Về mảng sáng tác cho thiếu nhi trong Thơ mới

In bài này

BÙI THANH TRUYỀN(*)

1. Lâu nay, người ta đã nói nhiều về Thơ mới; nhưng việc bàn đến chuyện sáng tác về thiếu nhi và cho thiếu nhi trong một “thời đại thi ca” tưng bừng ấy thì chẳng có mấy người. Có bất công với cả người sáng tác lẫn người đọc quá không bởi mỗi thi nhân đều có một tuổi thần tiên để nhớ về; dĩ nhiên, khi sáng tạo, dấu ấn thuở hoa niên ít nhiều lưu lại trong tác phẩm của họ. Thêm nữa, dẫu trẻ em không phải là độc giả tinh tuyển, nhưng chẳng lẽ những hồn thơ lớn như thế lại hoàn toàn có thể bỏ quên đối tượng tiếp nhận này?

Về tình là vậy. Còn về lí, nếu dựa trên đối tượng tiếp nhận để phân loại  văn học, thì đâu cứ sáng tác viết cho đối tượng nào được tác giả hướng đến ngay từ đầu là thuộc đặc quyền của đối tượng đó. Lịch sử văn học Việt Nam đã từng chứng kiến nhiều trường hợp tác phẩm đi ngược lại ý đồ của người viết. Dế Mèn phiêu lưu kí - cuốn tiểu thuyết đầu tay lại gắn liền với tên tuổi bậc trưởng thượng của làng văn Việt, để đến bây giờ, dẫu có bao sáng tác thành công, Tô Hoài vẫn được độc giả gọi bằng một cái tên thân mật: “Cụ Dế Mèn” - viết cho đối tượng thanh niên là chính. Nhưng đã từ rất lâu, đó lại là cuốn sách gối đầu giường của nhiều bạn đọc nhỏ tuổi. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là món quà Nguyễn Nhật Ánh riêng dành cho “những ai đã từng là trẻ em”. Ấy vậy mà truyện vẫn được thiếu nhi nồng nhiệt đón nhận; và tác giả của nó, trước sau vẫn thủy chung với danh hiệu “Nhà văn thân quý của trẻ thơ”. Cho đến nay, dẫu cả hai cuốn sách vẫn chiếm được nhiều cảm tình của người lớn, nhưng chẳng ai trong chúng ta nỡ tranh giành với các em để “kéo” hẳn chúng sang “sân” của mình. Số phận của tác phẩm một phần quan trọng là do người đọc quyết định. Vì thế, ta vẫn có thể nói đến một mảng đề tài cho thiếu nhi trong Thơ mới(1) nếu những sáng tác ấy phù hợp và thực sự bổ ích đối với các em.

Về điểm này, Tế Hanh, một gương mặt quan trọng của Thơ mới, người có nhiều thi phẩm ấn tượng về lứa tuổi học trò, đã từng đặt vấn đề như sau:

- Bên cạnh những nhà thơ chuyên viết cho các em vẫn có những nhà thơ không chuyên viết cho các em, nhưng thơ của họ vẫn có thể dùng cho các em.

- Có những bài thơ dành cho các em, nhưng vẫn có những bài thơ là của chung, người lớn trẻ em đều đọc được (…) Miễn là thơ cho các em phải hay, phải cảm(2).

Tâm hồn các thi nhân Thơ mới – những người từng biết đến, từng say mê tập thơ Nghệ thuật làm ông của Víchto Huygô, một nhà thơ của văn học thế giới yêu trẻ con hơncả - cũng có chỗ rất hợp với điệu hồn thiếu nhi. Nhiều người trong số họ (như Tế Hanh, Xuân Tâm, Thu Hồng,…) đang học trung học; kí ức tuổi thơ chưa dễ nhạt nhòa, cách tri cảm thế giới vẫn chưa thể đứt hẳn thiên tính trẻ. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự tồn sinh của một đề tài tuy khiêm tốn về số lượng nhưng lại có hương sắc đặc biệt, có sức hấp dẫn riêng đối với các em. Phải chăng, chính cái nhìn cuộc sống, con người xanh trong ấy đã giúp bao thi nhân có thể thủy chung với nghiệp dĩ nhọc nhằn, để sáng tác của họ không cỗi cằn, xơ cứng bởi gánh nặng áo cơm và tuổi tác như cách bộc bạch của Chế Lan Viên: “Trong trẻ em, có một trẻ em và một người lớn sắp thay thế. Hình như ta mừng cho người lớn này đến sớm, đến vội, nên có khi ta đuổi luôn đứa trẻ kia đi. Ngược lại, chính là ngay khi lớn rồi, ta vẫn phải giữ đứa trẻ kia lại. Nhiều nhà văn viết cho người lớn chứ không phải viết cho thiếu nhi đâu – đã nói: “Tôi viết được chỉ vì tôi đã không đánh mất tuổi thơ tôi”(3).

2. Điều làm cho những sáng tác của một số gương mặt tiêu biểu trong phong trào Thơ mới như Nguyễn Nhược Pháp, Tế Hanh, Xuân Tâm, Anh Thơ, Hồ Dzếnh, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ… vẫn có nhiều sức hút với độc giả nhỏ tuổi là bởi các em đã gặp bóng dáng mình trong đó. Quan trọng hơn, những vần thơ đậm hồn cốt, phong vị dân tộc này sẽ góp phần rất lớn để phong phú hóa đời sống tâm hồn trẻ, hình thành, phát triển ở họ những tình cảm, nhận thức tích cực về cuộc sống, con người.  

Thiên đường tuổi thơ với những xúc cảm đầu đời

Đa phần những sáng tác ít nhiều liên quan đến tuổi thơ trong Thơ mới đều được viết khi thi nhân khoảng mười tám đôi mươi; quãng đời hồn nhiên đến lớp trong bao  luyến ái với mái trường, bao giao cảm tinh khôi với vũ trụ, thầy cô, bè bạn là một kí ức sâu đậm. Đó là thi liệu nóng hổi cho những vần thơ dạt dào cảm xúc thuở học trò. Các tập Nghẹn ngào (Tế Hanh), Lời tim non (Xuân Tâm) có nhiều bài thể hiện tình cảm trong trắng của tuối niên thiếu với bạn bè, trường lớp, gia đình, xứ sở… (Nghỉ hè, Quê hương, Chiếc rổ may, Lời con đường quê,…). Đó “không phải là những lời dại khờ trong tình ái, mà là những ý thơ hướng về thế giới của tuổi thơ(4). Bài Nghỉ hè của Xuân Tâm đoạt giải Nhất trong cuộc thi thơ của báo Bạn đường, và sau đó cũng đã được chọn vào sách giáo khoa văn cấp tiểu học. Mà ở nước ta thời ấy, như nhận xét của Hoài Thanh, một khi đã len vào đến học đường, “tức là thanh thế đã to lắm”(5). Cái tài của thi nhân, bằng góc nhìn và tâm trạng của người trong cuộc, sinh tạo một chân dung học trò được sự đồng cảm lớn của người đi học mọi thời. Đọc những vần thơ hồn nhiên, trong trẻo này, nhiều người trong chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động khi được sống lại một thời trẻ dại:

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết, 

Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về. 

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê, 

Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ! 

Từ tâm thế của người đang hoặc vừa trải qua thời áo trắng hoa mộng, thi nhân đã làm cho tuổi học trò mười bốn, mười lăm “đời dịu vừa như nguyệt trước rằm” hiện lên sinh động. Đó là lứa tuổi mà mỗi trang đời tựa một trang vở không ngừng xóa sửa để dần hoàn thiện (Quyển vở nháp – Tế Hanh). Ta gặp ở đây những cậu bé mới lớn xa nhà trọ học, thiếu thốn đủ bề, phải ngủ lang, ngủ nhờ để tìm hơi ấm, “trốn bơ vơ” hay những trò tinh quái của giai tầng thứ ba chỉ sau… ma, quỷ (Ngủ chung, Học sinh – Huy Cận), là phút làm duyên qua đường trong gió thu tinh nghịch (Nữ sinh – Nguyễn Bính), là tâm trạng ngẩn ngơ, nỗi xa xót, ngậm ngùi khi chứng kiến những cuộc tiễn đưa với bao dự cảm chia li và nỗi thèm vu vơ những chuyến đi chưa hẹn trước hay phút mặc khải về tình yêu thương, sự hi sinh thầm lặng của đấng sinh thành (Những ngày nghỉ học, Chiếc rổ may – Tế Hanh)… Nếu Thanh Tịnh rất tinh tế khi thể hiện tâm trạng, nỗi lòng của cậu bé ngày đầu tiên theo mẹ đến trường trong truyện ngắn Tôi đi học đầy chất thơ thì Huy Cận cũng không kém thành công khi diễn tả “nỗi xôn xao thầm lặng” rất tự nhiên của “chàng trai mười lăm tuổi vào trường”. Đó là những “bước lặng thinh” trong khi chưa “rộn ái tình” nên “hững hờ đi giữa hương yêu mến”. Chỉ một chút xao động, một chút vẩn vơ để rồi ngân lên những vần thơ ấm áp, đắm đuối, nồng tươi buổi Tựu trường

Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ,

Chân non dại ngập ngừng từng bước nhẹ; 

Tim run run trăm tình cảm rụt rè; 

Tuổi mười lăm gấp sách lại, đứng nghe 

Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp. 

Quá khứ thường lung linh, diệu vợi hơn hiện tại. Lứa tuổi học trò đẹp như một bài thơ càng dễ gọi về những hoài vọng, tiếc nhớ của những tâm hồn thi sĩ. Dễ hiểu vì sao thời vang bóng ấy đã trở thành một nét “đẹp xưa” trong nhiều thi phẩm uy tín của các thi nhân lãng mạn. Đó là những buổi chiều chăn trâu thả diều trên bờ đê lộng gió (Chiều hè – Anh Thơ), sự tò mò có chút gì tồi tội của những đứa trẻ quê (Phố huyện – Hồ Dzếnh), thói ham chơi quên cả lời cha mẹ (Êm đềm – Nguyễn Thị Thu Hồng), phút điệu đàng đầy nữ tính của “thuở tóc còn chấm trán” (Làm cô gái Huế - Nguyễn Thị Thiếu Anh) v.v… Tất cả gợi một sự gần gụi, luyến nhớ thiên đường tuổi thơ ta đã từng mến yêu, gắn bó với bao nỗi khát thèm được “sống lại những ngày thơ”.

            Xúc cảm giới tính của tuổi mới lớn cũng là đề tài được nhiều thi sĩ qua tâm và để lại dấu ấn. Nói thế, hẳn nhiều người sẽ phân vân: Vấn đề này có thực sự phù hợp với trẻ thơ? Chẳng có gì bất ổn, bởi chúng ta biết rằng loại tình cảm tự nhiên ấy xuất hiện khá sớm ở mỗi người, thậm chí ngay từ thuở vỡ lòng (trước đây) và mẫu giáo (bây giờ). Huống chi ở đây thi nhân chỉ nói nhiều, nói thực và quan trọng hơn là nói hay về những rung động đầu đời của những cô, cậu bé đã bước vào tuổi học trò. Đó là những mộng đầu của “đoạn tình thứ nhất” e ấp, vụng dại với “hoa cỏ đưa thơ, lá bắt cầu” (Lưu học sinh - Xuân Diệu), những xao động rất khẽ nhưng đủ gợn mãi sóng lòng chàng trai quê lần đầu tiên cảm biết sức hút từ mắt huyền thôn nữ (Quê hương – Hồ Dzếnh), phút bối rối để đời của cậu bé tám tuổi trước sự thăng hoa của giai nhân và nghệ thuật (Gánh xiếc – Huy Cận)… Đây là khởi điểm cho những khát khao, hướng vọng cái đẹp; để về sau, giữa bộn bề cuộc sống, ta vẫn còn năng lượng mà sống trọn vai diễn giữa “rạp đời”. Nhờ thế, những sáng tác này vẫn là một món ăn tinh thần cần thiết với thiếu nhi hôm nay bởi nhiều người trong số họ sẽ nhận ra ở đây chân ảnh của mình. Chúng ta tin, những tình – thư – học – trò với sự dễ thương của “tình ý người lớn trong giọng nói trẻ con” (Hoài Thanh) này sẽ còn đi dài, đi xa trong hành trình chinh phục độc giả mọi lứa tuổi, mọi thời đại.

 Thế giới tươi non qua lăng kính trẻ thơ

Qua cái nhìn chưa bị vẩn đục bởi bụi đời, bởi những lụy phiền nhân tình thế thái của nhân vật trữ tình, thiên nhiên, cảnh vật như động cựa, có hồn nhờ sự hòa điệu sống động của màu sắc, âm thanh. Với Nguyễn Nhược Pháp, trong thế giới “ngày xưa” của ông, “lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười”(6). Thanh âm của tiếng cười trong trẻo ấy như một suối nguồn mát tươi chảy suốt trong các câu chuyện thơ: Sơn Tinh Thủy Tinh, Chùa Hương… Bằng ngòi bút kể chuyện ý nhị, bằng tâm hồn trong trẻo của một người luôn mang “đôi mắt kính khôi hài” (Vũ Đình Liên), hình thức tự sự quyện với trữ tình, độc thoại xen miêu tả, khả năng tưởng tượng phong phú, sự phối hợp sắc thanh táo bạo, lối tung tẩy, nghịch đùa rất có duyên qua từng câu, từng ý, tác giả đã tạo nên những hoạt cảnh sống động, bắt mắt trẻ thơ:

Réo rắt suối đưa quanh/ Ven bờ, ngọn núi xanh/ Dịp cầu xa nho nhỏ/ Cảnh đẹp gần như tranh/ Sau núi Oản, Gà, Xôi/ Bao nhiêu là khỉ ngồi/ Tới núi con voi phục/ Có đủ cả đầu đuôi (Chùa Hương)

Nếu mảng thơ cho người lớn, Hồ Dzếnh chinh phục ta bằng hình tượng những lữ khách say chiều thì ở các sáng tác như Sáng quê, Lũy tre xanh,… người viết cũng khiến ta nhớ mãi cái tình quê chân chất, đậm đà, những bức họa làng quê bình dị mà ân tình sâu thẳm. Với tập Nghẹn ngào, Tế Hanh cũng có nhiều bài thơ như Quê hương, Lời con đường quê… ghi lại những nét thần tình về sinh hoạt và nỗi lòng với “mảnh hồn làng” của những người xa xứ. Bức tranh quê của Anh Thơ là những phác thảo ấn tượng về cảnh nông thôn được sắp xếp theo trình tự bốn mùa và được đặc tả bằng sự quan sát độc đáo, nhạy cảm. Hạt nhân – cũng là sức ám ảnh lớn nhất của tập thơ – là cảm hứng về vẻ đẹp ngàn đời của nông thôn Việt. Cảnh, tình và hồn quê hòa trong những khúc thôn ca bình dị mà thắt níu hồn người, “luyện thành một thứ hợp kim nhuyễn từng phân tử” (Huy Cận).  Đêm trăng xuân, Bến đò ngày mưa, Chợ ngày đông, Chiều xuân, Xuân quê, Vào hè, Nắng hanh, Cơn giông, Mưa, Lụt v.v… cho thấy sự chuyển đổi vi tế của không gian theo nhịp đổi thời gian, sự giao hòa giữa ngoại cảnh và tâm trạng. Qua cái nhìn đằm thắm, thiết tha về cảnh vật, con người, các thi nhân đã dẫn dắt chúng ta đến một vấn đề giàu tính nhân văn, nhân bản: tình yêu quê hương đất nước, sự gắn bó thiết tha với cội nguồn. Đó là phẩm chất tối cần thiết của văn học, nhất là những sáng tác dành cho trẻ thơ:

Tôi yêu, nhưng chính là say

Tình quê Nam Việt, bàn tay dịu dàng.

Thơ tôi: đê thắm, bướm vàng,

Con sông be bé, cái làng xa xa... 

(Lũy tre xanh - Hồ Dzếnh)

 Văn hóa truyền thống – dưỡng chất nuôi lớn tâm hồn trẻ

Truyện cổ dân gian là món ăn tinh thần của trẻ em mọi thời. Bằng cái nhìn trong trẻo, pha chút trào tiếu, Nguyễn Nhược Pháp đã thơ hóa, hiện đại hóa truyền thuyết. Sự kết hợp điêu luyện giữa tính trữ tình và tính tự sự - một đặc điểm cơ bản của sáng tác cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng – khiến thơ ông dễ chiếm được cảm tình của trẻ thơ hôm nay. Trong Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, cả hai nhân thần, từ ngoại hình, hành động đến lời nói, tính cách đều sinh động, hấp dẫn qua nét họa thần tình của thi nhân. Đây là uy lực của Thủy Tinh - thần biển:

Bắt quyết hò mây to nước cả,

Dậm chân rung khắp làng gần quanh.

Ào ào mưa đổ xuống như thác,

Cây xiêu, cầu gẫy, nước hò reo…

    Còn đây là kì tài của thần núi - Sơn Tinh:

Vung tay niệm chú. Núi từng dải,

Nhà lớn, đồi con lổm cổm bò…

            Bằng cái duyên của một ngòi bút đôn hậu và hóm hỉnh, tác giả không trực diện nhìn vào thế giới nội tâm với những yêu –  mơ – say – buồn… như bao thi sĩ cùng thời. Ông hướng ống kính vào thế giới “Ngày xưa”, sinh hóa nó bằng thi ảnh, ngôn từ tươi vui, dí dỏm, bằng chính lòng non trẻ của mình, làm sống dậy thuở dựng nước và giữ nước hào hùng nhưng cũng nhiều trả giá trong những bài thơ mang âm hưởng Truyện cũ viết lại như Sơn Tinh Thủy Tinh, Mị Châu, Giếng Trọng Thủy… Đây là một nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa truyền thuyết dân gian với người đọc, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi.

Những cảnh náo nhiệt, bừng sức sống của những lễ hội, phong tục đang còn hoặc đã thành vang bóng: lễ vinh quy, lệ cống sứ, đi lễ chùa, trẩy hội mùa xuân, lễ tế thánh thần,… trong các sáng tác của Nguyễn Nhược Pháp, Hồ Dzếnh, Đoàn Văn Cừ… như Tay ngà, Đi cống, Chùa Hương, Rằm tháng giêng, Chơi xuân, Tục làng, Tế Thánh v.v… bộc lộ rất rõ ý hướng tìm về truyền thống, khai thác những vốn quý của quê hương, từ cảnh sắc đến con người, tâm hồn và bản sắc Việt Nam… Trạng thái háo hức của một đứa bé lần đầu tiên được sống trong không khí lễ hội vừa vui tươi, lạ lẫm, vừa thành kính, thiêng liêng sẽ là một trải nghiệm bổ ích để trẻ thơ yêu thích, trân trọng vốn văn hóa dân tộc:

Ngày xưa còn nhỏ, ngày xưa

Tôi đeo khánh bạc, lên chùa dâng nhang.

Lòng vui quần áo xênh xang,

Tay cầm hương, nến, đỉnh vàng mới mua

(Rằm tháng giêng – Hồ Dzếnh)

Mảng sáng tác về đề tài phong tục, văn hóa là một thành công đáng trân trọng của Thơ mới. Nhiều bài thơ ở đây không chỉ cần cho người lớn mà còn là món ăn tinh thần hợp khẩu vị trẻ thơ. Với rất nhiều họa phẩm tinh tế về sinh hoạt, lễ hội làng quê trong Đám cưới, Đám ma, Đám xẩm, Chiều ba mươi tết, Đêm ba mươi tết, Ngày tết, Tết mùng năm, Đêm rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy, Rằm tháng tám, Đông chợ, Tàn chợ…, thi sĩ Bức tranh quê đã làm sống dậy không khí cổ kính, thiêng liêng của văn hóa Việt một thời xưa cũ, gợi dậy niềm tôn quý, ngưỡng vọng truyền thống ông cha.

 Tập thơ Tiếng thông reo (Bàng Bá Lân) gây ấn tượng với độc giả bởi những vần thơ giản dị, đằm thắm. Ở đó có tiếng cây lá, tiếng sáo diều, tiếng võng trưa hè kẽo kẹt quyện với lời ru tha thiết yêu thương của bà, của mẹ, có giếng nước rộn tiếng cười thôn nữ, chiếc cổng làng thân thuộc, bờ tre trĩu gió, cánh cò chớp trắng trong hoàng hôn loáng đỏ, mái đình thâm u bên những gốc đa trầm mặc, tiếng chuông chùa gợi sự linh thiêng cùng với những câu hò mộc mạc nơi thôn dã… (Tiếng sáo diều, Cổng làng, Trưa hè, Tiếng võng đưa, Giếng làng, Tiếng thông reo,). Bằng giọng điệu hiền lành, đôn hậu, pha một chút hoài cổ, thơ ông làm sống lại hồn cốt của cảnh quê, tình quê – sợi dây níu giữ con người với cội nguồn dân tộc. Thiết nghĩ, trong buổi xâm thực ào ạt của đô thị hôm nay, những thi phẩm mang phong vị thôn ca ấy rất cần cho trẻ thơ, mang lại cho các em sự bình yên, trong trẻo, sống dậy ở họ những tình cảm thiêng liêng với đất nước, quê hương.

 Những bài thơ Tết, Chơi xuân, Đám hội, Chợ tết, Đám cưới mùa xuân, Đường về quê mẹ… của Đoàn Văn Cừ có những màu sắc tươi tắn, hình ảnh sinh động, ngộ nghĩnh – một bức tranh đa sắc, sống động về cảnh vật và sinh hoạt với những phong tục cổ truyền đang hiện diện ở giữa đời sống hiện đại. Người thơ thể hiện sự gắn bó hồn nhiên với quê hương đất nước và cái nhìn hồi cố về bóng dáng của một nông thôn yên bình, tươi đẹp dường chỉ còn trong hoài niệm:

Ngày xuân trẻ bức tranh gà/ Cụ già quần nhiễu đỏ lòa sang nhau/ Đàn ông khăn nhiễu đội đầu/ Đôi giày da láng, khăn trầu đỏ loe/ Đàn bà yếm đậu vàng hoe/ Hàm răng đen nhức, váy lê thẹn thùng/ Đám "quay đất" họp đang đông/ Tiếng cười nắc nẻ vang trong góc lều(Chơi xuân)

Ở tập thơ Quê ngoại (Hồ DZếnh), người ta thấy tất cả sức nặng của tình cảm được nhà thơ dành cho nơi chôn nhau cắt rốn với những cảnh vật, con người sau “lũy tre xanh” hoặc nơi “phố huyện”. Thơ ông, vì thế, toát lên sự gần gụi, một tình yêu đất nước bình dị, đậm đà. Không mấy nổi bật trong phong trào Thơ mới, nhưng các bài thơ về làng cảnh, về thiên nhiên của Cẩm Lai như Sáng đồng quê, Cơn giông, Vườn trưa, Đường làng,… cũng là những phác họa có hồn về làng quê Việt Nam với bao tình thân yêu, quyến luyến.

3. Có thể nói, mảng sáng tác cho trẻ em trong Thơ mới là miền cổ tích lung linh huyền ảo cho chúng ta tìm về trú ngụ, “nạp” năng lượng tinh thần để tiếp tục hành - trình - người. Thông qua tâm hồn tác giả, qua cái nhìn trong veo về thiên nhiên, cuộc đời, hiện thực cuộc sống được phản ánh bình dị mà sâu sắc, không phải chỉ ở bề ngoài, mà ở cái linh hồn sâu kín với những rung động vi tế, trong trẻo bên trong. Với thiếu nhi hôm nay, được tiếp xúc với những bài thơ gần gũi, giàu tính giáo dục này sẽ là một cơ hội quý giá để hiểu hơn về bản thân, thêm tin yêu, trân trọng cuộc sống, cội nguồn… Từ trường hợp này, hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ đồng thuận với ý kiến của Tô Hoài: “Một sáng tác dẫu có ý định cho một lứa tuổi nào, nhưng khi đã thực sự có giá trị thì nhất định ai và bao giờ cũng phải thấy là hay”(7).

Trong chương trình cấp Tiểu học và Trung học cơ sở hiện nay, Thơ mới nói chung, những sáng tác về đề thiếu nhi nói riêng, chiếm số lượng khá khiêm tốn. Sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học chỉ có một trích đoạn từ bài thơ Chợ tết của Đoàn Văn Cừ (Tiếng Việt 4, Tập 2). Cấp Trung học cơ sở có ba bài, tất cả đều tập trung ở chương trình Ngữ văn lớp 8 (Nhớ rừng – Thế Lữ, Ông đồ - Vũ Đình Liên, Quê hương – Tế Hanh). Theo thiển ý của chúng tôi, việc gia tăng ngữ liệu phù hợp từ Thơ mới để dạy học các môn Tiếng Việt, Ngữ văn ở các cấp học trên là rất cần thiết. Bên cạnh mục đích phát triển những tri thức về tiếng mẹ đẻ, kĩ năng làm văn của học sinh, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, ngữ liệu Thơ mới không hề mất đi tính thời sự và ý nghĩa giáo dục trẻ thơ của nó. Theo tinh thần ấy, việc tuyển chọn một tập Thơ mới dành cho tuổi học trò cũng là việc cần và nên làm lúc này.

Tròn 30 năm trước, nhà thơ Vũ Quần Phương, bằng tấm lòng và trách nhiệm đối với tuổi thơ, đã nghĩ đến việc làm các tuyển tập thơ văn cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng từ việc sưu tầm, tuyển chọn trong các di sản văn học của cha ông. “Trong kho tàng văn học quá khứ có nhiều câu thơ hay cũng nên nhặt ra và in cho các em. Có thể chọn thơ từ thời Lí – Trần cho đến các bài thơ trước Cách mạng tháng Tám. Đây là thơ của người lớn, nhưng có những câu thơ, trích ra cho trẻ đọc cũng rất tốt. Nhiều câu thơ đẹp, rất Việt Nam, nhất là sức gợi cảm rất lớn, của Tản Đà, của Nguyễn Bính, của Huy Cận, của Xuân Diệu, Tế Hanh, ngay ở những tập xuất bản trước 1945 rất cần cho việc nuôi dưỡng tâm hồn các em”(8). Những năm qua, Nhà xuất bản Kim Đồng đã có tủ sách Thơ với tuổi thơ gồm những tập thơ của nhiều thế hệ người viết, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Nhược Pháp… đến Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Duy v.v… Sách chọn lọc kĩ lưỡng, trình bày độc đáo, được cả trẻ em và người lớn đón đọc. Tuy nhiên, một tuyển tập Thơ mới của riêng thiếu nhi vẫn còn trong… chờ đợi.

Thời chúng ta đang sống, những giá trị dễ bị vượt qua, và vì thế, sự cũ hóa cùng với nó là hố ngăn với truyền thống càng nhanh chóng nới rộng. Với người trẻ tuổi, tình trạng này thường gia tăng theo cấp số nhân. Trong hoàn cảnh đó, những vần Thơ mới, hoặc tinh khiết, trong veo về thế giới khách quan hay cuộc sống của chính các em, hoặc đằm thắm ân tình với cộng đồng, đất nước, với điệu hồn dân tộc… được chúng ta lựa chọn bằng cả trách nhiệm, sự trân quý đối với trẻ thơ sẽ sẽ rất cần cho hành trang của tuổi nhỏ hôm nay, tích cực góp phần tạo ra bản lĩnh, nhân cách Việt Nam cho thế hệ tương lai.

             An Lạc, tháng 9 – 2013

(*)TS – Khoa Ngữ văn – Trường ĐHSP Tp Hồ Chí Minh

_________________

(1) Thơ mới 1932 – 1945 - Tác giả và tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2001. Các trích dẫn trong bài được lấy từ đây.

(2), (3), (7) Vân Thanh (Biên soạn), Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2006; tr.261 – 262; 860; 140.

(4) Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển hạ), Nxb Sống Mới, Sài Gòn, 1969, tr. 342.

(5), (7) Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam 1931 – 1941, Nxb Văn học, Hà Nội, 1988, tr.27, 303.

(8) Vũ Quần Phương: Thơ cho tuổi thơ, trong sách Bàn về văn học thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, 1983.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5.2014, tr. 112-120.