nhờ nguồn gốc xuất thân của họ. Gia đình của Thái Hằng, những người sinh ra ở Hà Nội và được xác định là Hà Nội gốc thuộc một tầng lớp như vậy. Những “người Hà Nội” này, được Lê Minh Hà ẩn dụ bằng hình ảnh “cành to rễ dài nhiều đời”, được cho là tượng trưng cho các giá trị và bản sắc văn hóa của thủ đô. Trên tinh thần đó, những di dân tỉnh lẻ có xu hướng gắn bó với Hà Nội với hi vọng thứ nhất là hộ khẩu thường trú, và sau nữa là ngấm ngầm chia sẻ niềm tự hào là công dân thủ đô.

Gia đình bốn thế hệ của Thái Hằng sống trong một ngôi nhà mặt phố xinh đẹp với hai tầng và hai dãy phố ở Phố Cổ. Dãy trước của tầng 1 là nơi ở của bà Thái Hằng và con trai (chú của Thái Hằng) trong khi người cô chưa kết hôn của Thái Hằng sống ở dãy sau. Tầng hai do gia đình Thái Hằng và một người chú khác sinh sống.

Những ngôi nhà mặt phố thuộc sở hữu của những người bạn của người kể chuyện, những “thiểu số" khác, được đặt kề cận những ngôi nhà tập thể do người kể chuyện, thuộc “đa số” cư ngụ. Ngân sống trong một khu tập thể ba dãy nhà, nơi cả gia đình cô được phân vào một căn phòng rộng 14m2, có diện tích giống hệt phòng tắm của Béo. Trong khi Ngân chỉ mua một lạng đậu phộng cho bữa trưa của mình thì gia đình Béo lại trữ trong nhà cả bao đậu phộng. Hoặc hạt tiêu, thứ chỉ được phân phát cho mọi người vào những dịp lễ, được rải trong tủ quần áo của nhà Béo để trừ gián. Tương tự, lối sống sung túc này cũng được duy trì trong ngôi nhà của Thái Hằng. Được người bà con Việt kiều giúp đỡ, gia đình Thái Hằng thay vì tranh nhau mua đồ ăn ở cửa hàng mậu dịch thì có thể mua đồ ở thị trường tự do, nơi đồ ăn đắt và ngon hơn: “Đậu phụ là miếng đậu mỏng thơm lừng chứ không chua chua như cửa hàng mậu dịch, rau muống là rau mầm chứ không phải rau xơ” [11, tr. 166]. Sự giàu có được người kể chuyện cảm nhận thông qua cái mùi đặc biệt trong nhà Béo, một mùi hương thoáng đãng “không ám hơi dầu, hơi nước mắm dây ra chạn bát, hơi quần áo giặt mãi không khô hay hơi người” [11, tr. 188]. Thậm chí, sự thịnh vượng và tinh tế trong lối sống của cô bạn gái còn được người kể chuyện liên tưởng đến vẻ đẹp của người Hà Nội, thứ khiến “bao người Việt Nam đi xa về gần đều phải một lần tìm tới để rồi vì thế mà đâm thất vọng sâu xa về người đang sống ở Hà Nội bây giờ” [11, tr. 166].

Căn tính và xung đột căn tính trong không gian đô thị

Các không gian nhà ở riêng biệt đóng vai trò là nền tảng hoàn hảo để chúng tôi phân tích các bản sắc tương phản, liên kết chặt chẽ với các không gian gia đình, của các cá nhân và nhóm người. Thoạt đầu, căn tính của người ngụ cư dường như chỉ bao gồm các khuôn mẫu nhận dạng đơn giản và đồng nhất được gán cho các không gian nhất định. Tuy nhiên, luôn có những điểm tương đồng và dị biệt giữa các địa điểm, chưa kể đến căn tính của một địa điểm lẫn căn tính của một người hoặc một nhóm hình thành ở địa điểm đó đều đáng được xem xét [5, tr. 45]. Do đó, phân tích của tôi tập trung vào cả những căn tính có thể được hình dung và không được hình dung của các không gian nhà được minh họa thông qua người ngụ cư. Những cuộc cãi vã giữa những người hàng xóm để giành quyền sở hữu không gian nhà được chú ý đặc biệt bởi chúng là minh họa tốt nhất về những đặc điểm tính cách tương đồng được mong đợi từ những người ngụ cư đối với những nơi ở nhất định.

Nhà vệ sinh, thước đo vô hình cho sự sung túc của cư dân, có thể là một nơi thuận tiện để tìm hiểu về hành vi của con người. Trong khi phòng vệ sinh riêng của Béo trông như thể một thư phòng lí tưởng mặc dù bệ xí bị hỏng, những gì đang xảy ra trong hố xí tập thể giải thích cách thức nhà vệ sinh riêng được hình dung như biểu tượng của thiên đường xã hội chủ nghĩa. Nói vắn tắt, những người sống trong nhà tập thể không quan tâm đến việc dọn dẹp sau khi sử dụng nhà vệ sinh. Thay vào đó họ chờ người lao công! Vì vậy, trong trường hợp thiếu nước hay thiếu người lau dọn, nhà xí tràn ngập báo Nhân Dân, Thanh Niên hay Thiếu Niên Tiền Phong! Hành lang chung giữa các căn hộ cũng là một nơi khác phản ánh ý thức vệ sinh kém của những người ngụ cư, họ quét bụi ra khỏi nhà và “rấp lại bên cánh cửa chờ nó lang thang trong hành lang và hy vọng bụi nhà mình dạt được vào cửa nhà khác” [11, tr. 123].

Ngoài ra, cuộc cãi vã giữa các cư dân trong mỗi không gian sống lại cung cấp một ví dụ khác về hành vi của cư dân tương ứng với nơi ở của họ. Sự thiếu thốn hương vị tình thân dường như bao trùm lên những ngôi nhà mặt phố, điều thậm chí còn bộc lộ qua những cuộc cãi vã mỉa mai của những người sống chung như thể họ hoàn toàn xa lạ với nhau. Ngược lại, những người sinh sống trong khu tập thể vẫn trò chuyện sinh hoạt với hàng xóm mặc dù chỉ cách đó vài ngày, hai nhà gần như lôi cả gia đình ra tranh chấp. Hai cách cư xử trái ngược nhau dường như ngụ ý những quy tắc hành vi phổ biến đối với một số nhóm xã hội. Những cư dân “mặt phố” hoặc “biệt thự”, theo đó, cư xử dè dặt và kín đáo hơn trong khi những cư dân sống trong khu tập thể lại hành động ầm ĩ hơn. Tuy nhiên, luôn có những ngoại lệ trong các nguyên tắc hành vi dường như mặc định được đặt ra trong những không gian nhất định, vốn chứa đựng những bản sắc phức tạp và linh hoạt được hình thành một cách tương tác giữa các cá nhân và môi trường văn hóa mà họ thuộc về.

Những người sống ở tầng dưới tại biệt thự Pháp cũng cạnh tranh gay gắt. Ở tầng một là đại gia đình phức hợp của bà Thiều Như, gồm vợ chồng con gái bà trong cuộc hôn nhân trước và người chồng mới của bà, sống trong cùng một hộ gia đình. Xung đột giữa họ lên đến đỉnh điểm vào ngày Thiều Anh, con gái của bà Thiều Như với chồng cũ, xây bức tường ngăn cách chú Khánh, người chồng thứ hai của bà Thiều Như, trong căn biệt thự. Bức tường “xây vòng cung đón ngay chân cầu thang ngăn đôi cái hành lang vừa cao vừa rộng” [11, tr. 109], giống hệt bức tường gạch ở nông thôn nhưng lại mọc lên trong ngôi biệt thự kiểu Pháp ở Hà Nội. Nó như một lời tuyên chiến giữa gia đình Thiều Anh và gia đình cha dượng của họ chỉ vì những người sau không chi trả chi phí sinh hoạt. Mặc dù bức tường hữu hình cuối cùng cũng bị gỡ xuống, một bức tường vô hình khác, bắt nguồn từ lòng ghen tị và lòng tham, được dựng lên: “Bây giờ, giữa gia đình đó là một bức tường có thật và một bầu không khí sục sôi đứng ngoài cũng thấy nhột nhạt” [11, tr. 114]. Cuộc đấu tranh giành không gian không chỉ minh hoạ cho sự khan hiếm không gian ở mà còn làm sáng tỏ hậu quả của nó đối với căn tính của người ngụ cư. Nếu không có quan hệ huyết thống, sự gắn kết gia đình có thể bị thách thức do thiếu hụt lợi ích vật chất, bất kể các thành viên sống bao lâu với nhau dưới một mái nhà.

Tóm lại, tự sự về không gian sống không chỉ kể những câu chuyện đơn thuần về không gian ở và danh tính của chủ sở hữu được chỉ định trong những không gian đó. Chúng minh họa cả hình mẫu và sự biến dạng giữa địa điểm và người ở để phản ánh tính chất phức tạp của các cá nhân trải nghiệm với những địa điểm nhất định. Trọng tâm tiếp theo của tôi chuyển từ đặc điểm nhận dạng của các cư dân sang các đơn vị ở để làm sáng tỏ cách thức bản sắc đại chúng của Hà Nội được tạo ra thông qua việc mở rộng không gian sống một cách tự phát. Hình ảnh mới của thành phố không chỉ phản ánh sự khẳng định của cư dân về bản thân đối với láng giềng của họ mà còn là sự thể hiện rõ ràng của các nơi ở về chiến thắng của chúng đối với môi trường sinh thái xung quanh.

Ý nghĩa của các địa điểm

Khái niệm của Edward Relph về bản sắc của nơi chốn, được cấu thành từ ba thành phần cơ bản bao gồm bối cảnh vật chất, các hoạt động và ý nghĩa [5, tr. 47], được thể hiện xuyên suốt trong phần thứ hai trong tiểu thuyết của Lê Minh Hà. Bắt nguồn từ ý định và kinh nghiệm của con người, ý nghĩa của các địa điểm không chỉ cung cấp tính cá nhân hoặc sự khác biệt của một nơi với những nơi khác [5, tr. 45] mà còn phân biệt một người là kẻ quan sát khách quan hay chủ quan khi tiếp cận một không gian kiến trúc . Những thành phần này được đan xen vào nhau tạo nên bản sắc chung của Hà Nội, đặc trưng bởi sự biến đổi tự phát của nó. Đặc biệt, bản sắc này, hay hình ảnh mới này của Hà Nội, không chỉ là “những trừu tượng có chọn lọc của một thực tại khách quan” mà được giải thích một cách có chủ đích về “những gì đang có hoặc những gì được cho là có” [5, tr. 56]. Theo nghĩa này, Hà Nội được coi là công trình xây dựng dân dụng khổng lồ, trong đó sự suy tàn đô thị đã được cảm nhận, ít nhất là với người kể chuyện, ở hầu hết mọi ngóc ngách của thành phố.

Cái nhìn ảm đạm của người kể chuyện về Hà Nội làm mờ đi sự phân loại về hai dạng người quan sát, trong cuộc và ngoài cuộc, theo gợi ý của các học giả phê bình sinh thái. Sự phân chia rõ ràng giữa trong cuộc và ngoài cuộc về cơ bản nhấn mạnh sự đắm chìm hoặc khoảng cách mà một người trải nghiệm có đối với một địa điểm. Theo đó, “anh nhìn vào một địa điểm như một khách du lịch có thể nhìn vào một thị trấn từ xa” với tư cách là người ngoài cuộc và với tư cách là người trong cuộc, “anh trải nghiệm một địa điểm, đắm chìm vào nó và là một phần của nó” [5, tr. 49]. Người kể chuyện không phải là người trong cuộc cũng không phải là người ngoài cuộc; hoặc cô ấy có thể là cả hai. Là người Hà Nội, dù là người Hà Nội sống trong khu tập thể, nhưng cô lại trải nghiệm cái hồn của Hà Nội qua những ngôi biệt thự kiểu Pháp trên những con phố với ánh đèn dịu nhẹ, tiếng nhạc du dương và sự êm đềm của nó khiến thành phố càng trở nên quyến rũ hơn. Càng gần với những kí ức của thành phố trong quá khứ, người kể chuyện càng xa hơn với thực tế của nó trong hiện tại. Theo nghĩa này, nhân vật nữ chính vừa là người trong cuộc vừa là người ngoài cuộc.

Bộ mặt mới của Hà Nội đô thị hóa không chỉ thể hiện qua sự méo mó của những công trình tập thể mà còn ở những ngôi biệt thự cổ. Tham gia vào “nhóm lợi ích” của những người tranh giành không gian sống là bà Nắng , người cần vụ của bà Thiều Như. Động thái đầu tiên của bà Nắng trong những ngôi nhà mặt phố về cơ bản cũng giống như những người ngấm ngầm lấn chiếm không gian ở những khu tập thể, tức là chuyển đổi đất công thành của riêng. Không gian được minh họa ở đây là một khoảnh sân chung chẳng mấy chốc trở thành căn phòng nhỏ nhưng riêng tư của bà Nắng trong biệt thự. Sau đó bà xin phép xây một căn nhà cấp bốn gần cổng vào biệt thự. Sau đó bà có hẳn một ngôi nhà cho riêng mình!

Không gian đã được nhà địa lí nhân văn Yi-Fu Tuan đề cao trong những quan sát tinh vi của ông về không gian và trải nghiệm như một địa điểm không thể chối cãi cho nhận thức thực sự của con người về các giá trị của cuộc sống. Điều thú vị trong các nghiên cứu tinh vi của Yi-Fu Tuan là việc ông coi nhà là nơi thân thiết nhất mà dù nơi đó có đơn sơ, xấu xí hay nhàm chán đến đâu nó cũng luôn được mong ngóng. Việc va chạm và cảm nhận, thay vì nhìn ngắm và tính toán, tạo nên sức mê hoặc mạnh nhất của người ngụ cư đối với Ngôi nhà của họ, níu giữ họ lại bằng mùi hương, âm thanh và cảnh vật [17, tr.145]. Đó là cảm giác phân biệt người trong cuộc với người ngoài cuộc. Nhưng Hà Nội, theo cách nhìn của người kể chuyện, giờ đầy những nghịch lí. Vào lúc cảm thấy xa lạ với nó, cô biến mình từ người trong cuộc thành người ngoài cuộc. Hà Nội với hình ảnh hiện tại không còn là quê hương của cô, hay cô không còn đồng nhất mình với nó.

Nhưng người kể chuyện không phải là người duy nhất không thể tìm thấy một nơi gọi là Nhà. Phần sau của cuốn tiểu thuyết chứng kiến ​​“thế hệ mất mát” những kẻ đột nhiên bị phơi bày trước sự suy đồi của xã hội đương thời, đồng thời thấy mình thất bại và cô lập. Điều này không có nghĩa là tác giả đã không nhận thấy bất kì tín hiệu tích cực nào trong cuộc sống. Nó chỉ đơn giản là cho chúng ta biết rằng ta nên tập trung vào cả những bản sắc bị xa lánh và suy thoái được thể hiện qua một số người ngụ cư. Và, bằng cách đọc kĩ (hoặc nhìn sâu) này, chúng ta có thể nhận ra sự suy thoái danh tính của cư dân, trên thực tế, bắt đầu quá trình của nó thông qua các không gian sống bị biến dạng.

Kết luận

Tóm lại, các lí thuyết về căn tính- địa điểm cung cấp cho chúng ta một công cụ để xem bản sắc của các địa điểm đã được thử thách như thế nào qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Trong tiểu thuyết của Lê Minh Hà, sự đi xuống của bản sắc cư dân được miêu tả song song và thường xuyên với sự suy thoái của môi trường đô thị, điều cho thấy mối liên hệ giữa trải nghiệm của con người với môi trường xung quanh. Những phân tích đa chiều giữa thành phố, thiên nhiên và bản sắc minh họa cách những thiểu số đã được chuyển đổi thành đa số bởi quá trình mở rộng đô thị. Việc mở rộng không gian sống một cách tự phát ở Việt Nam đã thể hiện mối quan hệ của cư dân không chỉ với hàng xóm mà còn với môi trường tự nhiên. Và, thông qua những cuộc chiến tranh giành không gian sống, sự thô ráp và lụp xụp xuất phát những tòa nhà cơi nới đã trở thành những nét đẹp thời thượng và khẳng định mình như một hình ảnh mới của Hà Nội. Nghiên cứu về ý nghĩa của căn tính- địa điểm được thể hiện qua trường hợp tiểu thuyết Lê Minh Hà cũng cho phép chúng ta hiểu sâu sắc về căn tính của chúng ta, với tư cách là những sinh vật sinh học, được định hình một cách tinh vi không chỉ bởi nơi chúng ta sống mà còn cả cách chúng ta sống. Do đó, khám phá tính phức tạp của căn tính liên quan đến các địa điểm giúp làm sáng tỏ các nghiên cứu về căn tính bị ảnh hưởng bởi các tác nhân lịch sử lẫn quyết định của con người. 

TRẦN TỊNH VY

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số tháng 9/2022

Tài liệu tham khảo

 [1] Anne Buttimer (1980) “Home, reach, and the sense of place”, trong Anne Buttimer and David Seamon, The Human Experience of Space and Place, Routledge, Oxford.

[2] Catrin Gerdorf (2016) “Urban Ecologies: An Introduction.” Ecozone, vol. 7, no. 2, pp. 1-9, doi.org/10.37536/ECOZONA.2016.7.2.1151.

[3] Cheryll Glotfelty, and Harold Fromm (1996), The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology, University of Georgia Press, Georgia.

[4] Clare C. Cooper (1974) “The house as symbol of the self” trong John Lang, Charles Burnette, Walter Moleski, David Vachon, Designing for Human Behavior: Architecture and the Behavioral Sciences, Stroudsburg: Dowden, Hutchinson & Ross, Distributed by Halsted Press.

[5] Edward Relph (1976), Place and Placelessness. Pion, London.

[6] Edward S. Casey (2001), “Body, Self and Landscape: A Geophilosophical Inquiry into the Place-World” trong Paul. C. Adams, Steven D. Hoelscher and Karen E. Till, Textures of Place: Exploring Humanist Geographies, University of Minnesota Press, Chicago.

[7] Harold M. Proshansky, et al (1983), “Place-identity: Physical World Socialization of the Self.” Journal of Environmental Psychology, vol. 3, pp. 57-83, doi.org/10.1016/S0272-4944(83)80021-8.

[8] Hazel Easthope (2004), “A Place Called Home.” Housing, Theory and Society, vol. 21, no. 3, pp. 128-138, doi: 10.1080/14036090410021360.

[9] James S. Duncan and Nancy G. Duncan (2001), “Sense of Place as a Positional Good: Locating Bedford in Place and Time” trong Paul. C. Adams, Steven D. Hoelscher and Karen E. Till, Textures of Place: Exploring Humanist Geographies, University of Minnesota Press, Chicago.

[10] Lawrence Buell (1995), The Environmental Imagination: Thoreau, Nature Writing, and the Formation of American Culture. Belknap Press of Harvard UP, Harvard.

[11] Lê Minh Hà (2014), Phố vẫn gió. Nxb. Lao Động, Hà Nội.

[12] Lewis Mumford (1938). The Culture of Cities. A Harvest/HBJ Book.

[13] Linda McDowell (1999) “Home, Place and Identity” trong Linda McDowell, Gender, Identity and Place: Understanding Feminist Geographies. University of Minnesota Press, Chicago.

[14] Lisa Benton-Short, and John Rennie Short (2008). Cities and Nature. Routledge, Oxford.

[15] Robin Cohen (2018), “Four phases of diaspora studies”, trong Klaus Stierstorfer and Janet Wilson, The Routledge Diaspora Studies Reader, Routledge, Oxford.

[16] Yi-Fu Tuan (1980), “Rootedness versus sense of place.” Landscape, vol. 24, no. 1.

[17] Yi-Fu Tuan (1998), Escapism. Johns Hopkins UP, Baltimore.