40 năm khoa văn học-ngôn ngữ ÐH KHXH&NV: Tinh thần nhân văn

In bài này

TT - “Chúng tôi được sống trong một môi trường đầy tính nhân văn và được học để truyền đi tinh thần ấy”, chia sẻ của một cựu sinh viên những năm 1980 tóm lại tinh thần 40 năm của khoa văn học - ngôn ngữ Trường ÐH KHXH&NV (ÐH Quốc gia TP.HCM).

 

 

Các cựu sinh viên trò chuyện trong cuộc gặp kỷ niệm 40 năm hoạt động của Khoa Văn học và Ngôn ngữ tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM – Đại học Quốc gia TP.HCM sáng 12-4 - Ảnh: Quang Định

Sinh viên của khoa sau này không chỉ trở thành những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, nhà giáo, còn có nhiều người theo ngành kinh doanh, an ninh, quân đội, nhiều người ra nước ngoài với hàng trăm lối rẽ khác nhau... sợi chỉ đỏ mang chất nhân văn vẫn được giữ chặt.

Tại ngày hội khoa 12-4 vừa qua, nhà thơ Lê Minh Quốc đọc bài thơ viết trong thời sinh viên “bụng réo sôi ùng ục” của anh; thầy Võ Văn Sen nhắc đến người thầy lớn nhất của khoa văn: cố giáo sư Hoàng Như Mai với phong cách sống và giảng dạy thấm đẫm chất văn, chất tình; thầy Huỳnh Như Phương nhắc lại tôn chỉ “viết cho sự thật” mà thầy đã lĩnh hội ở Văn khoa và truyền thụ lại ở khoa văn; bạn nào nữa nhắc những cây ngọc lan trong sân trường... 

 

Các sinh viên khoa Văn học và Ngôn ngữ cùng nhau hát trong cuộc gặp kỷ niệm 40 năm hoạt động của Khoa Văn học và Ngôn ngữ tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM – Đại học Quốc gia TP.HCM sáng 12-4 - Ảnh: Quang Định

Riêng tôi, cứ nhớ mãi hình ảnh một chiều mưa xối xả vào dãy nhà cấp 4, nước tạt qua cửa sổ ướt một nửa lớp, tiếng nước rơi trên mái tôn át mọi thứ tiếng động. Trên bục giảng, thầy Nguyễn Tri Tài vẫn say sưa với bài thơ chữ Hán, chiết tự từng chữ, bóc tách từng tầng ý nghĩa thâm sâu, như không có mưa, không có gió, không có ướt át, ồn ào xung quanh.

Bài thơ ấy hôm nay không có ai trong chúng tôi còn nhớ, nhưng lòng cứ rưng rưng khi nhắc về buổi học. Bài học của thầy nằm ngoài bài thơ, nằm ngoài con chữ...

Không khí nhân văn mà chúng tôi đã được sống là như thế, để rồi mang bài học ấy ra đời: chia sẻ và dấn thân. Chất dấn thân đã châm ngòi, bùng nổ từ những năm Văn khoa và được các thế hệ thầy - trò trao truyền, nuôi dưỡng đến hôm nay, hiển hiện ra trong đời, trong công việc, trong lựa chọn của từng người.

Thầy Ðoàn Lê Giang - trưởng khoa - hẹn rằng câu chuyện của một thời Văn khoa sẽ được nhắc nhở một cách đầy đủ hơn trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường (1957-2017), nhưng chắc chắn câu chuyện ấy chưa bao giờ ai quên và càng được nhắc nhở nhiều hơn trong những ngày tháng tư lịch sử này, trong những cuộc họp mặt của khoa văn ngày hôm nay.

Kỷ yếu của khoa hôm nay ghi tên từng người đã từng theo học, không liệt kê những người thành đạt, thành danh dù rằng không thiếu, cũng không bỏ sót những người bước chậm hơn trong đời, như là sự tin yêu của các thầy, các cô với chúng tôi: rằng đã đi ra từ khoa văn, chất nhân văn sẽ được giữ gìn, được lan tỏa...  

 Nguồn:http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150413/40-nam-khoa-van-hocngon-ngu-h-khxhnv-tinh-than-nhan-van/733004.html