Mảng văn học trên báo “Sống”

In bài này

Sự sinh thành và phát triển của văn học quốc ngữ Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX gắn liền với một nền báo chí non trẻ mà sôi động. Báo chí khép lại một thời kì văn chương được sáng tác chỉ để ngâm vịnh thù tạc, sau đó cất vào những tàng kinh các để dành cho con cháu; hay có phổ biến cũng rất hạn chế bởi cách in ấn thạch bản, mộc bản rất công phu và không in được nhiều. Hầu hết các nhà văn đều trưởng thành từ cái nôi báo chí, đó là nơi nuôi dưỡng tình yêu văn chương, mài giũa ngòi bút, thể hiện quan niệm, tư tưởng và cũng là nơi tranh luận, bút chiến… Báo Sống là một trong rất nhiều những tờ báo ở Sài Gòn ngày ấy, nhưng lại là một trong không nhiều những tờ báo chuyên về văn học, tạo lập  được  một  phong  cách,  trường  phái  riêng,  giành  được  chỗ  đứng  trong  lòng độc  giả đương thời. Thế nhưng không đầy một năm tồn tại ngắn ngủi giữa hàng trăm tờ báo, trong đó nhiều tờ báo lớn có tuổi đời đến mấy mươi năm, đã khiến báo Sống dần bị lãng quên. Tìm hiểu về mảng văn học trên báo Sống là một đóng góp nhỏ vào công việc lớn hôm nay: khôi phục lại chân dung nền văn học một thời bị bỏ quên, bỏ qua.

1.     Khái quát báo Sống

Báo Sống ra số đầu tiên vào ngày 22/1/1935, dưới quyền giám đốc của Trí Đức văn đoàn. “Đó là tờ tạp chí văn học đầu tiên do những nhân tài đất Hà Tiên sáng lập và hợp lực viết bài, được anh em gọi là Hội bạn Trí Đức. Nhóm này gồm Đông Hồ, Trúc Hà, Trúc Phong, Lư Khê, Trọng Toàn, Quang Đẩu, Bạch Như, Mộng Tuyết là tám người”.

 Tờ báo là sự nối tiếp ước mơ truyền bá và cổ động cho sự phát triển quốc văn quốc ngữ của những văn nhân giàu tâm huyết đất Hà Tiên, sau khi Trí Đức học xá của họ, một ngôi trường dạy quốc ngữ khá có tiếng ở miền Nam bị nhà cầm quyền đóng cửa. Vì lý do tài chính, báo chỉ tồn tại được 30 số và đình bản vào ngày 18/9/1935. Báo Sống hướng đến hai mục đích chính. Mục đích thứ nhất là dùng văn chương như một công cụ cải tạo xã hội nhân sinh. Mục đích thứ hai hướng vào chính bản thân văn chương, vào giá trị thẩm mỹ, khiến văn chương phát triển theo hướng càng ngày càng trở nên “sáng sủa, giản dị, vui vẻ, hợp với sự sống ngày nay”. Tôn chỉ này được thể hiện ở những dòng đầu tiên của số báo đầu tiên: Đạo trời tiến hành mạnh mẽ, người ta cũng coi theo cái lẽ đó mà sống mạnh mẽ mãi không thôi. (Thiên hành kiện, quân tử dĩ tư cường bất tức – Kinh dịch) Sống là chiến đấu. (Ceux qui vivent sont ceux qui luttent – Victor Hugo) Việc chọn hai câu nổi tiếng, một từ Kinh dịch, một của đại văn hào Pháp, xuất phát từ hai nền văn hóa lớn ảnh hưởng đến Việt Nam thời bấy giờ làm tôn chỉ của báo cho thấy ý thức muốn dung hòa, gạn đục khơi trong trong giao lưu, tiếp biến văn hóa. Báo cổ vũ cái mới từ phương Tây, nhưng không gạt bỏ những giá trị văn hóa ngàn năm mà ta đã từng tiếp thu từ Trung Hoa và cải biến đậm tinh thần Việt. Tuy là báo trong Nam, nhưng Sống lại ảnh hưởng sâu đậm từ báo chí ngoài Bắc, mà cụ thể là báo Nam Phong. Văn phong trên báo phảng phất lối văn chương phía Bắc. Bản  thân  những  người  chủ  trương  báo Sống cũng  thường  xuyên  cộng  tác  với  các  báo miền  Bắc  như  Trúc  Hà,  Đông  Hồ,  Mộng  Tuyết…  Chính  vì  vậy  mà  báo Sống  có ảnh hưởng rộng rãi trong Nam ngoài Bắc. Lực lượng sáng tác chú yếu của báo là Hội bạn Trí Đức.  Ngoài  ra  còn  có  các  tác  giả  miền  Nam  khác  như  Thiếu  Sơn,  Minh  Đức,  Tô  Mai, Liên Thành, Liên Tiếu Lê Thọ Xuân, Huỳnh Văn Nghệ… những tác giả đất Bắc nổi tiếng như Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Đồ Nam Nguyễn Trọng Thuật, Vân Đài, và các tác giả khác như Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong, Hạc Thủy, Ngô Chung Tử… Sống còn được trân trọng giới thiệu trên một tờ báo phía Bắc: “Nếu các bạn muốn biết đến những câu chuyện về học thuật  văn chương, những vấn đề thiết thực về sự sống của một dân tộc, những chuyện hay, mới, vui, viết bằng một lối văn giản dị, nhẹ nhàng thì bạn hãy gửi mua tuần báo Sống. Sống là tờ tuần báo có giá trị nhất trong Nam, ở số 43 đường Frère Louis Saigon, do các bạn của Trí Đức học xá chủ trương, có ông Đông Hồ đứng giám đốc và ông Trần Thiêm Thới đứng chủ nhiệm.”3. Tuy lời lẽ trong đoạn văn này mang nhiều chất quảng cáo, nhưng nó cũng nói lên giá trị của tờ báo với đời sống đương thời và mức độ phổ biến của nó. Một đặc điểm rất đáng chú ý của báo Sống, cũng là một trong những  yếu tố ảnh hưởng miền Bắc, chính là sự chăm chút đặc biệt đến chính tả. Ngày ấy, báo chí Sài Gòn viết sai chính tả đầy rẫy, một phần do chênh lệch giữa chính tả và lối phát âm, một phần do quan niệm. Rất nhiều người cho rằng nên nói sao viết vậy. Những người làm báo Sống chủ trương không phân biệt Nam Bắc trong chữ viết. “Khi báo Sống mới ra đời, chúng tôi chủ ý chen trong câu văn ít nhiều tiếng Bắc, mục đích là muốn làm cho tiếng nói được hống nhứt, và không có sự chia rẽ người trong hai xứ Bắc – Nam. Trong khi viết văn, chúng tôi chỉ chọn lựa những chữ nào thanh nhã hay không thanh nhã, đúng nghĩa hay không đúng nghĩa – tất nhiên là theo ý của chúng tôi – chớ không còn nhớ nó là tiếng Nam  hay  tiếng  Bắc  nữa.  Chúng  tôi  đều  coi  là  một  tiếng  chung  của  cả  nước:  tiếng Annam.” 4. Từ số 8, báo tuyên bố in đúng chính tả, nhất là không sai dấu hỏi, ngã và đã giữ lời hứa cho đến ngày đình bản. Sống là tờ báo đầu tiên của Gia Định – Sài Gòn làm được việc này. Chính những yếu tố trên đã khiến báo Sống trở nên đặc biệt, đứng riêng hẳn một trường phái trong làng báo chí quốc ngữ xứ Nam Kỳ. Trong khi các báo khác sử dụng cách hành văn đậm chất Nam Bộ, viết như nói, không câu nệ chính tả, với quan niệm văn chương báo chí phải như tấm gương soi, phản chiếu đời sống chân thực đến từng mi-li- mét thì Sống lại chủ trương học tập theo các nhà văn nhà báo miền Bắc, hoa mỹ trong ngôn từ, trau chuốt trong ý tứ, cho rằng văn chương dẫu có phản ánh cuộc đời thì cũng là cách phản ánh chắt lọc tinh hoa, và chính tả thì phải thống nhất  trong cả nước. Những người  chủ  trương  báo Sống  đã đứng  trước  sự  công  kích  của  dư  luận  miền  Nam  đương thời, cho đó là sự học đòi Bắc Kỳ của những nhà văn sinh ra nơi cuối trời đất nước. Thật ra, thống nhất văn chương, ngôn ngữ chính là nền tảng vững chắc cho sự thống nhất dân tộc giữa thời buổi kẻ thù lúc nào cũng lăm le kế sách chia để trị, là sợi dây kết nối bền chặt vùng đất mới với cội rễ ngàn năm. Tuy nhiên khi học tập miền Bắc, ban biên tập báo Sống ít nhiều hơi khắc nghiệt trong đánh giá văn chương miền Nam, mà theo họ là tuỳ tiện, thiếu chất văn, phần nào đã làm hạn hẹp tính phong phú, đa dạng của văn học Nam Bộ trong quan niệm của chính họ.

2.  Tác giả đóng góp cho báo Sống

2.1. Các tác giả trụ cột

Trúc Hà tên thật là Trần Thiêm Thới, sinh năm 1909 ở Hà Tiên, trong một gia đình Nho học, nhưng sớm được tiếp xúc với văn chương quốc ngữ và phương Tây. 17 tuổi, ông khởi nghiệp văn chương bằng sự cộng tác với Nam Phong tạp chí, sau đó xuất hiện trên khá nhiều báo như Phụ nữ tân văn, Sống, Nay, Đại Việt tập chí, Nam Kỳ tuần báo… và được người đương thời đánh giá là khá có tiếng tăm. Trúc Hà là người trực tiếp thành lập báo Sống và chịu tránh nhiệm về mặt pháp lý với vai trò chủ nhiệm. Ông cũng là cây bút trụ cột của báo với rất nhiều bài viết trên rất nhiều chuyên mục, từ các bài phông đầu mỗi số đến truyện ngắn, thơ, phê bình, phóng sự, nghị luận, nghiên cứu quốc ngữ… Đáng chú ý nhất là những truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực phê phán, với cách khai thác  tình  huống,  lối  hành  văn  mỉa  mai châm  biếm học  hỏi  từ  nhà  văn  đất  Bắc  Nguyễn Công Hoan, kết hợp với những chi tiết đậm sắc màu Nam Bộ từ chất liệu hiện thực, hành động  nhân  vật  đến  lời  ăn  tiếng  nói.  Báo Sống ảnh  hưởng  miền  Bắc  rất  đậm  trong  văn phong, ý tưởng, nhưng yếu tố Nam Bộ vẫn rất rõ qua từng sáng tác. Trong lời kể chuyện, tác giả rất hay dùng những từ có hình ảnh hoa mỹ, âm điệu du dương, trang nhã như văn chương xứ kinh kỳ, nhưng khi nhân vật cất lời thì đó vẫn là tiếng nói của người Nam Bộ, với những từ địa phương đặc trưng, với cách nói năng thẳng thắn, không khuất lấp vòng vo. Dù là thanh niên Tây học nhưng ông đặc biệt coi trọng những giá trị truyền thống, cả trong phê bình văn chương và nghị luận về các vấn đề xã hội, khi mà bao nhiêu người đang háo hức đuổi theo cái mới, vô tình đạp đổ những giá trị ngàn năm. Đông Hồ Lâm Tấn Phác (1906 – 1969), còn có bút danh khác là Trác Chi, Đại Ẩn Am, Nhị Liễu tiên sinh, là một nhà thơ, nhà giáo, nhà nghiên cứu nổi tiếng đất Hà Tiên, người được biết đến với cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp gìn giữ tiếng Việt, cũng là người từng được phong trào Thơ mới lưu tên. Khi báo Sống ra đời, Đông Hồ đã phụ trách ngay mục Nguồn thơ, và đều đặn gửi bài từ Hà Tiên lên để duy trì sự tồn tại của chuyên mục. Đến khi báo đã ra được 7 số thì Đông Hồ lên Sài Gòn trực tiếp làm chủ bút, và việc đầu tiên mà ông làm cho Sống là coi sóc vấn đề in ấn, đảm bảo đúng chính tả, đặc biệt là các dấu hỏi ngã. Đây là việc không hề đơn giản, vì sắp chữ cho có nguyên tắc, đối với nhân viên nhà in trong Nam khi ấy là vấn đề hết sức nhiêu khê. Độc giả dường như cũng ít để tâm đến việc này. Phải có tình yêu tha thiết với tiếng Việt, người thanh niên ấy mới có thể cần mẫn làm công việc mà đương thời ít người dành cho chút lòng biết ơn như thế. Thơ Đông Hồ trên Sống không thật đặc sắc lắm. So với Cô gái xuân, những bài thơ trên Sống thiếu mất sự du dương cần thiết của âm và sự hàm súc cần thiết của ý. Có những bài có câu thơ rất dài, gây một chút bối rối cho người thưởng thức, nhưng tất cả vẫn toát lên nét thanh tân, hiền hoà quen thuộc của thơ ông. Nghiên cứu trên Sống ông chỉ có vài bài nhưng là những bài có giá trị. Đó là hai bài viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều, ông phân tích tâm lý của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều và hoàn cảnh văn học nước ta đầu thế kỷ XIX ảnh hưởng đến Truyện Kiều. Rõ ràng đó là lối phê bình hiện đại, xem xét tác phẩm văn học trên nhiều mối quan hệ: nhà văn – tác phẩm và thời đại – nhà văn – tác phẩm, vốn vẫn còn rất mới mẻ ngày ấy.

Mộng  Tuyết  (1914-  2007)  tên  thật  là  Thái  Thị  Sửu,  là  một  trong  không  nhiều những nhà thơ nữ có tiếng của phong trào Thơ mới. Thế nhưng trên báo Sống, bà lại xuất hiện với tư cách là một cây bút truyện ngắn tài hoa. Mộng Tuyết có thế mạnh về khai thác tâm lý nhân vật. Truyện ngắn của bà thường giống như một bài thơ, ngay cả khi bà kể chuyện yêu đương với những rung động nhẹ nhàng êm dịu, hay nói về nỗi nôn nao chán chường của những con người muốn kiếm tìm cho mình một chân trời riêng, một lẽ sống riêng nhưng thất bại, hay bàng bạc nỗi nuối tiếc về một thời êm đẹp xa xưa nào đó. Một giọng văn đầy nữ tính. Nếu những chuyện tình trong sáng tác của Tự lực văn đoàn thường được đặt trong mâu thuẫn với quan niệm cũ và mang tính chất đấu tranh, thì Mộng Tuyết như tách tình yêu ra khỏi tất cả cát bụi của định kiến, với các tác phẩm Tình trong sạch, Người hàng xóm, Bỏ về, Đi tìm hạnh phúc, Còn đâu hi vọng ngày xưa, Người trong ảnh, Bó hoa dành dành, Vơ vẩn

2.2. Một vài tác giả cộng tác khác

Liên Thành tên thật là Phan Hữu Bích, người miền Bắc, từng là nhân viên sở địa dư Đà Lạt, đổi về Hà Tiên để đo đạc những núi đồi của Hà Tiên. Liên Thành có những bài thơ khá đặc sắc đăng trên báo Sống, mang cái hồn thơ cũ, cũng tình bạn văn chương tri kỷ, cũng đầu trời cuối đất tìm nhau, cũng sông nước trời mây ngâm vịnh, sử dụng nhiều thi liệu cũ và cách gieo vần tạo ấn tượng du dương.

Phạm Văn Ký (1910-1992), quê Bình Định, anh ruột của nhà văn Phạm Hổ và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, từng là chủ bút một số tờ báo ở Bình Định, Huế, Sài  Gòn.  Sau  này  ông  sống  và  sáng  tác ở  Pháp,  xuất  bản  rất  nhiều  tác  phẩm,  trong  đó Perdre la demeure (Đánh mất cội nguồn) được Hàn lâm viện văn chương Pháp trao giải thưởng lớn, làm rạng danh văn sĩ Việt Nam ở nước ngoài. Trên báo Sống cũng có hai bài thơ của ông với những hình ảnh liên tưởng thú vị. Riêng bài Giọt sương tình được ông chú thích là lối thơ haikai Nhật Bản. Thật ra, xét về số âm tiết cũng như sự hàm súc, sức lay động, bài này vẫn chưa thể xếp vào haikai, đó chỉ là sự mô phỏng cảm tính ở lối dùng từ, đặt câu. Tuy nhiên, ở những năm 1930 mà đã có người vươn tầm mắt đến văn chương xứ sở Phù Tang, lại ra sức học hỏi như thế thì cũng đáng ghi công.

Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977), quê Tân Uyên, là người anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tác giả của những vần thơ về chiến khu, về người lính, ngợi ca đất nước quê hương và những kỉ niệm một thời trận mạc, được đồng đội và nhân dân mến yêu gọi là “thi tướng rừng xanh”, nhưng ít ai biết sự nghiệp của ông bắt đầu từ báo Sống, với những câu thơ viết về tình  yêu lãng mạn. Khi Xuân Diệu còn chưa cất lên lời cảm thán “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em em ơi tình non đã già rồi” (Giục giã) thì Huỳnh Văn Nghệ đã đặt lên môi một người thiếu nữ lời khẩn cầu vội vã: “Này trông em: ánh xuân tươi sắp biệt/ Hãy yêu em, kẻo trễ bạn lòng ơi…”(Em hổng muốn).

Lư  Khê  (1916-1950)  tên  thật  là  Trương  Văn  Em,  cùng  với  Đông  Hồ,  Trúc  Hà, Mộng Tuyết, được vinh danh là Hà Tiên tứ tuyệt. Khởi nghiệp từ báo Sống năm 19 tuổi, về sau, Lư Khê trở thành một trong những nhà báo khá có tiếng ở Sài Gòn, là chủ bút của nhiều tờ báo. Ông sáng tác thơ nhiều, cả tiếng Việt và tiếng Pháp nhưng thất lạc gần hết.

Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Vân Đài là ba tác giả có tên tuổi đương thời quan tâm gửi bài cho báo Sống, góp phần khẳng định uy tín của tờ báo trong lòng độc giả. Đó là những bài thơ chúc tụng sự ra đời của báo. Các bài thơ ngồn ngộn sự kiện thời sự, sôi nổi nhiệt tình, nhưng có lẽ chính vì thế mà vơi bớt ít nhiều chất thơ.

3.   Tác phẩm trên báo Sống

3.1. Mảng sáng tác văn chương - Thơ:

Những tác phẩm thơ trên báo Sống chủ yếu là thơ mới. Nếu như thơ mới phía Bắc thời kì đỉnh cao thường hướng đến nội tâm, đến ước mơ và hạnh phúc cá nhân thì thơ mới Nam Bộ thời kì đầu lại thường hướng đến cuộc sống của người lao động nghèo khổ. Nhà thơ dành rất nhiều nhiệt tâm cho cộng  đồng đói khổ, chứ không chỉ là thế giới cá nhân của riêng họ. Thơ trên báo Sống cũng chia sẻ đề tài ấy với những tờ báo khác ở Nam Bộ, bên cạnh đó vẫn nói nhiều về tình yêu đôi lứa, tình bè bạn tâm giao, tâm sự của cái tôi cá  nhân…  Bên  cạnh  những  bài  rất  trau  chuốt,  vẫn  có  những  bài  mang  những  hạn  chế chung của thơ mới Nam Bộ: cách thể hiện dài dòng, dàn trải, ngôn ngữ thiếu chọn lọc, tính cụ thể quá đậm nên thiếu tính khái quát, khó trở thành tiếng lòng chung của nhiều người. Sự giản dị khi quá đà đã trở thành giản đơn, thiếu thu hút, lời thơ không khác mấy với lời nói. Truyện  ngắn  trên  báo  Sống  không  hề  tách  khỏi  dòng  chảy  văn  xuôi  Nam  Bộ đương thời với văn phong gần gũi lời ăn tiếng nói hàng ngày. Bên cạnh đó, các tác giả cũng  rất  chú  trọng  đến  việc  trau  từ  chuốt  ngữ.  Chính  vì  thế  mà  ngoài  hương  sắc  miền Nam, truyện ngắn trên Sống còn phảng phất vẻ bay bổng của văn chương lãng mạn miền Bắc, hoặc chút nét sắc sảo học tập được từ những nhà truyện ngắn hiện thực kỳ tài. Ngôn từ trong sáng, chọn lọc và trau chuốt, gần gũi với những áng văn của Tự lực văn đoàn, qua cách dùng câu đặc biệt, dùng nhiều từ láy hoặc thanh bằng, tạo nhạc điệu du dương cho câu văn nhưng vẫn rất tự nhiên. Truyện ngắn trên báo Sống có cả hai khuynh hướng của văn chương đương thời: lãng mạn và hiện thực. Những truyện lãng mạn thường ít tình tiết nhưng đong đầy xúc cảm, suy tư. Có nhiều truyện được dồn lên cực điểm của mộng tưởng để trở thành ảo tưởng. Thảng hoặc có truyện sử dụng cách kết cấu đảo ngược trật tự, lắp ghép ký ức, vốn khá mới mẻ thời đó. Tiểu thuyết: Người duy nhất viết tiểu thuyết lãng mạn trên báo Sống là Trúc Phong với ba tác phẩm Băn khoăn, Đời vui đẹp Sóng gió hồ Đông. Trúc Phong dần trưởng thành hơn trong nghệ thuật tiểu thuyết, đi từ tiểu thuyết luận đề đến tiểu thuyết tâm lý, nhân vật từ chỗ người phát ngôn cho một lý tưởng nào đó dần dần được khắc hoạ thành những chân dung sống động, có chiều sâu, tình tiết sự kiện từ chỗ gượng ép đã vận động theo  quy  luật  của  hiện  thực,  của  cuộc  sống. Tiểu  thuyết  có  cái  lõi  hiện  thực  được  bọc trong  một  văn  phong  lãng  mạn  hào  hoa. Nhân  vật  của  ông  giống  với  hình ảnh  những chàng trai cô gái tân thời của Tự Lực văn đoàn, nhưng đồng thời phảng phất chút u buồn rất đỗi liêu trai của những truyện truyền kỳ lưu truyền trong dân gian. Cảnh vật và con người Hà Tiên đặc biệt xuất hiện nhiều trong tiểu thuyết Trúc Phong. Tùy bút, văn hồi ức, phóng sự là những thể loại khá phổ biến trên báo Sống, đáng chú ý nhất là phóng sự. Hướng ngòi bút vào những người lao động nghèo khổ, cuộc sống chật vật của tầng lớp trung lưu giữa thời buổi khủng hoảng kinh tế, các nhà báo thường chọn khai thác những đề tài nghề nghiệp như nghề hát triều, nghề làm nước mắm, nghề thầy giáo, công nhân cao su… Là phóng sự văn học, giàu tính dấn thân với tính chân thực và có cả sức tố cáo, một vài tác phẩm gây ấn tượng mạnh trong lòng người đọc.

3.2.  Mảng  lý  luận,  nghiên  cứu,  phê  bình  văn  học 

 Lý luận, nghiên cứu văn học không nhiều, nhưng tập trung vào những vấn đề lý luận cốt lõi của văn chương, chịu ảnh hưởng của cả lý luận truyền thống lẫn lý luận hiện đại phương Tây. Nói về những vấn đề muôn thuở như giá trị giáo dục, giá trị thẩm mỹ của văn  chương, khu  biệt  khái  niệm  văn  học  bình  dân, đặc  trưng  văn  cổ  điển  và  văn  lãng mạn… các tác giả có khuynh hướng khai thác từ góc độ bản thể luận, dùng nhiều những thuật ngữ phương Tây, nhưng ngôn từ văn phong có lúc rất đăng đối câu thúc. Các tác giả có ý thức dung hoà yếu tố cảm tính, trực giác tinh tế của văn chương phương Đông với tư duy  logic  của  văn  chương  phương  Tây.  Dẫn  chứng cũng được  huy  động  từ  rất  nhiều nguồn Đông Tây kim cổ. Phê bình văn học với sự đóng góp của Trúc Hà, Đông Hồ, Thái Phỉ và đặc biệt là Thiếu Sơn đã khiến báo Sống khá có tiếng nói trên lĩnh vực phê bình của Nam Bộ ngày ấy.  Thiếu Sơn  là  tác  giả  tài  hoa  của  phong  cách  phê  bình  trực  cảm,  trong  khi  Trúc  Hà chuyển dần từ phê bình truyền thống sang phê bình trực cảm. Tinh thần chung của những bài phê bình trên báo Sống là ủng hộ cái mới trên sự trân trọng những giá trị truyền thống, không  quá  đà  như  một  vài  tờ  báo  đương  thời.  Đây  là  một  điểm  khá  đặc  biệt,  khi  mà những người làm báo đều còn rất trẻ. Nhưng có lẽ cũng chính sự ôn hoà này đã khiến báo Sống không gây được ấn tượng mạnh, vì đôi lúc để giành và giữ quyền sống cũng cần có chút quyết liệt, cũng như sự quá khích nhất thời rồi sẽ được chấp nhận, thứ tha. Báo Sống đã sống  một cuộc đời ngắn ngủi  nhưng đầy ý nghĩa trong những năm tháng báo chí, văn học phát triển hết sức sôi động và tiến những bước dài thần tốc. Lịch sử có những giai đoạn không bao giờ lặp lại nữa, và văn chương có những sản phẩm của một thời. Dù thành dù bại, dù ngắn dù dài, mỗi sản phẩm đều bị chi phối bởi thời đại và ảnh hưởng ngược trở lại thời đại. Báo Sống không phải là một tờ báo mang tính cột mốc, là nơi bắt đầu cho những vấn đề lớn lao của văn học nước nhà như Phụ nữ tân văn, không phải là tờ báo rình rang với những cuộc tranh luận kịch liệt như Nam phong, Phong hóa, Ngày Nay, không phải là tờ báo mà người ngày ấy cũng như bây giờ luôn ấn tượng và có thể gọi tên ngay khi nhắc đến… nhưng báo đã âm thầm đóng góp cho văn chương, báo chí nước nhà những công sức và thành quả mà đối với cả nền văn học là nhỏ, nhưng với từng thành viên trong cuộc lại hết sức lớn lao.

Tài liệu tham khảo

 

1.  Bằng  Giang,  (1992),  Văn  học  Quốc  ngữ  ở  Nam  Kỳ  1865  –  1930,  Nxb.  Trẻ, Tp.HCM.

2.  Đoàn Lê Giang, (2006), “Văn học quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX đến 1945, thành tựu và triển vọng”, tạp chí Nghiên cứu văn học, (7).

3.  Nguyễn Phước Thị Liên, (2008), “Chuyện ít người biết”, Chiêu Anh các, (số đặc biệt kỷ niệm 300 năm lập trấn Hà Tiên), tr.48-50.

4.  Võ Văn Nhơn, (2007), 100 câu hỏi đáp về Gia Định – Sài Gòn TP Hồ Chí Minh: Văn học quốc ngữ trước 1945, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Tp.HCM.

5.  Võ Văn Nhơn, (1992), Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nxb. Hội nhà văn, Tp.HCM.

6.  Vũ Ngọc Phan, (1951), Nhà văn hiện đại, tập I, Nxb. Vĩnh Thịnh, Hà Nội.

7.  Thiếu Sơn, (1933), Phê bình và cảo luận, Nxb. Nam Ký, Hà Nội.

8.  Mộng Tuyết, (1998), Núi Mộng gương Hồ, Nxb. Trẻ, Tp.HCM.

9.  Nguyễn Thị Thanh Xuân, (2004), Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Nxb. ĐHQG Tp.HCM.