'Trăm năm một thuở', rưng rưng nhớ thầy Lê Đình Kỵ

Sáng 31.3 tại TP.HCM, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS-NGND, nhà lý luận - phê bình văn học Lê Đình Kỵ (1923 - 2023), Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng Khoa Văn học tổ chức buổi tọa đàm, giới thiệu tác phẩm Trăm năm một thuở (do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành), thu hút rất đông đồng nghiệp, văn nghệ sĩ và nhiều thế hệ học trò cùng tưởng nhớ về người thầy tài hoa.

Vị giáo sư đầu ngành được đặt tên đường

Tự hào về những đóng góp của vị giáo sư (GS) đầu ngành Ngữ văn Lê Đình Kỵ, trong phát biểu đề dẫn, TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, khẳng định: "Hơn 40 năm giảng dạy đại học, bên cạnh đào tạo các thế hệ sinh viên, hướng dẫn luận văn, luận án tiến sĩ, GS-NGND Lê Đình Kỵ đã công bố nhiều công trình lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học quan trọng, những bài viết có tính học thuật sắc sảo và gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới được công bố trên các báo, tạp chí chuyên ngành có tầm ảnh hưởng trong giới khoa học. GS còn tham gia biên soạn nhiều bộ giáo trình giá trị, có tính chất đặt nền tảng, khơi nguồn cho phân môn lý luận văn học, góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò thành đạt, có uy tín và địa vị xã hội cao trong các lĩnh vực khác nhau".

'Trăm năm một thuở', rưng rưng nhớ thầy Lê Đình Kỵ - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm và giới thiệu tác phẩm Trăm năm một thuở - QUỲNH TRÂN

Ông Trần Đình Việt, nhà nghiên cứu trực tiếp tuyển chọn và thực hiện tập sách Trăm năm một thuở, nhấn mạnh: "Trong GS Lê Đình Kỵ thấm đẫm chất… học Quảng Nam, không lẫn vào đâu được. Điều vinh hạnh là tại Quảng Nam, Đà Nẵng hiện nay dòng họ Lê Đình chi phái 3 có ba người được đặt tên đường: Lê Đình Thám, Lê Đình Dương và Lê Đình Kỵ. Thật không hổ danh người con xứ Ngũ phụng tề phi".

Nhớ về người thầy từng hướng dẫn luận văn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân chia sẻ: "Thầy của tôi ít lời nhưng luôn đặt ra nhiều vấn đề gợi mở cho sinh viên phải thực hiện. Còn những trang viết của GS Lê Đình Kỵ thì chất văn vô cùng mượt mà, đẹp từng câu từng chữ…".

Say sưa tìm tòi, bằng lối suy nghĩ riêng chứ không tự bằng lòng với những kết luận giáo điều an toàn, sẵn có nên đôi khi thầy Lê Đình Kỵ rơi vào vòng xoáy…tranh cãi. PGS-TS Võ Văn Nhơn kể: "Công trình đầu tiên của thầy Kỵ xuất bản năm 1962 Phương pháp nghệ thuật ra mắt bị phê bình khá quyết liệt, tạo nên đợt tranh luận gay gắt gần suốt cả năm trên tạp chí Nghiên cứu văn học lúc đó, bởi tác giả trình bày chủ nghĩa hiện thực trong mối quan hệ với chủ nghĩa nhân đạo và đặt vấn đề nghiên cứu ý nghĩa toàn nhân loại của điển hình nghệ thuật. Ngày nay có thể là bình thường, nhưng 40 năm trước chưa được sự nhất trí trong học giới, nhất là vấp phải quan điểm giai cấp luận đang chi phối nặng nề. Tuy nhiên, với 16 công trình nghiên cứu bao gồm gần 5.000 trang sách, chưa kể hàng trăm bài viết đã in trên các báo và tạp chí, thầy Lê Đình Kỵ như một lực điền cần mẫn cày ải trên cánh đồng văn chương".

20230403

Vợ chồng GS-NGND Lê Đình Kỵ và hai con gái - TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Điều còn mãi ở lại

Nằm trong số thế hệ học trò "đời đầu" của NGND Lê Đình Kỵ, GS-TS Mai Quốc Liên tiết lộ: "Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội đầu những năm 60 thế kỷ trước luôn nhớ mãi về ông giáo vụng về nhưng thương học trò, được thầy Cao Xuân Hạo nhận xét "có chất giọng Quảng bị lệch chuẩn 180 độ", đó chính là thầy Kỵ. Với quan điểm "từ tâm hồn tôi đến hiểu tâm hồn người khác" thì nếu như đỉnh cao nhất về phê bình trước đó không ai có thể so sánh được với Hoài Thanh thì GS Lê Đình Kỵ có con đường riêng. Thầy tôi đọc kỹ về Hoài Thanh, nghiên cứu và so sánh để khác biệt. Thầy nhận xét: "Hoài Thanh sở dĩ viết hay là vì viết ngắn, cô đúc… chứ kéo dài bạn đọc dễ ngán". Vì vậy mà, những tác phẩm phê bình của thầy Kỵ càng uyên bác, càng tử tế".

Dù là GS đầu ngành tên tuổi nhưng trong gia đình GS Lê Đình Kỵ - như PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu (Khoa Văn học) "bật mí" thì thầy lại nấu ăn rất ngon. Vô số những kỷ niệm nhớ về "núi Thái Sơn" yêu dấu của mình, chị Lê Thu Hà không quên những món ngon ba làm: "Món thịt đông của Ba đúng là ngon nhất trên đời. Cho tận bây giờ tôi vẫn chưa được ăn thịt đông nào ngon như vậy. Ba người Trung, sống ở Bắc và Nam nên nấu món ngon của cả 3 miền: nào bánh xèo Nam, phở Bắc, bún bò Huế, bún cá ngừ kho lạt miền Trung…". Đối với chị Lê Ly Ly: "Tình yêu lớn nhất trong cuộc đời của Ba là tình yêu dành cho Mẹ tôi, rất tròn đầy và rất tha thiết. Ngày trẻ khi xa nhau, Ba luôn viết những dòng thư thấm đẫm nhung nhớ gởi cho Mẹ. Sau này, Ba vẫn gọi Mẹ là em hoặc nàng đầy tự hào".

Điều còn mãi lại cảm động nữa về thầy Lê Đình Kỵ được PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh chia sẻ: "Đó là khi đã tuổi cao sức yếu, bệnh tật làm trí nhớ sa sút không nhận ra được ai ngoài người vợ hiền, là mỗi khi có các đồng nghiệp đến nhà, NGND Lê Đình Kỵ cứ nôn nóng nhìn đồng hồ nói đến giờ phải đi dạy rồi. Hình như trong suy nghĩ của ông lúc nào cũng luôn canh cánh nỗi niềm về trường lớp và học trò"…

GS-NGND Lê Đình Kỵ để lại nhiều công trình lớn cho văn chương VN: Đường vào thơ (1968); Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du (1970); Tìm hiểu văn học (1980); Thơ Tố Hữu (1979); Thơ mới, những bước thăng trầm (1988); Trên đường văn học (2 tập, 1995); Phê bình nghiên cứu văn học (1999); Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam (1998). Ông có thời gian dài gắn bó với công tác đào tạo, nghiên cứu tại Khoa Ngữ văn (nay là Văn học) Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Lê Công Sơn

Nguồn: Thanh niên, ngày 01.4.2023.

Thông tin truy cập

60521474
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2967
10018
60521474

Thành viên trực tuyến

Đang có 197 khách và không thành viên đang online

Danh mục website