( (Phan Thị Yến Tuyết, In trong " Những vấn đề ngữ văn " (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa VH&NN)
Về lịch sử tộc người, theo các nhà khảo cổ học, miền Đông xưa kia là địa bàn của cư dân thuộc Văn hóa Đồng Nai. Đó là một nền văn hóa cổ, đã có mặt ở Đông Nam Bộ từ 4.000 năm – 2.5000 trước và được được xác định như là bước mở đầu cho truyền thống văn hóa bản địa ở Nam bộ.
Trên phần đất của các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, người Việt gồm nhiều thành phần khác nhau, là những lưu dân chủ yếu từ Thuận – Quảng vào Nam khẩn hoang, ít nhất nhất cũng khoảng thế kỷ XVI, lúc mà mật độ dân cư tại miền Đông còn thưa thớt, toàn rừng rậm hoang dã. Cuối thế kỷ XVII, vào năm 1698, chúa Nguyễn chính thức lập Phủ Gia Định, bắt đầu thiết lập thôn xã, xác lập nền hành chính ban đầu tại đây, người Việt đã dần dần không còn mặc cảm mình là lưu dân phiêu tán nữa. Đến năm 1757, vùng đất Nam bộ hoàn toàn thuộc chủ quyền của người Việt, trên cơ sở đó các Chúa Nguyễn với vai trò Nhà nước đã tiếp nhận những nhóm nhỏ lưu dân tị nạn là thần dân Nhà Minh và sau đó vào khoảng cuối thế kỷ XIX, chủ yếu tại miền Đông Nam Bộ, Nhà Nguyễn đã tiếp nhận sự trở về từ Campuchia của cộng đồng người Chăm Islam. Công cuộc mở đất lập làng của người Việt ở đất Đồng Nai – Gia Định không phải dễ dàng, thuận lợi mà vô cùng nhọc nhằn, khó khăn vì gắn liền với thời kỳ khẩn hoang kéo dài gian khổ. Những lưu dân người Việt phải chiến đấu dũng cảm với thiên nhiên còn hoang sơ; đương đầu kiên cường với loạn lạc, nạn đao binh, họ cần cù lao động; sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa; đổ mồ hôi, nước mắt và xương máu để các thế hệ sau được sinh tồn…
Dù lịch sử định cư, di trú của các tộc người ở miền Đông Nam Bộ có khác nhau nhưng nguồn gốc xã hội của họ vẫn mang những điểm tương đồng, đó là những người nghèo cùng nhau khẩn hoang nhọc nhằn, đương đầu với thiên nhiên hoang dã, có chung nền văn hóa nông nghiệp, cùng một số phận lịch sử. Tuy có những đặc điểm tộc người riêng biệt, văn hóa, tôn giáo khác nhau nhưng do cộng cư lâu ngày trên một địa bàn chung, họ đã ít nhiều thích nghi, ảnh hưởng văn hóa của nhau và quá trình giao tiếp văn hóa ấy đã tạo nên những yếu tố văn hóa tương đối đồng nhất mặc dù mỗi dân tộc đều giữ bản sắc văn hóa của riêng mình. Qua sự thích nghi của người dân đối với môi trường địa lý cảnh quan và ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau đã thể hiện những đặc trưng tâm lý, văn hóa tộc người, hình thành nét đặc trưng của vùng văn hóa miền Đông Nam Bộ. Điều này thể hiện rõ trong lý thuyết về Vùng văn hóa (Culture area). Vùng văn hóa là khái niệm chỉ một vùng lãnh thổ, một khu vực địa lý có sự tương đồng về môi trường tự nhiên; có quá trình lịch sử lâu dài, ở đó có các dân tộc cư trú khá lâu đời, giữa họ luôn diễn ra quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, và trong quá trình đó ngoài bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc còn giữ được, còn thể hiện sự tương đồng chung về kinh tế, văn hóa, xã hội nên đã tạo thành sắc thái văn hóa đặc trưng của vùng.[1] Tìm hiểu Vùng văn hóa để thấy được dấu ấn văn hóa của con người, thấy được đặc trưng văn hóa của con người trong quá trình lịch sử và trên một vùng không gian cụ thể, qua đó có thể phân biệt được văn hóa của vùng này với vùng khác, so sánh những yếu tố văn hóa nào tương đồng, những yếu tố nào dị biệt. Đó là mối quan hệ giữa cái chung (văn hóa chung của cả nước) và cái riêng (sắc thái văn hóa riêng của tộc người). Qua nghiên cứu vùng văn hóa, người ta có thể thấy được sự thích nghi của con người với môi trường tự nhiên, sự thích nghi với hệ sinh thái, nơi mà con người sinh sống lâu đời cũng như sự thích nghi của họ với môi trường xã hội mà họ cùng sinh sống. Vùng văn hóa tập hợp những đặc điểm chung thường được gọi là “Liên hợp văn hóa” hoặc « phức hệ văn hóa » (culture comphex), là một hệ thống hoà nhập các đặc điểm văn hoá, xoay quanh một số tâm điểm mà người ta nghiệm thấy ở đó một số đông các xã hội cùng dự phần.[2]
Khi trải qua cuộc sống lâu đời và thích nghi môi trường sinh thái, môi trường xã hội, cùng trải nghiệm kỷ năng sinh sống và thể hiện sắc thái tâm lý và văn hóa tộc người trên một vùng đất thì các cư dân đó chính là chủ nhân văn hóa (culture bearer). Đây cũng là một khái niệm thường xuyên được sử dụng trong ngành nhân học Mỹ, đặc biệt là khi xem xét quá trình di dân và sự xuất hiện những kiểu loại văn hóa mới. Cá nhân hoặc một nhóm trở thành chủ nhân của những đặc trưng văn hóa, hoặc những phức hợp độc đáo, điều mà họ có thể chuyển tải, đem đến những khu vực đó trong quá trình di dân của họ (R. H. Crapo, 1993)
Trong quá trình sinh tồn của mình, con người phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Theo quan điểm sinh thái văn hóa (cultural ecology) của nhà nhân học Mỹ Julian Steward, các xã hội có công nghệ kỹ thuật sinh tồn càng thô sơ thì xã hội đó càng phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Bởi vì ở những xã hội có trình độ khoa học kỹ thuật cao, con người tương đối một phần nào đã chinh phục được tự nhiên, bắt tự nhiên phục vụ theo ý muốn của con người. để rồi trên bối cảnh sinh thái đó, con người trải nghiệm, thể nghiệm, sáng tạo văn hóa và kỷ năng sinh sống của cộng đồng mình dựa trên tâm lý và bản sắc văn hóa của dân tộc. Từ những thành tựu văn hóa có được qua sự thích nghi mội trường sinh thái tại chỗ, có thể hình thành nên những loại hình văn hóa như là một tập hợp những sắc thái văn hóa đặc trưng và tạo nên yếu tố cốt lõi của nến văn hóa. Qua nghiên cứu sinh thái văn hóa, người ta sẽ hiểu được cách con người sử dụng văn hóa để thích nghi với môi trường cụ thể ra sao. Tất cả con người đều sống trong một môi trường tự nhiên, thế giới họ có thể trải nghiệm thông qua các giác quan nhưng họ sẽ nhận thức nó dưới dạng dường như quan trọng nhất cho nhu cầu thích nghi và bối cảnh văn hóa của họ[3]. Như vậy sinh thái văn hóa là cách con người sử dụng văn hóa để thích nghi với môi trường thiên nhiên cụ thể trong bối cảnh nền văn hóa của họ. Trong lý thuyết sinh thái văn hóa có một khía cạnh khá đặc biệt, đó là con người tồn tại bằng tri thức dân gian mà họ cảm nhận và tích lũy, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một phần trong văn hóa của họ và là một phần của tri thức bản điạ, một trong những lĩnh vực mà các ngành khoa học rất quan tâm để hiểu được bối cảnh văn hóa tộc người và sự tương tác giữa văn hóa với môi trường sinh thái mà con người tồn tại.
Tri thức bản địa là những kiến thức liên quan đến các khía cạnh của đời sống con người, được tích lũy và phổ biến trong cộng đồng. Con người sử dụng kiến thức này để thích nghi với môi trường sống của mình và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tri thức dân gian của các cộng đồng dân tộc rất phong phú, phản ánh rõ nét đặc trưng của đời sống cư dân vốn còn phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Ví dụ các tri thức về việc sử dụng cây cỏ để phòng bệnh, chữa bệnh, tri thức về thời tiết để đi biển, đi rừng, làm mùa vụ nông nghiệp, chăn nuôi; tri thức ẩm thực để sinh tồn…
Các dân tộc ở miền Đông Nam Bộ do sống cùng một vùng sinh thái, môi trường địa lý, khí hậu giống nhau, thực hành các phương thức mưu sinh giống nhau cho nên đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của các dân tộc có rất nhiều điểm tương đồng. Điều này được phản ánh đậm nét trong tri thức dân gian của mỗi dân tộc, đặc biệt trong lĩnh vực lao động sản xuất. Ngòai những điểm tương đồng chung, sự thich nghi môi trường sinh thái và tri thức dân gian của các dân tộc còn thể hiện rõ đặc trưng tộc người, chẳng hạn như người Việt am hiểu, có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, người Hoa có nhiều tri thức về các bài thuốc Bắc, người Khmer, người Stiêng, người Chơro… có nhiều tri thức về đời sống ở xứ có rừng qua việc bẫy thú rừng, làm rẫy, dệt thổ cẩm, đan lát…
Do môi trường đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành, chi phối các tri thức dân gian của các dân tộc ở miền Đông NB nên việc tìm hiểu mối quan hệ giữa môi trường sinh sống của các cư dân và tri thức dân gian của các cư dân ở đây là một điều cần thiết.
Sự thích nghi với môi trường sinh thái và tri thức dân gian là những kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều thế hệ của các tộc người tại miền Đông Nam Bộ. Sự ra đời của những kinh nghiệm truyền khẩu của các dân tộc nơi đây gắn chặt với một bối cảnh điều kiện tự nhiên, các yếu tố kinh tế xã hội không ổn định và nhiều bất trắc. Với những vốn sống quý báu được tích lũy qua hàng thế hệ này, các cư dân tại đây có thể thích nghi hữu hiệu với môi trường sống của mình.
Cơ sở để phân kỳ lịch sử tồn tại của sự thích nghi và các tri thức dân gian của các cư dân là trình độ phát triển khoa học kỹ thuật hay sự phổ biến của khoa học kỹ thuật hiện đại mà với nó con người có thể phần nào chủ động kiểm soát được tự nhiên. Sở dĩ như vậy do yếu tố khoa học kỹ thuật chính là cầu nối trung gian trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Thông qua yếu tố kỹ thuật này, con người có thể kiểm soát, khai thác tự nhiên phục vụ cho nhu cầu sinh tồn của mình.[4]
Về văn hóa vùng miền Đông Nam Bộ và sự thích nghi với môi trường sinh thái có thể sơ nét phân biệt hai khía cạnh, đó là sự thích nghi về khí cạnh văn hóa vật chất và sự thích nghi về văn hóa tinh thần, tất nhiên giữa hai lĩnh vực này đều có mối liên hệ hỗ tương, chặt chẽ với nhau.
1. SỰ THÍCH NGHI MÔI TRƯỜNG SINH THÁI HAY GÓC ĐỘ SINH THÁI VĂN HÓA DƯỚI KHÍA CẠNH VĂN HÓA VẬT CHẤT:
Bất kỳ ở đâu, trong việc hình thành làng xóm, xây dựng nhà ở, cách ăn, mặc, các phương tiện di chuyển, công cụ sản xuất… người dân tại chỗ đều thích nghi với điều kiện thiên nhiên và môi trường sinh thái tại nơi sinh sống để họ có thể tồn tại và phát triển. Có thể thấy rất rõ văn hóa của các dân tộc ở miền Đông Nam Bộ phản ánh đặc điểm địa lý môi sinh tại vùng đất này. Sự thích nghi môi trường sinh thái tự nhiên vào thời kỳ khẩn hoang ban đầu không phải là điều đon giản. Nếu các dân tộc bản địa như Stiêng, Chơro, Mnông…thích nghi với môi trường thiên nhiên miền Đông Nam Bộ trước theo cách thức mà nền văn hóa của họ thể hiện , thì các dân tộc đến sau như người Khmer, người Việt, người Hoa, người Chăm, người Nùng…cũng có cách thích nghi với môi trường sinh thái tại chỗ theo tâm lý, văn hóa khác nhau của từng dân tộc. Cuối cùng quá trình chung sống với nhau trên cùng một địa bàn hơn 300 năm qua trên phần đất từ khi trở thành lãnh thổ của Việt Nam tại miền Đông Nam Bộ đã làm cho sự thích nghi văn hóa với môi trường sinh thái tại đây mang sắc thái đặc biệt, thể hiện sự thống nhất trong đa dạng.
Địa bàn Đông Nam Bộ là khu vực chuyển tiếp giữa trung du và đồng bằng với địa hình bán sơn nguyên, thế đất cao, gồm nhiều đồi, gò, nhiều rừng già, bao gồm 5 tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Miền Đông Nam Bộ là một trong hai tiểu vùng của Vùng văn hóa Nam Bộ với đặc tính chung về khi hậu là khu vực nhiệt đới gió mùa, là một vùng đồng bằng phù sa, phần lớn là những vùng thềm phù sa cổ (vùng đất xám) và sơn nguyên đất đỏ.
Miền Đông Nam Bộ đa dạng về địa hình thiên nhiên, với đặc trưng rừng núi, xen lẫn với đồng bằng, gò, sông ngòi, hồ, biển cả. Do đó các loại hình cư trú nơi đây cũng tương ứng với địa hình thiên nhiên như cư trú trên gò, đồi, ven rừng, ven sông, trên đảo của hồ (như hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh), ven biển ..Có thể nói đây là vùng đất lý tưởng với sự đa dạng về thổ nhưỡng, môi trường sinh thái: vừa giàu có về rừng nguyên sinh nhiều thú và cây gỗ quý, vừa thuận lợi để trồng cây công nghiệp, vừa có vùng đồng bằng phù sa màu mỡ, vừa có vùng biển giàu tiềm năng về du lịch, khai thác thủy hải sản, dầu khí…
Đứng về góc độ văn hóa vật chất có thể nói dân cư miền Đông Nam Bộ nhìn chung có đời sống ổn định, nền nếp, phong lưu, văn hóa phát triển. Đời sống tinh thần dù chiến tranh qua các thời kỳ diễn ra khác ác liệt cùng với sức tàn phá của thời gian, nhưng nơi đây vẫn lưu giữ được dấu ấn của một vùng đất trù phú, văn hóa độc đáo. Tương ứng với các dịa hình tự nhiên, cư dân miền Đông thường tụ cư trên những loại hình chủ yếu:
- Cư trú bìa rừng: cư dân khai thác rừng cây gỗ quí để cất nhà, làm đồ gia dụng, đóng ghe thuyền, hàng mỹ nghệ… do đó nhu cầu về gỗ rất cao. Cư dân sống bằng nghề khai thác lâm sản, hình thành những trại cưa xẻ gỗ có vị trí gần rừng và gần sông để dễ vận chuyển…
- Cư trú dạng nhà vườn: nhà cửa, làng xã nằm yên bình, tĩnh lặng giữa thiên nhiên đầy cây xanh của vườn trái cây hay vườn cảnh. Nếp sống nhà vườn phong lưu thể hiện rõ nơi những căn nhà chữ đinh ba gian bề thế, cổ kính.
- Cư trú dọc theo sông, rạch: cư trú ven theo nguồn nước, nhất là dọc sông, rạch là loại hình cư trú lý tưởng nhất của các cư dân vì đáp ứng được nhu cầu thiết yếu nhất trong sinh hoạt và sản xuất, hơn nữa vào thời khẩn hoang xa xưa chỉ có sông rạch là đường giao thông tương đối an toàn, thuận lợi và phổ biến nhất, vì đường bộ thường phải xuyên qua rừng sâu đầy nguy hiểm. Cư dân của văn hóa Đồng Nai xưa kia cũng như các cư dân hiện nay thường lập làng xóm phân bố ven sông, sinh sống bằng nghề chài lưới, buôn bán, chuyên chở đường thủy, đóng ghe…
- Cư trú trên cù lao: đây là loại hình cư trú đặc trưng tại Nam Bộ, cù lao được kiến tạo và bồi đắp bởi trầm tích của phù sa sông. Khi chưa có người ở, cù lao là vùng hoang dã, cô lập, hẻo lánh giữa sông nước. Những lớp người đầu tiên đến cù lao khẩn hoang phải trải qua cuộc sống nhọc nhằn, thống khổ về tinh thần lẫn vật chất. Sau khi khai phá, đất cù lao phù sa màu mỡ, năng suất hoa lợi cao gấp 3, 4 lần trồng lúa. Người ta chọn cù lao để cư trú còn vì môi trường sinh thái trong lành, không gian tĩnh mịch. Nhiều dòng họ giàu có chọn cù lao để cư trú nên nơi đây hiện vẫn tồn tại những ngôi nhà cổ đồ sộ, tĩnh lặng giữa vườn cây trái bạt ngàn. Tại Bình Dương có những cù lao trù phú như cù lao Mỹ Hoà, Mỹ Quới, cù lao Rùa, cù lao Thạnh Hội…
- Cư trú trên giồng, đồi, gò phù sa cổ: Đối với người Khmer cũng như lưu dân Việt ở miền Trung vào thì địa bàn cư trú được ưa thích của họ trong thời kỳ đầu là những giồng phân bố trên mặt phù sa cổ theo hình thức “mảng” (giồng Gò, giồng Cấm…) hoặc nằm thành tuyến theo đường uốn lượn của địa hình đồi, gò phù sa cổ, đất đỏ bazan (như Gò Dầu Thượng, Gò Dầu Hạ). Cư trú ở địa thế này cao ráo, thoáng đãng.
- Cư trú quanh các bàu suối: Đây cũng là dạng cư trú gần nguồn nước để thuận lợi cho sinh hoạt, song khác với sông rạch, vùng có bàu, suối thường ở trong rừng sâu hoang dã, không tiện lợi về lưu thông. Địa hình thiên nhiên miền Đông có rất nhiều bàu, bưng, trấp, láng…Đây là những địa hình đất trũng, thấp, hoang vu.
- Cư trú ven biển: miền Đông có biển ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh, cư dân cư trú thành những làng chài hoặc làng xóm ven biển
Thiên nhiên rừng miền Đông có nhiều loại danh mộc nên có lẽ vì vậy mà vùng đất này sản sinh tầng lớp nghệ nhân làm nhà, chạm khắc gỗ mỹ thuật nổi tiếng. Thời kỳ đầu đình chùa, nhà cửa của những người giàu có được thi công xây dựng, chạm trổ bởi các nhóm thợ mộc nổi tiếng giỏi và khéo tay từ miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Bình Định) di dân vào mà người ta thường gọi là “thợ Huế”. Dần dần “trường phái thợ Thủ” (Thủ Dầu Một- Bình Dương) với tay nghề cao nức tiếng, đảm trách xây cất nhà và trang trí nội thất khắp nơi. “Thợ Thủ” không chỉ hoạt động nghệ thuật ở Bình Dương mà còn ở toàn cả Nam Bộ. Người ta rước “thợ Thủ” về xây nhà cho mình và “nuôi” nhóm thợ trong nhà hàng năm để họ chạm trổ , trang trí.
Những thế hệ nghệ nhân “thợ Thủ” đã trải nghiệm tài nghệ nơi vùng đất Thủ Dầu Một với thiên nhiên phong phú gỗ quí và lưu danh cả Nam Bộ về nghệ thuật làm nhà, chạm trổ. Đặc biệt nơi những căn nhà truyền thống ở Nam Bộ đều được “thợ Thủ” chạm trổ tỉ mỉ tài hoa, trình độ nghệ thuật cao.
Đá ong cũng là nguồn vật liệu xây dựng đặc thù nơi miền Đông Nam bộ. Đó là loại đá ong già, có độ chắc, bền tương đương với đá xanh. Người ta dùng đá ong làm nền nhà, làm đá kê tán chân cột …
Còn với nhà bình dân, vật liệu xây dựng tại chỗ mà con người thích nghi với thiên nhiên là tranh để lợp mái cho những căn nhà vách đất vốn phổ biến trong vùng trước đây. Miền Đông có hai loại tranh: tranh rạ và tranh núi, tranh mọc hoang thành rừng ở vùng đất pha cát, nơi những trảng đất khô, cao. Ngoài ra nơi đây còn sử dụng bàng.. mọc hoang bạt ngàn. để đươn đệm , từ các tấm đệm này cư dân địa phương sử dụng nó với nhiều chức năng khác nhau.
Rừng tre đa dạng tại miền Đông cũng cung cấp cho cư dân nhiều đồ dùng trong nhà như chõng, thum [5],bàn ghế, tủ…
Chuồng trâu bò của hầu hết các gia đình sống lâu đời tại Tây Ninh đều được cất khá tươm tất ngay sát phía trước nhà trên của nhà chữ đinh để tiện trông chừng trâu bò. Điều này nói lên tâm lý xem trọng sức kéo của cư dân nông nghiệp và lâm nghiệp, nhất là vào thời kỳ khẩn hoang, khi sức kéo của trâu bò rất cần thiết như để kéo cày làm ruộng, kéo gỗ ở rừng, kéo xe chở hàng, chở người… Hơn nữa do thời xưa vùng miền Đông còn nhiều rừng rậm hoang dã, thú dữ thường rình bắt trâu bò, do đó việc chăm sóc và bảo vệ gia súc rất được quan tâm[6].
Người Khmer, Chơro, Stiêng… là cư dân quen sống ở xứ có rừng, một trong những tập quán của cư dân ở rừng nhiệt đới Đông Nam Á là cư trú trong loại hình nhà sàn truyền thống của vùng với đặc điểm cột sàn cao để tránh thú dữ, côn trùng, bộ khung sườn liền cột chịu lực chắc chắn để đương đầu với giông bão, mái nhà dốc để tránh tác hại của thời tiết, mưa nắng… Trước đây các dân tộc này đều ở nhà sàn, dần dần do nhiều nguyên nhân, hiện nay họ ít còn cư trú trong nhà sàn nữa.
Một số đặc điểm khác biệt về nhà sàn của người Chăm ở Tây Ninh và An Giang là tuy người Chăm ở hai tỉnh này của Nam Bộ tuy cùng một dân tộc, một tôn giáo (Islam), một hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội… nhưng lại nảy sinh những yếu tố dị biệt trong các dạng thức văn hóa, có lẽ do những điều kiện cụ thể của môi trường sinh thái và quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa với các dân tộc cùng cư trú. Có lẽ do miền Đông không có mùa nước lên như miền Tây nên chi tiết làm nhà cũng khác để thích nghi với môi trường sinh thái tại chỗ.
Về trang phục, từ thời khẩn hoang cư dân ở miền Đông tự trồng bông dệt vải để may quần áo, gọi là “vải ta”, trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa và các dân tộc bản địa đều tự dệt thổ cẩm cho trang phục của mình với các dạng hoa văn độc đáo riêng.
Người dân miền Đông ở Trảng Bàng (Tây Ninh), Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương)… tự nhuộm vải bằng vỏ cây sao, vỏ cây điều, vỏ cây dà…nói chung là cây rừng, sắc nấu cho ra màu “dà” (là loại màu nâu đậm) hoặc màu phèn. Sau đó người ta hớt bùn nhuyễn dưới sông, suối để vào chậu, ngâm vải đã nhuộm vài ngày cho trở thành màu đen thâm. Ở vùng núi miền Đông xưa kia cư dân còn nhuộm vải bằng giây chằng (là một loại dây rừng mọc dại) để cho ra màu đen. Ngoài ra người Việt đã ảnh hưởng người Khmer cách nhuộm màu đen từ quả mặc nưa (mackloeur) rất óng ả, bền, chắc…Về ẩm thực của các dân tộc miền Đông thể hiện rất đậm nét sự thích nghi với môi trường địa lý, sinh thái của vùng cư trú. Là một vùng đất rừng núi hoang dã, miền Đông cung cấp cho cư dân địa phương nguồn sản vật vô cùng dồi dào, phong phú mà người di dân tự mình trải nghiệm. Trước tiên phải đề cập đến các loại rau rừng miền Đông NB. Trong thời kỳ khẩn hoang, các dân tộc ở đây buộc phải sống một phần sinh họat theo loại hình săn bắt, hái lượm và họ có nhiều kinh nghiệm trong việc ăn rau rừng. Họ biết rõ chỉ có các loại đọt lá cây sắc tố đỏ hay nâu mới ăn được vì đó là rau lành; còn cây có đọt lá màu trắng thì phần lớn đều độc.
Rau rừng niền Đông có vị chát, chua, cay và nhiều mùi thơm như lá săng ve (lá sộp – do nguồn gốc từ chữ “da sộp”, có nghĩa là chát), lá săn máu, lá bốp (giống lá lụa), lá sắn (mỏng như lụa, màu vàng nhạt, rất thơm), lá kim cang, lá bún , đọt vừng, rau mặt trăng, đọt ngành ngạch, đọt rau choại, lá chắp, lá sai, rau trai, rau éo, củ nần, củ chụp, củ huỳnh tinh…. Những đọt lá này mọc theo mùa, nhất là đầu mùa mưa, khoảng tháng 4 mới có lộc non. Để nấu canh chua, cư dân miền Đông hái lá giang, trái bứa…Kết hợp với các loài rau ở rừng là rau mọc hoang ở ven sông, suối như rau chiếc, rau sơn, rau mốp, lá cóc, quế vị… Món thịt nhái băm ướp gia vị phải được gói và nướng trong lá cóc (rau rừng) rồi nướng ; ăn bánh xèo không thể thiếu rau nhiếc, rau sơn, rau lụa; ăn cháo (nhất là cháo rắn) phải được nấu với rau đắng đất hoặc rau đắng ruộng phơi khô giã thành bột, làm cho món cháo miền Đông có một hương vị đặc sắc, đậm đa. Món ăn thường xuyên của cư dân sống ở vùng rừng miền Đông là măng. Trong mâm cổ cúng ngày giỗ của cư dân miền Đông thường không thể thiếu măng hầm chân giò heo, măng kho thịt …
Trái cây ở rừng miền Đông vô cùng phong phú, ví dụ trái gùi (màu vàng, chua, ngọt), trái trường, trái trâm, trái sim, trái chùm đuôn (mọc từng chùm, màu tím, đen như trái trâm, vị ngọt), chuối rừng, xoài rừng, dâu rừng, mít rừng, trái quéo (giống trái xoài, nhưng chua hơn)… Rừng núi miền Đông cung cấp cho cư dân những nguồn động vật mà người địa phương xem là đặc sản như thằn lằn núi nướng với muối tiêu chanh hoặc nấu cháo xé phay ; thịt dơi núi băm sả ớt vò viên đem nướng, thịt cheo, mển, heo rừng nướng vỉ, xào lăn…
Cá lóc, cá lăng ở hồ Dầu Tiếng rất to, nhiều con nặng trên 2kg. Đặc biệt vùng đảo Suối Nhím ở huyện Dương Minh Châu có loại rùa mây rất to, nặng từ 10 đến 20kg.
Ngoái cá hồ, cá biển thì cá suối ở miền Đông như cá lưỡi tre, cá chạnh lấu, cá lúi thịt, cá lúi đỏ mang…là ngon hơn hết. Một số nông sản phẩm dồi dào, phong phú ở miền Đông còn phải kể đến là đậu phộng, được trồng ở vùng đất pha cát, nơi được gọi là xứ trỉa đậu . Người dân miền Đông chuyên dùng đậu phộng ép dầu để dùng trong ẩm thực chay.
Người dân Bình Dương còn dùng măng cụt làm gỏi, đây là một đặc sản miệt vườn khá mắc tiền, chế biến công phu. Gỏi măng cụt không phải muốn ăn lúc nào cũng được mà phải đợi vào đúng thời điểm trái măng vừa chín, múi giòn ngọt, tách vỏ lấy múi măng, chọn loại măng trái nhỏ để múi không có hạt, sau đó trộn măng cụt với thịt ba chỉ luộc xắt mỏng cùng tép luộc, rau thơm xắt sợi và nước mắm chanh ớt chua ngọt. Người Bình Dương khi đãi khách qúy thường làm gỏi măng cụt ăn kèm với bia sầu riêng (cơm sầu riêng cho vào ly bia sủi bọt đánh tan) cho vị thơm ngọt và béo ngậy.
Vào Tết Đoan ngọ (5-5 âm lịch), cư dân miền Đông cung cấp rất nhiều bánh ú gói lá tre. Trước kia, theo tài liệu thư tịch[7], cư dân vùng An Tịnh, Trảng Bàng sản xuất từ 5 đến 10 tấn bánh ú nhân đậu xanh mỗi ngày, vỏ bánh nhuộm màu tím của lá cẩm, màu xanh của lá dứa, phân phối khắp các tỉnh Nam bộ, nhất là vùng Sài Gòn – Chợ Lớn.
Có lẽ một trong những điểm đặc sắc nhất trong ẩm thực của người dân miền Đông là ẩm thực chay, nhất là khi nơi đây có nhiều tín đồ đạo Cao Đài. Trong khía cạnh ẩm thực liên quan đến lễ, hội, Tết và sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, một nét đặc sắc của cư dân miền Đông là việc sắp xếp trái cây cúng được nâng lên lên hàng nghệ thuật mà cư dân Nam bộ gọi là nghệ thuật chưng nghi, chưng kết. Sở dĩ gọi là chưng nghi vì xưa kia, theo phong tục cổ truyền ở miền Trung đem theo vào Nam, nhà nào cũng có “ghế nghi” để ở đầu bộ ngựa, nơi đó thường bày trái cây cúng trong ngày giỗ, ngày Tết. Chưng kết là cách bày trí, trang hoàng hoa quả theo hình tượng như long, phụng, lân, phước, lộc, thọ… nhằm mục đích vừa mang ý nghĩa cầu phúc, cầu lành, cầu thái bình thịnh trị, Thông thường có hai loại chưng kết trái cây rau củ là chưng khô và chưng ướt, tùy theo tính chất của trái cây.
Chưng khô: là dùng gốc cây, vỏ cây và quả có thể để lâu không hư, ít có màu sắc lòe loẹt, như loại mâm quả chưng dừa với biểu tượng chim phượng kết bằng lá cây theo chủ đề “chim phương ấp trứng”, hoặc mâm quả chưng bưởi với biểu tượng rồng kết bằng trái thơm, đậu đũa, lá cây .
Chưng ướt: là chưng toàn bằng trái cây tươi, chỉ để được khỏang 3 đến 4 ngày, màu sắc lòe loẹt, tươi thắm, ví dụ như nho, hồng, táo, mãng cầu, cam, quýt, thanh long, vú sữa, chuối, chôm chôm, nhãn, có đính thêm các vật liệu phụ như hoa, lá, đậu đũa. Thường dừng lại ở mâm ngũ quả (vốn tượng trưng cho ngũ phước) mà có khi trưng bày từ 8 đến 10 loại trái cây khác nhau, biểu thị cho sự sung túc, no đủ, dư dã.
Hàng năm, vào ngày rằm tháng 8 âm lịch, tín đồ đạo Cao Đài tổ chức đại lễ “Hội yến Diêu Trì cung”[8] ở đền Phật mẫu trong nội ô tòa thánh Tây Ninh. Người ta tổ chức một tiệc chay để thỉnh Đức Diêu Trì Kim Mẫu và cửu vị tiên nương. Một trong những nột dung lồng vào cuộc lễ này là triển lãm chưng kết hoa quả và tài làm bánh mứt của tín đồ. Hình thức triển lãm này dưới ý nghĩa một dạng lễ nghi nông nghiệp, vừa chưng bày thành quả thu hoạch trong năm vừa cúng kiếng cầu mong mùa màng năm tới được bội thu, tốt lành. Rõ ràng những dạng lễ hội như vừa nêu cũng thể hiện sự thích nghi của cư dân nông nghiệp đối với môi trường sinh thái.
Là cư dân sống vùng rừng núi, người dân miền Đông có nhiều kinh nghiệm săn, bẫy thú. Một số loại thú rừng là nguồn thực phẩm chủ yếu của nhiều cư dân, nhất là trong thời kỳ khẩn hoang và trong những giai đoạn kinh tế tự cấp, tự túc, khi mà diện tích và tài nguyên rừng còn dồi dào.
Có năm nguyên tắc làm bẫy mà chúng tôi tìm hiểu được trên thực địa của rùng miền Đông Nam Bộ
- Bẫy cò ke: lợi hại nhất vì thú vướng vòng sẽ bị treo lên cao.
- Bẫy thùng: bẫy nhốt con thú
- Bẫy kẹp: bẫy kẹp con thú
- Bẫy đập: Bẫy đập con thú chết
- Bẫy giò: Một loại bẫy thùng
Một số loại bẫy từ thô sơ đến qui mô lớn như bẫy lủi (gồm có một cây hom làm bằng gỗ căm xe, một đầu cột dây dù làm vòng thòng lọng để khi thú mắc bẫy thì vòng siết chặt lại. Bẫy lủi bắt các loại thú nhỏ độ vài kí lô như gà rừng, đa đa, chồn, cheo, thỏ ..); Bẩy toi (bẫy toi tương trợ như bẫy lủi nhưng qui mô lớn hơn. Bẫy làm bằng cây kèo, cây căm xe ... còn đây là loại dây thép, có thể bắt heo rừng, nai, mễn.); Bẫy giò (loại bẫy này có qui mô lớn, có thể bẫy được heo rừng, cọp... Người ta đào hố vuông ở đất, có chốt, để ván ở trên, thả dây, cán bằng thép. Thú rừng to nào sơ ý sẽ bị mắc chân vào giây thép thòng lọng) ; Bẫy cùm cụp (Bẫy cùm cụp giống như bẫy chuột nhưng qui mô lớn. Người ta dùng cây dài 3 – 4m loại gỗ tốt, chắc chắn, để nằm dài trên mặt đất. Một đầu gõ được đóng cúng, chắc, cố định xuống mặt đất, còn đầu kia kéo cao lên khoảng 1m. Ở dưới có dây chốt, khi có thú vướng vào sẽ bị cây đập xuống. Bẫy này có thể bắt được thú lớn nặng khoảng 50 kg) Bẫy chít (còn gọi là bẫy rọ- Bẫy chít làm bằng lưới sắt đan thưa như võng, phía sau có tai và miệng túi sẽ siết lại khi con mồi lọt vào. Bẫy chít thường dùng bắt heo rừng)
Vào thời gian đầu khai phá miền Đông, hình ảnh chiếc ghe bầu của người Việt và chiếc ghe chài nhiều người chèo[9] của người Hoa di cư xuôi ngược sông Vàm Cỏ Đông cũng được nhiều người nhắc lại như là một sự khởi đầu đáng ghi nhớ trong việc mở mang các tuyến đường đi trên sông nước để phục vụ cho yêu cầu sản xuất, kinh doanh và nhu cầu cuộc sống của con người địa phương. Truyền thuyết về ông Chúa Tàu và việc thờ phụng ông tại Dinh Ông (cạnh chùa An Phước), xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh là một bằng chứng của sự gắn kết giữa con người với sông nước. Mặc dù có nhiều truyền thuyết khác nhau về ông Chúa Tàu này, nhưng rõ ràng trong các mẩu chuyện đó luôn đề cập đến ghe (hoặc tàu – tàu: xưa kia hiểu là ghe, không có máy, chỉ có buồm) của ông đã bị mắc cạn ở đây[10].
Rừng miền Đông đã cung cấp cho cư dân địa phương gỗ cây sao, dầu, vên vên, kiều kiều,… để làm ván be; gỗ cây thủy mai (mù u) làm xà công và tay lái; gỗ cây bàn lân (bằng lăng) làm mái chèo; gỗ cây hồng du (xoài) làm neo; gỗ cây đồng làm cột buồm và sào căng buồm; bối đa mộc (cây buông, thốt nốt, mặt cật) lấy lá non chẻ ra làm cánh buồm; cây sơn cảm lảm (bùi nhùi hay cây trám ở núi) trộn chung với dầu rái (dầu chai) để trét ghe,…[11].
Hệ sinh thái rừng cây Đông Nam Bộ và các cộng đồng cư dân ở đây ngoài việc khẩn hoang lập ruộng, khai thác lâm thổ sản địa phương còn xúc tiến việc cưa xẻ gỗ sao, sến, căm xe, cà chất, vên vên, dầu,… để đóng ghe, xuồng, dùng làm phương tiên giao thông, vận chuyển. Vùng này nhiều sông, nhiều gỗ nên nghề làm ghe thuyền rất phát triển. Theo tài liệu (Grammont, 1863) căn cứ vào số liệu thống kê thì thế kỷ XVIII, Bình Dương bán ra hàng trăm thuyền hàng năm, chỉ riêng An Nhất Thuyền ở Phú Cường năm 1836 có đến 22 cơ sở cưa xẻ gỗ và đóng thuyền lớn nhất nhì Nam kỳ, chủ yếu là ghe buôn và ghe chở hàng hóa, cung cấp cho các tỉnh ở Nam Bộ, nhiều nhất là các tỉnh miền Đông Nam Bộ .
Về tàu đi biển thì các làng chài của miền đông Nam Bộ cũng có những cơ sở đóng tàu tại Phước Tỉnh, phước Hải của Bà Rịa- Vũng Tàu.
Về lưu thông đường bộ, Bình Dương có xe ngựa kéo là độc đáo nhất. Nổi tiếng ơ miền Đông nói chung và Thủ Dầu Một, Bình Dương nói riêng là xe thổ mộ, một phương tiện vận chuyển đường bộ đặc sắc của Bình Dương. Nguồn gốc của từ xe thổ mộ tại Nam Bộ chính là xe độc mã theo cách phát âm tiếng Quảng Đông là
‘tổ mỏ “, người Việt lâu ngày nói trại “tổ mỏ” thành “thổ mộ”, do đó mà có từ xe thổ mộ. Ngày xưa người Pháp tại Nam Bộ ban đầu dùng xe song mã, chỉ có dân bản xứ mới đi xe độc mã do chính quyền thuộc địa Pháp cấp giấy phép nên xe độc mã rất phổ biến. [12]
Xe bò ở miền Đông, theo Annaire de la Cochinchine, trong danh mục thống kê phương tiện xe thô sơ đã cho biết, ở Tây Ninh năm 1882 có 1884 chiếc xe không nhíp đỡ và xe trâu (tức xe bò – xe thùng), chiếm khoảng 11,85% so với tổng số loại phương tiện này trong toàn Nam bộ. Còn hiện nay, theo ước tính (chưa có số liệu thống kê một cách chính thức và đầy đủ), ở các vùng cư dân nông thôn Tây Ninh, cứ khoảng 10 hộ gia đình thì có ít nhất 1 hộ có sử dụng xe bò. Lần lại lịch sử phát triển của từng loại phương tiện này, chiếc xe bò ở Tây Ninh đã được làm ra với nhiều kiểu loại khác nhau, mỗi kiểu loại đều tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển và trong quá trình cải tiến đã hoàn thiện dần mẫu mã và chức năng sử dụng của chiếc xe. Ban đầu, cư dân Tây Ninh và cả miền Đông Nam bộ dùng loại xe bò bánh đặc nguyên cây hoặc xa làm bằng ba tấm ván gỗ của cây chò (hay cây sao, cây sến,…) ghép lại. Ví xe cũng làm bằng cây và được gọi là xe giá. Về sau, người ta thay thế chiếc xe giá vừa nặng nề vừa bất tiện bằng xe cà rẹt bánh gỗ có căm, vành, đùm, ví bằng cây hoặc ví sắt, và bên ngoài hai bánh xe được chắn bởi hai thanh ngang gắn chặt hai đầu ví, ép sát vào đùm để giữ chắc bánh xe. Xe cà rẹt hiện vẫn còn được cư dân ở một số nơi khác của miền Đông Nam bộ và Nam Trung bộ như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Tuy của Bình Thuận sử dụng.[13]
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đời sống của các cư dân ở vùng đất này ở giai đoạn đầu cũng chưa được quan tâm phát triển. Khi bị bệnh, họ chủ yếu dùng các loại thảo dược để tự chữa bệnh. Đối với những bệnh nặng hơn, họ mới đi bốc thuốc Bắc hay thuốc Nam để uống. Nhưng do đời sống kinh tế còn nghèo nên phương pháp tự chữa bệnh bằng các loại cây cỏ có sẵn quanh nhà là phương pháp chủ yếu. Các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân chủ yếu là các ông lang. Là cư dân sống ơ xứ rừng, từ thời kỳ khẩn hoang, chiến tranh loạn lạc hoặc kinh tế khó khăn… ngừơi dân vùng rừng miền Đông đã tự tích lũy được kinh nghiệm dân gian trong việc dùng cây, củ ở rừng để chữa bệnh, lâu dần thành tập quán. Họ có quan niệm “đau đâu thuốc đấy” và cho rằng môi trường thiên nhiên ở đâu cũng có nhưng loại cây lá tại chỗ có thể chữa được những bệnh phát sinh ở địa phương do môi sinh nơi đó gây nên. Bởi vì cây lá sống được ở môi trường nào tức là nó đã thích ứng với môi trường đó để tồn tại, và thế nào nó cũng chữa trị được những bệnh phát sinh từ môi trường đó. Điều này hoàn toàn hợp lý và thực tế đã chứng minh nhiều bệnh nhất là bệnh do thời tiết, khí hậu gây nên đã được cư dân miền Đông chữa bằng các bài thuốc Nam qua cây lá hái trong rừng theo kinh nghiệm dân gian. Khi cần “chữa bệnh” theo kiểu “cây nhà lá vườn”, người dân miền Đông sử dụng nguồn động, thực vật quanh nhà và xem đó vừa là thức ăn, vừa là thuốc:
- Lá ớt hiểm, lá mồng tơi, bồ ngót, giây tơ hồng đinh lăng…nấu canh ăn để giải nhiệt hoặc dùng làm thuốc bổ, tăng cường sức khoẻ
- Cỏ bạc đầu, rễ tranh… dùng giải nhiệt khi bị sốt, nóng bức vào mùa viêm nhiệt; rau sam, rau dền đất, dền đỏ nấu canh ăn ngọt, mát.
- Giây cùi chát đem sao, nấu uống trị bệnh cảm, ớn lạnh.
- Cây pù lù đem thui, sắc dưới đất, nấu uống trị bệnh sốt rét rừng.
- Cây táo rừng, giấy vàng cây cam thảo nam nấu uống trị ho.
- Lá ổi rừng cây hoang đảng (ở núi Tây Ninh) nấu uống trị tiêu chảy.
- Rễ, thân, lá, hoa mai rừng nấu uống rất thơm, trị bệnh mệt mỏi, biếng ăn.
- Cây mỏ vàng (giây vàng), cây cù đèn, nấu uống, hoặc ngâm rượu rất thơm, ngot dùng trị đau lưng, nhức mỏi.
- Cây gãng (loại có gai) lấy rõ thui vào lửa, sắc nấu uống ; giây trùng vân nấu giây và rễ uống bổ, phục hồi sức khỏe cho phụ nữ mới sinh và trị các bệnh phụ sản.
- Rễ cỏ mực đâm vắt nước cốt, chưng cách thủy với gan heo tốt, trị chứng da xanh xao, vàng vọt.
- Trái mã tiền (trái củ chi) mọc thành chùm màu vàng, cam, đỏ đẹp rực rỡ; rất độc, song nấu dùng liều lượng nhỏ, thích hợp thì nó lại là bài thuốc làm giảm đau, gây tê, chữa được bệnh đau khớp.
- Trái bí rợ nấu với cua đồng sẽ là thuốc giải độc trong trường hợp uống lầm thuốc hay uống phải thuốc độc.
- Lá cây săng de chữa các bệnh ngoài da; trâu bò bị đau mắt, da nhiễm độc do côn trùng cắn cũng trị bằng lá này.
- Lá dông nấu canh ăn dễ ngủ, an thần…
Trong quá trình khảo sát vùng miền Đông chúng tôi ghi được đầy một quyển sổ các vị thuốc tạm ví dụ như trên, đây chính là sự thích nghi của con người với môi trường sinh thái, đồng thời cũng là tri thức dân gian, tri thức bản địa của cư dân địa phương.
2. SỰ THÍCH NGHI MÔI TRƯỜNG SINH THÁI HAY GÓC ĐỘ SINH THÁI VĂN HÓA DƯỚI KHÍA CẠNH VĂN HÓA TINH THẦN:
Trong mọi dịp cúng tế, cư dân miền Đông đều có mâm cúng đất, cúng tá thổ, là tín ngưỡng đặc biệt của người từ miền Trung đi vào Nam khẩn hoang. Lễ nghi này còn xuất phát do thiên nhiên vùng khai phá quá khắc nghiệt (thú dữ, sơn lam chướng khí…). Tín ngưỡng này nhằm ngụ ý mua hay thuê đất của thần linh để sinh sống. Song song đó người ta còn cúng “hoàng thiên hậu thổ” (Trời, Đất) ở ngoài sân để xin Trời, Đất ban ân lành.
Ở giai đoạn đầu của quá trình sinh tồn, cuộc sống của các cư dân ở đây gặp nhiều khó khăn và gian nan. Khi những cư dân đầu tiên đến vùng đất miền Đông lập nghiệp, nơi này còn rất hoang sơ với nhiều rừng rậm và các loài thú hoang dã. Các địa danh hầu như đều mang dấu ấn rừng hoang, đầm lầy, dã thú, nhất là cọp (hổ). Hình tượng con cọp phản ánh đậm nét trong văn học dân gian và trong hồi ức đời thường của cư dân.
Về tín ngưỡng dân gian, đình làng miền Đông hầu hết đều có miếu thờ “sơn quân” ở sân trước của đình, thể hiện dấu ấn tín ngưỡng ở vùng rừng núi (cần phân biệt tín ngưỡng này khac hoàn toàn với chức năng trấn áp tà ma của Đạo giáo qua tấm bình phong chạm hình cọp hay rồng đặt trong đình, chùa…). Tín ngưỡng thờ Sơn quân thể hiện dưới quan niệm “ông Cả cọp”, “Thần hổ”, “Bạch hổ tướng quân”… Hẵn nhiên, việc lập miếu thờ “Sơn quân” ở đình có cả xuất phát từ mối đe dọa của môi trường khẩn hoang rừng nhiệt đới nhiều thú dữ, mà trong số đó, cọp gây nhiều tác hại cho người và đáng sợ hơn cả. Cũng có thể dấu ấn sâu xa của tín ngưỡng thờ sơn quân còn là một hình thức tàn dư của vật hình giáo vốn vẫn còn tồn tại dai dẳng trong tín ngưỡng của cư dân Việt và những “tô tem” thú vật dã dần dần được biến đổi thành thần bảo hộ con người.
Ngoài tín ngưỡng thờ thần hổ, nhiều đình của miền Đông cón có bàn thờ thần núi và thần sông, ví dụ như đình Hiệp Ninh ở thị xã Tây Ninh, đình An Hoà ở Trảng Bàng, Tây Ninh…
Về đời sống tín ngưỡng tôn giáo, miền Đông Nam Bộ thích nghi với môi trường sinh thái biển cả qua tín ngưỡng thờ các thế lưc siêu nhiên độ trì con người đi biển và làm nghề cá vốn bấp bênh, nguy hiểm được thể hiện qua lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Nghinh Cô…Các cư dân bản địa như Chơro, Stiêng cũng có những lễ hội Cúng Thần Rừng (Yang Bri), mừng lúa mới. Chính miền Đông, cụ thể là Tây Ninh là cái nôi hình thành tôn giáo bản địa Cao Đài, một tôn giáo mang nhiều sắc thái tổng hợp của văn hóa Nam Bộ.
Tại vùng đất này tập hợp một hệ thống tín ngưỡng thờ nữ thần và thờ Mẫu như Linh Sơn Thánh mẫu, Diêu Trì Kim mẫu, Thiên Hậu Thánh Mậu, Chúa Xứ Thánh mẫu, Địa mẫu, Dinh cô Long Hải…Chính tại vùng đất này có những lề hội lớn, quy mô hoành tráng mang yếu tố giới, cuốn hút hàng triệu lượt người tham gia như lễ hội Diêu Trì Kim Mẫu ở Tây Ninh, lễ hội Bà Thiên Hậu vào tết Nguyên tiêu tại Bình Dương, lễ hội Làm chay tại Thiên Hậu cổ miếu ở Biên Hòa; Đồng Nai, lễ hội Nghinh Cô tại Long Hải , Bà Rịa – Vũng Tàu… Dấu ấn văn hóa của các lễ hội này chủ yếu là cầu an, cầu đời sống ấm no. Phải chăng chính vì thiên nhiên núi rừng , biển cả cùng với những thời kỳ quá khứ di dân khẩn hoang nhọc nhằn, dịch bệnh chết chóc…đã diễn ra một sự bùng nổ cúng kiếng, lễ hội với mục đích cầu siêu, cầu an, cầu mùa? Ngoài ra trong khuôn viên đình ở miền Đông trước kia hầu như đều có miếu thờ bà Chúa Xứ. Tín ngưỡng này xuất phát từ niềm tin là ở mỗi vùng đất đều có một vị nữ thần cai quản đất đai, bảo hộ cư dân nơi đó. Có khi chúa Xứ nương nương bị đồng hóa là Linh sơn thánh mẫu, một vị thần ở núi, bảo hộ cho cư dân sinh sống ở vùng núi rừng.
Ngày nay trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, miền Đông có những tỉnh, thành là vùng trọng điểm phát triển kinh tế, cuộc sống có nhiều thay đổi, Từ giai đoạn 1996 đến nay, trong tình hình đất nước đổi mới,nhiều ơi ở miền Đông thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, địa phương đang trên đường công nghiệp hóa. Do đó, dân cư đổ về Bình Dương ngày càng đông, Trong quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá, miền Đông đang đứng trước một thách thức lớn về việc giữ gìn văn hóa truyền thống, giữ gìn sắc thái văn hóa đặc trưng lâu đời của mình để không bị cuộc sống công nghiệp làm thay đổi, biến dạng, mất mát.
Trong giai đoạn hiện nay khi mà khoa học kỹ thuật có vai trò chi phối mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của cuộc sống thì những kiến thức hiện đại này đã giúp cho con người chinh phục tự nhiên một cách chủ động hơn. Chẳng hạn trong nông nghiệp canh tác lúa nước, người nông dân đã được giới thiệu và áp dụng các kỹ thuật trong việc chọn giống cho năng suất cao, kháng các loại sâu bệnh, trong việc chăm sóc cây lúa, và dự đoán thời tiết. Lúc này, các tri thức dân gian không còn là yếu tố duy nhất giúp con người thích nghi với môi trường sinh tồn của mình. Đây chính là sự biến chuyển của các tri thức dân gian mà nguyên nhân của nó là do sự thay đổi của yếu tố khoa học kỹ thuật trong quá trình chinh phục thiên nhiên. Sự biến đổi đó là một số tri thức dân gian dần mai một đi trong cộng đồng. Các tri thức dân gian hiện nay chủ yếu tồn tại trong kiến thức của những người lớn tuổi.
Trong bối cảnh thiên nhiên và xã hội trước đây, tri thức dân gian được xem như phương tiện để con người thích nghi hữu hiệu với một môi trường tự nhiên đầy bất trắc. Đó là sự tích lũy kinh nghiệm thực tiễn từ bao đời của cư dân vùng đất này, là một vốn sống rất quý mà thậm chí cho đến giai đoạn hiện nay khi bối cảnh tồn tại của chúng đã thay đổi, những tri thức dân gian này vẫn khẳng định vai trò của mình bằng việc hòa quyện vào những kiến thức mới hiện đại để phục vụ cho con người một cách hiệu quả nhất. Các tri thức dân gian vừa là kết quả vừa là phương tiện trong quá trình thích nghi của con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Khi điều kiện môi trường như là bối cảnh tồn tại của những tri thức này thay đổi thì vai trò của các tri thức dân gian trong đời sống của các cư dân cũng thay đổi theo. Hiện nay miền Đông NB là địa bàn có vốn đầu tư cao, nhiều khu công nghiệp hoạt động mạnh, điều đó cũng có nghĩa là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra với quy mô và tốc độ cao.
Điều băn khoăn ở đây là với đà phát phát triển kinh tế cao hiện nay, liệu miền đông NB có phát triển văn hóa song hành với kinh tế không? Liệu văn hóa truyền thống đậm bản sắc dân tộc có bị cơn lốc xoáy của công nghiệp hóa hiện đại hóa làm mất mát, thay đổi, biến dạng?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại Nam nhất thống chí(1959), Lục tỉnh Nam Việt. Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản,
2. Đỗ Văn Rỡ, Linh thần đình Gia Lộc (Trảng Bàng), tư liệu viết tay.
3. Lê Trung Vinh (2002), Bản sắc văn hóa làng nghề Bình Dương, thư mục “Bình Dương đất nước – con người”, tập 1,
4. Lư Nhất Vũ – Lê Giang (Cb) (2001), Dân ca và thơ ca dân gian Bình Dương, Hội văn học nghệ thuật Bình Dương.
5. Ngô Phương Lan, , Tri thức dân gian cac dân tộc ở Sóc Trăng,trong Bản thảo “ Văn hóa dân gian các dân tộc ở Sóc Trăng”( Đề tài nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia TP. HCM), 2006
6. Phan Thị Yến Tuyết (2000), Sinh hoạt vật chất của cư dân Vĩnh Long, trong sách: “Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long (1732 – 2000)”, NXB Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh.
7. Photo Nadal (1925), La Cochinchine, Saigon.
8. Sở Văn hóa thông tin Bình Dương (1998), Sơ khảo về tín ngưỡng, lễ hội dân gian và truyền thống tỉnh Bình Dương.
9. Trần Minh Châu (1998), Ai về chợ Búng, Bình Nhâm, Nét đẹp Bình Dương
10. Trịnh Hoài Đức ( 1972), Gia Định thành thông chí., Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn
11. Viện nghiên cứu tôn giáo (1994), Về tôn giáo (tập 1), NXB KHXH,H,
12. Viện Nghiên cứu VH-NT, Phân viện tại TP.HCM (2002), Sổ tay hành hương đất phương Nam, NXB. TP. HCM
13. Antoine Brébion (1913), Boisson et mets Indochinois, Revue Indochinois, No3.
14. Conrad Phillip Kottak, Anthropology: the Exploration of Human Diversity(2002), The McGraw- Hill,
15. James Spradley & David W. Mc. Curdy (2003), Comformity and conflict, Reading in cultural anthropology, 11th edition, Pearson Education.
16. J.C. Baurac (1894), La Cochinchine et ses habitants, Provinces de l’Ouest, Saigon.
17. L. De Grammont (1863), Onze mois de sous préfecture en basse Cochinchine, Paris,
18. Patricia K. Townsend (2000), Environmental Anthropology,
19. Richley H. Crapo (1993), Cultural Anthropology, Understanding Ourselves & Others, 3rd Edition, Dushkin Publishing group,
20. William A. Haviland (1993), Cultural Anthropology, 7th. Harcourt Brace Jovanovich College publisher, ( Chapter 13: Religion and the supernatural)
[1]Richley H. Crapo, Cultural Anthropology, Understanding Ourselves & Others, 3rd Edition, Dushkin Publishing group, 1993.
[2] Viện nghiên cứu tôn giáo, Về tôn giáo (tập 1), NXB KHXH, H, 1994
[3] James Spradley & David W. Mc. Curdy (2003), Comformity and conflict, Reading in cultural anthropology, 11th edition, Pearson Education, p.106.
[4] Ngô Phương Lan, Tri thức dân gian các dân tộc ở Sóc Trăng, trong Bản thảo “Văn hóa dân gian các dân tộc ở Sóc Trăng”(Đề tài nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia TP. HCM), 2006.
[5] Cái thum gồm 4 cây trụ chắc chắn làm bằng cây sầm; hai thanh dài của thum gọi là cây trượng làm bằng cây cò ke; hai thanh ngang của thum làm bằng cây săn con; vạt thum bằng tre; nếu dùng làm giường ngủ, người ta lót rơm trên vạt, sau đó trải tấm đệm bàng lên để nằm
[6] Quan niệm này hoàn toàn khác hẳn ở ĐBSCL. Cư dân nơi dây cất chuồng trâu bò ở phía sau nhà và phải khá xa nhà cho sạch sẽ. Vả lại, ở vùng ĐBSCL tương đối ít thú rừng hoang dã sát hại gia súc như ở Tây Ninh.
[7] Huỳnh Minh, Tây Ninh xưa và nay. Tác giả xuất bản năm 1972, tr.344.
[8] “Hội yến Diêu Trì cung” có nghĩa là cuộc lễ ở cung Diêu Trì, vốn là cung điện của bà Tây Vương Mẫu theo truyền thuyết.
[9] Ở Tây Ninh xưa kia có loại “ghe năm”, tức là loại ghe độc mộc dài khoảng 10m, hai bên gắn 4 chèo, sau lái có 1 chèo là 5 người chèo. Người xưa dùng ghe 5 người chèo này để di chuyển cho nhanh chóng trên sông rạch, như loại ghe ô, ghe lê mũi nhọn đáy chắc (Huỳnh Minh, Tây Ninh xưa và nay. Sài Gòn, 1972, tr.55).
[10] Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh Nam Việt. Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, 1959, tr.80; và Huỳnh Minh, Sách đã dẫn, tr.63 – 64.
[11] Trịnh Hoài Đức, Sách đã dẫn. Vật sản chí, tờ 10b.
[12] Trích ý kiến phỏng vấn nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh (6- 2008). So với nhiều cách giải thích khác nhau về xuất xứ của từ xe thổ mộ thì chúng tôi nghĩ kiến giải của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh là có cơ sở khoa học nhất.
[13] Võ Công Nguyện, tài liệu điền dã tại Tây Ninh