Nhân 130 năm xuất bản truyện "Thầy Lazarô Phiền"

Cách nay tròn 130 năm, vào năm 1887, một cuốn truyện viết bằng văn xuôi tiếng Việt nhan đề “Thầy Lazaro Phiền” của tác giả Nguyễn Trọng Quản, do nhà J. Linage, đường Catina, Sài Gòn, xuất bản, ra mắt công chúng.

Cuốn sách này, thay vì nổi tiếng từ đầu, đã suýt bị quên lãng. Suốt trong hàng chục năm từ sau khi nó ra đời, không thấy báo chí đương thời nhắc gì đến cuốn truyện này.

Hồi năm 1934, nhà in Nguyễn Văn Của ở Sài Gòn in thành sách một bản dịch nhan đề “L’ Histoire de Lazaro Phiền”, do con trai tác giả là Nguyễn Trọng Đắc dịch từ nguyên bản truyện tiếng Việt sang tiếng Pháp, có lời giới thiệu của P. de Midan, (1) cũng hầu như không gây tiếng vang gì.

Học giả được coi như người làm tổng kết chừng nửa thế kỷ phát triển văn học quốc ngữ là Vũ Ngọc Phan, trong bộ sách đồ sộ “Nhà văn hiện đại” (1940 – 42) tuy có biết đến Trương Vĩnh Ký, nhà văn và học giả cùng thời Nguyễn Trọng Quản, tuy có viết về Hồ Biểu Chánh, người cầm bút khá muộn sau Nguyễn Trọng Quản, thế nhưng quyển “Thầy Lazaro Phiền” và Nguyễn Trọng Quản thì Vũ Ngọc Phan không biết tới!

Mãi đến giữa những năm 1970s, nhà nghiên cứu-nhà giáo Nguyễn Văn Trung, trong quá trình tìm tòi và hệ thống hóa tài liệu cho một “Hồ sơ về Lục châu học”, tức là hồ sơ tư liệu về văn hóa vùng đất Nam Kỳ, đã nhận ra tính chất mới mẻ “đi trước thời đại” của tác giả Nguyễn Trọng Quản, với thiên truyện “Thầy Lazaro Phiền”. Nguyễn Văn Trung khám phá ra sự kiện tầm cỡ này tại miền Nam có lẽ chỉ trước ngày 30/4/1975 không lâu; và cũng vì sự việc nảy sinh quá gần thời điểm biến động ấy, cộng thêm nhiều lý do khác nữa, phát hiện học thuật không ít hệ trọng này đã khá chậm, khá mất thời gian để thuyết phục các giới nghiên cứu văn học, giới sáng tác và phê bình văn học trong cả nước. Tuy vậy, đến những năm 1990s, ý nghĩa dấu mốc văn học sử thật sự của sự xuất hiện truyện “Thầy Lazaro Phiền” năm 1887 hầu như đã thuyết phục được số đông giới học giả và nhà văn Việt Nam.

Thật ra, nếu tìm trong kho sách thư viện Khoa học xã hội tại 26 Lý Thường Kiệt Hà Nội thì vẫn thấy có cuốn “Thầy Lazaro Phiền” nằm sẵn đó từ xưa, có lẽ từ thời EFEO (trường Viễn đông bác cổ Pháp) để lại (2); nhưng vấn đề là chưa ai nhìn ra sự kiện. Mà về vấn đề nhận định (nhận định sự kiện văn học sử) thì trong giới nghiên cứu và giới nhà văn, kế thừa những phán đoán của người đi trước, người ta vẫn xem sự xuất hiện tiểu thuyết “Tố Tâm” (1925) như dấu mốc khởi đầu của văn xuôi tự sự hư cấu tiếng Việt thời hiện đại. Sự thiếu thốn về tài liệu tác phẩm cộng với định hướng quá tập trung vào văn chương phía bắc, khiến giác quan văn học sử của giới chuyên gia chúng ta tiềm tàng một sự khinh thị hoặc ngầm ẩn hoặc hiển nhiên đối với thành quả phát triển văn chương phương nam; đây là cả một nếp nghĩ cần chỉnh sửa.

Trở lại cuốn truyện “Thầy Lazaro Phiền” xuất bản năm 1887 của Nguyễn Trọng Quản; căn cứ vào đâu để xem nó như dấu mốc báo hiệu sự phát triển của văn xuôi tự sự tiếng Việt hiện đại? Có thể căn cứ vào những nội dung “định hướng” của chính tác giả ở lời tựa đề ngày 1.XII.1886, cũng chính là sự khái quát điều mà ông đã thực hiện trong tác phẩm: “Tôi một có ý dụng lấy tiếng thường mọi người hằng nói mà làm ra một truyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay”… “tôi [….] dám bày đặt một truyện đời này là sự thường có trước mắt ta luôn, như vậy thì sẽ có nhiều người lấy làm vui mà đọc, kẻ thì cho quen mặt chữ, người thì cho đặng giải phiền một giây”.

Ở truyện “Thầy Lazaro Phiền” thể hiện hai dấu hiệu căn cốt của văn xuôi tự sự hư cấu hiện đại: 1/ Dữ liệu (cái được miêu tả, thực tại, hiện thực, chất liệu đời sống) là sự sống thường ngày, người và việc thường ngày, cái thực tại kinh nghiệm chung của người sáng tác và công chúng; 2/ Ngôn ngữ (cái dùng để miêu tả, chất liệu diễn ngôn) là tiếng nói hàng ngày, sống động, là vốn ngôn ngữ chung của người sáng tác và công chúng.

Vào lúc Nguyễn Trọng Quản viết truyện “Thầy Lazaro Phiền”, nền văn chương người Việt, xét ở hai phương diện trên mà ông đề cập, đều chưa cập nhật yêu cầu mà ông đề ra. Cuộc sống được miêu tả trong các tác phẩm vẫn tuân theo cung cách “phi thời gian” hoặc “phi thời gian hóa” như văn xuôi tự sự thời trung đại. Các truyện nôm, nhất là truyện thơ, đều kể những chuyện của người xưa hoặc như thể của ngày xưa, xa cách (xa cách tuyệt đối) cả người kể chuyện lẫn người nghe chuyện. Một vài tác phẩm văn xuôi chữ Hán được viết hầu như cùng thời với “Thầy Lazaro Phiền” như “Hát đông thư dị” (1886) của Nguyễn Thượng Hiền, “Vân nang tiểu sử” (1886) của Phạm Đình Dục, đều là ghi chép chuyện đã có từ xưa, đều là chuyện quá khứ.

Viết cái hàng ngày, vào thời ấy, chưa đi vào tâm thế người viết truyện.

Điều này càng được củng cố bởi thứ ngôn ngữ dùng để viết.

Nếu viết truyện bằng chữ Hán (như trường hợp “Hát đông thư dị” hay “Vân nang tiểu sử”) tất phải dùng văn ngôn, thứ ngôn ngữ cách điệu đã hình thành từ xa xưa, tuy các giới học giả và tác gia Trung Hoa lúc này vẫn dùng, nhưng họ biết là nó đã rất cách biệt “bạch thoại” là thứ ngôn ngữ mà người Trung Hoa đương thời đang nói; tình trạng này, sang đến thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, các học giả tác gia Trung Hoa như Hồ Thích, Trần Độc Tú, v.v. sẽ phát động cuộc cải cách, sẽ vận động lấy bạch thoại thay vì văn ngôn làm ngôn ngữ viết.

Nếu viết truyện bằng văn xuôi tiếng Việt, đến lúc ấy có hai phương án. Ứng với lối viết bằng chữ Nôm, tác phẩm sẽ đi gần với hướng của văn xuôi chữ Hán kể trên (Nhưng hầu như có quá ít tác phẩm theo phương án này!). Ứng với lối viết bằng chữ Quốc ngữ (đã và đang được sử dụng ngày một nhiều hơn, nhất là ở Nam Kỳ), tác phẩm thường phải vận hành bằng lối văn biền ngẫu vốn hình thành từ xưa và lúc này vẫn thịnh hành, nhất là trong tâm lý tiếp nhận người đọc vẫn quen với nó nhiều hơn.

Văn xuôi biền ngẫu tiếng Việt là một dạng diễn ngôn in dấu ảnh hưởng cả văn biền ngẫu Nôm, cả văn ngôn chữ Hán; khi chuyển dạng văn tự từ chữ vuông (ghi bằng chữ Nôm) sang chữ cái La tinh (ghi bằng phiên âm a,b,c…), chính câu văn biền ngẫu trở thành dấu nối gắn kết mặt bằng ngôn ngữ thực tại với tập quán đọc nghe đã từng có lâu đời. Có lẽ vì vậy mà câu văn biền ngẫu đã tồn tại khá lâu trong văn xuôi chữ Quốc ngữ thời đầu, kể từ các bài thông tin báo chí đến các bài đàm luận nhàn tản.

Trong văn tự sự, được diễn tả bằng câu biền ngẫu, các sự việc và con người hầu như đều ít nhiều bị trừu hóa, bị đẩy xa khỏi cái hiện thực hàng ngày, đều ít nhiều bị nhuộm vẻ xa xưa, đều bị “quá khứ hóa”; câu văn biền ngẫu, do vậy, cũng ngăn trở việc thâm nhập và truyền đạt cái hàng ngày.

***

Lược truyện THẦY LAZARO PHIỀN: Phiền là con nhà đạo gốc (đạo Thiên Chúa) ở Quảng Bình vào sinh sống ở Đất Đỏ, Bà Rịa đã lâu năm. Ba tuổi mồ côi mẹ, sống với cha; đến năm 1862 Phiền bị giam trong nhà giam các giáo dân, sau có một quan ba Pháp đem về Gia Định cho một linh mục nuôi, cho học chữ Pháp và chữ La tinh. Lúc đi học ở trường D’Adran, Phiền kết bạn với Vero Liễu, con ông trùm họ đạo ở Cầu Kho, thường được cha mẹ Liễu đến thăm cùng với người em gái bạn dì của Liễu. Phiền và cô gái yêu nhau rồi cha Liễu gả đứa cháu gái này cho Phiền. Họ sống hạnh phúc với nhau tại nhà của Vero Liễu, nhưng sáu tháng sau Phiền phải đi làm thông ngôn tại Bà Rịa. Tại đây một bà người Việt là vợ quan ba Tây đem lòng say mê Phiền, nhưng bị Phiền cự tuyệt. Bà này bèn bày đặt thư nặc danh vu cho Vero Liễu tư tình với vợ Phiền khi Liễu ghé qua nhà Phiền trong một chuyến buôn. Phiền tin là thật, bèn sắp đặt một vụ bắn lầm để hạ sát Liễu. Xong, Phiền về nhà, dùng cỏ độc bỏ vào siêu thuốc cho vợ uống. Hơn mười tháng sau vợ Phiền chết, trước lúc tắt thở còn bình tĩnh bảo chồng: “Tôi biết làm sao mà tôi phải chết, song tôi cũng xin Chúa tha thứ cho thầy!”. Sau đó, chán thói đời đen bạc xấu xa, Phiền thôi việc nhà nước xin vào tu tại nhà thờ dòng họ Tân Định. Mười một năm sau kể từ lúc vợ chết, thầy Phiền về Bà Rịa thăm lại những kỷ niệm cũ, tình cờ nhận được thư của người vợ quan ba Tây khi xưa, trong đó nói rõ sự thực là vì yêu Phiền nên đã bày trò thư từ giả mạo vu cáo vợ thầy. Đọc xong bức thư thú tội ấy, thầy Phiền đã chết trong nỗi ân hận vì tội ác của mình.

Câu chuyện trong Thầy Lazaro Phiền là do tác giả tự “bày đặt ra” (lời tựa) tức là sản phẩm hư cấu nghệ thuật của cá nhân tác giả, dựa trên kinh nghiệm sống trực tiếp, dựa vào cái hàng ngày (“một chuyện đời này, là cái hằng có trước mắt ta luôn” − lời tựa). Tác phẩm có cốt truyện như một truyện đời tư, một chủ đề sám hối đạo đức mang màu sắc Thiên Chúa giáo nhưng được khai thác ở khía cạnh ít nhiều gần gũi với đạo lý truyền thống của người Việt. Nghệ thuật mô tả tâm lý còn ở mức sơ sài. Nhưng cách mô tả ở đây đã mang màu sắc lịch sử cụ thể rõ rệt; chất liệu cho trần thuật ở đây là cái hàng ngày của đời sống. Cách kể chuyện (do nhân vật người kể chuyện đảm nhiệm và được thực hiện theo nguyên tắc chỉ thuật lại những gì tận mắt trông thấy, tận tai nghe thấy) đã tỏ ra chịu ảnh hưởng đáng kể của tư duy thực chứng phương Tây. Lời kể ở đây là một dạng thức văn xuôi mới mà quy tắc nghệ thuật của nó là sự tương ứng cao với lời nói hàng ngày; đồng thời trong cách cấu tạo câu không ít chỗ lại gần gũi với văn phạm các tiếng Âu Tây; rất ít dấu vết của câu văn biền ngẫu.

Với tác phẩm này, ở văn học người Việt đã xuất hiện những yếu tố hoàn toàn mới, mang tính dự báo cho một nền văn xuôi tiếng Việt kiểu mới, sẽ hình thành ở thế kỷ XX.

Theo một số nhà nghiên cứu thì chính Hồ Biểu Chánh cho rằng tác phẩm này cùng với Hoàng Tố Anh hàm oan (1910) của Trần Chánh Chiếu và Phan Yên ngoại sử (1910) của Trương Duy Toản là ba tác phẩm thể truyện văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ xuất hiện sớm nhất ở Nam Kỳ, cũng tức là sớm nhất trong văn học quốc ngữ Việt Nam.

Chú thích:

(1) Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội: sách ký hiệu M.8330: L’Histoire de Lazarô Phiền: Ed. de l’Asie nouvelle / Nguyễn Trọng Quản ; Avant propos de P. Midan ; Trad. de français de Nguyễn Trọng Đắc. – Saigon : Impr. de l’Uinion Nguyen Van Cua, 1934. – 31p. ; 23cm

(2) Hồi những năm 1990s tôi tìm thấy tên sách “Thầy Lazaro Phiền” bản in 1887 tại Thư viện Khoa học xã hội, 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Hiện nay thư viện này đã chuyển về số 1 Liễu Giai, Q. Ba Đình, Hà Nội. Hy vọng cuốn sách trên vẫn còn trong kho của cơ quan này.

Thông tin truy cập

60424246
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5221
6820
60424246

Thành viên trực tuyến

Đang có 184 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website