Ký ức và căn tính trong văn học di dân của người Việt tại Đức

In bài này

1.      Đôi nét về người Việt tại Đức

Vào ngày 27 tháng 4 năm 2017, lần đầu tiên một hội thảo về cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Liên bang Đức đã được phối hợp tổ chức bởi Trung tâm tư liệu và Bảo tàng di dân và Quỹ Friedrich Ebert. Hội thảo là nơi ra mắt cuốn sách Vô hình (Unsichtbar), thành quả từ công trình nghiên cứu dài hơi và thấu suốt về cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Liên bang Đức (CHLB) Đức.[1] Tôi không định giới thiệu cụ thể về cuốn sách này, điều độc gỉa có thể tự tìm hiểu qua nội dung cuốn sách. Điều tôi chú ý là thành phần diễn giả được mời đến tham dự hội thảo: một đại diện là cựu công nhân hợp tác lao động, một đại diện là thuyền nhân, và một số đại diện người Việt thuộc thế hệ một rưỡi và hai. Trong khi đại diện cựu công nhân hợp tác chia sẻ những khó khăn trong quá trình làm việc trong nhà máy tại Cộng hoà Dân chủ (CHDC) Đức, vị đại diện là thuyền nhân thuật lại những kí ức đau buồn trong quá trình di cư sang Đức. Dẫu vậy, những trải nghiệm của họ bị lấn át bởi vô số câu chuyện về sự thành công trong quá trình hội nhập của thế hệ người Việt một rưỡi và hai. Sinh ra hoặc sang Đức khi còn nhỏ, một vài trong số này hiện trở thành bác sĩ, nhà báo, người dẫn chương trình hay nhà văn. Họ đại diện cho thế hệ người Đức gốc Việt điển hình tại Đức, những người nói tiếng Đức không khác tiếng mẹ đẻ, trưởng thành và hội nhập vào xã hội Đức. Họ là minh chứng cho sự thành công của những chương trình hội nhập dành cho người nhập cư của chính phủ Đức. Họ khiến cho những nhận định và đánh giá về cộng đồng người Việt tại Đức vốn gói gọn trong hai nhóm di dân chính là thuyền nhân và cựu công nhân hợp tác lao động bỗng trở nên lỗi thời và tiềm tàng định kiến.

Căn cứ vào bảng phân loại người nhập cư tại Đức,[2] cộng đồng người Việt có nhiều hơn hai nhóm dân cư chính là thuyền nhân và công nhân hợp tác. Từ năm 1955, một nhóm học sinh ở độ tuổi từ 10 đến 14, là con em của các cán bộ Đảng Lao động Việt Nam, đã được gửi sang Cộng hoà Dân chủ Đức học tập và làm việc tại Moritzburg.[3] Những người Moritzburg chính là những người tiên phong được đào tạo và làm việc tại Đức, mở đầu cho một loạt chương trình thực tập và làm việc sau này của người Việt ở cả Đông và Tây Đức vào những năm 1960-1970. Tuy nhiên, nếu tính về số lượng, những người thuyền nhân và cựu công nhân hợp tác mới là hai nhóm dân cư chiếm số lượng lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Đức.

Hai Hong là con thuyền chở những người Việt Nam đầu tiên cập bến Tây Đức vào năm 1978.[4] Dù gặp phải một số phản ứng nghi ngại từ người dân[5], hình ảnh những thuyền nhân Việt Nam lênh đênh trên đại dương vẫn dấy nên mối thương cảm nhất định, điều dẫn dến sự ra đời của chiến dịch nhân đạo “Con thuyền cho Việt Nam” (Ein schiff für Vietnam) được dẫn dắt bởi Rupert Neudeck và các cộng sự. Hành trình cứu trợ đầu tiên của con thuyền Cap Anamur, được bắt đầu vào năm 1978 và tiếp diễn những năm sau đó, đã cứu sống hơn 10.000 thuyền nhân và hỗ trợ y tế cho hơn 35.000 ngàn người khác.[6] Những chuyến tàu nhân đạo này cũng khởi đầu cho sự hình thành tổ chức nhân đạo “Cap Anamur-Bác sĩ cứu nạn Đức” (Cap Anamur-Deutsche Not-Ärzte e.V.) hiện vẫn đang thực hiện các dự án hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại các quốc gia châu Phi, châu Á và châu Âu. Hình ảnh con thuyền cứu hộ Cap Anamur về sau cũng xuất hiện trong một số tác phẩm của thuyền nhân người Việt tại Đức như một biểu tượng của tinh thần nhân đạo của quốc gia này, con thuyền đã đưa những thuyền nhân Việt Nam đến nơi an toàn.

Cần nhắc đến ở đây cách thức truyền thông Đức dựng nên những tự sự về thuyền nhân người Việt nhằm tái cấu trúc cộng đồng thuyền nhân Việt như hình mẫu về một cộng đồng nhập cư “tốt” so với những người đồng hương của họ là công nhân hợp tác lao động. Trong nghiên cứu của mình, Pipo Bui[7] khám phá qua những tập sách nhỏ về người di cư Việt Nam ở Münster rằng hoàn cảnh khắc nghiệt của thuyền nhân người Việt trong quá trình vượt biên và lênh đênh trên biển đã được tác giả của các tập sách này cố ý xoáy sâu như một hành động có chủ đích nhằm nhấn mạnh đến bản chất nhân đạo của hoạt động cứu trợ. Ngoài ra, cách thức các tác giả này tạo ra bầu không khí đồng cảm xung quanh việc tị nạn của thuyền nhân người Việt lẫn những nỗ lực hội nhập của người tị nạn tại nước sở tại thực sự “đánh bại” đồng hương của họ trong việc thu hút sự chú ý của dư luận tại Đức. Quả thật, những chính sách hội nhập của chính phủ Đức[8] đã mang đến cho người tị nạn cơ hội được tham gia vào đời sống kinh tế và xã hội, giúp họ dần hội nhập vào xã hội Đức.

So với thuyền nhân, cộng đồng cựu công nhân hợp tác lao động hoàn toàn khác biệt xét về bối cảnh di cư lẫn điều kiện sinh sống. Trong khi cộng đồng thuyền nhân chủ yếu được hình thành sau sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa năm 1975 thì cộng đồng công nhân hợp tác lao động lại được định hình trong bối cảnh chính trị thời Chiến tranh Lạnh. Có hàng trăm ngàn công nhân người Việt làm việc trong các nhà máy ở các nước Đông Âu như Cộng hòa Séc, Ba Lan và Slovakia trong những năm 1980. Tuy nhiên, sự thống nhất giữa hai miền Đông và Tây Đức, kéo theo đó là sự giải thể của khối Xô Viết, đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Việt sống và làm việc tại các quốc gia này.[9] Ngoài những công nhân Việt Nam làm việc tại các nhà máy ở Cộng hoà Dân chủ Đức thì cộng đồng cựu công nhân hợp tác lao động còn có sự hiện diện của những công nhân di cư bất hợp pháp từ các nước Đông Âu khác sang Đức. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào 1989, các cựu công nhân này làm đủ mọi công việc để tìm kế sinh nhai nhằm có được giấy phép cư trú.

Người Việt sang Đức từ sau 1990 chủ yếu dưới hình thức đoàn tụ gia đình hoặc xin tị nạn. Cựu công nhân hợp tác lao động giờ đây có thể đón người thân trong gia đình sang Đức dưới hình thức đoàn tụ gia đình. Ngoài ra, những người mở nhà hàng châu Á hoặc Việt Nam có thể đưa người thân của họ đến Đức, miễn là những người được thuê này có kinh nghiệm làm việc và chứng minh họ không thể thay thế bởi người Đức. Ngoài ra còn có một cách độc đáo khác để phụ nữ Việt Nam có được giấy phép cư trú là kết hôn hoặc ít nhất là có con với người bản địa, chưa kể đến tình trạng kết hôn giả để có được giấy phép cư trú của các cô dâu Việt. Đây có thể xem là cách thức đối phó của người Việt khi ngày càng có ít đơn xin tị nạn được chấp thuận. Bên cạnh đó, hiện nay số lượng sinh viên Việt Nam du học Đức ngày một tăng, nhờ vào các chính sách miễn học phí cho sinh viên và danh tiếng của các trường đại học Đức. Với các sinh viên không nhận được học bổng chính phủ Việt, thường sẽ không bị buộc phải về nước khi kết thúc khoá học, họ sẽ tìm việc làm và sinh sống tại Đức. Số sinh viên này thường sẽ được nhập tịch trong tương lai.

Hội thảo về cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Liên bang Đức, Trung tâm tư liệu và Bảo tàng di dân và Quỹ Friedrich Ebert, Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức, ngày 27 tháng 4 năm 2017

2.      Tổng quan về văn học người Việt tại Đức

Tương ứng với sự hình thành các nhóm cộng đồng Việt tại Đức, văn học người Việt tại quốc gia Trung Âu này cũng có sự phân hoá rõ rệt. Thứ nhất, bộ phận văn học hình thành và phát triển tương đối sớm, cuối những năm 1970 đầu những năm 1980, là văn học của những người tị nạn. Với xuất phát điểm là văn chương lưu vong, sự đa dạng trong nhóm cộng đồng người Việt dẫn đến sự đa dạng trong đề tài thể hiện của văn chương người Việt tại Đức từ sau năm 1990. Từ đây, văn học người Việt tại Đức đã có sự chuyển hoá từ văn chương lưu vong sang văn chương của những người di dân. Với sự xuất hiện của các nhóm cộng đồng mới như công nhân hợp tác, người Việt sang Đức dạng đoàn tụ gia đình hay sinh viên du học, biên độ phản ánh của các nhóm đề tài gần như trùng khớp với các chủ đề tiêu biểu của văn học di dân. Cụ thể, các tác giả người Việt thường nhấn mạnh đến bối cảnh xã hội tại Việt Nam, điều thúc đẩy họ ra đi; về cách thức họ được đón nhận tại nước tại; ý thức về sự nhổ rễ bị gây ra bởi sự dịch chuyển và sự đa dạng về văn hoá và hành trình tìm kiếm bản sắc.

Những tác phẩm văn học đầu tiên của người tị nạn ra đời cùng với sự hình thành cộng đồng người Việt tại Đức. Một trong những tạp chí ra đời sớm nhất, vốn xuất thân là tạp chí Phật học, sau này mở rộng, sang các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật (trong đó có văn học) là tạp chí Viên Giác, ra mắt số đầu tiên vào ngày 1 tháng 1 năm 1979. Tuy nhiên, thời gian đầu, tạp chí này chủ yếu tập trung vào các vấn đề về tôn giáo. Từ năm 1989 trở đi, tạp chí này mới chủ trương kết hợp giữa đạo và đời và thể hiện quan điểm khuynh hướng chính trị rõ rệt hơn. Ngoài ra, Viên Giác còn là Trung tâm Văn hoá xã hội Phật giáo tại Cộng hoà Liên bang Đức (CHLB) Đức, nơi về sau in ấn nhiều tác phẩm văn học thuộc nhóm các tác giả thuyền nhân. Cùng với báo Viên Giác, những tác phẩm văn học đầu tiên của văn học người Việt tị nạn tại Đức chính là những tác phẩm văn học Phật Giáo. Người sáng tác chính là hoà thượng Thích Như Điển, trụ trì chùa Viên Giác. Thích Như Điển sinh ngày 28 tháng 6 năm 1949 tại tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Ông du học tại Nhật Bản trước năm 1975 với bằng Cử nhân Giáo dục và Thạc sĩ Phật học tại Đại học Teikyo và Đại học Risso ở Tokyo. Ông sang Đức vào năm 1977 với thị thực du lịch nhưng sau đó xin tị nạn ở Đức. Ở lại Kiel một năm để học tiếng Đức tại Đại học Kiel, sau đó ông chuyển đến Hannover để theo đuổi con đường học vấn sau đại học, và sinh sống ở Đức kể từ đó. Hoà thượng Thích Như Điển là một người đa ngôn ngữ. Đến nay, ông đã sáng tác và dịch thuật hơn 65 tác phẩm bao gồm các tác phẩm văn học lẫn sách dịch bằng tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Đức liên quan đến các vấn đề Phật giáo. Không kể tác phẩm dịch đầu tiên Truyện cổ Việt Nam, xuất bản năm 1974, (1975) khi hoà thượng còn ở Nhật, hai sáng tác văn học đầu tiên khi ông sang Đức là Giọt mưa đầu hạ (1979) và Ngỡ ngàng (1980). Hai tác phẩm này cũng mở đầu cho hàng loạt các sáng tác văn học lẫn dịch thuật sau này của ông. Gần như mỗi năm, ông lại xuất bản một tác phẩm hoặc dịch phẩm, liên tục từ năm 1979 đến năm 2017, nội dung chủ yếu giải nghĩa các vấn đề về Phật Giáo, mô tả đời sống tinh thần người Phật tử tại Đức, các sách ghi chép lại quá trình hoằng pháp của hoà thượng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc các sáng tác đầu tiên thuộc bộ phận văn học Phật giáo thật ra không có gì khó hiểu, vì tôn giáo nói chung là một trong những điểm tựa về tinh thần của cộng đồng người Việt tị nạn. Chùa Viên Giác, nơi sau này còn là Trung tâm Văn hoá Xã hội Phật giáo tại Cộng hoà Liên bang Đức (Vietnamesische-Buddhistisches Sozio-Kulturzentrum i. d. BRD) chính là nơi trực tiếp hỗ trợ việc in ấn cho các tác phẩm không những của tăng ni phật tử mà còn các nhà tác giả người Việt khác.

Một số các đầu sách được xuất bản khá sớm bởi Trung tâm Văn hoá xã hội phật giáo tại CHLB Đức gồm có tập truyện ngắn Sau ngày tang[10] của Vũ Nam và Tạp ghi Nỗi buồn viễn xứ ai buồn hơn ai[11] của Hạ Long. Hai tác phẩm này đều được xuất bản vào năm 1987, in bằng kĩ thuật quay roneo, nội dung phản ánh rõ tâm tư bi ai của người tị nạn. Chẳng hạn, Sau ngày tang là tập hợp những truyện ngắn của Vũ Nam đã đăng rải rác trên các báo Việt ngữ tại Đức từ năm 1981 đến 1987. Là tác phẩm đầu tay được in thành sách của Vũ Nam, đa số tình huống truyện trong tập truyện ngắn chưa lên đến cao trào, nội dung truyện chỉ là các mẩu truyện rời rạc. Nói chung, tập truyện chỉ cho thấy quan điểm chính trị hơn là năng lực sáng tác của nhà văn. Tương tự, tác giả Hạ Long trong tập tạp ghi Nỗi buồn viễn xứ ai buồn hơn ai đã ghi lại những tâm tư, u uẩn, hoặc những sinh hoạt văn hoá của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, qua đó bày tỏ sự hoài niệm, nuối tiếc về quê hương đã xa và nỗi đau đớn trước nguy cơ mất gốc của cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Chẳng hạn, tác giả đã bày tỏ nỗi niềm của một người con sống tha hương như thế này: “Tôi một khách lạ, một kẻ mất quê hương, hay một kẻ không thể sống được trên nơi chôn nhau cắt rốn, một kẻ trong hàng ngàn kẻ đang sống kiếp tầm gởi trên vùng đất xa xăm này.”[12]

Đầu những năm 1980 là thời điểm xuất hiện nhiều tác phẩm đầu tay được đánh giá cao của một số tác giả người Việt. Đây có thể xem là thời kì phát triển nền văn học người Việt tại Đức, được hiểu theo nghĩa các tác giả có sách xuất bản, có độc giả nhất định, có hoạt động giao lưu sinh hoạt giữa tác giả và bạn đọc. Trong khoảng 40 năm phát triển của văn học người Việt tại Đức cho đến nay, tôi chia ra làm hai giai đoạn tương ứng với đặc điểm hình thành và phát triển của hai nhóm cộng đồng người Việt tại Đức. Theo đó, giai đoạn phát triển ban đầu là từ 1979 đến khoảng 1990. Giai đoạn thứ hai là từ 1990 cho đến nay. Việc phân kì văn học dựa theo quá trình thành nhóm cộng đồng cho thấy sự tương tác giữa các biến cố lịch sử của thời đại đôí với việc hình thành bản sắc văn hoá của các nhóm di dân.

Giai đoạn phát triển ban đầu bắt đầu từ năm 1979 đến 1990. Mốc thời điểm phát triển từ 1980 liên quan chặt chẽ đến sự thành lập và phát triển của chùa Viên Giác. Ngoài ra, đặt văn học Đức trong bối cảnh văn học hải ngoại người Việt, thời điểm mười năm này là thời điểm Văn bút hải ngoại người Việt được thành lập, sau đó là sự ra đời của Trung tâm châu Âu thuộc Văn bút Việt Nam hải ngoại. Hai sự kiện này là yếu tố thúc đẩy phong trào sáng tác của các cây bút chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư tại Đức. Một mặt, việc tham gia vào một tổ chức văn học có mạng lưới trên khắp thế giới, đặc biệt lại là nơi tập hợp các nhà văn có chung nguồn gốc xã hội (người tị nạn) tạo nên một nhóm cộng đồng không chỉ chia sẻ với nhau các đặc tính nghề nghiệp (là nhà văn, đặc biệt là các nhà văn là hội viên của Văn bút hải ngoại, chi nhánh tại châu Âu) mà quan trọng hơn là các đặc tính xã hội với tư cách là nhóm di dân. Hơn thế nữa, trong trường hợp người viết tại Đức, việc có được một cơ sở in ấn là Viên Giác cũng thúc đẩy quá trình sáng tác. Ít nhất, tác phẩm được viết ra viết ra sẽ có nơi in ấn, nghĩa là được ra mắt. Trong viễn cảnh tốt đẹp hơn, sách được in ra sẽ đến tay người đọc, nghĩa là được đón nhận. Cả hai nguyên nhân này là động lực thúc đẩy quá trình sáng tác của các nhà văn, điều lý giải tại sao có khá nhiều tác phẩm của các tác giả người Việt được in ấn trong thời gian này. Cụ thể, từ năm 1979 đến 1990, cơ sở in ấn báo Viên Giác đã xuất bản các tác phẩm của Vũ Nam như Sau ngày tang (1987), Bên dòng sông Donau (1990); Vũ Ngọc Long như Nỗi buồn viễn xứ ai buồn hơn ai (1987), Tìm nẻo đường về (1992), Quê hương tôi bây giờ là như thế đó. Bên cạnh nhà in của báo Viên Giác, các tác giả còn gửi sách xuất bản tại nhiều quốc gia khác, phổ biến nhất là Hoa Kỳ, Canada và Pháp. Tiêu biểu trong số này gồm có Ngô Nguyên Dũng với Dòng chữ tâm tình (1988) do Văn Nghệ, Hoa Kỳ xuất bản; Mười hai hoa cúc (1988) do Văn Lang, Hoa Kỳ xuất bản, Đêm (1989) do Làng Văn, Canada xuất bản, Tập san Văn bút âu châu 1 (1989) do Trung tâm Âu châu VBVNHN xuất bản; Thế Giang với Thằng người có đuôi (1988) do Người Việt xuất bản.

Một số tác giả có sáng tác nổi bật trong giai đoạn này có thể kể đến Ngô Nguyên Dũng và Thế Giang. Thế Giang là bút danh của nhà văn Trần Hưng. Ông sinh năm 1958 tại Hà Nội, định cư tại Đức vào những năm 1980 và hiện đang sinh sống tại Dortmund, Đức. Bên cạnh việc viết bài cho một số tạp chí văn học người Việt tại Hoa Kỳ như Văn học, Văn, tính đến nay ông chỉ xuất bản duy nhất một tác phẩm là Thằng người có đuôi[13]. Tuy vậy, thông qua việc mô tả đời sống sinh hoạt người dân miền Bắc, Thế Giang đã chứng tỏ ông là một cây bút châm biếm sắc sảo nhưng không kém phần hài hước. Tương tự, có thể nói Ngô Nguyên Dũng cũng là một nhà văn có đóng góp đáng kể không chỉ cho văn học hải ngoại người Việt tại Đức mà cho nền văn học hải ngoại. Ông có bút lực dồi dào, liên tục xuất bản sách từ 1988 cho đến nay. Tuy cả hai có nền tảng khác nhau, một người là sinh viên du học tại Đức vào những năm 1970 (trường hợp Ngô Nguyên Dũng), còn một người là công nhân hợp tác sang Đức hơn mười năm sau đó (trường hợp của Thế Giang), nhưng cả hai lại có khá nhiều điểm tương đồng. Thứ nhất, họ là hai trong số ít các nhà văn giao lưu, cộng tác với một số tạp chí văn học tại Hoa Kỳ và Canada, nơi văn học hải ngoại người Việt sinh sôi và phát triển tương đối mạnh mẽ so với cộng đồng người Việt tại các quốc gia khác. Chẳng hạn, cả hai đều đăng truyện của mình trên Tạp chí Văn học, Hoa Kỳ; Ngô Nguyên Dũng nằm trong ban biên tập của tạp chí Làng văn, Canada. Đó là chưa kể, cả hai tác giả đều là hội viên của Trung tâm Âu châu thuộc Văn bút Việt Nam hải ngoại. Việc giao lưu cộng tác với một trong những thị trường văn học hải ngoại sôi động bậc nhất phần nào cho thấy nhu cầu hội nhập của các nhà văn này, mặt khác phản ánh khuynh hướng sáng tác, thậm chí là thiên hướng chính trị thể hiện trong sáng tác của họ. Trong khi cả hai tập truyện được xuất bản tại Hoa Kỳ vào năm 1988 là Dòng chữ tâm tình[14] (Văn Nghệ) và Mười hai hoa cúc[15] (Văn Lang) của Ngô Nguyên Dũng thể hiện rõ cảm thức hoài niệm về quê hương đã mất (một đặc điểm nổi bật của văn chương lưu vong thời kì đầu), tập truyện Thằng người có đuôi của Thế Giang lại bộc lộ khuynh hướng chống cộng cực kì rõ nét.

Ở đây cần lưu ý Thế Giang hay Ngô Nguyên Dũng không phải là những trường hợp duy nhất xuất bản sách tại nước ngoài. Ngược lại, ngoại trừ tác giả Thế Dũng, người có công ty in ấn và xuất bản riêng VIPEN thành lập vào năm 2010, vô số các tác giả người Việt tại Đức xuất bản và in sách tại một quốc gia khác. Chẳng hạn, Thế Giang và Ngô Nguyên Dũng in sách tại Hoa Kì; Ngô Nguyên Dũng in sách tại Hoa Kì và Canada; Lê Minh Hà, Nguyễn Văn Thọ, Lê Xuân Quang in sách tại Việt Nam; Thế Dũng, trước khi thành lập công ty riêng, cũng in sách tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc chọn lựa địa điểm in sách không chỉ là bài toán về kinh tế. Hẳn nhiên, chi phí in sách tại Đức, vốn không rẻ và không dễ tiếp cận đối với đa số các tác giả người Việt, cũng là một nguyên nhân. Quan trọng hơn, chọn lựa nơi in sách cũng chính là chọn lựa thị trường tiêu thụ sách, điều rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến đề tài thể hiện và phong cách sáng tác của người viết sao cho phù hợp với thị hiếu của độc giả. Một cộng đồng người Việt hải ngoại đông đúc tại Hoa Kỳ, đa phần ra đi từ sau năm 1975 với rất nhiều nguyên nhân, hẳn nhiên sẽ kì vọng được đọc những tác phẩm phản ánh tâm tư và nguyện vọng của những người ra đi (nhóm các tác phẩm viết về đề tài kí ức, hoài niệm); hoặc ít ra sẽ là những tác phẩm phác thảo cuộc sống miền Nam trước thời khắc lịch sử 1975 (nhóm tác phẩm viết về đề tài phong tục, hay văn chương miệt vườn). Trong khi đó, các tác giả không phải thuyền nhân lại tập trung mô tả cuộc sống nơi trú xứ lẫn kinh nghiệm sinh sống tại Việt Nam trước khi họ di cư nhằm mang lại một món ăn tinh thần mới mẻ cho độc giả trong nước. Sự khác biệt về đề tài cũng dẫn đến sự khác biệt trong những biểu hiện về kí ức và căn tính mà tôi sẽ phân tích trong phần sau.

Giai đoạn phát triển thứ hai, được xem là giai đoạn phát triển rầm rộ hơn so với giai đoạn đầu, bắt đầu từ cuối năm 1980 đầu 1990 cho đến nay. Trong đó, giai đoạn từ 1990 đến 2010 văn học Việt tại Đức có sự phát triển đa dạng về đề tài, thể loại lẫn phong cách viết. Bên cạnh các tác giả có yếu tố tị nạn, không thể không kể đến sự xuất hiện của nhóm các tác giả vốn là công nhân hợp tác, bên cạnh đó là các tác giả sang Đức dạng đoàn tụ gia đình. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin là một biến cố lịch sử làm thay đổi hoàn toàn đời sống người Việt và là căn nguyên hình thành nhóm cộng đồng người Việt thứ hai tại Đức. Do đó, cuộc sống người Việt tại Đức trước và sau năm 1990 trở thành mảng đề tài chính của các tác giả vốn là công nhân hợp tác. Tiêu biểu trong số này gồm có Nguyễn Văn Thọ với Quyên, Lê Xuân Quang với các tập truyện ngắn (Những mảnh đời phiêu bạt (2002), Những số phận không định trước (2003), Dòng xoáy cuộc đời (2004), Đùa với lửa (2005) và Canh bạc cuộc đời (2005), Thế Dũng với Hộ Chiếu buồn, Một nửa lá số, Tình cuội, Đỗ Trường với Không bao giờ thành sẹo; Nguyễn Hoài Phương với Chuyện đồng hương. Ngược lại, một số cây bút nữ sang Đức diện đoàn tụ gia đình (trường hợp Lê Minh Hà) hay sinh sống tại Đức trên dưới 20 năm (trường hợp Đoàn Minh Phượng) thay vì quanh quẩn với việc mô tả cuộc sống sinh hoạt cộng đồng Việt tại Đức, lại lựa chọn Việt Nam làm cảm hứng sáng tác (trường hợp của nhà văn Lê Minh Hà với Trăng goá, 1998; Gió biếc 1999, Thương thế ngày xưa 2001; Những giọt trầm, 2002; Gió tự thời khuất mặt, 2005; Sâm cầm, 2004; Truyện cổ viết lại, 2006, Phố vẫn gió, hay thậm chí là thân phận con người hay ý nghĩa của sự tồn tại (như trường hợp của Đoàn Minh Phượng trong Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau). Sách của các tác giả trong giai đoạn này chủ yếu được in ấn và xuất bản tại Việt Nam (trường hợp của Nguyễn Văn Thọ, Lê Xuân Quang, Lê Minh Hà, Đoàn Minh Phượng, Thế Dũng). Ngoài ra, vào năm 2010 Thế Dũng thành lập công ty xuất bản và phát hành sách riêng VIPEN, nơi in ấn chính sáng tác và sách dịch của chính tác giả cho đến nay.

Đối với nhóm tác giả lưu vong, Viên Giác vẫn là cơ sở xuất bản đáng tin cậy của các nhà văn tị nạn tại Đức. Giai đoạn từ năm 1990 trở đi, nơi đây tiếp tục in ấn rất nhiều tác phẩm của các nhà văn tị nạn, từ những tác giả đã từng được in sách tại đây đến các tác giả mới. Ví dụ, Vũ Nam với Nơi cuối dòng sông (1994), Câu chuyện từ con tàu Cap Anamur (1997); Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa với Như cánh chuồn chuồn (2001), Tập san Văn bút châu Âu 2 và 3 (1994,1996), Tuyển tập viết về châu Âu (2003), Tuyển tập thơ Viên giác (), Những cây bút nữ 1 và 2 (2008, 2014). Ngoài Viên Giác, các tác giả người Việt tại Đức có sách được in ấn tại nước ngoài trong thời gian từ 1990s trở đi gồm có Vũ Nam với Bên này bức tường Bá Linh (Miệt vườn, 1993), Một đêm ở Geneve (Làng Văn, 2004), Hoa Liên Kiều (Làng Văn, 2008), Quê người nhớ quê nhà (Cỏ thơm, 2016), Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa với Con đường cũ (Thất sơn châu Đốc, 2007), Hoa Lan với Một lần cho trăm năm (Hương Sen, 2006), Lửa tình và lửa tam muội (), Đan Hà với Tìm trong yêu dấu, Văn Công Tuấn với Cổ thụ lặng bóng soi Dấu ấn những bậc thầy, Trúc Giang với Tình yêu nuôi tôi lớn (Bạn Văn, 1999), Đây kia mưa nắng, Huy Giang với Những nụ hồng, Đan Hà &Huy Giang với Nỗi nhớ, Ngô Nguyên Dũng với Tiếng núi (Làng văn, 1992), Chuông đêm (Làng văn, 1992), Gia đình cún (Làng văn, 1994), Âm bản (Minh Văn, 1994), Khung cửa nắng (Văn học, 2000), Hòn còng lửa (Văn mới, 2002), Ngôn ngữ tuyết (Quyên Book, 2006), Núi đoạn sông lìa (Nhân Ảnh, 2017).

Mặc dù cho đến nay, một số tác giả vẫn tiếp tục ra sách mới, như trường hợp của Ngô Nguyên Dũng với tiểu thuyết Ngàn năm trong khonh khc (2018) được sáng tác bằng tiếng Đức với mong muốn mở rộng đối tượng độc giả người bản xứ, qua đó là nỗ lực hoà mình vào văn học dòng chính, văn học người Việt tại Đức đang ở giai đoạn chững lại. Đây là tình trạng chung không chỉ của văn học người Việt tại Đức mà còn của văn học người Việt tại hải ngoại. Với sự phát triển của internet và phương tiện truyền thông, thêm vào đó, khi việc hồi hương đã trở nên phổ biến hơn trước, rõ ràng là cộng đồng di dân nói chung không bị buộc phải dựa vào văn chương như một món ăn tinh thần duy nhất. Không những thế, sự giao lưu tiếp biến qua lại giữa tác phẩm văn học trong nước và văn học hải ngoại, một mặt mang đến cho người đọc nhiều sự lựa chọn hơn để thoả mãn nhu cầu đọc, mặt khác lại tạo nên áp lực to lớn cho các tác giả người Việt tại hải ngoại nhằm viết không những phải hay mà còn phải hợp thời. Tuy vậy, như nhà văn Nguyễn Mộng Giác nhận xét, tự do tiếp cận và lĩnh hội thông tin chính là một trong những lợi thế lớn lao của người viết tại hải ngoại: “Những điều mắt thấy tai nghe, những sách báo đã đọc, những nếp sống phong tục của các dân tộc được tiếp xúc, những kho tài liệu đa dạng và phong phú về đủ mọi vấn đề… đã mở rộng tầm mắt và kiến thức cho người cầm bút tại hải ngoại, một điều mà những đồng nghiệp ở trong nước không có”[16] Vì vậy, sự thay đổi về điều kiện sáng tác vừa là thử thách vừa là điều kiện để văn học hải ngoại nói chung, và văn học người Việt tại Đức nói riêng chuyển mình và phát triển theo hướng mới, qua đó tiến đến gần hơn với văn học thế giới.

3.      Biu hin kí c và căn tính trong văn hc di dân ca người Vit ti Đc

Diasporá (tiếng Hy Lạp, tạm dịch là “di dân”) bắt nguồn từ động từ diaspeirein, kết hợp giữa “dia”, (hơn hoặc xuyên qua) và “speirein” (phân tán hoặc gieo rắc). Về cơ bản, di dân đề cập đến sự phân tán hoặc phát tán. Theo nghĩa gốc Hy Lạp, di dân tập trung vào quá trình hủy diệt, “sự phân hủy vật chất và sự phân rã thành những phần nhỏ hơn”.[17] Sự phá huỷ Jerusalem và sự sụp đổ của Đền thờ Thứ nhất (960 TCN-586 TCN) được đa số học giả đồng tình là thời điểm bắt đầu những trải nghiệm di cư của người Do Thái.[18] Các sự kiện thảm khốc này đã tạo ra các đặc điểm trung tâm trong những tự sự về người Do Thái là nô lệ, di dân, lưu đày và khao khát được trở về nhà.

Như thể hiện trong trường hợp của người Do Thái, khái niệm di dân thuở ban đầu có liên quan chặt chẽ tới sự phân tán từ những vị trí địa lý ban đầu, nỗi khao khát và sự trở về. Ví dụ kinh điển của người Do Thái, nơi mà sự phân tán mang tính chất cưỡng bức và sự trở về là bất khả, nhấn mạnh vào khái niệm nhà đi liền với khái niệm “gốc rễ, đất đai và những mối quan hệ thân thiết”,[19] nhấn mạnh vào nỗi hoài niệm và sự mất mát. Từ ý nghĩa ban đầu này, khái niệm di dân đã được mở rộng cùng với quá trình di cư toàn cầu để lí giải những kinh nghiệm của người di dân trong khuôn khổ của khái niệm lưu vong, kết nối và trở về. Dù trùng lắp phần nào với những nghiên cứu liên ngành cũng tập trung vào các tiến trình di dân xã hội, chẳng hạn như nghiên cứu di dân và tị nạn, nghiên cứu hậu thuộc địa và toàn cầu hóa, di dân tự phân biệt ở “mối liên hệ giữa quê hương và nước sở tại được tạo ra bởi các chủ thể di động, bao gồm cả viễn cảnh định cư lâu dài cả trong và ngoài nước.”[20] Mối liên hệ với quê hương được hiểu là “một sự ràng buộc mạnh mẽ và luôn tái tạo với quá khứ”,[21] điều này cũng được Robin Cohen tuyên bố là một điều kiện cần để nảy sinh ý thức di dân. Nhà và sự kết nối với quê nhà của các cộng đồng phân tán đã được xác nhận là đặc điểm chính bởi các học giả, dẫu họ chọn cách tiếp cận cộng đồng từ những góc độ và quan điểm khác nhau.

Trong trường hợp văn chương người Việt tại Đức, quê nhà và những kí ức về quê hương là những đề tài chủ đạo được hầu hết các tác giả khai thác. Với các tác giả là thuyền nhân hoặc người tị nạn, kí ức về quê nhà được khắc hoạ thông qua những trải nghiệm đen tối của hành trình vượt biên hay sang chấn tâm lí, những nỗi niềm nhung nhớ và luyến tiếc về phong cảnh hay văn hoá Việt trước khi họ ra đi. Với các tác giả là cựu công nhân hợp tác hay sang Đức diện đoàn tụ gia đình, quê hương được mô tả vừa chất chứa yêu thương lẫn những niềm nuối tiếc trước sự đổi thay của đất nước và tâm tính con người.

Kinh nghiệm di cư bằng thuyền và sinh sống trong trại tị nạn là một trong những đề tài nổi bật của văn học và nghệ thuật của người di dân Việt, góp phần quan trọng trong việc hình thành căn tính di dân của cộng đồng hải ngoại.[22] Kinh nghiệm chấn thương của thuyền nhân người Việt khi vượt biên và sinh sống trong trại tị nạn cũng trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều học giả.[23] Đồng thời, nhiều văn khố về thuyền nhân người Việt được thiết lập[24] và những tượng đài thuyền nhân người Việt được dựng nên tại Hoa Kỳ, Canada, Australia hay Đức. Những tư liệu này là những nỗ lực quý báu của những người sống sót và có quan tâm nhằm lưu giữ những kinh nghiệm hãi hùng của thuyền nhân người Việt, bày tỏ lòng xót thương tới những người đã khuất và bày tỏ lòng tri ân với nơi trú xứ, nơi cưu mang những người di dân Việt. Dù được ghi lại dưới hình thức nào, tất cả tư liệu trong văn khố, tư liệu phim ảnh và văn chương đều là những di sản văn hoá của người Việt di dân, góp phần lý giải sự hình thành căn tính Việt hải ngoại.

Trong trường hợp văn học của thuyền nhân người Việt tại Đức, kinh nghiệm vượt biên bằng đường biển và sinh sống tại các trại tị nạn trở thành một đề tài quen thuộc của những cây bút có chung mục đích và phương tiện thoát thân. Trong Cơn sốt giữa đêm (tập Lão Hũ Chìm, Phù Vân), Giao mùa (tập Những nụ hoa bần, Huy Giang), Bế tắc (tập Văn bút Âu châu 3, Trần Phong Lưu), đặc biệt là Nơi cuối dòng sông[25], Câu chuyện từ con tàu Cap Anamur[26] (Vũ Nam), hành trình vượt biên bằng đường thuỷ được tái hiện với nhiều chi tiết gây ám ảnh. Nhân vật chính Nhân trong Nơi cuối dòng sông tìm cách đào thoát bằng đường biển, bị bắt lại, rồi lại tìm cách đào thoát lần 2. Câu chuyện từ con tàu Cap Anamur lại xoay quanh cuộc sống vô định, mất phương hướng của Hạnh, cô nữ sinh mười tám tuổi hay Sương bất hạnh vì bị hải tặc hãm hiếp trên trại tạm cư Palawan. May mắn có thể đến với Hạnh, Sương trong tiểu thuyết khi họ được tàu Cap Anamur cứu và cập bến an toàn. Tuy nhiên, vết tích từ những trải nghiệm vượt biên bằng đường biển khó có thể được bôi xoá dẫu là bằng việc cập bến an toàn hay cuộc sống định cư đầy đủ nơi xứ người.

Trong các truyện ngắn của mình, nhà văn Ngô Nguyên Dũng đã minh hoạ cái giá của hành trình di dân không chỉ là sự đau đớn về thể xác mà còn là những chấn thương trong tinh thần. Khi viết về hành trình vượt biên, tác giả đặc biệt tập trung vào hệ luỵ tinh thần mà người tị nạn đã đương đầu, nổi bật là các trạng thái câm lặng, cáu gắt, gặp ác mộng hoặc ám ảnh bởi kí ức.[27] Trong số các tập truyện ngắn của mình, tập truyện ngắn Mười hai hoa cúc[28] (Văn Lang, 1988) là tập sách ghi lại nhiều nhất các kinh nghiệm vượt biên bằng đường biển và sinh sống trong trại tị nạn. Ngoài ra, rải rác trong các tập Dòng chữ tâm tình[29] hay Tiếng núi[30], những sang chấn tâm lý của người tị nạn như là hệ luỵ của quá trình vượt biên cũng được Ngô Nguyên Dũng mô tả và phân tích. Những kinh nghiệm vượt biên bằng đường biển được mô tả trong tác phẩm của Ngô Nguyên Dũng có đặc điểm đáng lưu ý. Chúng thường được kể lại hay hồi tưởng bởi người kể chuyện ở ngôi thứ ba. Cách thức mô tả kinh nghiệm vượt biên bằng đường biển này của Ngô Nguyên Dũng xuất phát từ thực tế tác giả không phải là thuyền nhân vượt biển sang Đức mà là cựu sinh viên du học. Những kinh nghiệm vượt biên bằng thuyền, vốn không phải là kinh nghiệm thực tế của ông, được miêu tả lại bằng sự thấu hiểu bi kịch của dân tộc và sự đồng cảm với tình cảnh khó khăn của đồng bào. Điều này đã được tiết lộ khéo léo qua tâm sự của nhân vật Du trong truyện ngắn Soi vùng kí ức (tập Mười hai hoa cúc). Là một nhà văn, việc viết về hoàn cảnh khốn cùng của người tị nạn Việt Nam được Du xem như một “món nợ”, thứ thỉnh thoảng lại “sưng tấy lên như vết thương chưa chữa dứt nọc, gặp mùa lại nhức nhối.”[31]Do đó, những trang viết của Ngô Nguyên Dũng tuy không mang giá trị như một tư liệu lịch sử xác thực nhưng vẫn hé lộ mức độ đồng cảm của một người di dân trước hoàn cảnh hiểm nghèo của những thuyền nhân người Việt.

Những kí ức về quê nhà không chỉ xoay quanh những trải nghiệm kinh hoàng về quá trình vượt biên hay sinh sống trong trại tị nạn. Quê hương Việt Nam trở thành không gian sáng tạo của hầu hết các tác giả Việt Nam tại Đức, nếu không muốn nói rằng đây là một trong những không gian cốt lõi của văn học người Việt tại Đức. Tùy thuộc vào mức độ gắn kết giữa tác giả và một khu vực hoặc địa điểm cụ thể ở Việt Nam mà quê hương được mô tả trong một tác phẩm chất chứa nhiều yêu thương hay ám ảnh. Thông thường, bối cảnh của miền Nam hoặc miền Bắc Việt Nam được phản ánh trong tác phẩm có liên quan đến nguồn gốc xuất thân của nhà văn. Chẳng hạn, Hà Nội trở thành không gian văn học trong các tác phẩm của các tác giả miền Bắc như Lê Minh Hà, Nguyễn Văn Thọ, Phạm Thị Hoài hay Mai Lâm. Trong khi đó, các nhân vật trong truyện của các nhà văn miền Nam Việt Nam như Ngô Nguyên Dũng (Canh bạc, tập Âm bản), Vũ Nam, Huy Giang (Nước mặn, Còn đây kỷ niệm, Những nụ hoa bần), Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa (Như cánh chuồn chuồn) lại sinh sống và hành xử trong không gian đô thị ở Sài Gòn, Nha Trang hay miền Tây Nam Bộ. Nói chung, đặc điểm đầu tiên của văn học người Việt là tính địa phương.

Bên cạnh việc viết về quê hương như là nơi chôn nhau cắt rốn, sự tái hiện hình ảnh Việt Nam trong văn học Việt tại Đức bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị. Cụ thể, các tác giả tập trung vào các giai đoạn lịch sử nhất định khi hồi tưởng về Việt Nam. Thời kỳ phổ biến nhất được mô tả bởi hầu hết các nhà văn là thời hậu chiến, trùng với sự ra đi của các tác giả ở cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Lê Minh Hà, Nguyễn Văn Thọ, Đỗ Trường hay Mai Lâm dành nhiều tình cảm về quê hương thì Phạm Thị Hoài hay Thế Giang lại phơi bày một bức tranh về Hà Nội xấu xí, bộc lộ cái nhìn bi quan về tương lai của đất nước. Với nhóm các tác giả khởi hành từ miền Nam, năm 1975 được coi là một dấu mốc lịch sử đánh dấu sự thay đổi trong quan điểm chính trị và nhận thức của các nhà văn. Theo hướng này, có thể đoán được Việt Nam Cộng hoà trước năm 1975 sẽ được nhắc đến với ít nhiều tiếc nuối trong một số tác phẩm. Vì vậy, đặc điểm thứ hai của văn học Việt Nam khi viết về quê hương là tính chính trị. Tính chính trị thể hiện rõ nhất qua các tác phẩm viết về chủ đề chiến tranh. Chẳng hạn, Nguyễn Văn Thọ viết về chiến tranh Việt Nam dưới lăng kính của những người lính cộng sản, chiến đấu vì chính nghĩa. Hình ảnh những người lính Việt Nam trong truyện ngắn Ngọn lửa, Ám ảnh (tập Vàng xưa), Phố cũ, Vô danh trận mạc (tập Thất huyền cầm), 30-4 Anh ở đâu (tập Mưa thành phố), Lời hứa của chiến tranh (tập Sẫm Violet) đặc trưng bởi những nét tính cách nổi bật như lòng dũng cảm và sự hy sinh cho sự nghiệp giải phóng. Ngược lại, Vũ Nam mô tả chiến tranh Việt Nam dưới góc nhìn của những người Cộng hòa, hay từ góc độ của phe chiến bại. Do đó, cuộc sống của người dân miền Nam thời hậu chiến bị mô tả là trong thế khốn khó và lầm than.

Sự thống nhất giữa Đông và Tây Đức và hiện tượng di dân vì nhiều nguyên nhân của cộng đồng người Việt tại Đức đánh dấu sự quá trình chuyển hoá của nền văn học người Việt tại Đức. Từ việc xuất phát điểm là văn chương của những người tị nạn, văn chương người Việt đã có sự góp mặt của các cây ra đi không đơn thuần là bất đồng chính kiến với chính quyền cộng sản. Nhóm các nhà văn là công nhân hợp tác đa phần sẽ thuộc vào trường hợp như vậy. Các tác giả tiêu biểu có thể kể đến là Lê Xuân Quang, Nguyễn Văn Thọ, Thế Dũng, Đỗ Trường, Văn Tất Thắng, Mai Lâm, Nguyễn Công Tiến. Nhìn chung, phong cảnh, phong tục tập quán và ẩm thực Việt Nam được đa số các nhà văn này mô tả với rất nhiều thiện cảm. Ví dụ là các truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ như Làng bên sông, Miếu ông Bổi, Hà Nội hoa Mưa thành phố, Chuyện tình của cha tôi; Đỗ Trường với Đêm giao thừa nghĩ về mẹ, Phượng ơi đừng nở nữa; Mai Lâm với Từ xa Hà Nội,  Xa rồi ngày xanh. Đặc biệt, một số ít các tác phẩm tập trung vào hành trình xuất ngoại của người Việt sau thời kì đổi mới đã cho thấy biểu hiện mới của căn tính. Các tiểu thuyết Một nửa lá số, Hộ chiếu buồn của Thế Dũng, Quyên của Nguyễn Văn Thọ là những tác phẩm tiêu biểu mô tả những hành trình xuất ngoại này.

Thế Dũng, một công nhân hợp tác lao động, đã mô tả hành trình xuất ngoại từ Việt Nam sang Cộng hoà liên bang Đức trong hai tiểu thuyết Một nửa lá sốHộ chiếu buồn. Sinh năm 1954 tại Tuyên Quang, Thế Dũng từng là một người lính lái xe trong quân đội Việt Nam từ​​ năm 1971 đến 1976. Sau chiến tranh, ông là sinh viên chuyên ngành văn học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1989, ông sang Đức với tư cách là công nhân hợp tác. Ông bắt đầu viết từ năm 1974 với nhiều thể loại: thơ, truyện, tiểu thuyết, tiểu luận phê bình. Các tác phẩm chính của ông bao gồm năm tập thơ: Hoa hồng đến muộn (1990), Người phiêu bạt (1992), Mùa xuân dang dở (2003), Tự vấn (2003), Từ tâm (2005); và năm tiểu thuyết Tiếng người trong đá Giáp Sơn (1993), Chuyện tình dang dở (2000), Hộ chiếu buồn (2003), Tình Cuội (2006), Một nửa lá số (2009). Các tiểu thuyết của ông xoay quanh cuộc đấu tranh sinh tồn của con người trong xã hội Việt Nam thời hậu chiến. Chẳng hạn, hai tiểu thuyết Một nửa lá số[32] và Hộ chiếu buồn[33] phản ánh số phận của một thế hệ trí thức vào những năm 1980. Nhận thấy sự bất cập trong xã hội Việt Nam, nơi địa vị xã hội được tôn trọng hơn năng lực cá nhân, các nhân vật chính khai thác lỗ hổng pháp lý để trục lợi cho bản thân. Lợi ích ở đây là một chuyến đi làm công nhân ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc các nhân vật chính coi Đông Đức như một “thiên đường xã hội chủ nghĩa” khi đất nước này đang ở vào giai đoạn tàn lụi của nó gợi lên một sự trớ trêu của số phận. Đồng thời, cách nhân vật chính sử dụng bất kỳ thủ đoạn nào để được đi nước ngoài đặt ra câu hỏi về sự suy thoái không chỉ của nền kinh tế quốc dân mà còn cả căn tính cá nhân.

Những biểu hiện về sự hình thành căn tính không chỉ được hé lộ qua những tự sự về sự ra đi, như trường hợp tác phẩm của Thế Dũng mà còn qua những tự sự về sự trở về, như trường hợp tiểu thuyết của Nguyễn Văn Thọ. Tiểu thuyết Quyên[34] mô tả hành trình vượt biên của nhân vật Quyên từ Việt Nam sang Nga và từ đó sang Đức. Trong quá trình vượt biên, Quyên rơi vào tay Hùng, kẻ dẫn đầu đoàn vượt biên; cô bị bắt giữ và cưỡng hiếp dẫn đến việc có thai. Về sau, Hùng nảy sinh tình cảm với Quyên và để cô tự do ra đi. Việc đoàn tụ với chồng tại Đức không diễn ra suôn sẻ, Quyên bị chồng ruồng bỏ, khiến cô phải tự lực mưu sinh nơi xứ người. Dẫu vậy, cuối cùng Quyên cũng tìm được một người đàn ông ngoại quốc yêu thương cô thật lòng và cùng nhau xây dựng tổ ấm. Trước cái chết của Hùng, Quyên quyết định đưa xác anh về nước và an táng tại quê hương. Cách thức nhân vật Quyên được xây dựng như một hình mẫu nhân vật hoàn hảo xét về mọi khía cạnh khiến cho các biểu hiện về tâm lí, qua đó là căn tính của nhân vật thiếu sức thuyết phục. Quyên được mô tả là cô gái xinh đẹp với những nét tính cách nổi bật như chăm chỉ, thuỷ chung và lương thiện. Quyên thực sự yêu chồng dù anh không thể thông cảm cho cô. Trong mối quan hệ với Hùng, Quyên đóng vai trò là người cảm hoá anh. Thời gian sống với Quyên là thời gian Hùng trở về với bản tính tốt của mình. Ngay cả khi có quan hệ tình dục với Phi, chủ quán ăn nơi Quyên làm việc, hành động này của Quyên vẫn được giải thích là hành động trả ơn. Căn tính người di dân không thể là thực thế bất biến và vĩnh hằng như cách thức Nguyễn Văn Thọ xây dựng nhân vật Quyên. Ngược lại, căn tính của người di dân cần được nhìn nhận là quá trình tương tác và biến đổi trong bối cảnh mà nó được hình thành. Việc tác giả xây dựng một hình mẫu phụ nữ Việt Nam sở hữu những đặc tính điển hình của người con gái Việt, đặc biệt là khi những nét tính cách này bất biến qua thời gian và không gian, cho thấy tác giả không có ý thức nhiều về những tác động của các yếu tố xã hội đối với sự hình thành bản sắc văn hoá của mỗi cá nhân.

Ngoài ra, các tự sự về sự ra đi và trở về của các nhà văn là công nhân hợp tác tại Đức, mà Thế Dũng và Nguyễn Văn Thọ là hai ví dụ được nêu ra ở đây, cũng hé lộ tính phân tán của cộng đồng người Việt tại Đức. Căn tính đã từng bị dán nhãn như một tập thể Việt “công nhân hợp tác”, “thuyền nhân”, ‘người Bắc năm 1954”, “người Bắc năm 1975”, “người Sài gòn”. Cùng với các nhãn này là một tập hợp các giá trị tiêu chuẩn, ít nhiều hàm chứa những định kiến nhất định. Ví dụ, trong trường hợp người Việt Nam ở Đức, hai nhóm cộng đồng lớn nhất là công nhân hợp tác và thuyền nhân được dán nhãn như sau: công nhân hợp đồng – người bắc Việt Nam - ủng hộ chủ nghĩa cộng sản – không hội nhập; thuyền nhân – người miền Nam - chống cộng - hội nhập. Tuy nhiên, trường hợp của hai nhà văn trên có thể cho thấy căn tính không phải là một thực thể cố định, một chiều mà liên tục sao chép và biến đổi. Như Stuart Hall đã định nghĩa: “ Có lẽ thay vì nghĩ về bản sắc là một thực tế đã hoàn thành, mà thực tiễn văn hóa mới đại diện, chúng ta nên nghĩ về căn tính như một “sản phẩm”, thứ không bao giờ dứt, luôn luôn trong quá trình, và luôn luôn được cấu thành bên trong, chứ không phải bên ngoài, sự đại diện.”[35] Cách hiểu về căn tính này của Hall cho phép chúng ta nhận ra sự điều chỉnh văn hóa và xã hội của các thành viên trong một cộng đồng  mà ở đó sự đồng hoá có thể là biểu hiện hoà nhập lúc ban đầu. Trong quá trình tồn tại và thích nghi, các thành viên này cũng tạo ra những sự trộn lẫn riêng phụ thuộc vào hoàn cảnh của họ. Quá trình này của chủ thể di dân tạo ra những căn tính lai ghép và không gian ở giữa. Qua đó, người di dân không chỉ là kẻ khác so với người bản địa mà còn với các thành viên cùng chung một cộng đồng di dân.

Bên cạnh các nghiên cứu trước đây về hiện tượng di dân, vốn coi di dân như là một hình thái xã hội liên quan đến sự phân tán địa lý, các nghiên cứu gần đây đã tập trung vào những trải nghiệm của cá nhân dưới áp lực của các quá trình di dân. Hướng tiếp cận mới mang tính mở rộng này tập trung vào sự hình thành các chủ thể tính đặc thù dựa trên những trải nghiệm của sự phân tán. Di dân được hiểu vừa là điều kiện của chủ thể và vừa là trạng thái tinh thần. Quê nhà và ý tưởng trở về nhà do đó được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Di dân như một điều kiện của tính chủ thể được Lily Cho khẳng định chắc chắn, ngụ ý rằng ý nghĩa của di dân không thể được hiểu bên ngoài chủ thể tính và sự hình thành chủ thể. Bà cho rằng di dân xuất hiện trong quá trình nhận thức sâu sắc mang tính chủ quan về kí ức chủng tộc, về sự đau buồn vì những mất mát không thể nói nên lời và những nỗi khao khát nằm bên rìa của sự khả thể.”[36] Cho cũng nhấn mạnh đến vai trò của sự phân tán mang tính chấn thương như một điều kiện của việc di dân. Tuy nhiên, di dân không nhất thiết bao gồm việc di chuyển giữa các quốc gia. Thay vào đó, những trải nghiệm chủ quan phụ thuộc nhiều hơn vào kinh nghiệm và kí ức của việc trở nên không có quê hương: “Sống di dân là bị ám ảnh bởi những lịch sử ngồi không thoải mái, đi trước thời đại và cũng đi sau nó. Đó là cảm giác râm ran phía sau gáy và biết rằng có điều gì đó không hoàn toàn đúng về nơi bạn đang ở hiện tại, nhưng đến bây giờ thì bạn cũng không thể rời đi. Không quê hương là cả quá trình. Vô hương là tình trạng lưu vong trong ý thức.”[37]

Paul Gilroy cũng chú ý nhiều đến những trải nghiệm di cư của các cá nhân. Bản sắc di dân, điều được tái tạo thông qua những trải nghiệm di cư mang tính ép buộc này, “ít tập trung vào lãnh thổ chung mà nhiều hơn vào ký ức, hay chính xác hơn là về tính năng động mang tính xã hội của việc nhớ và tưởng niệm.”[38] Ý thức ở giữa ở nơi cư trú và nơi thuộc về cũng gây ra căng thẳng “giữa ý thức phân tán và liên kết với các cấu trúc và phương thức quyền lực hiện đại đặc biệt được phối hợp bởi sự phức tạp về thể chế của các quốc gia.”[39] Ở đây, khái niệm về di cư của Gilroy tương đồng với Clifford trong cách nhìn nhận quốc gia- dân tộc là phương tiện để chấm dứt di dân. Một khi có khả năng thoả hiệp với đất nước sở tại hay quê nhà, theo đó là khả năng đồng hoá hay trở về, di dân sẽ chuyển thành một trạng thái lưu vong thuần tuý.[40] Tính chủ quan của cá nhân cũng được nhắc đến trong định nghĩa của Dibyesh Anand về di dân. Di dân đề cập đến những “tập thể mà ở đó các chủ thể bị đánh dấu bằng sự mơ hồ, nhầm lẫn, lo lắng, một lực kéo từ các hướng khác nhau, tất cả đều tạo ra sự nhận thức quá mức và không phải là cảm giác hối tiếc mang tính chủ đạo.”[41]

Nói tóm lại, tách rời khỏi sự liên kết ban đầu của nó với lãnh thổ, di dân như loại ý thức hiện đang được các học giả tiếp cận thông qua sự tập trung vào trạng thái của tâm trí và ý thức về bản sắc hay căn tính. Trong văn chương người Việt tại Đức, Lê Minh Hà và Đoàn Minh Phượng là hai tác giả có khuynh hướng xây dựng nhân vật trong thế lưỡng biên. Nhân vật trong các tiểu thuyết của hai tác giả này cũng thực hiện những cuộc hành trình, hoặc ra đi (như nhân vật của Đoàn Minh Phượng trong Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau); hoặc trở về (như nhân vật của Lê Minh Hà Gió tự thời khuất mặt, Phố vẫn gió) như một phép thử nhằm tái tạo kí ức và định vị bản sắc. Di dân như được minh hoạ trong các tác phẩm này vừa được hiểu là hình thái xã hội vừa được hiểu là dạng nhận thức.

Nhà văn Lê Minh Hà sang Đức diện đoàn tụ gia đình, hiện đang sinh sống tại Berlin, Germany. Nếu không kể đến một số truyện ngắn viết về đề tài người Việt tại Đức, tiêu biểu là các truyện trong tập Những gặp gỡ không ngờ, có thể nói bối cảnh chính và cả nhân vật chính trong truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn của Lê Minh Hà luôn luôn là Hà Nội. Ý hướng chọn Hà Nội làm ngọn nguồn sáng tác cũng được xác nhận trong email trao đổi giữa tôi và nhà văn Lê Minh Hà, dù thời gian bà sống tại Hà Nội không nhiều bằng thời gian sinh sống tại Đức.[42] Nếu không kể đến không gian cư ngụ hiện tại của bà mà chỉ đọc sáng tác Lê Minh Hà, chẳng hạn trong hai tiểu thuyết Gió tự thời khuất mặtPhố vẫn gió, người ta thậm chí có thể cảm thấy cái nôn nao của Hà Nội thời chuyển đổi cơ chế, cái bức bối của những không gian sống chật chội, hôi hám, cái ngọt ngào của Hà nội mùa sấu rụng, cái tê tái của Hà Nội vào một sớm mùa đông. Không gian Hà Nội trong văn chương Lê Minh Hà thậm chí còn Hà Nội hơn chính bản thân cái đô thị ấy ở vào thì hiện tại. Việc lựa chọn Hà Nội làm không gian văn chương trong sáng tác của Lê Minh Hà, một biểu hiện vốn hay được diễn dịch là đặc tính hoài niệm của một người xa quê, rõ ràng chưa đủ để xác định một tác phẩm là văn chương di dân. Khi không gian nước Đức chưa đủ sức chen chân để trở thành ngọn nguồn sáng tác chính so với không gian Việt, điều gì phân biệt Lê Minh Hà là nhà văn di dân so với các nhà văn Việt Nam cũng viết về đề tài Hà Nội?

Với lợi thế là một người ở ngoài nhìn về quê hương, vị trí là một người di dân cho phép Lê Minh Hà nhìn về Hà Nội bằng cái nhìn so sánh, đối chứng và thể hiện một Hà Nội vừa gần gũi mà lại vừa xa xôi. Trong một bài phỏng vấn, Lê Minh Hà nhận xét cuộc sống hơn 20 năm tại Đức chính là khoảng thời gian chiêm nghiệm về con người và mảnh đất Hà Nội: “Chính cuộc sống 20 năm đó lại cho phép tôi hiểu một cách kỹ càng hơn về mảnh đất này, mảnh đất mà nói như Nguyễn Huy Tưởng là cần phải sống cùng với nó, sống mãi với Thủ đô. Mà nó lạ lắm, những nhận thức sách vở nọ kia lại không động chạm đến tôi đâu, mà là cái đời sống bên kia từng ngày từng giờ một, như một người dân rất bình thường (bên kia tôi là “osin không lương”), nhưng chính đời sống đó lại giúp tôi hiểu về những cái tôi đã từng đi qua ở Hà Nội”[43]Ngay cả nhân vật trong tiểu thuyết của Lê Minh Hà cũng chính là bản sao của bản thân tác giả, người đi giữa Hà Nội mới mà lòng vẫn nhung nhớ về một Hà nội xưa. Cũng giống như tác giả, nhân vật của cô là một người xê dịch. Đau khổ trước sự biến dạng của Hà Nội mới thời hậu chiến từ không gian, mùi vị đến tâm tính con người, nhân vật Ngân trong cả hai tiểu thuyết lựa chọn cách ra đi. Nhưng cũng như nhà văn, nhân vật của bà không bao giờ thoát khỏi những hồi ức của chính mình. Lựa chọn đề tài là quê hương, Lê Minh Hà không đơn thuần là viết về Hà Nội mà là dựng nên nó. Vị trí là một người di dân cho bà cái đặc quyền được dựng nên một không gian Hà Nội thời dĩ vãng mà từ đó bà đã ra đi.

Nhà văn Đoàn Minh Phượng là một trường hợp đặc biệt khác, người thách thức những tiêu chuẩn của một nhà văn di dân. Sinh năm 1965 tại Sài Gòn và sang Đức diện đoàn tụ gia đình từ năm 1977, Đoàn Minh Phượng chủ yếu sống và làm việc cho một đài truyền hình tại Cologne. Năm 1997 bà trở về Việt Nam và sống ở đó cho đến nay. Nếu kể đến tình trạng cư trú hiện tại của bà, Đoàn Minh Phượng rõ ràng không phải là một người tha hương. Tuy vậy, xuyên suốt truyện ngắn đầu tay Tội lỗi hồn nhiên (bút danh Đoàn Minh Hà) truyện dài Và khi tro bụi và thậm chí là trong cả bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu, người đọc đều nhận thấy nỗi ám ảnh “tôi là ai, quá khứ của tôi là gì”. Đó chính là nỗi ám ảnh của một người bị bứng rễ và hoài nghi về tình trạng sinh tồn của mình.

Và khi tro bụi[44] được viết phần lớn tại nước ngoài, khi về Việt Nam, tác giả mới gắn kết các chương với nhau và chỉnh sửa hoàn chỉnh. Cũng giống như nhân vật trong tiểu thuyết của Lê Minh Hà, nhân vật chính trong Và khi tro bụi cũng trải qua một hành trình xê dịch bất tận trên một chuyến tàu. Truyện kể về bi kịch của An Mi, một người vợ có chồng chết đột ngột vì tai nạn giao thông. Không chịu nổi nỗi cô đơn, người vợ tìm đến cái chết bằng cách lên một chuyến xe lửa và dự định tự tử trên tàu bằng cách uống thuốc ngủ. Không phải ngẫu nhiên mà tác gỉa để cho nhân vật của mình được giải thoát bằng cách di chuyển trong không gian vô định, cụ thể là trên một chuyến tàu. Chuyến xe lửa là khởi nguồn cho hành trình khám phá một vụ mất tích của một cô gái lạ mà An Mi tình cờ tìm thấy trong chuyến đi. Nhưng vụ án mà An Mi quyết tâm khám phá thật ra chỉ là một cái cớ. Quan trọng hơn, chuyến đi tượng trưng cho hành trình lưu lạc của cô gái cô đơn không nơi nương tựa. Nó tượng trưng cho hành trình tìm lại chính bản thể và nhìn nhận nó với nỗi hoang mang. Sự xê dịch đúng ra mới là mạch truyện chính trong tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng. Chấp nhận lên tàu và bắt đầu chuyến đi thật ra là một cách tác giả mặc định vị trí tha phương của một người lưu vong, vì chỉ có những người tha hương không quê hương nguồn cội mới có thể sống lang thang trên những chuyến xe lửa. Nhưng, như An Mi tìm lại lời giải đáp ở cuối cuộc hành trình, chính sự xê dịch là cách thức duy nhất để một người tha hương tìm lại qúa khứ. Cách hiểu văn học di dân như tiến trình xung động và không dứt gần như hoàn toàn tương ứng với hình tượng chuyến tàu và hành trình tìm lại chính mình của nhân vật nữ chính. Di dân, hiểu như một sự ra đi, là nguyên nhân chia cắt một cá nhân với quá khứ, quê hương, thậm chí là với sự thật đằng sau những diễn ngôn lịch sử. Ngược lại, di dân như một sự trở về chính là cách cứu vãn tình trạng bị vong thể, là cách thức tìm lại quá khứ và nguồn cội con người.

Kết luận

Tóm lại, căn tính và bản sắc là hai chủ đề cốt lõi được thể hiện xuyên suốt các tác phẩm của các nhà văn người Việt tại Đức. Với từng tác giả, kí ức được tái hiện và phản ánh đa dạng, vừa phản ánh những điểm tương đồng trong cách nhìn nhận về lịch sử và quá khứ với những tác giả trong cùng nhóm, vừa bộc lộ những sự độc đáo xuất phát từ cá tính và năng lực sáng tạo của nhà văn. Căn tính trong mối quan hệ với kí ức do đó cũng được chứng minh là quá trình liên tục hình thành và biến đổi không ngừng. Văn học di dân, qua trường hợp nghiên cứu các tác phẩm văn học người Việt tại CHLB Đức, là tập hợp các cá tính văn học khác biệt, thậm chí đối chọi nhau; hoặc ra sức phát ngôn cho không chỉ cá nhân mà cả tập thể mà mình đại diện, hoặc đắm mình vào không gian sáng tạo của chính họ. Ở trường hợp đầu, văn chương không khác gì một phương thức phát ngôn, như bất kì một phương tiện đấu tranh vì chính nghĩa nào khác. Ở trường hợp còn lại, không có sự phân biệt giữa văn chương hay văn chương di dân. Đối với các nhà văn dạng này, tự thân văn chương đã là một giá trị, và văn chương không cần làm đại diện phát ngôn cho khuynh hướng chính trị. Đời sống di dân mà nhân vật di dân trong tác phẩm thuộc nhóm tác giả này thể hiện, chẳng hạn như đặc tính di dân, nỗi ám ảnh về kí ức hay nhu cầu định vị bản thân, được tái hiện không chỉ bởi một sự ưu ái của người viết đối với một khuynh hướng chính trị mà còn bởi một thôi thúc được tỏ bày thực tế cuộc sống ngồn ngộn mà người viết kinh qua. Tư liệu về cuộc sống di dân do đó được đối xử và có giá trị ngang với bất kì tư liệu về một thực tế khác hay một trải nghiệm khác của nhà văn. Sự phức tạp trong khuynh hướng sáng tác phản ánh sự đa dạng trong quá trình hình thành các nhóm cộng đồng người Việt tại Đức. Phân tích về kí ức và bản sắc, do đó, cho tôi một cơ hội ngàn vàng để tìm hiểu sự tinh tế, phức tạp trong cách thức các bản thể khác nhau hình thành, phát triển, đối diện hay thoả hiệp với đời sống xã hội khắc nghiệt.

 

 

Thư mục tham khảo

Primary sources

Đoàn Minh Phượng, Và khi tro bụi, NXB Trẻ, 2006.

Hạ Long, Nỗi buồn viễn xứ ai buồn hơn ai, Viên Giác, Hannover, 1987.

Lê Minh Hà, Gió tự thời khuất mặt, http://vanviet.info/van/gi-tu-thoi-khuat-mat-2/ (last accessed 28 August 2017).

Lê Minh Hà, Phố vẫn gió, Lao Động, 2014.

Ngô Nguyên Dũng, Dòng chữ tâm tình, Văn Nghệ, Westminster, CA, 1988.

Ngô Nguyên Dũng, Mười hai hoa cúc, Văn Lang, 1988.

Ngô Nguyên Dũng, Âm bản, Minh Văn, 1994.

Ngô Nguyên Dũng, Núi đoạn sông lìa, Nhân Ảnh, 2017.

Ngô Nguyên Dũng, Tiếng núi, Toronto: Làng Văn, 1992.

Ngô Nguyên Dũng, Âm bản, Oakton: Minh Văn, 1994.

Ngô Nguyên Dũng, Chuông đêm, Toronto: Làng Văn, 1992b.

Nguyễn Văn Thọ, Mưa thành phố, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2010, 128.

Phạm Thị Hoài, The Crystal Messenger, Hyland House 1997.

Thế Giang, Thng người có đuôi, Người Việt, Westminster: CA, 1987.

Tuỳ Anh, Ngoài xa du chân mây, Viên Giác, 1994, 28.

Vũ Nam, Nơi cuối dòng sông, Viên Giác, 1994.

Vũ Nam, Câu chuyện từ con tàu Cap Anamur, Viên Giác, 1996.

Vũ Nam, Sau ngày tang, Viên Giác, 1987.

Huy Giang. Những nụ hoa bần. Hannover: Trung tâm VH và XH Phật Giáo VNTH tại Đức, 1994.

Nhiều tác giả. Tập san Văn bút châu Âu số 2. Hannover: Trung tâm VH và XH Phật Giáo VNTH tại Đức, 1994.

Phù Vân, Lão Hũ chìm, Hannover: Trung tâm VH và XH Phật Giáo VNTH tại Đức, 2004.

Secondary sources

Appadurai, Arjun “Global Ethnoscapes: Notes and Queries for a Transnational Anthropology, in Richard G. Fox (ed.), Recapturing Anthropology: Working in the Present, Chapter 10, Santa Fe: School of American Research Press, 191-210, 1991.

Appadurai & Breckenridge, “On moving targets.” In Public Culture 2 (1989): i-iv, 1989.

Anand, Dibyesh, ‘Diasporic subjectivity as an ethical position,’ in Klaus Stierstorfer and Janet Wilson (ed.) The Routledge Diaspora Studies Reader. Oxon and New York: Routledge 114-118, 2018.

Pipo Bui, Envisioning Vietnamese Migrants in Germany: Ethnic Stigma, Immigrant Origin Narratives and Partial Masking, Lit Verlag 2004, Münster

Cohen, Robin. “Rethinking ‘Babylon’: iconoclastic conceptions of the diasporic experience”. In New Community 21 (1): 5-18, January 1995.

Clifford, James. “Diasporas.” In Cultural Anthropology 9 (1994): 302-38.

Cohen, Robin. “Diasporas and the nation-state: from victims to challengers.” In International Affairs 72 (1996): 507-20.

Cohen, Robin. Diasporas: An introduction. London and New York: Routledge, 2008.

Cho, Lily “The turn to diaspora”, Klaus Stierstorfer and Janet Wilson (ed.) The Routledge Diaspora Studies Reader Oxon and New York: Routledge: 109-113, 2018.

Dana Healy, “New voices: Socio-cultural trajectories of Vietnamese literature in the 21st century”, In Asian and African Studies, Volume 22, No.1, 2013.

Federal Ministry of the Interior Federal Ministry of the Interior, Division M I 1: General and legal matters concerning policy on migration; refugees; foreigners and asylum, Migration and Integration. Residence law and policy on migration and integration in Germany, http://www.australien.diplo.de/contentblob/3377102/Daten/1831328/download_zu_bmi_broschre.pdf (2011) (Last accessed on 25.07.2017).

Glassey, Trang-đai, “Squatting in Racialized Berlin 1975-2015: Transnational Subjectivity in a Climactic Double Division”, In Radical Criminology No. 6, 131-208.

Gilroy, Paul. ‘Diaspora’ In Paragraph, 17 (1), March 1994, 207-12.

Hall, Stuart, Cultural Identity and Diaspora: Identity Community Culture Difference, Lawrence and Wishart 1990.

Kenny, Kevin. Diaspora. A Very Short introductions. New York: Oxford University Press, 2013.

Klaus Stierstorfer and Janet Wilson (ed.) The Routledge Diaspora Studies Reader. Oxon and New York: Routledge, 2018.

Kocatürk-Schuster, Bengü/Kocatürk-Schuster, Kolb, Thanh Long, Schultze, Wölck. UnSICHTBAR. Vietnamesisch-Deutsche Wirklichkeiten, Edition DOMiD, Migration im Fokus, Band 3, 370 Seiten, 2017.

Nguyễn Mộng Giác, „Góp ý về một cách nhìn“, Tạp chí Văn học 59&60, January&February 1991.

Procter, James, “Diaspora” in John McLeod (ed.) The Routledge Companion to Postcolonial Studies, (London and New York: Routledge, 2007.

Schaefer, Bernd, “Socialist Modernization in Vietnam: The East German Approach, 1976-89,” in Quinn Slobodian (ed.), Comrades of Color East Germany in the Cold War World, New York: Berghahn Books, 2015.

Schaland, Ann-Julia/Schmiz The Vietnamese diaspora in Germany: Migration background, structure, organisation and transnational activities, giz, 2015.

Schwenkel, Christina, “Rethinking Asian mobilities Socialist Migration and Post-Socialist Repatriation of Vietnamese Contract Workers in East Germany”, Critical Asian Studies 46:2 (2014), 235-258.

Thích Như Điển, Cảm tạ xứ Đức, Viên Giác, Hannover 2002.

Thích Như Điển, Đời sống tinh thn của Phật tử Việt Nam tỵ nạn tại ngoi quốc/Das geistige Leben der Buddhistischen Vietnam-Fluchtlinge im Ausland, Vien Giac, 1986.

Thích Nguyên Siêu, Thích Tâm Hoà, Bùi Ngọc Đường, Huỳnh Kim Quang, Vĩnh Hảo, Văn học Phật giáo Việt Nam hải ngoại Sưu khảo, California, 2010. http://66.254.41.11/HieuGiang/Data/PDF/TongTapVanHocPhatGiaoVietNamHaiNgoai_02.pdf (last accessed on 18 May 2017).

Wolf, Bernd, The Vietnamese Diaspora in Germany: Structure and Potentials for Cooperation with a Focus on Berlin and Hesse, gIz 2007.

 


[1] Kocatürk-Schuster, Kolb, Thanh Long, Schultze, Wölck 2017.

[2] Federal Ministry of the Interior Federal Ministry of the Interior, Division M I, p.12.

[3] Schaefer 2015.

[4] See http://www.dw.com/en/remembering-the-first-wave-of-boat-people-in-germany/a-1047447 (last accessed 21 May 2017).

[5] See Adelman 2017,

https://howardadelman.com/2015/05/20/indochinese-refugee-resettlement-causes-of-the-exodus-part-i-of-iv-1975-1978-refugees-from-vietnam/ (last accessed 21 May 2017).

[6] See http://www.cap-anamur.org/service/über-uns (last accessed 24 May 2017).

[7] Bui 2003.

[8] Federal Ministry of the Interior Federal Ministry of the Interior, Division M I 1 2011, p.54.

[9] Schwenkel 2014; Schaefer 2015; Cornelsen 1987; Wolf 2007

[10] Vũ Nam 1987.

[11] Hạ Long, 1987.

[12] Ibid, 33.

[13] Thế Giang, 1988.

[14] Ngô Nguyên Dũng, Dòng chữ tâm tình, Văn Nghệ, Westminster, CA, 1988.

[15] Ngô Nguyên Dũng, Mười hai hoa cúc, Văn Lang, 1988.

[16] Nguyễn Mộng Giác, “Góp ý về một cách nhìn”, Tạp chí Văn học 59&60, tháng 1 và 2, 1991, 9.

[17] Kenny 2013, 2.

[18] Cohen 1995

[19] Huyssen 2003, 151.

[20] Stierstorfer & Wilson 2018, xviii.

[21] Cohen 2018, 18.

[22] Glassey-Tranguyen 2015.

[23] Xem thêm Linda Hitchcox, p 37; Jame M.Freeman and Nguyen Dinh Huu, 2003, 7.

[24] Xem thêm Australian Boat People's Archives, Southeast Asian Boat People's Correspondent in Cornell, UCL Project Ngoc.

[25] Vũ Nam 1994.

[26] Vũ Nam 1996.

[27] Đây là một số biểu hiện tâm lý thường gặp trong những gia đình tị nạn ra đi từ Đông Nam Á, xem thêm trong Soma Ganesan, Stuart Fine, Tsung Yi Lin, American Journal of Psychotherapy April 1989, Vol. 43 (2), p218-28.

[28] Ngô Nguyên Dũng 1988a.

[29] Ngô Nguyên Dũng 1988b.

[30] Ngô Nguyên Dũng 1992.

[31] Ngô Nguyên Dũng 1988a, 46.

[32] Thế Dũng, 2011.

[33] Thế Dũng, 2011b.

[34] Nguyễn Văn Thọ, fie pdf.

[35] Hall 1990.

[36] Cho 2018, 109.

[37] Cho 2018, 112.

[38] Gilroy 1994, 207.

[39] Gilroy 1994, 207.

[40] Gilroy 1994, 208.

[41] Anand 2018, 114.

[42] Trong trao đổi giữa tôi và nhà văn Lê Minh Hà, khi được hỏi tại sao Hà Nội luôn luôn là bối cảnh để nhân vật chính nhảy múa mà không phải nước Đức, nhà văn Lê Minh Hà truy vấn ngược lại, tại sao không phải là Hà Nội? Câu trả lời này ngầm xác nhận việc Hà Nội là không gian sáng tác chính là sự lựa chọn có chủ đích của nhà văn.

[43] http://vovworld.vn/vi-VN/tap-chi-van-nghe/ha-noi-cua-le-minh-ha-277999.vov

[44] Đoàn Minh Phượng, Và khi tro bụi, NXB Trẻ, 2006.

Nguồn: Issues of teaching Vietnamese and studying Vietnam in the today’s world, Conference Proceedings, 2019,VNU HCM Press. (1021-1037)