Những người tự do của xứ sở…

In bài này

20180118 Nguoi tu do A1

Cuối năm 2017, chủ một tiệm sách cũ ở trung tâm Sài Gòn chuyển đến tôi ấn phẩm đặc biệt: bộ tranh Người Cao Nguyên vùng Đà Lạt của họa sĩ Bui Van Duong, ấn hành tại Đà Lạt vào năm 1955. Đây là một bộ tài liệu ghi chép hình ảnh dân tộc học quý giá ở vào một giai đoạn khá thú vị trong lịch sử cộng đồng dân tộc thiểu số cao nguyên Lang Biang.

Bộ tranh có lớp giấy bìa áo dày, qua thời gian đã rách, gãy tả tơi nhiều miếng. Trên bìa chính, ngoài tựa chữ đỏ Người Cao Nguyên vùng Dalat nét khá mềm mại, nền nã, tựa như manchette một tờ báo, thì có hình vẽ một góc thác Cam Ly in bốn màu bên cạnh dòng chữ Hán viết sổ dọc: “Cao nguyên sơn khu dân tộc”, tạm dịch nghĩa: “Dân tộc miền núi cao nguyên” và bài thơ thất ngôn tứ tuyệt theo lối vịnh cảnh: “Cơn nhàn đi viếng thác Cam-Ly/ Bốn phía rừng cây, cảnh rậm-rì/ Giòng nước thao-thao chồm ép đá/ Đá ngồi vững chật, nước tuôi đi.”

Bên dưới đề tên tác giả “Tranh vẽ, bản đồng, bản kẽm Bui Van Duong, Dalat”.

Ở góc trên, cánh trái của trang in lời giới thiệu, có thủ bút đề tặng: “Kính tặng cụ Phó giám đốc Nha Địa dư Dalat” của tác giả bộ tranh, ghi ngày 27.12.1955.

Bộ tranh có 26 bức in trên giấy rời, mỗi bức in trên một trang. Điều này khiến người tiếp cận bộ tranh hôm nay có quyền nghi ngờ rằng, số tranh trong tập của ấn bản gốc có thể nhiều hơn số hiện hữu. Nội dung lời nói đầu (nguyên văn) của tác giả Bui Van Duong:

“Chúng tôi vẽ tranh trong quyển này, cốt yếu ghi nhớ những thành tích của Bộ lạc tự do thiểu-số của xứ sở; hiểu cho Quý bạn cơ nhàn để thưởng thức thẩm-mỹ hình dạng của người Cao-nguyên.

Những tranh này chúng tôi thuê những người ở vùng Blao, Dran, Djiring, Fyan, làm mẫu, vẽ một cách khảo sát hiện tại rất châu đáo; về lối diện mạo y phục, dáng điệu cử chỉ, vui, buồn, v.v.

Vẽ mẫu rồi, chính tay chúng tôi tự vẽ sang qua làm bản kẽm in ra; qua cái bìa, cũng tự tay chúng tôi khắc bản đồng, in ra hai ba màu, rất dày công phu.

Mặc dầu rất dày công và các tổn phí phức-tạp đắt-đỏ, xong chúng tôi cố gắng để phụng-sự nghệ-thuật cho nước nhà.

Xong rồi, chúng tôi thiết-tưởng, người thì phải có tâm hồn, có hình bóng, tranh thì phải có lời mới có linh-hoạt đặng, vậy muốn cho vui, chúng tôi không thẹn lời thô, dụng lời nói bắt-vần mà trình bày theo sát-ý, với những tranh trong quyển này.”

Thời gian bộ tranh được sáng tác, ấn hành đúng vào một khoảng chuyển giao khá quan trọng trong lịch sử chính trị xã hội tại Đà Lạt nói riêng, những vùng cao nguyên lân cận nói chung. Và khoảng chuyển giao này có ảnh hưởng đến đời sống, tâm thế đối tượng mà bộ tranh phản ánh – người dân tộc bản địa – đồng thời cũng ít nhiều cho thấy cái nhìn, nỗ lực của nghệ sĩ địa phương trong việc “hiểu” những cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa.



Đây là quãng thời gian chuyển tiếp từ thời Hoàng Triều Cương Thổ (tiếng Pháp: Domaine de la Couronne, kéo dài từ 15-4-1950 đến 11-3-1955, lấy Đà Lạt làm thủ phủ) với sự trở lại chính trường Việt Nam rất ngắn ngủi trong vai trò Quốc trưởng của vua Bảo Đại nối sang thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Có thể nói, những chính sách trong thời Hoàng Triều Cương Thổ mà Quốc trưởng Bảo Đại dành cho các sắc tộc cao nguyên trong vùng địa giới của Hoàng Triều gồm xứ Thượng miền Nam, đặc biệt ở vùng ven Đà Lạt, nơi được xem là thủ phủ của cương vực Hoàng Triều là một giải pháp nỗ lực chính trị nhằm khôi phục tính biểu tượng quốc gia ở một khoanh vùng cương vực cuối cùng của Bảo Đại – khi ngôi hoàng đế cũng chỉ còn giá trị biểu tượng chứ không còn chút thực lực nào trên quê hương mình, thì sẽ hiểu chính sách tiếp theo “nâng niu” những thần dân còn lại của vị vua này qua việc bãi bỏ lệ lao động cưỡng bách dưới mọi hình thức tại vùng xứ Thượng Nam Đông Dương. Các hình thức lao động áp đặt trước đó từ chính quyền thuộc địa (bao gồm lao động không trả công, lao dịch, công sưu thấp…) được bãi bỏ trong quyết định ký ngày 31.12.1951. Hai năm sau đó, những người dân bản địa bấy lâu làm việc dưới hình thức không thù lao được thay bằng các “hợp đồng nhóm”1.

Một mặt, những chính sách này vừa ngăn cản bước tiến của Việt Minh, vừa là sự vùng vẫy yếu ớt của tinh thần độc lập quốc gia trước sự áp đặt quyền lực của người Pháp và cả sức ép của các phe phái ở Nam Kỳ. Những chính sách này đã bị người Pháp phê phán là cấp tiến một cách vội vàng với dân tộc thiểu số bản địa, sau đó lại bị “chồng chéo” bởi một chính sách khác từ chính văn phòng quốc trưởng, liên quan đến vấn đề đất đai. Trong một nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Huy về Quan hệ giữa quỹ đất và và quyền lực tại Việt Nam gần đây, có đề cập về sự tự diễn biến và gây ra “xung đột” này: “Để hạn chế thế lực của người Pháp, Bảo Đại ban hành Chương trình phát triển kinh tế Xứ Thượng miền Nam, do Nguyễn Đệ2 soạn thảo, ngày 11-2-1952, theo đó người Kinh được quyền lên cao nguyên làm việc trong các đồn điền và khai phá đất đai canh tác nông nghiệp. Ngân sách do Chương trình kỹ thuật và kinh tế đặc biệt của Mỹ đài thọ, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Herman Marshall. Bị nhiều nhân sĩ Thượng phản đối, năm 1953 Nguyễn Đệ đổi thành Chương trình Công tác Xã hội, nhằm giúp 500.000 người Thượng và 30.000 người Kinh di cư canh tác an toàn hơn trong những trung tâm định cư cố định, với tên gọi mới là “khu trù mật”.

Trong cuộc thế chính trị khá phức tạp, nhóm dân tộc Lạch, Kơ Ho vùng Lang Biang bước ra khỏi những đồn điền và trở thành mối quan tâm, cân nhắc đặc biệt trong chính sách của chính quyền Quốc trưởng cũng như những thế lực chính trị trước và sau 1954. Người Kinh mới nhập cư và người bản địa từ chỗ có nguy cơ dẫn đến những xung đột đã đi đến những kết nối văn hóa sâu sắc hơn. Cũng dễ hiểu, khi những cư dân Đà Lạt – thành phố được xây dựng từ những người nhập cư – luôn mang trong tâm khảm một nhu cầu được hiểu “châu đáo” về những người anh em bản địa, những “bộ lạc tự do thiểu-số của xứ sở”, hiểu “về lối diện mạo y phục, dáng điệu cử chỉ, vui, buồn” của họ – như lời đề dẫn đầy trân trọng của họa sĩ Bui Van Duong ngay trang đầu ấn phẩm.



Một bối cảnh khác thiết nghĩ cũng cần nhắc đến, đó chính là từ thập niên 1920, cùng với chính sách thuộc địa, những nhà truyền giáo đã đặt chân đến Djiring. Dù nhìn ở khía cạnh nào, thì cũng phải thừa nhận rằng những linh mục người Pháp đã đem đạo Công giáo đến với cộng đồng dân tộc bản địa và ít nhiều làm thay đổi khung cảnh, cơ cấu sinh hoạt, văn hóa của một vùng cư dân.

Thế nên, từ bối cảnh chính trị, văn hóa, tôn giáo như đã nêu trên, bộ tranh vẽ bằng chất liệu than chì, sau đó, in bản đồng, kẽm của họa sĩ Bui Van Duong là một tài liệu quý giá về người Tây Nguyên ở khía cạnh nhân học. Ở bộ tranh này, người xem có thể thấy sinh hoạt đời sống của người dân tộc ở Djiring, Dran, Fyan khá cụ thể cả chiều kích bản sắc lẫn tiếp biến văn hóa. Ví dụ: thói quen ăn bốc vẫn còn, cách ngồi xổm uống rượu cần (quả rất khác với cách mà chúng ta vẫn thấy ở những làng dân tộc bị du lịch hóa hôm nay dưới chân núi Lang Biang); trang sức, trang phục đặc thù (tuy nhiên, nếu chú ý có thể thấy trang phục cổ truyền đã được thay thế dần bằng đồ “tây” đặc biệt ở đám trẻ con); sự gắn kết với thiên nhiên, rừng rú, thác, suối hoang dã vẫn còn lưu giữ bên cạnh đó; hoạt động, công cụ săn bắn cho đến trình tấu âm nhạc bằng nhạc cụ dân gian; sự xuất hiện của không gian đô thị với bảng hiệu, đường phố… khá chi tiết, sống động (có bức họa sĩ còn ghi chép được tên bảng hiệu Vinh Hoa) ở hậu cảnh một nhóm người bản địa lang thang, ngơ ngác giữa phố phường… Về những đặc thù nhân diện, cơ thể và cả văn hóa phóng khoáng hài hòa với tự nhiên được thể hiện rất rõ qua cách vẽ những người đàn ông đóng khố, những người phụ nữ quấn xà-rông với khuôn ngực trần trong các ngôi làng hay tự do rong chơi giữa đại ngàn.

Bộ tranh cũng toát lên thần thái, đặc trưng nhân trắc của người Mạ, Kơ Ho bản địa cách đây hơn nửa thế kỷ, có thể bên cạnh hướng tới giúp người nay “thưởng thức thẩm-mỹ hình dạng của người Cao-nguyên”, còn có thể là một tài liệu đối chiếu để làm rõ về sự thay đổi nhân trắc đặt trong sự biến đổi môi trường sống của cộng đồng này hôm nay.

Bộ tranh công phu, lẽ ra người viết sẽ phải truy tầm cho được về lai lịch của tác giả. Tuy nhiên, sách vở tra cứu về lịch sử văn hóa Đà Lạt giai đoạn này không thực sự đầy đủ, các kho sách tài liệu chưa thực sự cởi mở. Hiện chỉ có thể tìm thấy trong chương III của Địa chí Đà Lạt3  đoạn nói về Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thì có một dữ liệu có thể kết nối và đặt một giả thiết về tác giả bộ tranh, như sau: “Tranh chạm bút lửa ở Đà Lạt xuất hiện từ những năm 1950. Người đầu tiên phát hiện ra nghệ thuật chạm bút lửa là ông Bùi Văn Dưỡng, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris.”

Về thời gian ông Bùi Văn Dưỡng tạo ra nghệ thuật chạm tranh bút lửa tại Đà Lạt là thập niên 1950, trùng khớp với thời gian bộ tranh quý về người Cao nguyên Đà Lạt của “Bui Van Duong” sáng tác. Rất có thể chính họa sĩ Bùi Văn Dưỡng chính là tác giả bộ tranh Người Cao Nguyên vùng Đà Lạt nêu trên.

Hành trình tìm kiếm, xác định lai lịch tác giả và bộ tranh, với người viết bài này, còn dài phía trước.

Trân trọng giới thiệu với độc giả một số bức tranh trong số 26 bức mà tôi được may mắn tiếp cận trong bộ tranh trên.
------------
Chú thích:
1 Eric T. Jennings, sđd.
2 Ông Nguyễn Đệ giữ chức Đổng lý Văn phòng Quốc trưởng.
3 Nguồn: http://w3.lamdong.gov.vn

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 12.01.2018.