Squid Game – khi huyền thoại tỏa sáng

In bài này

Là một bộ phim sinh tồn với cấu trúc quen thuộc nhưng Squid Game của đạo diễn Hwang Dong Hyuk, Hàn Quốc – với tựa phim tiếng Việt là “Trò chơi con mực” – lại có sức hút riêng bởi cách tiếp cận huyền thoại của nhà làm phim.

20211017 2

Thay vì giới thiệu trực tiếp nhân vật chính Seong Gi Hun buộc phải tham gia trò chơi để giành lấy số tiền thưởng 45,6 tỉ won, Squid Game đã mở đầu bằng phân cảnh có tính huyền thoại, đó là ký ức về “trò chơi con mực” đã ăn sâu vào tiềm thức của những đứa trẻ Hàn Quốc. Chính từ ký ức tập thể này, nhà làm phim đã khai thác nó qua góc nhìn của các nhân vật.

Trong phim, chuyến đi của Seong Gi Hun vào thế giới Squid Game hiện lên như hành trình của người anh hùng (hero’s journey), một nguyên mẫu huyền thoại mà thế giới hiện đại đã biết đến qua khái quát của Joseph Campbell. Seong Gi Hun ban đầu có hình ảnh bê tha. Hắn thất bại trong cả hôn nhân và sự nghiệp, cố gắng bấu víu người mẹ già.

Tuy nhiên qua chín tập phim, Gi Hun đã lột xác hoàn toàn. Người ta thấy hắn có những phẩm chất tốt đẹp ẩn sâu bên trong, biết quan tâm người khác, biết đồng cảm với người già (vốn bị coi là nhóm yếu thế trong xã hội), hắn không chà đạp phụ nữ, hắn tha thứ cho kẻ đã phản bội mình, hắn cần tiền nhưng cũng không cần…

Nhân vật này có dáng dấp của “người hùng” đi từ sự tha hóa đến hồi cảnh tỉnh, từ thua cuộc đến chiến thắng. Ngoài sự cân bằng giữa trí tuệ và sức mạnh, Seong Gi Hun cũng là người may mắn nhất trong cuộc chơi. Kẻ bí mật tạo ra trò chơi với Seong Gi Hun cũng có mối liên kết đặc biệt. Trong khi kẻ bí ẩn là người bắt đầu (số 001) thì Gi Hun là người kết thúc (số 456).

Những trò chơi mà nhân vật chính trải qua cũng nhuốm màu huyền thoại. Chúng được tạo nên từ các hình ảnh sống động của ký ức, không chỉ có dấu vết ở Hàn Quốc mà còn cả các quốc gia khác trên thế giới. Chúng ta nhìn thấy hình ảnh búp bê gắn với tuổi thơ. Chúng ta dễ dàng tìm thấy chính mình trong trò chơi kéo co nổi tiếng.

Chúng ta nhận thấy cảm giác giòn ngọt trong thử thách tách kẹo. Hay thậm chí ngay cả trò chơi con mực với các ô lò cò cũng khiến chúng ta hồi tưởng về trò nhảy ô rất đỗi quen thuộc trong văn hóa Việt Nam. Tất nhiên với Squid Game, những trò chơi như thế đã trở thành những biểu tượng huyền thoại của sống và chết.

Những điều nhỏ nhặt mà ngày thơ bé ta chưa thật sự hình dung rằng, sinh ra là chúng ta đã bước vào câu chuyện huyền thoại của riêng mình. Trong hành trình trưởng thành, ta buộc lòng phải đối mặt với các phạm trù đối nghịch của cuộc sống: thắng hoặc thua, tiếp tục hay từ bỏ, giàu hoặc nghèo, tồn tại hay hủy diệt.

Huyền thoại (myth) theo quan niệm hiện đại bao hàm cả những niềm tin phổ biến được lưu truyền cũng được cho là có sức sống qua thời gian dù là sự thật hay tưởng tượng. Chúng cho phép con người khả năng hư cấu về xã hội.

Ở góc độ này, Squid Game đã xây dựng một thế giới hư cấu, bởi trò chơi được chế tác, đồng thời cũng là sự thật, bởi nó phóng chiếu đến cuộc tranh đấu không ngừng giữa hai nhóm người luôn tồn tại trong xã hội – giữa một bên là 456 người nghèo và một bên là những kẻ giàu lấy sinh mạng con người làm thú tiêu khiển. Sự đối lập giữa góc nhìn của kẻ giàu người nghèo vốn thường diễn ra ngoài xã hội, bất chấp ở thời đại nào.

Với Squid Game, các nhà làm phim Hàn Quốc vẫn phát huy thế mạnh của mình khi tập trung vào câu chuyện hơn là thể loại. Nếu xét Squid Game ở thể loại sinh tồn thì phim vẫn thiếu độ “căng” cần thiết để làm thỏa lòng những ai mong muốn cuộc đấu khốc liệt. Nhưng nếu tập trung vào câu chuyện và tâm lý nhân vật, thì Squid Game đã làm rất tốt khi khai thác các nhân vật ở bề sâu.

Ai cũng có góc khuất của riêng mình và lý do vì sao họ phải tranh đấu. Phim không chỉ phản ánh khoảng cách giàu nghèo trong cái nhìn đối thoại, mà còn chỉ ra uẩn ức cô đơn của con người trong xã hội hiện đại. Kẻ nghèo cũng khắc khoải với cuộc sống, kẻ giàu cũng chơi vơi giữa dòng đời. Squid Game ở chừng mực nào đó, có thể làm hài lòng nhiều đối tượng khán giả với mong muốn tiếp cận phim ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Squid Game hấp dẫn công chúng đương đại không hẳn vì đây là tác phẩm xuất sắc, mà ở đó, người xem thấy được bản sắc từ trong huyền thoại của một quốc gia, và liên tưởng đến “huyền thoại” của riêng mình. Đó là cách chúng ta sống và huyền thoại sẽ luôn vận động.

Hoài Bảo

Nguồn: Kinh tế Sài Gòn, ngày 10.10.2021