Vùng tiếp xúc, giao lưu ngôn ngữ, giao lưu văn hóa đặc sắc Tây Nguyên và một số vấn đề khoa học xã hội

In bài này
 (Bùi Khánh Thế, In trong "Những vấn đề ngữ văn" (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa Văn học và Ngôn ngữ)

  1.    Nếu Việt Nam là bức tranh thu gọn của khu vực Đông Nam Á về trạng thái tiếp xúc, giao lưu ngôn ngữ và văn hóa, thì Tây Nguyên là vùng địa lý - lịch sử tiêu biểu và đặc sắc của trạng thái đó. Tuy Tây Nguyên là vùng không tiếp giáp với biển, nhưng bù vào đó nơi đây đầu nguồn của hệ thống sông ngòi. Mà dòng sông chảy xuyên qua các châu thổ dù không lớn so với đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, nhưng cũng đủ đa dạng, trù phú để tạo nên các sản phẩm nông nghiệp có thể trao đổi bổ sung với lâm sản Tây Nguyên. Điều đáng chú ý là các dòng sông này dù theo hướng tây bắc hay đông nam cuối cùng đều hướng ra biển Đông, tạo nên những thủy đạo giao lưu giao ngược. Ta có thể gặp theo hướng từ Bắc vào Nam những dòng sông nổi tiếng về mặt khảo cổ, lịch sử, cảnh quan hoặc giá trị kinh tế : Nhật Lệ, Hương Giang, Trà Khúc, Thu Bồn, Sông Hàn, Sông Vệ, Sông Cái, Sông Ba, Sông Dinh, Sông Lũy. Một đặc điểm thuận lợi cho sự đi lại là miền đệm trung du giữa Tây Nguyên và các đồng bằng nhỏ ven biển kéo dài song song với Tây Nguyên không phải là những đèo ải quá hiểm trở, mà như một dải sơn địa chuyển tiếp. Vì vậy những đường bộ từ đồng bằng lên các thượng nguồn được hình thành khá phổ biến giữa các vùng dân cư hai miền xuôi ngược có nhu cầu đổi chác sản vật địa phương. Chính cái cơ sở kinh tế trao đổi sản vật địa phương, ắt hẳn đã tồn tại từ ngàn xưa ấy và ngày nay vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi là điều kiện khách quan tạo môi trường thuận lợi cho sự giao lưu ngôn ngữ, văn hóa. Bình Định có câu ca dao “Ai về nhắn với nậu nguồn : măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Vì vậy các nhà nghiên cứu không lấy gì làm lạ khi tìm thấy trong số các hiện vật phát hiện được ở di chỉ khảo cổ Sa Huỳnh ven biển những hiện vật ngờ rằng có nguồn gốc từ miền Trung Á mà con đường trao chuyển ắt phải qua đoạn trung gian Trường Sơn.

             Về phía Tây rừng núi hiểm trở hơn, nhưng giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây ngoài đường 9 thông thương Việt – Lào, còn có biết bao nhiêu lộ xuyên sơn lớn mà từ thế hệ này đến thế hệ khác những người dân thường Việt, Lào, Khmer tự mở lối qua lại. Đó không chỉ là huyết mạch của con đường làm ăn sinh sống, mà cũng là những sợi dây bền chặt của tình cảm, của lịch sử đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, của sự chia xẻ đùm bọc nhau, nương tựa nhau vượt khó.

              2. Cùng với điều kiện tiếp xúc và giao lưu ngoại hướng, quá trình tiếp xúc và giao lưu nội hướng các tiểu vùng trong khu vực Tây Nguyên cũng có những đặc điểm tạo nên bản sắc riêng của toàn vùng văn hóa này. Trước hết đó là trạng thái cư trú vừa xen kẽ vừa tách biệt. Tại vùng sinh tụ nhiều tộc người này ta có thể thấy phần lớn các plây buôn - những đơn vị cộng đồng cơ sở - đều có cư dân là những người đồng tộc: play đối với người dân tộc thuộc nhóm Nam Đảo và buôn đối với người dân thuộc nhóm Nam Á. Tuy nhiên những đơn vị cộng đồng cơ sở này lại có thể đan xen vào nhau, kết liên lẫn nhau nhất là ở các rìa ngoài từng khối play hoặc buôn mà trên các bản đồ dân tộc học thường thể hiện thành các màu sắc khác biệt. Hơn nữa sự trao đổi, quan hệ lẫn nhau về nhiều mặt giữa các khối play, buôn này rất dễ dàng. Sự phát triển trên bình diện lịch sử - xã hội, điều kiện đi lại càng thông thoáng nhờ các trục giao thông xuyên suốt để nối liền các tỉnh Tây Nguyên với nhau lần lượt hình thành, thì quan hệ trao đổi giữa tộc người này và tộc người khác của toàn vùng cũng càng rộng rãi và mở hơn. Vì vậy trong từng play, buôn hoặc từng khối play, buôn có những tập tục, sắc thái riêng, nhưng người dân không những chẳng xa lạ gì, mà lại sẵn sàng hòa đồng ở mặt này hay mặt khác với các tập tục và chịu ảnh hưởng sắc thái văn hóa, ngôn ngữ của những tộc người khác.

              3. Các đặc điểm về quan hệ ngoại hướng và nội hướng như đã nêu trên khiến cho Tây Nguyên một mặt tiếp nhận được những giá trị ngôn ngữ văn hóa từ nhiều hướng đến với mình và mặt khác còn lưu giữ được những gì thuộc về bản sắc văn hóa xã hội của chính mình, để tạo một vùng văn hóa đặc sắc - vùng văn hóa Tây Nguyên như nhiều nhà nghiên cứu đã xác định (Ngô Đức Tịnh,1993; Chu Xuân Diên, 1999). Có thể nói càng dấn bước sâu, bóc tách kỹ khu vực sinh tồn lâu đời của cộng đồng đa tộc người này, các nhà khoa học càng phát hiện ra nhiều giá trị văn hóa tinh thần và vật chất đầy sức hấp dẫn. Trong số đó ta có thể kể đến các đàn đá (lithophne) - loại nhạc khí gõ cổ xưa mà có nhà nghiên cứu cho rằng vốn từ 4.000-10.000 năm trước với bộ đầu tiên được Condominas phát hiện tại M’nông Gar năm 1949; những thiên sử thi của các dân tộc Ê Đê (Khan), Ba Na (H’ămon), Gia Rai (H’ri), Mơ Nông (ƠtNrông)…và các nghệ thuật kể đặc sắc, lễ hội cồng chiêng, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả với hệ thống tượng nhà mồ với những nét điêu khắc vừa dân gian vừa tinh tế… Các di sản văn hóa này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của các tộc người Tây Nguyên và nhiều phép tắc, lề luật có liên hệ được phản ánh nhũng luật tục (Tập quán pháp) đã và đang được sưu tầm, công bố. Đó là chưa nói đến những di tích lịch sử và khảo cổ như  Cát Tiên (Lâm đồng), Lung Leng (Kontum) đang chứa đựng nhiều thông tin về tiếp xúc và giao lưu văn hóa quan trọng mà chỉ các nhà khảo cổ học mới có thẩm quyền công bố và đánh giá sau khi hoàn tất công cuộc khảo sát và giải mã các hiện vật thu thập được. Nói chung các vấn để văn hóa, dù là văn hóa vật chất hay văn hóa tinh thần, văn hóa vật thể hay văn hóa phi vật thể, đều là đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội – nhân văn , đều gắn với con người và tác động của con người.

              4. Trong khi mong đợi và huy vọng vào những tia sáng đến từ các chuyên ngành khoa học khác nghiên cứu về Tây Nguyên ta có thể tìm thấy một vài chứng cứ về sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa Tây Nguyên qua các tài liệu ngôn ngữ. Bởi vì như nhà ngôn ngữ học Đức J. Grimm đã nói “Ngôn ngữ của chúng ta là lịch sử của chúng ta”.

              Khoa Dân tộc học cho biết các người được xem là bản địa của Tây Nguyên thuộc hai ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo. Mỗi nhóm ngôn ngữ thuộc ngữ hệ này (Nam Á) hay ngữ hệ khác (Nam Đảo) đều có vốn từ vựng riêng của mình và thông thường với một bộ phận giống nhau hay tương đồng – cùng ít nhiều biến đổi về ngữ âm hay ngữ nghĩa – trong từng nhóm. Tuy nhiên do cùng sinh tụ từ lâu trong một khu vực địa lý – lịch sử, lại có trạng thái cư trú kề cận hoặc xen kẽ nhau bộ phận, nên các tộc người thuộc hai ngữ hệ này lại có cùng vốn từ vựng chung đáng kể. Đó là những đơn vị từ vựng thuộc lớp từ phản ánh đặc trưng khu vực văn hóa: bia – công chúa (Mn, Ja); coh – băm (Mn) – côh – cuốc – (Ja, Ed); ha/há – hả (Mn, Ja, Ed); ndâd – khép, đóng, bịt (Mn), kă – buộc (Ed, Ja); mcah – vỡ, đánh vỡ (Ed), pơcah – vỡ (Ja); cah – vỡ (Mn); mplư – lừa, gạt, đánh lừa (Mn), mplư – lừa (Ed), plư – lừa (Ja); mpăr - bay (Mn) pơr, por – bay (Ja), phiơr – bay (Ed); rah – rắc (Ja), ruh rah – rắc (Ed), mbrah – rắc, rảy; rong – nuôi (Mn), rong (Ed, Ja) – nuôi.

              Phía tây của Tây Nguyên là biên giới Việt Lào. Tây Trường Sơn về cơ bản là nơi cư trú của các tộc người Lào Thơng, cũng thuộc ngữ hệ Nam Á. Tuy nhiên, về mặt quốc gia Lào Thơng thuộc cộng đồng nhân dân Lào, có cùng ngôn ngữ phổ thông là tiếng Lào, nên trong ngôn ngữ của họ có một tỷ lệ tiếng Lào đáng kể. Khi giao tiếp với người Lào, dù là Lào Thơng hay là Lào Lùm (thuộc nhóm ngôn ngữ Thái – Lào), các tộc người Tây Nguyên của Việt Nam cũng tiếp nhận một số từ ngữ của Thái Lào. Những từ ngữ Thái – Lào được du nhập vào các thứ tiếng Tây Nguyên ít khi giữ nguyên hình thức ngữ âm và dung lượng ngữ nghĩa của ngôn ngữ cấp, mà thường có ít nhiều biến đổi, mặc dù vẫn giữ một số đặc trưng ngữ âm và ngữ nghĩa của từ gốc. Chẳng hạn: chặp (L, Th) – xếp, chồng, dồn lại > cặp (Ed) – bó; cơnăp (Ja) – bó; Khịt (L,Th) – nghĩ > git (Mn) – biết, am hiểu; la (L, Ta) – trễ, muộn > la (Mn) – trễ, không kịp, êla (Ed) – muộn; Pết (L,TH) – (con) vịt > bip (Mn, Ed, Ja) – (vịt); xup (L) – Úp, chup (Ta) – cái nón > Kup (Mn) – đậy, úp, pơkup (Ja) – úp, đậy, mơkup, kup (Ed) up; phung (L,Th) – bầy > phung (Mn, Ed, Ja) – đàn, bầy , bọn. Có những thực từ trong các ngôn ngữ Lào, Thái khi đi vào các ngôn ngữ Tây Nguyên được dùng với tư cách thực từ, vừa với tư cách từ công cụ. Chẳng hạn như trường hợp từ phung trong tiếng Êđê còn được dùng như yếu tố biểu hiện số nhiều của đại từ xưng hô: phung drei – chúng ta,  phung hmei – chúng tôi.

              Một lớp từ văn hóa bắt nguồn từ tiếng Sanskrit (Skt - Ấn độ) có mặt trong các ngôn ngữ của các tộc người Nam Á lẫn các tộc người Nam Đảo. Tiếp theo đây là một số dẫn chứng:

 

Từ Skt và nghĩa

1.    Cabda – tiếng, tiếng nói, dựa vào tiếng nói

2.    Cvasana – hồn

3.    Guru – người thông thái, thầy

4.    Jala – lưới đánh cá

5.    Jaiyak – thắng lợi

6.    Marica - ớt

7.    Karpasa – bông cải

8.    Manussya người

9.    Nagara – xứ, thành phố

10.     Ratha – xe

11.     Rupa – hình, dáng vẻ

Từ tương ứng trong các ngôn ngữ ở Tây Nguyên

Asăp – tiếng nói (Ed, Ja, Ra); sap – tiếng (Kơ)

 

Ravai – linh hồn (Ka), suan – hồn (Kơ)

Gru – thợ, người khéo tay (Mn); mgru – học (Ra), kru – thầy cúng (Ra); pugru – thầy (Kơ)

Jal – cái chài (Ed, Ra, Mn); jươi – lưới (Ka); jal – chài, lưới (Kơ)

Jai – thắng (Ra, ja)

Amareq - ớt (Ra), prơq - ớt (Ka), prik - ớt (Pa), mre1 - ớt (Ka)

Kơpaih, paih – bông vải (Ja, Ed); kơpaih – bông vải (Bah)

Mơnuih – người (Ja, Ra, Chr), mưnuih – người (Ed), manuih – người (Ka), vơnus – người (Kơ)

Lơgar – xóm (Ra), lơgar – đất nước, xứ sở (Kơ)

Rodeh, deh – xe cộ (Ra, Ja), êdeh – xe (Ed); ndeh – xe (Ma), rơndeh – xe (Kơ)

Rup – hình ảnh (Pa, Ed, Ja), rup – hình (Kơ)

 

Ghi chú:

              Các chữ viết tắt trong ngoặc đơn là tên của các dân tộc thiểu số: Bah – Bahna, Br – Bru, Ed – Ê đê, Ja – Jarai, Ka – Katu, Mn – Mnông, Pa – Paco6h, Ra – Raglai, Ma – Mạ, Kơ – Kơho, Th – Thái, L – Lào, Ta – Tày.

              Như vậy, chỉ với một vài dẫn chứng về từ ngữ chúng ta cũng đã có thể nhận thấy ở khu vực Tây Nguyên, không chỉ có quá trình tiếp xúc, giao lưu chặt chẽ giữa các tộc người thuộc hai gia đình ngôn ngữ Nam Á và Nam Đảo, mà quá trình này còn diễn ra giữa các tộc người sinh sống ở Tây Nguyên với bên ngoài. Với hệ Lào, Thái thì sự tiếp xúc hẳn là diễn ra trực tiếp vì hình thái cư trú kề cận nhau. Còn bằng con đường nào các yếu tố ngôn ngữ có nguồn gốc Ấn gia nhập vào ngôn ngữ Tây Nguyên là câu hỏi cần có sự phối hợp để tìm ra minh chứng của những chuyên ngành khoa học mới có lời đáp chắc chắn và thỏa đáng. Riêng về mặt ngôn ngữ, các cứ liệu đã dẫn cho ta nhận xét: quá trình tiếp xúc giao lưu ấy là khá sâu, vì lớp từ vựng du nhập này bao gồm cả lĩnh vực văn hóa vật chất lẫn tinh thần và thấm sâu vào những loại hình văn hóa dân gian rất đặc thù của Tây Nguyên như ta sẽ thấy ở phần dưới.

5. Nếu nhìn các cứ liệu về ngôn từ không chỉ qua lời ăn tiếng nói hàng ngày, mà qua cả những sản phẩm có tính tổng hợp ở mức độ này hay mức độ khác của nền văn hóa dân gian Tây Nguyên chúng ta càng thấy tính phong phú, đa dạng của miền đất này. Tây Nguyên là nơi lưu trữ những chuyện cổ, những truyền thống huyền ảo. Đó cũng là quê hương của những bộ luật tục 5 đời nối đời truyền lại đến ngày nay, chỉ ra các tập quán, lề luật chi phối, điều hòa sinh hoạt gia đình, xã hội trong mỗi cộng đồng. Đó là kho tàng của hệ thống sử thi đặc sắc mà nội dung và nhân vật thường gắn với những cảnh tượng hùng vĩ, hành động hào hùng. Không ít từ ngữ bắt nguồn từ gốc Ấn có mặt trong cả sử thi hoặc  luật tục:

Nuih (manusya – Skt) tam grang du jay

          Người ghen ghét nhau trong một nhà

Khăt jal (

          Thắt kết nhau như đan chài (Luật tục M nông)

Mnuih (mnuih lu klei

          Người (mà tướng mạo) giống như cái cồng có tiếng kêu đanh, như con hươu sao, người đó hay gây sự

Asăp (

          Tiếng nói (của kẻ phạm tội) nó nhận ra, mùi riêng (của tên này) nó cũng nhận biết.

Nhu trong mdêc, amrêc (

          Nó như quả cà, quả ớt, cứ quay đi quay lại, úp sấp lật ngửa…

(Luật tục Êđê)

Hiện tượng các từ ngữ này bám rễ sâu trong ngôn ngữ các loại hình ngôn từ văn hóa dân gian rõ ràng là dấu chỉ về sự tiếp xúc và giao lưu khá sâu bền giữa các tộc người Tây Nguyên với những nơi bắt nguồn của vốn từ vay mượn. Dĩ nhiên, khuôn khổ của một bài viết ngắn chỉ cho phép dẫn ra một vài ngữ liệu rời rạc. Nhưng ta có thể hy vọng rằng với nguồn ngữ liệu phong phú của luật tục, của hệ thống sử thi đồ sộ đã và đang sưu tập, nếu có sự hợp tác khai thác, nhiều tia sáng từ vùng văn hóa Tây Nguyên sẽ dần dần phát lộ. Tôi cho rằng đây là lĩnh vực mà ngôn ngữ học có thể và cần đóng góp, ngoài các công trình mang tính ứng dụng, dĩ nhiên là rất thiết thực, mà giới ngôn ngữ học đã bỏ công sức không nhỏ trong những năm qua, như từ điển, sách ngữ pháp ứng dụng, sách dạy tiếng v.v…

6. Tây Nguyên theo quan điểm kinh tế là một nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, một tiềm năng lớn. Từ một cách tiếp cận khác t’ Tây Nguyên là một bào tàng sống về văn hóa-lịch sử. Việc giữ gìn và khai thác tài nguyên văn hóa này thiết nghĩ cũng không kém phần quan trọng và cần kíp so với việc bảo vệ và khai thác hợp lý các tài nguyên thiên nhiên như rừng rú, mỏ đá quý, nguồn nước, hệ động thực vật. Thiết tưởng một chiến lược phát triển toàn diện, hợp với quy luật về Tây Nguyên phải bao gồm cả chiến lược về văn hóa, chiến lược về khoa học xã hội. Bởi lẽ xét cho cùng văn hóa mới là nhân tố gắn toàn diện với con người, cốt lõi của đường lối làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh mà nhân dân ta đang ra sức thực hiện.

Gần đây đã có những tín hiệu đáng mừng là sau một thời gian ít nhiều bị xao nhãng các vấn đề văn hóa nói chung, và khoa học xã hội nói cụ thể hơn, đã được quan tâm nhiều hơn. Các hoạt động khảo cổ ở Lũng Leng (Ya Ly), chương trình sưu tầm, nghiên cứu sử thi Tây Nguyên, việc tổ chức các lớp học tiếng các dân tộc Tây Nguyên cho các cán bộ làm việc ở vùng dân tộc v.v.. (Tin các báo Tuổi Trẻ, Người lao động ngày 25 và 26-10-2012)- tất cả những sự kiện ấy là dấu hiệu đáng khích lệ cho các nhà hoạt động văn hóa, các nhà khoa học có đối tượng nghiên cứu và phục vụ là Tây Nguyên, cũng như cho nhân dân Tây Nguyên.

Tuy nhiên, để có một bước chuyển căn bản nhằm giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn – mà văn hóa nói chung là thuộc phạm trù này – điều cần thiết là phải có kế hoạch tổng hợp, tập hợp lực lượng khoa học liên ngành để thực thi có hiệu quả.

Riêng về lĩnh vực ngôn ngữ có thể nêu lên hai giải pháp. Một là chương trình ứng dụng các ngôn ngữ dân tộc một cách có hiệu quả thiết thực đối với đồng bào người dân tộc. Cùng với chương trình giáo dục song ngữ, cần tăng cường việc phát thanh, truyền hình bằng ngôn ngữ dân tộc, khuyến khích các tác giả là người dân tộc sáng tác các loại hình văn nghệ khác nhau, kể cả phiên dịch tác phẩm các dân tộc khác, phục vụ cho chương trình. Kiên quyết thực hiện chủ trương cán bộ làm việc ở vùng dân tộc nào thì có thể sử dụng ngôn ngữ dân tộc ấy. Hai là có chính sách và kế hoạch sưu tầm, ghi chép ngôn ngữ dân tộc có nguy cơ bị mai một. Bởi vì cùng với một ngôn ngữ bị mai một cả các giá trị văn hóa của dân tộc ấy cũng mất mát theo.

Ngoài ra để cho việc giảng dạy song ngữ có kết quả Bộ giáo dục và đào tạo nên giao trách nhiệm cho một số trường hoặc khoa sư phạm nhất định có nhiệm vụ đào tạo giáo viên dạy song ngữ. Có như vậy việc làm này mới có cơ sở khoa học vững chắc. Trên bình diện toàn xã hội, từ sau ngày đất nước thống nhất, có một luồng di cư lớn từ các vùng khác đến Tây Nguyên. Đây là một xu thế phát triển tất yếu. Tuy nhiên điều đáng nói là những người mới đến chưa được giáo dục một tâm thế “nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc” nên đã để xảy ra không ít điều không hay, từ việc thiếu thái độ ứng xử có văn hóa đối với việc khai thác giới tự nhiên, đến việc thiếu tôn trọng phong tục tập quán địa phương. Đó là những cách cư xử trái với truyền thống của các thế hệ người Việt trước đây khi đi mở mang vùng đất mới phương nam. Một chương trình giáo dục điều này cho người sắp đến, và giáo dục lại cho người đã định cư nơi đây chắc hẳn phải nằm trong chương trình nghị sự của chiến lược văn hóa đối với vùng văn hóa Tây Nguyên.

Chú thích

  1. Tại Bình Thuận gần đây vẫn tồn tại hình thức trao đổi vật phẩm giữa miền xuôi và miền ngược được người địa phương gọi là “nao nưng”. Vật trao đổi là lâm sản và hải sản hoặc sản phẩm thủ công của người Chăm và cả hàng hóa của thị trường miền xuôi.
  2. Nậu nguồn – những người ở đầu nguồn, tức miền núi Trường Sơn.
  3. Ngoài đàn đá Tây Nguyên còn có hàng loạt nhạc cụ hiếm thấy chế tạo từ các vật liệu giản dị như đàn T’rưng, Krông Pút
  4. Hiện nay Viện văn hóa dân tộc đang tiến hành một chương trình quy mô Điều tra, sưu tầm, biên dịch, xuất bản và bảo quản khoa tàng sử thi Tây Nguyên. Theo PGS.TS. Viện trưởng Ngô Đức Thịnh là người chỉ đạo chương trình cho biết: công việc này được thực hiện ở 26 huyện thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên và hai tỉnh giáp ranh có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú Phú Yên và Ninh Thuận. Với 200 cộng tác viên thuộc các dân tộc người Tây Nguyên tham gia, chương trình này gặt hái được những thành quả bước đầu đáng mừng. Đã có 191 tác phẩm được sưu tầm ghi lại trên 800 băng cassette và đã chuyển thành văn bản 28 tác phẩm, trong đó bộ sử thi liên hoàn đồ sộ Đăm Dông của tộc người Xê Đăng Udai, Ujac đạt tới cả ngàn trang văn bản, Saiajuhia của người Raglai thu được 38 băng ghi âm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.            Condominas G, 1952. Le lithophone préhistorique de Ndut Lieng Krak. BEFEO,T.VLV, No 2, Paris.

2.            Chu Xuân Diên, 1999. Cơ sở văn hóa Việt Nam-Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM

3.            Chu Xuân Diên, 1995. Văn hóa dân gian và phương pháp nghiên cứu liên ngành-Trường
Đại học TH TP.HCM

4.            Chu Xuân Diên, 2001. Văn hóa dân gian-Mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu
thể loại. NXB Giáo dục

5.            Ngô Đức Thịnh, 1994. Cái chung và cái riêng của văn hóa trong phát triển. Trong Thông báo văn nghệ dân gian. Số 2.1994.Trang 9.

6.            Nguyễn Khắc Sử, 2004. Khảo cổ học tiền sử Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong sách Tìm hiểu đặc trưng di sản văn nghệ dân gian Nam Bộ. NXB Khoa học Xã hội.



* Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học, đã nghỉ hưu.