(Nguyễn Hữu Sơn, Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 12 (66), tháng 7/2013)
TÓM TẮT
Từ nửa đầu thế kỷ XX, nhiều cây bút tên tuổi đã để lại những trang du ký sinh động và đặc sắc về vùng núi phía Bắc. Những trang viết này vừa có ý nghĩa văn chương vừa là những tư liệu khảo sát, điền dã, những ghi chép về địa lý, lịch sử, phong tục tập quán về những địa danh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ... Cho đến ngày nay, những trang viết một thuở này đã trở thành những di sản đầy giá trị trong kho tàng văn học Việt Nam, giúp người đọc hiện đại nhìn lại đời sống kinh tế - văn hóa và những bước phát triển đáng lưu ý của vùng cao phía Bắc dưới thời thực dân - phong kiến.
***
(Ảnh: Phong cảnh Lào Cai)
Tìm lại các nguồn sách báo trước cách mạng tháng Tám 1945 chúng ta thấy xuất hiện các trang du ký viết về miền núi phía Bắc hoặc trên đường lên vùng cao phía Bắc với tên tuổi Nguyễn Văn Bân, Nhạc Anh Hoàng Văn Trung, Phạm Quỳnh, Nguyễn Thế Xương, Thái Phong Vũ Khắc Tiệp, Nhật Nham Trịnh Như Tấu, Lan Khai, Ngọc Ước... Các tác giả này hầu hết là quan lại địa phương, nhà giáo hoặc ký giả báo chí qua thăm miền Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái - Hòa Bình - Lai Châu và sau đó thuật chuyện lại. Những trang du ký này vừa có ý nghĩa văn chương vừa là những tư liệu khảo sát, điền dã về địa lý, lịch sử, phong tục tập quán, góp phần nâng cao nhận thức cho độc giả về thực tế miền sơn cước- nhất là trong điều kiện thông tin báo chí hồi đầu thế kỷ còn rất hạn chế.
Trong ghi chép Hành trình mạn ngược từ Cao Bằng xuống Phú Thọ(2), ngài Huấn đạo trường Pháp - Việt Phú Thọ là Thái Phong Vũ Khắc Tiệp tường tả lý do chuyến đi: “Tháng Octobre 1920 vừa rồi, ký giả mới ở Cao Bằng đổi về Phú Thọ. Ra về tự hôm 23 Décembre, đến hôm 26 thì tới nơi. Trong bốn hôm trời, từ mạn ngược về đàng xuôi, lịch duyệt không biết bao nhiêu là cảnh trí: nào núi cao rừng rậm, vực thẳm hang sâu; nào khoáng dã bình nguyên, danh lam cổ miếu; kìa nơi thành thị, nọ chốn thôn quê; nước non này, phong cảnh ấy, thực là cảnh rất nên thơ; tưởng phải có cái tài cao, cái học rộng, cái con mắt tinh đời, cái tấc dạ như hoa thêu gấm dệt, cái tay khiến ngòi bút như nước chảy mây bay, thời mới tả hết được cảnh thiên nhiên của tạo hóa, kỹ xảo của nhân công, thắng tích của hàng trăm nghìn năm còn để lại. Như mà tiếc thay, bỉ nhân đây, bấy lâu xa rời chữ nghĩa văn chương, quá ra thành sao nhãng đi ở nơi non xanh nước biếc; mà muốn tả cho hết những quang cảnh đi đàng ấy, tưởng cũng khó thay, rất khó thay! Giờ tiếc chẳng có bộ máy chụp ảnh thời chụp cho hết con đàng nghìn dặm để làm kỷ niệm buổi du thì. Cái câu đó cũng chẳng qua là ảo tưởng của khách si tình, chớ mong như thế có bao giờ lại được. Vậy xin cứ sự thực viết ra đây để duyệt giả chư quân tử nhàn lãm”... Sau khi chép bài thơ từ biệt Cao Bằng, tác giả viết tiếp: “Từ biệt xong mới bước chân lên ô tô, thờ trong lòng rất là bối rối: Ngại ngùng một bước một xa - Tiễn nhau nhớ khách quan hà hôm nay! Ô tô dần dần chạy nhanh lên, ngoảnh mặt lại không nhìn thấy thành phố Cao Bằng, không trông thấy bằng bối cũ với các học sinh, thời trong lòng lại càng bối rối hơn nữa: Càng trông lại mà càng chẳng thấy - Thấy xanh xanh những mấy tầng non! Xe chạy càng mau, trông lại nước non cũ lại càng xa tít. Lúc bấy giờ ngồi một mình nghĩ vơ nghĩ vẩn, nghĩ đến cảnh gió trăng sông Bằng Thủy, hoa cỏ đất Vườn Cam, thời làm cho cái tư tưởng mình nó hình như lớp lớp sóng dồn, không thể nào không cảm cho được”...
Tiếp đó tác giả kể lại chuyến đi qua núi Nậm Nàng, qua Đông Khê, Thất Khê rồi nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau đi xe lửa về ga Lạng Sơn và cùng đạo hữu qua cầu Kỳ Lừa thăm động Nhất Thanh - Nhị Thanh - Tam Thanh, đặc biệt tả kỹ cảnh đẹp Nhị Thanh: “Trước động có đề “Duyệt quân đình” là chỗ các quan Triều đình khi xưa tập quân ở đấy, đứng nơi cửa động hãy còn như văng vẳng nghe thấy tiếng “ầm ầm trống trận, rập rình nhạc quân”. Ở trong động thời bốn bề tuyền là chất đá trắng tinh, nào thạch bàn, nào thạch nhũ, nào hình nhân vật, nào hình hổ báo, nào hình hoa cỏ, tuyền bằng chất đá rất tinh sạch cả. Ở trong động có tạc hình cụ Ngọ Phong Ngô Thời Sĩ là quan trấn thủ ở Lạng Sơn về Lê triều khi trước. Cụ là một bậc gồm cả đạo đức, văn học, chính trị, đã nổi danh sử học ở nước Nam ta, thực là một bực tuyệt đỉnh nhân vật vậy. Khen thay cụ đã chọn một nơi cảnh trí rất thanh cao mà cụ ngồi lên ở đấy; in hình cụ ở đấy không những là in cái chân dung bổn tướng của cụ ra mà thực là in hết cả cái tâm sự của cụ, cái tính tình tư cách của cụ nữa. Cái chân dung bổn tướng của cụ, cái tâm sự của cụ, cái tính tình tư cách của cụ, cái tài sử học có thể so sánh với Mã sử Lân kinh của cụ. Cái tài chính trị thi thố ra khi ở triều đường, khi ở biên cương của cụ, thực đáng cùng với non sông này không bao giờ mai một đi được: Còn trời còn nước còn non - Ngàn năm ghi nhớ hãy còn danh thơm. Xem tượng của cụ thực đáng làm cho người ta khởi lòng kính mến, lại nhớ đến một bậc lão thần trọng vọng, văn học trước danh, tưởng hình như cái anh linh của cụ hãy còn phảng phất đâu ở nơi sơn thanh thủy tú,ở nơi bắc quốc trú thượ này vậy. Nhìn thắng tích các nơi danh động, xem chân dung một bậc danh nhân có thể tự mình phát hiện ra những vẻ thanh cao, quên bẵng mọi thứ ưu phiền trong trần gian tục lụy... Xem ở ngoài rồi dần dần đi vào trong thời tối lắm, bấy giờ phải thắp đuốc lên: Tưng bừng ngọn đuốc như sao - Sáng soi cho tỏ lối vào Thiên Thai. Đi vào trong thấy nước khe trong vắt, hai bên đá tuyền là sắc trắng, khi lên cao khi xuống thấp, càng đi vào càng lấy làm vui thích lắm: Lòng thơ lai láng bồi hồi - Quên mình trần tục hay người bồng lai. Có một chỗ bàn đá đẹp mà nhẵn lắm, ở trên có chữ đề là chỗ cụ Ngô Ngọ Phong cùng với khách uống rượu ở chỗ này, thực là tiên cách lắm... Ở gần đấy có hòn đá thành hình cái giếng con, lúc nào cũng đầy nước mà nước trong như lọc, tương truyền là nơi liên tỉnh, cụ Ngọ Phong khi uống rượu xong thời rửa tay ở đấy. Ở trong đời có ba cái không biến mất là lập đức, lập công, lập ngôn; như cụ Ngọ Phong thời gần kiêm được cả ba bậc ấy, cho nên không những cái chân nguyên của cụ còn lại mà cả đến bàn đá cụ uống rượu, giếng nước cụ rửa tay thời còn lưu truyền ở bia miệng thế gian mãi mãi”... Liền sau đó ký giả có thơ đề vịnh non Tô Thị, động Tam Thanh và chép nguyên văn cả phần thơ chữ Hán lẫn bản dịch các bài thơ Ngự chế của vua Khải Định, hai bài thơ thất ngôn bát cú của cụ Phù Quang Bá, Ninh Lãng Nam. Ngày hôm sau là chuyến tàu xuôi Hà Nội và ngược Phú Thọ cũng được thuật chi tiết: “Sớm mai là ngày 26 lại lên xe lửa ngược Phú Thọ. Đến Vĩnh Yên thời xuống xe, vào nhà chơi một người bạn. Vào tới nơi thời lại gặp một ông giáo ở trường Phú Thọ cũng đến chơi, thật là duyên hội ngộ may mắn lắm. Chơi Vĩnh Yên đến gần 4 giờ chiều thời tôi với ông giáo ấy lại cùng lên xe lửa... Đến 5 giờ rưỡi thời tới Phú Thọ. Tỉnh này tuy là mới mở ra nhưng trên bến dưới thuyền, cảnh cũng sầm uất. Trong tỉnh hạt có đền Hùng núi Thắm cũng là nơi danh thắng đã có tiếng. Việc thương mại, việc kỹ nghệ tuy chưa được mở mang cho mấy nhưng nhờ có các quan cai trị hết sức khoáng trương, chắc mai ngày cũng thành một nơi phồn phú”...
Theo dòng du ký tuyến biên ải phía Bắc đáng chú ý có bài Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng của học giả nổi tiếng Phạm Quỳnh(3). Mở đầu bài viết, tác giả dẫn giải kỹ lưỡng phương thức lựa chọn tư liệu và cách thức viết du ký. Cuộc du ngoạn bắt đầu bằng chuyến xe lửa, quá trưa đã đến Lạng Sơn: “Lúc mới đến tưởng trên này nóng nực chẳng kém dưới ta. Nghỉ vài giờ mới biết rằng khí hậu có mát hơn Hà Nội nhiều... Ăn uống nghỉ ngơi rồi vào chơi châu Cao Lộc là châu sở tại ngay cạnh tỉnh. Hôm ấy là phiên chợ Kỳ Lừa nên hai bên đường lũ lượt những người thổ dân đi chợ. Đàn ông đàn bà đều mặc áo xanh nhưng thỉnh thoảng cũng có người khăn the áo lượt như dưới ta. Qua chợ, bấy giờ đã về chiều, không còn ai mua bán nữa nhưng người vẫn đông, chỗ này hàng nước chanh, chỗ kia hàng bánh ngọt, túm năm tụm ba, ăn uống vui vẻ, lại có nhà ngoài cửa xúm xít những người, vòng trong vòng ngoài, ấy là sòng bạc, trên này được mở tự do, có người lĩnh trưng, không phải nghiêm cấm. Nghe nói phiên chợ ở đây đều như thế cả, chứ buôn bán thì ít; ngày phiên, người các châu có khi xa đến mấy ngày đường đem được ít thổ sản ra bán, sập sã một lúc buổi sáng rồi bán được đồng nào ăn quà bánh, uống rượu chè, vào sòng bạc, no say sạch túi rồi mới trở về, đợi phiên khác lại đi”... Sau khi kể chuyện đoạn đường xe lửa từ Lạng Sơn qua Đồng Đăng, tới Na Sầm (còn gọi là Na Cham), tác giả thuật tiếp chuyến đi bằng ô tô đến Thất Khê và Cao Bằng: “Kể cheo leo thì đường đây cũng cheo leo thật. Một bên núi cao rừng rậm, một bên rừng rậm vực sâu cái xe quanh co len lỏi ở giữa, toàn theo một kiểu chữ chi, không chỗ nào được đến một trăm thước thẳng, tay cầm máy không để yên một giây phút, cứ chuyển dịch tay hoa luôn, tưởng giá dời tay một chút thời đi đời; lại những chỗ lên dốc xuống dốc cũng phải đổi tốc độ luôn, coi cái xe như gò gẫm, hộc tốc, rền rĩ, gầm gừ mà thương cho con vật máy phải khó nhọc với giống người! Lại còn nỗi xe tải đứng chật đường nữa; tự Thất Khê lên Cao Bằng, trên đường có tới hàng nghìn cái xe như hình xe bò có mái che mà ngựa kéo của bọn phu tải người Thổ, người Nùng, người Khách chở đồ hàng hóa, trưa nắng chui vào trong xe ngủ, ngổn ngang cả dọc đường... Phong cảnh tự Thất Khê trông mới kỳ thú thay! Chỗ thời những núi đá cao hiểm trở, chồng chất nối tiếp nhau không dứt, cây rậm như rừng; cây lớn, cây nhỏ, cây giây leo chằng chịt quấn quít, rối rít như mớ bòng bong, thật không đâu có núi đá sầm uất đến thế. Thường bên đường có khe nước chảy, chỗ thời róc rách, chỗ thời đào dào như tiếng thác nhỏ, nhưng nhiều khi cũng cây cối um tùm che lấp cả. Có lẽ bởi có nhiều suối nhiều khe tẩm tưới mát mẻ nên loài thực vật mới phồn thịnh đến thế. Chỗ nào khe rộng nước nhiều, cây cao bóng mát thời bọn phu tải ngựa tải xuống bì bõm tắm giặt; coi các cái trạng thái con ngựa khi cúi đầu uống nước, khi ngửng cổ rống lên, khi xoay xỏa vẫy vùng, khi thung thăng bước một, thật đáng một bức tranh Hàn Cán nhà Đường. Chỗ thời hết núi đá cây rậm đến đồi đất cỏ xanh, ngổn ngang bát ngát, coi xa rập rờn như sóng bể. Lại chỗ thời đột ngột những ngọn cô phong, cách nhau bằng những thung lũng nhỏ, có ngòi nước chảy, có ruộng cấy cày. Những xem các phong cảnh này cũng đáng đi Cao Bằng một chuyến”... Đồng thời với việc thuật lại cảnh đón tiếp, diễn thuyết trong hội Trí Tri; việc đi thăm sở nuôi ngựa lai giống Phi châu bên phủ lỵ Hòa An, đi thăm miếu vua Lê ở địa hạt làng Na Lữ, học giả Phạm Quỳnh mô tả chi tiết và đánh giá cao hình thức sinh hoạt hát Then cùng ngày trở về: “Quan châu Hà thời đặt ở nhà một cuộc tiêu khiển riêng của xứ này là cuộc phụ tiên, đây gọi là Then hay Bụt (Tiên, Phật). Then hay Bụt thường là những đàn bà con gái óng ả lắm, đã học thuộc nhiều các bài văn cúng, nhà nào muốn làm lễ kỳ yên thời mời đến gẩy đàn đọc văn, cầu nguyện cho trong nhà được bình yên mạnh khỏe.Trên giừng bày lễ vật hương hoa, cô Then ngồi bên cạnh, tay cắp cây đàn, chân đeo tràng nhạc, miệng hát, tay gẩy, chân rung, dịp dàng lắm. Giọng hát tỉ tê thánh thót, nghe rất là buồn, như giọng gọi hồn vậy. Tưởng giá nghe chỗ vắng vẻ thời rùng mình như tiếng vong hồn nhắn người dương thế vậy. Nhưng cũng có một cái thú âm thầm não nuột. Không trách đàn bà con gái có người mê lắm, quyến luyến Then, sắm sửa chăm chút cho Then như đối với người có tình vậy. Cô Then ngồi đọc văn gẩy đàn như thế thường là suốt đêm, có khi cả đêm cả ngày không sịch chỗ, không đứng dậy mà không đổi giọng, không đứt tiếng, hình như người nào đọc được nhiều, giọng được tốt là người có tài vậy... Xem Bụt đến 3 giờ đêm thời từ giã các bạn Cao Bằng, cùng ông Ngô Tiến Cảnh lên ô tô về Na Cham. Định đi sớm thế cho mát và kịp chuyến xe lửa Lạng Sơn trưa. Nhân lại được xem cái phong cảnh núi non lúc ban đêm sáng trăng mờ và lúc tinh sương mặt trời mọc. Đến Na Cham vào lúc 9 giờ sáng, ăn cơm sớm ở đấy rồi ông Ngô lại đánh xe cho về Đồng Đăng xem ải Nam Quan. Hai bên núi chạy như thành, giữa có cái cửa, coi cũng hùng. Nhưng cớ chi phải đặt mấy chú Khách kiết, nghiện so vai để làm lính canh cửa, cho nó giảm mất cái oai một chốn hùng quan như thế? Xem xong cửa ải, vừa gặp chuyến xe lửa, từ biệt và cảm ơn ông Ngô, rồi lên xe lửa về Hà Nội”... Có thể nói nhờ những trang du ký của học giả Phạm Quỳnh như thế mà chúng ta hiểu rõ thêm phần nào tình hình đời sống xã hội, mức độ phát triển giao thông, vài nét phong tục tập quán và những thắng cảnh tiêu biểu ở vùng núi Lạng Sơn - Cao Bằng vào thập kỷ hai mươi của thế kỷ trước, cách ngày nay đã gần một thế kỷ. Đây cũng là những trang tư liệu cụ thể, sinh động, ngày càng trở nên có ý nghĩa.
Nói riêng về vùng biên viễn Thất Khê- Cao Bằng, Nguyễn Thế Xương có bài du ký Mấy ngày chơi Thất Khê(4). Chuyến du ngoạn khởi hành vào 6 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm Đinh Mão (tức ngày chủ nhật, 18-9-1927), đi bằng xe lửa từ Hà Nội đến Đồng Đăng rồi đi tiếp bằng ô tô đến Cao Bằng. Nguyễn Thế Xương kể tiếp: “Đến sáng hôm sau là ngày 24, các ông giáo đều y ước đến cùng đi chơi, tôi nhân cùng đi. Nghĩ lạ thay, mình là người Thất Khê du lịch sĩ mà lại có ông Đốc và các ông giáo làm hướng đạo sư, cách chơi như thế mới thú. Kể về khi đi chơi: Kẻ mang bầu rượu túi thơ, người đeo ống dòm súng bắn, kẻ mang bút họa đồ tắm, người đèo tập báo cuốn văn, lại có tiểu đồng quảy cơm quảy nước, cách chơi thực là mới mẻ, cách hành trang thực cũng thanh tao... Khoảng 11 giờ, ông giáo Ngô Nghiêm tức là người đồng du hôm ấy, mở tiệc ăn cơm uống rượu trong rừng, do bữa ấy ông nhiệt thành khoản đãi ông Đốc cùng các ông giáo với tôi; tôi sực nhớ năm xưa đi du lịch Yên Tử được ăn cơm rừng của ông Trương Thế Anh khoản đãi là lần thứ nhất, đến lần này đi du lịch Thất Khê được ăn cơm rừng của ông giáo Ngô Nghiêm khoản đãi là lần thứ hai, tự nghĩ lưng cơm Siếu mẫu muốn mong sau này trời cho khá giả, rắp đem nghìn vàng để trả ơn, cử tọa đều tán thán, tôi nhân có mấy lời cảm tạ: Tôi xin lấy ngày hôm nay làm ngày kỷ niệm du lịch Thất Khê, được cùng ông Đốc và các ông giáo ngắm phong cảnh Thất Khê, tắm suối Thất Khê, săn bắn Thất Khê, ăn cơm Thất Khê, uống rượu Thất Khê, ngồi trong rừng Thất Khê, thực là tư tưởng của tôi chưa từng biết đến, mộng mị của tôi chưa từng hiện ra. Trong tiệc ngồi ở một gốc cây to, một làn cỏ tốt, bên cạnh có suối, bên ria có rừng, khi đương tiệc có một thú rất kỳ là bọn đồng du đương ăn uống ở dưới gốc cây, hay đâu có bóng mặt trời soi chiếu, tôi nhân ngâm hai bài thơ để làm kỷ sự”... Ngoài việc đến thăm các làng bản, thăm chùa, tìm hiểu chế độ quan nha, nhân chủng, tục lệ, nhà du ký còn ghi chép và nhận xét thực tế tình hình học đường nơi vùng cao: “Đến 2 giờ chiều tôi định vào chơi trường, chào ông Đốc cùng các ông giáo, với xem các học sinh ở đường rừng học tập thế nào. Khi vào trường, trường này có sáu lớp, lớp nhất ông Đốc Nguyễn Huy Hoàng, lớp nhì A ông giáo Đỗ Thọ, lớp nhì B thì ông giáo Ngô Nghiêm, lớp ba ông giáo Nguyễn Văn Đệ, lớp tư ông giáo Nguyễn Lê Kỳ, lớp năm ông giáo Đỗ Mẫn. Tôi vào chào ông Đốc cùng các ông giáo, các ông đều chào lại và bảo học sinh cùng chào một cách rất lễ độ. Tôi nhân có mấy lời để dãi bày rằng: Tôi đây nhân đi du lịch Thất Khê vào chào ông Đốc cùng các ông giáo với xem các cậu học, lòng thành sốt sắng của tôi, xin chúc ông Đốc cùng các ông giáo dạy được nhiều anh tài để ganh đua ở thời kỳ tiến hóa, chúc các cậu học được chóng tấn bộ để tiến lên trình độ văn minh thì tôi lấy làm vinh hạnh vô cùng. Tôi nói xong các học sinh đều vỗ tay, rồi tôi nhân đi xem các lớp học, hỏi ra thì học sinh tới đến 300 người; chữ quốc ngữ, chữ Pháp viết cũng khá đẹp, tiếng Pháp hoại, tiếng quốc ngữ nói đã cùng thông, cách mặc thì hoặc dùng Tây phục, hoặc dùng nam trang, tôi không biết người nào là người Kinh, người Khách, người Thổ, người Nùng cả, mới biết truyền bá văn minh cốt là do ở con đường giáo dục. Ông Đốc mới đón vào chơi buồng khách nói rằng trường đây năm ngoái được bảy tám người đỗ bằng tốt nghiệp, hiện nay học ở Hà Nội, mới biết thời đại văn minh dạy người rất khéo, dẫu người Mán, người Thổ cũng đã có người học thói Tây phương; hồi tưởng lạ thay, mình là người Thất Khê du lịch khách mà thành ra người Thất Khê quan sát sứ, nhân ngâm một bài luật”... Qua mấy ngày nhàn chơi Cao Bằng, tác giả có lời kết cho bài du ký: “Sau về tới Lạng Sơn, nghĩ đến cuộc 8 ngày du lịch Thất Khê cũng là một sự ngẫu nhiên. Sự này tuy bởi tại người nhưng mà cũng bởi tự trời khiến chăng. Cuộc này sánh với các nhà du lịch năm châu thực cũng chưa lấy gì làm lạ, so với những cuộc các nhà nhàn quan bốn bể thực cũng chưa lấy gì làm kỳ, nhưng vì nước non vẫn nước non nhà có lẽ lại thờ ơ mà chẳng ghi nhớ lại sao?”... Như vậy là ngoài việc tường thuật lại những điều tai nghe mắt thấy, tác giả đã bộc lộ niềm vui và cả niềm tự hào dân tộc qua một chuyến du ngoạn lên miền cao Thất Khê - Cao Bằng.
Đặt trong tương quan với thể tài du ký, nhà văn Lan Khai có Một buổi săn đêm(5), được kể lại như một câu chuyện, một hồi ức và kỷ niệm đẹp về thời đã qua. Thêm nữa, cũng có thể coi đây là hình thức du lịch sinh thái hay một chuyến du ngoạn giải trí thú vị. Cuộc đi săn đêm ấy tuy không được con thú nào nhưng lời văn tả cảnh cho thấy con người hòa đồng với thế giới tự nhiên và đầy tính hấp dẫn, ly kỳ, phiêu lãng: “Chừng sáu giờ rưỡi chiều, mặt trời đã lăn. Trên khúc sông Lô vắng ngắt, một chiếc nan thủng thẳng ngược giòng. Trong nan, cả thảy năm người: Chúc, An, tôi và hai thuyền phu. Mặt trời lặn rồi nhưng kể ra vẫn còn quá sớm... Chúng tôi, vì vậy, hãy cho bơi thuyền ngược sông để đón ngọn gió mát chiều hôm. Mặt sông bao la, phẳng lặng như mặt hồ. Mặt tay tả, xa xa một dải núi đồi thu bóng nổi rõ trên nền trời vàng lạt. Sắc mây rạng rỡ bao nhiêu, vệt núi càng âm thầm bấy nhiêu. Ngảnh trông tay hữu thì rừng cây rậm rạp, theo lườn núi chạy hun hút lên không. Trừ một vài chỗ còn sót ánh sáng, hết thảy đều um tùm, hiểm ác, đầy những kẻ kinh hoàng của đêm tối. Tít tắp đằng phía tây, chỗ mà giòng sông như nối liền mây, tà dương còn để lại một cảnh rực rỡ lạ thường, gồm đủ các màu vàng già, đỏ sẫm, cánh sen, hạt lựu, bạch yến, tàn hương, phản chiếu xuống nước thành những vệt ngũ sắc lung lay, chắp nối nhau, đan dạm nhau như một con đường sà cừ biến chuyển, con đường nối cái hiện thực của cuộc đời với cõi thơ, cõi mộng... Đêm đã vào canh ba. Chiếc thuyền quay đảo xuôi và gạt vào gần bờ. Chèo mũi gác lên.Thuyền rập rềnh trôi theo giòng nước. Ngọn đèn săn trên mũ Chúc ném ánh sáng lên rừng, quét khắp một dải bờ hoang rậm, sói móc không sót một búi cây khóm cỏ nào. Ba khẩu súng đều nạp đạn sẵn, chúng tôi chỉ còn chờ dịp bắn”...
Trong Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang(6), Án sát sứ Nguyễn Văn Bân đã kể lại vị trí địa lý và đời sống người dân ven sông Lô, trang phục và lễ cưới của người Mán, phố núi huyện Yên Sơn, ngòi Lù thuộc châu Hàm Yên, đền Tam Cờ- núi Giùm thuộc châu Yên Bình, chùa Hang ở huyện Yên Sơn; đồng thời kể lại chuyến thăm động Thiện Kế ở châu Sơn Dương: “Động ở giữa núi, hai cửa hang thực to, mỗi cửa rộng vài mươi trượng, cư dân nhân đó một bên làm đình, một bên làm chùa, không phải xây đắp gì. Năm 1917, tỉnh Thái Nguyên có giặc, châu Sơn Dương ở giáp Thái Nguyên, dân tình sợ hãi, tôi đi tuần hành hạt ấy để hiểu bảo dân cư yên làm ăn, đến xã Thiện Kế có lên xem động, động sâu và tối, không biết đến đâu là cùng. Người sở tại nói lấy đuốc soi thì đi được, ước chừng bốn năm mươi bước thì có suối nông mà trong, lại có chỗ thông thiên, ánh trời sáng chiếu vào, xem thấy những kì hình quái trạng trong ấy; biết vậy, nhưng ngày đã chiều không không dám đi nữa. Có làm bài thơ để ghi cảnh đã nom thấy...”; và ông mô tả nơi suối nước nóng: “Suối ôn tuyền ở xã Nhân Giả, huyện Yên Sơn, ở cạnh con đường đi phủ Yên Bình, chỗ cột ki-lô-mét thứ 15, suối như hình con cá, đầu hơi tròn như cái giếng, đuôi dài và hẹp, bùn suối như tro ướt, nước suối như nước hâm, miệng suối có khói trắng bay ra, khí nóng trong suối xông ra như mùi than khét; giáp suối lại có cái suối chảy ngành qua trước cửa, nước trong và lạnh, cho hai suối hợp khâm, thử vén áo quần đứng xem, thấy một bên nóng một bên lạnh, thực là kì dị (thói đời nóng lạnh, xem suối này khá biết), thử lấy tay gạt bùn múc nước thì nóng như nước sôi, không thò tay xuống được vì nước suối đã nóng mà bùn suối thì nhiệt độ lại hơn nhiều. Nhân có bài thơ phụ lục để biết sự thực:
Hỏi làng Nhân Giả cảnh chi hay,
Nào suối ôn tuyền hẳn phải đây.
Lò Tạo có khi còn ấm lạnh,
Nước này vẫn nóng tự xưa nay.
Hơi đưa miệng giếng mùi than khét,
Gió thoảng đầu khe ngọn khói bay.
Nghĩ cũng lạ cho nguồn suối ấy,
Ai đun mà sủi cả đêm ngày”...
Trong bài Ba Bể du ký (7) viết vào cuối năm Tân Dậu (1921), Phán sự toà công sứ Bắc Cạn là Nhạc Anh Hoàng Văn Trung đã ghi lại cảm xúc khi qua thăm hồ Ba Bể: “Nhân dịp mấy ngày nghỉ lễ Pentecôte đầu năm nay, ký giả cùng mấy ông bạn ngoạn du miền danh thắng ấy. Ôi! ký giả được nhất kiến một nơi đại thắng cảnh như thế là nhất thứ, thấy cảnh trí lắm vẻ thiên nhiên, kì hình dị trạng, sơn thuỷ hữu tình, khiến nên lòng cảm hứng vô cùng, nên lược thuật ra bài du ký này để cống hiến đồng bang cộng lãm, vẫn biết trí mọn tài hèn, văn chương quê kệch, không đủ mà miêu tả được hết cái thần tình bức tranh của thợ tạo, nhưng còn mong các bậc thi nhân tài tử, mặc khách tao nhân sau này đi vãn cảnh Ba Bể sẽ đem ngọn bút tài hoa, câu thơ diệu bút tô điểm cho bức tranh sơn thuỷ ấy được mười phần diễm lệ vậy”. Tác giả cũng kể rõ từ việc sắm sửa hành lí, thời tiết, phương tiện ô tô, tình trạng đường xá, phong cảnh, thổ sản trên từng đoạn đường, đặc biệt là những thắng cảnh như hang Buông, gò An Mã, nguồn sông Trợ Điển và cảnh thuyền trên sông nước: “Thuận gió, xuôi buồm, nhẹ chèo, khoan lái, thuyền bay thấm thoắt trên dải tràng giang. Hai bên bờ trước còn ruộng lúa lan man, sau chỉ thấy những rừng núi chen vai, cỏ cây rợp mắt, dưới lòng sông thì đá ngăn chơm chởm, rêu mọc xanh rì, nhìn xem non nước dễ sinh lòng cảm hứng. Thuyền vẫn đi, người vẫn chải, trời vẫn vẻ ấy, nước vẫn màu này, chiều hưu hắt, cảnh thê lương, khiến lòng du tử càng thêm bát ngát... Đàn cá thấy động, ngoi lên mặt nước, nhào lộn lõm ta lõm tõm như chào khách du. Chung quanh toàn núi non bao bọc, cây cối um tùm, tiếng chim kêu ríu rít hòa với tiếng vượn hót véo von, thoảng nghe như tiếng đàn địch ca sanh, thiệt là vui tai khoái trí”; đôi khi là một nét vẽ thoáng qua cảnh lao động nơi sông nước: “Khi ấy mặt trời đã gần đứng bóng, gió mây im lặng, bốn bề vắng ngắt như tờ, một chiếc thuyền lênh đênh mặt nước. Trời mây man mác, bể núi mông mênh, thuyền ai thấp thoáng bồng bềnh xa kia? Khi gần lại thời tức là một chiếc thuyền độc mộc mà một bọn “lục sao” đang uốn éo lưng ong, khoan khoan tay lái, bơi nhanh thoăn thoắt trên mặt biển rộng mênh mang. Ôi! chiếc thuyền rất nhỏ bé, vừa bằng một ôm, thế mà khách liễu yếu đào thơ vẫn cười nói dịu dàng, mặt mày hớn hở, không chút quan tâm, khiến cho ký giả cũng phải khen thầm cái lòng can đảm ấy”... Ngoài ra, tác giả còn chỉ dẫn cách đi xe, giá vé, nơi ăn ở trên các đoạn đường và cả lời dặn về mùa du ngoạn: “Muốn đi Ba Bể nên đi vào quãng tự tháng mười cho đến tháng ba ta, tức là từ đầu mùa đông cho đến cuối mùa xuân là mùa tạnh ráo (saison sèche). Trong mùa ấy khí trời ấm áp, đường đất khô ráo, không có điều gì trở ngại cả. Còn về mùa mưa (saison des pluies) tức là hạ với thu, núi lở, đất lầm, xe ô tô không thể nào đi được”...
Liên quan đến thắng cảnh Ba Bể còn có bài Hồ Ba Bể của Nhật Nham Trịnh Như Tấu nhân việc nhà vua Bắc tuần đã qua thăm Ba Bể, trong đó chủ yếu kể lại câu chuyện cổ tích về sự hình thành hồ(8). Nhật Nham Trịnh Như Tấu cũng là người viết du ký Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể khá bề thế, in 14 kỳ trên Tạp chí Tri Tân(9). Chuyến đi khởi hành vào 4 giờ rưỡi sáng ngày 1-7-1942, qua chiều muộn thì đến thànhTuyên Quang. Ngày tiếp theo, sau khi ngắm cảnh di tích thành Tuyên, chơi chợ Tam Cờ, tác giả cùng bạn bè xuống đò sang thăm trường Canh Nông: “Một con đường đất rất thẳng đưa chúng tôi tới khu vực nhà trường. Hai bên là đồi, cây cối xanh um,dần dần vào sâu, đường đi lại chia làm nhiều chi nhánh, lấy tên các vị ân nhân của trường đặt làm kỷ niệm... Những đường này chia địa thế làm nhiều khu, mỗi khu giồng riêng một thứ cây cà phê, chè, sắn mía, thầu dầu, vân vân, do học trò trường Canh Nông tự chăm nom vun xới, vừa học trong học đường vừa học trên mặt ruộng. Chúng tôi được mục kích các học sinh đóng vai nông dân, chú ý đến công việc bổn phận một cách vui vẻ, tận tâm... Ở xưởng ra, chúng tôi gặp ông giám thị nhà trường. Ông có mời vào nhà riêng gần đấy để nghỉ chân. Nhà ông làm trên ngọn đồi cao ráo, không khoáng, có máy nước vào tới trong nhà, có quạt điện, đèn điện. Ông cho biết thường nhật hổ báo vẫn thường về thăm nhà ông. Có hôm, sáng còn thấy vết chân và lông hổ trước nhà. Nhân đó, tôi lại nhớ một chuyện của một ông bạn kể lúc trưa: trong đồn diền của ông có nuôi nhiều trâu, ngày vẫn thả trâu vào rừng ăn cỏ. Một hôm, một con hổ nhảy ra định ăn thịt một con trâu mộng. Con trâu cũng không vừa, chống nhau với hổ, hai con đánh nhau từ sáng đến chiều, khi người nhà tới, thấy trâu húc đầu xuống đè hổ chết bẹp dưới đất, bèn gọi nhau khiêng hổ và dắt trâu về. Nhà điền chủ lột da hổ đem phơi trên một tảng đá to. Một ngày kia, trâu qua chỗ ấy tưởng là hổ thực, cứ lấy đầu húc xuống da hổ, đến nỗi đầu chạm vào tảng đá mạnh quá, vỡ ra mà chết! Thế là trâu và hổ cùng chung một số phận... Vị trí trường Canh Nông có 800 mẫu tây, vừa ruộng đất, vừa đồi núi, vừa rừng rậm, không phải đóng thuế. Sở Kiểm lâm không phải trông nom miền rừng núi này, chỉ trừ khi nhà trường đem củi gỗ ra ngoài địa hạt mới phải dùng đến giấy thông hành của Sở Kiểm lâm. Sau khi ở nhà ông giám thị ra, chúng tôi tới thăm Sở Tằm tang là nơi lựa trứng tằm, cho ấp lấy kén, hoặc bán trứng đi các nơi”... Ngoài việc miêu tả chuyến đi bằng các phương tiện ô tô, tàu hỏa, đi bộ, đi ngựa, đi thuyền qua các địa danh như chợ Điền, Bản Ti, Đầm Hồng, Chiêm Hóa, Ba Bể, Bản Vài, Phủ Thông, Ngân Sơn... tác giả đã chú ý quan sát, ghi chép các loại lâm sản, khoáng sản, muông thú, hàng thủ công truyền thống, giao lưu buôn bán của người dân vùng Bắc Cạn. Thêm nữa là các trang phác thảo chi tiết về đời sống, phong tục tập quán của một số dân tộc; chẳng hạn:
A- Người Thổ
a. Cách ở: Phần nhiều thích ở nhà sàn, dưới nuôi súc vật như trâu, bò, gà, vịt, lợn, vân vân.
b. Cách ăn: Trừ khi đi được chợ mua các thực phẩm còn ngày thường đều dùng rau tự giồng lấy hay tìm kiếm ở trong rừng.
c. Cách mặc: Phần nhiều mặc các đồ xanh, dệt lấy hoặc mua vải trắng ở chợ về nhuộm chàm. Ít lâu nay độ 3 phần 10 đàn ông được đi các nơi xa, trực tiếp với người Kinh, đã thích dùng vải chúc bâu và tơ lụa. Đàn bà phần nhiều cũng mặc đồ nâu hay đồ thâm.
d. Cày cấy: Mỗi năm có một vụ lúa và hai vụ ngô, tuỳ nhà giàu nghèo, cấy nhiều hay ít. Các thứ hoa màu khác: đỗ, vừng, sắn, giồng chỉ đủ dùng mà có ít nhà giồng thôi.
B- Người Nùng
Người Nùng rất ít, tự xa đến làm thuê, gánh mướn, hoặc làm phu các mỏ, không có nhà cửa nhất định. Cách ăn uống cũng như người Thổ. Cách mặc cũng dùng đồ xanh, song áo ngắn, tay rộng, tương tự như người Khách, đầu chít khăn.
C- Người Khách
Người Khách buôn bán ở các nơi lị sở: buôn tạp hóa, giết lợn, bò hoặc làm vườn, giồng rau, khoai, mía làm kế sinh nhai.
D- Người Kinh
Người Kinh buôn bán trong các chợ và làm phu cho mỏ. Không cầy cấy và giồng giọt gì.
Đ- Người Mán Cóc
a. Cách ở: Nhà cửa hay làm trên núi cao và xa nước; chuồng gà, chuồng lợn đều làm ngay ở bên hè nhà; thóc lúa thì bắc sàn lên xà nhà mà để.
b. Cách ăn: Quanh năm chỉ cần có muối và mỡ, còn đều dùng rau giồng lấy hoặc kiếm ở trong rừng.
c. Cách mặc: Đàn ông thích dùng đồ đỏ: Khăn, áo, yếm, quần đều thêu bằng chỉ đỏ. Trên đầu vấn tóc như đàn bà Thổ, ngoài tóc quấn sợi khăn hoa đỏ (bằng vải chàm thêu chỉ đỏ chung quanh), đầu khăn đính mấy sợi dây xanh, đỏ, tím, vàng.
Áo vải thâm dùng những sợi nỉ đỏ làm thành tua cùng các thứ hột bột ngũ sắc, đơm vào hai bên vạt đằng trước và hai bên tà áo đằng trước và đằng sau chỗ nách xuống, mỗi chỗ là năm cái tua dài ước 20 phân tây. Áo không có vạt cả, từ cổ trở xuống thắt lưng đằng trước, hai bên ngực đều tết thành từng túm nỉ đỏ như bông hoa hồng, mà khâu xếp hàng xuống đến thắt lưng.
Yếm thì làm bằng một miếng nỉ đỏ, ở ngực và từ cổ, còn dài xuống đằng sau lưng ước 30 phân tây nữa, xỏ đôi và cài khuy như yếm dãi của trẻ con vậy. Đằng trước ngực có 5 hoặc 6 miếng bài bằng bạc vuông chữ nhật, có chạm hoa khác nhau, ngang 4 phân tây, dài 8 phân tây, khâu xếp hàng từ cổ trở xuống. Còn chung quanh cổ và đằng sau lưng, lại có những cánh hoa nhỏ như cánh hoa hồi đính chung quanh cổ mà khâu xếp hàng đôi hoặc hàng một (tuỳ có ít hay nhiều), xuống cho đến hết cùng cái dải yếm đỏ.
Quần thì thêu hoa đỏ, vàng, trắng chung quanh ống quần cao ước 20 phân tây. Thắt lưng vải chàm cũng thêu hoa hai đầu.
Đàn ông thì mặc áo vải xanh ngắn như người Nùng, không thêu hoa; chỉ duy có sợi khăn đội đầu cũng thêu như đàn bà, song không đơm dải ở đầu khăn như đàn bà.
d. Cách cày cấy giồng giọt: Người Mán Cóc phát đồi làm rẫy, giồng lúa nương, ngô, vừng, kê, lúa mạch, đồng niên mỗi thứ một vụ, trừ ngô hai vụ.
E- Người Mán Tiền
a. Cách ở: Nhà hay làm trên sườn núi phẳng, thích ở gần nước chứ không cao như Mán Cóc. Nhà cũng làm như kiểu nhà Mán Cóc, song kho thóc và chuồng lợn, chuồng gà làm riêng khỏi hè nhà, không để gần nhà như Mán Cóc.
b. Cách ăn: Cũng giống như Mán Cóc.
c. Cách mặc: Đàn bà mặc áo đen, hoa trắng nhưng không thêu như Mán Cóc. Trước hết, cắt vải trắng may thành áo, đun sáp ong chảy ra, rồi chấm thành hoa vào áo: hai bên vai và tay áo, sau lưng, hai bên bả vai (không có vạt cái như Mán Cóc); đằng trước, hai bên ngực, từ cổ đến thắt lưng và bốn góc vạt áo. Chấm xong rồi, đem áo nhuộm chàm cho đen kĩ, chỗ sáp chấm, chàm không ăn tới. Nhuộm xong cho áo vào nồi nấu để sáp chảy ra, chỗ có sáp trước thành hoa trắng. Hai bên ngực từ cổ xuống đến thắt lưng, mỗi bên đính 5 hay 6 miếng bạc hình bán nguyệt to bằng nửa đồng bạc đồng, có chạm hoa. Đằng sau gáy áo khâu một sợi vải để đeo mấy đồng tiền trinh.
Yếm cũng có hoa trắng, ở giữa yếm có một miếng bạc tròn, lồi cao lên, to bằng đồng bạc, trơn, không chạm hoa. Thứ Mán này mặc yếm có nửa mình, bỏ hở ngực. Đàn bà Mán Tiền mặc váy chứ không mặc quần. Gấu váy cũng có hoa chung quanh. Váy ngắn dưới đầu gối một ít. Khăn làm bằng 3 vuông vải trắng thêu hoa bằng chỉ thâm. Đầu gắn sáp, bới tóc quấn cái khăn ấy.
Đàn ông mặc quần áo dài như người Thổ: Chít khăn thâm quần đen, mỗi ống quần in 4 cánh hoa trắng.
d. Cách cấy cày: như Mán Cóc. Mán Cóc hay hút thuốc lá. Mán Tiền thích ăn giầu...”.
Bên cạnh việc hiểu biết rõ hơn đời sống một số đồng bào dân tộc, Nhật Nham Trịnh Như Tấu còn tỏ rõ niềm cảm phục trước những nền văn hóa ấy: “Tôi tự nghĩ: Không ngờ tại nơi sơn cùng thủy tận mà giữa một dân tộc suốt đời sinh trưởng trên đỉnh núi, tại nơi hiu quạnh, xa những cuộc cạnh tranh, cái lễ giáo cổ điển còn được duy trì đến như thế. Thế mới biết cái hay thì dù thời đại nào, dân tộc nào, xứ sở nào cũng được tôn sùng!”… Mặt khác, nhìn nhận công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp, tác giả tỏ ý thán phục kĩ nghệ giao thông, khai thác mỏ: “Sự vận tải trên không bằng dây, giảm biết bao nhân công và đỡ rất nhiều thì giờ. Những cột dây đều xây trên các mỏm núi đá cao, không phải là không công phu. Đứng trông các toa quặng chạy dây từ Plateau xuống đến chợ Điền, ta phải phục sự tiến bộ của khoa học Tây phương đến bực nào!”...
Là người từng thân thuộc với miền đất Lào Cai - Tây Bắc, Nhật Nham Trịnh Như Tấu còn có du ký Sau tám năm trở lại thăm Laokay, in hai kỳ trên Tạp chí Tri Tân(10). Miền đất Lào Cai ngày ấy được ghi âm là Laokay. Tác giả hồi tưởng lại: “Tôi còn nhớ năm 1930, cũng trên con đường này, lần đầu từ Phủ Lý thuyên lên Laokay, đối cảnh non sông này, tôi đã tự coi là cảnh trích hoạn (1930-1932). Vì thấy Laokay là nơi biên viễn, lại khí hậu không tốt, cho nên khi ấy, tôi lưu gia quyến tại Bắc Giang, một mình trên đường với một chiếc va li, mong chóng hết hạn 18 tháng ra về”... Khi ở thăm trấn sở Lào Cai, tác giả kể: “Sáng hôm sau, cùng gia đệ lên thăm toà Sứ trên đỉnh núi, nơi mà tám năm về trước, ngày hai buổi cắp ô đi, lại cắp về, khi câu nói, lúc tiếng cười, cùng các bạn sống một cuộc đời tươi đẹp... Ngày nay, các bạn nhạn Nam, én Bắc, bao ngả phân phi, cảnh vẫn cảnh cũ, nhưng vật nhiều thứ đổi dời: nhiều cây cổ thụ không còn di tích; dinh thự hoặc trùng tu hoặc thay mới... Cuộc đời là một giòng hoán cải vô biên... Lúc trở về qua cầu, đứng tựa lan can, nhìn sang khúc đường xe lửa trên bờ sông Nam Thi bên kia đoái trông non nước xa xa, bồi hồi cảm tưởng, lại nghĩ đến mới ngày nào cũng đứng đây, cũng vẫn giang sơn này, mà tám năm như chớp mắt, tựa chim bay! Tháng ngày lần lữa, cảnh vật đổi thay, mà riêng mình sự nghiệp chưa thành, nhân đó lòng buồn man mác, càng sinh vô hạn cảm”...
Trong du ký Sau tám năm trở lại thăm Laokay có nhiều trang viết sinh động về cảnh sắc và quá trình hiện đại hóa nơi nghỉ mát nổi tiếng Sa Pa giữa thời thực dân:
“Cách Chapa vài cây số, đã thấy có nhiều nhà gạch mới xây và vườn trại của người Âu mới khai phá, trông có vẻ lạc quan: Một cảnh tượng phì nhiêu đẹp đẽ của một vùng trời biên viễn.
Chapa ngày nay đã mở mang hơn trước bội phần. Nhiều túp gianh đã nhường chỗ cho các nhà gạch đồ sộ nguy nga; nhiều bãi cỏ rậm đã thành vườn rau xanh tốt; nhiều đường nhỏ hẹp nay đã mở rộng thênh thang và giải rựa sạch sẽ.
Chúng tôi lưu trú tại dinh ông Nguyễn Tài Minh, Bang tá Chapa...
Chapa cũng có sòng bạc. Tuy ông chủ sòng là người Nam, nhưng người làm công đều là người Hoa Kiều, vì khách trú rất am hiểu việc trưng thầu đổ bác. Sòng bạc này là sòng công khai, to thứ tư trong tỉnh, sau các sòng Laokay, Cốc Lếu, Phố Mới.
Vì có sòng bạc, nên cảnh tượng Chapa cũng đỡ buồn tẻ đối với những người lữ thứ có máu mê đen đỏ...
Chúng tôi đi qua một xóm lơ thơ vài nhà, trước cửa có dán câu đối chữ Nho viết giấy hồng điều. Thấy khách qua đường, các thổ dân đều lễ phép cúi chào. Cạnh nhà là suối, có cối giã gạo, dùng sức nước vận động. Đó cũng là một cái trí thức tinh khôn của dân thượng du vậy”...
Khi đi qua Cầu Mây bắc qua sông Mường Hòa, tác giả chép lại bài thơ đề vịnh làm từ mấy năm trước:
Trên cây lơ lửng mấy đường dây,
Tục gọi Cầu Mây, chắc hẳn đây.
Mấy dịp gỗ ngang xen mắt cáo,
Đôi hàng song thẳng néo cành cây.
Ven sông cỏ mọc, màu xanh ngắt,
Mặt nước mây in, sắc trắng phây.
Khen chiếc cầu này ai khéo bắc,
Biết bao qua lại khách Đông, Tây!...
Khi quan sát thực tế đời sống người dân, tác giả ghi lại vài nét khái quát về dân số và hình thức quản lý bản Mường Hòa: “Theo tục dân thượng du Bắc Kỳ, nhà vùng này không họp thành làng, thỉnh thoảng lơ thơ vài cái ở dưới chân núi. Nếu tính số kiến ốc thì vùng đó được độ 30 nóc nhà. Dân ở đây phần nhiều là người Mèo và lẫn một ít Mán, Thổ, có kì mục, sèo phái, binh dầu, giáp trưởng trông nom dưới quyền phó lý, lý trưởng và Bang tá”; giới thiệu một thứ vải truyền thống: “Có mấy người vào mời bà Bang tá mua vải Mèo. Nhân thế mà tôi biết được một thứ vải gai của họ tự chế ra bằng gai lấy ở rừng. Vải này đã trắng, rất bóng và mị mặt; nhiều người mua may quần áo thay vải tussor. Bà Bang cho biết: cứ đến vụ, nhiều bạn ở xa viết thư về nhờ mua nên người Mèo quen khách hàng, cứ đến phiên chợ lại thi nhau đem vải đến tận nhà mời mua. Xem thứ vải gai này mới biết người Mèo cũng có óc tinh anh, có thể dùng các thứ của Hóa công đã dành riêng cho họ ở miền rừng núi. Mỗi khi cần đến một thứ gì, họ lại nghĩ ra các phương pháp mà ta cho là xảo diệu”; hoặc đề cao món đặc sản cải soong: “Về qua một dòng suối, trên bờ cải soong mọc xanh rì. Cải soong trộn dầu giấm ăn với thịt bò rất ngon, thường dùng trong các bữa ăn của người Âu. Ít lâu nay, người mình cũng rất ưa chuộng thứ rau ấy. Cải soong mọc ở bờ suối, có nước chảy, đã xanh tốt lại sạch sẽ. Tôi muốn, khi về trung châu, có chút quà tặng bà con, nghĩ không gì hơn một ít rau vì chẳng kém gì rau sắng chùa Hương. Tới nhà, tôi ngỏ ý ấy với ông Bang tá. Lúc ra về đã có một lồng to rau cải soong đủ đem về chia cho các bạn”...
Bản thân người viết bài này chưa có dịp đến Sa Pa nên không rõ khách sạn La Madeleine ở phía trên Mường Sén đến nay có còn hay không, mà theo sự mô tả của Nhật Nham Trịnh Như Tấu thì: “Lên cao 1000 thước, có khách sạn “La Madeleine”, chung quanh giồng thông pờmu (bạch mộc), cảnh trí thực là u nhã. Khách sạn này do ông Tocco người Ý Đại Lợi lập nên. Vì lúc mới phát kiến được nơi khí hậu tốt này, tưởng chỉ đến đây là cao nhất, sẽ trở nên một chỗ tấp nập sau này. Nhưng tới khi có Chapa thì nơi này có một khách sạn La Madeleine thôi. Ngoài cửa có một cái máy nước hình đầu người, miệng có nước chảy suốt ngày đêm. Nước này lấy ở suối vừa trong, lại vừa đủ các chất tốt. Nhiều người ví nước suối này với nước Vichy bên Pháp. Có nhiều khách nghỉ mát trên Chapa lúc về thường qua khách sạn La Madeleine chơi ít lâu rồi mới về trung châu”...
Một điều đáng chú ý khác là cảnh đẹp và tình người miền đất Lào Cai đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Nhật Nham Trịnh Như Tấu qua lời kết khi tác giả tạm biệt miền biên viễn: “Ngồi trên xe, nhìn hai bên rừng núi, trông xuống dòng sông Thao tưởng nhớ đến những ai ở lại, có mấy câu lục bát ghi tình:
Đường về nhớ cảnh Lão Nhai,
Nhớ non Đỗ Lĩnh nhớ người hôm xưa!
Non sông còn đó chơ chơ,
Hỏi người non nước bây giờ nhớ chăng?
Cuộc đi chơi Laokay tuy ít ngày mà nhiều hứng vị.
Đại phàm người ta ăn ở với nhau cùng trong một khu vực thời tình chỉ có giới hạn; ở nơi khác cùng nhau thời thân tình lại hơn; càng ở nơi xa, lại càng thêm tình thân ái, chơi Laokay có hứng vị, một phần vì đó.
Hứng vị! Nên cuộc đi chơi Laokay đủ làm một thiên du ký vậy”...
Vào năm 1944, tác giả Ngọc Ước có phóng sự Miền thượng du Bắc Kỳ in đậm sắc thái du ký trên Nam Kỳ tuần báo(11). Thiên phóng sự - du ký mở đầu bằng những nét khái quát: “Khi chúng ta đương khổ tâm lo sống trong lúc hoàn cầu chiến tranh, tôi liền tưởng đến riêng một phương trời mà ở đó dân cư đang thung dung sống một cuộc đời giản dị, bằng phẳng với non cao rừng rậm, không vướng mình vào ly tấc của vật chất xa hoa. Bằng một tâm hồn thơ ngây, an phận trong cuộc sống cần lao, lấy sự làm việc bằng thú vui duy nhất, bọn người đó hầu như lãng quên tất cả một xã hội bên cạnh họ đương kèn cựa, vật lộn với cuộc sống ngày nay, xã hội ấy là đất Bắc Kỳ. Chứng thật lời nói trên, các bạn đọc hãy cùng tôi tạm biệt kinh thành Hà Nội, bước lên xe hơi qua Hà Đông, Lương Sơn, Hòa Bình ngược thẳng Chobo để đi Lai Châu... Tôi có thể giới thiệu với các bạn, con đường này là đường thông thương nguy hiểm nhất ở miền thượng du phía Bắc, phần đường núi xiêng tạc chênh vênh, vừa nhỏ hẹp vừa bằng đất thịt, lại thêm bao nhiêu dốc cao ngoắt ngoéo, quanh co. Phần cầu quán còn nhiều cái bắc bằng tre, rải lên trên một lớp phên nứa phủ qua một lớp đất sét mỏng. Nhất là về mùa mưa, nước trên núi tràn xuống luôn luôn làm trôi phăng những quãng đường dài xuống vực sâu hàng mấy trăm thước; có khi đất núi sụp đem theo cả những vừng cây cổ thụ nằm trùm trên đường bịt cả lối đi... Từ giã Hà Nội 6 giờ sáng, nếu vào một buổi sáng đẹp trời , thì các bạn cùng tôi đã có mặt ở Chobo hồi 12 giờ trưa, qua ba chiếc phà (đò), vượt đủ 100 cây số. Đến đây, các bạn đã nhận thấy phong cảnh tịch mịch của rừng núi, khoan khoái với làn không khí thanh thanh. Dựa theo hai bên vệ sông, những mái nhà sàn lợp lá, lộ ra thời cùng là thụt vào trong những rừng cây thưa thớt, lưng dựa vào sườn non; ấy là những gia đình người Thổ đen ở rải rác từng chòm một, mõi chòm là một làng, gọi là bản”... Tiếp đó là những đề mục như Từ ái tình qua phép “chài” và chuyện ma qủi - Chuyện ngọc rít - Ma chay - Than đá trắng - Đi dự tiệc kể về những sự lạ, những nét phong tục, tập quán và đời sống văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao...
Qua một vài tư liệu về vùng quê miền cao và những thắng cảnh trên con đường ngược về xứ núi, chúng ta có thể cảm nhận được phần nào vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân Bắc - Tây Bắc những năm thuộc nửa đầu thế kỷ XX. Đó là những trang du ký có giá trị giúp chúng ta hiểu rõ hơn phong tục tập quán, thực trạng đời sống kinh tế - văn hoá và những bước phát triển đáng lưu ý dưới thời thực dân - phong kiến. Tôi xin nhấn mạnh thêm, trong các trang du ký này còn tàng trữ tới hàng chục những bài thơ đề vịnh phong cảnh và nói về tình bạn bè giữa những con người trên miền biên giới. Thêm nữa, tôi cũng xa gần nghĩ đến một bộ toàn tập “Du ký vùng cao Tây Bắc thế kỉ XX”, trong đó sẽ bao gồm những trang phóng sự - du ký, ghi chép, hồi ức, kỷ niệm in đậm dấu ấn lịch sử một thời của biết bao những con người đã và đang gắn bó với miền quê non xanh nước biếc. Đây cũng chính là một cách giới thiệu tốt nhất tiềm năng du lịch và toàn cảnh chiều sâu nền văn hóa vùng cao Bắc - Tây Bắc nói chung…
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn
_________________
(1) Nguyễn Khắc Xuyên: Mục lục phân tích Tạp chí Nam Phong, 1917-1934. Bản in Rôneô. Trung tâm Học liệu - Bộ Văn hóa Giáo dục ấn hành, Sài Gòn, 1968, tr. 33.
(2) Thái Phong Vũ Khắc Tiệp: Hành trình mạn ngược từ Cao Bằng xuống Phú Thọ. Tạp chí Nam Phong, số 44, tháng 2-1921, tr. 136-142.
(3) Phạm Quỳnh: Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng. Tạp chí Nam Phong, số 9, tháng 6-1925, tr. 508-515.
(4) Nguyễn Thế Xương: Mấy ngày chơi Thất Khê. Tạp chí Nam Phong, số 122, tháng 10-1927, tr. 381-392.
(5) Lan Khai: Một buổi săn đêm. Báo Loa, số 14, tháng 5-1934. In trong Phóng sự Việt Nam, 1932-1945, Tập I (Phan Trọng Thưởng - Nguyễn Cừ - Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu). NXB Văn học, Hà Nội, 2000, tr.999-1002.
(6) Nguyễn Văn Bân: Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang. Tạp chí Nam Phong, số 32, tháng 2-1920, tr. 143-150.
(7) Nhạc Anh Hoàng Văn Trung: Ba Bể du ký. Tạp chí Nam Phong, số 55, tháng 1-1922, tr.21-31.
(8) Nhật Nham Trịnh Như Tấu: Hồ Ba Bể. Tạp chí Tri Tân, số 25, tháng 11-1941; In trong Tạp chí Tri Tân (1941-1945)- Truyện và ký (Lại Nguyên Ân và Nguyễn Hữu Sơn sưu tập, giới thiệu). NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000, tr. 83-85.
(9) Nhật Nham Trịnh Như Tấu: Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể. Tạp chí Tri Tân. In 14 số không đều kỳ, từ số 58, tháng 8-1942 đến số 74, tháng 11+12-1942. In trong Tạp chí Tri Tân (1941-1945)- Truyện và ký. Sđd, tr. 228-312.
(10) Nhật Nham Trịnh Như Tấu: Sau tám năm trở lại thăm Laokay. Tạp chí Tri Tân, In hai kỳ, số 46 và 47, tháng 5-1942; In trong Tạp chí Tri Tân (1941-1945)- Truyện và ký. Sđd, tr. 167-179.
(11) Ngọc Ước: Miền thượng du Bắc Kỳ. Nam Kỳ tuần báo, số 74, 75, 76-1944. In trong Phóng sự Việt Nam, 1932-1945. Sđd, tr.1177-1186.