Nội hàm của triết lý giáo dục: Giáo dục toàn diện – Khai phóng – Đa văn hoá

Nghị quyết số 04-NQ/ĐU của Đảng uỷ Trường ban hành ngày 04-12-2015 lần đầu tiên xác định triết lý giáo dục của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM là: Giáo dục toàn diện – Khai phóng – Đa văn hoá (Whole Person – Liberal – Multi Cultural Education).

Cổng thông tin điện tử Trường ĐH KHXH&NV đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Võ Văn Sen, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường về nội hàm của triết lý này.

thaysen

PGS.TS Võ Văn Sen, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM trả lời phỏng vấn  


               *Thưa Phó Giáo sư, trong bối cảnh như thế nào mà Nhà trường xác lập triết lý giáo dục, điều khá mới mẻ của giáo dục đại học Việt Nam sau năm 1975?

               PGS.TS Võ Văn Sen: Nội hàm tương tự triết lý giáo dục của Nhà trường thực tế từ sau 1975 đã được xác lập ở nhiều khía cạnh khác nhau và Nhà trường cũng đã chuyển hoá những nội dung ấy vào công tác đào tạo, nghiên cứu, quản lý, điều hành. Nhưng để có một công bố chính thức thì chưa. Đây là lần đầu tiên trong giai đoạn trường mang tên ĐH KHXH&NV thuộc hệ thống ĐHQG-HCM xác lập triết lý giáo dục một cách chính thức.
            Từ khi trường mang tên ĐH KHXH&NV đến nay, các thế hệ thầy và trò của Nhà trường đã có rất nhiều đóng góp xuất sắc cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, đặc biệt là giai đoạn Việt Nam đang phát triển mạnh, hội nhập rất tốt với các định chế chính trị, kinh tế của khu vực và toàn cầu. Có thể nói, sẽ rất khó khăn cho đất nước khi thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhưng trường chúng ta đã góp phần cung cấp cho đất nước rất nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về khoa học xã hội và nhân văn. Có thể nói, không có bất cứ lĩnh vực nào mà không có sự cống hiến của cựu sinh viên Trường.
            Kế hoạch chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 xác định rõ Trường ĐH KHXH&NV sẽ trở thành một đại học nghiên cứu và là một trong hai trung tâm đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn uy tín, chất lượng hàng đầu của cả nước và là địa chỉ đào tạo uy tín ở khu vực Châu Á. Chính vì thế, việc xác lập triết lý giáo dục, chuyển tải triết lý ấy vào từng hoạt động của Nhà trường là điều rất cần thiết. Đây là thời điểm chín muồi để chúng ta công bố một triết lý giáo dục mới và sẽ có nhiều giải pháp để điều chỉnh hoạt động của Nhà trường cho phù hợp với triết lý giáo dục này trong thời gian tới.

Chuaan

Nhà trường luôn đề cao việc đào tạo sinh viên có phẩm chất toàn diện.
Trong ảnh là Lễ tuyên dương sinh viên 5 tốt năm 2015.


            *Khái niệm “Giáo dục toàn diện” (Whole Person Education), có thể hiểu trong bối cảnh của Trường ĐH KHXH&NV là như thế nào, thưa Phó Giáo sư?
            PGS.TS Võ Văn Sen: Chúng ta xác định rằng, việc đào tạo là để giới thiệu cho đất nước những sản phẩm giáo dục chất lượng cao và toàn diện, không thiên lệch về một tiêu chí nào đó. Nhà trường xác định rằng phải đào tạo được những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có đầy đủ các yếu tố Đức – Trí – Thể - Mỹ.
            Bốn yếu tố này được xác định trong mối quan hệ nội tại, biện chứng hết sức sâu sắc. Nếu chỉ thiên lệch một yếu tố sẽ dẫn đến sự lệch lạc nguy hiểm trong giáo dục và tất nhiên sẽ là sự thất bại trong đào tạo những tri thức về khoa học xã hội và nhân văn. Đạo đức là gốc, tri thức, sức khoẻ là phương tiện và “cái đẹp - sự tiếp nhận cái đẹp” sẽ là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt. Tất cả các hoạt động giáo dục chính khoá, giáo dục ngoại khoá, các chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục cần quán triệt sâu sắc cả 4 yếu tố trên.

            *Vậy còn nội hàm của “Giáo dục khai phóng” (Liberal Education) là như thế nào, thưa Phó Giáo sư?

PGS.TS Võ Văn Sen: Giáo dục khai phóng trong triết lý giáo dục mà chúng ta xác định chính là khái niệm có ý nghĩa từ “Liberal Education”, cụm từ này có nguồn gốc từ giai đoạn của các nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại. Giai đoạn ấy, các môn học khai phóng (Liberal Arts) chỉ bao gồm ngữ pháp, hùng biện và logic, dần dần được mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như số học, hình học, thiên văn học và âm nhạc. Theo thời gian, nội hàm này được mở rộng và hiện nay các trường đại học khai phóng trở nên rất phổ biến trên thế giới.
            Yếu tố Giáo dục khai phóng mà chúng ta xác lập được thể hiện trong mô hình đào tạo các môn học khai phóng của đại học thế giới. Chương trình đào tạo của trường sẽ chú trọng đến những kiến thức rộng, tổng hợp cao để hình thành khả năng định hướng trong thời đại “đa thông tin” ngày nay; cân đối hợp lý giữa kiến thức đại cương và chuyên ngành, giữa kiến thức về văn hoá, đạo đức với kiến thức khoa học sâu.
            Với điều kiện của Trường, chúng ta xác định rằng việc đào tạo ở trường theo triết lý khai phóng sẽ giúp mỗi sinh viên được phát huy cao độ năng lực cá nhân bằng cách trang bị kiến thức toàn diện, năng lực thích ứng linh hoạt để có thể làm việc trong bất cứ môi trường nào, có nền tảng đạo đức tốt, sống nhân bản và trách nhiệm xã hội.

            *Nhà trường được xem là môi trường đa văn hoá bởi lẽ chúng ta đang đào tạo hầu như tất cả các ngôn ngữ, nền văn hoá phổ biến của nhân loại. Vậy, tiêu chí của “Đa văn hoá” là gì, thưa Phó Giáo sư?
            PGS.TS Võ Văn Sen: Có thể nói, Trường ĐH KHXH&NV từ lâu được xem như là một "đại học quốc tế", khi mà có sinh viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu đến từ 73 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi năm, Nhà trường có khoảng 3.500 sinh viên quốc tế đế học tập toàn thời gian và ngắn hạn. Sinh viên của Trường đến từ 63 tỉnh thành trong cả nước, với nhiều thành phần tôn giáo, dân tộc và điều này tạo nên bản sắc của sinh viên Trường. Yếu tố đa văn hoá trong thành phần sinh viên của Nhà trường là rất rõ ràng.

Cßc b n sinh viOn nu c ngoai tr nh di n th i trang ßo dai truy n th ng c a Vi t Nam

Các bạn sinh viên nước ngoài trình diễn thời trang áo dài truyền thống của Việt Nam trong Ngày hội Việt Nam học được tổ chức thường niên.

(Ảnh: Báo Thanh niên)

            Với chương trình giáo dục đa văn hoá, Nhà trường xác lập 3 trụ cột là: Kiến thức mang bản sắc Việt Nam, Kiến thức chuyên ngành và Sự thích ứng với quá trình toàn cầu hoá.
            Kiến thức mang bản sắc Việt Nam: chính là việc giảng dạy theo hướng hiện đại hoá các môn về ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá, chính trị, triết lý triết học Việt Nam và trang bị tính dân tộc cho sinh viên trong chương trình đại cương. Mỗi giảng viên, sinh viên Trường hiểu và tự hào với cội nguồn lịch sử, văn hoá dân tộc.
            Kiến thức chuyên ngành: nâng cao chất lượng giảng dạy ở tất cả các chuyên ngành; cập nhật, bổ sung, đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp với xu hướng phát triển chung; nâng cao trình độ, kỹ năng của giảng viên ngang tầm khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục mời các giảng viên quốc tế đến giảng dạy, trao đổi học thuật.
            Sự thích ứng với quá trình toàn cầu hoá: bổ sung các môn học về toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế vào chương trình học đại cương; mỗi giảng viên, sinh viên cần phải thông hiểu tối thiểu một ngoại ngữ mà ưu tiên hàng đầu là tiếng Anh; phát triển mạnh hơn nữa các ngành khu vực học hiện có; Nhà trường phát huy cộng đồng sinh viên, giảng viên quốc tế để các sinh hoạt ngoại khoá, sinh hoạt cộng đồng ngày càng mang tính đa văn hoá, tính “công dân toàn cầu” sâu sắc hơn.

            *Triết lý giáo dục này sẽ được áp dụng như thế nào trong thời gian tới tại trường?
            Các nội hàm của triết lý giáo dục sẽ được chuyển hoá vào Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 được công bố vào quý I năm 2016. Nhà trường đang tích cực hoàn tất các nội dung của kế hoạch chiến lược này.

Xin cảm ơn Phó Giáo sư!

tnsmmt

Nam Phong thực hiện

            Nguồn: http://hcmussh.edu.vn/?ArticleId=86d07ba5-8676-4cba-bef1-b63cb8068974

Thông tin truy cập

60520353
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1846
10018
60520353

Thành viên trực tuyến

Đang có 185 khách và không thành viên đang online

Danh mục website