Mấy nét về văn học Việt Nam trước thế kỷ X và về bài thơ chữ Hán viết vào thế kỷ VII của người Việt Nam

In bài này

I. Hiện nay chúng ta chưa biết gì nhiều hơn về văn học viết Việt Nam trước thế kỷ thứ X (trước thời Lý Trần) ([1]) ngoài vài tác giả, tác phẩm mà cố GS. Nguyễn Đổng Chi, PGS. Trần Nghĩa, PGS. PTS. Nguyễn Đăng Na, học giả Lê Mạnh Thát đã giới thiệu ([2]).

Nhờ thế, có thể nói rằng văn học viết Việt Nam trước thế kỷ X không đến nỗi ít ổi như trước đây nhiều người đã nghĩ. Một bài chiếu thư của Triệu Vũ Đế([3]) viết năm 179 TCN tuyên bố bỏ các nghi vệ hoàng đế; một bài hịch của Lữ Gia viết năm 113 TCN bố cáo với người trong nước để kể tội Cù Thị (Cù Hậu – vợ Triệu Đà) sắp bán nước ta cho nhà Hán; một bài sớ của Lý Tiến và cuộc biểu tình nhỏ của Lý Cầm trước sân rộng vào ngày tết dưới triều Hán Hiến Đế (190-220) để đề nghị đối xử bình đẳng với kẻ sĩ người Việt Nam; Một Sĩ Nhiệp được mệnh danh là  “Nam Giao học tổ”, người có công “đem lại cho kho văn học được khá nhiều dấn vốn, có thể tiêu biểu cho ngót chục thế kỷ ấy được” ([4]); bài văn sách Đối trực ngôn cực gián sách và Bài phú Bạch vân chiếu xuân hải “với văn chương lời lẽ tao nhã mà thoát sáo, được người đời Đường xưng phục”([5]) của tiến sĩ Khương Công Phụ; bài văn Đối bình bộ thí xạ phán của TS. Khương Công Phục; Lời biện bác với vua Hán Minh Đế của Trương Trọng; bài thơ Đề Lữ sấn của Liêu Hữu Phương; hai bài thơ của anh học trò vô danh có nhan đề Tống mã Thực và Thích An Nam sự ([6]); Một chùm sáu bức thư tranh luận về “có hay không có hình đức Phật” của hai vị sư người Việt tên Đạo Cao và Pháp Minh với sự quân Lý Miễu ở thế kỷ V (khoảng từ 433 – 455). Theo Lê Mạnh Thát, Đạo Cao là tác giả của hai bức thư (số 2, số 4) trong 6 bức thư; ông còn là tác giả của 3 cuốn sách Tá âm, Tá âm tự, và Đạo Cao pháp sư tập. Tá âm là cuốn sách mượn tiếng Việt để ghi lại, mô tả lại những đồ vật của người Việt mà từ Hán không thể diễn đạt. Còn Tá âm tự có thể là một cuốn tự điển về những chữ mượn âm Việt Nam để giúp cho việc tra cứu các tiếng mà tự điển Trung Quốc không có. Đạo Cao pháp sư tập là một tuyển tập ghi chép lại những bài viết về tư tưởng đạo Phật để hoằng dương chánh pháp. Rất tiếc ba cuốn sách này không còn, chỉ còn lại 6 lá thư có ghi lại trong Hoằng Minh tập của Tăng Hựu ([7]) . Thơ của Phùng Đái Tri mà vua Đường Cao Tổ đã khen là “không nhường Trung Quốc” (bất tốn ư Hoa hạ).

 Nếu mở rộng ra, xem những tác phẩm (kể cả dịch phẩm) của người gốc nước ngoài đã sống, nhập tịch từ lâu tại Việt Nam hoặc sinh ra tại Việt Nam rồi học hành, viết sách tại đây, ca gợi Việt Nam, thể hiện rõ bản sắc dân tộc thì có thể kể thêm một số tác giả như Mâu Bác và Khương Tăng Hội. Bởi lẽ, tuy họ là gốc người nước ngoài nhưng nội dung tác phẩm lại khẳng định bản sắc văn hoá Việt Nam. Mâu Bác ([8]) với tác phẩm Lý hoặc luận viết năm 198 gồm 37 câu hỏi và trả lời. Đây là một tác phẩm lý luận về Phật học nổi tiếng ở các nước phương Đông. Trong tác phẩm, tác giả đã dùng lời lẽ của Nho – Lão để đã kích Nho – Lão và hoằng dương Phật pháp, đã “mạnh mẽ khẳng định văn hoá Việt Nam và nghiêm khắc phê phán tư tưởng đại Hán nô dịch” ([9]).

Khương Tăng Hội([10]) là người đã dịch, chú sớ và viết lời tựa (tự) nhiều cuốn kinh như Lục độ tập kinh (dịch); pháp cảnh kinh, Đạo thọ kinh, An ban thủ ý kinh (chú sớ và đề tựa).

Theo Lê Mạnh Thát ông còn là người chép lại truyện cổ Việt Nam trong Lục độ tập kinh và nhiều truyện cổ có nội dung, chi tiết tương tự mà chúng ta có thể tìm thấy trong bộ sưu tập Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của GS. Nguyễn Đổng Chi. Về mặt ngôn ngữ, cũng theo Lê Mạnh Thát, trong Lục độ tập kinh bằng chữ Hán có 15 trường hợp viết theo cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, điều đó chứng tỏ, trước khi dịch Lục độ tập kinh sang chữ Hán, Khương Tăng Hội đã có trong tay một bản kinh tiếng Việt ([11]).

Cũng vào thế kỷ thứ III, người cùng thời với Khương Tăng Hội có tên Đạo Thanh một nhà sư Việt Nam đã cùng với Chi Cương Lương (Cương Lương lâu Chí – Chi Cương Lương Tiếp), người Ấn Độ, dịch kinh Pháp Hoa tam muội.

Cũng ở bộ phận văn học Phật giáo, vào thời Bắc thuộc lần 3 (khoảng 603 – 939), các nhà sư Việt Nam sang Trung Quốc Giảng kinh, có xướng hoạ thơ văn với các nhà sư, các thi sĩ đời Đường. Rất tiếc những bài thơ này hiện chưa tìm thấy, chỉ còn lại một số bài thơ của các nhà thơ, nhà sư Trung Quốc như Dương Cự Nguyên, Trương Tịch, Giả Đảo, Liễu Tử Hậu, Thẩm Thuyên Kỳ viết tặng các nhà sư, các nhà thơ Việt Nam như Phụng Đình pháp sư, Nhật Nam tăng, Duy Giám pháp sư, Hoàng Hoà Tân, Liêu Hữu Phương, Vô Ngại Thượng Nhân mà sách Loại hàm anh hoa của Trung Quốc và sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quí Đôn có ghi lại. Cũng cần nêu thêm một tác giả nữa, đó là Tinh thiều. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi “Tinh Thiều là người giỏi văn chương” mà sau này Lê Quí Đôn có chép trong Kiến văn tiểu lục. Rất tiếc, đến nay, tác phẩm của ông hiện không còn lưu truyền.

Một điều thú vị là, dù hiện nay chúng ta chưa tìm thấy những tác phẩm, những bài thơ của các tác giả vừa nêu trên, nhưng chúng ta cũng có thể nói rằng, các vị là những người giỏi thơ văn, có lẽ có làm thơ xướng họa, nên các nhà thơ nổi tiếng đời Đường mới có thơ tặng.

Bên cạnh những tác giả trên, có thể kể thêm một số trí thức là nhà sư Việt Nam đã từng du học ở nước ngoài (Trung Á, Ấn Độ, Trung Quốc) có về Việt Nam truyền đạo và có khả năng đã sáng tác văn chương như Vận Kỳ, Giải Thoát Thiên, Khuy Xung, Trí Hạnh. Tuệ Viêm, Đại Thừa Đăng mà các tài liệu của Nguyễn Lang, Lê Mạnh Thát… có chép lại ([12]).

Tuy không nhiều lắm nhưng bấy nhiêu tác giả,tác phẩm nêu trên cũng đủ làm nên diện mạo văn học Việt Nam trước thế kỷ thứ X. Và theo tôi, đó chính là thời kỳ phôi thai, hình thành để tạo nên sức bật cho văn học viết Việt Nam giai đoạn sau phát triển mạnh, khi nước nhà giành được độc lập với chiến thắng Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào mùa đông năm 938, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc.

II. Trong số 6 người Việt Nam kể trên thì Đại Thừa Đăng là người viết khá nhiều. Đây là những cuốn sách lý giải những bộ kinh, những bộ luận của Phật giáo như: Câu xá luận ký, Duy thức chỉ nguyên, Đại Từ Bách pháp minh môn luận thuật ký… Ngoài ra, Đại Thừa Đăng còn là tác giả của một bài thơ Thương Đạo Hy pháp sư. Căn cứ vào tài liệu gốc của Nghĩa Tịnh Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện, quyển thượng (Nghĩa Tịnh là người sống cùng thời, là bạn của Đại Thừa Đăng) mà sau này Nguyễn Lang (Việt Nam Phật giáo sử luận), Lê Mạnh Thát (Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam), Minh Tuệ (Lược sử Phật giáo Việt Nam) có ghi lại, ta có thể phát biểu về hành trang của Đại Thừa Đăng như sau: Đại Thừa Đăng cũng đọc là Đại Thặng Đăng. Theo Lê Mạnh Thát, ông cũng chính là Phổ Quang hay Đại Thừa Quang. Hiện chưa biết đích xác năm sinh, năm mất của ông, chỉ biết ông sống vào thế kỷ thứ VII và là một trong 6 nhà sư Việt Nam du học ở nước ngoài, có về Việt Nam truyền giáo. Tên tiếng Phạn của ông là Ma Ha Da Na Bát Địa Dữ Ba (Mahayãna Pradipa). Ông gốc người Ái Châu (vùng Thanh Hoá bây giờ). Từ nhỏ theo cha mẹ sang sống ở xứ Đỗ Hoà La Bát Đế (Dãravati) Ấn Độ và lớn lên xuất gia tu học ở đó. Một thời gian sau (không rõ là bao lâu) ông theo sứ giả Diệm Tự về Trung Quốc và thọ đại giới với sư Đường huyền Trang tại chùa Từ Ân. Sau một thời gian ở Trung Quốc, sư trở về Giao Châu truyền giáo rồi theo đường biển đi Tích Lam, qua Ấn Độ tiếp tục du học, hành đạo. Sách còn ghi rằngA6ông có tư chất thông minh nên thấu hiểu nhiều kinh sách; ông giỏi tiếng Phạn nên đã dùng tiếng Phạn để chú thích kinh tiếng Phạn. Những bộ kinh đã được ông giải thích như Luận duyên sinh (Nidãnacastra) cùng một số bản kinh khác. Từ Nam Ấn Độ, ông cùng Nghĩa Tịnh đến Trung Ấn, thăm chùa Na Lan Đà, một trung tâm Phật giáo lớn của Ấn Độ bấy giờ, nơi giao lưu giữa Tiểu thừa và Đại thừa Phật giáo; sau viếng toà Kim Cương (Vajrãsana) rồi về thành Phệ xá lỵ (Vaisãli) và chiêm bái nhiều Phật tích. Về sau ông tịch ở chùa Bát Niết Bàn (Parinirvãna) ở thành Cây Thi, thọ 60 tuổi. Một lần, sư đã đền nơi xưa kia người bạn Trung Quốc của ông tên Đạo Hy pháp sư từng cư ngụ. Đến nơi, chỉ thấy bút tích chép các văn bản bằng chữ hán, chữ Phạn của bạn; còn người thì đã tịch diệt. Nhớ người bạn đồng học, đồng tu ngày nào ở Tràng An Trung Quốc, giờ chỉ còn dấu tích nên ông đã rơi lệ tiếc thương và viết  bài thơ.

Bài thơ Thương Đạo Hy pháp sư  được sáng tác vào năm 675 trong hoàn cảnh vừa nêu. Bài thơ đã được Nghĩa Tịnh chép trong Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện, quyển thượng, tờ 4c 11 -13. Bài thơ như sau.

                        Phiên âm:

Ta hỹ tư vương

Kỳ lực di cường

Truyền đăng chi sĩ

Yến dĩ vân vong

Thần châu vọng đoạn

Thánh cảnh hồn dương

Quyến dư trường nhi lưu thế

Khái bố tố nhi tình thương ([13])

 

                        Dịch thơ:

Khốn nỗi nhớ ông

Sức vẫn còn cường

Truyền đăng một đấng

Bỗng chốc tiêu tan

Hồn lìa khỏi xác

Về cõi Tây phương

Đoái trông buồn mà rơi lệ

Nghĩ khổ cực mà tình thương.

 

Nếu thơ là tiếng nói tâm tình, là tiếng lòng, là sự giãi bày tình cảm, cảm xúc của cái tôi cá nhân nhà thơ đối với khách thể thì bài thơ trên là tiếng lòng, là tình cảm thống thiết, là dòng lệ nhớ thương nuối tiếc của Đại Thừa Đăng đối với người bạn Đạo Hy. Bài thơ một mặt ca ngợi người bạn của mình “sức ông vẫn còn cường tráng” và “đang truyền bá đạo pháp” (kỳ lực di cường, truyền đăng chi sĩ); mặt khác, bài thơ còn ghi lại một hiện thực phũ phàng: cái chết thật đột ngột của bạn (yến dĩ vân vong; thần châu vọng  đoạn) và cầu mong bạn về cõi Tây phương!

Hai câu cuối của bài thơ là lời bộc bạch, là tiếng khóc đớn đau, xé ruột xé gan của nhà thơ đối với bạn: “Quyến dư trường nhi lưu thế – Khải bố tố nhi tình thương”.

Bài thơ chỉ có 8 câu. Sáu câu đầu mỗi câu 4 chữ phù hợp với lối kể chuyện, 2 câu cuối, mỗi câu 6 chữ âm điệu mượt mà làm cho mạch thơ dàn trải ra, dễ bộc lộ nỗi cảm xúc, tạo âm vang cho tứ thơ. Nếu thơ thời cổ – trung đại mang nặng yếu tố “phi ngã” thì ngược lại, qua bài thơ lại bộc lộ rõ nét. Phải chăng đây là nét mới của bài thơ?

(Tạp chí Văn học, số 10 – 1997)

 



[1] Về tên gọi văn học thời kỳ này, GS. Nguyễn Đổng Chi trong Việt Nam cổ văn học sử gọi là “thời kỳ phát đoan”, PGS, Trần Nghiã, PGS – TS. Nguyễn Đăng Na gọi là “Văn học viết thời Bắc thuộc”.

[2] Xin xem: Nguyễn Đổng Chi Việt Nam cổ văn học sử (1942): Trần Nghĩa: Một số tác phẩm mới phát hiện có liên quan tới dòng văn học viết bằng chữ Hán của người Việt thời Bắc thuộc. Tạp chí văn học, số 4 (tháng 8-1975); Nguyễn Đăng Na: về phương pháp viết văn học sử của GS Nguyễn Đổng Chi, Tạp chí văn học, số 3 – 1996; vài  nét văn học Việt Nam thời trung đại. Tạp chí tác phẩm mới số 8-1996; Lê Mạnh Thát; Sơ khảo lịch sử Phật giáo Việt Nam; tập 1, tập 2A, tập 2B, Tu thư Vạn Hạnh, in roneo 197 và 1979.

[3] Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) có phải là người Việt không là một vấn đề phức tạp.

[4] Theo Nguyễn Đổng Chi: Việt Nam cổ văn học sử Phú Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, tái bản 1970; tr. 76.

- Đánh giá Sĩ Nhiếp có phải là người Việt không là một vấn đề phức tạp.

[5] Theo Nguyễn Đổng Chi, tlđd, tr 87.

[6] Theo Lê Mạnh Thát thì đó là anh cử nhân vô danh (Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2A, Tu thư Vạn Hạnh, bản in roneo, 1979).

[7] Theo Lê Mạnh Thát: Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2A, Tu thư  Vạn Hạnh, 1979; Trần Nghĩa; Sáu bức thư hay cuộc tranh luận… tạp chí Hán Nôm, số 2 – 1995.

[8] Mâu Bác (Mâu Tử) người Trung Quốc, đời Tam Quốc loạn lạc nên ông đã đưa mẹ sang lánh nạn tại Giao Châu. Trước đây Mâu Bác theo đạo Hoàng Lão (tu tiên, sau quy y Phật và viết sách Lý hoặc luận, dùng lời lẽ Nho – Lão để ca ngợi Phật giáo.

[9] Theo Lê Mạnh Thát: Nghiên cứu về Mâu Tử, Tu thư Vạn Hạnh, 1982, và lời nói đầu Khương Tăng Hội toàn tập, tập 1, Tu thư Vạn Hạnh, 1975.

[10] Khương Tăng Hội người gốc Khương Cư, tổ tiên dời sang Ấn Độ, cha của Hội tử Ấn Độ sang Việt Nam buôn bán, lấy vợ rồi sinh Hội tại Việt Nam. Khi Hội hơn 10 tuổi, cha mẹ qua đời, ông xuất gia tu học rồi viết sách, dịch kinh ở Việt Nam, đó sang giáng đạo nở Kinh đô Kiến Nghiệp (nước Ngô) Trung Quốc, vào năm Xích Ô 247.

[11] Theo Lê Mạnh Thát: Khương Tăng Hội toàn tập, Tu thư Vạn Hạnh, 1975.

[12] Theo Nguyễn Lang “Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Lá Bối xuất bản, sài gòn, 1971; Lê Mạnh Thát” Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam (in roneo), tập 1, tập 2A, 2B (Cảo bản). Tu thư Vạn Hạnh, 1976 và 1979: Minh Tuệ: Lược sử Phật giáo Việt Nam, 1993.

[13] Dẫn lại theo Lê Mạnh Thát: Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2A. Tu thư Vạn Hạnh, 1979 (Cảo bản, in roneo).