"Tôi đi tìm giá trị giữa cõi vô minh"

In bài này

(Ghi chép từ buổi giao lưu với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

do khoa VN-NN tổ chức ngày 23/03/2012)

Nhiều sinh viên khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐHKHXH&NV Tp.HCM, từng không chỉ gặp gỡ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua trang sách dù ông sống tận Hà Nội. Nhà văn đã nhiều lần dành thì giờ để giao lưu với nhiều lớp sinh viên hệ Cử nhân tài năng của khoa mỗi khi họ có dịp ra thực tập ở thủ đô. Thế nhưng buổi giao lưu sáng ngày 23/03/2012 tại trường ĐHKHXH&NV Tp.HCM có lẽ là lần đầu tiên ông trò chuyện với đông đảo thầy trò của khoa, gồm cả sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, và cả những độc giả khác quan tâm đến các sáng tác của ông. Giữa khán phòng đông người, Nguyễn Huy Thiệp vẫn không có vẻ gì là một diễn giả. Ngược lại, ông vẫn nói như thể đang trò chuyện với những người bạn, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề bằng một giọng điệu từ tốn, hơi có phần lan man mà ông tự nhận là “nhà quê và tẻ nhạt”.

 

Lần đầu gặp nhà văn, nhiều sinh viên tỏ ra tò mò về chuyện bếp núc văn chương của ông, đặc biệt là khi họ bất ngờ nhận ra tác giả của những lời lẽ và cách nhìn sắc sảo trong Vàng lửa, Kiếm sắc, Con gái thuỷ thần, Không có vua, Tướng về hưu… lại có vẻ mộc mạc, hiền lành đến thế. Ông khuyên sinh viên đừng hỏi một nhà văn viết như thế nào, mà hãy hỏi nhà văn ấy sống như thế nào. “Văn không tải đạo, văn là đạo. Nước không chở sóng, nước là sóng”. Đối với ông, cảm hứng sáng tác nhiều khi là những kỷ niệm, hoặc phản ánh những cảm xúc, suy nghĩ đã trải qua trong đời sống.

Ông nói khá nhiều về những nghịch lý của cuộc đời. Ta hay bị đánh lừa bởi những thứ ở bên ngoài, dù ta vẫn biết không phải lúc nào trong ngoài cũng thống nhất. Khi còn trẻ, ta hiếu danh hiếu lợi, nhưng có danh lợi rồi lại thấy vô nghĩa. Thế nhưng chúng ta vẫn luôn tìm, tìm rồi bỏ đi và tìm những thứ khác. Ông chiêm nghiệm khá nhiều về những quan điểm của Thiền, thấy cuộc sống vô minh nhưng càng phải tìm những giá trị giữa cõi vô minh, tìm mối quan hệ với bạn bè, với chính trị, với thời thế. Và ông cho rằng chính những điều này làm nên tác phẩm của ông.

Một độc giả chia sẻ về niềm hứng thú với những sáng tác mang đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp – một người từng là thầy giáo dạy sử nhưng viết về lịch sử rất không giống sách lịch sử. Cũng với quan điểm về tính hai mặt và nghịch lý của cuộc đời, ông giãi bày về vấn đề muôn thuở của những văn bản chép sử, ấy là chúng luôn được viết lên từ một phía, phản ánh quan điểm của người ghi chép, trong khi người đọc lại mong đợi một cái gì đa chiều và chân thực như chính cuộc sống. Ông cho rằng có lẽ những tác phẩm về lịch sử của ông đã vô tình trùng với tưởng tượng của nhiều độc giả, những người luôn muốn tìm hiểu những sự việc quen thuộc từ một góc khác. Vì thế, những tác phẩm ấy được độc giả đón nhận. Con người lúc nào cũng bước lệch bên nọ, bên kia, và luôn khao khát đến một trạng thái cân bằng nào đó. Tìm hiểu sự việc ở một đối cực khác là một cách tìm lại sự cân bằng.

Khẳng định mình chưa bao giờ đọc triết học hiện sinh và văn học hiện thực huyền ảo phương Tây, Nguyễn Huy Thiệp làm ngạc nhiên nhiều người vì tác phẩm của ông mang đậm phong cách của những trào lưu này. Ông chủ yếu tìm hiểu về lịch sử, văn hoá và văn học dân gian Việt Nam. Thế mới biết thế giới này gặp nhau ở nhiều chỗ.

Vong bướm, sáng tác mới nhất của ông thu hút sự quan tâm của nhiều người trong buổi giao lưu. Đó là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của ông sau một thời gian dài vắng bóng trên văn đàn, và quan trọng hơn đó là sự bứt phá của ông khỏi thế giới truyện ngắn – thế giới mà ở đó ông đang làm vua – để khai phá mảnh đất mới: chèo.

Trả lời câu hỏi của một độc giả rằng ông có sợ rằng chèo Nguyễn Huy Thiệp mang cái bóng của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp hay không, ông nói nửa đùa nửa thật: “Tôi là người cầm bút mà, tôi phải viết nhiều thể loại để kiếm sống chứ”. Nhưng sau đó ông nhanh chóng trở lại nghiêm túc trao đổi vấn đề. Nguyễn Huy Thiệp cho rằng văn chương cũng như cái radio, độc giả phải rà tần số, có người bắt được tần số, có người không. Có người sẽ thích truyện ngắn của ông, có người sẽ thích kịch của ông, chèo của ông, mà cũng có người chẳng thích cái nào. Một người cũng không thể bắt sóng được trong mọi thời điểm. Có lúc này họ thích, lúc khác họ sẽ lại không thích. Vì thế, ông không quá lo lắng về vấn đề này.

Nguyễn Huy Thiệp cũng thẳng thắn chia sẻ với độc giả trong buổi giao lưu về những dư luận trái chiều mà ông gánh phải cùng với Vong bướm, khi ông vẫn bị xem là người ngoại đạo của loại hình nghệ thuật này, và viết chèo “chẳng giống ai”. Việc chèo của ông có được trình diễn trên sân khấu hay không, ông tin vào chữ “duyên” của nhà Phật. Có duyên thì mới thành tựu được điều gì. Nếu có duyên gặp được những người nghệ sĩ chèo mơ mộng, sáng tạo và không định kiến thì Vong bướm sẽ đến được với khán giả sân khấu một ngày nào đó.

Trong buổi giao lưu, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng nêu lên quan điểm của ông về vấn đề này. Cái mới nào cũng phải oằn mình chống chọi với định kiến, dù nó chính là cơ hội và động lực của sự phát triển. Ông cho rằng Nguyễn Huy Thiệp đáng được ghi nhận ở chỗ biết viết khác đi, mới hơn, và đây chính là đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp vào tiến trình văn học Việt Nam.

Với tư cách là người sáng tác, nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh chia sẻ với Nguyễn Huy Thiệp sự cô đơn của người cầm bút bằng câu thơ bông đùa dí dỏm: “Người mạnh nào cũng cô đơn/ Vì rằng kẻ yếu đông hơn rất nhiều”. Chỉ có sáng tạo mới có thể giúp nhà văn nhìn thấy cái mới của cuộc sống, nhưng sáng tạo điều gì cũng có nghĩa là nhà văn là người đầu tiên nhìn thấy được điều đó, và vì thế nên họ cô đơn.

Buổi giao lưu kết thúc khi nhiều người vẫn còn muốn được nghe nhà văn tự nhận là “nói chuyện kém duyên và quê mùa” ấy nói tiếp. Có lẽ cái chân thật, mộc mạc của ông đã cảm mến được nhiều người, dù đó chỉ là lần đầu tiên họ gặp duyên được nghe ông nói.

                                                                                    Nguyễn Thị Phương Thúy ghi