Khoa Văn học là một trong những khoa gắn liền với quá trình phát triển của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Đây là Khoa quy tụ nhiều thế hệ học giả, nhà nghiên cứu, cũng như tiếp tục bồi dưỡng những thế hệ tiếp nối trong lĩnh vực nghiên cứu văn học ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Khoa Văn học có nhiều hoạt động giáo dục đào tạo, hợp tác liên kết và đặc biệt sinh hoạt học thuật sôi nổi, nhiều thành tựu đáng trân quý.
Đầu năm 2024, Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM phát hành tập sách “Lý luận - phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng” do GS. TS. Huỳnh Như Phương, PGS. TS. Nguyễn Hữu Hiếu, PGS. TS. Lê Quang Trường tập hợp và tuyển chọn; Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM ấn hành. Tập sách quy tụ nhiều bài viết của nhiều thế hệ nhà nghiên cứu[1] với đa khuynh hướng và nền tảng lý luận phê bình đa dạng, phong phú. Trong đó, người đọc có thể bắt gặp tín hiệu cảm nhận mới với sự nhiệt thành sinh khí học thuật sôi nổi trong lĩnh vực nghiên cứu văn học hiện nay.
1. Tinh thần dân tộc và việc giữ gìn, phát huy giá trị văn học Việt Nam
Điều dễ nhận thấy là sự tiếp nối truyền thống để thúc đẩy, phát triển thêm dòng mạch vốn có của cộng đồng học thuật ở Nam Bộ và hoạt động giảng dạy – nghiên cứu lý luận phê bình văn học ở Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM đã định hình như học phong nhất định. Trong đó, lịch sử hình thành và phát triển của Bộ môn Lý luận và Phê bình văn học cho thấy Bộ môn đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chính điều này ngược lại là động lực giúp cho Bộ môn ngày càng phát triển. “Trong ý thức thực hành của Khoa Văn học, Lý luận văn học không tách rời mà gắn bó mật thiết với phê bình và lịch sử văn học; những vấn đề lý thuyết luôn được đúc kết từ thực tiễn văn học và góp phần soi sáng, lý giải thực tiễn. Lý luận văn học có sức sống là lý luận vận động và phát triển trên nền tảng của đời sống văn học Việt Nam và thế giới, phương Đông và phương Tây, cổ điển và hiện đại” (tr.9). Từ thực tiễn ấy, Bộ môn Lý luận và Phê bình văn học cùng với hoạt động Khoa Văn học nói chung càng thể hiện học phong qua việc đào tạo và kiến tạo thế hệ tiếp nối. Trong sinh hoạt học thuật, Bộ môn cho thấy sự hội tụ, tiếp nối từ thế hệ trí thức trước 1975 ở cả hai miền Nam Bắc, tới thế hệ nhà khoa học trưởng thành trong thời kỳ đổi mới và nhất là lực lượng trẻ của Bộ môn và của toàn Khoa hiện nay. Sự hội tụ và phát huy này, làm tiền đề và động lực phát huy nhiều hơn nữa những thành tựu sẵn có; đồng thời kiến tạo giá trị mới.
Bìa sách “Lý luận - phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng” do GS. TS. Huỳnh Như Phương, PGS. TS. Nguyễn Hữu Hiếu, PGS. TS. Lê Quang Trường tập hợp và tuyển chọn
Không chỉ tinh thần cập nhật, đổi mới, công trình “Lý luận – phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng” giúp người đọc nắm bắt ý hướng bảo lưu, giữ gìn những giá trị dân tộc đáng quý theo thời gian. Nhất là góc nhìn từ phê bình giáo khoa đến việc giảng dạy văn học ở nhà trường Việt Nam. Có thể nói, PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân đã khiến cho người đọc có cái nhìn sáng rõ rất căn cơ về những vấn đề lý luận vốn phức tạp và nhiều chồng lấn. Như, phê bình giáo khoa khác với phê bình ấn tượng ỏ tính khách quan và tinh thần thực chứng; khác với phê bình tiểu sử, phê bình văn hóa lịch sử, phê bình tiến hóa luận khách quan ở chỗ nhìn thấy hạn chế của quyết định luận cá nhân và quyết định luận xã hội lịch sử (tr.15-16). Từ chắt lọc tinh thần khoa học của Gustave Lanson, người đọc có thể nhận ra nhà nghiên cứu muốn nhấn mạnh đến việc dạy học văn học trong nhà trường không nên chỉ là học “mỹ văn” mà nên chăng hướng đến “rèn luyện một văn hóa đích thực” (tr.16). Có lẽ cần nói thêm, đó là việc rèn luyện cho người học văn học nhận thức văn hóa và khả năng thực hành văn hóa đích thực. Lẽ đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Xuân đánh giá vai trò của phê bình giáo khoa đối với việc giảng dạy văn học trong nhà trường: “Ông muốn đào tạo những con người có khả năng tham gia vào đời sống văn học, văn hóa, một cách tự giác và chuyên nghiệp. Công việc này được chuẩn bị xuyên suốt từ tiểu học, trung học đến đại học, nhằm vực dậy lòng yêu văn học và kích thích cảm hứng công dân, dân tộc” (tr.20). Và hơn thế nữa, nhà nghiên cứu đã cho thấy cái nhìn trực diện, thẳng thắn, nhiệt thành. Đó là nhiệt tâm chính đáng của người trí thức với thời đại mình đang sống.
“Tuy vậy, nếu rà soát kỹ từ nền tảng, phải thừa nhận rằng đời sống học thuật Việt Nam vẫn đang ở vào thời kỳ tiền lý thuyết, hay nói cách khác, đời sống học thuật Việt Nam đang ở trong bước ngoặt mà nền giáo dục Pháp trải qua vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Việt Nam hôm nay cũng như nước Pháp thuở ấy, đang cần có một cải cách từ căn bản về giáo dục và hẹp hơn là chương trình văn học trong nhà trường để có thể bước vào thế giới hiện đại một cách vững chắc, đường hoàng, đủ tư cách” (tr.21).
Người đọc ngẫm suy và thú vị bởi các bài viết trong tập sách đều có cái nhìn soi chiếu lại thực tiễn sinh hoạt văn học ở Việt Nam như thế. Tập sách trải rộng ở nhiều địa hạt lý luận phê bình khác nhau, cả cổ kim lẫn đông tây; song trên hết, là tinh thần dân tộc và sự “bản địa hóa”. Nói khác đi, đó là ước mong đóng góp thêm cho bản sắc lý luận phê bình văn học (chí ít ở khu vực phía Nam) hiện nay. Phần nhiều tiểu luận trong tập sách đều nêu cao tinh thần dân tộc và khả năng ứng dụng cho trường hợp rất đặc thù của nền văn học nước nhà. Ví dụ, như: bài viết của PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân đối với việc giảng dạy văn học trong nhà trường Việt Nam; bài viết của PGS. TS. Đoàn Lê Giang về khả năng ứng dụng cho việc nghiên cứu văn học Việt Nam trong khu vực Đông Á, bài viết về Ngô Thì Vị và Nguyễn Du của PGS. TS. Lê Quang Trường trong việc nhấn mạnh tinh thần bản địa hóa và ý thức dân tộc.
“Nguyễn Du cảm nhận phong tục đương thời đã không còn thuần hậu như cảm nhận của Ngô Thì Vị trước đó, song ông nhấn mạnh hơn ở sự du nhập văn hóa ngoại lai dị tộc bằng hàng loạt những bài thơ vịnh sử. Trong ý thức đó, cả Ngô Thì Vị và Nguyễn Du đều cảm nhận được một sự pha trộn văn hóa có tính suy đồi trên mảnh đất đã sản sinh ra nó. Điều đó càng khiến họ cảm nhận rõ hơn về văn hóa Nho gia của nước Nam đã tiếp tu và nối dài liên tục với tinh thần bản địa hóa và ý thức dân tộc rất cao” (tr.49).
Tinh thần bản địa hóa hài hòa cũng việc giới thiệu tinh hoa tư tưởng và nghệ thuật của các nền văn học trên thế giới. Cũng tức là tinh thần dân tộc cởi mở và hiện đại. Như, “Siêu hình học Arab và Islam giáo” qua sự chuyển ngữ của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Bảo Trâm; hay “Zeami bàn về nghệ thuật kịch No: Mô phỏng, Yugen và cái kỳ diệu” qua sự chuyển ngữ của nhà nghiên cứu Ngô Trà Mi. Bên cạnh đó, nhiều tiểu luận quan tâm nghiên cứu văn học Nam Bộ ở nửa đầu thế kỷ XX. Như, tiểu thuyết lịch sử xuất bản ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX trong bài nghiên cứu của PGS. TS. Phan Mạnh Hùng; tiểu thuyết Người bán ngọc của Lê Hoằng Mưu trong bài nghiên cứu của PGS. TS. Võ Văn Nhơn và TS. Nguyễn Ngọc Bảo Trâm; nhà văn Sơn Khanh từ lý thuyết trường lực của Pierre Bourdieu của TS. Nguyễn Thị Phương Thúy;… Các nhà nghiên cứu thể hiện nỗ lực và khát vọng đóng góp cho sự phát triển căn tính dân tộc. Và hơn thế, như bài viết của PGS. TS. Phan Mạnh Hùng đã khẳng định:
“Căn tính dân tộc, trong quan niệm của chúng tôi không hoàn toàn theo cách mà Anderson đã quan niệm trong khái niệm “cộng đồng tưởng tượng” vốn gắn liền với tính không gian. Mà căn tính, ở đây, là đặc tính của một dân tộc, là cái hồn cốt tạo thành nếp sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng, những thực hành thiết chế chính trị, ngôn ngữ và tâm lý chung của cộng đồng đó. Căn tính được hình thành trong một lịch sử lâu dài của một tộc người, một thứ căn cước giúp cá nhân có thể định vị nơi mình thuộc về” (tr.270-271).
Nhà nghiên cứu Phan Mạnh Hùng đã tìm hiểu và thử soi chiếu quan niệm căn tính của Anderson vào trường hợp tiểu thuyết lịch sử Nam Bộ đầu thế kỷ XX, giúp người đọc – trong giới học thuật hay ngoài giới – nhận ra hai vấn đề: vấn đề lý luận, khi tìm hiểu tiếp thu lý luận phê bình phương Tây, nhà nghiên cứu đã thận trọng cân nhắc về khoảng chênh lệch trong khái niệm công cụ và phương pháp nghiên cứu; vấn đề thực tiễn, đó là căn tính dân tộc trong quan niệm phương Tây và phương Đông – chí ít ở Nam Bộ – không đồng nhất mà thậm chí rất khác biệt. Nếu, ở phương Tây khái niệm dân tộc cơ hồ xuất hiện từ thế kỷ XVIII với sự phát triển của chủ nghĩa tình cảm rồi chủ nghĩa lãng mạn, thì ý thức dân tộc ở Á Đông – trong đó có Việt Nam – cần được đặt trong cái nhìn “khác”. Nhà nghiên cứu Phan Mạnh Hùng giúp ta thấy cần tỉnh táo hơn trong việc sử dụng các khái niệm. Và trường hợp này, khái niệm căn tính dân tộc trong quan niệm phương Tây và quan niệm Á Đông – trong đó có các nhà văn Nam Bộ đầu thế kỷ XX – hẳn nên phân biệt rạch ròi, cụ thể và toàn diện.
Tựu trung, các bài viết đều cho thấy tấm lòng của người nghiên cứu đối với việc giữ gìn và gia cố thêm ý thức dân tộc trong văn học Nam Bộ nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.
2. Nhãn quan giao lưu hội nhập quốc tế trong nghiên cứu văn học
Từ 2007 đến nay, Bộ môn Lý luận và Phê bình văn học cùng với các bộ môn khác của Khoa Văn học đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. “Trên tinh thần đó, những thành tựu của Khoa Văn học được ghi nhận qua những giáo trình, chuyên khảo và các hội thảo khoa học về văn học so sánh, về thi pháp tác phẩm và thể loại, về tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam và Đông Á, về phong cách các tác gia văn học Việt Nam và thế giới, về hoạt động nghiên cứu – lý luận – phê bình văn học dân tộc từ cổ điển đến hiện đại, về ảnh hưởng của các lý thuyết và trường phái văn học nước ngoài vào Việt Nam,…” (tr.9). Khuynh hướng nghiên cứu ngày càng mở rộng, cập nhật và đa kết nối, cùng với đó là sự đa dạng hoạt động học thuật. Theo thời gian, Bộ môn và Khoa Văn học ngày càng thúc đẩy giao lưu, trao đổi học thuật trong nước và khu vực, vừa tiếp thu thành tựu nghiên cứu mới ở ngoại quốc vừa giúp giới thiệu văn học Việt Nam với bạn bè quốc tế.
“Cuốn sách này phản ánh những nỗ lực của Khoa Văn học trên con đường nghiên cứu Lý luận văn học trong quan hệ chặt chẽ với đời sống xã hội và văn hóa Việt Nam thời Đổi mới và hội nhập quốc tế. Từ những góc nhìn khác nhau, các tác giả là giảng viên của khoa góp phần nhỏ bé của mình làm đa dạng, và phong phú sinh hoạt học thuật trong nhà trường hiện nay. Tuy có một số bài viết từng công bố trên các tạp chí khoa học, nhưng đây là lần đầu tiên tất cả được đưa vào trong cấu trúc một cuốn sách với tên gọi chung Lý luận - phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng” (tr.10).
Tinh thần bảo lưu giữ gìn giá trị truyền thống đồng thời với việc tiếp nối và khai thác thêm nữa khả năng ứng dụng của khuynh hướng nghiên cứu mới mẻ, hiện đại. Trong đó, có thể thấy nghiên cứu văn học cổ trung (nhất là trong lý luận phê bình văn học cổ trung ở Việt Nam và Đông Á) ngày càng được hiện đại hơn, cập nhật hơn, cho thấy sự gắn kết đông tây hài hòa. Cụ thể, theo PGS. TS. Đoàn Lê Giang, đó là những ứng dụng mới của lý luận văn học cổ điển Trung Quốc trong nghiên cứu phê bình văn học cổ điển Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc trong cái nhìn khu vực (khu vực văn hóa chữ Hán) và nghiên cứu lý luận phê bình văn học cổ điển Việt Nam. Hơn thế nữa, nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang còn nhấn mạnh việc dung hòa Đông – Tây trong lý luận văn học.
“Trong thời đại ngày nay, quan niệm châu Âu trung tâm đã trở nên lỗi thời, trong lĩnh vực lý luận văn học cũng vậy. Nền lý luận có tính phân tích, khoa học của phương Tây cần phải được bổ sung cái uyên áo, thâm trầm và cách viết đầy tính nghệ thuật của lý luận phê bình văn học phương Đông. Chúng ta mơ ước có những bộ sách lý luận văn học, không chỉ trình bày tư tưởng lý luận phương Tây mà cả phương Đông nữa, để thấy rằng, phương Tây và phương Đông gần nhau lắm bởi tính nhân loại phổ biến của nó, nhưng đồng thời cũng thấy văn hóa phương Tây và phương Đông cũng có những bản sắc riêng, làm cho vườn hoa nhân loại thêm đa sắc” (tr.36).
Cho thấy, nhà nghiên cứu vận động thoát ra khỏi tư duy trung tâm luận – có lẽ cả Âu tâm luận lẫn Hán trung tâm luận – để vận động về phía đa nguyên hóa với cái nhìn cởi mở, hiện đại. Hơn thế nữa, việc nghiên cứu văn học phương Tây có thể như gương phản chiếu cho văn học Đông Á, và nghiên cứu văn học nước ngoài thực sự có thể gợi thêm góc nhìn để chúng ta nhìn lại văn học nước nhà. Tiêu biểu như bài viết của PGS. TS Trần Thị Phương Phương “Người kể chuyện về chiến tranh thời hậu chiến trong Số phận con người của Mikhail Sholokhov”. Qua bài viết này, người đọc có thêm góc nhìn và đồng thời có thêm nền tảng lý luận; cũng như phương pháp nghiên cứu về một số tác giả, tác phẩm thời hậu chiến trong văn học Việt Nam. Ở bài viết, nhà nghiên cứu Trần Thị Phương Phương xuất phát từ vấn đề người kể chuyện đề tài chiến tranh thời hậu chiến – tuy không mới, nhưng cần và đủ để làm bật lên tấm chơn tình, lòng nhân đạo như giá trị cốt tủy của tác phẩm văn học.
Địa hạt nữa cũng rất nổi bật, đó là việc tìm hiểu và ứng dụng lý luận phê bình văn học Pháp. Như, một số bài nghiên cứu: Tiểu thuyết mới từ phương Tây đến miền Nam Việt Nam (1954-1975); lý thuyết trường lực của Pierre Bourdieu; Trường hợp Gaston Bachelard; … Nổi bật trong số đó, tiểu luận của GS. TS. Huỳnh Như Phương làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Pháp qua hai trường hợp: tiểu thuyết dòng ý thức và tiểu thuyết mới. Bằng cách làm rõ sự ảnh hưởng của chúng đối với sự đổi mới sáng tác văn xuôi ở miền Nam. Nhưng nhà nghiên cứu làm rõ thêm ở trường hợp văn xuôi miền Nam bấy giờ không đơn thuần chỉ là tiếp biến thụ động mà có sự pha lẫn của nhiều khuynh hướng tư tưởng (thiền, hiện sinh) (tr.360) và cả sự pha lẫn đa dạng nhiều thủ pháp trần thuật khác nhau. Nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương mang lại những nhận xét xác đáng, chừng mực và cái nhìn rộng về trường hợp các nhà văn miền Nam như: Nguyễn Đình Toàn, Nhất Hạnh và đặc biệt là Hoàng Ngọc Biên. Rất hữu lý khi ông cho rằng không thể hoàn toàn đồng nhất lối trần thuật của Hoàng Ngọc Biên với các đại diện của tiểu thuyết mới ở Pháp như A. Robbe-Grillet, N. Sarraute, M. Butor. “Nhưng không hẳn lúc nào Hoàng Ngọc Biên cũng chỉ có cái nhìn khách quan và loại trừ mọi xúc động, nhận xét, suy tưởng: đoạn văn trích từ Đêm ngủ ở tỉnh trên kia là một dẫn chứng” (tr.363-364). Và, không chỉ trường hợp Hoàng Ngọc Biên, nhìn chung văn xuôi đô thị miền Nam 1954-1975 vẫn dừng lại ở mức nhỏ lẻ trong việc thể nghiệm dòng ý thức và tiểu thuyết mới. “Dù sao những thể nghiệm đó cũng góp phần đổi mới văn xuôi về mặt kỹ thuật mà những nhà văn sau chiến tranh có thể rút tỉa kinh nghiệm” (tr.364). Với cái nhìn lịch đại, người đọc có thể thấy sự du nhập và thể nghiệm tiểu thuyết mới trong các nhà văn miền Nam (1954-1975) cũng cho thấy vận động văn xuôi Việt Nam thế kỷ XX từ văn xuôi tiền chiến đến sáng tác văn xuôi ở các giai đoạn về sau. Như thế có thể nói, thể nghiệm theo khuynh hướng tiểu thuyết mới của giới cầm bút ở miền Nam hẳn có ít nhiều đóng góp cho lịch sử phát triển của văn xuôi Việt Nam trong thế kỷ XX.
Qua một số bài viết trên, người đọc hẳn nhận ra: nền tảng lý luận phê bình được tìm hiểu và ứng dụng trong tập sách phần nhiều từ nửa sau thế kỷ XX đến nay. Mối quan tâm về các khuynh hướng lý luận phê bình nước ngoài của các nhà nghiên cứu cũng phản ánh vận động lý luận phê bình ở Việt Nam – hoặc chí ít ở khu vực phía Nam. Trong đó, người đọc có thể bắt gặp nhiều tín hiệu đáng chú ý. Không hoàn toàn là những quan niệm, khuynh hướng tiếp cận hoàn toàn mới ở Việt Nam, song những hướng nghiên cứu (như phê bình phản hồi - độc giả; giải thực dân và căn tính văn hóa; nghiên cứu di cư, lý thuyết trường lực; hướng tiếp cận trình diễn trong folklore học;…) chưa thực sự được quan tâm đúng mức và rộng rãi. Lẽ đó, những bài viết của các nhà nghiên cứu trong tập sách này (khi nghiên cứu bao quát, căn cơ và ứng dụng đa dạng các hướng nghiên cứu vừa nêu) ít nhất cũng đã thúc đẩy đa dạng hóa, đa nguyên hóa lý luận phê bình văn học hiện nay.
Tập trung ở khả năng ứng dụng, hầu hết bài nghiên cứu đều đặt trong nhãn quan gắn liền với thực tiễn xã hội. Cho thấy, nhà nghiên cứu lắng nghe tiếng lòng của xã hội. Lẽ đó, nghiên cứu của các tác giả trong tập sách “Lý luận - phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng” có ý nghĩa thực tiễn rất đáng trân quý. Theo đó, ta cũng thấy các nhà nghiên cứu ở Khoa Văn học ý thức rất rõ ràng và sâu sắc vai trò xã hội của người trí thức đối với sự phát triển xã hội. Người đọc có thể nhận được tín hiệu ý thức này bởi sự thể hiện sâu sắc, thấm nhuần qua tất cả bài viết trong tập sách. Trong đó, đáng chú ý có bài viết “Từ phê bình giáo khoa, nghĩ về việc giảng dạy văn học ở nhà trường Việt Nam” của PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân hay bài viết “Tầm quan trọng của giáo dục cảm xúc trong môn Ngữ văn qua một số ngữ liệu của văn học Việt Nam cho cấp phổ thông” của PGS. TS. Trần Lê Hoa Tranh. Nhắc đến quan niệm giáo dục của Howard Gardner, người đọc nhận ra, nhà nghiên cứu Trần Lê Hoa Tranh chủ yếu bám sát thực tiễn giảng dạy văn học Việt Nam ở cấp phổ thông. Qua đó, nhà nghiên cứu họ Trần giúp người đọc (mà chủ yếu có lẽ các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp hiện nay) nhận thấy vai trò quan trọng của việc giáo dục cảm xúc (sự cảm thông, lòng trắc ẩn) cho học sinh thông qua những tác phẩm văn học (như Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Cuộc chia tay của những con búp bê của Khánh Hoài).
“Khi đọc và khi phân tích cho học sinh, người dạy nên xoáy vào một số ý chính quan trọng mà người học phát hiện ra khi đọc tác phẩm. Nên khuyên học sinh phải “đọc” tác phẩm, đừng đọc các lời bình, các ghi nhớ. Sau khi đọc, các bạn ghi ra giấy những gì mình cảm nhận đã, rồi nếu cần, mới đọc các bài giảng, bài bình luận. Hãy tôn trọng và đi theo cảm xúc của mình khi đọc tác phẩm, đó mới là những gì quan trọng nhất trong quá trình đọc văn” (tr.121).
Tập sách cho thấy khuynh hướng vận động về phía nghiên cứu liên ngành. Đặc biệt, nhiều cây viết trẻ cho thấy sự hăng hái trong việc tiếp nhận và ứng dụng những khung lý thuyết mới, rất hiện đại, rất cập nhật. Điều này, cho thấy sự giao lưu hội nhập trong lĩnh vực lý luận phê bình hiện nay. Tư duy giải thực dân hóa và sự định vị căn tính, nhất là trường hợp văn học Mỹ Latinh. Giới nghiên cứu ngày càng quan tâm hơn đến khu vực văn học này và ở đó, tìm thấy nhiều điều khả dĩ có thể thúc đẩy sinh hoạt văn học ở Việt Nam. Trước hết, đó là những vận động tương đồng về chính trị xã hội của Á - Phi - Mỹ Latinh trong thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Tư duy giải thuộc địa trong văn hóa, văn học cho thấy nỗ lực “giành lại tiếng nói và kinh nghiệm của cái khác”. Sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu thực dân khoảng thập niên 1970-1990, đồng thời cho thấy sự xoay trục địa chiến lược của trật tự thế giới lưỡng cực sang trật tự thế giới đa nguyên – đa cực. Cho nên có thể nói:
“Lý thuyết này cũng chú trọng việc phân tích mối quan hệ quyền lực giữa các nước thực dân, đế quốc với các nước đang/ từng là thuộc địa. Quyền lực ở đây không chỉ là quyền lực về chính trị, kinh tế, xã hội mà còn quyền lực về văn hóa, văn học. Lý thuyết hậu thực dân giúp cho việc xem xét văn học ở các nước bị xâm chiếm cần được đặt ra một cách khách quan hơn, nghiêm túc hơn và cần được đánh giá là một thực thể như chính nó, tìm hiểu bản sắc riêng của nền văn học đó mà không bị phụ thuộc bởi tư tưởng chính trị áp đặt từ bên ngoài” (tr.168).
Lẽ đó, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Phương đưa ra nhận định quan trọng:
“Vấn đề giải thực dân hóa và sự khẳng định bản sắc căn tính dân tộc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khẳng định bản sắc chính là một cách thức giải thực dân hóa ở các khu vực hậu thuộc địa” (tr.175).
Với quá trình tìm kiếm và khẳng định căn tính văn hóa trong trường hợp văn học Mỹ Latinh, người đọc có thể thấy bài viết của nhà nghiên cứu Lê Ngọc Phương mang lại nhiều gợi ý cho sinh hoạt văn chương ở Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu họ Lê, một trong những biểu hiện dễ nhận thấy của tư duy giải thực dân hóa chính là sự tìm kiếm và khẳng định căn tính văn hóa bản địa (tr.176). Chính ở đây, khi bạn liên hệ với bài viết của PGS. TS. Phan Mạnh Hùng – Lịch sử và kiến tạo ý niệm dân tộc: trường hợp tiểu thuyết lịch sử xuất bản ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX, sẽ thấy rằng văn học Việt Nam hoặc ít nhiều văn học ở Nam Bộ hẳn đã và vẫn tiếp tục khẳng định căn tính văn hóa bản địa như thế. Sự khẳng định căn tính như vậy diễn ra trong nhãn quan cởi mở, tiếp thu, chọn lọc và sáng tạo. Từ quá trình vận động của văn học Nam Bộ (từ thế hệ Trần Chánh Chiếu, Hồ Biểu Chánh đến thế hệ của Thẩm Thệ Hà, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, Sơn Nam và giai đoạn hiện nay với rất nhiều cây viết trẻ) đang tiếp tục phát triển diễn ngôn văn học Nam Bộ như quá trình ngày càng khẳng định và bồi tụ thêm căn tính văn hóa bản địa của vùng văn hóa này. “Sự vươn lên của những khu vực ngoại vi đã cho thấy rằng, các khu vực, các chủng tộc đều sở hữu những đặc trưng riêng để xây dựng nền văn học độc đáo của mình” (tr.184). Và hơn thế, văn học Nam Bộ và văn học Việt Nam nói chung sẵn có những điều kiện để phát huy “thương hiệu văn học quốc gia” trong bối cảnh văn học khu vực và thế giới. Để tận dụng và phát huy những điều kiện ấy, hẳn cần thêm rất nhiều người chung sức chung lòng!
Ở phương diện khác, bài nghiên cứu dịch thuật của nhà nghiên cứu Ngô Trà Mi mang lại cho người đọc thêm góc nhìn về quan niệm thẩm mỹ của văn học nghệ thuật Nhật Bản. Nhất là, người đọc có thể hình dung sâu sắc hơn cốt lõi thẩm mỹ, giá trị cốt lõi, chủ tính thẩm mỹ của văn học nghệ thuật Nhật Bản qua thời đại. Với đặc trưng thể loại chủ đạo mang tinh thần thời đại, kịch No qua sự chuyển ngữ của nhà nghiên cứu Ngô Trà Mi giúp ta thêm cơ hội thấu hiểu văn học nghệ thuật Nhật Bản, qua đó tăng thêm khả năng nghiên cứu so sánh văn học Việt Nam và Nhật Bản cũng như văn học khu vực Đông Á nói chung. Bởi khu vực văn học này có những quan niệm thẩm mỹ cùng chia sẻ.
“Yugen là cái đẹp không chỉ của vẻ bên ngoài mà quan trọng hơn là của tinh thần; nó là vẻ đẹp bên trong hiển lộ ra bên ngoài. Sự nhấn mạnh vẻ đẹp bên trong như là một đối trọng với cái đẹp của dáng vẻ bề ngoài là điều hiển nhiên khi mô phỏng trong kịch No, là tinh thần hướng nội, là bản chất bên trong. Đó là vẻ đẹp căn tủy nhất của vạn vật, cái đẹp của sự thật ẩn tàng. Phân tích từ nguyên, yugen được cấu thành từ yu 幽 (u) có nghĩa là sâu, là mơ hồ, không nhìn rõ, còn gen 玄 (huyền) vốn để chỉ bóng tối, sự sâu sắc, màu tịch lặng của vũ trụ, để chỉ cho cái bản thể chân thật trong Đạo giáo. Quan niệm của Zeami về yugen kết hơp nghĩa thông thường của từ này là cái đẹp ưu nhã với nghĩa từ nguyên vốn nói đến sự thẳm sâu, huyền nhiệm của vũ trụ. Zeami cảm nhận cái đẹp huyền nhiệm trong chân lý vũ trụ; có thể nói cái đẹp là màu sắc của chân lý” (tr.103).
Hơn thế, bài chuyển ngữ còn làm rõ thêm nguyên lý mô phỏng trong kịch No và qua đó cho ta thêm tấm gương phản chiếu “mô phỏng” trong quan niệm Aristotle và có lẽ như PGS. TS. Đoàn Lê Giang chia sẻ, tập sách có thể tạo ra thêm cơ hội kết nối và soi sáng quan niệm văn học phương Đông - phương Tây. Nếu như quan niệm mô phỏng trong kịch No của Zeami cho rằng:
“Thuật ngữ “mô phỏng” không còn được sử dụng như nghĩa thông thường nữa. Zeami gọi nó là “cảnh giới không mô phỏng”. “Trong nghệ thuật mô phỏng (mono mane)”, ông nói, “có một cảnh giới gọi là ‘không mô phỏng’. Khi diễn viên theo đuổi nghệ thuật này đến tận cùng và thực sự thể nhập vào đối tượng, anh ấy sẽ không còn nhận ra là mình đang mô phỏng”. Đồng nhất là trạng thái cuối cùng của mô phỏng” (tr.100).
Nhưng, sự đồng nhất này, không có nghĩa bê hoàn toàn đặc trưng có thực của đối tượng lên sân khấu, hơn thế, nguyên lý mô phỏng trong kịch No có những giới hạn nhất định và chính điều này cho thấy sự quan tâm của người nghệ sĩ đối với sự tiếp nhận của người xem. “Vì thế, diễn viên cần phải biết mức độ vừa phải khi mô phỏng một đối tượng. Thước đo mức độ này là bản thân hiệu quả tiếp nhận mà diễn xuất tạo ra. Đó là cái đẹp, hay Zeami gọi là Hoa” (tr.102). Khi so sánh, mô phỏng trong thi học Ấn Độ (cụ thể với khái niệm anukarana / anukirtana / anukriti[2]) nhắm tới tính chất đồng dạng của đối tượng mô phỏng và đối tượng được mô phỏng; cùng với đó là khả năng cách điệu cao trong sự thể hiện. Mô phỏng trong quan niệm thi học Ấn Độ dường như cũng tránh gây ra phản ứng tiêu cực thái quá đối với người xem, và ở chỗ này, khá gần gũi với quan niệm của Zeami trong việc tuân thủ nguyên lý mô phỏng để đạt đến chín muồi thẩm mỹ “Hoa”.
Nhìn chung, tập sách “Lý luận - phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng” của tập thể nhà nghiên cứu ở Khoa Văn học đã mở ra rất nhiều cơ hội và triển vọng nghiên cứu văn học. Ở đó, người đọc thấy đồng thời tinh thần bảo lưu, giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống và tinh thần cởi mở, tiếp thu, hội nhập với sinh hoạt học thuật quốc tế.
Nhà nghiên cứu Trần Bảo Định – tác giả bài viết
3. Những triển vọng cho sinh hoạt nghiên cứu văn học
Bên cạnh những nhà khoa học thâm niên và đã thực hiện nhiều công trình khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu, thì tập sách “Lý luận - phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng” tạo vùng “Đất hứa” giúp nhiều cây bút Lý luận - phê bình trẻ thực hiện ước vọng gieo hạt nảy mầm. Rõ là, qua từng bài viết được tập hợp và tuyển chọn, các nhà nghiên cứu trẻ đã cho thấy nội lực đáng kể, nền tảng lý luận vững vàng, hàm lượng khoa học dồi dào. Như, bài viết của ThS. Nguyễn Đình Minh Khuê với sự trình bày đi từ triết học hiện tượng luận đến phê bình hiện tượng luận. Đây là tín hiệu rất đáng mừng và đầy triển vọng, hứa hẹn thế hệ tiếp nối, đầy đủ khả năng thúc đẩy nền lý luận phê bình (đặc biệt ở khu vực phía Nam) có thêm bước tiến. Nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê cho thấy khả năng tư duy trừu tượng và đặc biệt, khả năng kết nối giữa khoa học và sự mơ mộng của thi ca qua trường hợp Gaston Bachelard. Nguyễn Đình Minh Khuê giúp ta thuận tiện tìm hiểu thêm về Bachelard, cũng như giúp người đọc dễ đàng di từ địa hạt khoa học sang địa hạt mộng tưởng. Hơn nữa, người đọc cảm nhận một tâm hồn phương Tây lại rất phương Đông. Đó là, phê bình hiện tượng luận các thi ảnh và một siêu hình học về mơ mộng thi ca. Qua đó, người đọc đồng cảm từ thực chứng sức trẻ, sự tươi mới và khát vọng của nhà phê bình.
“Một trong những di sản tinh thần quý giá nhất mà phê bình hiện tượng luận của Bachelard còn để lại, vì thế, theo chúng tôi, chính là lời nhắc nhở đầy minh triết rằng: chúng ta thực ra luôn có những khoảng không, dù rất nhỏ, để sống một cách tinh khôi, toàn vẹn với chính mình, và ta có thể tin rằng, ít nhất là trong khi đọc văn chương và giao cảm cùng các thi ảnh, ta sẽ luôn có những con đường để hiện thực hóa những dự phóng tự do cháy bỏng trong ta, để vượt ra khỏi mọi chế định, mọi buộc ràng, mọi mạng lưới ký hiệu và ý nghĩa lúc nào cũng tìm cách chi phối, thống trị, thậm chí là hủy diệt chủ thể tính của ta” (tr.165).
Và, tín hiệu mới của tập sách có lẽ còn ở nhãn quan của các nhà nghiên cứu được thể hiện trong bài viết – nhãn quan giúp người đọc soi chiếu bởi chính những vấn đề của xã hội đương đại. Tập sách khiến người đọc – dù khó tính, cũng giật mình tự nhìn lại các vấn đề xã hội mà có lẽ, con người nào cũng dễ dàng nhận ra xung quanh mình. Do vậy, nghiên cứu khoa học không đơn thuần lãnh vực hàn lâm mà thực ra, rất gần – gần gũi với đời sống thường nhật của người bình dân. Đặc biệt, trong thế giới vận động ngày càng nhanh hơn, con người trở nên sinh vật đa liên kết. Hơn thế, trong nhận thức căn tính, con người hiện nay sống như “cộng đồng di cư” và quan niệm “nhà” của con người như thế cũng dần trở nên phức tạp. Theo nhà nghiên cứu Trần Tịnh Vy, thì:
“Hơn thế nữa, chủ thể thậm chí có thể trải qua cảm giác mất quê hương ngay tại nơi mình sinh sống và bắt đầu hành trình tìm kiếm nơi mà bản thân họ thuộc về, một không gian an toàn về mặt chính trị xã hội, văn hóa và tri thức mà người ta có thể gọi là nhà. Chủ thể di dân trải qua những trải nghiệm đa dạng và phức tạp của việc đồng thời được hòa nhập lẫn bị loại trừ. Do đó, khái niệm nhà trở nên phức tạp hơn nhiều so với cách tiếp cận cộng đồng diaspora truyền thống vốn dựa trên cảm thức hoài niệm, tình yêu quê hương và nguồn cội” (tr.200).
Từ việc soi chiếu quan niệm “nhà”, trên nền tảng quan niệm của nghiên cứu di cư, nhà nghiên cứu cho ta nhận ra nhà không chỉ nơi che nắng che mưa mà “nhà là những địa điểm hay nơi chốn chứa đựng những ý nghĩa xã hội, tâm lý và cảm xúc đối với mỗi cá nhân hay cộng đồng” (tr.191). Tính nhân loại phổ quát ở chỗ ta có thể nhận ra được những đồng cảm giữa những cộng đồng di cư (chẳng hạn tâm thức lưu dân Việt) với nghiên cứu cộng đồng diaspora. Nỗi niềm tha hương có lẽ trái tim nào cũng như nhau! Nhưng, nhờ đó, người đọc thấm thía nhận ra, với những người di cư hiện đại, quan niệm “nhà” lại khá phức tạp, nếu không nói là dần trở nên khu biệt ở cảm nhận cá nhân.
Bên cạnh bài viết liên lý thuyết với xã hội học (lý thuyết trường lực, nghiên cứu di cư), tập sách cũng có những bài viết đi sâu vào tiếp nhận và văn bản. Bên cạnh bài viết về phê bình phản hồi - độc giả, người đọc thấy bài viết liên quan đến ký hiệu học hàm nghĩa cũng rất mới mẻ và nhiều điểm gần gũi với quan điểm tiếp nhận. Người viết cũng cho thấy nhãn quan khoa học vận động. Ở chỗ, nhà nghiên cứu đã phát hiện ra và chú trọng làm rõ quan niệm văn bản người viết (writerly text) và văn bản người đọc (readerly text) của Roland Barthes.
“Có hai khái niệm mà ông đưa ra liên quan đến hiện tượng này, là khái niệm writerly text và readerly text, để nhấn mạnh tính chất độc đáo nói trên của văn bản và người đọc. Writerly text nghĩa là phần viết của tác giả và phần chữ nghĩa toát ra từ nó; readerly text nhấn mạnh đến việc người đọc diễn giải và bổ sung cách nhìn, cách đọc của họ để hoàn thiện một tác phẩm. Tuy nhiên, hai loại văn bản này không phải là văn bản cụ thể, hữu hình, mà ông chỉ dùng để nhấn mạnh phần đọc và phần viết của văn bản, tức là một văn bản toát ra phần đọc giúp người đọc hiểu ngay nghĩa của nó, và phần viết là phần không được viết ra, nhưng người đọc vẫn hiểu, và là phần quan trọng mà người viết muốn nhắm đến. Văn bản người viết liên quan đến hành động viết của tác giả. Theo ông, văn bản người viết quan trọng và có giá trị hơn, vì nó làm cho người đọc không phải là một người tiêu thụ (consumer) mà là một người sản xuất (producer) ra văn bản trong quá trình đọc của mình” (tr.210).
Như nhà nghiên cứu đã nói, sự phân biệt này không phải một phân biệt hữu hình mà chỉ nhằm làm rõ thêm tính quá trình, tính vận động, tính tương tác, tính triển sinh của văn bản; cũng tức là nhấn mạnh vào sức sống không ngừng nảy nở, không ngừng biến đổi của văn bản – nhất là, đó lại là một bài thơ. Sức sống một bài thơ, có lẽ, qua nhãn quan này, người đọc có thể nhìn thấy sáng rõ hơn. Hình như, điểm nhấn tinh thần chung của tập sách: cởi mở, đổi mới…!
Bên cạnh trình bày hiểu biết tổng quan, sâu sắc về nền tảng lý luận, như tinh thần chung của tập sách, các nhà nghiên cứu đều nêu ra ở phần kết luận khả năng ứng dụng, triển vọng phát triển của lĩnh vực đang nghiên cứu.
“Theo chúng tôi, Ký hiệu học hàm nghĩa còn có thể được sử dụng trong việc phê bình và khám phá các hình ảnh biểu trưng ở thể loại văn xuôi, nơi các ký hiệu ngôn ngữ và hình ảnh cũng như ý nghĩa của chúng không luôn hiển hiện, đặc biệt, khi mối liên kết giữa các tầng ý nghĩa khá lỏng lẻo và tự do. Ký hiệu học hàm nghĩa, do vậy, sẽ có thể là một phương pháp phê bình phù hợp cho các tác phẩm hiện đại và hậu hiện đại” (tr.218).
Không dừng lại ở những hiểu biết tổng quan, nhiều nhà nghiên cứu còn chú ý đến tính lịch sử của vận động văn học Việt Nam tương liên với văn học nước ngoài. Qua đó, nhà nghiên cứu rút ra được những hiểu biết như bài học kinh nghiệm cho việc nghiên cứu văn học nước nhà. Ngay ở những giai đoạn mang tính bước ngoặt, sự chuyển dịch hệ hình kéo theo hầu như mọi phương diện đời sống văn học. Đặc biệt, đó là một bước ngoặt thẩm mỹ. Có thể nói, bài viết của PGS. TS. Nguyễn Hữu Hiếu chính là góc nhìn rộng và bao quát như thế. ““Chủ nghĩa tượng trưng xuất hiện như là một hiện tượng văn học quốc tế”. Từ quê hương của nó – nước Pháp – chủ nghĩa tượng trưng nhanh chóng trở thành hình thức thơ phổ biến, quyết định diện mạo thơ ca phương Tây và châu Âu. Hình thức thơ này cũng ảnh hưởng tới nhiều nền thơ của những nền văn hóa khác nhau, trong đó có cả những nền thơ thuộc các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam” (tr.237).
Thay lời kết
Như lời nói đầu của tập sách, công trình này là nỗ lực và sự kết hợp của nhiều khuynh hướng nghiên cứu khác nhau, nhằm mang lại bức tranh học thuật đa dạng đa màu sắc. Đó là sự kết hợp giao thoa giữa tinh thần xưa và nay, giữa phương Đông và phương Tây. Trong đó ta nhận thấy nổi bật là tinh thần dân tộc và bản địa hóa mạnh mẽ của nhãn quan nghiên cứu. Đồng thời, hầu hết nhà nghiên cứu đều có tâm thế cởi mở, tiếp thu và giao lưu quốc tế trong lao động học thuật. Nổi bật, có lẽ, vẫn là những bài viết dựa trên nền tảng lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX. Song, tập sách cũng cho thấy khuynh hướng mở rộng biên độ nghiên cứu và xu hướng vận động hòa nhập với sinh hoạt học thuật quốc tế. Đặc biệt, là những nhà nghiên cứu trẻ sung mãn nội lực và ước vọng.
“Lý luận - phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng”, tập sách giúp người đọc nhận tín hiệu mới với kỳ vọng mới trong sinh hoạt học thuật ở Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM; hứa hẹn một sự khởi động đột phá chiều sâu lẫn chiều rộng những vấn đề nền tảng lý luận, và triển vọng từ nghiên cứu văn học theo hướng liên ngành. Trọng tâm, kết nối nhiều thế hệ gắn bó – đặc biệt, những nhà nghiên cứu trẻ (trong và ngoài Khoa Văn học) – từng bước hình thành lực lượng nghiên cứu học thuật đạt chất và lượng ở khu vực phía Nam.
Xóm Cả Gừa, Rằm tháng Giêng, Giáp Thìn 24.2.2024
Trần Bảo Định
Nguồn: VanVn.vn, ngày 6.3.2024.
_________________________________
[1] Tác giả được tuyển chọn (Thứ tự theo mục lục): PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân, PGS. TS. Đoàn Lê Giang, PGS. TS. Lê Quang Trường, TS. Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, ThS. Ngô Trà Mi, PGS. TS. Trần Lê Hoa Tranh, ThS. Lê Thị Kim Loan, ThS. Nguyễn Đình Minh Khuê, TS. Lê Ngọc Phương, TS. Trần Tịnh Vy, TS. Phạm Thị Hồng Ân, PGS. TS. Nguyễn Hữu Hiếu, ThS. Lê Thụy Tường Vy, TS. Hồ Thị Khánh Vân, PGS. TS. Phan Mạnh Hùng, PGS. TS. Võ Văn Nhơn – TS. Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, TS. Nguyễn Thị Phương Thúy, TS. Đào Lê Na, PGS. TS. Trần Thị Phương Phương, GS. TS. Huỳnh Như Phương, ThS. Trần Thị Thùy Dương, TS. La Mai Thi Gia, TS. Lê Thị Thanh Vy.
[2] Phan Thu Hiền (2020). Lý luận về kịch trong Poetics của Aristotle và Natyasastra của Bharata. Nguồn: http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u/V%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngo%C3%A0i/p/ly-luan-ve-kich-trong-poetics-cua-aristotle-va-natyasatra-cua-bharata-1163
Tài liệu tham khảo:
– Phan Thu Hiền (2020). Lý luận về kịch trong Poetics của Aristotle và Natyasastra của Bharata.
– Khoa Văn học (2024). Lý luận - phê bình văn học: tìm hiểu và ứng dụng. TPHCM: Nxb. Đại học Quốc gia TPHCM.