Lý thuyết ngữ vực và việc nhận diện các đặc điểm của diễn ngôn

In bài này

 (PGS.TS. Trịnh Sâm, Tạp chí Khoa học, ĐHQG Hà Nội, Vol.30,No.1S, 2014, tr. 1- 6)

          1.Dựa vào lý thuyết của những nhà ngôn ngữ học Xô – Viết, các nhà nghiên cứu, từ những năm 60 của thế kỷ trước, đã tiến hành nhận diện, phân loại và miêu tả các đặc điểm ngôn ngữ của các phong cách chức năng tiếng Việt dựa vào các cấp độ: ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Thành tựu nghiên cứu đã được vận dụng để giảng dạy ở tất cả các cấp học một thời gian khá dài.

           Đặc điểm nổi bật của bộ máy khái niệm này là đơn giản phù hợp với một hiện thực ngôn ngữ tương đối thuần nhất. Nhưng với sự phát triển của các loại hình giao tiếp và tương ứng với nó là các hệ thống diễn ngôn và thể loại của diễn ngôn rất phức tạp như hiện nay, ranh giới giữa chúng không phải lúc nào cũng đủ sáng tỏ, dù dựa vào tiêu chí chức năng hay cấu trúc.

           Đáp án chính thức của Bộ Giáo dục thừa nhận đến 3 khả năng :(i) văn bản thuộc phong cách chính luận, (ii) thuộc phong cách báo chí, và (iii) kết hợp cả hai phong cách trên, trong việc nhận diện phong cách chức năng của một văn bản trong kỳ thi tốt nghiệpTrung học vừa qua, cho thấy sự lúng túng này.

          Mặc dù mục tiêu chính của ngữ dụng học cũng như ngữ pháp chức năng hệ thống không phải là nhận diện, phân loại diễn ngôn/văn bản nhưng trong quá trình xác lập đặc điểm (ngôn ngữ và phi ngôn ngữ) trong sử dụng gắn liền với tình huống giao tiếp, các nhà ngôn ngữ học không thể không đụng chạm đến những vấn đề cơ bản này.

           Hiện nay liên quan đến diễn ngôn, người ta hay nhắc đến thuật ngữ ngữ vực. Ngữ vực (register), cũng được gọi là phong cách (style), theo cách hiểu chung nhất, một kiểu biến thể ngôn ngữ trong sử dụng, gắn liền với một tình huống giao tiếp nhất định, một cấu hình nghĩa, đề cập đến một nội dung hay lĩnh vực nhất định như ngữ vực tôn giáo, ngữ vực quảng cáo, ngữ vực văn hóa tức loại diễn ngôn (về) tôn giáo, loại diễn ngôn (về) quảng cáo, loại diễn ngôn (về) văn hóa.

           Các trào lưu phân tích diễn ngôn có cả một lý thuyết về ngữ vực (register theory) mà xét về số lượng các yếu tố cấu thành, cũng như cách biện giải là hết sức khác nhau, trong đó, phần lớn các tác giả đều xác nhận có 4 yếu tố như: field, mode, personal tenor, functional tenor [1]; field, mode, formality, role [2]; subject matter, chanel, relationship purpose, pragmatic purpose [3]. Theo nhiều nhà ngữ pháp học chức năng hệ thống, diễn ngôn/văn bản trong sử dụng luôn gắn với ngữ cảnh văn hóa và ngữ cảnh tình huống, còn ngữ cảnh tình huống được đặc trưng cụ thể bằng 3 hay 4 yếu tố, tùy theo quan niệm.

          Bài viết chỉ tập trung giởi thiệu lý thuyết ngữ vực của M.A. K. Halliday [4] và một số quan điểm khoa học cùng trường phái làm nên bộ khung lý thuyết, được vận dụng khá rộng rãi để nghiên cứu không chỉ là đặc điểm ngôn ngữ diễn ngôn trong hành chức mà còn trên nhiều bình diện khác, và không chỉ bó hẹp trong phạm vi tiếng Anh.

          2.Theo M.K.A. Halliday, ngữ vực là một cấu hình nghĩa có tính chất tiềm năng của văn bản, gắn liền với đặc điểm tình huống, được đặc trưng bởi trường (field), thức (mode) và quan hệ, có người dịch là không khí (tenor).

           Trường phản ảnh chức năng xã hội, là những gì đang thực sự xảy ra trong diễn ngôn (what is actually taking place), là tính chủ động xã hội được thực hiện, là sự kiện tổng quát mà các tham thể dự phần vào với một mục đích nhất định. Trường thể hiện bản chất tương tác xã hội thông qua đề tài – chủ đề (subject- matter [3] nhưng như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, không nên lẫn lộn trường diễn ngôn với đề tài- chủ đề của văn bản, bởi trường có tầm bao quát hơn nhiều.

           Thức là vai trò của ngôn ngữ đảm nhiệm trong diễn ngôn (what role language is playing), là cách thức hoạt động của phương tiện ngôn ngữ, bao gồm tất cả các kênh. Các hình thức giao tiếp như nói/viết, giao tiếp qua điện thoại, mail, chat, hay ngôn ngữ bộc phát/ngôn ngữ có chuẩn bị, các cách tu từ, các kiểu loại chức năng như thuyết phục, miêu tả, giáo khoa. Nói một cách khái quát, trong tương quan với chức năng của ngữ cảnh, với sự kiện cần diễn đạt, một phương thức ngôn từ tương thích được thể hiện.

 Quan hệ hay bầu không khí chỉ ra các vai tham gia, vị thế xã hội, trạng thái tâm sinh lý, mối quan hệ, các kiểu quan hệ, sự tương tác theo vai, tính bền vững hay nhất thời trong quan hệ của những người tham gia giao tiếp. Nói một cách khái quát, ai tham gia giao tiếp (who is taking part) và mối quan hệ giữa họ như thế nào, dựa vào các vai xã hội được xác lập này mà có thể đánh giá ngôn ngữ là trang trọng, lịch sự, thân mật hay suồng sã. Nói rộng ra, quan hệ hay bầu không khí là nhân tố chi phối nhiều nhất đến cách lựa chọn ngôn ngữ.

           Các ngữ vực càng được hình dung cụ thể bao nhiêu thì các đặc điểm diễn ngôn trong tình huống giao tiếp dễ nhận diện bấy nhiêu, bởi như đã thấy ngữ vực được quyết định những gì đang xảy ra (field), ai tham gia vào quá trình ấy (tenor) và hình thức ngôn ngữ tham gia thế nào (mode).

           Chẳng hạn, ta có ngữ vực là kinh doanh, trường diễn ngôn là những hoạt động buôn bán nhằm sinh lợi mà chủ đề là giới thiệu sản phẩm mới, bầu không khí là bình đẳng, trung hòa giữa người mua người bán, tuy nhiên phương châm “Khách hàng là thượng đế” được đặt lên hàng đầu, cách thức trình bày dưới dạng ngôn ngữ viết, nhằm tác động, ta có diễn ngôn giới thiệu sản phẩm. Hay ngữ vực là giáo dục, trường là giáo dục tiếng mẹ đẻ cho học sinh phổ thông, cụ thể là dạy tiếng Việt, bầu không khí là trung tính, mối quan hệ người soạn sách và độc giả, ở đây có thể hình dung thêm vai của thầy cô giáo trong mối quan hệ với học trò, về thức thể hiện, kênh chữ viết là chính, còn có thể có kênh hình ảnh với các siêu chức năng cụ thể, ta có loại diễn ngôn giáo khoa.

          Cần thấy, có thể có cùng một ngữ vực, nhưng chỉ cần một trong ba yếu tố thay đổi thì đặc điểm của diễn ngôn cũng sẽ khác.

          2.1.Trường thay đổi

          Chẳng hạn, cùng là ngữ vực văn hóa, nhưng trường y phục, về mặt tương tác xã hội sẽ hoàn toàn khác với trường ẩm thực. Tuy có thể có chung bầu không khí diễn ngôn là mối quan hệ giữa người viết với đông đảo công chúng bạn đọc mà mục đích chung, là đọc văn bản là để tìm hiểu. Và cũng có thể có chung thức diễn ngôn, đó là hình thức viết nhưng chúng không đồng nhất. Điều làm nên sự khác biệt là chính là ở trường diễn ngôn.

          2.2 Thức thay đổi

          Chẳng hạn ta có ngữ vực là thể thao, trường diễn ngôn là bóng đá, bầu không khí chung thân mật, cởi mở giữa vai tường thuật và khán thính giả, nhưng rõ ràng việc tường thuật một trận bóng đá trên TV, với nhiều kênh thể hiện như khẩu ngữ trực tiếp, lại được minh họa bằng kênh thị giác; ngôn ngữ ngắn gọn, xuất hiện nhiều yếu tố cận ngôn ngữ như cười, chép miệng, xuýt xoa tiếc rẻ… sẽ khác hơn rất nhiều so với kênh chữ viết thuần túy .Ở loại thức sau, người viết phải tốn rất nhiều công sức trong việc tái hiện những diễn biến trên sân cỏ, nhưng bù lại, hình thức chữ viết sẽ tạo ra một biên độ liên tưởng rất rộng.Vả lại, kênh thuần túy chữ viết mà chủ yếu tiếp nhận bằng con đường thị giác (đọc) sẽ hoàn toàn khác với kênh tiếp nhận bằng thính giác (nghe) kết hợp với thị giác (đọc, nhìn).

          2.3 Quan hệ thay đổi

          Cùng chung ngữ vực thị hiếu thẩm mỹ, trường diễn ngôn được hạn định trong việc ăn mặc, thức là trình bày trực tiếp thông qua hình thức diễn ngôn nói nhưng rõ ràng sự góp ý của người ái mộ với một ca sĩ, với người mẫu; sự góp ý của thầy cô giáo với các đối tượng học trò của mình; sự góp ý của các bậc phụ huynh với con em mình, là hoàn toàn khác nhau. Đó không gì khác là do quan hệ liên nhân quy định.

          Hiển nhiên, xuất phát từ những ngữ vực khác nhau, dựa vào trường, thức và quan hệ, chúng ta không những có thể chỉ ra một số đặc điểm của diễn ngôn mà còn có thể giải thích được, thậm chí có thể cung cấp một số thủ pháp quan yếu để tạo lập cũng như nhận hiểu diễn ngôn cho người bản ngữ cũng như người học ngoại ngữ. Tuy nhiên sự phân chia bên trên chỉ có ý nghĩa tương đối, nhất là ở đặc điểm về trường.

          Cách minh định về ngữ vực của M.A.K Halliday được đánh giá rất cao ở phương Tây, người ta hay nhấn mạnh đến những đặc điểm của ngữ cảnh tình huống được thể hiện qua một số phương diện, như trường diễn ngôn được thể hiện thông qua nghĩa kinh nghiệm và hệ thống chuyển tác (transitivity system), quan hệ được thể hiện qua nghĩa liên nhân với hệ thống tình thái,thể và đại từ nhân xưng, còn thức được thể hiện qua nghĩa văn bản với hệ thống đề, thuyết, cấu trúc thông tin và sự liên kết.

          Quả nhiên, so với bộ máy phong cách học cổ điển, cách hình dung của Halliday và các thành viên trong trường phái có phần đơn giản hơn. Bên cạnh việc nhìn nhận và đào sâu nghiên cứu một cách toàn diện về ngữ cảnh, bao gồm ngữ cảnh tình huống và ngữ cảnh văn hóa. Ngữ vực như một cấu hình nghĩa tiềm năng, một kiểu khung hay lược đồ phân tích sẽ được hiện thực hóa bằng ba trụ cột nội dung, chủ thể và cách thức.

          Trong khi đó, phong cách học cổ điển xác lập 5 yếu tố bình đẳng: Mục đích giao tiếp, nội dung giao tiếp, đối tượng giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp và cách thức giao tiếp. Do nhiều lý do khác nhau, nhìn chung, như đã nói, mô hình này chỉ nhắm đến giao tiếp thuần ngôn ngữ, có tính chất hướng nội, cụ thể chỉ tập trung vào văn bản là chính. Việc xác lập cách thức giao tiếp, nói như ngôn ngữ học tri nhận tức việc ngữ cảnh hóa các quan hệ quan yếu quả không đơn giản. Hơn nữa, việc xác định đối tượng giao tiếp mối quan hệ bộ ba người nói – văn bản – người nghe chưa thật rõ và điều này rất quan trọng, bởi ngôn ngữ học hiện đại chỉ ra một cách xác đáng rằng, tùy theo mối quan hệ này mà có thể xác lập, đâu là chức năng tương tác giao tiếp, đâu là chức năng thông tin của diễn ngôn, xét từ góc độ quy chiếu nội chỉ (endophora) cũng như ngoại chỉ (exophora), là rất khác nhau.

          Halliday đã khắc phục được nhược điểm này và nói chung cách biện giải của các thành viên cùng trường phái có nhiều ưu thế trong việc nhận diện đặc điểm trong và ngoài ngôn ngữ, cũng như hình thành được hệ thao tác phân tích diễn ngôn. Tuy nhiên, tại sao có cùng một trường, một loại quan hệ, một thức như nhau, với các mục đích khác nhau lại phải lựa chọn loại diễn ngôn này mà không phải là diễn ngôn khác, tức phải sử dụng các thể loại khác nhau?

          3. Do vậy, bàn đến đặc điểm diễn ngôn không thể không nhắc đến thể loại và các nhân tố chi phối.

          3.1. Thể loại (genre) là một thuật ngữ gắn liền với tu từ học cổ đại, trước đây được dùng khá phổ biến trong văn học, phong cách học, báo chí học. Gần đây khi trào lưu phân tích diễn ngôn ra đời, nó thực sự hút hút sự chú ý của nhiều nhà ngôn ngữ học với nhiều cách tiếp cận rất khác nhau, và với nhiều cách minh định cũng rất khác nhau.

           Có thể ghi nhận, thể loại là một sự kiện giao tiếp được đặc trưng hóa bởi một tập hợp các mục tiêu giao tiếp, được các thành viên của một cộng đồng chuyên môn học thuật xác định và nhận biết.

          Nếu như Halliday [5] xuất phát từ ngữ vực để xem xét thể loại thì J.R. Martin [6] lại xây dựng cho mình một quy trình ngược lại : THỂ LOẠI - NGỮ VỰC (trường, quan hệ, thức) – NGÔN NGỮ. Theo đó, thể loại thuộc cấp độ cao hơn, trừu tượng hơn và tổng quát hơn ngữ vực và ngữ vực là hệ thống ký hiệu điều chỉnh giữa thể loại (cao hơn) và ngôn ngữ (thấp hơn), thể loại được hiện thực hóa thông qua ngữ vực, ngữ vực được thể hiện thông qua ngôn ngữ. Như vậy có sự khác biệt trong quan niệm của hai tác giả. Với Martin, cấu trúc diễn ngôn phải được xác lập ở cấp thể loại chứ không phải ở ngữ vực, và mạng lưới thể loại được hình thành trên cơ sở tương đồng và khác biệt của những cấu trúc lược đồ. Và dựa vào nó để xác định loại diễn ngôn/ văn bản. Do vậy, nó thường được gọi là phương pháp cấu trúc lược đồ (schematic structure).

          Cũng theo Martin, thể loại được xác lập: (i) theo quy trình xã hội, bởi các thành viên của một cộng đồng diễn ngôn trong một nền văn hóa có chung một tri thức nền về chủ đề được đề cập, (ii) có tính mục đích, bởi thể loại bao giờ cũng được xây dựng cũng như hướng đến một mục đích nhất định và (iii) được phân đoạn bởi nội dung của thể loại, được cấu trúc theo từng bước mà mỗi một bước gắn với từng cách phân đoạn phục vụ cho mục tiêu thể loại.

          Về quy trình xã hội và tính mục đích chi phối đến ngôn ngữ thể loại nhìn chung là dễ quan sát, tại đây xin biện giải thêm về phân đoạn. Có thể hình dung, nội dung văn bản trong vận động, được mô hình hóa thành các bước, gọi là bước thoại (move), mỗi bước thoại đảm trách một chức năng nhất định Trong các bước thoại lại có thể chia nhỏ thành các bước tiểu thoại (step) [7].

           Cùng cách nhìn, theo V. K. Bhatia [7] ngữ vực chỉ là bề mặt của văn bản, chính sự hoạt động của thể loại trong hành chức mới bộc lộ hết bản chất của nó. Nghiên cứu và phân tích thể loại là, nhằm xác định hành động ngôn từ trong tình huống, để góp phần giải thích tính phức tạp và đa dạng của thế giới ngôn ngữ, giúp cho người tạo lập vặn bản cũng như nhận hiểu văn bản nắm rõ ngôn ngữ sử dụng cũng như sự cần thiết phải chuyển đổi theo mục đích và môi trường xã hội. V. K. Bhatia rất chú ý đến thể loại thương mại (business genre), theo tác giả, hiện nay có một xu hướng là đơn giản hóa hình thức thể loại trong tiếng Anh xuất phát từ việc quá chú trọng đến tính thực hành trong giáo dục ngôn ngữ, trong khi thế giới thật của diễn ngôn là hết sức phức tạp, năng động và khó đoán định về chiều hướng phát triển của nó.Trên cứ liệu tiếng Anh, từ góc độ lý thuyết cũng như ứng dụng, tác giả đã khái quát được một số đặc điểm ngôn ngữ trong một số thể loại diễn ngôn như kinh doanh, học thuật, pháp lý, tiếng Anh chuyên ngành.

          Nói một cách khái quát, thể loại là một hình thái tu từ năng động, một mặt luôn đáp ứng các hình thức giao tiếp ổn định, nhưng mặt khác sẵn sàng thay đổi để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Kiến thức thể loại, một nhận thức có tính tổng hợp, bao gồm các tri thức về thể thức, bố cục, nội dung, mối quan hệ giữa chúng… thường thu nhận được là qua giao tiếp hàng ngày cũng như giao tiếp có tính chuyên môn trong một cộng đồng diễn ngôn.

          Tuy nhiên, việc mô tả các hệ thống thể loại cụ thể cũng không hề đơn giản, bởi đường ranh giới giữa chúng thường nhòe vào nhau và cũng bởi tùy theo bộ tiêu chí lý thuyết được dùng làm cơ sở . Chẳng hạn, theo truyền thống phong cách học ở Việt Nam, Đơn xin tuyển dụng và Thư giới thiệu sản phẩm hàng hóa là hai thể loại hoàn toàn khác nhau, thế nhưng nhiều nhà phân tích diễn ngôn phương Tây không phải không có lý khi xếp chúng vào cùng một loại. Hay, tuy cùng có chung một số đặc điểm ngôn ngữ và ngữ cảnh nhưng mỗi một thể loại diễn ngôn thường có loại tiêu biểu (prototype) mang ý nghĩa đại diện, chẳng hạn thể loại tin tức đối với diễn ngôn báo chí, thể loại xã luận đối với diễn ngôn chính trị, thể loại thơ đối với diễn ngôn văn chương…ngay trong hệ thống tin tức thì vai trò của tin tức chính trị - xã hội, xét trên nhiều phương diện, tiêu biểu hơn nhiều so với các loại tin tức còn lại.

           Và dù xuất phát từ chỗ dựa là ngữ vực hay thể loại, việc nhận diện và miêu tả diễn ngôn và/ hoặc thể loại của diễn ngôn không thể tách rời 3 yếu tố như quan niệm của Halliday hoặc 4 yếu tố như chủ trương của một số tác giả khác đã đề cập bên trên.

          3.2.Bên cạnh việc nhận diện một số đặc điểm diễn ngôn và thể loại của diễn ngôn do sự thay đổi linh hoạt của các yếu tố cấu thành ngữ vực trong giao tiếp, chúng ta có thể dựa vào các đặc điểm ấy để xác lập đặc trưng có tính chi phối của ngữ cảnh tình huống - một thao tác quan yếu nếu không muốn nói là tối quan yếu trong phân tích diễn ngôn.Chẳng hạn, trên bề mặt, xuất phát từ các cấp độ như ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và tổ chức diễn ngôn, dễ dàng chỉ ra sự khác biệt về mặt ngôn ngữ giữa các loại hình diễn ngôn và thể loại diễn ngôn và cả tiểu thể loại diễn ngôn, nhưng sẽ là không đủ nếu chỉ dừng lại ở đó.Chúng ta phải chỉ ra, về mặt sâu xa, sự khác biệt ấy xuất phát từ đâu. Hãy chú ý đến các nhân tố chi phối trong hai loại diễn ngôn sau:

 Diễn ngôn nói                                                 Diễn ngôn viết

- Ngữ cảnh tự nhiên                                      - Ngữ cảnh nhân tạo

- Giao tiếp trực tiếp                                       - Giao tiếp gián tiếp

- Dấu ấn cá nhân trong diễn đạt                    - Trung tính trong diễn đạt                            

- Phản ứng linh hoạt                                       - Độ ổn định cao

- Chức năng tương tác.                                     -Chức năng thông tin.

           Sự khác biệt về mặt ngôn ngữ, suy cho cùng đều bắt nguồn từ những yếu tố gắn liền với tình huống giao tiếp.Với cách lập thức như thế, có thể xác lập các nhân tố chi phối cho bất cứ loại hình diễn ngôn hoặc thể loại diễn ngôn ngôn nào.

          4. Qua một vài phân tích bên trên, chúng ta có thể thấy dù lấy ngữ vực, hay thể loại làm xuất phát điểm thì các yếu tố trường, thức và quan hệ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc nhận diện đặc điểm của diễn ngôn.

          Xuất phát từ những nhân tố bên trong, tức từ trong ra ngoài, bên cạnh việc chú ý đến nhân tố ngôn ngữ với tất cả các chiều kích của nó, phân tích diễn ngôn đương nhiên còn phải lưu ý đến các kênh phi ngôn ngữ, cận ngôn ngữ, bán ngôn ngữ .

           Còn ngược lại, xuất phát từ bên ngoài, tức từ ngoài vào trong, phải xác lập các nhân tố chi phối, các cơ sở nền tảng giải thích cho việc hình thành nên những đặc điểm đó. Hai quá trình tương tác này sẽ là căn cứ để đánh giá tính tương thích của diễn ngôn, dù xét từ góc độ tạo lập cũng như nhận hiểu và dẫn giải diễn ngôn.

 

                                    Tài liệu tham khảo

[1] Gregory M., Aspects of varieties differentiation, Journal of linguistics

3 (1967) 177.

[2] Ure J.& Ellis J., Register in descriptive linguistics and linguistic sociology,Issues in sociolinguistics, the Hague : Mouton,1977.

[3] Fawcett R., Cognitive linguistics and social interaction: towards an integrated model of a systemic functional grammar and the other components of an interacting mind, Heidelberg : Julius Groos, 1980.

[4] Halliday M.A.K., Language as a social semiotic : the social interpretation of language and meaning, longdon : Edward Arnold, 1978.

[5] Martin J.R., English text system and structure, John Benjamins publish company, Philadelphia/ Amsterdam, 1992.

[6] Swales J., Genre analysis: English in academic and research setting, Cambride : Cambrige UP, 1990.

[7] Bhatia V.K., Analyzing genre, language use in professional settings, New York : Longman publishing, 1993.