Cuộc thi sáng tác thơ haiku: Rung chuông cảnh tỉnh về sinh thái và nhân văn

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 10/12/2019 tại Đại học KHXH&NV TP.HCM đã diễn ra lễ trao giải Cuộc thi sáng tác thơ haiku Việt - Nhật lần thứ 7. Dù cuộc thi không đưa ra chủ đề cụ thể, nhưng nổi trội nhất lại là các bài haiku cảnh tỉnh về hệ sinh thái và văn hóa - nhân văn của người Việt hiện nay.

Được sự đồng ý của PGS-TS Đoàn Lê Giang, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trích đăng bài phê bình của ông về cuộc thi lần này.

Đau đáu cùng môi trường sống

Trong số 663 bài thơ dự thi kỳ này, rất nhiều bài thơ nói về nguy cơ hủy hoại môi trường. Những bài thơ này nói rất hay, rất ấn tượng, được viết bằng cách thức rất haiku. Đó là dòng sông ô nhiễm với đàn cá chết, trôi đi trong cảnh thiên nhiên tang tóc như một đám ma khổng lồ: “Đàn cá ngửa bụng/ triền loa kèn rủ trắng khăn tang/ sông lặng im mặc niệm” - Phan Đức Lộc.
Đó là biển chết với ngập túi ni-lông và ống hút, cua cá, rùa rắn đang thoi thóp trong ấy. Hình ảnh có chút hài hước, u-mua: “Biển phủ ni-lông/ cụ rùa/ thở ống hút” - Lê Hữu Thương. Hay bi thảm hơn, như trong bài thơ haiku của Nguyễn Thánh Ngã: “Dạt vào bờ/ mắt cá voi ngấn lệ/ dập dềnh túi ni-lông”.
Phát biểu tại lễ trao giải, ngài Kawaue Junichi (Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM) nói rằng haiku Việt có nhiều tự do hơn haiku Nhật, vì ít chịu ràng buộc về quý ngữ, quý đề. Ảnh: Văn Bảy
 
Cảnh báo nguy cơ về môi trường sinh thái là thế mạnh và cũng là một điểm đặc sắc của thơ haiku hiện đại. Bài thơ haiku của Phó Đỗ Quyên đã vẽ nên bức tranh từ góc nhìn độc đáo: một góc trời có tòa tháp cao và cánh nhạn. Bài thơ haiku của Phạm Quốc Duẩn cảnh báo về nguy cơ hủy hoại thiên nhiên qua hình ảnh con chim bị bắt nhốt trong lồng. Thơ haiku của Đỗ Thượng Thế thì cảnh báo sự hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên về việc những rạn san hô ngoài khơi đang bị tàn phá không thương tiếc.
20191215 haiku 1
Giải Nhất được trao cho Lâm Long Hồ sinh năm 1989, hiện sống tại xã biên giới Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Long Hồ nói rằng đã biết đến cuộc thi này từ 3 mùa giải trước, nhưng lần này mới tự tin dự thi. Ảnh: Văn Bảy
 
Bài thơ haiku của Lâm Long Hồ - giải Nhất - rung chuông cảnh tỉnh về môi trường sống hiện nay, về thiếu vắng tính nhân văn, tính nhân cảm. Lâm Long Hồ viết: “Cà phê Ngày Tình nhân/ hai màn hình điện thoại/ chiếu sáng hai mặt người”.
Bên cạnh đó, thơ haiku Việt cũng viết nhiều về thiên nhiên đẹp đẽ, thông qua những sinh thể nhỏ bé. Cây hoa “tứ quân tử” (mai, lan, cúc, trúc), “tuế hàn tam hữu” (tùng, trúc, mai) đẹp đẽ và cao quý, mà một bông hoa dại tầm thường bên vũng nước cũng có nét đẹp riêng cần phải được tôn trọng. Như Lâm Minh Trí viết: “Nước đọng bên đường/ những bông hoa nhỏ/ soi gương”.
 
Tại sao phải cần thêm haiku Việt?
Thơ haiku, thể thơ ngắn nhất thế giới từ Nhật Bản đến nay đã trở nên rất quen thuộc với người Việt. Bên cạnh thơ ngũ ngôn, thất ngôn, thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ tự do… đã đến lúc ta có thể nói đến thơ haiku Việt. Thơ haiku Việt là thơ haiku của người Việt, viết bằng tiếng Việt và mang phong cách Việt. Một đất nước có truyền thống thi ca lâu dài, với một kho tàng thi ca đồ sộ như Việt Nam, sao vẫn cần thêm thể thơ haiku?
Thêm haiku không chỉ vì thêm một thể thơ ngắn, cô đúc, vì thơ lục bát phong dao của Việt Nam cũng rất ngắn, mà chính là vì thêm một cách thức nhìn đời, một cách thức phản ánh đời sống của thơ haiku. Cái đẹp của thiên nhiên nhỏ bé là cách nhìn thế giới rất riêng của thơ haiku. Thiên nhiên nhỏ bé ấy cũng phản ánh cả vũ trụ lớn lao. Thơ haiku Việt đã tạo ra một thế giới riêng, một cách thể hiện đời sống rất riêng.
Gắn với thiên nhiên, nên thơ haiku Nhật bắt buộc phải có quý ngữ, tức là từ chỉ mùa. Bốn mùa ở Nhật thay đổi thật rõ ràng và thật đẹp. Thơ haiku Việt cũng có quý ngữ từ cảnh sắc Việt. Có hoa mai vàng, hoa đào, hoa xoan mùa Xuân; có lá bàng đỏ, cây cơm nguội vàng, hương cốm mùa Thu; có mưa phùn gió bấc, có áo bông mùa Đông; có cánh phượng, tiếng ve và bão lũ mùa Hè… Nhưng phần sâu lắng nhất trong thơ haiku Việt lại là hình bóng quê hương, quê nhà nghèo khó, hình bóng ông bà, cha mẹ vất vả, thân cò lặn lội đồng sâu.
Ca dao Việt ít nói về cha, có lẽ vì truyền thống tính nữ, “duy tình” có từ xưa, nhưng thơ haiku Việt lại có bài về người cha khá hay. Giọng thơ thật cảm thương: “Trên đồng heo may/ bóng cha sấp ngửa/ lẫn trong đất cày” - Nguyễn Bá Hòa.
Thơ haiku từ Nhật đi ra khắp thế giới: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Việt Nam… Đến mỗi một quốc gia lại mang ít nhiều phục trang, hình hài của quốc gia ấy. Thơ haiku vào Việt Nam ngót một thế kỷ nay, đã và đang lan tỏa trong đời sống người Việt chừng ba chục năm nay. Nó đã mang hình hài Việt, vẻ đẹp Việt, đã nói lên tâm tình và suy tư của người Việt hiện đại.
Kết quả giải thưởng
Từ 663 bài haiku dự thi, 40 bài vào vòng chung kết, ban giám khảo chọn trao 1 giải Nhất cho Lâm Long Hồ (An Giang); 3 giải Nhì cho Phạm Quốc Duẩn (Hà Nội), Lê Thị Thanh Tâm (Hà Nội), Đỗ Thượng Thế (Đà Nẵng); 8 giải Khuyến khích cho Phan Đức Lộc (Điện Biên), Nguyễn Thánh Ngã (TP.HCM), Trịnh Thị Ngọc (Bình Phước), Phó Đỗ Quyên (TP.HCM), Nguyễn Văn Song (Hưng Yên), Lê Hữu Thương (Hà Nội), Lâm Minh Trí (TP.HCM) và Hồ Trường (Bến Tre).
Đoàn Lê Giang

Nguồn: Thể thao văn hóa, ngày 11.12.2019.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60532979
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14472
10018
60532979

Thành viên trực tuyến

Đang có 315 khách và không thành viên đang online

Danh mục website