27042024Sat
Last updateTue, 23 Apr 2024 10am

Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam - giao lưu văn hoá tư tưởng Đông Á”

VNQĐ - Ngày 8/11/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Văn học và Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tiến hành phiên toàn thể Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam - giao lưu văn hoá tư tưởng Đông Á”. Hội thảo quy tụ đông đảo nhà nghiên cứu đến từ những trường đại học, những viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Tiến sĩ Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã dự và đọc diễn văn khai mạc Hội thảo.

20191107 bia ky yeu

Kỉ yếu tóm tắt

Dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam nằm trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á bản địa, và về mặt vị trí địa lí, Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á, nhưng lại nằm giữa bán đảo Trung - Ấn, nơi tồn tại hai nền văn hóa văn minh vĩ đại thời cổ trung đại là Ấn Độ và Trung Quốc. Vì thế, ngay từ thời cổ đại, bên cạnh giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam còn có sự giao lưu và chịu ảnh hưởng văn hóa tư tưởng Ấn Độ, tiếp theo là giao lưu và chịu ảnh hưởng văn hóa tư tưởng Trung Hoa. Sang thời cận hiện đại, việc giao lưu văn hoá trong khu vực Đông Á càng được mở rộng trên nhiều bình diện khác nhau và ngày càng gắn bó, nhất là trong thời kì hội nhập toàn cầu hoá. Quá trình giao lưu văn hóa tư tưởng giữa Việt Nam với các quốc gia Đông Á diễn ra với những mức độ khác nhau, trong những thời điểm, điều kiện lịch sử đặc thù.

PGS.TS Đoàn Lê Giang báo cáo đề dẫn Hội thảo

Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam - giao lưu văn hoá tư tưởng Đông Á” do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hướng đến làm rõ các phương diện lí thuyết và thực tiễn của mối quan hệ, giao lưu tư tưởng văn hoá giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Á, đồng thời cũng là dịp để tạo diễn đàn giao lưu nghiên cứu học thuật giữa Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm, trường đại học trong khu vực và trên thế giới.

GS Trần Ích Nguyên (ĐH Kim Môn, Đài Loan) phát biểu tại Hội thảo

Gần 100 tham luận chất lượng của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã được Ban tổ chức tuyển chọn và tập hợp thành Kỉ yếu Hội thảo. Tại Hội thảo, các cử toạ được dịp lắng nghe và thảo luận về các chủ điểm chính như: văn học Việt Nam giao lưu với văn học Đông Á; văn hoá tư tưởng Việt Nam giao lưu với văn hoá tư tưởng Đông Á; Phật giáo Việt Nam giao lưu với Phật giáo Đông Á... Những tiếng nói chuyên sâu này góp phần đẩy mạnh sự hiểu biết về văn học, văn hoá tư tưởng của Việt Nam và các nước Đông Á, tạo tiền đề cho sự giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hoá hiện tại và tương lai.

GS Huỳnh Như Phương phát biểu tại Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo, bản Việt ngữ Tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Đài Loan Trần Trường Khánh đã được ra mắt, giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam. Đây là ấn phẩm do Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Xã hội nhân văn - Đại học Quốc gia Kim Môn, Đài Loan hợp tác thực hiện, được Nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2019.

Nhà văn Trần Trường Khánh sinh năm 1946 tại Bích Sơn, Kim Môn, Đài Loan

Giáo sư Huỳnh Như Phương nhận định: Những biến động lịch sử và cuộc đấu tranh ý thức hệ nửa cuối thế kỉ XX đã đẩy Đài Loan vào những tình thế hiểm nghèo. Vùng biển Kim Môn trở thành chảo lửa của chiến tranh. Nhà văn Trần Trường Khánh đã chứng kiến hai lần khủng hoảng ở eo biển Đài Loan với những cuộc pháo kích, những trận hải chiến giữa hai bờ mà người dân Kim Môn phải chịu đựng. Nhưng cả 6 truyện ngắn trong tập này không nhằm miêu tả trực tiếp những biến cố ấy mà thể hiện những di chứng của thời kì thiết quân luật đã đè nặng lên đời sống của khoảng 10 vạn dân Kim Môn trong hơn 36 năm ròng. Tác phẩm của Trần Trường Khánh cho thấy văn học ở một địa phương có thể vươn ra khỏi các bức tường để tìm thấy sự đồng cảm của người đọc qua sự hiệp thông với chủ nghĩa nhân đạo. Tập truyện này không chỉ mở ra cánh cửa nhận thức về một xứ sở lắm trầm luân như Việt Nam, mà còn đem lại kinh nghiệm mĩ cảm về sức lôi cuốn của nghệ thuật ngôn từ, như cách nói của Chu Quang Tiềm, nhà mĩ học hiện đại Trung Hoa được tiếp nhận ở cả Đài Loan và Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau ngày làm việc phiên toàn thể Hội thảo

Ngày mai, 9/11/2019, các học giả sẽ làm việc tại các khoa của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và bế mạc Hội thảo.

MINH NGUYỄN
Nguồn: Quân đội nhân dân, ngày 08.11.2019.

10 sự kiện nổi bật năm 2017 của Khoa Văn học

10 SỰ KIỆN NỔI BẬT NĂM 2017

CỦA KHOA VĂN HỌC

(TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHXH & NV, ĐHQG TP.HCM)

 1 Tháng 2 năm 2017 Khoa Văn học và Ngôn ngữ tách ra thành Khoa Văn học và BM Ngôn ngữ học theo quyết định của Nhà trường. Tên gọi Khoa Văn học và Ngôn ngữ tồn tại khoảng 10 năm đến đây là chấm dứt. Khoa Văn học có quyền lợi và nghĩa vụ kế thừa di sản Khoa Ngữ văn, Ngữ văn và Báo chí, Văn học và Ngôn ngữ trước đây.
 2 Tiến sĩ Lê Quang Trường được công nhận chức danh Phó Giáo sư. Hai tiến sĩ mới bảo vệ thành công luận án chính thức là TS. Nguyễn Đông TriềuTS. Lê Ngọc Phương. NCS Nguyễn Ngọc Bảo Trâm NCS Dương Hoàng Lộc đã bảo vệ thành công luận án TS cấp đơn vị chuyên môn. Khoa tiếp nhận thêm 2 thành viên mới là TS. Nguyễn Thị Quốc Minh và ThS. Lý Hồng Phượng. Như vậy hiện nay Khoa có 35 người (giảng viên: 31, nghiên cứu viên: 1, chuyên viên: 3). Trong đó GS/PGS.TS : 10/32 người chiếm 32% ; TS (bao gồm GS/PGS): 18/32 người chiếm 56% ; Đang đi học tập nước ngoài : 4.   
 3 Khoa đã tổ chức thành công 1 HTKH cấp Quốc gia và 1 HTKHQT :

1)    Hội thảo cấp Quốc gia “Nguyễn Vỹ – cuộc đời và sự nghiệp” kết hợp với Hội VHNT Quảng Ngãi, nhân kỷ niệm 105 ngày sinh của nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ. Hội thảo được tiến hành vào ngày 30/10 tại thành phố Quảng Ngãi;

2)    Hội thảo quốc tế “Việt Nam – Giao lưu văn hóa tư tưởng phương Đông” kết hợp với Trung tâm nghiên cứu tôn giáo do PGS.TS. Nguyễn Công Lý làm đồng trưởng ban tổ chức. Hội thảo diễn ra vào ngày 16/11/2017, quy tụ hơn 10 học giả nước ngoài, gần 100 diễn giả trong nước, góp phần tăng thêm uy tín học thuật của Khoa và mở rộng giao lưu, hợp tác rộng rãi với các đại học, viện NC trong khu vực.

 4 Nhiều giảng viên của Khoa tham dự hội thảo và dự án nghiên cứu ở nước ngoài: (1) TS. Đào Lê Na đi dự HT ở Canada và Hoa Kỳ với tài trợ của  Japan Foundation ; (2) ThS. Lê Thụy Tường Vy đi nghiên cứu ngắn hạn ở Nhật Bản theo chương trình hợp tác giữa Trường và ĐH Findlay ; (3) PGS.TS. Đoàn Lê Giang, ThS. Nguyễn Văn Hoài, TS. Nguyễn Đông Triều đi dự HTQT về Nho học ở ĐH Khúc Phụ, TQ.
 5 Khoa đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng: (1) Lễ Khởi đầu mới đón tân SV do ThS. Lê Thị Thanh Vy phụ trách ; (2) Lễ mừng Thượng thọ thầy Trần Chút, Phó trưởng khoa Ngữ văn giai đoạn đầu tiên (3) Cuộc thi Sáng tác thơ haiku lần 6/2017 do Tổng LSQ Nhật Bản và Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tổ chức, PGS.TS. Đoàn Lê Giang làm trưởng ban giám khảo, ThS. Ngô Trà Mi làm Thư ký. (4) Họp mặt các thế hệ SV của Khoa nhân Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường (20/11/2017). Nhân dịp này 19 cựu SV của Khoa được vinh danh trong số 60 «Cựu SV tiêu biểu » trong 60 năm lịch sử LS trường. PGS.TS. Trần Lê Hoa Tranh là người có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các sự kiện này.   
 6 Khoa đã tổ chức thành công chuyến đi thực tập thực tế ở Trà Vinh (sưu tầm VHDG), Bến Tre (sưu tầm di sản Hán Nôm) vào tháng 4/2017. Chỉ huy trực tiếp là PGS.TS. Lê Quang Trường và ThS. Dương Hoàng Lộc. 
 7

Công bố khoa học của Khoa trong năm qua rất ấn tượng:

Tạp chí Thế giới ngữ văn Trung Hoa国文天地雑誌 (The world of Chinese language and literature, ISSN 1015-9975 của Đài Loan), số 386 (tháng 7 năm 2017) dành số đặc biệt cho văn học Hán Nôm Nam Bộ với bài của Đoàn Lê Giang, Nguyễn Văn Hoài và Lê Quang Trường.

Nghiệm thu 9 đề tài các cấp (2 đề tài NAFOSTED, 6 đề tài B, C cấp ĐHQG, 1 đề tài cấp trường):

  1. PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân, Sự du nhập các lý thuyết văn học Phương Tây vào Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975, NAFOSTED
  2. PGS.TS. Lê Giang, Văn học Hán-Nôm Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX: sưu tầm, phiên dịch và nghiên cứu, NAFOSTED
  3. PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân : Hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Quốc ngữ ở Nam Bộ trước 1954 (sưu tầm, tuyển chọn và nghiên cứu), cấp ĐHQG- B
  4. PGS.TS. Lê Giang, Văn học Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến 1932: Những vấn đề về tác giả, thể loại, khuynh hướng”, mã số: C2014-18b-04, CẤP ĐHQG- C  
  5. PGS.TS Nguyễn Công Lý, Văn học Việt Nam thế kỷ XV – thế kỷ XVII : những vấn đề về cảm hứng, thể loại và tác gia tiêu biểu, CẤP ĐHQG- C  
  6. PGS.TS Trần Thị Phương Phương, Văn học so sánh: lịch sử và triển vọng, CẤP ĐHQG- C  
  7. PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, Những nghiên cứu mới về tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc ở Hoa Kỳ, CẤP ĐHQG- C  
  8. TS. Lê Quang Trường, Nghiên cứu cuộc đời và thơ văn Phan Thanh Giản, C2014-18b-03, CẤP ĐHQG- C
  9. ThS. Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Văn học Arab – Truyền thống và hiện đại, Đề tài cấp trường.

Bài tạp chí, kỷ yếu, bài viết in sách: 150 bài

- Tạp chí QT, Sách QT: 8 bài (PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2 bài), PGS.TS.Võ Văn Nhơn-ThS.Nguyễn Thị Phương Thúy (1 bài), PGS.TS. Đoàn Lê Giang (2 bài), PGS.TS. Lê Quang Trường (2 bài), ThS.Nguyễn Văn Hoài (1 bài) )

- Tạp chí khoa học trong nước (có chỉ số ISSN): 56 bài (với 28 GV).

- Hội thảo quốc tế ở nước ngoài: 5 bài

- Tham luận HT trong nước: 54 bài

- Bài viết in sách: 27 bài

Sách xuất bản của GV tổng cộng 14 cuốn: (1) Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thị Phương Thúy, Văn chương phương Nam – một vài bổ khuyết (NXB. Tổng hợp TP.HCM); (2) Huỳnh Như Phương, Tác phẩm và thể loại văn học (NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM, 2017); (3) Lê Tiến Dũng, Nghĩ về văn chương đất phương Nam (NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM, 2017); (4) Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Đông Triều, Theo dấu người xưa (NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2017); (5) Đào Lê Na, Chân trời của hình ảnh (Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira), (NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM, 2017); (6) Đoàn Lê Giang, Chuyện tình ma nữ trong truyền kỳ Đông Á, Phan Thị Thu Hiền (chủ biên, NXB. Văn hoá văn nghệ, TP.HCM, 2017) ; (7) Nguyễn Công Lý, Thi tăng Đông Á (Phan Thu Hiền chủ biên, NXB. Văn hóa văn nghệ TP.HCM, 2017); (8, 9, 10) Trần Thị Phương Phương có 3 tập sách dịch: Chúa biết sự thật nhưng chẳng nói ngay (Tập truyện ngắn của Lev Tolstoy); Kalilin, Trên thảo nguyên, Dưới đáy (Tuyển tập truyện ngắn và kịch của Maxim Gorky); Đứa con muộn (Tập truyện vừa của Anatoly Alexin) - cả ba cuốn đều do NXB.Văn học và Phương Nam Book ấn hành năm 2017; (11) Lê Quang Trường, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Đông Triều: Phan Thanh Giản, trăm năm nhìn lại (NXB Thế giới, 2017); (12) Nguyễn Thị Quốc Minh đồng tác giả cuốn: Học tiếng Việt với các nhà văn (NXB ĐHQG HN, 2017); (13) Đoàn Lê Giang, Nguyễn Công Lý, Lê Quang Trường (chủ biên), Việt Nam- giao lưu văn hóa tư tưởng phương Đông (kỷ yếu HT, NXB.ĐHQG TP.HCM, 2017); (14) La Mai Thi Gia, Thơ trắng, (tập thơ, NXB. Hội Nhà văn, 2017).

 8 Câu lạc bộ Sân khấu và Điện ảnh, CLB Cây bút trẻ được tách ra từ CLB Văn học Nghệ thuật của Khoa hoạt động khởi sắc. TS. Đào Lê Na phụ trách CLB Sân khấu và Điện ảnh đã tổ chức thành công Liên hoan phim ngắn và công diễn vở kịch Hải âu của Tsekhov gây tiếng vang lớn.
 9 Đội tuyển Văn Trường PT Năng khiếu do PGS.TS.Trần Lê Hoa Tranh làm tổ trưởng tổ Văn, ThS. Hồ Khánh Vân phụ trách đội tuyển và nhiều thầy cô trong Khoa tham gia giảng dạy tiếp tục đạt thành tích cao trong đào tạo HS Giỏi với 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 3 giải Khuyến khích.
 10

PGS.TS. Võ Văn Nhơn, ThS. Nguyễn Thị Phương Thúy được nhận Giải thưởng (giải duy nhất) của Hội nhà văn TP.HCM 2017.    

Khoa được nhận Bằng khen ĐHQG cho đơn vị tiêu biểu nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Trường; Cờ Thi đua của Bộ GD&ĐT năm học 2016-2017.

Nội hàm của triết lý giáo dục: Giáo dục toàn diện – Khai phóng – Đa văn hoá

Nghị quyết số 04-NQ/ĐU của Đảng uỷ Trường ban hành ngày 04-12-2015 lần đầu tiên xác định triết lý giáo dục của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM là: Giáo dục toàn diện – Khai phóng – Đa văn hoá (Whole Person – Liberal – Multi Cultural Education).

Cổng thông tin điện tử Trường ĐH KHXH&NV đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Võ Văn Sen, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường về nội hàm của triết lý này.

10 sự kiện nổi bật năm 2016 của Khoa Văn học và Ngôn ngữ

10 SỰ KIỆN NỔI BẬT NĂM 2016

CỦA KHOA VĂN HỌC VÀ NGÔN NGỮ

(TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM)

 1 Chương trình Văn học của Khoa Văn học và Ngôn ngữ được đánh giá đạt tiêu chuẩn kiểm định Đại học Đông Nam Á (AUN-QA). Sự kiện này đánh dấu thành công sau một chặng đường đổi mới không ngừng của Khoa, vừa giữ được truyền thống tốt đẹp, vừa hội nhập sâu rộng vào cộng đồng đại học thế giới.  
 2 Bộ môn Nghệ thuật học được đổi tên thành Bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu-Điện ảnh, để đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực nghệ thuật có liên quan đến ngôn từ, mở thêm định hướng việc làm mới cho sinh viên ở TP.HCM – thành phố được coi là “kinh đô điện ảnh” của VN. Bộ môn có 2 chuyên gia về điện ảnh là: TS. Đào Lê Na và   ThS. Hồ Khánh Vân, cả hai đều đã từng được đào tạo bài bản với thời gian dài ở Dự án Điện ảnh do Quỹ Ford tài trợ cho Trường ĐH KHXH&NV HN.
 3 GS.TS Huỳnh Như Phương, nguyên Trưởng Bộ môn Lý luận và Phê bình văn học; PGS.TS Võ Văn Nhơn, nguyên Trưởng Bộ môn Văn học VN đã hết tuổi quản lý, nên nhân sự các bộ môn có sự sắp xếp lại: PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu chuyển sang làm Trưởng Bộ môn Lý luận và Phê bình văn học; PGS.TS. Trần Thị Phương Phương chuyển sang làm Trưởng Bộ môn Văn học Nước ngoài và Văn học So sánh; PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh kiêm nhiệm Trưởng Bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu-Điện ảnh; PGS.TS Lê Giang kiêm nhiệm Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam.
 4 Hai Hội thảo khoa học cấp Quốc gia được giới nghiên cứu đánh giá cao: (1) Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ do Khoa kết hợp với Trường Đại học Thủ Dầu Một và Viện Văn học tổ chức ngày 23/10/2016, đây là hội thảo lớn nhất về văn học và ngôn ngữ Nam Bộ từ trước đến nay; (2) Văn học Phật giáo: thành tựu và   những định hướng nghiên cứu mới do Khoa kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo của Trường và Viện Nghiên cứu Phật học tổ chức ngày 30/12/2016 , đây là hội thảo lớn nhất chuyên về văn học Phật giáo ở nước ta.
 5 Nhiều tọa đàm khoa học có ý nghĩa được tổ chức: Tọa đàm khoa học quốc tế Nghiên cứu Hán học ở Việt Nam: lịch sử qua lời kể, BM Hán Nôm kết hợp với Đại học Quốc gia Đài Bắc (Đài Loan) tổ chức (tháng 6/2016); Tọa đàm khoa học về công trình Nguyễn Khuê – Tuyển tập nghiên cứu và sáng tác nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của giáo sư Nguyễn Khuê do BM Hán Nôm tổ chức (11/2016); Hai tọa đàm khoa học do BM Ngôn ngữ tổ chức: về công trình Logich – ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của GS. TS. Nguyễn Đức Dân (6/2016); về công trình Ngôn ngữ học tiếp xúc và tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của GS. TS. Bùi Khánh Thế (12/2016)…
 6 Chương trình văn nghệ Hội ngộ Khoa Văn (10/2016) do Khoa tổ chức sau một thời gian ngừng khá dài, đã tạo thành công bước đầu. Chương trình này cùng với chương trình Khởi đầu mới đón SV năm thứ nhất, sẽ là 2 chương trình lớn của Khoa tổ chức dành cho sinh viên và cựu sinh viên.
 7 Hai giảng viên đã bảo vệ luận án tiến sĩ cấp đơn vị chuyên môn: Nguyễn Đông Triều và Lê Ngọc Phương. Có thêm 2 TS mới, số lượng TS của Khoa sẽ lên đến 24 người, một con số rất ấn tượng đối với một khoa của đại học. GV đi và về: ThS. Phan Nguyễn Kiến Nam đi học cao học (thứ hai) ở Đài Loan. TS. Đinh Lư Giang trở lại Khoa làm việc sau 4 năm giảng dạy ở Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo (Nhật Bản).
 8

Nhiều sách của tập thể và cá nhân giảng viên trong Khoa được xuất bản: Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ (Kỷ yếu HTKH, Đoàn Lê Giang, Huỳnh Như Phương, Võ Văn Nhơn, Hoàng Trọng Quyền (tuyển chọn), NXB. Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2016); Văn học Phật giáo: thành tựu và những định hướng nghiên cứu mới (Kỷ yếu HTKH, Nguyễn Công Lý, Đoàn Lê Giang (chủ biên), NXB.KHXH, 2016); Văn học dân gian An Giang (Nguyễn Ngọc Quang (chủ biên), Phan Xuân Viện, Nguyễn Hữu Ái, La Mai Thi Gia, Lê Thanh Vy, NXB. Văn hóa dân tộc, 2016); Hãy cầm lấy và đọc (Huỳnh Như Phương, NXB Tổng hợp TP HCM, 2016); Nguyễn Khuê – Tuyển tập nghiên cứu và sáng tác (do Khoa VH&NN, cựu SV Hán Nôm tổ chức bản thảo và xuất bản, NXB. Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2016); Logich – ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt (Nguyễn Đức Dân, NXB. Trẻ, 2016); Ngôn ngữ học tiếp xúc và tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam (Bùi Khánh Thế, NXB. ĐHQG TP.HCM, 2016, BM Ngôn ngữ tổ chức bản thảo); Văn chương phương Nam – một vài bổ khuyết (Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thị Phương Thúy biên soạn, NXB. Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2016); Tìm trong di sản văn hóa phương Nam (Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng biên soạn, NXB. Văn hóa Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, 2016); Một thế kỷ văn học yêu nước và cách mạng TP.Hồ Chí Minh 1900-2000 (Đoàn Lê Giang chủ biên phần Văn học 1900-1945, 3 tập, NXB. Văn hóa Văn nghệ, 2016); Bình luận văn học, niên san 2016 (Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM); …

 9 Quỹ học bổng Hỗ trợ sinh viên ngữ văn đã trao học bổng cho gần 40 sinh viên vượt khó với số tiền hơn 100 triệu trên tổng số hơn 150 triệu đồng do cựu sinh viên và các nhà hảo tâm đóng góp. Số còn lại được bổ sung vào Quỹ để dành cho sinh viên những năm sau.
 10 Nhiều tin vui từ các thầy cô giáo trẻ và chuyên viên trong Khoa: cô Ngô Trà Mi “lên xe hoa”, cô Nguyễn Thị Tâm sinh em bé; các thầy cô: Đinh Lư Giang, La Mai Thi Gia, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Nguyễn Thị Phương Thúy, Lê Văn Dũng dọn về nhà mới.

Hội thảo “Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ”

Ngày 28/10/2016 tại trường Đại học Thủ Dầu Một đã diễn ra hội thảo khoa học cấp quốc gia Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ do Khoa Văn học và Ngôn ngữ trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh phối hợp với trường Đại học Thủ Dầu Một và Viện Văn học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một đọc diễn văn khai mạc nêu bật ý nghĩa của Hội thảo. Trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS. Đoàn Lê Giang điểm qua tình hình nghiên cứu về văn học Nam Bộ từ trước đến nay: Từ năm 2005 Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã nổi lên như một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về văn học và ngôn ngữ Nam Bộ qua các công trình nghiên cứu xuyên suốt, có hệ thống của các giảng viên trong Khoa. Báo cáo cho biết: Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 bản đăng ký cũng như toàn văn báo cáo của các nhà nghiên cứu từ nhiều nơi gửi về, từ đó đã chọn ra 123 báo cáo để trình bày ở Hội thảo.

Lễ mừng sinh nhật lần thứ 81 của nhà giáo Nguyễn Khuê nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm 2016, sáng 19 tháng 11 Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã tổ chức Lễ Mừng sinh nhật lần thứ 81 của thầy Nguyễn Khuê và toạ đàm giới thiệu sách Nguyễn Khuê - Tuyển tập nghiên cứu và sáng tác. Buổi lễ nhằm tôn vinh và tri ân Thầy – người suốt nửa thế kỷ đã lặng lẽ chèo đò đưa các thế hệ học trò đến bờ tri thức.

Buổi nói chuyện của PGS. TS. Phan Trọng Thưởng về đổi mới văn học và kịch nói ở Việt Nam

Sáng ngày 26/07/2016, Bộ môn Nghệ thuật học, Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài và Văn học so sánh, Lý luận và Phê bình văn học đã phối hợp tổ chức buổi sinh hoạt khoa học về đề tài Tình hình đổi mới văn học và sự phát triển của kịch nói ở Việt Nam do PGS. TS. Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, trình bày tại văn phòng khoa Văn học và Ngôn ngữ.

Nhà trường tiếp đoàn AUN đến kiểm định chương trình đào tạo cử nhân Văn học của khoa Văn học và Ngôn ngữ

Từ ngày 14-18/11/2016, đoàn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) sẽ đến kiểm định chương trình đào tạo cử nhân Văn học thuộc khoa Văn học và Ngôn ngữ của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

Tọa đàm sách "Logic - ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt" mừng sinh nhật lần thứ 80 của GS.TS.NGƯT Nguyễn Đức Dân

SN 80 GS Nguyen Duc Dan

Sáng ngày 23/6/2016, Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH và NV- D9HQG TP.HCM đã tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 80 và cũng là buổi toạ đàm khoa học về công trình “Logic – ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt” vừa mới xuất bản của GS.TS. NGƯT. Nguyễn Đức Dân, người đồng nghiệp, người thầy của nhiều thế hệ sinh viên, học viên và giảng viên của Bộ môn.

Tọa đàm khoa học “Những đóng góp của giáo sư Mai Cao Chương đối với việc nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam”

Sáng ngày 29/01/2016, Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã tổ chức tọa đàm khoa học “Những đóng góp của giáo sư Mai Cao Chương đối với việc nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam” để vinh danh Phó giáo sư – Nhà giáo ưu tú Mai Cao Chương. Tọa đàm này là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn – Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM – Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐHQG TP.HCM).

Báo cáo đề dẫn Hội thảo "Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ" năm 2016

BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO

“NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HỌC VÀ NGÔN NGỮ NAM BỘ”

 PGS LeGiang

PGS. TS. Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM đọc báo cáo Đề dẫn tại Phiên toàn thể

của Hội thảo

               Trải qua hơn ba trăm năm hình thành và phát triển, Nam Bộ đã trở thành một vùng văn hoá có nhiều thành tựu rực rỡ và đặc sắc. Điều ấy thể hiện đậm nét trong lĩnh vực văn học và ngôn ngữ ở Nam Bộ. Từ cuối thế kỷ XIX văn học dân gian, văn học Hán Nôm Nam Bộ đã được bước đầu nghiên cứu và giới thiệu qua các công trình của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký. Suốt trong thế kỷ XX, nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu đã tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về văn học và tiếng Việt ở Nam Bộ. Trước năm 1945 có các nhà nghiên cứu Lê Quang Chiểu, Võ Sâm, Lê Sum, Ca Văn Thỉnh, Phan Văn Hùm, Đông Hồ, Trần Trung Viên, Vũ Ngọc Phan... Từ 1954 đến 1975 ở miền Nam có Phạm Thế Ngũ, Nam Xuân Thọ, Thái Bạch, Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Hầu, Phạm Việt Tuyền, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Khuê…; ở miền Bắc có nhóm Lê Quý Đôn, Lê Thước, Ca Văn Thỉnh, Bảo Định Giang, Nguyễn Đình Chú, Thạch Phương, Trần Hữu Tá… Sau 1975 nhiều nhà nghiên cứu trước đó vẫn tiếp tục tìm hiểu về văn học Nam Bộ, đồng thời cũng có thêm nhiều nhà nghiên cứu mới như: Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Thị Thanh Xuân (nhà nghiên cứu Hán Nôm), Nguyễn Thị Thanh Xuân (nhà phê bình văn học hiện đại), Lê Giang (nhà sưu tầm văn học dân gian), Trương Minh Đạt, Hồ Sĩ Hiệp, Hoài Anh, Nguyễn Q.Thắng, Võ Văn Nhơn, Huỳnh Ngọc Trảng, Cao Tự Thanh, Đoàn Lê Giang, Nguyễn Hữu Sơn…

Thơ bay từ giảng đường đại học ngữ văn

Chiều 22.02.2016, tức rằm Nguyên tiêu năm Bính Thân, lần đầu tiên Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp với Khoa Văn học và ngôn ngữ Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức chương trình giao lưu thơ rất sinh động giữa các nhà thơ với giảng viên, sinh viên.

Chương trình Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM lần thứ 14

Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM lần thứ 14 do Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP.HCM tổ chức gồm 3 chương trình vào 3 ngày 13, 14, 15 tháng giêng năm Bính Thân âm lịch, gồm: hội thảo thơ, trình diễn thơ và giao lưu với sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Họp mặt Ban đại diện Hội Cựu sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ

Vào sáng ngày 01 tháng 10 năm 2016, Ban Chủ nhiệm Khoa Văn học và Ngôn ngữ (VH&NN) đã có buổi họp mặt với Ban đại diện Hội Cựu sinh viên Khoa nhằm thống nhất về việc hoạt động của Hội và đề xuất ý tưởng cho chương trình “Khởi đầu mới 2016” cũng như đêm thơ nhạc “Hội ngộ Khoa Văn”. Tham gia buổi họp có các thành viên trong Ban đại diện như: doanh nhân – nhà thơ Trần Văn Tấn, nhà báo Lâm Thanh Bình, nhà báo Võ Khối, nhà thơ Phan Hoàng, nhà báo Lê Thanh Tâm, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ-TS. La Mai Thi Gia, PGS.TS. Đoàn Lê Giang, PGS.TS.Trần Lê Hoa Tranh, TS. Lê Quang Trường (Ban chủ nhiệm Khoa), cô Trần Phượng Linh (phụ trách công tác Đoàn Khoa),…Cuộc họp đã bàn bạc sôi nổi, trong không khí chân tình, cởi mở, hứa hẹn những ý tưởng mới, những nguồn tài trợ dồi dào cho sự thành công của chương trình. Cuộc họp đã đi đến quyết định:

Khoa Văn học và Ngôn ngữ chúc Tết các thầy cô cao niên

Sáng ngày 28/01/2016, Ban Chủ nhiệm, Chi Uỷ và Ban Chấp hành Công Đoàn Khoa Văn học và Ngôn ngữ do PGS.TS. Lê Giang làm Trưởng đoàn đã đến thăm và chúc Tết các cựu lãnh đạo Khoa và các giáo sư cao niên: PGS. Mai Cao Chương, PGS. Chu Xuân Diên, thầy Trần Chút và thầy Nguyễn Ngọc Quang. 

Kết quả Sách hay 2016

Sáng nay 18-9, kết quả bình chọn giải Sách hay 2016 do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh phối hợp tổ chức đã được công bố tại TP.HCM.

Hội nghị Nhà tuyển dụng năm 2015 của Khoa Văn học và Ngôn ngữ

Sáng thứ Bảy ngày 16.01.2016 vừa qua, tại Văn phòng khoa Văn học và Ngôn ngữ đã diễn ra hội nghị nhà tuyển dụng năm 2015 với sự góp mặt của các nhà tuyển dụng đến từ các cơ quan báo đài, các trường đại học, viện nghiên cứu, các công ty truyền thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Ban chủ nhiệm Khoa Văn học và Ngôn ngữ, các trưởng Bộ môn trực thuộc khoa.