Nữ giới Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh - truyền thống, hội nhập và phát triển

In bài này

                                                                                           Tóm tắt

            Bài viết giới thiệu những giá trị truyền thống cùng những điểm nổi bật về quá trình hội nhập và phát triển của nữ giới Phật giáo thành phố hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi còn thảo luận thêm về những vấn đề đang đặt ra cho nữ giới Phật giáo cần được quan tâm. Hướng tiếp cận của chúng tôi trong bài viết này theo hướng tiếp cận lịch sử cũng như nghiên cứu bối cảnh, ở đây là bối cảnh đặc thù của một đô thị phát triển trước nay, để làm cơ sở phân tích, đánh giá những nội dung chính trong bài viết.

1. Dẫn nhập

Trên hai nghìn năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc đã cho thấy rằng nữ giới thuộc tôn giáo này giữ một vai trò khá quan trọng và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đạo Phật, nhất là góp phần làm tỏa sáng những giá trị đạo đức, nhân văn của đức Phật trên đất nước Việt Nam. Nhiều tấm gương nổi bật của nữ giới Phật giáo về đạo hạnh cũng như các hoạt động xã hội, văn hóa gắn với lợi ích cho cộng đồng đã trở thành một niềm tự hào lớn, một tài sản mang giá trị quí báu trong ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam hiện tại. Bài viết này tập trung làm rõ những giá trị và đóng góp ấy thông qua trường hợp cụ thể: Đó là nữ giới Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, vì họ mang tính tiêu biểu cho các hoạt động nổi bật của nữ giới Phật giáo Việt Nam trong thời gian qua.

2. Về những giá trị truyền thống của Nữ giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh       

Từ điển Phật Quang cho biết nội dung Tứ chúng trong đạo Phật gồm Tì kheo, Tì kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di hoặc chỉ cho bốn chúng xuất gia, tức Tì kheo, Tì kheo ni, Sa di, Sa di ni[1]. Trong bài viết này, khái niệm nữ giới Phật giáo được chúng tôi sử dụng gồm Tỳ kheo ni và Ưu bà di. Hội chúng Tỳ kheo ni chính là hội chúng của những nữ tu sĩ Phật giáo, gồm cả Sa di ni và học nữ. Đó là những người nữ đã xuất gia, từ bỏ đời sống gia đình, thực hành phạm hạnh độc thân. Còn hội chúng Ưu Bà Di, tức  nữ cư sĩ Phật giáo hay cận sự nữ, là những người nữ ở gia đình, sống đời sống thế tục, chưa xuất gia thành ni chúng. Họ có niềm tin nơi Tam bảo, sống hiền thiện và tạo các công đức[2].

            Theo chân lớp lưu dân đi khẩn hoang, lập ấp từ hơn 300 năm trước, Phật giáo đã có mặt tại vùng đất Sài Gòn-Gia Định, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bao thế hệ người dân mộ đạo. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, cùng với nhiều nguyên nhân khác nhau, mảnh đất Sài Gòn-Gia Định xưa và thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đã trở thành một trung tâm Phật giáo của cả nước. Nhìn chung, cộng đồng Phật giáo thành phố đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam nói riêng cũng như công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và sự nghiệp xây dựng đất nước ta hiện nay. Một trong những viên gạch đóng góp xây dựng nên ngôi nhà thành quả ấy thì không thể không nhắc đến vai trò của nữ giới Phật giáo, trở thành niềm tự hào chung của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt đã hình thành nên những giá trị riêng mà rất cần được nhận diện rõ để có thể phát huy trong bối cảnh hội nhập và phát triển của  đạo pháp lẫn dân tộc hiện nay.

Mặt khác, chúng tôi còn hiểu rằng: Tất cả những gì có ích lợi, đáng ham chuộng hoặc đáng kính phục đối với con người hoặc nhóm đều là “có một giá trị”. Đây là một định nghĩa đơn giản và chuẩn xác của J.H.Fichter, một nhà xã hội học người Mỹ, đưa ra[3]. Những giá trị truyền thống của nữ giới Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh mà chúng tôi tìm hiểu được tiếp cận từ góc độ thời gian, thời điểm chọn nghiên cứu là trước năm 1975.

Vậy đâu là những giá trị truyền thống nổi bật của nữ giới Phật giáo Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh?

Thứ nhất, nữ giới đã đóng góp rất lớn vào công cuộc hoằng dương, phát triển Phật giáo trên mảnh đất Sài Gòn-Gia Định, thông qua việc ủng hộ xây dựng và trùng tu khá nhiều ngôi cổ tự. Nhờ vậy mà Phật pháp  được truyền bá rộng rãi, phát triển và nhanh chóng gắn liền với đời sống người dân vùng đất này, nhiều ngôi chùa trong đó nay đã trở thành di sản văn hóa vật thể có giá trị cho thành phố Hồ Chí Minh. Tại những ngôi cổ tự như chùa Sắc Tứ Từ Ân (quận 6), chùa Sắc Tứ Long Huê (quận Gò Vấp), chùa Sắc tứ Huệ Lâm (quận 8), chùa Huê Nghiêm (quận Thủ Đức), chùa Giác Viên (quận 11), chùa Văn Thánh (quận Bình Thạnh) đều có để lại dấu ấn các nữ thí chủ phát tâm hiến cúng tịnh tài, tịnh vật, kể cả đất đai cho các chùa. Chùa Sắc Tứ Từ Ân, một ngôi chùa cổ của đất Sài Gòn-Gia Định, đã được một tín nữ có địa vị cao trong triều Nguyễn bấy giờ là Hiếu Khương Hoàng hậu (thân mẫu của vua Gia Long), vì thấy chùa có cảnh trí u nhã, nên đã sắc làm chùa công. Người con gái của Bà, Hoàng cô Long Thành tên là Nguyễn Phúc Ngọc Tú, hay đến viếng cảnh chùa, phát tâm mộ Phật, qui y và thọ Bồ tát giới với  Hòa thượng Thiệt Thành-Liễu Đạt. Là một Phật tử hết lòng tin tưởng nơi Tam bảo, hoàng cô chắc đã hiến cúng nhiều tài vật cho ngôi chùa này, nên ngày nay vẫn còn bài vị được thờ ở bàn Tổ trong chùa. Một ngôi chùa khác-Sắc Tứ Huệ Lâm được sự ủng hộ lớn của hai nữ thí chủ giàu có, một là Bà Chiêm Thị Mai đã đứng ra xây dựng và kế là Bà Trần phu nhân-vợ của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, một trong những đại phú gia ở Sài Gòn xưa, đã đứng ra trùng tu vào năm 1912. Trong quần thể những ngôi tháp cổ kính trong khuôn viên chùa Giác Viên có một ngôi tháp của Bà Lương Thị Viết nhằm tri ân công đức to lớn của Bà đối với nhà chùa. Bà vốn là con nhà khá giả mộ đạo, đã phát tâm cúng tịnh tài xây dựng toàn bộ giảng đường cho chùa có qui mô to lớn, dưới sự chứng minh của Tổ Hoằng Ân-Minh Khiêm. Còn ở chùa Văn Thánh, bên cạnh sự đóng góp công sức, tài vật của hai mẹ con Bà Huỳnh Thị Lới và Nguyễn Thị Ó trong việc thành lập chùa, thì không thể không nhắc đến vai trò rất lớn của Bà Lê Thị Ngỡi, một đại điền chủ quê ở Bến Tre. Bà ba Ngỡi đã hiến cúng ruộng đất và khá nhiều tiền cho chùa này để làm kinh phí cúng kiến, nhang đèn và trùng tu sửa chữa. Bài vị của Bà hiện còn được thờ phụng trong chùa để tưởng nhớ công đức[4]. Ngoài ra, không thể không nhắc đến ngôi chùa Sắc Tứ Kim Chương, vốn được xem là một trong ngũ đại tùng lâm của Phật giáo Sài Gòn-Gia Định. Tuy nay không còn nữa, nhưng qua ghi chép lại, được biết chùa cũng đã nhận được hỷ cúng tịnh tài của Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, tức vợ Vua Gia Long. Nhớ đến những ngày bôn ba gian khổ ở Gia Định, Bà đã cúng dường một vạn quan tiền và sai Thần Võ Tướng quân Trần Nhân Phụng đem lính thợ đến trùng tu[5]. Qua đây cho thấy được vai trò đóng góp khá lớn của các nữ thí chủ, từ tầng lớp quí tộc hoàng gia cho đến người khá giả và bình dân, trong việc khai sơn tạo tự, trùng tu tôn tạo nhiều ngôi cổ tự trên vùng đất này trước đây. Đồng thời, còn thể hiện một rõ thái độ ứng xử nghĩa tình, trước sau vẹn tròn của các ngôi chùa này, thông qua việc ghi nhận công đức phát tâm hỉ cúng Tam bảo cũng như lập bài vị, xây tháp để hương khói, phụng thờ trong chùa cho đến nay. Ngoài ra, phải chăng đó là một nét văn hóa ứng xử đẹp của con người Sài Gòn?

Thứ hai, nữ giới Phật giáo ở đây đã có nhiều đóng góp vào dòng chảy lịch sử của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, cũng như truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, kiên cường và bất khuất của người dân thành phố Hồ Chí Minh. Trong phong trào chống lại sự kì thị và đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963, chư Ni và nhiều nữ cư sĩ đã xuống đường tuần hành ủng hộ cho phong trào này, quyết tâm bảo vệ Phật pháp trong thời điểm nguy khó, hiểm nghèo. Đi đầu cho phong trào này là Ni sư Huỳnh Liên (1923-1987) thuộc Hệ phái Khất sĩ đã đứng lên kêu gọi và cùng với chư Ni các chùa ở Sài Gòn tổ chức nhiều cuộc biểu tình lên án chế độ Ngô Đình Diệm, bất kể nguy hiểm, tù tội rình rập để đòi quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Cho đến giờ, hình ảnh nữ Phật tử Quách Thị Trang (1948-1963) hi sinh thân mình trước họng súng tàn bạo của binh lính theo chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, là một vẻ đẹp sáng ngời về lòng dũng cảm của người con gái đức Phật và đến nay luôn được các thế hệ người dân thành phố ghi nhớ, tự hào về chị. Năm 1981, một sự kiện quan trọng của Phật giáo nước ta là diễn ra Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam tại thủ đô Hà Nội. Sau đại hội này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, trở thành ngôi nhà chung của các hệ phái Phật giáo, là tiếng nói chính thống của cộng đồng Phật giáo Việt Nam cho đến hiện tại. Hai vị Ni trưởng có uy tín lúc ấy ở thành phố Hồ Chí Minh là Sư bà Như Thanh và Sư bà Huỳnh Liên đã có nhiều đóng góp cho công cuộc vận động và thống nhất Phật giáo nước nhà sau ngày giải phóng đất nước. Ngoài ra, để hưởng ứng phong trào đấu tranh đô thị ở miền Nam trước năm 1975, tại Sài Gòn, Ni sư Huỳnh Liên tham gia thành lập và giữ vai trò cố vấn cho Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống có trụ sở được đặt tại Tịnh xá Ngọc Phương. Ni sư luôn được xem là người thủ lĩnh của nhiều hoạt động sôi động của phong trào như đòi quyền dân sinh dân chủ, đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, đòi thả tù nhân chánh trị, đòi thực hiện hiệp định Paris, đòi hòa bình và hòa giải dân tộc,… đã tạo tiếng vang lớn trong và ngoài nước, nhất là đã làm cho chính quyền Sài Gòn lúng túng, buộc chúng phải thực hiện một số đề nghị chính đáng. Từ năm 1973 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ni trưởng tuy gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhưng không hể nao núng, vẫn giữ nguyên vẹn ý chí và kể cả chấp nhận hi sinh. Lúc ấy, Tịnh xá Ngọc Phương bị cảnh sát phong tỏa suốt ngày đêm, một số thì bị chính quyền cô lập, bắt bớ, hăm dọa, còn số khác bị tuyên truyền lung lạc tinh thần,….[6] Còn tại chùa Từ Nghiêm, mùa Phật đản năm 1967, Phật tử Nhất Chi Mai đã phát nguyện tự thiêu để kêu gọi hòa bình và chấm dứt chiến tranh đang lan rộng ở miền Nam thời đó. Ngọn đuốc sáng ngời Nhất Chi Mai đã thể hiện được khát vọng hòa bình bất diệt của dân tộc Việt Nam. Do vậy, có thể nói rằng, họ là những nét son trong những trang sử hào hùng của thành phố này, một minh chứng rõ nét cho tinh thần đạo pháp và dân tộc luôn song hành trên đất nước Việt Nam qua hai ngàn năm lịch sử.  

Thứ ba, tìm hiểu về lịch sử Ni giới Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như Việt Nam nói chung thì không thể không đề cập đến tổ chức Ni bộ Nam Việt được nhiều vị tôn đức Ni sáng lập vào năm 1956, một tổ chức hoạt động hiệu quả, có tổ chức chặt chẽ và đoàn kết, đã qui tụ hầu hết chư Ni Bắc tông tham gia, diễn ra tại chùa Huê Lâm, Sài Gòn. Đây được xem là một bước phát triển lớn của Ni giới ở miền Nam trước kia để thành một tổ chức rộng rãi và có hệ thống, qui củ nhằm đoàn kết chư Ni thuận lợi cho việc tiến tu giải thoát và hoằng dương Phật pháp, đóng góp cho xã hội. Đến năm 1972, Ni bộ Nam Việt được đổi tên thành Ni bộ Bắc Tông, trụ sở đặt tại chùa Từ Nghiêm, nay thuộc quận 10. Nhắc đến tổ chức này thì không thể bỏ qua vai trò tổ chức và lãnh đạo của Ni trưởng Như Thanh (1911-1999)- Trưởng ban quản trị, một vị danh Ni đáng tự hào của Phật giáo Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh vào nửa cuối thế kỷ XX. Tác giả Trần Hồng Liên, trong bài viết Ni trưởng Như Thanh với sự hình thành và phát triển Ni bộ Nam Việt, đã cho biết:  Sư trưởng Như Thanh cùng nhiều Sư bà trong ban quản trị tiến hành đồng loạt nhiều nội dung hoạt động phong phú, thiết thực cho việc định hướng tu tập của Ni chúng bằng cách đề ra tu tập nội hướng, lấy Giới-Định-Tuệ làm giá trị căn bản, chủ trương thiền tịnh song tu. Ngoài ra, Ni trưởng còn quan tâm đến ngoại điển, chủ trương cho Ni chúng kết hợp đạo với đời, lấy từ thiện xã hội làm căn bản. Con số 41 cơ sở kí nhi viện cho 7.132 cháu và 6 cơ sở cô nhi viện cho 1.132 cháu trong thời gian chưa đầy 20 năm là một thành quả vượt bậc của Ni bộ Nam Việt trong hoạt động từ thiện-xã hội. Thành quả của Ni bộ Bắc tông mà trước hết là công lao của Ni trưởng đã góp phần mang lại ngày càng nhiều chư Ni trụ trì các chùa tại Nam bộ và thành phố này là đệ tử của Sư trưởng Như Thanh. Những vị Sư cô ấy, với đạo hạnh khiêm cung, với tấm lòng vị tha trời biển, hàng chục năm qua đã san sẻ và ấp ủ nhiều cuộc đời bất hạnh quanh mình, đã góp phần xua tan nổi đau khổ bệnh tật, chiến tranh, nghèo đói của hàng ngàn gia đình thiếu may mắn. Tổ chức Ni bộ Bắc tông là phương tiện tốt đẹp, là lò rèn luyện, hun đúc ý chí kiên cường, bất khuất, là lò thử thách gian khổ và hi sinh vì hạnh phúc mọi người, của nữ tu sĩ Phật giáo Việt Nam[7]. Những thành quả hoạt động của tổ chức Ni bộ Bắc tông xứng đáng là niềm tự hào lớn của Ni giới Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.  Đây tiền đề giúp cho Ni giới Phật giáo ở đây không ngừng lớn mạnh và phát triển, là lá cờ đầu tiêu biểu của sinh hoạt tu học cũng như các hoạt động văn hóa, xã hội và giáo dục, là trung tâm của Ni giới Việt Nam trước nay.

Thứ tư, là một đô thị lớn, một trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục của nước ta từ trước đến nay, cho nên Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thu hút nhiều chư Ni các tỉnh, thành đến tu học, hành đạo và truyền bá Phật pháp. Nhiều vị tôn đức Ni, tuy sinh trưởng và tu học từ nhiều vùng, miền khác nhau, nhưng đã đến đây hành đạo, góp phần rất lớn vào thành tựu hoạt động của Ni giới Phật giáo thành phố. Mặt khác, họ còn tỏa sáng đạo hành tu hành lẫn tài năng ở nhiều phương diện, mãi là niềm tự hào của chư Ni cũng như cộng đồng Phật giáo nơi đây. Đầu tiên, đó là Sư trưởng Hải Triều Âm (1920-2013), rất được Tăng Ni và Phật tử trong ngoài nước ngưỡng mộ. Sư xuất gia đầu Phật với Đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Đức Nhuận tại chùa Quảng Bá (Hà Nội), rồi vào Ni trường Dược Sư ở Sài Gòn học đạo và hoằng pháp tại đây, sau mới lên Lâm Đồng tịnh tu cho đến ngày viên mãn. Lúc Sư bà ở chùa Liên Hoa, Bình Thạnh, TP.HCM, học chúng đổ về học pháp rất nhiều. Sư bà đã biên soạn toát yếu lại những bộ kinh Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, luật Tỳ-kheo-ni v.v… lời văn giản dị, xác thực để học chúng dễ nắm được yếu chỉ của kinh luật. Mắt đeo kính, dưới ánh đèn dầu, Sư bà miệt mài đọc sách dịch kinh. Từng bộ kinh Hán văn dày cộm đầy những chữ với bộ óc tuổi già thật mỏi nhọc, Sư bà vẫn hết sức cố gắng cặm cụi dịch sang Việt ngữ để đàn hậu lai có sách học tập. Sư bà đã biên dịch, biên soạn, toát yếu gần 100 đầu sách…[8] Cố Ni trưởng Thích  Nữ Huyền Huệ (1924-2015), Trưởng Phân ban đặc trách Ni giới Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là người con của đất Bình Thuận, được học đạo trực tiếp với nhị vị trưởng lão Ni nổi tiếng miền Trung thời đó là Sư bà Huyền Tông và Huyền Học. Sau này, Sư vào Sài Gòn, nhập chúng tu học tại chùa Kim Sơn, được tín nhiệm tham gia vào Ban Quản trị Ni bộ Nam Việt, rồi giảng dạy tại nhiều Ni trường và mời làm giới Sư tại các giới đàn Ni, tinh cần dịch thuật kinh điển, và được hàng Ni giới tại đây ngưỡng vọng về trình độ Phật học lẫn oai nghi và đức hạnh,….Ni trưởng xả báo thân tại chùa Hải Ấn (quận Tân Phú), ngôi chùa đầu tiên của Ni giới thành phố Hồ Chí Minh. Mặt khác, không thể không nhắc đến Cố Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải (1938-2003), một người con và là một trí thức lớn của miền Sông Hương núi Ngự. Sư bà vốn xuất thân từ dòng dõi quí tộc Huế và đã có nhiều đóng góp cho hoạt động văn hóa-giáo dục của Phật giáo ở thành phố này, rất được giới trí thức và văn nghệ sĩ trong, ngoài nước ngưỡng mộ. Sư cô Trí Hải, khi vừa xuất gia với Sư trưởng Diệu Không tại chùa Hồng Ân (Huế) năm 1964, đã được tín nhiệm trở thành thư kí cho Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh thời đó. Sau này, Sư bà Trí Hải, ngoài việc tham gia giảng dạy tại đây, còn đảm nhiệm chức Thư viện trưởng và Giám đốc An sinh xã hội của Đại học Vạn Hạnh trước kia, trụ trì Tịnh thất Tuệ Uyển, Liên Hoa và Diệu Không ở Sài Gòn. Cả cuộc đời tu học của Ni trưởng gắn liền với những trang dịch lẫn những sáng tác văn học tài hoa, uyên bác như Câu chuyện dòng sông, Tạng thư sinh tử,…  Ni trưởng Trí Hải còn là một tấm gương về hạnh từ bi, cứu khổ cứu nạn của nhà Phật đến với những hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống thông qua nhiều hoạt động xã hội do Ni trưởng khởi xướng. Năm 2003, trước khi về với cõi Phật, Ni trưởng Trí Hải vinh dự được Giáo hội Phật giáo Việt Nam suy cử làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học. Cho đến nay, tài năng và đức độ của Sư bà Trí Hải vẫn còn được chư Ni ở Thành phố Hồ Chí Minh và Huế thường xuyên nhắc nhở và họ rất mực kính trọng, xem là một tấm gương lớn cho việc tu học. Sư trưởng Thích Nữ Diệu Không (1905-1997), vị tôn Sư khả kính của Ni trưởng Trí Hải cũng đã nhiều lần vào miền Nam hành đạo, được các vị tôn túc Tăng Ni thành phố ngưỡng mộ và Sư bà đã đóng góp rất nhiều cho hoạt động Phật sự quan trọng ở Sài Gòn trước kia như thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh, tham gia phong trào 1963 và xây dựng nhiều ngôi chùa ở đây mà tiêu biểu là chùa Diệu Giác hiện tọa lạc tại quận 2. Và còn rất nhiều những tấm gương khác nữa của các vị Ni trưởng, Ni sư ở thành phố này mà trong khuôn khổ bài viết này không có điều kiện thể nào kể hết được. Qua đây, cũng cho thấy rằng, với tư cách là một đô thị phát triển ở nhiều lĩnh vực, Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ và tỏa sáng những tài năng và nhân cách lớn, trong đó có những vị danh Ni mà chúng tôi đã nhắc ở trên.

Thứ năm, nhiều Ni trường nổi tiếng ở miền Nam được mở ra tại thành phố này, thu hút chư Ni từ nhiều nơi đến học tập, đã góp phần đào tạo Ni tài cho Phật giáo Việt Nam trước và sau năm 1975. Đây là một nét  nổi bật và đồng thời là một đóng góp lớn của Ni giới Phật giáo Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo Nam bộ nửa đầu thế kỉ XX đang lan rộng, nhiều vị Sư bà nhiệt huyết, mong mỏi chư Ni và Phật tử hành trì đúng theo con đường chánh pháp của đức Phật, đã kêu gọi và vận động Ni chúng tham gia vào các lớp học chuyên về giáo lý. Từ năm 1939-1945, tại Gia Định, Ni trường do Sư cô Diệu Tấn khai mở tại chùa Kim Sơn (Phú Nhuận) làm nơi đào tạo chư Ni các tỉnh, thành về tham gia học tập, nhiều vị đã trở thành trong tổ chức Ni bộ Nam Việt sau này như Diệu Tịnh, Diệu Kim, Diệu Hoa, Diệu Ngọc, Như Thanh, Như Hoa,…. Họ là người am hiểu Phật pháp, có sở học sâu rộng và nhiệt tâm chấn hưng, phát triển Phật giáo. Trước đó, nhiều lớp Gia giáo được mở ở một số chùa ở Sài Gòn và các tỉnh, thành khác để Ni chúng có điều kiện tham gia học tập, nâng cao kiến thức Phật học, giúp cho việc hoằng pháp được thuận lợi. Một Ni trường nổi tiếng khác trên mảnh đất Sài Gòn được đặt tại chùa Dược Sư, nay thuộc quận Bình Thạnh. Đây là nơi đào tạo Ni giới trực thuộc Tổng vụ Giáo dục do Hòa thượng Thích Minh Châu điều hành. Ni trường, dưới sự quản lý của quí Sư Bà Huyền Học, Huyền Huệ, Như Châu, Như Hòa,…, là nơi đào tạo chuyên khoa Phật học rất có uy tín cho Ni giới miền Nam trước năm 1975. Ngoài ra, còn có Phật học viện Từ Nghiêm cũng là một địa chỉ đào tạo Ni giới khá nổi tiếng do Ni bộ Bắc tông quản lý. Cho nên, chư tôn đức Ni các tỉnh, thành thuộc miền Nam và Trung ngày nay phần lớn được học tại các Ni trường này. Đây là một vinh dự lớn và qua đó cũng cho thấy vai trò tiên phong và trung tâm trong lĩnh vực giáo dục Phật giáo cho Ni giới Phật giáo Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuối cùng, những giá trị truyền thống của Ni giới Phật giáo Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh còn được kết tinh qua cốt cách của những vị Ni trưởng mà cả đời tu của họ lúc nào cũng nghiêm trì giới luật, tỏa sáng đạo hạnh thanh cao, luôn trau dồi Giới-Định-Tuệ, tôn trọng Bát kỉnh pháp, khiêm tốn nhu hòa, sẵn sàng dấn thân vì đạo pháp và dân tộc ở những thời điểm thăng trầm của lịch  sử, thể hiện đức tính từ bi, cứu khổ cứu nạn đến những mảnh đời bất hạnh, nhất là luôn tôn kính và nương tựa cầu pháp với các bậc cao Tăng như Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Minh Châu,….Cho đến nay, nói đến Ni giới Phật giáo thành phố này thì không thể không nhắc Ni trưởng Như Thanh, Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Huyền Huệ, Ni trưởng Hải Triều Âm,  Ni trưởng Trí Hải,….Họ xứng đáng được xem là những vì sao lấp lánh trên bầu trời cao rộng của Ni giới Phật giáo Việt Nam. Mặt khác, thông qua các hoạt động của các vị Ni trưởng đã cho thấy mỗi vị có một phong cách, một sở trường khác nhau, tùy duyên trên con đường đạo pháp. Ni trưởng Như Thanh xứng đáng là một nhà lãnh đạo với năng lực điều hành giỏi và thật hiếm thấy trước nay trong hàng Ni giới, với Ni trưởng Hải Triều Âm thì cả đời tu chuyên tâm công phu nội điển, hành trì Thiền-Tịnh miên mật, còn Ni trưởng Huyền Huệ là nhà giáo dục Phật học, bậc giới sư tinh nghiêm và đức độ cao vời vợi, rồi Ni trưởng Trí Hải trong tâm trí của nhiều người là một trí thức được đào tạo bài bản nên có sở học uyên thâm, một dịch giả tài hoa rất được nhiều người kính nể.

Những giá trị truyền thống của Nữ giới Phật giáo Sài Gòn-Thành phố cần được tiếp tục tìm hiểu và bổ sung nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ý kiến chúng tôi, Phân ban đặc trách Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh cần có một phòng truyền thống để trưng bày những hình ảnh, hiện vật và tư liệu nhằm lưu giữ những giá trị nổi bật cũng như những thành quả đóng góp của Nữ giới Phật giáo tại đây. Thiết nghĩ, đây là một việc làm rất có ý nghĩa và cần thiết hiện nay. Nên chăng cần làm ngay những bộ phim tư liệu về những vị danh Ni của Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh đã kể trên và tổ chức Ni bộ Nam Việt nổi tiếng ngày trước để thế hệ sau hiểu rõ hơn hành trạng tu học và đạo nghiệp sâu dày của họ?

3. Quá trình hội nhập và phát triển của Nữ giới Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

            Từ sau ngày đổi mới đất nước, Phật giáo Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã hội nhập nhanh chóng vào đời sống xã hội nước ta, kể cả quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra một cách mạnh mẽ hiện nay. Vì vậy, nữ giới Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng phát triển và tích cực hội nhập vào quá trình đó, nhất là trong bối cảnh một thành phố sôi động về kinh tế, xã hội, tích cực giao lưu và hội nhập với cộng đồng quốc tế.  

            Nhiều năm qua, chư Ni Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng nổ lực trên con đường học Phật để tiến tu giải thoát và đặc biệt là phấn đấu nâng cao trình độ học vấn để đóng góp cho sự nghiệp hoằng pháp, giáo dục Phật giáo cũng như hội nhập vào đời sống văn hóa, xã hội thành phố. Liên tục những Đại giới đàn của Phật giáo thành phố được khai mở gần đây như Hành Trụ (2011), Quảng Đức (2013) và Trí Đức (2015) cho thấy giới tử Ni đăng ký thọ giới bao giờ cũng đông đảo. Chẳng hạn, ở Đại giới đàn Hành Trụ, trong tổng số 1.539 vị thì có 277 vị thọ Tì kheo Ni, 254 vị thọ Thức xoa ma na, 448 Sa di Ni[9]. Ngày càng nhiều vị Ni sư, Sư cô đã tốt nghiệp học vị cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ Phật học cũng như nhiều ngành học khác để mở mang kiến thức và đóng góp cho sự nghiệp phát triển của Phật giáo Việt Nam. Nhiều vị đã tốt nghiệp tiến sĩ ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan,…có nhiều hoạt động rất tích cực cho sự phát triển Ni giới thành phố như Ni sư Thích Nữ Như Nguyệt (chùa Huê Lâm), Ni sư Thích Nữ Như Nguyệt (chùa Phước Viên), Ni sư Thích Nữ Huệ Liên (Tịnh xá Ngọc Hòa), Ni sư Thích Nữ Như Thảo (chùa Pháp Võ),…Có thể xem đây là một thành tựu quan trọng của Ni giới thành phố hiện nay vì  con người  vốn được xem là nguồn lực phát triển quí giá nhất. Cho nên, nếu được đào tạo bài bản về Phật học cũng như kiến thức khoa học, ngoại ngữ thì họ là những nhân tố vững chắc và có khả năng đảm trách nhiều công tác Phật sự hơn nữa trong thời gian tới, những yêu cầu và kể cả các thách thức đặt ra. Chẳng hạn, trước những vấn đề xã hội ngày một gia tăng, việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi là một nhu cầu lớn của xã hội mà Phật giáo không thể nào đứng ngoài lề. Để đảm bảo năng lực phụ trách các lớp học tình thương cũng như cùng gánh vác trách nhiệm với xã hội vì trẻ em và tương lai của thế hệ, Phân ban Ni giới Trung Ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh mở lớp Sư phạm mầm non trình độ đại học cho chư Ni nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có nhiều vị đang tu học tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây được xem là một bước đi quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc tăng cường năng lực thông qua giảng dạy kiến thức và kĩ năng cho Ni giới Phật giáo hiện nay trên bước đường dấn thân phụng sự đạo pháp và chúng sinh.

            Mặt khác, không thể không nhắc đến Phân ban đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 12/11/2009, văn phòng được đặt tại Chùa Huê Lâm (quận 11)- một địa chỉ gắn liền với tổ chức Ni bộ Nam Việt ngày trước. Việc thành lập phân ban này đã qui tụ những bậc tôn đức Ni và chư Ni thuộc 24 quận, huyện có điều kiện sinh hoạt tu học, trao đổi Phật pháp và nối kết những hoạt động hoằng pháp, văn hóa, giáo dục, xã hội của họ trên địa bàn thành phố. Đây là một tiền đề giúp cho Ni giới thành phố đoàn kết, tập trung và bày tỏ nguyện vọng của họ, một sự kiện có ý nghĩa và thực sự cần thiết trong sự phát triển của Phật giáo thành phố hiện nay như công tác thọ giới ở những đại giới đàn, tổ chức an cư kiết hạ ở những Ni viện, giúp đỡ Ni sinh từ các tỉnh, thành khác về đây học tập, mở các lớp học và đào tạo giảng sư, thống kê số lượng chư Ni và Ni viện, tăng cường hoạt động từ thiện-xã hội,….

            Ni giới Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực tham gia nhiều hoạt động của cộng đồng Phật giáo thế giới, nhất là Tổ chức Sakyadhita (Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế). Tổ chức này được thành lập tại Bodgaya, Ấn Độ vào năm 1987.  Mục đích của Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế nhằm kết nối nữ giới Phật giáo trên khắp thế giới, đem lại lợi ích cho nữ giới, trao quyền cho họ, giảm bớt sự bất bình đẳng về giới, đánh thức những tiềm năng chưa được khai phá của nữ giới để góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn[10]. Điều này góp phần rất lớn cho Ni giới Phật giáo thành phố hội nhập sâu rộng vào cộng đồng Nữ giới Phật giáo thế giới, học hỏi những thành tựu và mô hình hoạt động hiệu quả ở nhiều lĩnh vực của Ni giới các nước Srilanka, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Indonesia, Thái Lan, lãnh thổ Đài Loan,...Được biết, vào những dịp Hội nghị Sakyadhita quốc tế được tổ chức theo thông lệ 2 năm/lần, Phân ban Ni giới Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh đểu cử đoàn tham gia và phát biểu tại hội nghị. Ni giới Việt Nam đã được cộng đồng Nữ giới Phật giáo thế giới đánh giá rất cao vì những thành tựu đạt được trong lĩnh vực tu học và hoạt động xã hội nhằm nâng cao vị thế của Ni giới, đồng thời còn là sự chủ động và hội nhập tích cực vào tổ chức này. Đặc biệt, năm 2009, Sakyadhita tổ chức hội nghị lần thứ 11 tại Việt Nam. Với hơn 3.000 nữ giới Phật giáo tham dự, đây được xem là hội nghị lớn nhất trong lịch sử Sakyadhita. Tại hội nghị này, hơn 3.000 nữ giới Phật giáo, bao gồm cả nữ tu sĩ và cư sĩ, cùng họp mặt để chia sẻ, học hỏi và trao đổi với nhau. Điều này phản ánh sức hút ngày một lớn của Sakyadhita như một tổ chức và nhiều lợi ích thiết thực mà Sakyadhita mang lại[11]. Hội nghị này được tổ chức tại chùa Phổ Quang (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) và nhận được sự hỗ trợ, tham gia tích cực của chư Ni, Phật tử thành phố để góp phần làm nên thành công rực rỡ, trong đó không thể không nhắc đến vai trò của Ni sư Thích Nữ Như Nguyệt (chùa Huê Lâm). Vị Ni sư này đã được tổ chức Sakyadhita ghi nhận như sau: “ Cô từng là diễn giả đóng góp nhiều bài tham luận đặc sắc cho Hội thảo Quốc tế Sakyadhita từ năm 2000 đến nay. Hội thảo Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ 11  tại Việt Nam đã thành công rực rỡ, được ghi vào trang sử của Sakyadhita. Cô là người đóng góp nhiều công sức vào việc tổ chức sự kiện này[12]. Ngoài ra, nhiều vị danh Ni quốc tế cũng đã nhiều lần đến thăm, giao lưu và trao đổi với Ni giới Việt Nam, trong đó nhiều nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh, như: Giáo sư, Tiến sĩ, Tỳ kheo Ni Karma Lekshe Tsomo (Hoa Kỳ)-sáng lập viên, nguyên chủ tịch Hội Nữ giới Phật giáo thế giới Sakyadhita, Giám đốc Quĩ Jamyang, một sáng kiến nhằm tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho phụ nữ các quốc gia đang phát triển, Tỳ kheo Ni Jetsunma Tenzin Palmo (Ấn Độ)-một nữ hành giả Phật giáo Mật tông nổi tiếng trên thế giới hiện nay,…

            Nhiều ngôi chùa Ni trên địa bàn thành phố là nơi sinh hoạt của các tổ chức Gia đình Phật tử, đạo tràng tu học và thường xuyên tổ chức khóa tu, thọ Bát quan trai, làm lễ hằng thuận cho thanh niên Phật tử, thực hiện các nghi thức Phật giáo truyền thống như phóng sanh, cầu an, cầu siêu,… đã đáp ứng nhu cầu tâm linh cho người dân thành phố cũng như duy trì nếp sống văn hóa dân tộc. Qua đây đã cho thấy rằng những ngôi chùa Ni ở thành phố Hồ Chí Minh là địa điểm sinh hoạt tu học, góp phần lớn vào việc trưởng dưỡng đạo tâm, thấm nhuần giáo lý của đức Phật cho nhiều thế hệ Phật tử, xây dựng lối sống tích cực và lành mạnh, duy trì nền tảng đạo đức xã hội đang rất được cộng đồng rất quan tâm hiện nay. Không thể không nhắc đến các chùa hoạt động sôi nổi trên lĩnh vực này như chùa Diệu Giác (quận 2), chùa Bát Nhã (quận 3), chùa Linh Bửu và Kim Liên (quận 4), chùa Bồ Đề Lan Nhã (quận 6), Tu viện Định Thành (quận 7), chùa Pháp Quang và tịnh thất Pháp Thủy (quận 8), Ni viện Phước Long (quận 9), chùa Huê Lâm (quận 11), Tu viện Quan Âm (quận Thủ Đức), chùa  Kim Sơn (quận Phú Nhuận), chùa Phước Viên (quận Bình Thạnh),…Mặt khác, những hoạt động này còn đem lại sự an lạc, cân bằng cuộc sống hiện tại và buông xả phiền muộn cho một bộ phận người dân thành phố vốn có duyên với nhà Phật. Cho nên, những ngôi chùa này còn là những địa chỉ văn hóa Phật giáo cho nhiều Phật tử trên địa bàn thành phố.

            Nhắc đến nữ giới Phật giáo thành phố hiện nay thì không thể bỏ qua những hoạt động từ thiện xã hội mang lại hiệu quả rất lớn cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố hiện nay và cho thấy tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn của những người con gái đức Phật lúc nào cũng đầy nhiệt huyết vì hạnh phúc của cộng đồng, xã hội. Thống kê kinh phí hoạt động từ thiện xã hội của Phân ban Ni giới thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 là trên 55 tỉ đồng, đi đầu là các quận Bình Thạnh, quận 8, quận 3 và huyện Nhà Bè[13]. Nhiều ngôi chùa Ni đã trở thành những địa chỉ gắn liền với người nghèo, những bệnh nhân khó khăn và những mảnh đời bất hạnh như chùa Vĩnh Xương (quận 3), chùa Vạn Thiện (quận 5),…Không thể không nhắc đến những hoạt động xã hội của Ni giới thành phố đã đi vào chiều sâu qua việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi (chùa Diệu Giác, chùa Pháp Võ,…), chăm sóc người cao tuổi không nơi nương tựa (chùa Lâm Quang) cũng như tham gia vào Dự án “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” - một chương trình hỗ trợ bệnh nhân HIV tạo được những hiệu ứng xã hội rất tích cực thông qua tham vấn, tư vấn điều trị sức khỏe, thực tập thiền,…Trong bài viết Từ bi và dấn thân xã hội: Những mô hình hỗ tương cho Nữ giới Phật giáo Việt Nam, tác giả Thích Nữ Như Nguyệt đánh giá rằng việc dấn thân và đóng góp cho xã hội của Phật giáo đã cho thấy đạo Phật là nhân tố nuôi dưỡng tiềm năng tinh thần của tất cả mọi người và được nữ giới nồng nhiệt hưởng ứng. Dựa vào sức mạnh tinh thần đó, nữ giới đã giúp Phật giáo bám rễ sâu trong đời sống xã hội như một tôn giáo để tu tập hằng ngày. Đây còn được xem là một phương thức trao quyền thông qua sự dấn thân xã hội bằng những cách mà cuối cùng sẽ tạo điều kiện cho họ tiến bước trên con đường tiến tu giải thoát[14]. Những hoạt động vì xã hội đầy ý nghĩa của nữ giới Phật giáo thành phố đã tô đậm thêm lối sống nhân ái, nghĩa tình của cư dân thành phố Hồ Chí Minh trước nay.

            Vai trò hộ pháp của nữ cư sĩ Phật giáo ở thành phố Hồ Chí Minh ngày càng nổi bật, tiếp nối được truyền thống trước đây, góp phần không nhỏ cho sự phát triển Phật giáo ở đô thị lớn nhất nước ta hiện nay. Họ đến từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, từ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà kinh doanh cho đến tiểu thương, nội trợ, người hưu trí,… Nhiều sự kiện quan trọng của Phật giáo thành phố như các đại giới đàn Hành Trụ (2011), Quảng Đức (2013), Trí Đức (2015), xây dựng Việt Nam Quốc Tự, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Lê Minh Xuân,…đều có những bàn tay đóng góp tịnh tài, tịnh vật của họ với tín tâm sâu dày vào Tam bảo. Những hoạt động từ thiện xã hội do các chùa đứng ra tổ chức như Giác Nguyên, Giác Ngộ, Thiền Viện Vạn Hạnh, Ấn Quang, Vĩnh Nghiêm,….đều có mặt của những nữ cư sĩ Phật tử tham gia ủng hộ, không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn ở nước ngoài như Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Nepal,….Điều này góp phần cho thấy tầm vóc quốc tế trong hoạt động từ thiện xã hội cũng như vị thế của Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói  chung. Một số đơn vị hoạt động sôi nổi của Phật giáo thành phố hiện nay là: Đạo tràng Pháp Hoa, Quĩ Đạo Phật Ngày Nay, Hội Từ thiện chùa Giác Nguyên,….đều có sự tham gia và đóng góp của đông đảo nữ Phật tử.

            Nhìn chung, những nổ lực của nữ giáo Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh trong vấn đề hội nhập và phát triển với xã hội và thời đại là thật sự đáng ghi nhận. Những đóng góp to lớn đó đã góp phần vào việc xây dựng Phật giáo thành phố cũng như đời sống văn hóa, xã hội của cư dân nơi đây. Tuy nhiên, theo chúng tôi, điều quan trọng nhất để làm nên những thành quả đó chính là nội lực mạnh mẽ của Ni giới thành phố trên bước đường tu học và giải thoát, họ không ngừng trau dồi kiến thức từ bên ngoài xã hội, dấn thân vào cuộc sống với tinh thần Bi-Trí-Dũng của người con Phật. 

4. Kết luận

            Tóm lại, từ truyền thống đến việc hội nhập và phát triển của nữ giới Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh là một quá trình lịch sử, mang tính kế thừa, luôn vận động cho phù hợp với từng điều kiện khác nhau. Qua đó cho thấy, tinh thần khế lý, khế ly, khế xứ, khế thời của nhà Phật được chư tôn đức Ni vận dụng linh hoạt qua mỗi thời kỳ để làm sao cho nữ giới Phật giáo Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh luôn tinh tấn học Phật để giác ngộ và giải thoát, trau dồi giới đức và đoàn kết phát triển, cùng nỗ lực xây dựng Phật giáo thành phố đạt thành tựu lớn trên nhiều phương diện. 

            Nhiều vấn đề cần cần được phân tích, thảo luận sâu hơn nữa mà chúng tôi đưa ra ở đây cho hướng phát triển cho nữ giới Phật giáo thành phố trong tương lai chính là việc mở rộng cho Ni giới khất sĩ, tu nữ Nam tông Khmer và Kinh cùng tham gia vào Phân ban đặc trách Ni giới thành phố Hồ Chí Minh thì hoạt động Phật sự của phân ban này mới mang tính toàn diện và đa dạng. Cần có thêm nhiều mô hình thiết thực để hỗ trợ Ni giới tu học, sinh hoạt và trang bị kiến thức xã hội để dấn thân phụng sự đạo pháp và dân tộc. Tăng cường giao lưu, học hỏi với cộng đồng nữ giới Phật giới thế giới là một xu thế chủ đạo và không thể bỏ qua, điều này sẽ đem lại nhiều cơ hội và kinh nghiệm tu học, tham khảo nhiều mô hình hoạt động hiệu quả ở các nước có truyền thống Phật giáo cho nữ giới Phật giáo thành phố hiện nay. Nhưng theo chúng tôi, điều quan trọng nhất là trước bối cảnh toàn cầu hóa, sự thay đổi chóng mặt của đời sống kinh tế-xã hội, có nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác Tăng, Ni hiện nay của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, thì việc đề cao giới luật, tuân thủ nếp sống thiền môn, các truyền thống tu tập của tông môn pháp phái, giữ oai nghi đức hạnh, lấy giác ngộ và giải thoát làm mục tiêu cuối cùng vẫn là nền tảng cơ bản cho việc tu học và xu thế phát triển của Ni giới Phật giáo thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay.

                                      TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thích Minh Cảnh (chủ biên) (2005), Từ điển Phật học Huệ Quang (tập V), Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb.Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Ngô Đức Thịnh (chủ biên)  (2010), Bảo tồn, làm giàu & phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Nxb.KHXH, Hà Nội.
  3. Nhiều Tác giả, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định-Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh,  Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Ni giới Hệ phái Khất sĩ (1994), Kỉ yếu Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên, Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Từ bi và công bằng xã hội,  Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Tiến tới giải thoát,  Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Phật giáo giữa đời thường, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn:  Sách Nữ giới Phật giáo Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb.ĐHQG TpHCM, 2016.

           


[1] Thích Minh Cảnh (chủ biên) (2005), Từ điển Phật học Huệ Quang(tập V), Nxb.Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh,  trang 4727.

[2] Tỳ kheo Giác Giới (biên soạn),  Cư sĩ giới pháp. Nguồn: http://hoavouu.com/p16a7025/2-y-nghia-u-ba-tac-va-u-ba-di. Ngày truy cập: 13/1/2016.

[3] Ngô Đức Thịnh (chủ biên)  (2010), Bảo tồn, làm giàu & phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Nxb.KHXH, Hà Nội, trang 21.

[4] Những tư liệu này do Nguyễn Hữu Lộc, cán bộ Bảo tang Lịch sử Việt Nam tại TpHCM cung cấp. Chúng tôi đã xin phép anh cho sử dụng tư liệu nghiên cứu cá nhân vào bài viết này. Nhân đây xin chân thành cám ơn anh Nguyễn Hữu Lộc.

[5] Trương Ngọc  Tường (2002), Nụ cười của tượng Phật chùa Kim Chương. In trong: Nhiều Tác giả, Hội thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định-Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh,  Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 418.

[6] Ni giới Hệ phái Khất sĩ (1994), Kỉ yếu Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên, , Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 15-17.

[7] Trần Hồng Liên, Ni trưởng Như Thanh với sự hình thành và phát triển Ni bộ Nam Việt.  Nguồn: http://vncphathoc.com/bai-nghien-cuu/ni-truong-nhu-thanh-voi-su-hinh-thanh-va-phat-trien-ni-bo-nam-viet/. Ngày truy cập 16/1/2016.

[8] http://giacngo.vn/lichsu/2013/08/01/33D003/. Ngày truy cập 17/1/2015.

[9] Bảo thiên.TpHCM: Đại giới đàn Hành Trụ thành tựu viên mãn. Nguồn: http://giacngo.vn/chude/daigioidanhanhtru2011/2011/11/14/7EF209/. Ngày truy cập 22/1/2016.

[10] Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Từ bi và công bằng xã hội,  Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 9.

[11] Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Tiến tới giải thoát,  Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh,  trang 21.

[12] Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Phật giáo giữa đời thường, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, trang 358.

[13] Phân ban Ni giới Tp.HCM, Báo cáo công tác Phật sự 2015 của Phân ban Ni giới Tp.HCM, trang 4.

[14] Karma Lekshe Tsomo (chủ biên) (2015), Từ bi và công bằng xã hội,  Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, trang 299.