Đâu chỉ là tri thức mà còn là cả một tấm lòng…

In bài này

(Giới thiệu sách Tuyển tập các bài viết về giáo dục và văn học,

của PGS. NGND Trần Thanh Đạm,

Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản, 2012)

 

 

Tuyển tập các bài viết về giáo dục và văn học, đó là tên cuốn sách của PGS – NGND Trần Thanh Đạm, do Trung tâm nghiên cứu quốc học ấn hành vào quí 3 năm 2012.

Cuốn sách là tuyển tập các bài viết quan trọng và có ý nghĩa của tác giả trong nhiều thời điểm khác nhau, bao gồm 233 mục bài, với một phổ quan tâm rộng, từ vấn đề Văn học và tiếng Việt trong nhà trường, Những vấn đề văn học, Những vấn đề giáo dục, cho đến những tưởng niệm, hoài niệm có tính chất riêng tư – sự gợi nhớ những kỉ niệm ý nghĩa và thú vị của tác giả với những người thân yêu, những người Thầy đáng kính và những đồng nghiệp thân thiết…

Về Những vấn đề giáo dục. Với 103 bài viết, người đọc có thể nhận ra hình ảnh tác giả, một người dường như chưa bao giờ dừng tâm huyết và trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà. Vốn là một nhà giáo, đồng thời cũng là người đã nhiều năm làm việc trong tư cách người quản lí ở các cơ sở đào tạo, được chứng kiến những thăng trầm của ngành giáo dục, tác giả trăn trở với nhiều vấn đề của nền giáo dục Việt Nam, từ giáo dục ở bậc phổ thông cho đến giáo dục ở bậc đại học và trên đại học, từ những vấn đề có tính vĩ mô đến những vấn đề vi mô, “bếp núc” của ngành. Ở bình diện vĩ mô, đó là những bài viết với những suy tư sâu sắc về mối quan hệ giữa giáo dục với văn hóa và con người, là vấn đề chất lượng giáo dục và cải thiện chất lượng giáo dục, là vấn đề nền giáo dục Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, là mô hình cần thiết cho nền giáo dục thế kỉ XXI… Ở bình diện vi mô, đó là những suy tư hết sức cụ thể, thấm thía về những nhân tố hay hoạt động cụ thể trong tổng thể nền giáo dục Việt Nam. Đó là chuyện người thầy, chuyện tuyển sinh, chuyện về sách giáo khoa, chuyện đạo đức trong giáo dục, về sự chính danh trong ngành…Dù ở bình diện nào, dù là chuyện có tính chất quốc sách hay chuyện gần gũi, thường nhật trong ngành, các bài viết đều xoay quanh và nhất quán một cốt lõi tâm tư về một nền giáo dục mang màu sắc dân tộc và đậm chất nhân văn.

Về Những vấn đề văn học. Với 92 mục bài, nhiều vấn đề lí luận cốt lõi có tầm khái quát được nêu ra và trao đổi: vấn đề bản chất và chức năng của văn chương, vấn đề tiêu chuẩn giá trị của các sáng tác văn học, vấn đề chủ nghĩa hiện thực và sinh mệnh của nó, vấn đề quan hệ nhà văn – văn bản – tác phẩm – người đọc, những vấn đề của văn học so sánh và so sánh văn học… Với vốn văn chương được tích lũy đầy đặn và uyên bác có được sau nhiều chục năm giảng dạy và nghiên cứu, trong cuốn sách của mình, tác giả không chỉ đề cập những vấn đề của văn học Việt Nam, những nhà văn Việt Nam, mà tác giả còn có nhũng bài viết nhiều tính gợi mở về văn học nước ngoài, như chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến của Roger Garaudy, về A. S. Puskin, cũng như vấn đề văn học Việt Nam trong tổng thể văn học khu vực và thế giới. Chất chứa suy tư về một nền văn học giàu năng lượng, vừa thấm đậm tinh thần dân tộc và vừa cởi mở với nhân loại bao la, Những vấn đề văn học gợi nhiểu suy nghĩ đối với bất cứ ai yêu văn học, đã và đang nghiên cứu và giảng dạy văn.

Về Văn học và tiếng Việt trong nhà trường. Hai mươi bốn mục bài viết của phần này không chỉ là sự nhìn nhận lại thực tế giảng dạy văn và tiếng Việt trong nhà trường hiện nay mà quan trọng hơn, các bài viết có ý nghĩa như những bài học bổ ích, vừa gợi suy nghĩ, vừa như những lời “mách nước” cho những người đang thực hành công việc giảng dạy văn và tiếng Việt, để sao cho việc dạy văn phải “ra dạy văn”, dạy tiếng Việt sao cho không chỉ là dạy tiếng, dạy chữ mà là dạy cả chiều sâu văn hóa dân tộc.

           Cũng như những bài viết về giáo dục, về văn học, hầu hết những bài viết về  Văn học và tiếng Việt trong nhà trường đều ngắn, gọn, ở đó người đọc không chỉ được tiếp xúc với những tri thức hàn lâm, lí thuyết, mà quan trọng hơn, còn được đọc và học ở đó một tấm lòng.

                              

                                                                         TP. Hồ Chí Minh, tháng 9/2012

                                                                                    TS. Nguyễn Hữu Hiếu