Một đơn vị phát hành sách sách sau khi bị tố vi phạm bản quyền cuốn "Hải ngoại kỷ sự" nổi tiếng bước đầu đã xin lỗi bên giữ bản quyền và hứa sẽ thương lượng trong việc bồi thường tác quyền, bản quyền cuốn sách.
Tối 5.1, trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học (ĐH) Huế cho biết ông vừa chỉ đạo cơ quan hữu trách của ĐH Huế kiểm tra, rà soát, tham mưu giải pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm tác quyền, quyền sở hữu trí tuệ đối với cuốn sách Hải ngoại kỷ sự do Viện Đại học Huế ấn hành năm1963.
Cuốn sách “Hải ngại kỷ sự” của Alpabooks in, phát hành mới (trái) và bản gốc năm 1963 của Viện Đại học Huế - Ảnh: Trần Đình Hằng
Bản do NXB Đại học Sư phạm Hà Nội ấn hành năm 2016 - Ảnh: Nguyễn Tuấn Bình
Trước mắt, đơn vị chuyên trách của ĐH Huế sẽ tham mưu cho lãnh đạo ĐH Huế thực hiện việc phản hồi, có ý kiến chính thức đối với Công ty cổ phần Sách Alpha (Alpha Books Joint-Stock Company – gọi tắt là Alpha Books, Hà Nội) khi doanh nghiệp này tự lấy nội dung in và phát hành cuốn sách Hải ngoại kỷ sự mà không hề có sự đồng ý hay thông qua với ĐH Huế. Cùng với Alphabooks, ĐH Huế cũng sẽ xem xét có hay không vấn đề vi phạm bản quyền, tác quyền đối với NXB Đại học Sư phạm Hà Nội khi đơn vị này ấn hành cuốn sách vào năm 2016, từ đó có ý kiến chính thức.
Động thái nói trên diễn ra sau khi những thông tin về việc vi phạm tác quyền của Alphabooks về cuốn sách này đối với ĐH Huế đăng trên tài khoản mạng xã hội Facebook của một độc giả, đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử không liên quan đến ĐH Huế - ông Trần Đình Hằng (tiến sĩ, Phân viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế).
Sau khi đăng ý kiến ngắn gọn, cùng hình ảnh về cuốn sách, một tài khoản mạng xã hội cá nhân có tên là “Cao Nhat” tự xưng là Cao Xuân Nhật, người của Alphabooks đã đăng số điện thoại, email cá nhân kèm lời xin lỗi chân thành đến ông Hằng, độc giả và các bên liên quan trên Facebook của ông Hằng, cũng như gọi điện trực tiếp đến ông Hằng thừa nhận sự sai sót này.
Người này cũng hứa rằng Alpha Books sẽ tiến hành các thủ tục liên quan đến việc bồi thường về bản quyền với các bên liên quan vì sai sót này gây ra cũng như dừng lại việc kinh doanh cuốn sách này trên toàn bộ hệ thống cho đến khi đạt được một thỏa thuận mới về bản quyền (nếu có).
Bản sách do Alphabooks in, phát hành được giới thiệu, niêm yết giá bản trên website của doanh nghiệp này (Ảnh chụp lại màn hình)
Về phía ĐH Huế, PGS-TS Nguyễn Quang Linh cho biết phía đại diện của Alphabooks cũng đã liên lạc với ông qua điện thoại và đã có lời xin lỗi bước đầu về sự sai trái này; ông Linh ghi nhận động thái này, tuy nhiên sắp tới ĐH Huế sẽ yêu cầu phía công ty này có lời xin lỗi chính thức cũng như xem xét đến khả năng bồi thường tiền tác quyền và những thủ tục liên quan khác.
Hải ngoại kỷ sự là cuốn sách vốn do tác giả - nhà sư người Trung Hoa Thích Đại Sán (1633 - 1705) ghi chép một cách trung thực những điều “mắt thấy tai nghe” trong những lần sang Việt Nam, đặc biệt là vùng đất Phú Xuân theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu.
Ngoài các nội dung bao quát các vấn đề về văn hóa, Phật giáo, cuốn sách có đề cập đến các nội dung liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nhất là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do vậy cuốn sách càng quý giá, nhất là với các học giả, nhà nghiên cứu.
Năm 1963 Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, thuộc Viện ĐH Huế đã quyết định phiên dịch (Hán ngữ sang Việt ngữ), ấn hành (do nhà Hán học Nguyễn Duy Bột (hiệu Hải Tiên) và sử gia Nguyễn Phương thực hiện). Sau hơn nửa thế kỷ, gần đây cuốn sách này được tái bản, bán ra thị trường bởi Công ty cổ phần Sách Alpha ấn hành và NXB Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã xuất bản cuốn sách này năm 2016.
Rất nhiều bản Hải ngoại kỷ sự được ấn hành, bán ra thị trường hiện đang được phía Alphabook cho dừng lưu hành vì sai trái về bản quyền - Ảnh: Trần Hải
TS Trần Đình Hằng cho rằng trong hai đơn vị phát hành sách này thì Alphabooks có vẻ vi phạm tác quyền, bản quyền “trắng trợn” hơn khi gần như sao chép y nguyên bản của Viện ĐH Huế phiên dịch, ấn hành năm 1963. Còn bản sách do NXB Đại học Sư phạm Hà Nội in, phát hành với phần bổ sung nguyên bản chữ Hán (được lưu tàng tại Đông Dương văn khố), có thêm hiệu chú và hiệu chỉnh bản in năm 1963; bản sách này chịu trách nhiệm xuất bản là TS Nguyễn Bá Cường; chịu trách nhiệm nội dung là GS-TS Đỗ Việt Hùng; hiệu chú và giới thiệu là TS Nguyễn Thanh Tùng, sách dày 496 trang, khổ 17 x 24cm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc NXB Đại học Sư phạm Hà Nội đã có thông qua ĐH Huế trước khi thực hiện in, phát hành cuốn sách hay chưa và liệu có vi phạm bản quyền hay không, PGS-TS Nguyễn Quang Linh cho hay ông cũng đang yêu cầu đơn vị chuyên trách kiểm tra lại để có ứng xử và quan điểm nhất quán vấn đề này.
Được biết Alphabooks là doanh nghiệp do một nhóm trí thức trẻ thành lập ở Hà Nội năm 2005. Cuốn sách Hải ngoại kỷ sự do người có tên Dương Phong chịu trách nhiệm triển khai và biên tập; người duyệt bản thảo là Vũ Thái Hà. Cuốn sách này được Alphabooks in, phát hành với giá bán niêm yết trên website là 87.200đ.
“Tôi nghĩ sắp tới ĐH Huế với tư cách là bên nắm bản quyền cuốn sách Hải ngoại kỷ sự sẽ có ý kiến và yêu cầu chính thức đối với Alphabooks. Tôi chỉ là một độc giả, tuy nhiên tôi cho rằng đây là phép thử về thái độ ứng xử đối với những người làm sách. Đã là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa thì cần có những ứng xử văn hóa”. TS Trần Đình Hằng |
Bài, ảnh: Nhật Lam