Hội thảo “Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ”

Ngày 28/10/2016 tại trường Đại học Thủ Dầu Một đã diễn ra hội thảo khoa học cấp quốc gia Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ do Khoa Văn học và Ngôn ngữ trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh phối hợp với trường Đại học Thủ Dầu Một và Viện Văn học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một đọc diễn văn khai mạc nêu bật ý nghĩa của Hội thảo. Trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS. Đoàn Lê Giang điểm qua tình hình nghiên cứu về văn học Nam Bộ từ trước đến nay: Từ năm 2005 Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã nổi lên như một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về văn học và ngôn ngữ Nam Bộ qua các công trình nghiên cứu xuyên suốt, có hệ thống của các giảng viên trong Khoa. Báo cáo cho biết: Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 bản đăng ký cũng như toàn văn báo cáo của các nhà nghiên cứu từ nhiều nơi gửi về, từ đó đã chọn ra 123 báo cáo để trình bày ở Hội thảo.

Trong phiên toàn thể, Hội thảo đã nghe GS-TS. Phong Lê trình bày tham luận Mấy ghi chép về sự ra đời của văn xuôi Quốc ngữ ở Nam Bộ trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc. GS.TS. Trần Đình Sử trình bày về tiểu thuyết lịch sử, từ lý luận đến thực tiễn sáng tác. TS. Hồ Văn Tuyên trình bày tham luận Đường ranh mờ giữa từ địa phương Nam bộ và từ toàn dân.
Sau phiên toàn thể, Hội thảo đã chia ra thành 6 tiểu ban.
Ở tiểu ban Tiểu thuyết lịch sử và dịch văn học, các báo cáo tập trung vào trình bày những vấn đề lý thuyết của thể tài tiểu thuyết lịch sử, đặc điểm và giá trị của tiểu thuyết lịch sử Nam Bộ như: Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân của Trương Duy Toản (PGS.TS. Đào Ngọc Chương), Nam cực tinh huy của Hồ Biểu Chánh (ThS. Mai Thế Mạnh), bộ ba tiểu thuyết lịch sử Nam Kỳ của Tân Dân Tử (ThS.Lê Thị Kim Út)… Về dịch văn học, các báo cáo tập trung vào việc giới thiệu những tình hình tư liệu và nghiên cứu văn học dịch giai đoạn đầu tiên (ThS. Phạm Thị Tố Thy), Trương Minh Ký và Truyện ngụ ngôn của La Fontaine (ThS. Nguyễn Ngọc Bảo Trâm), các tiểu thuyết phóng tác của Hồ Biểu Chánh (PGS.TS. Trần Thị Phương Phương, PGS.TS. Trần Thị Quỳnh Thuận)…
Ở tiểu ban Văn học dân gian Nam Bộ, các báo cáo đi vào nghiên cứu những vấn đề tổng thể của văn học dân gian vùng: miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ (GS.TS. Trần Ngọc Thêm, PGS.TS. Huỳnh Văn Tới); quá trình sưu tập và nghiên cứu về văn học dân gian Nam Bộ qua các tuyển tập đầu thế kỷ XX (TS. La Mai Thi Gia); văn học dân gian tộc người: Khmer, Chăm, Hoa (ThS. Phan Xuân Viện, NNC.Vũ Văn Ngọc, ThS. Nguyễn Thị Tâm Anh); các tiểu thể loại văn học dân gian và một số tác phẩm cụ thể như: ca dao dân ca, truyện cổ tích, truyền thuyết, tân cổ giao duyên (TS. Võ Phúc Châu, TS.Lê Thị Diệu Hà, ThS.Trần Duy Khương); tham luận Truyện Tấm Cám ở Nam Bộ của ThS. Lê Thị Thanh Vy gây được sự chú ý đặc biệt ở tiểu ban.
Ở tiểu ban Văn học Hán Nôm Nam Bộ, các báo cáo tập trung nghiên cứu một số vấn đề của văn học Hán Nôm Nam Bộ như: thơ trào phúng (TS. Nguyễn Thị Tính), truyện thơ Nôm (ThS.Dương Mỹ Thắm), cuộc bút chiến Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường (ThS.Ngô Trà Mi), vấn đề chuyển thể tác phẩm Kim Thạch kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa (ThS. Nguyễn Văn Hoài), những vấn đề liên quan đến tác phẩm Nôm đồ sộ Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới (TS. Nguyễn Ngọc Quận, Lý Hồng Phượng)…Các báo cáo về tình hình sưu tập và công bố tư liệu Hán Nôm mới là vấn đề được quan tâm nổi bật ở tiểu ban Hán Nôm qua các báo cáo về tư liệu bi ký, đối liên, văn tế… của TS. Lê Quang Trường, TS. Phạm Ngọc Hường, ThS. Nguyễn Đông Triều, ThS. Nguyễn Văn Ngoạn, Hồ Ngọc Minh…
Tiểu ban Văn học quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỷ đến 1945 được sự quan tâm nhiều nhất, với số lượng báo cáo được chọn chiếm đến 1/3 tổng số tham luận gửi đến. Các tham luận tập trung vào 3 vấn đề: (1) Những vấn đề chung về văn học quốc ngữ Nam Bộ: giá trị và đặc điểm qua quá trình vận động của văn học Quốc ngữ Nam Bộ (PGS.TS. Đoàn Lê Giang), nguyên nhân bị lãng quên trong thời gian dài của văn học Nam Bộ (NNC.Trần Nhật Vy)…(2) Giới thiệu các phong trào văn học, các thể tài, các văn nhóm của văn học Quốc ngữ Nam Bộ: Thơ ca Minh tân (ThS. Lưu Hồng Sơn), truyện ngắn giai đoạn đầu tiên (TS. Trần Văn Trọng), văn học tôn giáo trên Nam Kỳ địa phận (PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu), tiểu thuyết nghĩa hiệp (PGS.TS. Lê Tú Anh), du ký (ThS.Võ Thị Thanh Tùng), cuộc thi tiểu thuyết (ThS. Nguyễn Thị Trúc Bạch), văn học thiếu nhi (ThS. Nguyễn Thị Thủy), vấn đề chủ nghĩa hiện thực (ThS. Trương Thị Linh), và hàng loạt các văn nhóm hình thành xung quanh các tờ báo như: Công luận báo, Nông cổ mín đàm, Phụ nữ tân văn, Tiểu thuyết Nam Kỳ (PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, ThS. Tạ Anh Thư,)…(3) Giới thiệu, đánh giá và định vị những tác giả, tác phẩm nổi bật như: Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh, Phan Khôi, Sơn Vương, Trần Huy Liệu, Trúc Hà, Phạm Văn Hạnh, Kiều Thanh Quế, Ca Văn Thỉnh (PGS.TS Nguyễn Phong Nam, PGS.TS Vũ Thanh, ThS. Hoàng Thị Hường , ThS. Phan Thị Trà, ThS. Lê Ngọc Phương, ThS. Nguyễn Thị Phương Thúy, ThS. Lê Thụy Tường Vi, ThS. Trần Thị Mỹ Hiền, PGS.TS. Nguyễn Công Lý)…Các tác phẩm: Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử (TS. Đào Lê Na), Người vợ hiền của Nguyễn Thới Xuyên (PGS-TS. Nguyễn Thành, TS. Nguyễn Đức Mậu)…
Tiểu ban Văn học Nam Bộ sau 1945 tập trung vào 3 vấn đề sau: (1) Những vấn đề chung của văn học vùng theo từng giai đoạn: giá trị và đặc điểm văn học Nam Bộ 1945-1954 (PGS.TS. Võ Văn Nhơn), văn học miền Đông Nam Bộ (TS. Hà Thanh Vân), văn học miền Tây Nam Bộ (TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, TS. Hà Minh Châu), văn học Hà Tiên (TS. Nguyễn Bá Long), vấn đề tiếp thu giá trị của văn học trước 1975 (nhà thơ Inra Sara)…(2) Các tác giả và tác phẩm văn học Kháng chiến chống Pháp: Tam Ích, Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lưu Quý Kỳ, Tô Nguyệt Đình, Thẩm Thệ Hà, Trang Thế Hy (GS-TS. Huỳnh Như Phương, PGS.TS. Hoàng Trọng Quyền, NNC.Trần Sĩ Huệ, NNC Vu Gia, PGS.TS. Lê Tiến Dũng, TS. Nguyễn Văn Đông, TS. Phan Mạnh Hùng, TS. Phạm Thanh Hùng)…(3) Các văn nhóm, các tác giả văn học yêu nước, tiến bộ từ sau 1954: báo Nhân loại, nhà văn-dịch giả Diễm Châu…( Nhà văn Lê Văn Nghĩa, TS. Nguyễn Phương Khánh).
Ở tiểu ban Tiếng Việt ở Nam Bộ các báo cáo tập chung vào 2 chủ đề lớn: (1) Những vấn đề chung về giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ ở Nam Bộ (GS.TS. Bùi Khánh Thế, PGS.TS. Nguyễn Công Đức, PGS.TS.Hoàng Quốc, PGS.TS Hoàng Trọng Canh…), (2) Tập trung nhất là bàn về phương ngôn Nam Bộ: các vấn đề về từ vựng, ngữ âm, địa danh, tiếng lóng, thành ngữ, tục ngữ…khảo sát qua những tác phẩm văn học cụ thể (TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh, GS.TS Đỗ Thị Kim Liên, TS. Phan Thị Ai, TS. Nguyễn Hoàng Trung, ThS. Dương Thị My Sa, ThS. Trần Thúy An, ThS. Võ Thành Hùng, ThS.Tăng Tấn Lộc)...
Có thể nói chưa bao giờ những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ được quan tâm rộng rãi, trình bày nhiều vấn đề chuyên sâu trên cơ sở tài liệu mới mẻ, có độ tin cậy cao như ở hội thảo này. Hội thảo đã tổng kết những thành tựu nghiên cứu từ trước đến nay và mở ra những chặng đường nghiên cứu mới về văn học Nam Bộ.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 11/2016