K.VH - Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh sinh năm 1931 tại Điện Bàn, Quảng Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Huế, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Phó trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương, là tác giả của nhiều giáo trình, chuyên khảo, tiểu luận phê bình, đã qua đời lúc 22 giờ 30 ngày 19/11/2023 tại TP Hồ Chí Minh.
Chúng tôi xin đăng lại bài viết về một cuốn sách của GS Nguyễn Văn Hạnh để tưởng niệm Thầy.
*
* *
Lý luận - phê bình văn học: thực trạng và khuynh hướng (NXB Khoa học Xã hội, 2009) tập hợp 15 bài viết của GS Nguyễn Văn Hạnh từ 1998 đến nay. Đây là những tiểu luận thực hiện vào những thời gian khác nhau, nhưng tập trung vào một chủ đề nên tạo được tính hệ thống cho cuốn sách.
Nội dung cuốn sách gồm 3 phần: Những bài viết về một số vấn đề lý luận văn học cơ bản đồng thời có ý nghĩa thời sự trong giai đoạn hiện nay: bản chất và ý nghĩa của văn học, mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, tự do tư tưởng và tự do sáng tác. Tiếp đó là những suy nghĩ về vai trò, nhiệm vụ của lý luận và phê bình văn học; về yêu cầu đặt ra cho người làm công tác lý luận - phê bình trên bình diện xã hội và trong phạm vi nghề nghiệp. Tác giả dành những trang cuối để bàn về một số hiện tượng trong đời sống lý luận, phê bình và sáng tác như: Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, thơ Việt Nam sau 1975, thơ Quảng Nam thế kỷ XX. Ba phần này hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
Trong những bài viết thiên về lý luận có nhiều ý kiến đúc kết từ thực tiễn và soi sáng cho đời sống văn học. Ngược lại, những bài viết phân tích các hiện tượng văn học sử cũng nằm trong mạch văn có thiên hướng lý luận của tác giả.
Công trình có tính nhất quán về nội dung là vì các luận điểm được xây dựng và triển khai trên một nền tảng chung: tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm cao của tác giả đối với việc xây dựng một nền lý luận - phê bình tiên tiến, hiện đại và một nền văn học có phẩm chất dân tộc và giá trị nhân văn sâu sắc. Tinh thần đó xuyên suốt 320 trang sách, nổi bật ở những chỗ tác giả đề cao truyền thống đồng thời với việc cổ vũ sự cách tân trong văn học; đòi hỏi tính chuyên nghiệp của người làm lý luận - phê bình đồng thời với việc tôn trọng sự tiếp nhận của bạn đọc; khẳng định sức sống của lý luận mác-xít đồng thời kêu gọi học tập, tiếp thu lý luận và phương pháp luận hiện đại.
Cuốn sách gắn liền với giai đoạn mà sự đổi mới văn học trải qua những cuộc tranh luận sôi nổi, thúc đẩy quá trình tìm tòi suy nghĩ của các nhà lý luận - phê bình cũng như người sáng tác. Cuốn sách cũng phản ánh không khí học thuật và văn nghệ của thời đại, đồng thời thể hiện sự trăn trở của tác giả trước những vấn đề nóng bỏng của văn học. Những ý kiến tâm huyết của tác giả có tác dụng gợi mở trao đổi trong tinh thần đối thoại với tất cả những người cùng chia sẻ một niềm tin rằng “qua thảo luận, tranh luận, nhiều điều sẽ sáng tỏ, giúp cho nền văn học của chúng ta phát triển thuận lợi và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp hơn”.
Là một nhà khoa học hàng đầu trên lĩnh vực lý luận - phê bình văn học ở nước ta, bằng sự trải nghiệm và những suy nghĩ đã đến độ chín, GS Nguyễn Văn Hạnh đã tìm cách lý giải hướng đi của văn học đương đại qua tấm gương của lý luận - phê bình. Điều đó được trình bày bằng một văn phong mạch lạc, khúc chiết và nồng nhiệt. Có thể nói Lý luận - phê bình văn học: thực trạng và khuynh hướng là một cuốn sách có giá trị thực tiễn, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học hiện nay.
Huỳnh Như Phương
(2009)