Nhìn lại ảnh hưởng của một số tư tưởng phương Tây đối với Lỗ Tấn

In bài này

I.ĐẶT VẤN ĐỀ.
Lỗ Tấn là nhà văn tiêu biểu của văn học hiện đại Trung Quốc, có lẽ là tiêu biểu nhất. Một số độc giả ngày nay có ấn tượng không tốt về ông là do những “trầm luân” chính trị mà ông phải gánh chịu trong Cách mạng văn hóa (1966) hay xa hơn, là qua những phát biểu của Mao Trạch Đông về Lỗ Tấn “ Lỗ Tấn là chủ tướng của cách mạng văn hóa (Ngũ Tứ- NV), “là nhà tư tưởng và nhà cách mạng lớn nhất”, “là người cứu rỗi nước Trung Hoa mới”… Chúng ta có thể không đồng ý với những nhận định trên, nhưng nghiêm túc mà nói, lời Mao Trạch Đông nhận xét: “Lỗ Tấn là nhà văn vĩ đại” thì là đúng. Ở Trung Quốc, từ sau ông trở đi, còn ai là nhà văn vĩ đại hơn?

    Vấn đề tư tưởng nghệ thuật của Lỗ Tấn chịu ảnh hưởng của những cơ sở triết học nào, qua nhiều công trình nghiên cứu ở Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy đều có những điểm gần tương đồng. Đặc biệt là khi lý giải những ảnh hưởng của một số tư tưởng triết học phương Tây đối với tư tưởng văn nghệ của Lỗ Tấn. Xin điểm qua một số công trình tiêu biểu ở Trung Quốc và Việt Nam để chúng ta có một bức tranh toàn cục.
I.1. Trung Quốc.
    Công trình nghiên cứu về tư tưởng Lỗ Tấn được xem là sớm nhất và có ảnh hưởng khá rõ đến các nhà nghiên cứu sau này, nhất là các nhà Lỗ Tấn học theo trường phái Marxist là bài viết làm lời tựa Tuyển tập tạp cảm Lỗ Tấn của Cù Thu Bạch in năm 1933 cho rằng: tư tưởng Lỗ Tấn đi từ chủ nghĩa cá tính đến chủ nghĩa tập thể, từ tiến hóa luận đến giai cấp luận.
    Ý nghĩa quan trọng của nhận định này là Cù Thu Bạch xem tư tưởng của Lỗ Tấn là một quá trình phát triển chứ không phải là tư tưởng tĩnh lặng cứng nhắc. Nhưng có lẽ cũng nên thấy nhược điểm của đánh giá này ở chỗ nó chưa chuẩn xác và chặt chẽ. Theo nhà Lỗ Tấn học Vương Phú Nhân “ chủ nghĩa cá tính là vấn đề tư tưởng, chủ nghĩa tập thể thuộc về hành vi, hai khái niệm này không cùng phạm trù …Tiến hóa luận và giai cấp luận cũng không hẳn là hai khái niệm cùng phạm trù. Tiến hóa luận là nói theo chiều dọc của quá trình phát triển xã hội, còn giai cấp luận thì bắt đầu từ mặt cắt ngang của kết cấu xã hội…”(1). Hơn nữa trong lời tựa tập tạp văn Tam nhàn, Lỗ Tấn cũng đã nói rằng: chủ nghĩa Marx đã uốn nắn cái thiên lệch chỉ tin vào tiến hóa luận, chứ ông không hề noí hoàn toàn phủ định tiến hóa luận. Thực ra phải thấy tư tưởng của Lỗ Tấn dù trước hay sau vẫn có một đặc điểm, đó là “không có điểm dừng”( sẽ đề cập đến ý tưởng này ở chương sau rõ hơn)
Dù có nhược điểm, bài viết của Cù Thu Bạch vẫn xứng đáng là một tác phẩm mang ý nghĩa vạch mốc trong lịch sử nghiên cứu tư tưởng Lỗ Tấn, bằng chứng là cho đến nay vẫn được đa số những nhà nghiên cứu xem là kết luận kinh điển để trích đi dẫn lại khi noí về tư tưởng nghệ thuật Lỗ Tấn.
    Lý Trường Chi trong Phê bình Lỗ Tấn có nhấn mạnh rằng một số học thuyết tư tưởng hình thành trong quá trình phát triển sinh vật học ở phương Tây đã ảnh hưởng sâu sắc đến Lỗ Tấn, Lỗ Tấn là nhà nhân đạo chủ nghĩa ở chỗ vừa nhìn con người ở góc độ sinh học vừa chú trọng ở ý nghĩa văn hóa học, ông có nhắc đến ảnh hưởng của Nietszche và Byron đến Lỗ Tấn thời kỳ đầu.
    Sau 1949, việc nghiên cứu Lỗ Tấn được đẩy mạnh, có thể điểm qua một số nhà Lỗ Tấn học quan trọng là Phùng Tuyết Phong, Lý Hà Lâm, Trần Dũng… đại biểu là Phùng Tuyết Phong. Nền tảng nghiên cứu của nhóm Marxist thực tế này tuân theo bộ khung lịch sử phân chia tư tưởng Lỗ Tấn ra hai thời kỳ khác nhau mà Cù Thu Bạch đưa ra vào thập niên 30, bồi đắp thêm bộ khung này và làm cho nó trở thành hệ thống nghiên cứu Lỗ Tấn hoàn chỉnh trong một thời kỳ khá dài từ 1949 đến “Đại cách mạng văn hóa”. Ưu điểm của hệ thống này là nối kết một cách thống nhất và liên tục cuộc cách mạng tư tưởng Ngũ Tứ và cuộc đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc phát triển sau này. Họ đưa toàn bộ sáng tác tư tưởng Lỗ Tấn thời kỳ trước vào lựa chọn chính trị của ông thời kỳ sau (tức là mặc nhiên cho rằng tư tưởng của Lỗ Tấn thời kỳ đầu là bước đệm cho thời kỳ sau chứ không phải là tư tưởng độc lập). Nhược điểm của hệ thống này là tính khép kín về lý luận, mang tính chất tổng kết chứ không mang tính tìm tòi, tiêu chuẩn của nó là một giai đoạn văn học đã qua, vô hình trung đã phong tỏa ý nghĩa của tác phẩm Lỗ Tấn, xã hội Trung Quốc sau 1949 đã khác thời Lỗ Tấn, nên tác phẩm của Lỗ Tấn chỉ có ý nghĩa lịch sử, không phù hợp với hiện thực, ví dụ như Phùng Tuyết Phong tuyên bố căn bệnh “AQ” không còn ở người Trung Quốc nữa là một minh chứng hùng hồn cho tính khép kín trong nghiên cứu Lỗ Tấn và tác phẩm của ông. Từ đó, việc nghiên cứu Lỗ Tấn gần như bi đóng khung trong hệ thống này, không có bước khai phá.
    Sau “Đại cách mạng văn hóa”, việc nghiên cứu về tư tưởng Lỗ Tấn có thay đổi, giờ đây, khi bắt đầu tìm tòi giá trị tồn tại của chính mình trong nước Trung Quốc hiện đại, các trí thức Trung Quốc phát hiện sự tồn tại độc lập của mình thông qua sự tồn tại của Lỗ Tấn với tư cách môt trí thức hiện đại của Trung Quốc. Lỗ Tấn xuất hiện trước mắt họ như một trí thức đã phát huy tác dụng lớn lao trong lịch sử hiện đại Trung Quốc chứ không phải chỉ là một trí thức cánh tả từng ủng hộ Đảng Cộng sản. Gắn Lỗ Tấn với sự phát triển của Trung Quốc hiện đại, họ thấy rằng, nhiệm vụ thiêng liêng của trí thức đâu phải chỉ là phục tùng, củng cố chính quyền, mà là cải biến tình trạng ngu muội lạc hậu của dân tộc, phát triển văn hóa- khoa học. Họ ít quan tâm đến tư tưởng của Lỗ Tấn ra sao, mà cho rằng cống hiến lớn lao của ông cho lịch sử dân tộc là ở chỗ ông coi trọng vấn đề cải tạo “quốc dân tính”, ở chỗ ông đã giải phẫu và biểu hiện sáng tạo các hiện tượng văn hóa Trung Quốc. Đó là điểm mới của việc nghiên cứu tư tưởng Lỗ Tấn thời kỳ sau “cách mạng văn hóa” đến nay.
I.2. Việt Nam.
Công trình sớm nhất nghiên cứu về Lỗ Tấn là cuốn Lỗ Tấn- thân thế- văn nghệ của Đặng Thai Mai (NXB Thời đại 1958). Những nét khái quát chính về cuộc đời, tác phẩm và đặc điểm phong cách Lỗ Tấn được nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai đề cập khái quát với những nhận xét, đánh giá xác đáng mà cho đến nay chúng ta thấy vẫn còn nguyên giá trị, có thể khai thác ở những tầng, vỉa sâu hơn. Về tư tưởng, Đặng Thai Mai chỉ đề cập Lỗ Tấn là môt nhà nhân đạo chủ nghĩa, văn phong cay độc, lạnh lùng nhưng che giấu cảm tình nhiệt huyết bên trong. Anh hưởng của tư tưởng phương Tây đến Lỗ Tấn không được Đặng Thai Mai đề cập đến.
Lỗ Tấn, nhà lý luận văn học của Phương Lựu (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp 1977) cho rằng tư tưởng Lỗ Tấn trải qua 3 thời kỳ: 1, là thời kỳ chịu ảnh hưởng quan điểm tiến hóa của Darwin và chủ nghĩa cá tính siêu nhân của Niezsche (1898-1919).2, là thời kỳ quá độ để mất dần ảnh hưởng của Darwin và Nietzsche chuyển sang quan điểm giai cấp (1919-1927). 3, Là người cộng sản vĩ đại với thế giới quan Marxist sâu sắc (1927- mất)
    Dễ dàng nhận thấy Phương Lựu đã chịu ảnh hưởng của quan điểm các nhà Lỗ Tấn học thời kỳ sau 1949 ở Trung Quốc được gọi là phái Marxist khai sáng mà tiêu biểu là Phùng Học Phong.
    Từ Phương Lựu trở đi, chúng ta thấy rằng các nhà nghiên cứu đều đi theo hướng này. có thể kể: Lương Duy Thứ trong Bài giảng văn học Trung Quốc (NXB ĐH Tổng hợp 1995), Trần Xuân Đề trong Lịch sử văn học Trung Quốc (NXB Giáo dục 2002)…
    Như vậy, có thể thấy rằng ở Trung Quốc và Việt Nam, hướng nghiên cứu về Lỗ Tấn, đặc biệt là tư tưởng nghệ thuật gần như thống nhất. Những năm gần đây, khi các nhà Lỗ Tấn học kêu gọi “hãy trở về với chính Lỗ Tấn”, nghĩa là nghiên cứu một “Lỗ Tấn thực”, chứ không phải là lấy tác phẩm của ông minh họa cho tư tưởng văn nghệ Mao Trạch Đông; thì đã có những hướng tiếp cận tác phẩm của ông rất mới mẻ, nhất là chú ý đến nghệ thuật truyện ngắn, cách xây dựng nhân vật, cấu trúc truyện ngắn… (có thể tham khảo các bài viết sau: Nhân vật Người kể chuyện trong truyện ngắn Lỗ Tấn- Lương Duy Thứ, Nhân vật dị dạng trong truyện ngắn Lỗ Tấn- Lê Nguyên Cẩn, Ý nghĩa cái chết trong truyện ngắn Lỗ Tấn- NV… ở Việt Nam ; Lỗ Tấn và Văn học kỷ hành – Vương Nhuận Hoa, Cái chết và bệnh hoạn trong truyện ngắn Lỗ Tân và các nhà văn Ngũ Tứ- Vương Nhuận Hoa … ở Singapore ; Luận hệ thống tính cách của AQ-Lâm Hưng Trạch… ở Trung Quốc… ). Nhưng có thể thấy là vấn đề nghiên cứu lại tư tưởng nghệ thuật của ông vẫn bị bỏ qua, ở Trung Quốc thì vấn đề còn mông lung; ở Việt Nam thì không ai bàn lại. Có lẽ mặc nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng cách nhìn nhận và chia giai đoạn bước đường phát triển tư tưởng của ông như vậy là ổn thỏa rồi chăng? Đặc biệt, theo thiển ý của người viết, những tư tưởng triết học phương Tây mà Lỗ Tấn đã tiếp thu và ảnh hưởng đến ông là vấn đề rất nên bàn lại.
    Và đó là vấn đề trọng tâm của bài viết.
    II. THUYẾT TIẾN HÓA.
Tư tưởng của Darwin (cha đẻ thuyết tiến hóa) có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng Trung Quốc hiện đại vì Darwin ảnh hưởng đến Lỗ Tấn, mà Lỗ Tấn được xem là “người hùng văn hóa” , ông có ảnh hưởng và vẫn còn ảnh hưởng đến tư tưởng của hàng triệu người dân Trung Quốc, bao nhiêu cuốn sách đã viết về “Lỗ Tấn và tiến hóa”, và tương lai Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc vào câu hỏi mà Lỗ Tấn đặt ra về “sự tiến hóa” của Trung Quốc.
Tư tưởng về thuyết tiến hóa là tư tưởng phương Tây đầu tiên mà nhiều học giả Trung Quốc tin tưởng rằng nó là chân lý. Chính xác là nó đúng nhất ở Trung Quốc. Sau 1895, khi Trung Quốc bị bẽ mặt trên sông Hoàng Hà vì “những tàu chiến và vũ khí tối tân của bọn Nhật”, những trí thức yêu nước tin rằng tiến hóa là điều mà họ cần phải có, bắt buộc phải có cho dù họ thích nó hay không. Trung Quốc chú ý đến thuyết tiến hóa vì nó làm họ lo sợ về tình trạng khó khăn của mình. Nó báo động là chế độ phong kiến không còn ưu việt nữa. Lịch sử là lịch sử tự nhiên. Thế giới là một thế giới tự nhiên của những thể chế cạnh tranh nhau và cạnh tranh sinh tồn. Luật của Rừng là luật duy nhất. Chỉ có người mạnh mới tồn tại và thay đổi là bí mật của sinh tồn. Do đó tất cả bắt đầu nói về thay đổi, và tất cả đều muốn thay đổi theo làn sóng Darwin: cải cách và cách mạng, chế độ dân chủ, cộng hòa, chủ nghĩa dân tộc, Ngũ Tứ, chủ nghĩa cộng sản… tất cả đều là ngọn cờ Darwin – buộc mọi người phải đấu tranh cho sự sinh tồn của Trung Quốc. Và đó là chủ nghĩa Darwin xã hội.
Lỗ Tấn đọc Thiên diễn luận của Huxley do Nghiêm Phục dịch từ cuốn Tiến hóa và đạo đức của Huxley (học trò của Darwin) lúc 20 tuổi, một buổi chiều chủ nhật năm 1901, khi đang là sinh viên của trường Khoáng Lộ học đường Nam kinh. Ghi nhớ cuốn sách này và ở lại với tư tưởng đó. Từ sách này, Lỗ Tấn phát hiện ra Darwin, Spencer, Huxley, và còn phát hiện nhiều hơn: Homer, Hamlet, Kant, Shakespeare, Thales, Haeckel, Alexandre đại đế, hoài nghi yếm thế, hoàng tộc châu Phi, khỉ đột, sinh vật, logic, thần kinh… nghĩa là ông phát hiện ra một thế giới mới, một thế giới khoa học, văn học và tư tưởng châu Au. Và ông không bao giờ ngừng tìm hiểu về thế giới đó. Hứa Thọ Thường sau này nhớ lại là trong những ngày ở Nhật Bản: “Một ngày nọ, chúng tôi nói về Thiên diễn luận, Lỗ Tấn thuộc lòng nhiều chương trong đó…”(2). Ông và Hứa Thọ Thường hay bàn về những điểm mạnh và yếu của người Trung Quốc. Họ thường nói về ba đề tài: 1, Lý tưởng tự nhiên của con người là gì?.2, Cái gì người Trung Quốc thiếu nhất?. 3, Điểm yếu đó do đâu?. Câu hỏi số 3 là câu hỏi quan trọng nhất: nguyên nhân những điểm yếu của người Trung Quốc, bệnh của người Trung Quốc, chỗ không khoẻ mạnh của người Trung Quốc ? Mỗi sinh viên yêu nước Trung Quốc đều biết câu tiếng Anh mà người nước ngoài gán cho Trung Quốc “người tàn phế phương Đông”, nên họ đều bị ám ảnh tư tưởng Darwin: “trong rừng già, đấu tranh sinh tồn, những nước yếu, bệnh hoạn sẽ bị diệt vong”. Lý luận của Huxley hướng đến hành động của con người, con người phải hành động. Đó là lý do người Trung Quốc thích Huxley. Đó là lý do Lỗ Tấn đến với Huxley.
Ông sử dụng thuyết tiến hóa trong nhiều bài tạp văn, từ khi ông quyết định cố gắng “ đánh thức những con người đang ngủ mê trong một cái nhà hộp bằng sắt không có lối ra”, ông đã sử dụng nhiều lần cách nói của Darwin, một cách giận dữ, thông minh, rõ ràng, châm biếm, mỉa mai- gần như luôn hiệu quả- nhưng gần như là không khoa học, và tinh thần Darwin. Nói như vậy không phải là bôi xấu, chê bai Lỗ Tấn mà là chứng minh rằng, Lỗ Tấn đã vận dụng tiến hóa sáng tạo theo cách của ông.
Cả cuộc đời ông là “cho” khoa học, lúc trẻ học địa chất, thuốc, thực vật học, trung thành với hai vị cứu tinh của thời Ngũ Tứ: tái nhân tư tiên sinh (khoa học) và đê mô khắc lạp tây tiên sinh (dân chủ). Thứ thuốc mà Lỗ Tấn định chữa bệnh cho người Trung Quốc là khoa học: “những căn bệnh thể xác có thể chữa được, tôi tin rằng, hy vọng rằng sẽ có thuốc để chữa bệnh trong suy nghĩ. Thứ thuốc đó là khoa học”. Thế nhưng Lỗ Tấn tuyệt vọng vì: “Cứu đất nước bằng khoa học- đã được gào lên gần một thế kỷ nay, và mọi người đều biết, tiếng khóc đó là đúng… nhưng mọi hệ thống mới, lối học mới, lý thuyết mới vào Trung Quốc đều rơi vào một cái thùng to chết chóc đen tối. Khoa học chỉ là một ví dụ. Nếu chúng ta không tiêu diệt, lật đổ cái thùng xấu xí đó, không có thuốc nào cứu được Trung Quốc.”(3)
Tình yêu ông dành cho khoa học chưa bao giờ nguội lạnh, khoa học tự nhiên vẫn luôn là một trong những vũ khí chiến đấu. Ông vẫn luôn dành sự chú ý cho sự phát triển khoa học tự nhiên ở Trung Quốc, và bằng trực giác, ông luôn gắn khoa học tự nhiên với số phận của đất nước. Nhưng rõ ràng, vấn đề mà Lỗ Tấn quan tâm hơn là người Trung Quốc, không phải là khoa học.
Khái niệm “Trung Quốc”không tồn tại- ngoại trừ là một khái niệm trừu tượng trong tâm trí con người là lãnh thổ nằm trên bản đồ thế giới; về vật lý: bao gồm: như người Trung Quốc thường nói: núi và sông (sơn hà). Về quốc gia, “Trung Quốc” giống như tất cả mọi quốc gia  không phải là sự tồn tại sinh học, không là đối tượng cho bất cứ luật lệ sinh học nào. Do đó sử dụng tư tưởng Darwin để miêu tả sự “xuất hiện và biến mất” hay “sự sống và chết” của quốc gia là không đúng. Darwin không nghiên cứu về quốc gia, thể chế, không phát hiện, không chứng minh cái gì về nó cả. Quốc gia là một cái “ nhãn” trống rỗng “gắn” vào đầu của một “nhóm “ người (“nhóm” cũng là một khái niệm mơ hồ). Một quốc gia có thể diệt vong mà con người không hề diệt vong. Do đó không cần thiết phải có sự liên hệ giữa sự xuất hiện của quốc gia và sự diện vong của một nhóm người.
Sự “sống hay chết”của quốc gia không liên quan đến Darwin. Ông là người nghiên cứu về sự sống còn của con người, hay một nhóm người. Nếu áp dụng thuyết Darwin, tức là người Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề sống còn của người Trung Quốc. Dĩ nhiên, tất cả mọi giống người đều đối mặt với khả năng diệt vong, như khủng long đã bị diệt vong. Thế giới của chúng ta, có lẽ còn nguy hiểm hơn thế giới của khủng long ngày xưa nữa, chúng ta không chỉ đối mặt với nạn hồng thủy của vũ trụ mà còn là hỏa hoạn, lưu huỳnh do chính chúng ta chế tạo ra- một đại hồng thủy gây ra do chính sự ô nhiễm của chúng ta. Chứ không riêng người Trung Quốc thời Lỗ Tấn.
Người Trung Quốc sợ gì từ sự đe doạ của sự xâm lược nước ngoài? Đây là một vấn đề không giống với sự diệt vong. Người Trung Quốc đã từng bị xâm lược 200 năm rồi,  nhưng người Hán không sợ diệt vong, chính người Mãn Thanh mới sợ sự đồng hóa. Người Anh có lẽ sẽ xâm lược Trung Quốc, những quốc gia khác cũng “chia miếng bánh màu mỡ Trung Quốc” nhưng người An Độ vẫn sống sót ở An Độ bị Anh đô hộ, vẫn sinh sôi và sắc nét, giống như người Trung Quốc ở Hồng Kông và Ma Cao. Vì vậy xâm lược không phải là vấn đề tồn tại hay diệt vong.
Trong năm cuối đời (1936), 1 năm trước khi Nhật xâm lược Trung Quốc, Lỗ Tấn hy vọng tất cả các nhà văn Trung Quốc chống Nhật, đã viết: “Ở Trung Quốc, vấn đề của tất cả mọi người là vấn đề sống còn của chủng tộc”(4). Nhưng thực sự nó không phải là vấn đề. Người Nhật, dù tàn ác cách mấy, nhưng họ không, và cũng không thể giết hết người Trung Quốc được. Có quá nhiều người Trung Quốc. Có nhiều sức mạnh theo tinh thần Darwin ở những người Trung Quốc.
Vì vậy, điều mà Lỗ Tấn lo lắng không phải là sự sống còn theo kiêủ Darwin. Ông thỉnh thoảng có những câu như thế này (trong tạp văn):
- Tôi nghĩ từ “Trung Quốc” sẽ không bao giờ biến mất, chừng nào tộc người còn tồn tại thì còn người Trung Quốc.
-Sự tồn tại của quốc gia nằm ở chủ quyền chính trị của nó.
Như vậy chúng ta thấy nỗi sợ lớn nhất của Lỗ Tấn là Trung Quốc không có một “vị trí”trên thế giới. Ông sợ sự khuất phục, ông muốn dân tộc tự do khỏi sự thống trị của nước ngoài. Lý thuyết tiến hóa của Darwin không thể giải thích sự tồn tại của tự do, lý tưởng.
Niềm tin của Lỗ Tấn vào thuyết tiến hóa ban đầu là niềm tin vào sự ưu việt của thiên nhiên và “tương lai”. Ông sử dụng tiến hóa, phát triển, tiến bộ, tiến triển như là một hệ thống thuật ngữ có thể thay đổi cho nhau. Darwin đã mở ra cho ông thế giới bên ngoài khác thế giới truyền thống Trung Quốc, là một cái gì có thể cứu Trung Quốc. Nó đến với ông- một thanh niên ái quốc- người tự cho mình chiến đấu vì sự tồn tại của quốc gia. Mặc kệ niềm tự hào về lịch sử quốc gia, Lỗ Tấn chộp lấy học thuyết Darwin như là một học thuyết xã hội (mặc dù nó không phải). Nó noí với ông rằng Trung Quốc phải đấu tranh để tồn tại, phải nắm lấy những nguồn lực riêng của nó, và phải thay đổi. Nhưng sau đó chính Lỗ Tấn đã thay đổi. Ông tự nhận ra bằng cách đánh mất sự thích thú ở hình thức là sự khoẻ mạnh của Trung Quốc mà nhiều nhà ái quốc khác cũng tán thành: thể xác, quân sự, chính trị, chính quyền. Ông theo đuổi mục đích đánh thức người Trung Quốc, muốn họ thay đổi, cứu họ từ chính họ, người Trung Quốc chính là kẻ thù tệ hại nhất của chính mình. Ông theo đuổi cái gọi là khoẻ mạnh về tinh thần của người Trung Quốc- phần tinh túy nhất của Nho học (tu thân)- bước đường đầu tiên của Khổng giáo để cưú quốc gia (tu thân, tề gia, trị quốc). Mặc dù ông bài bác, tấn công Khổng giáo nhưng thực chất ông lại trở thành- không phải là một nhà dân tộc chủ nghĩa, mà là một nhà nho (với áo dài đen truyền thống), quan tâm trước hết và quan trọng cho sự tồn tại của một quốc gia, một chính phủ, là “cho con người”. Không phải là cho tất cả mọi người, mà giới hạn ở “con người nhân đạo”. Như chúng ta thấy, bản cáo trạng của ông đối với đạo đức truyền thống trong Nhật ký người điên là một bản cáo trạng mang tính chất Khổng giáo. Ông nói rằng giữa những dòng lịch sử Trung Quốc, đều bắt đầu bằng ba chữ “ăn thịt người” dưới những từ như nhân nghĩa đạo đức, như vậy là rõ, ông không tấn công vào nhân nghĩa đạo đức mà ông tấn công vào cái vỏ, cái đạo đức giả để che đậy cái tàn ác và tham lam, sự ngây thơ nhưng ngu dốt che đậy cái giết người, mê tín, tự tử. Ông tấn công kịch liệt vào chính nhân quân tử bởi vì họ không phải như vậy, ông tấn công vào đám đông nhân loại bởi vì họ phi nhân tính. Rõ ràng ông cũng như Khổng Tử, đều mong muốn một xã hội mà ở đó mọi người cư xử với nhau nhân đạo hơn, vì theo ông, người nhân đạo mới là con người thực sự (Darwin đã noí rằng ăn thịt người là mức độ thấp nhất của sự tiến hóa. Những người đã tiến hóa không ăn thịt người). Ông dùng học thuyết Darwin để kết án “bản tính thú vật” và tiên tri cho sự phát triển của “con người thực sự”, “con người nhân đạo”Ông dùng học thuyết Darwin để buộc tội những kẻ “ăn thịt người”. Ông dùng học thuyết Darwin- như nhiều học giả Trung Quốc nói “như một vũ khí”, nhưng là một thứ vũ khí trong cuộc đấu tranh cho công bằng, một cuộc đấu tranh thuần túy lý tưởng, không phải là cuộc đấu tranh vật chất, không phải là đấu tranh theo kiểu Darwin, và tóm lại là không có ý nghĩa học thuyết Darwin. Lý thuyết tiến hóa của Lỗ Tấn là mượn cái vỏ Darwin để noí đến những vấn đề Trung Quốc. Mục đích của ông không phải là trở thành một nhà tư tưởng học trò của Darwin, Huxley, Haeckler.
III.CHỦ NGHĨA SIÊU NHÂN.
Lỗ Tấn tiếp thu chủ nghĩa này từ các nhà tư tưởng Pháp, Anh, Đức, Na Uy…
Chủ nghĩa cá nhân của Lỗ Tấn đại diện cho sự nổi loạn chống lại bản tính tập thể, tuân theo chính quyền của xã hội Trung Quốc phong kiến. Nó chống lại niềm tin truyền thống vào chính quyền chuyên chế. Nó là tiếng vọng, phản hồi mong muốn thành thực của Lỗ Tấn: phá vỡ sự áp đặt của cha đối với con, chồng đối với vợ, địa chủ đối với nông dân (các bài tạp văn: Quan niệm của tôi về tiết liệt,Về vấn đề giải phóng phụ nữ, Ngày nay chúng ta làm cha như thế nao…); là nỗ lực muốn đạt đến một xã hội tự do cá nhân không có bạo ngược, chuyên quyền hay luật rừng. Triết học về chủ nghĩa cá nhân của ông thiết lập trên cơ sở cá nhân chịu trách nhiệm về sự phát triển của bản thân và môi trường anh ta mà không cần sự giúp đỡ của chính quyền (haỹ nhớ lại là Lỗ Tấn từng nhắc đến vở kịch Ngôi nhà búp bê – Ibsen, trong đó nhân vật Nora đã noí: “ trách nhiệm cao nhất là đối với bản thân”- cũng như Nietszche noí: “Tự do là gì? Là sẳn sàng chịu trách nhiệm về bản thân mình”). Nó nhấn mạnh đến sự độc đáo của cá nhân hơn là cá tính chung chung phổ biến của cá nhân đó.
Trong một xã hội mà lực lượng truyền thống còn mạnh mẽ, tư tưởng tự do và tự do ngôn luận còn chưa được biết tới, thì một sự tự phát triển và tự ý thức như Lỗ Tấn là một hồi kèn báo hiệu cuộc sống mới. Vào thời điểm mà giai cấp vô sản chưa ý thức được sức mạnh tổ chức của mình, khi những người nông dân đầy kinh nghiệm thất bại đau thương về một xã hội và kinh tế biến thái, khi thương gia còn quá nhu nhược để đối đầu với chính quyền, thì sự tự xác nhận của Lỗ Tấn về giá trị và danh dự của cá nhân đã đánh dấu một sự khởi đầu xác định cho lịch sử trí thức Trung Hoa hiện đại. Anh hưởng của những lời tuyên bố của ông đã làm thay đổi đầu óc con người từ sự chiụ đựng một cách kiên nhẫn số phận đau khổ của mình để mong muốn một điều gì tốt đẹp hơn.
Với chủ nghĩa cá nhân, Lỗ Tấn chịu ảnh hưởng của nhiều nhà tư tưởng. Trong bài Những khuynh hướng bất thường trong văn minh, ông nhắc đến lời của  M. Stirner: “con người phải phát triển tính cách cá nhân của riêng mình. Cá nhân là Thượng đế. Giải phóng thuộc về tôi. Tôi tìm kiếm tự do trong bản thân chứ không ngoài cá gì khác.”
Ông nhắc đến khuynh hướng dân chủ xã hội và kết án thoí đạo đức giả, phá hủy đạo đức cá nhân bằng tên gọi bình đẳng của Ibsen: “tôi muốn chúng ta ý thức rằng điều quan trọng nhất trên thế gian này là những gì liên quan đến tôi. Những cái khác đều không quan trọng. Nếu anh muốn giúp ích cho xã hội, cách tốt nhất là tự xây dựng cái gì đó có giá trị. Đôi khi tôi có cảm giác thế gian này là một con tàu đang bị chìm. Điều quan trọng nhất là tự cứu lấy mình.”
Lỗ Tấn còn giống Schopenhauer ở quan niệm về một cá nhân tự do, bất khuất và cô đơn, và trân trọng thiên tài. Trong cái cách kết án sự chuyên chế bạo ngược của đám đông phá vỡ đạo đức cá nhân, Lỗ Tấn giống với Stirner và Ibsen. Niềm tin là đám đông ngu dốt, mê tín, và sự phát triển của cá nhân sẽ tạo ra nền tảng đạo đức, thì Lỗ Tấn giống Kierkegaard và Schopenhauer. Vì vậy, tư tưởng về chủ nghĩa cá nhân của Lỗ Tấn không chỉ phát triển là chống lại sự bạo ngược chuyên chế mà còn là chống lại đa số, đám đông. Ông nhìn thấy ở đám đông sự nguy hiểm cho việc phát triển của tự do cá nhân.
Một người cũng gợi cho Lỗ Tấn cái nguy hiểm của đám đông bạo ngược là một triết gia Đức- Nietzsche. Ông đọc nhiều tác phẩm của Nietzsche và thích thú với sự tâng bốc, đề cao của triết gia này đối với vị trí của cá nhân- siêu nhân.Ông miêu tả Nietzsche như một nhà tiên phong về chủ nghĩa cá nhân – người đem lại hy vọng về thiên tài, và khinh ghét khuynh hướng xem đám đông là trung tâm của sự phát triển. Nietzsche tin rằng sự phát triển của xã hội tùy thuộc vào sự ra đời của thiên tài.
Trong bài Những khuynh hướng bất thường trong văn minh, Lỗ Tấn đã giới thiệu cuốn Zarathustra đã noí như thế của Nietzsche. Zarathustra là người sáng lập ra Bái hỏa giáo ở Ba Tư. Ông lên một ngọn núi, gặp một số vị thánh và tranh luận với họ về vai trò của siêu nhân. Một con rắn và một con đại bàng chỉ đường cho ông ta xuống nuí. Rắn biểu trưng cho sự khôn ngoan và vòng tuần hòan sống- chết. Đại bàng tượng trưng cho lòng tự hào và cho siêu nhân. Khôn ngoan, tự tin là những phẩm chất của siêu nhân. Ngu xuẩn và tự tin là phẩm chất của đám đông. Ví dụ trong Nhật ký người điên, ông gọi những người dân “ăn thịt người” là độc ác, dã man. Và ông giải thích bằng một ngôn ngữ “thuyết tiến hóa”: “Anh này, có lẽ bắt đầu bằng những người man rợ, họ đã từng ăn thịt người. Nhưng rồi về sau, tâm tư thay đổi, có kẻ không ăn nữa, muốn trở nên tốt, nên họ đã trở thành người, trở thành những người chân chính… cũng như sâu bọ, có thứ biến thành chim, cá, khỉ, và cuối cùng biến thành người. Có kẻ không muốn trở nên tốt, đến nay vẫn là sâu bọ…”(5). Đó là những lời nói cường điệu của “ người điên”, và ch1ung ta thấy lý thuyết của Nietzsche: rằng “siêu nhân” hay “chân nhân” sẽ tiến hóa, giáo hóa con người. “Người điên” của Lỗ Tấn không phải là “siêu nhân” hay “chân nhân” mà chỉ là người khai sáng”, “người tiên giác”, nhưng anh ta là hy vọng của Lỗ Tấn, anh ta là cầu nối với “siêu nhân”, là người đi trước “siêu nhân”, là người tiên tri trong chốn hoang dã, người vừa lên án hiện tại vừa hứa hẹn một tương lai tốt hơn. Người điên của Lỗ Tấn là một loại người “chân chính”, “muốn trở nên tốt hơn”, đó là một sự hứa hẹn, nhưng cũng là sự đe dọa:” tương lai sẽ không có chỗ cho những kẻ ăn thịt người”(6 )giống như lời trong Kinh Thánh, Lỗ Tấn phản hồi Nietzsche “con người là cái gì cần phải vượt qua” (Nhưng bi kịch ở đây là “người điên” đã “hồi phục”, đã tái hòa nhập với xã hội, anh ta đang là một nhân viên chờ bổ nhiệm- chờ một cơ hội để ăn thịt người khác.)
Từ Nietzsche, Lỗ Tấn nhận thấy rằng những người nào trung thành với sự khôn ngoan của đám đông thì sẽ không nhìn thấy những điểm yếu của hệ thống đó.Ông dẫn chứng: đóng đinh Jesus, sự trừng phạt Brutus… là những ví dụ cho thấy sự ngu dốt của đám đông. Ông nói bằng một giọng diễu cợt: “ có lẽ những việc đang làm của chúng ta hiện nay sẽ bị con cháu chúng ta phê bình giống như chúng ta đã phê bình những người thời Christ hay Socrates là ngu dốt”.(7)
Niezsche và Lỗ Tấn đều xem tôn giáo và đạo đức truyền thống là những bức tường thành vững chắc nhất chống lại học thuyết chủ nghĩa cá nhân. Cà hai đều đề cao thiên tài và mong muốn tạo dựng một số ít người tượng trưng cho vẻ đẹp xuất sắc về trí tuệ, tâm hồn. Cả hai đều trung thành với giá trị chủ yếu của cuộc sống cá nhân, ca ngợi cuộc sống ở toàn bộ chiều dài và sự rộng lớn của nó, bảo vệ và làm giàu thêm cho cuộc sống. Họ đều ưu tiên cho sự phát triển của cá nhân và sống một cuộc đời cởi mở, năng nổ.
Đánh giá Lỗ Tấn, chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng của Niezsche đối với ông về tư tưởng cá nhân. Nhưng rõ ràng Lỗ Tấn cũng có những điểm khác, sáng tạo so với Nietzsche, vì họ đến từ hai nền văn hóa khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau, mục đích khác nhau và truyền đến những độc giả khác nhau.
Nietzsche là một nhà tư tưởng quý tộc tự tôn, người phát ngôn của quý tộc Đức, đối thủ của nền dân chủ lúc bấy giờ. Trong khi Lỗ Tấn là một nhà tư tưởng giải phóng, kẻ thù của luật lệ quý tộc, người tiên phong, phát ngôn viên của quần chúng khổ nhục, giai cấp bị trị, kẻ truyền giáo cho chủ nghĩa nhân đạo kiểu Lev Tolstoi.
Thông qua việc đề cao dân tộc Đức, Nietzsche là người theo thuyết bảo thủ dân tộc chủ nghĩa. Còn Lỗ Tấn thông qua việc lý tưởng hóa cá nhân bình thường, là người thuộc trào lưu dân chủ cấp tiến.
Chủ nghĩa cá nhân của Nietzsche cũng có chỗ khác Lỗ Tấn. Nietzsche đứng trên lập trường của kẻ mạnh, đó là quyền lợi của chủng tộc Đức cấp cao nhìn xuống các chủng tộc khác thấp hơn, là đối thủ của luật lệ và đám đông ngu dốt. Lỗ Tấn không giống Nietzsche, ông là chiến sĩ đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ, trẻ em và quyền tự do của mọi cá nhân. Ông chống lại sự mê tín và ngu dốt trong bài Chào đón Thượng đế và đánh đuổi con người của những người nông dân (đám đông nói chung). Ông phàn nàn về việc là ở nhiều làng, người nông dân vẫn tin rằng Thượng đế can thiệp vào công việc nhà nông của con người và chê trách sự mê tín của những nghi lễ cầu nguyện Thượng đế. Thay vì học những kỹ thuật nông nghiệp như là một phương tiện để phát triển nông nghiệp, khắc phục hạn chế của môi trường, họ lại trở về với những nghi lễ cổ xưa nhất để cầu xin ân huệ từ Thượng đế.
Lỗ Tấn muốn cất đi gánh nặng cho những người bị áp bức, tự do cho bản ngã và phá vỡ gông cùm truyền thống, làm cho bản thân mạnh mẽ, cao quý và tự trọng. Ông hướng về một xã hội mà ở đó, mọi cá nhân được tôn trọng vì đạo đức của họ, cả phụ nữ và trẻ em cũng vậy. Ông bị thuyết siêu nhân của Nietzsche hấp dẫn vì có mục đích tái tạo xã hội chứ không phải là xã hội của siêu nhân, người đại diện cho quý tộc Đức- những người cai trị cay nghiệt và tàn nhẫn của loài người. Dù có những khác nhau đó, thì Lỗ Tấn vẫn cám ơn Nietzsche- người đầu tiên dẫn dắt ông bước vào thế giới tinh thần của cuộc sống, dạy ông cách nhìn hiện thực như nó vốn có với tất cả sự chịu đựng và niềm vui tranh đấu, người đã tiếp cho ông sức mạnh tinh thần tham gia vào cuộc đấu tranh vô cùng như là một siêu nhân. Geoge Burman Foster, trong cuốn F.Nietszche (New York 1931) đã viết: “… Lỗ Tấn tìm thấy lý thuyết của Nietzsche về người hùng thử thách và kích thích…”(8)
Con người siêu nhân của Lỗ Tấn là một lãnh tụ dũng cảm và thương người, không phải là kẻ cai trị mà là đầy tớ của nhân dân. Chính chủ nghĩa nhân đạo đã làm cho chủ nghĩa cá nhân của ông có sự độc đáo.
IV.KẾT LUẬN.
1.Qua việc đánh giá lại ảnh hưởng của thuyết tiến hóa và chủ nghĩa siêu nhân đối với Lỗ Tấn, chúng tôi đã phân tích tình hình Trung Quốc đưa Lỗ Tấn đến với những học thuyết trên, đã chỉ ra những ảnh hưởng và sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo, của Lỗ Tấn khi tiếp thu những tư tưởng này. Lỗ Tấn đâu phải chỉ tiếp thu thuyết tiến hóa và chủ nghĩa cá nhân, ông còn yêu thích chủ nghĩa dân tộc của Byron, Shelley, Pushkin, Lev Tolstoi, Lermonrtov, Mickiewicz… và nhiều người khác. Lỗ Tấn chịu ảnh hưởng tư tưởng Phương Tây, nhưng trong đời sống hàng ngày, ông hành xử như một nhà nho: cưới một người vợ theo ý mẹ, rộng rãi với bạn bè và học trò, luôn duy trì một phong cách tinh thần Trung Quốc truyền thống: độc lập, nhân đạo, và trách nhiệm công dân. Ông cho phương Tây là biểu tượng của tiến bộ và khôn ngoan, phương Đông là biểu tượng của truyền thống. Trong vở kịch một màn Người qua đường (1925), ông miêu tả một hành nhân từ phương Đông đi tìm kiếm sự thật, chân lý, sự khôn ngoan mà người này mơ hồ cảm thấy nó ở đâu đó về phương Tây. Dù gặp khó khăn cũng không bỏ cuộc (hành nhân này có khi chính là Lỗ Tấn).
2.Về phương diện tư tưởng, Lỗ Tấn cả đời là một người tìm đường( nên chúng tôi nói rằng tư tưởng của Lỗ Tấn “không có điểm dừng” là vì vậy), nhưng sự tìm tòi mang tính triết học về những vấn đề lịch sử nhân loại không chiếm vị trí quan trọng trong ông. Ông viết không phải là để để lại cẩm nang tiến hóa, mà là để cứu người, đánh thức người Trung Quốc, muốn họ thay đổi, cứu họ từ chính họ. Với Lỗ Tấn, hơn bất cứ nhà văn yêu nước nào ở Trung Quốc, tin rằng người Trung Quốc là kẻ thù tệ hại nhất của chính mình. Điều bức thiết với ông, quan trọng với ông, khiến ông luôn nóng lòng, chính là vấn đề lối thoát cho dân tộc Trung Hoa, cách mạng Trung Quốc nên dựa vào ai, lực lượng xã hội nào, nên dùng cách nào… giá trị chính trong tư tưởng Lỗ Tấn không nằm trong những cống hiến mang tính triết học xoay quanh những vấn đề mang tính nhân loại mà là những mổ xẻ sâu sắc có tính chất cảnh báo về xã hội cũ Trung Quốc, những thám hiểm nhân sinh của dân tộc ông, tư tưởng đó có hấp thu phương Tây, nhưng được xây dựng lại từ cảm thụ cháy bỏng về nhu cầu tinh thần của con người, nó còn liên quan đến suy nghĩ về giá trị và ý nghĩa tồn tại của con người. Nó là một loại học thuyết thông qua việc làm sống động thế giới nội tâm để tạo sức sống mới cho người Trung Quốc, thực hiện mục tiêu cơ bản là cải tạo “quốc dân tính”, chữa bệnh tinh thần. Và điều này mới là nguyên nhân chủ yếu làm cho Lỗ Tấn vĩ đại.

TRẦN LÊ HOA TRANH

CHÚ THÍCH
(1)    Lỗ Tấn, lịch sử nghiên cứu và hiện trạng- Vương Phú Nhân- Lương Duy Thứ, Nguyễn Thị Mai Hương dịch- NXB Thống kê 2004.
(2)    Hồi ức về Lỗ Tấn- Hứa Thọ Thường- NXB Bắc Kinh 1956.
(3),(4),(7) Tạp văn Lỗ Tấn- Trương Chính dịch- NXB Giáo dục 1998.
(5),(6)Nhật ký người điên- Truyện ngắn Lỗ Tấn- Trương Chính dịch- NXB Văn hóa 1994.
(8)Chuyển dẫn từ The Social Thought of Lu Xun- Pearl Hsia Chen- Vantage Press, NY 1976.

TƯ LIỆU THAM KHẢO
1.    Lỗ Tấn, nhà lý luận văn học- Phương Lựu- NXB Văn học 1977.
2.    Truyện ngắn Lỗ Tấn- Trương Chính dịch- NXB Văn hóa 1994.
3.    Tạp văn Lỗ Tấn- Trương Chính dịch- NXB Giáo dục 1998.
4.    Giáo trình văn học Trung Quốc- Lương Duy Thứ- NXB ĐHTH 1995
5.    Lịch sử văn học Trung Quốc- Trần Xuân Đề- NXB Giáo dục 2002.
6.    Lỗ Tấn, Lịch sử nghiên cứu và hiện trạng- Vương Phú Nhân- Lương Duy Thứ, Nguyễn Thị Mai Hương dịch- NXB Thống kê 2004
7.    Lỗ Tấn truyện- Lâm Chí Hạo- Lương Duy Thứ, Nguyễn Thị Minh Hồng dịch, NXB Văn nghệ TP.HCM 2002
8.    Lu Xun and Evolution- Jame Reeve Pusey- State Unv. Of NY Press 1998.
9.    The Social Thought of Lu Xun- Pearl Hsia Chen-Vantage Press, NY 1976.