1. Dẫn nhập
Từ lâu, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã trở thành kí ức sâu đậm trong mỗi người Việt Nam: Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu (Ca dao).
Ngôi đình của làng nào đều có nét riêng, mang đậm dấu ấn lịch sử của làng đó. Đó là nơi thờ vị thần bảo hộ cho mỗi làng. Văn hóa làng xã Việt Nam được biểu trưng qua hình ảnh mái đình. Từ thời xa xưa đình có vai trò rất quan trọng đối với cả làng. Đình là nơi đặt trụ sở làm việc (nhà việc) của làng, mỗi khi có chuyện tranh cãi đều tìm đến đình để phân xử hay có việc hệ trọng gì cũng đều tập trung ra đình. Ngày nay, tuy đình không còn chức năng về chính trị nhưng vẫn có vai trò quan trọng: là nơi gởi gắm niềm tin, ước vọng của con người, cầu mong cho cuộc sống sung túc, no đủ hơn.
Trong cuộc sống hàng ngày, ngoài nhu cầu vật chất như ăn, mặc, ở… thì nhu cầu về tinh thần cũng rất cần thiết. Khi gặp vấn đề khó khăn thì con người thường tìm đến thần linh, chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp họ vượt qua. Sau khi khai phá vùng đất Nam Bộ - một vùng đất mới, đầy tiềm năng và khó khăn, nhu cầu tín ngưỡng của con người là rất lớn. Do đó, ở các làng hầu hết đều lập đình thờ một vị thần mà danh xưng chung gọi là Thành hoàng bổn cảnh. Triều đình nhà Nguyễn khuyến khích thành lập đình, thuộc hệ thống tế tự theo quốc điển của nhà nước phong kiến, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Theo Đại Nam thực lục chính biên: “đại đa số sắc thần ở Nam Bộ là sắc phong năm Tự Đức ngũ niên 1853, vua Tự Đức cấp một loạt 13.069 sắc thần cho cả nước” (Quốc sử quán triều Nguyễn, tr.132).
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng có nhiều ngôi đình thiêng liêng, có giá trị tinh thần đối với người dân địa phương, nhưng nổi trội là đình Phú Lễ. Đình Phú Lễ được xếp vào trong danh sách 18 ngôi đình lớn của tỉnh và lớn nhất huyện Ba Tri, “tác giả Văn Đình Hy cho biết, qua khảo sát các xã, Bến Tre có 18 ngội đình lớn, cụ thể ở các huyện như sau: huyện Ba Tri có các đình Phú Lễ, Phú Ngãi, Phước Tuy, Tân Thủy…” (Thạch Phương, Đoàn Tứ (cb), 2002, tr.909). Đình Phú Lễ tọa lạc ở ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, thờ Thành hoàng bổn cảnh và các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn vùng đất này – biến vùng đất hoang vu, hẻo lánh thành làng mạc, ruộng đồng trù phú. Đình được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) trên cơ sở ngôi đình bằng gỗ, lá; được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5 (1851) hiện vẫn còn được bảo quản. Thềm và móng được cấu trúc bằng đá xanh, bên trên xây gạch. Đình gồm tất cả 10 gian: 6 gian chính dính liền với mái và 4 gian phụ bố trí theo lối chữ “Đinh”. Đình chính gồm: nhà võ ca, viên đường, chánh đường và hậu đường. Cột đình bằng gỗ lim, đường kính 40 cm. Tất cả các chi tiết gỗ của đình được kết nối với nhau bởi ngàm, miệng nêm chốt. Các cột, kèo gắn với nhau bằng lỗ mộng và nêm, chứ không đóng đinh hay bắt ốc vít. Đặc biệt, nghệ thuật tạo hình chạm khắc, khảm trên các bao lam, cột, xuyên, đầu kèo, trên các hoành phi câu đối đã thể hiện tài hoa của người xưa. Mái được lợp bằng ngói vảy cá, trên nóc là tượng lưỡng long chầu nguyệt, cùng các đường gờ, đường xoi, mái diềm. Nét đẹp của đình được biểu hiện một phần là do cảnh quan thiên nhiên bên ngoài. Ngoại cảnh thoáng đãng, rộng rãi rất thuận lợi cho việc bà con đến chiêm bái, rước lễ. Khuôn viên của đình khá rộng, trải ra trên khu đất giồng khô ráo, với hàng trăm cây cổ thụ tỏa bóng tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng vừa trang nghiêm vừa thơ mộng. Đình Phú Lễ được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia (quyết định số 43-QĐ/VH) ngày 7-1-1993. Trong chiến tranh, xã Phú Lễ là địa bàn đánh phá ác liệt của địch vì nơi đây có khu căn cứ của huyện đóng trong vùng đầm lầy Lạc Địa. Đình Phú Lễ thường được cách mạng chọn làm nơi mít tinh, họp dân nên địch càng chú ý, bắn phá gây hư hại. Tuy nhiên, sau giải phóng di tích đình Phú Lễ được Nhà nước và nhân dân ra sức trùng tu, giữ gìn; các lễ hội được duy trì và phát huy trong đời sống xã hội đương đại.
2. Mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân trong tổ chức lễ hội
Hàng năm, lễ hội tại đình Phú Lễ diễn ra hai lần: lễ Kỳ yên vào ngày 18 đến ngày 19-3 âm lịch cầu cho phong điều vũ thuận, quốc thái dân an và lễ cầu Bông vào ngày 9 đến ngày 10-11 âm lịch. Trong 2 lễ cúng hàng năm tại đình Phú Lễ thì lễ Kỳ yên là được tổ chức lớn nhất. Nhiều người dân làng Phú Lễ đi làm ăn xa cho biết rằng: nếu tết Nguyên Đán không có dịp về quê thì dịp cúng đình nhất định phải về cúng tạ ơn Thần. Do đó, việc tổ chức lễ Kỳ yên hàng năm tại đình Phú Lễ xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Lễ hội sinh ra để thỏa mãn nhu cầu tâm linh và chính người dân là chủ nhân của lễ hội. Nhận thức được điều này, trong những năm qua dân làng Phú Lễ thường xuyên tổ chức và duy trì lễ Kỳ yên với tinh thần trang trọng, tôn nghiêm, cố gắng giữ gìn nguyên vẹn các nghi thức truyền thống. Hiện nay, đình không còn giữ chức năng là trung tâm chính trị của cả làng như xưa nữa nên rất cần sự giúp đỡ, vào cuộc của Nhà nước. Tuy nhiên, sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước nên ở mức độ vừa phải, đừng quá can thiệp sâu vào lễ hội sẽ làm xáo trộn các nghi thức vốn có của lễ hội. Thời gian qua, chính quyền và nhân dân xã Phú Lễ đã hợp tác rất tốt trong việc tổ chức lễ hội Kỳ yên tại đình thần. Chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm đã có rất lâu, được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng. Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương này bằng Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 09/11/2010 về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức công-tư. Chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm còn được gọi là “xã hội hóa”.
Hiện chưa có định nghĩa chính thức về “nhà nước và nhân dân cùng làm” nhưng được hiểu theo một cách chung là: “nhà nước mong muốn các tổ chức, cá nhân khu vực nằm ngoài hệ thống cơ quan nhà nước thay thế hoặc hợp tác với khu vực nhà nước để tham gia vào một số hoạt động/dịch vụ của nhà nước” (Nguyễn Quang Hưng, 2010). Tuy nhiên, khái niệm xã hội hóa còn được vận dụng trong các trường hợp: nhà nước kêu gọi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility) trong các công việc của nhà nước. Trong khi, socialization (nghĩa là xã hội hóa) của nhiều quốc gia khác là một khái niệm về tâm lý học nhằm nói đến “diễn biến tâm lý của một cá nhân hòa nhập vào đời sống xã hội” (Nguyễn Quang Hưng, 2010).
Tuy có rất nhiều định nghĩa khác nhau về xã hội hóa nhưng thực tế khi nói đến vấn đề nhà nước và nhân dân cùng làm thì mọi người đều hiểu, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tập hợp các nguồn lực có trong nhân dân. Chính quyền và nhân dân xã Phú Lễ cùng phối hợp tổ chức lễ Kỳ yên hàng năm là việc làm hợp chủ trương, thuận lòng dân. Trước khi tổ chức lễ, cán bộ chủ chốt của xã có cuộc họp với Ban Khánh tiết đình thần Phú Lễ để bàn bạc, phân công rõ ràng. Ban Khánh tiết sẽ phát hành thư mời các đại biểu, ban khánh tiết đình các xã khác và nhân dân đến dự lễ. Trên cơ sở danh sách do Ban Khánh tiết đề xuất, Ủy ban nhân dân (UBND) xã xem xét và bổ sung thêm (có thể là các cơ quan ban, ngành huyện; các tổ chức, doanh nghiệp có mối quan hệ với xã). Nguồn kinh phí do Ban Khánh tiết tự thu, tự chi, tự chịu trách nhiệm nhưng chủ yếu lấy từ tiền do nhân dân cúng hàng năm. Do nguồn quỹ thu vào rất lớn nên sau mỗi lần tổ chức lễ hội, chính quyền xã cùng Ban Khánh tiết thường xuyên kiểm tra, giám sát, hạch toán, công khai rõ ràng. Từ đó, sẽ cân đối thu chi đảm bảo chi phí hoạt động trong năm và quyết định quy mô tổ chức lễ hội trong năm tiếp theo. Bên cạnh đó, chính quyền xã tích cực quan hệ với các công ty, đặc biệt là công ty cổ phần rượu Phú Lễ để đóng góp cho lễ hội. Trong những năm qua, công ty rượu Phú Lễ là đơn vị tài trợ một phần rượu để dâng cúng thần. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác còn tài trợ các băng rôn tuyên truyền về giá trị của đình và lễ hội Kỳ yên. Đình Phú Lễ là di tích lịch sử cấp quốc gia nên khi tổ chức lễ Kỳ yên thường quy mô hơn các đình khác. Vì vậy, UBND xã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện trang trí không gian xung quanh đình rực rỡ và trang trọng.
Vào ngày 17/3 âm lịch, cán bộ chủ chốt và Ban Khánh tiết tề tựu tại đình để tiến hành công tác chuẩn bị. Ban Khánh tiết chịu trách nhiệm trang trí ban thờ, chuẩn bị các vật phẩm dâng cúng và thức ăn để đãi khách. Chính quyền tổ chức phần hội cho nhân dân vui chơi như: các môn thể thao dân tộc (đẩy gậy, kéo co, đập niêu), thi đấu cờ tướng, bóng đá, bóng chuyền… Trong những ngày diễn ra lễ Kỳ yên, cả hệ thống chính trị xã được huy động cùng với nhân dân tham gia tổ chức lễ hội. Các cán bộ chủ chốt như Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND và 100% cấp ủy viên phải thường trực tại đình để cùng với Ban Khánh tiết tiếp đón khách về tham dự lễ. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã lãnh đạo các đoàn thể làm nồng cốt cùng nhân dân phục vụ hậu cần. Hội Phụ nữ phụ trách phần nấu ăn; Đoàn Thanh niên chuẩn bị nước uống; Hội Nông dân tham gia đãi ăn; Công an, Xã đội, Hội Cựu chiến binh bảo vệ, giữ gìn trật tự tại lễ. Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận nên lượng khách đến tham dự trên 1000 người nhưng vẫn phục vụ trôi chảy, suôn sẻ.
Ngoài ra, chính quyền xã còn vận động, tập hợp những con của quê hương xã Phú Lễ đang sinh sống và làm việc trong và ngoài huyện tham gia tiếp khách. Do lễ Kỳ yên quy tụ số người tham dự rất lớn nên công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Tất cả thức ăn, nước uống sau khi nấu xong được cán bộ y tế xã lấy mẫu gửi về Trung tâm Y tế dự phòng huyện để xét nghiệm. Về phần lễ, tất cả đều do Ban Khánh tiết điều hành và thực hiện; chính quyền không can thiệp. Điều này giúp bảo tồn nguyên vẹn tính dân gian và tính thiêng liêng của lễ hội. Giữa chính quyền và nhân dân có sự tin tưởng lẫn nhau; người dân cam kết thực hiện đúng các nghi lễ cổ truyền và Nhà nước tạo điều kiện, giữ vai trò giám sát. Hiện nay, trên cả nước có một số lễ hội đang bị “Nhà nước hóa”, chính quyền địa phương can thiệp quá sâu vào lễ hội. Trong một số lễ hội còn diễn ra những màn tuyên truyền không phù hợp. Văn tế được viết như một bài báo cáo thành tích. Việc chính quyền xã Phú Lễ huy động được tất cả các nguồn lực tham gia tổ chức lễ Kỳ yên là việc làm đúng đắn, điểm sáng trong công tác tổ chức lễ hội.
Sau khi lễ hội kết thúc, chính quyền và Ban Khánh tiết có cuộc họp rút kinh nghiệm và công khai tài chính. Trong cuộc họp rút kinh nghiệm việc tổ chức lễ Kỳ yên, Ban Tổ chức đã nêu ra một số hạn chế cần phải khắc phục. Đó là tình trạng chèo kéo, ép buộc khách mua vé số; người ăn xin vẫn còn đông; buôn bán vứt rác bừa bãi; khuôn viên đình bị các trò chơi như ngựa quay, xe điện, câu cá lấn chiếm. Những hạn chế này xuất phát từ thực tế khách quan, cúng đình cũng là dịp để một bộ phận người nghèo làm ăn, cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ từng bước giải quyết hết những vấn nạn trên, không để làm ảnh hưởng, mất vẻ mỹ quan của lễ hội.
3. Kết luận
Hơn 40 năm kể từ khi giải phóng, Nhà nước đã rất chú trọng thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa. Đó là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong những năm qua nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhờ vậy mà các giá trị văn hóa truyền thống bị mai một trong chiến tranh dần được khôi phục. Đặc biệt, là các lễ hội dân gian có cơ hội phục dựng. Vận dụng chủ trương một cách đúng đắn và xuất phát từ thực tiễn sinh động ở cơ sở đã cho ra đời nhiều cách làm hay nhất là việc xã hội hóa hoạt động văn hóa. Lễ hội Kỳ yên tại đình Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là một trường hợp điển hình trong việc thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa. Đây là mô hình hay cần tiếp tục duy trì và nhân rộng trong thời gian tới để mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân ngày càng bền chặt. Trong quá trình thực hiện, có nhiều bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra nhằm hoàn thiện hơn.
Có thể nói rằng, sự phối hợp nhịp nhàng, sự đồng lòng hợp sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân xã Phú Lễ chính là nhân tố quyết định làm nên sự thành công của lễ hội trong những năm qua. Người dân tham gia với tinh thần tự nguyện, vì công việc chung của làng và Nhà nước sẵn sàng tạo điều cho người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa lành mạnh. Lễ hội Kỳ yên tại đình Phú Lễ thực sự là ngày hội lớn của nhân dân, là dịp phát huy, tôn vinh những giá trị văn hóa, những đức tính tốt đẹp của người dân xã Phú Lễ. Tóm lại, lễ hội Kỳ yên được sinh ra để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người. Và cộng đồng ở đây (bao gồm những người có chức trách xã hội đến những người dân bình thường của địa phương) đều có trách nhiệm bảo tồn, phát huy. Có như vậy, ngôi đình và lễ hội gắn liền với nó sẽ là những giá trị truyền thống được giữ gìn và vun đắp bởi những chủ thể biết trân trọng di sản văn hóa quê hương. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập XXVII, (2007), Bản dịch, Nxb Khoa học Xã hội.
2. Thạch Phương, Đoàn Tứ (cb), (2002), Địa chí Bến Tre, Nxb Khoa học Xã hội.
3. Nguyễn Quang Hưng (2010), Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Tạp chí Dân chủ Pháp luật, số chuyên đề Xây dựng Luật phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật.
Nguồn: Tạp chí KH Văn hóa và Du lịch, Vol.7, số 4 (84), tháng 7.2016