Dụng học với miêu tả đồng đại lịch sử: Từ “Bèn” trong tiếng Việt từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII

In bài này

                                                                                       I

   Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã có dịp phân tích về từ bèn trong tiếng Việt hiện đại (xem 4). Bài viết này đi ngược dòng thời gian, tìm hiểu về từ bèn trong một trạng thái đồng đại lịch sử: Bèn của tiếng Việt trong khoảng thời gian từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Nguồn tư liệu khảo cứu của bài viết lấy từ một số văn bản Nôm đã được các nhà nghiên cứu Quốc ngữ hoá.

   Có thể thấy rằng, sự quan tâm dành cho bèn trong tiếng Việt hiện đại đã ít mà càng ngược dòng thời gian lại càng ít ỏi. Trong từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes, bèn chỉ có một nghĩa duy nhất được thu thập và cho các tương đương Bồ Đào Nha, La Tinh với giá trị ngữ nghĩa, theo các tác giả phiên dịch bộ từ điển này ra tiếng Việt hiện đại, là nhưng; thêm nữa, trong toàn bộ từ mục lại chỉ có vỏn vẹn duy nhất một ví dụ mà ngữ cảnh thì lại quá hẹp, không đủ để xác minh điều kiện dùng cũng như tính xác thực của nó. Thậm chí, người ta có thể hoài nghi rằng, liệu A. de Rohdes có hiểu đúng từ này của tiếng Việt qua sự truyền đạt diễn giải của các cộng tác viên bản ngữ khi điều tra ngôn ngữ để biên soạn từ điển hay không. Xin dẫn cụ thể:

-         Bèn: mas, porem: fed. Bèn chữa chúng tôi mas liura nos: fed libera nos. [1, 37]

Phần dịch ra tiếng Việt:

-         Bèn: Nhưng. Bèn chữa chúng tôi: Nhưng xin cứu chúng tôi [1, 37].

   Từ điển từ cổ của Vương Lộc là một công trình nhiều công phu, cung cấp cho ta một khối lượng từ cổ khá phong phú, song cũng không thấy có mặt từ bèn thuộc phạm vi mà ngữ pháp quan tâm (chỉ có một từ bèn với nghĩa là ‘cánh hoa’). Có lẽ, người đã dành cho từ bèn trong ngữ pháp xưa sự quan tâm nghiên cứu riêng biệt là N.V. Stankevitch. Song, những nhận xét của bà nhằm vào mặt ngữ nghĩa chức năng của từ bèn, qua bản thảo mà chính tác giả gửi tặng chúng tôi, cũng mới chỉ là một đôi ý bước đầu, có phần đại lược, giới hạn trong một nhóm ngữ cảnh và trong khuôn khổ khảo sát một văn bản (Truyền kỳ mạn lục giải âm). Có thể trích ra đây những điểm quan trọng nhất:

   “Trước động từ có thể dùng từ bèn (43 lần), nói chung ở bản Giải âm, hư từ bèn chỉ cho chúng ta thấy rằng, có một hành động này đã hoàn tất ngay sau khi có hành động trước và có thể, đó là hậu quả của hành động trước. Nói chung, bên Giải âm dịch bèn là rất phù hợp (với bản Hán văn - chúng tôi chú thêm  LĐ, NVC) … bèn là hư từ cổ Hán Việt nhưng có lẽ nó chưa thực sự được Việt hoá”. Ở một chỗ khác mang tính tổng kết chung, bà viết thêm “hệ thống hư từ trong bản Giải âm về cơ bản là ăn khớp với hệ thống hư từ tiếng Việt hiện đại, chỉ có hai điểm khác là vẫn còn thiếu sẽ và vẫn đang còn dùng bèn (hư từ này đến tiếng Việt hiện đại thì thiên về có sắc thái tu từ)” (xem 3)

   Kỳ thực, càng đi sâu vào tư liệu đặt đối tượng vào tiêu điểm chú ý để phân tích nó một cách nhiều chiều, nhiều tầng bậc và hệ thống hơn càng thấy những hiểu biết của chúng ta về bèn trong lịch sử, nội dung ngữ nghĩa chức năng của nó, cách dùng của nó trong giao tiếp rõ ràng còn thiếu rất nhiều. Thực tế cho thấy rằng, ở thế kỷ XV – XVII, bèn đã là một trong những yếu tố ngôn ngữ được sử dụng khá rộng rãi. Sự vận động phát triển nghĩa của nó theo hướng ngữ pháp hoá, tình thái hoá đáp ứng những nhu cầu giao tiếp nhận thức một thời của cộng đồng đã làm hình thành cả một mạng ngữ nghĩa chức năng đa dạng hơn ngày nay nhiều, đồng thời gắn liền với những nhân tố ngữ dụng, phản ánh nhiều mặt của tương tác liên nhân. Điều này dẫn tới mấy hệ quả. Thứ nhất là, bèn chủ yếu được sử dụng trong văn xuôi và trong văn vần mang tính kể chuyện. Chính ở đây, các hành động phát ngôn gắn bó với nhau trong nhiều chiều (sự kiện - sự kiện; sự kiện – tâm lý nhận thức hành động của con người; người nói – người nghe – người kể chuyện; điểm mốc – thời gian và nhân quả…) kéo theo sự xuất hiện với tần số cao của bèn. Thứ hai là, việc tìm hiểu một yếu tố mang đặc tính như vậy đòi hỏi phải xuất phát từ sự phân tích ngữ cảnh nghiêm ngặt theo chiều sâu và có hệ thống, chú ý linh hoạt tới nhiều nhân tố, nhiều bình diện. Chẳng hạn nghĩa và sự liên hệ logic ngữ nghĩa giữa các phát ngôn, đặc trưng của hành vi ngôn ngữ, ngữ nghĩa của vị từ, sự vận động của thông tin và logic bên trong của sự phát triển nghĩa…  Dưới đây chúng tôi xin đi vào những cách dùng cụ thể của bèn.

 

                                                                                              II

  1.  Bèn trước hết có thể được dùng với nghĩa thời gian: Sự tình được nói tới diễn ra liền ngay sau mốc không có sự gián cách kéo dài như có thể nghĩ, có thể chờ đợi. Với ý nghĩa đó, bèn tương đương với “lập tức, tức thì, ngay, liền” trong tiếng Việt hiện đại. Tiêu điểm chú ý của người nói trong trường hợp này chính là đặc tính diễn tiến, tiếp nối của sự tình so với mốc. Cái mốc đó có thể là một sự tình nào đó khác theo lối hồi chỉ tỉnh lược hoặc là thời điểm của hành vi ngôn ngữ do những người tham gia giao tiếp thực hiện, tức thời điểm nói. Trong cách dùng này bèn có thể đi với những vị từ rất khác nhau, có kiểm tra hay không kiểm tra, miễn sao, đó là những sự tình có thể đến, có thể diễn ra, xảy ra hay được thực hiện ở một lúc nào đó trên dòng vận động của thời gian, nhìn như một cái gì điểm tính. Nó có thể đi sau và nằm bên trong tầm tác động của yếu tố phủ định, mặt khác, cũng không bị bó hẹp trong phạm vi những sự tình đã diễn ra trong hiện thực mà có thể xuất hiện cả trong những nội dung sự tình mang tính tiềm tàng gắn với mong muốn, cầu khiến.

   Quan sát một vài ví dụ cụ thể:

(1) Ta mới vâng mệnh Đế quân [đi các nơi xem xét]. Song vì có ngươi đến khoan khoan chẳng bèn đi. [2]

(2) Các cây cả, ai hay vì ta nuôi giữ đứa con này thì bèn mở rộng lòng! [3,41]

   Ví dụ (1) là một ngữ cảnh rất điển hình cho thấy rõ giá trị thời gian vừa nói tới của bèn. Ở đây bèn nằm trong tầm tác động của yếu tố phủ định (vì có ngươi đến khoan khoan chẳng bèn đi = vì có ngươi đến nên để chầm chậm lại chẳng đi ngay). Ta thấy, việc ra đi của nhân vật là thông tin đã lui vào hậu trường, đã nằm trong vùng tiền giả định của nghĩa. Đối tượng có ra đi thực hiện lệnh của Đế quân, cái nằm trong thông báo chính thức vào lúc nói và bị phủ định chỉ là tính chất liền ngay mốc của thời gian thực hiện hành động mà thôi. Ví dụ (2) là một phát ngôn dạng khuyến lệnh trực tiếp “Các cây cả, ai hay vì ta nuôi giữ đứa con này thì bèn mở rộng lòng!” ( = Các cây cả, ai có thể vì ta nuôi giữ đứa con này thì mở rộng ngay lòng ra!). Ở đây, bèn cũng nằm trong tiêu điểm của lệnh, cái mốc, trong trường hợp này, chính là hành động phát ngôn của người nói: lập tức mở rộng ngay lòng ra, ngay sau khi người nói nói ra lời yêu cầu này.

   Quan sát thêm một vài ví dụ thuộc dạng lời nói gián tiếp

(3) Trời thấy ân quốc tham lòng/ Tính thôn sắm cướp họ Hùng về tay/ Sai tôi bèn xuống mái đây/ Đầu thai mượn khí mẹ rày sinh ra  (Sai tôi lập tức xuống mái nhà này/ Đầu thai, mượn khí mẹ mà sinh ra) [4. 33]

(4) Trương Vi khôn khéo quá ư/ Khiến người bèn gắng cắm cờ cửa doanh (Khiến người lập tức cố gắng cắm cờ ở cửa doanh) [4, 96]

   2. Từ sự kế tiếp trực tiếp, tức thì về mặt thời gian của một sự tình so với mốc chuyển sang những cách dùng mà tính tức thì bị mất đi chỉ còn lại là sự nối tiếp, tiếp theo sau sự việc đã nói, đã kể trong thời gian. Thậm chí, bèn có thể được mở rộng ra thành sự kế tiếp của những nội dung được trình bày, tức là trình tự sắp xếp, trình tự liệt kê các sự kiện mà người nói lựa chọn theo một góc nhìn nào đó, một thứ trình tự siêu ngôn ngữ. Chúng ta hãy quan sát và cùng phân tích kỹ ví dụ sau đây:

   (5) [Đất Cổ Châu, Bụt Pháp Vân rất linh thiêng…]

nắng nôi sâu bọ bệnh tật vâng mệnh nhà nước đến cầu đảo thửa bao nhiêu tai nạn đều khỏi (= nắng nôi sâu bọ bệnh tật vâng mệnh nhà nước đến cầu đảo thì thảy bao nhiêu tai nạn như vậy đều qua khỏi hết);

    Bèn đến quan lang, sĩ thứ chúng dân hiếm cùng con ấy đến chùa cầu xin đều thời được như thửa muốn (= rồi / rồi nữa/ tiếp đó … đến quan lang sĩ thứ chúng dân hiếm cùng con đến chùa cầu xin đều thời được như ý muốn)

    Nhẫn đến quan trên cùng buôn bán, chăn lúa nuôi tằm các mọi điều cầu xin khấn vái ắt được bằng lòng (= thậm chí đến, quan trên cùng người buôn bán, kẻ trồng lúa nuôi tằm, tất thảy mọi điều cầu xin khấn vái đều được bằng lòng) [3, 51]

   Có thể nhận thấy rằng, việc cầu xin Bụt phù hộ của khắp chúng sinh diễn ra không theo một trình tự kế tiếp khách quan nào, không phải là trình tự của sự kiện. Chẳng hạn, việc cầu xin con thừa tự, việc cầu xin thuận lợi trong làm ăn buôn bán, chữa trừ tật bệnh … có thể diễn ra quanh năm xen kẽ nhau không bắt buộc phải kế tiếp nhau theo trình tự cố định về mặt thời gian; việc cầu đảo theo lệnh của nhà nước cũng phải tuỳ thuộc vào tình hình mùa màng cụ thể, năm có năm không, vụ có vụ không. Sự sắp xếp trước sau ở đây rõ ràng chỉ là sự sắp xếp theo góc nhìn chủ quan của người nói, do người nói lựa chọn để liệt kê các luận cứ mà thôi. Người nói, trong ví dụ này trước hết nói đến những việc có ý nghĩa đặc biệt, có tầm ảnh hưởng ở phạm vi quốc gia và do nhà nước ban lệnh, chỉ đạo thực hiện rồi tiếp theo là những việc thuộc phạm vi cá nhân nhưng lại là điều đặc biệt quan trọng theo quan niệm văn hoá, đạo nghĩa phương Đông (chuyện sinh con cái nối dõi tông đường) rồi cuối cùng mới là đến việc của cá nhân thuộc đủ mọi tầng lớp trong công việc làm ăn.

   3. Sự nối tiếp, kế tiếp trong thời gian, như một quy luật phổ biến, có thể đi kèm với những sắc thái nhân quả, hệ quả đủ loại làm cơ sở cho sự hình thành ý nghĩa mới gắn với sắc thái nhân quả, hệ quả đó. Chẳng hạn, so sánh trong tiếng Nga giữa Sledavat’ (theo, tiếp theo, kế theo) với Sleduet, sto; Sledovatel’no (từ đó mà, thế là, thành thử, vì vậy) hay liên hệ thêm với những cách dùng gắn với trật tự thời gian và nhân quả của liên từ ‘và’ của tổ hợp ‘từ đó’ trong tiếng Việt cũng như tương đương của chúng trong nhiều ngôn ngữ khác. Một tình hình như vậy cũng đã xảy ra với từ bèn trong quá khứ. Ở đây cần phân ra hai trường hợp lớn:

   3a. Trường hợp thứ nhất, cũng là cách dùng duy nhất của bèn vẫn còn được tiếp tục lưu giữ cho đến tận ngày nay trong khi các cách dùng khác đã rơi rụng mất (cũng xin nói thêm rằng không nên coi đây là cách dùng chỉ đơn thuần mang “tính tu từ”, một cách định tính đã có từ lâu thường với hàm ý yếu tố ngôn ngữ được xét không có một giá trị ngữ nghĩa chức năng đích thực nào ngoàicái giá trị tu sức, đưa đẩy được thêm vào cho sinh động lời nói thuộc một phong cách chức năng). Ở trường hợp này bèn chỉ ra rằng hành động ứng xử được thực hiện là một hành động phản ứng có chủ đích, có lựa chọn mang tính hệ quả của chủ thể đứng trước một tình huống, hoàn cảnh nào đó của đời sống, có sự thúc đẩy của những nhân tố thuộc nhận thức ở chủ thể. Chủ thể trên cơ sở  nhận thức tình cảm của bản thân mình trước một tình huống mà chủ động hình thành ý đồ, mục đích và thực hiện hành động ứng xử tương thích. Chính do đặc tính ngữ nghĩa đó bèn trong trường hợp này giả định những sự tình mà chủ thể là con người, hay ít ra cũng là những đối được xem là có ý chí ý thức như con người – ma quỷ, thần thánh chẳng hạn. Và, đương nhiên hành động phản ứng được nói tới cũng là cái có sự tham gia kiểm tra, kiểm soát của ý chí. Quan sát một vài ví dụ cụ thể:

(6) Rượu hầu say, muốn ngủ. Thấy một người đến trước có lời rằng: “Vâng

chiếu chỉ vua ta, phiền ngươi đến nói khó. Họ Hồ bèn vội vàng khép nép sửa sang [2, 30] (= Rượu gần say, muốn ngủ. Thấy một người đến trước có lời rằng: “ Vâng chiếu chỉ vua ta, phiền ngươi đến nói chuyện, họ Hồ bèn vội vàng khép nép sửa sang)

(7) Đêm chiêm bao thấy con gái mặc cái áo lục, kêu thương xin tha mạng.

Đến sáng ngày có gã hàng chài lấy cái rùa vỏ lục ruổi đến dâng. Người Phan ngờ trong chiêm bao thửa cảm bèn buông sống đấy [2] (= Đêm chiêm bao thấy người con gái mặc cái áo màu lục kêu thương xin tha mạng. Đến sang ngày, có gã hàng chài mang con rùa mai xanh ruổi đến dâng cho mình. Họ Phan ngờ đó là chuyện gây thương cảm trong mơ, bèn thả cho nó sống.

(8) Tam Kha nghe biết tỏ tường,

     Bèn sai quỷ sứ tìm đòi Hầu Ca. [4, 166]

(9) Mẹ cha chửi mắng hôm mai

    Nàng bèn mới nói sự hồi khi đêm [4, 148]

(10) Tình cờ khi ấy họ Trần ra chơi

        Thấy lạ bèn hỏi: “ấy ai?”

        Rằng: “tôi là người quê ở Hoa Lư..” [4, 187]

   3b.  Trường hợp thứ hai, sự tình được dẫn nhập bằng bèn cũng được nhìn như là kết quả, kết cục của một hay những sự tình nào đó đã nói trước. Song, đó không phải là hành động có lựa chọn có ý đồ nhắm trước của chủ thể trước tình huống của đời sống. Do đó ở đây bèn có thể kết hợp cả với những vị từ chỉ tính chất, trạng thái, vị từ tình thái, hay những vị từ chỉ sự hoạt động biến đổi ngoài sự kiểm soát của ý chí ý thức. Ví dụ:

   (11) Nàng Thuý Tiêu tính ngỏ sáng, hằng, khi người Nhuận Chi đọc sách thời lặng ghi đấy bèn hay đọc nên [2, 304] (= Nàng Thuý Tiêu bản tính sáng láng, thường khi người Nhuận Chi đọc sách thời lặng ghi nhớ thế là rồi có thể đọc được)

   (12) Sớm mai đi nghe giảng hằng thấy hai con gái (…) trêu ghẹo cười cợt hoặc khi lấy trái ngon gieo cho đấy hoặc khi lấy hoa tốt ném cho đấy. Cấu đấy ngày đã lâu người nhân giả chẳng hay định được trong lòng bèn nên gắn bó vậy [2, 111] (= Thường gặp hai người con gái (…) trêu ghẹo cười cợt có khi lấy trái ngon tung cho chàng, có khi lấy hoa đẹp ném cho chàng. Giữ cái lệ ấy đã lâu ngày người nhân giả chẳng thể kìm nén được trong lòng nữa ấy thế là thành ra gắn bó vậy)

   4. Cách dùng thứ tư của bèn gắn với sự đánh giá của người nói về tính bất thường, trái ngược bỏ qua những tiền đề điều kiện hay logic vận động bình thường đáng phải có, đáng phải theo của sự việc. Nói cụ thể hơn, cách dùng này giả định các nhân tố sau:

    a) Trước hết là những tri thức nền về cái chuẩn, cái hợp logic, hợp chờ đợi trong mô hình thế giới của những người tham gia giao tiếp: (A) đáng ra thì phải (B)

    b) Đánh giá chủ thể của tình thái, tức người nói: điều được nói tới là cái diễn ra, xảy ra hay được thực hiện trực tiếp chính ngay trong cái hoàn cảnh điều kiện không thuận.  Đó là một bước vận động phát triển đột ngột bất ngờ hoàn toàn trái ngược với chờ đợi, bỏ qua những cái mà theo chuẩn mực, theo logic thông thường đáng ra phải có, đáng ra phải theo.

   Đương nhiên, có một mối liên hệ dễ thấy giữa cái ý nghĩa trỏ sự kế tiếp trực tiếp không có gián cách về mặt thời gian, với cái ý nghĩa trỏ sự vận động phát triển trực tiếp (thẳng) bỏ qua cái đáng phải có, đáng phải theo của sự tình. Có thể quan sát những lối nói hiện đại kiểu như: Vợ đẹp con khôn thế mà lại bỏ thẳng ngay đi để lấy một con bé vớ vẩn; Nhà còn bao nhiêu thức ăn thế mà lại đi mua thẳng mấy cân thịt về thế có chết người ta không; Lọ sạch kín mít mà nảy thẳng ngay ra một mầm cây được. Do những đặc trưng ngữ nghĩa, ngữ dụng đã phân tích, bèn trong trường hợp này tương đương với lối nói sử dụng lại, mà lại, lại … thẳng ngay  trong tiếng Việt hiện đại và có thể dùng hình dung trước được, nó thường dễ dàng xuất hiện trong những câu hỏi về nguyên nhân hay đi kèm với những yếu tố tình thái gần gũi kiểu ai biết ai hay

   Quan sát các ví dụ:

   (13) Ta cả ở giang hồ, cảnh vui mé Đông Nam đều no trải. Chẳng biết ấy những núi hang nào mà bèn trổ ra trước mắt. Sao xưa không mà nay có vậy? [2] (= Ta lớn lên ở cõi giang hồ, Cảnh đẹp tươi mé Đông Nam đều đã qua đủ khắp cả. Chẳng biết những núi non nào mà lại trổ thẳng ra ngay trước mắt. Sao xưa không có mà nay lại có vậy?)

   (14) Nhu Lang họ Kim ấy là hoa Kim Tiền vậy, nương tử họ Thạch ấy là cây Thạch Lựu vậy […] chẳng ngờ gốc thơm bèn hay biến dối dường ấy [2,  123] (= Nhu Lang họ Kim ấy là hoa Kim Tiền vậy, nương tử họ Thạch ấy là cây Thạch Lựu vậy […] không ngờ gốc hoa thơm mà lại có thể biến đổi huyễn hoặc thẳng ngay ra như thế)

   (15) Ngươi đã làm nghiệp học trò, đọc truyện sách thánh hiền há chẳng biết quỷ thần chưng làm đức mà bèn cùng khinh lờn lạt, đốt nát thửa tượng [2, 193] (= Ngươi đã làm nghiệp học trò, đọc truyện sách thánh hiền há chẳng biết là quỷ thần làm việc đức mà lại khinh thường lờn lạt, đốt nát thẳng ngay tượng người ta đi)

   5. Tính liền ngay, trực tiếp không có gián cách về thời gian so với mốc và sắc thái nhân quả có thể có trong dòng phát triển kế tiếp của các sự kiện có một kiểu liên hệ bên trong dễ thấy với một kiểu ý nghĩa khác nữa của bèn mà chúng tôi sẽ đề cập đến ngay đây. Trong cách dùng này bèn tương đương với những lối nói kiểu ‘hoá ra; thì ra’ trong tiếng Việt hiện đại. Ở những trường hợp như thế, dễ dàng nhận ra trong ngữ cảnh bèn gắn với sự vận động biến đổi về trạng thái nhận thức của chủ thể tình thái, có thể diễn đạt đại thể: trước hoàn cảnh, tình huống này chủ thể tình thái không biết, không nghĩ là như thế; bây giờ do những thông tin có được trong tình huống trực tiếp cụ thể này (có thể là thông tin quan sát, nhận thức trực tiếp hay do người khác cung cấp) chủ thể tình thái ý thức được cái tình hình thực hữu, cái nhận thức đúng, chính xác không sai chệch với thực tế là như vậy. Như vậy, các nhân tố quan trọng nhất trong cách dùng này là: a) cái trạng thái nhận thức ban đầu chưa biết, chưa rõ hoặc sai lầm của chủ thể tình thái; b) cái tình huống hoàn cảnh như là nhân tố gây tác động biến đổi nhận thức, nhờ nó mà anh ta biết ra, nhân thực ra được tình hình thực hữu, xác thực với ít nhiều bất ngờ. Ở đây chủ thể tình thái đồng thời cũng là chủ thể nhận thức tiếp nhận xử lý thông tin về thế giới, chủ thể của trạng thái tâm lý cảm xúc nhưng không nhất thiết phải trùng hợp với người nói. Quan sát một số ví dụ:

   (16) Hằng sớm bước ra, chưng trong mây mù thấy cờ ngọc xe báu ruổi trên không mà lên. Lối có xe ngọc một cỗ ngựa xe theo hầu cũng sởn. Theo một bên dòm trộm bèn thửa thầy là người Dương Trạm [2, 231] (= Theo lệ thường, sang sớm bước ra, ở trong mây mù trông thấy cờ ngọc xe báu ruổi mà lên trên không trung. Tiếp nữa, có một cỗ xe ngọc, ngựa xe theo hầu cũng sởn sang. (Chàng) đi theo một bên nhìn trộm thì ra là thầy dạy mình, là thầy Dương Trạm)

   (17) Thôn gò đã xa, ngày lại tối đen. Xảy văng mắt xem về bên nam thấy lửa sang nhấp nhoáng, kíp rảo đến đấy bèn nhà tranh vài gian, bốn bề rặng trúc sum bày [2, 399] (= Thôn gò đã xa mà trời lại tối đen.  Chợt đưa mắt nhìn về phía nam, thấy ánh lửa sáng nhấp nhoáng, vội rảo bước đến đấy, thì ra mấy gian nhà tranh bốn bề rặng trúc sum bày)

   (18) Mở quyển xem đấy, đều giấy trắng tờ không. Chỉn có bốn chữ Lã Đường Thi tập, thấm tháp loè mực … mới biết người cưỡi la ấy bèn là tiên sinh họ Thái, mà hỏi thửa chốn ấy, bèn là mộ quan giáo thụ họ Phù cùng nàng phu nhân [2, 408] (= Mở quyển ra xem thì đều là giấy trắng, tờ không (chữ). Chỉ có bốn chữ Lã Đường Thi tập, thấm tháp loè mực … mới biết người cưỡi la ấy hoá ra là tiên sinh họ Thái, mà hỏi cái chốn có phần mộ ấy, thì ra là mộ của quan giáo thụ họ Phù cùng nàng phu nhân vậy.

   6.  Phát triển rộng ra, các nhân tố về sự biến đổi của trạng thái nhận thức, tính tương tác nhân quả trong phát triển nhận thức không còn nữa, bèn trở thành một yếu tố nhấn mạnh tính chính xác, không có sự cách biệt sai chệch của sự đồng nhất hay đánh giá. Ở đây, theo cách giải thuyết của chúng tôi, có thể phân ra mấy trường hợp nhỏ:

   6a) Sử dụng trong các bối cảnh đơn thuần đồng nhất đối tượng bèn có ý nghĩa tương tự như ‘chính, chính là’ hiện nay. Diễn giải cụ thể hơn: đối tượng đang được nói đến, đang nằm trong tiêu điểm quan tâm (được nêu trong phần thuyết hoặc được ngầm hiểu trong ngữ cảnh trước) chính là cái đó/người đó chứ không phải là ai, là cái gì khác; và, đó là điều đáng lưu ý trong tình huống giao tiếp cụ thể này.

   Ở đây không có sự vận động biến đổi trong trạng thái nhận thức, thông tin được đưa ra để đồng nhất là có sẵn trong nhận thức của chủ thể tình thái, thậm chí có thể là có sẵn cả trong nhận thức của người nghe. Điều quan trọng là ở chỗ: đó phải là điều quan trọng đáng lưu ý (chẳng hạn, quan trọng đối với việc xem xét hình thành thái độ, quan điểm, ý kiến; đối với việc xác lập lô – gich của các sự kiện; đối với hành động ứng xử …). Quan sát một vài ví dụ:

   (19) Lại đến một chốn đề rằng Nho thần chi môn. Đều áo dài đai rộng cũng chẳng kém ngàn người. Trong có hai người đội mũ xanh áo the. Ngươi Dương Trạm chỉ bảo ngươi Tử Hư rằng: “Ấy bèn người ở triều Lý là ngươi Tô Hiến Thành ở triều Trần là ngươi Chu Văn An vậy …” [2,  236] (= Lại đến một nơi biển đề là Nho thần chi môn. (Ai nấy) đều áo dài đai rộng cũng chẳng kém nghìn người. Trong đó có hai người mặc áo the đội mũ xanh, ông Dương Trạm chỉ họ mà bảo với Tử Hư rằng: “Đó chính là ông Tô Hiến Thành người triều Lý và ông Chu Văn An người triều Trần đấy …”

   Ngữ cảnh trên cho thấy rất rõ, không hề có sự vận động biến đổi trong nhận thức của chủ thể tình thái: Người nói vốn biết rất rõ thông tin về đối tượng. Song đối tượng được đề cập ở đây có điều đặc biệt dành được sự quan tâm tách biệt ra khỏi khối đông người. Cái thông tin được người nói đem ra để đồng nhất chính xác và nêu bật (ấy là ông Tô Hiến Thành và ông Chu Văn An chứ không phải ai khác không đáng lưu ý) chính là thông tin rất có ý nghĩa với người nghe – vốn là một nho sinh đang theo đuổi đường thi cử quan lộ nhưng còn thiếu sự rèn giũa tâm tính nhân cách ở một số mặt nên chưa được trời cho thành đạt và đang được thầy dạy mình (người nói) khuyên nhủ khuyến khích cho tu rèn thêm.

   (20) Ngươi Từ rằng, min bèn là kẻ sỹ ở ẩn huyện Tống Sơn, một buồm gió một thuyền lá buông tuồng chốn giang hồ, mặc lòng thửa ở, há biết chốn ấy có phủ tía đô thanh [2, 208] = (Chàng Từ Thức rằng, tôi đây chính là kẻ sỹ ở ẩn nơi huyện Tống Sơn, một buồm gió một thuyền lá buông tuồng chốn giang hồ, chốn ở tuỳ thích mà đâu biết chốn này có phủ tía đô thanh)

   Câu nói trên là lời người nói, chàng Từ Thức, tự giới thiệu với người khác về bản thân mình. Cái thông tin được anh ta nêu bật để đồng nhất nhận diện và tác động đến người nghe là khía cạnh (mình) chính là kẻ ẩn sỹ phiêu bạt từng ngao du thông biết cảnh vật khắp nơi chứ không phải là ai đó khác không có đặc tính ấy. Điều này là rất quan trọng đáng chú ý để giải thích cái niềm tin của Từ Thức rằng, nơi đây chắc chắn phải là một chốn quá đặc biệt “tiên sa xuống, dấu thần dời lại”. Đó cũng là điều cần lưu ý để thấy sự tác động của người nói đến người nghe: Từ Thức chờ đợi người nghe mách bảo, giải thích cho mình được tường tận.

  (21) Mày bèn là kẻ ở nhà ta nuôi nấng, một chẳng lo thửa mặc trả ơn tiên nhân vậy ru [2, 50] = (mày chính là kẻ ở nhà ta nuôi nấng, trọn chẳng lo nghĩ gì mà trả ơn tiên nhân vậy ư?)

   Đây là lời bà chủ nhà nói với kẻ ở nhà mình. Cái thông tin được nêu bật (mày) chính là kẻ ở, kẻ chịu ơn nghĩa nhà ta nuôi nấng chứ không phải là ai đó bình thường không mang đặc trưng ấy, ở đây, rõ ràng có ý nghĩa quan trọng trong việc người nói tác động kích thích đến ý thức đạo nghĩa ở đối tượng, kêu gọi anh ta hành động (giúp chủ nhà đi tìm chồng) 

   6b) Sử dụng trong ngữ cảnh gắn với các yếu tố mang tính kết luận đánh giá, bèn có giá trị tương đương với những yếu tố tình thái kiểu ‘thực là, thực đúng là, thực rõ là’ nhấn mạnh niềm tin của người nói vào tính xác đáng, có cơ sở đối với đánh giá: xuất phát từ những gì đã nói, đã biết thì thực là, thực rõ là như thế, những đặc tính đánh giá đã biểu hiện ở mức độ cao, không thể nghĩ khác, đánh giá khác. Quan sát ví dụ:

   (22) Đến chưng phá mộ nấm người đời xưa, mất chưng đấng đặt cùng lòng dạ, lại dường nào luận quyết? Vua Diêm vương rằng: (…) ấy bèn ngược dữ chẳng hay no, tuy núi đao cây gươm nước đồng dùi sắt chửa thông làm đủ [2, 369] = (Đến như phá cả mồ mả người đời xưa, phá bỏ cả phép tắc họ hàng ruột thịt, thì luận quyết thế nào? Vua Diêm vương rằng: (…) đó thực đúng là ngược dữ không biết giới hạn, cho dù là núi đao, cây gươm, nước đồng, dùi sắt (mà trừng phạt) thì cũng chưa tới mức là đủ được.

   Dùng theo nghĩa này bèn có thể xuất hiện trong những phát ngôn đa thanh mang tính phủ định tranh biện hay đối thoại hoá từ bên trong.Người nói phủ nhận quan điểm đối lập của người khác và bảo vệ quan điểm của mình. Khi đó bèn có thể đi sau yếu tố phủ định nằm trong tầm tác động trực tiếp của phủ định siêu ngôn ngữ. Ví dụ:

    (23) Bằng người chưng nói chẳng bèn phô trương quá lắm? Nghe đấy khiến người ta mặt thẹn mà lòng hổ [2,  272] = (Như ngươi nói thì chẳng phải thực đúng là phô trương quá lắm? Nghe những lời ấy khiến người ta mặt thẹn mà lòng hổ)

(24) Chúng sinh ta ngửa xem mọi phương trời, nương về đã nhiều ngày, thửa trông chưng bụt thiết vậy. Nay vậy quái gở đều dấy day động dân bình hại đến sáu giống nuôi. Bụt chỉn nặng ngồi vậy xam chẳng bèn hiền lành quá thậm vậy ôi [2, 291] (= Chúng sinh ta ngước nhìn mọi phương trời quy y đã nhiều ngày, nỗi niềm trông mong bụt tha thiết vậy. Nay ma quái cùng bùng phát làm xáo động dân thường gây tác hại đến sáu giống vật (mà) Bụt vẫn cứ lẳng lặng vậy ngồi xem thì chẳng phải thực đúng là hiền lành quá độ vậy thay.

   6c) Sử dụng trong ngữ cảnh dẫn nhập thành phần giải thích, chú giải siêu ngôn ngữ (thường là thành phần đồng vị xét về mặt cú pháp) bèn có giá trị như ‘tức. tức là, cũng chính là’ trong tiếng Việt hiện đại. Ở đây người nói đóng vai trò là chủ thể của hành động chú giải siêu ngôn ngữ; tác động, điều chỉnh tích cực đối với cách xử lý sự kiện ngôn ngữ của người nghe trong giao tiếp. Có thể diễn giải đại để: Cái điều tôi nêu sau đây là một tên gọi khác hay một phương diện khía cạnh khác của cái đã nêu, tôi nói ra là để trực tiếp giải thích thêm tạo điều kiện thuận lợi cho anh trong tri giác xử lý thông tin lời nói. Quan sát các ví dụ:

   (25) Nào hay thiên vận cưỡi rồng lên tiên. Con là Phùng An nối quyền tôn cha hiệu bố mẹ bèn cái nay [4, 152].

= ( Nào hay thiên vận, (vua cha) cưỡi rồng lên tiên, con là Phùng An lên nối quyền, tôn cha mình danh hiệu Bố - Mẹ (tức Cái).

   Ví dụ vừa nêu cho thấy rất rõ: Yếu tố được chú giải, giải thích là từ ‘mẹ’, yếu tố được giải thích, được chú giải và là thành phần đồng vị với nó là từ ‘cái’ (xin liên hệ thêm với ‘Bố Cái đại vương’).  

   (26) Một ngày thiếp lên chơi chốn Vệ Linh bèn chốn cũ ông Phù Đổng Thiên Vương bay lên trời [2, 403] = (Một hôm, thiếp du chơi vùng Vệ Linh, tức chốn mà ngày xưa ông Phù Đổng Thiên Vương bay lên trời.)

 

                                                       III

   Để kết thúc bài viết, xin có một vài lời kết luận:

   Trở lên, chúng tôi đã phân tích, miêu tả các cách dùng của từ bèn trong một phân đoạn lịch sử cụ thể. Các nhân tố ngữ dụng học, trong một cách quan niệm lý thuyết – quan niệm của một số nhà tín hiệu học, logic triết học và nhiều nhà ngôn ngữ học hiện đại, vốn là một chiều, một bình diện quan trọng của ngôn ngữ, được mã hoá vào ngôn ngữ, đặc biệt là vào các yếu tố của hệ thống ngữ pháp (các hư từ, trật tự từ, các yếu tố đánh giá tình thái của nó) ở những tầng bậc nông sâu khác nhau, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của tổ chức phát ngôn, tổ chức diễn ngôn phục vụ cho tương tác liên nhân. Chúng góp phần quy định cách dùng của sự kiện ngữ pháp, làm nên “linh hồn của phát ngôn” theo cách nói của Ch. Bally, góp phần vào những giá trị lịch sử văn hoá dân tộc của ngôn ngữ, hay của một trạng thái đồng đại lịch sử của  ngôn ngữ.

   Việc miêu tả ngữ pháp Việt trong một trạng thái đồng đại lịch sử cần có những đổi mới mạnh mẽ về phương pháp, thủ pháp và định hướng phân tích và siêu ngôn ngữ. Chính trên cơ sở đó, các nghiên cứu ngữ pháp lịch sử sẽ tiếp cận được sâu sắc và đầy đủ hơn hệ thống ngữ pháp của quá khứ, mở ra những đóng góp nhiều chiều hơn cho những lĩnh vực khác nhau, từ nghiên cứu ngữ pháp theo lịch đại xuyên trạng thái, nghiên cứu các quy luật vận động của nghĩa, của ngữ pháp hoá, cho đến nghiên cứu văn hoá ngôn ngữ, giải thuyết văn bản, tìm hiểu sự hình thành phát triển của ngôn ngữ văn học …

   Khảo nghiệm về từ bèn của chúng tôi trên đây cố gắng đi sâu theo định hướng ấy.

                                                  Tài liệu tham khảo

1.     A. De Rohdes, Từ điển Việt – Bồ - La, Roma 1651(Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính phiên dịch, NXB KHXH, 1991).

2.     Vương Lộc, Từ điển từ cổ, NXB. Đà Nẵng. Trung tâm Từ điển học Hà Nội – Đà nẵng, 2002.

3.     N.V. Xtankevitch, Vài nhận xét về các hư từ tiếng Việt thế kỷ XVI (bản thảo do tác giả cung cấp, chưa rõ còn công bố ở đâu).

 

                                       Nguồn ngữ liệu

1.     Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. In trong: Hoàng Thị Ngọ, Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, NXB. KHXH Hà Nội, 1999

2.     Truyền kỳ mạn lục giải âm, bản do Nguyễn Quang Hồng phiên âm và chú giải.

3.     Di văn chùa Dâu. Nhóm biên soạn: Nguyễn Quang Hồng, Lã Minh Hằng, Cung Văn Lược, Nguyễn Tá Nhí (Nguyễn Quang Hồng chủ biên), NxB. KHXH Hà Nội, 1997

4.     Thiên nam ngữ lục, bản do Nguyễn Thị Lâm khảo cứu phiên âm chú giải, NXB. Văn học, Trung tâm văn hoá - ngôn ngữ Đông Tây, (không đề năm xuất bản.)

                                                                                                                             Hà Nội, 6/2015

 

                                                                                                                  TS Lê Đông – PGS TS Nguyễn Văn Chính

                                                                                                                             Khoa Ngôn ngữ học

                                                                                                           Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn

                                                                                                                         Đại học Quốc gia, Hà Nội