Địa danh ở vùng Nam Tây Nguyên

In bài này

            Ở những vùng sinh sống  của đồng bào các dân tộc thiểu số, loại địa danh chỉ sông, núi thường xuất hiện trước. Rồi cuộc sống đã ổn định, các đơn vị hành chính mới hình thành. Sau cùng, các công trình công cộng xuất hiện và địa danh chỉ các đối tượng này lần lượt ra đời.

            Tây Nguyên chia là hai vùng. Vùng Bắc Tây Nguyên gồm hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum; còn vùng Nam gồm ba tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Trong bài này chúng tôi chỉ nói về các địa danh ở phía Nam.

Trước hết, xin giới thiệu những tên núi, đèo:

Núi Chư Kuên ở tỉnh Đắc Lắc. Chư Kuên gốc Ê Đê, nghĩa là “núi vượn”.

Chư Đrao là núi ở tỉnh Đắc Lắc. Chư Đrao gốc Ê Đê Chư Krao, nghĩa là “núi chim sáo”.

tỉnh Đắc Lắc có núi Chư M’Gar. Đây cũng là tên huyện của tỉnh, diện tích 819,8km2, dân số 151.100 người (2006), gồm 2 thị trấn Ea Pôk, Quảng Phú và 14 xã.

Chư M’gar gốc Ê Đê, Mơ Nông, nghĩa là “núi trọc, không có cây”.

Chư Mnga là núi ở tỉnh Đắc Lắc. Chư Mnga gốc Ê Đê, là “núi hoa”.

tỉnh Đắc Lắc có núi mang tên Chư Yang, cao 769m. Chư Yang gốc Ê Đê, nghĩa là “núi thần”.

Chư Yang Sin là núi ở vùng ranh giới hai huyện Krông Bông và Lắc, tỉnh Đắc Lắc, cao nhất (2.442m) trong vùng Nam Trường Sơn.

Chư Yang Sin là tiếng Ê Đê, Gia Rai, có nghĩa là “núi cổng trời”.

Yôk Đôn là núi ở xã Krông A Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc, cao 482m. Tại đây có Vườn quốc gia, diện tích 115.000ha. Đây là quê hương của những người săn bắt và thuần dưỡng voi nổi tiếng.

Yôk Đôn gốc Mơ Nông và Lào. Yôk (Mơ Nông) là “núi”; Đôn (Lào) là “đảo”. Sở dĩ gọi thế vì núi nổi cao trên biển mây như hòn đảo. Tương tự dãy núi Tam Đảo ở Bắc Bộ.

Bảo Lộc là đèo nằm trên quốc lộ 20, nằm ở ranh giới thành phố Bảo Lộc và huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng, dài 10km, ở độ cao 930m. Còn gọi là đèo B’Lao.

Bảo Lộc còn là thành phố của tỉnh Lâm Đồng, diện tích 232,4km2, dân số 138.000 người (2006), gồm 6 phường. B’Lao chuyển thành Bảo Lộc ngày 19-2-1959.

Bảo Lộc có hai cách lý giải: 1.Là địa danh dùng để Việt hoá một tên gốc là B’Lao hay Cơ Ho Kuèl Kơh Vơlau, nghĩa là “đèo Vơlau” theo chủ trương của chính quyền thời bấy giờ (1959). 2. Tên một loài hoa đẹp có nhiều trong vùng, theo tiếng địa phương.

Kế đến là tên các sông, suối, hồ :

Đa Nhim là sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai, phát nguyên từ núi Hòn Giao, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, chảy vào hồ Đơn Dương, sau đó đổ vào sông Đắc Dung (đoạn thượng nguồn sông Đồng Nai). Trên sông có hệ thống ống dẫn nước từ độ cao khoảng 1.000m đổ xuống để chạy các tuốc-bin phát điện ở nhà máy điện Krông Pha thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, với công suất 160.000kw. Cũng gọi là nhà máy thuỷ điện Đa Nhim, xây dựng từ năm 1963.

Đa Nhim gốc Cơ Ho, là “nước mắt”.

Ea Drăng là chi lưu của sông Srêpôc, tỉnh Đắc Lắc. Đây còn là thị trấn, huyện lỵ huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắc Lắc.

Ea Drăng gốc Ê Đê, nghĩa là “sông phượng hoàng”.

Krông H’Mlai là sông ở huyện Mdrắc, tỉnh Đắc Lắc. Krông H’Mlai gốc Ê Đê, nghĩa là “sông nàng H’Mlai”.

Ở tỉnh Đắc Lắc có sông Krông H’Nang ở huyện cùng tên. Krông H’Nang gốc Ê Đê, nghĩa là “sông nàng H’Nang”.

Ea Kan là suối ở tỉnh Đắc Lắc. Ea Kan gốc Ê Đê, nghĩa là “suối cá”.

An Crô Oét là hồ có thác nước cao 18m, nằm trên sông Đa Dung, tỉnh Lâm Đồng. Cũng viết Ankroet. An Crô Oét gốc Cơ Ho Rơhàng Kròc, nghĩa là “buôn cũ cây cam”, người Pháp phiên thành Ankroet.

Bô Bla là thác nằm ở xã Liên Đầm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt độ 85km, ngay sát quốc lộ 20, phía tay trái từ Đà Lạt xuống, ở độ cao 45m. Cũng viết Pố Pla.

Bô Bla gốc Cơ Ho Vồ Bla nghĩa là “đầu voi”(Vồ là “đầu”; Bla là “voi”).

Đắc Búc So là thác ở tỉnh Đắc Lắc, gốc Mơ Nông, nghĩa là “suối có con chó bị chết ngộp”.

Đray Sap là thác nước ở xã Nam Hà, huyện Krông Knô, tỉnh Đắc Nông. Cũng gọi là thác Chồng, đối ứng với thác Đray Nu (thác Vợ) ở tỉnh Đắc Lắc.

Đray Sap gốc Ê Đê, có nghĩa là “thác khói”, vì thác dài gần 100m, bọt nước tung mù mịt như khói phủ.

Tiếp theo là tên các đơn vị hành chính.

Alê là buôn ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc. Về sau, chia làm hai buôn Alê A, Alê B. Alê gốc Ê Đê, có nghĩa là “tre”.

Buôn Đôn là huyện của tỉnh Đắc Lắc, diện tích 1.414,1km2, dân s 57.700 người (2006), gồm 7 xã. Buôn Đôn gốc Ê Đê và Lào. Buôn trong tiếng Ê Đê là “làng”; Đôn trong tiếng Lào là “đảo”; vậy Buôn Đôn là “làng đảo”. Gọi là đảo vì núi cao, nổi trên biển mây như hòn đảo, tương tự Tam Đảo ở miền Bắc.

Buôn Ma Thuột là thành phố của tỉnh Đắc Lắc, diện tích 368,6km2, dân số 299.300 người (2006), gồm 13 phường. Còn gọi là Ban Mê Thuột, Bản Mê Thuột.

Buôn Ma Thuột gốc Ê Đê, dạng gốc là Buôn Ama Thuột: Buôn là “làng”; Ama Thuột là “cha anh Thuột”, và có nghĩa chung là “làng do ông Thuột làm tù trưởng”. Còn Ban, Bản chỉ là biến âm của Buôn (như vạn-muôn); Mê bắt nguồn từ cách đọc từ tiếng Pháp Monsieur (me-si-eu), nghĩa là “ông ».

Buôn Trấp là thị trấn của huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc. Buôn Trấp gốc Ê Đê và Khmer. Buôn: làng; Trấp có dạng gốc Pangtrap, là “chỗ trũng, ngập nước, có sình lầy, nhỏ hơn bưng”.

Chư Kbang là xã của huyện Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc, gốc Gia Rai, nghĩa là “núi cây gòn”.

Chư Jút là huyện của tỉnh Đắc Nông, diện tích 718,9km2, dân số 86.400 người (2006), gồm thị trấn Ea T’Ling và 7 xã. Cũng viết Cư Jút. Chư Jút gốc Ê Đê, nghĩa là “núi tre”(Chư là “núi”; Jút là “tre”). Tên xã Trúc Sơn (núi tre) trong huyện này cùng nghĩa với tên huyện.

Đạ Tẻh là huyện của tỉnh Lâm Đồng, diện tích 523,4km2, dân số 43.800 người (2006), gồm thị trấn Đạ Tẻh và 10 xã. Đạ Tẻh vừa gốc Cơ Ho vừa gốc Ba Na Đa Tẻh, nghĩa là“sông đất”.

Đắc Lao là xã của huyện Đắc Min, tỉnh Đắc Nông. Đắc Lao gốc Mơ Nông, nghĩa là “sông Lào”.

Đắc Lắc là tỉnh ở Tây Nguyên, được thành lập từ tháng 11-2003, do chia tỉnh Đắc Lắc cũ thành 2 tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông. Diện tích 13.062km2, dân số 1.666.900 người (2006), gồm thành phố Buôn Ma Thuột và 12 huyện. Đắc Lắc gốc Mơ Nông. Đắc: nước, sông, hồ; Lắc: tên hồ. Đắc Lắc là “hồ Lắc”.

Ea H’leo (/Ya H’Leo/Ea Hơ Leo) là huyện của tỉnh Đắc Lắc, diện tích 1.336,1 km2, dân số 99.400 người (2006), gồm thị trấn Ea Đrăng và 9 xã. Đây vốn là tên sông bắt nguồn từ tỉnh Đắc Lắc, vượt qua biên giới Việt-Campuchia, rồi đổ vào sông Xrêpôc.

Ea H’Leo gốc Ê Đê, nghĩa là “sông nàng H’Leo”.

Krông Ana là huyện của tỉnh Đắc Lắc, diện tích 356,09km2, dân số 83.414 người (2010), gồm thị trấn Buôn Trấp và 13 xã. Đây vốn là tên sông trong tỉnh Đắc Lắc, chi lưu của sông Srêpôc, là hợp lưu của nhiều sông Krông Buk, Krông Pắc, Krông Bông, Krông Kmar. Diện tích lưu vực 3.960km2, dài 215km.

Krông Ana gốc Ba Na, Mơ Nông. Krông: sông; Ana: cái, vợ. Krông Ana (sông cái/vợ), đối ứng với Krông Nô (sông chồng).

Krông Năng là huyện của tỉnh Đắc Lắc, diện tích 621km2, dân số 114.105 người (2006), gồm thị trấn Krông Năng và 9 xã. Krông Năng vốn là tên sông ở tỉnh Đắc Lắc, bắt nguồn từ khối núi Chư Tul, đổ vào sông Ba ở vùng ranh giới 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Cũng viết Krông H’Nang.

Krông Năng gốc Ba Na, có nghĩa là “sông chảy chậm”.

Krông Nô là huyện của tỉnh Đắc Nông, diện tích 816,8km2, dân số 53.700 người (2006), gồm thị trấn Đắc Mâm và 10 xã. Đây vốn là tên sông bắt nguồn từ núi Chư Yang Sin, chảy vào sông Êa Krông, diện tích lưu vực 3.920km2, dài 156km.

Krông Nô còn là tên xã của huyện Lắc, tỉnh Đắc Lăc. Krông Nô gốc Ba Na, Mơ Nông. Dạng gốc là Krông Knô. Krông: sông; Knô: đực/chồng. Krông Nô là dạng tỉnh lược, có nghĩa sông đực/ chồng, đối ứng với Krông Ana (sông vợ).

M’đrắc là huyện của tỉnh Đắc Lắc, diện tích 1.340km2, dân số 54.800 người (2006), gồm thị trấn M’Đrắc và 11 xã. Đây là nơi chuyên canh cà phê, bơ, sầu riêng, mít, vải, mía, đậu xanh, bắp,…và phát triển chăn nuôi bò, dê, ngựa, đà điểu,…

M’Đrăc gốc Ê Đê, vốn là tên người.

Sau cùng là tên các công trình xây dựng:

Krông Búc là cầu bắc qua sông Krông Búc, tỉnh Đắc Lắc, dài 217,94m, rộng 12m, khởi công ngày 28-4-2014, dự định khánh thành tháng 10-2015. Krông Búc cũng là tên huyện của tỉnh Đắc Lắc, diện tích 658,7km2, dân số 55.733 người(2008), gồm thị trấn Buôn Hồ và 12 xã.

Krông Búc gốc Ba Na, Mơ Nông, nghĩa là “sông tóc” (dòng sông trong truyền thuyết về mái tóc của người con gái).

                                     

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

-Lê Trung Hoa, Từ điển địa danh Trung Bộ, Bản đánh máy.

-Trần Văn Dũng, Những đặc điểm chính của địa danh Dak Lăk, Luận án tiến sĩ Ngữ văn Trường Đại học Vinh, 2005.

Nguồn: Kiến thức ngày nay, số 907, ngày 20-10-2015, tr. 22-25.