Tú Xương viết câu đối Tết

In bài này

Xuân về Tết đến, có câu đối đỏ treo trong nhà thì thật là trang trọng, thiêng liêng, mới tỏ rõ không khí của ba ngày Tết. Trong tâm lý của người phương Đông, trong đó có người Việt chúng ta, màu đỏ là màu của sự may mắn, hạnh phúc, tốt đẹp. Cho nên, mỗi dịp Tết đến xuân về, chủ nhân của những gia đình có chữ nghĩa thường viết và treo câu đối Tết.

Câu đối có nguồn gốc ở Trung Hoa, gắn với văn hoá Nho giáo. Về đặc trưng thi pháp, đã là câu đối thì buộc hai vế phải đối nhau cân chỉnh, đặt theo lối thơ hay theo lối câu song quan, câu cách cú, câu gối hạc của văn biền ngẫu với niêm luật chặt chẽ. Câu đối được viết ra với nhiều mục đích và ý nghĩa khác nhau. Có thể là ra vế đối để thử tài trí thông minh người khác, hay viết ra để tỏ chí, hoặc viết để chia buồn (phúng điếu) hay chia vui (hỷ sự) trong các dịp hiếu hỉ, có khi viết để ca vịnh danh lam thắng cảnh sơn thuỷ hữu tình, hoặc đề ở nơi tôn nghiêm như lâu đài, đình chùa, miếu mạo, bàn thờ tổ tiên v.v.. và viết trong dịp xuân về Tết đến. Do vậy, về phân loại, có nhiều loại câu đối như câu đối tức cảnh (thấy cảnh gì thì đối ngay cảnh ấy), câu đối sách (lấy ý nghĩa, lấy chữ trong kinh sách mà ra vế đối cũng như đối lại), câu đối chơi chữ (dùng tiếng lóng hoặc chiết tự), câu đối tả chí (nói chí hướng của mình) v.v.. Vì thế, câu đối phải cô đọng, hàm súc và tinh tế thì mới có hiệu quả, mới đạt chất lượng cao về nội dung tư tưởng lẫn nghệ thuật. Về hình thức câu đối, thường gặp các dạng: câu đối đặt theo lối song quan gồm câu đối vặtcâu đối thơ ; còn câu đối đặt theo lối cách cú hay gối hạc (hạc tất), hoặc dài hơn nữa thì gọi là câu đối phú.

Câu đối vặt còn gọi là câu tiểu đối, thường mỗi vế có 3 hay 4, hoặc 6 tiếng (dù câu đối 5 tiếng đã có trong thơ ngũ ngôn bát cú nhưng nếu đứng riêng lẻ, người xưa vẫn xếp là câu đối vặt, vì nó ngắn quá, chưa thể hiện hết ý nghĩa trang trọng). Ví dụ như câu đối Trạng Quỳnh khi còn nhỏ đối lại vế đối của ông Tú Cát nêu ra: Trời sinh ông Tú Cát; Đất đẻ con bọ hung (cát: tốt; hung: xấu. Ngoài chơi chữ, vế đối lại của Trạng còn có ý phúng thích nữa).

Câu đối thơ là câu đối mà hai vế của nó phải đặt theo đúng luật của thơ thất ngôn quy định, tức mỗi vế có 7 tiếng như trong cặp câu thực, cặp câu luận của bài thất ngôn bát cú Đường luật. Chẳng hạn, đây là câu đối của Tú Xương về cảnh Tết: Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo; Nhân tình bạc thế lại bôi vôi.

Câu đối phú là câu đối mỗi vế dài đến 8, 9, 10 tiếng có khi đến mấy chục tiếng. Chẳng hạn như câu đối của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (vế ra) và của Chu Thần Cao Bá Quát (vế đối lại) có 65 tiếng (về câu đối này có tài liệu ghi là của Nguyễn Công Trứ viết ra để tự tổng kết cuộc đời mình); hay câu đối của Tam nguyên Yên Đổ khóc vợ, mỗi vế có 34 tiếng: Nhà chỉn cũng nghèo thay, nhờ được bà hay làm hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân đăm đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc; Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa chạm tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm?

Về câu đối Tết, trong văn chương Trung Quốc và Việt Nam thời trung đại không thiếu. Giáp Tết, các cụ thường chuẩn bị giấy bút và mài mực sẵn để viết câu đối. Trần Tế Xương (1870-1907) cũng thế. Ông Tú đất Vị Xuyên này là một người lắm chữ nghĩa, giỏi văn chương, nhất là văn chương Nôm, một bậc “thần thơ thánh chữ” với tài trào lộng hiếm có trong văn chương trung đại Việt Nam, chỉ hiềm một nỗi là suốt mấy chục năm đi thi mãi mà chỉ mới giật được cái Tú tài cuối bảng vào năm Giáp Ngọ (1894), rồi mấy khoa tiếp theo vẫn hỏng thi, nhưng lại “nổi tiếng tài hoa” như lời ông tự bạch.

Sống trong cảnh túng quẫn, bức bách có khi “Van nợ lắm khi trào nước mắt; Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”, và sinh kế gia đình đều trông chờ vào tài năng đảm đang của bà Tú. Dù Tú Xương có viết nhiều bài thơ về cảnh nghèo, nhưng lại không thấy ông viết câu đối Tết nói về cảnh này như cụ Uy Viễn tướng công trước đó hơn nửa thế kỷ. Tú Xương chỉ có một bài hát nói đủ khổ, đúng cách ghi lại chuyện ngày Tết viết câu đối. Hãy đọc lại cả bài:

Ngày tết dán câu đối

Nhập thế cục bất khả vô văn tự,

入 世 局 不 可 無 文 字

Chẳng hay ho cũng nghĩ một vài bài,

Huống chi mình đã đỗ Tú tài,

Ngày tết đến cũng phải một vài câu đối.

Đối rằng :

Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài;

極 人 間 之 品 價, 風 月 情 懷;

Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt.

最 世 上 之 風 流, 江 湖 氣 骨.

Viết vào giấy dán ngay lên cột,

Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay ?

“Rằng hay thì thực là hay,

Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú tài,

            Xưa nay em vẫn chịu ngài !”

Giọng điệu bài hát nói hóm hỉnh, trào tiếu, vui vui có nét khác đôi chút với giọng thơ trào phúng của ông khi cười đời, cười người.

Mở đầu là lời giới thiệu trịnh trọng qua câu thơ chữ Hán: “Nhập thế cục bất khả vô văn tự” (Vào cuộc đời không thể không có chữ nghĩa), vì chủ nhân của nó ít ra cũng đỗ được Tú tài, cho dù cái học vị Tú tài dưới triều nhà Nguyễn chẳng phải là con đường tiến thân, để triều đình bổ dụng chức quan ! Cho nên, theo Tú Xương thì “Ngày Tết đến cũng phải một vài câu đối”.

Câu đối Tết năm ấy được Tú Xương viết như sau:

Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài;

極 人 間 之 品 價, 風 月 情 懷;

Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt.

最 世 上 之 風 流, 江 湖 氣 骨.

Đây là câu đối phú được đặt theo lối câu cách cú, thể tứ lục, loại tả chí. Câu đối Tết mà nội dung của nó không nói chuyện ngày Tết, cũng không thể hiện niềm mong ước của mình, của vợ con và gia đình trong năm mới, mà lại nói chuyện cá nhân của người viết ra nó. Đó là cái phẩm giá cực tốt hơn người, hơn đời với lòng mến gió thích trăng; là tính phong lưu nhất trần đời, với cái khí cốt giang hồ. Nói chung, qua câu đối, ông Tú Vị Xuyên đã tự bạch về phẩm chất, phong lưu hơn đời hơn người của mình. Câu đối Tết như thế mới lạ !

Câu đối đã viết xong, được dán ngay lên cột, ông Tú hỏi bà Tú: “Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay ?”. Bà khen câu đối hay: “Rằng hay thì thực là hay”. Cái độc đáo của câu trả lời là ở chỗ bà Tú không thẩm định, bình giá câu đối được viết ra theo tiêu chuẩn nội dung ý nghĩa, chất lượng nghệ thuật của nó mà lại đánh giá theo tiêu chuẩn học vị của người viết ra nó: “Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú tài” và theo thói quen của bà: “Xưa nay em vẫn chịu ngài”. “Chịu” là chấp nhận, chiều chuộng chăm lo hết mực chu đáo những gì mà ông Tú đòi hỏi trong cuộc sống đời thường hàng ngày. Ông Tú có được người vợ đảm đang, hiền thục, thương chồng lo cho con như bà Tú quả ông là một con người hạnh phúc nhất trần gian, khó có ai sánh bằng, cho dù cuộc đời và con đường thi cử của ông thật gập ghềnh, lận đận!

Chuyện câu đối Tết của người xưa thì nhiều. Ở đây chỉ nói lại đôi lời để góp vui, giúp quý vị giải khuây trong ba ngày Tết mà thôi.

  Nguồn: Tạp chí Nha Trang

Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa,

Số 196-197, Xuân Nhâm Thìn 2012.