08052024Wed
Last updateMon, 06 May 2024 1am

Báo cáo đề dẫn Hội thảo "Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ" năm 2016

BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO

“NHỮNG VẤN ĐỀ VĂN HỌC VÀ NGÔN NGỮ NAM BỘ”

 PGS LeGiang

PGS. TS. Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM đọc báo cáo Đề dẫn tại Phiên toàn thể

của Hội thảo

               Trải qua hơn ba trăm năm hình thành và phát triển, Nam Bộ đã trở thành một vùng văn hoá có nhiều thành tựu rực rỡ và đặc sắc. Điều ấy thể hiện đậm nét trong lĩnh vực văn học và ngôn ngữ ở Nam Bộ. Từ cuối thế kỷ XIX văn học dân gian, văn học Hán Nôm Nam Bộ đã được bước đầu nghiên cứu và giới thiệu qua các công trình của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký. Suốt trong thế kỷ XX, nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu đã tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về văn học và tiếng Việt ở Nam Bộ. Trước năm 1945 có các nhà nghiên cứu Lê Quang Chiểu, Võ Sâm, Lê Sum, Ca Văn Thỉnh, Phan Văn Hùm, Đông Hồ, Trần Trung Viên, Vũ Ngọc Phan... Từ 1954 đến 1975 ở miền Nam có Phạm Thế Ngũ, Nam Xuân Thọ, Thái Bạch, Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Hầu, Phạm Việt Tuyền, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Khuê…; ở miền Bắc có nhóm Lê Quý Đôn, Lê Thước, Ca Văn Thỉnh, Bảo Định Giang, Nguyễn Đình Chú, Thạch Phương, Trần Hữu Tá… Sau 1975 nhiều nhà nghiên cứu trước đó vẫn tiếp tục tìm hiểu về văn học Nam Bộ, đồng thời cũng có thêm nhiều nhà nghiên cứu mới như: Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Thị Thanh Xuân (nhà nghiên cứu Hán Nôm), Nguyễn Thị Thanh Xuân (nhà phê bình văn học hiện đại), Lê Giang (nhà sưu tầm văn học dân gian), Trương Minh Đạt, Hồ Sĩ Hiệp, Hoài Anh, Nguyễn Q.Thắng, Võ Văn Nhơn, Huỳnh Ngọc Trảng, Cao Tự Thanh, Đoàn Lê Giang, Nguyễn Hữu Sơn…

              Từ sau Đổi mới, việc nghiên cứu về văn học Nam Bộ lắng xuống một thời gian, đến đầu thế kỷ XXI việc nghiên cứu về văn học Nam Bộ được quan tâm trở lại. Các luận án tiến sĩ của Tôn Thất Dụng, Cao Xuân Mỹ, Lê Ngọc Thúy nghiên cứu sâu về văn học Quốc ngữ Nam Bộ. Viện Văn học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) bắt đầu có những công trình nghiên cứu dài hơi về văn học Nam Bộ. Từ năm 2005 Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã nổi lên như một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về văn học và ngôn ngữ Nam Bộ qua các công trình nghiên cứu xuyên suốt, có hệ thống của các giảng viên trong Khoa. Đó là hàng loạt các công trình sưu tầm, nghiên cứu về văn học dân gian Nam Bộ được xuất bản: Văn học dân gian Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang… Đó là các đợt sưu tầm Hán Nôm điền dã của thầy trò Bộ môn Hán Nôm của Khoa và các công trình, bài nghiên cứu đăng tạp chí, in sách sau đó. Đó cũng là hàng loạt các công trình nghiên cứu về văn học quy mô lớn với tài trợ đặc biệt của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và của Quỹ Khoa học công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), như:

-          Khảo sát, đánh giá, bảo tồn văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối TK.XIX-đầu TK.XX, đề tài trọng điểm Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, thời gian thực hiện: 2005-2007

-          Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học Nam Bộ 1930-1945, đề tài trọng điểm Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh

-          Văn học Hán-Nôm Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX: sưu tầm, phiên dịch và nghiên cứu, đề tài NAFOSTED. Ba đề tài trên đều do Đoàn Lê Giang làm chủ nhiệm.

-          Sưu tầm, khảo sát và đánh giá văn học Nam Bộ 1945 – 1954, đề tài trọng điểm Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh do Võ Văn Nhơn làm chủ nhiệm.

-          Hai công trình do Nguyễn Thị Thanh Xuân (chủ nhiệm): Hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Quốc ngữ ở Nam Bộ trước 1954 (sưu tầm, tuyển chọn và nghiên cứu), đề tài Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh loại B; Sự du nhập các lý thuyết văn học Phương Tây vào Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975, đề tài NAFOSTED

-          Một đề tài do Lê Trung Hoa (chủ nhiệm): Những đặc trưng ngôn ngữ văn hóa của địa danh Nam Bộ, đề tài NAFOSTED

-          Và nhiều đề tài nghiên cứu cấp trường khác.

              Từ các đề tài này mà hàng trăm khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã được thực hiện ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, rồi từ đó lan rộng ra Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Văn hiến, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Thủ Dầu Một…

              Cho đến nay việc nghiên cứu về văn học và ngôn ngữ Nam Bộ đã tiến được một bước dài với một đội ngũ nghiên cứu rất hùng hậu, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu trẻ đầy tiềm năng. Để có cơ hội công bố những nghiên cứu mới nhất, thảo luận những vấn đề còn chưa thống nhất và tiếp tục chặng đường phía trước với nguồn lực mới, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cùng với Trường Đại học Thủ Dầu Một, Viện Văn học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) quyết định tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ”. Hội thảo được tiến hành vào ngày 28 tháng 10 năm 2016 tại Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 bản đăng ký cũng như toàn văn báo cáo của các nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan, trường phổ thông ở khắp 3 miền đất nước. Từ đó Ban biên tập Hội thảo đã lựa chọn ra 123 báo cáo bàn tập trung về chủ đề Hội thảo và có chất lượng khoa học tốt để trình bày ở tiểu ban của Hội thảo:

-          Tiểu thuyết lịch sử và dịch văn học

-          Văn học dân gian Nam Bộ

-          Văn học Hán Nôm Nam Bộ

-          Văn học quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỷ đến 1945

-          Văn học Nam Bộ sau 1945

-          Tiếng Việt ở Nam Bộ

  1. Ở tiểu ban Tiểu thuyết lịch sử và dịch văn học, các báo cáo tập trung vào trình bày những vấn đề lý thuyết của thể tài tiểu thuyết lịch sử, đặc điểm và giá trị của tiểu thuyết lịch sử Nam Bộ như: Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân của Trương Duy Toản, Nam cực tinh huy của Hồ Biểu Chánh, bộ ba tiểu thuyết lịch sử Nam Kỳ của Tân Dân Tử… Về dịch văn học, các báo cáo tập trung vào việc giới thiệu những tình hình tư liệu và nghiên cứu văn học dịch giai đoạn đầu tiên, Trương Minh Ký và Truyện ngụ ngôn của La Fontaine, các tiểu thuyết phóng tác của Hồ Biểu Chánh…
  2. Ở tiểu ban Văn học dân gian Nam Bộ, các báo cáo đi vào nghiên cứu những vấn đề tổng thể của văn học dân gian vùng: miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ; văn học dân gian tộc người: Khmer, Chăm, Hoa; các tiểu thể loại văn học dân gian và một số tác phẩm cụ thể như: ca dao dân ca, truyện cổ tích, truyền thuyết, tân cổ giao duyên, truyện Tấm Cám ở Nam Bộ…
  3. Ở tiểu ban Văn học Hán Nôm Nam Bộ, các báo cáo tập trung nghiên cứu những vấn đề tổng quát của văn học Hán Nôm Nam Bộ như: vấn đề phân kỳ, chia các giai đoạn văn học, các thể tài, các vấn đề của văn học Hán Nôm Nam Bộ như: thơ Nôm Đường luật, thơ trào phúng, truyện thơ Nôm, kịch bản tuồng, cuộc bút chiến Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường, vấn đề chuyển thể tác phẩm Kim Thạch kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa, những vấn đề liên quan đến tác phẩm kỳ lạ: Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn ThớiThông báo về tình hình sưu tập và công bố tư liệu Hán Nôm mới là vấn đề được quan tâm nổi bật ở tiểu ban Hán Nôm qua các báo cáo về tư liệu bi ký, đối liên, văn tế…
  4. Tiểu ban Văn học quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỷ đến 1945 được sự quan tâm nhiều nhất, với số lượng báo cáo được chọn chiếm đến 1/3 tổng số tham luận gửi đến. Các tham luận tập trung vào 3 vấn đề sau đây:

(1) Những vấn đề chung về văn học quốc ngữ Nam Bộ: giá trị và đặc điểm qua quá trình vận động của văn học Quốc ngữ Nam Bộ, nguyên nhân bị lãng quên trong thời gian dài của văn học Nam Bộ…

(2) Giới thiệu các phong trào văn học, các thể tài, các văn nhóm của văn học Quốc ngữ Nam Bộ: Thơ ca Minh tân, truyện ngắn giai đoạn đầu tiên, văn học tôn giáo trên Nam Kỳ địa phận, du ký, văn học thiếu nhi, vấn đề chủ nghĩa hiện thực, và hàng loạt các văn nhóm hình thành xung quanh các tờ báo như: Nông cổ mín đàm, Công luận báo, Phụ nữ tân văn, Tiểu thuyết Nam Kỳ…

(3) Giới thiệu, đánh giá và định vị những tác giả, tác phẩm nổi bật như: Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh, Phan Khôi, Sơn Vương, Trần Huy Liệu, Trúc Hà, Phạm Văn Hạnh, Kiều Thanh Quế…Các tác phẩm: Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử, Người vợ hiền của Nguyễn Thới Xuyên, Hòn máu bỏ rơi của Phan Huấn Chương…

5. Ở tiểu ban Văn học Nam Bộ sau 1945 các vấn đề có vẻ tản mát hơn, tuy nhiên cũng tập trung vào 3 vấn đề sau:

(1) Những vấn đề chung của văn học vùng theo từng giai đoạn: giá trị và đặc điểm văn học Nam Bộ 1930-1945, văn học miền Đông Nam Bộ, văn học miền Tây Nam Bộ, văn học Hà Tiên…

(2) Các tác giả và tác phẩm văn học Kháng chiến chống Pháp: Tam Ích, Ca Văn Thỉnh, Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lưu Quý Kỳ, Tô Nguyệt Đình, Thẩm Thệ , Trang Thế Hy…

(3) Các văn nhóm, các tác giả văn học yêu nước, tiến bộ từ sau 1954: báo Nhân loại, thơ ca dấn thân, nhà văn-dịch giả Diễm Châu…

6. Ở tiểu ban Tiếng Việt ở Nam Bộ các báo cáo tập chung vào 2 chủ đề lớn:

(1) Những vấn đề chung về giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ ở Nam Bộ

(2) Tập trung nhất là bàn về phương ngôn Nam Bộ: các vấn đề về từ vựng, ngữ âm, địa danh, tiếng lóng, thành ngữ, tục ngữ…khảo sát qua những tác phẩm văn học cụ thể.

Có thể thấy chưa bao giờ những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ được quan tâm rộng rãi, trình bày nhiều vấn đề chuyên sâu trên cơ sở tài liệu mới mẻ, có độ tin cậy cao như ở hội thảo này. Chúng tôi nhớ Hội thảo về văn học Nam Bộ tổ chức 10 năm trước ở Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, trong HT ấy chỉ có một số nhà nghiên cứu chuyên sâu ở Viện Văn học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, Viện KHXH vùng Nam Bộ và một vài cá nhân ở TP.HCM và Đồng bằng Sông Cửu long. 15 năm trước cũng có Hội thảo về văn học Nam Bộ cũng được tổ chức ở trường ấy, thì văn học và ngôn ngữ Nam Bộ chỉ là câu chuyện của mấy nhà chuyên môn mà thôi. Có thể coi Hội thảo kỳ này như là “đại hội khoa học” của các nhà nghiên cứu về văn học và ngôn ngữ Nam Bộ trong cả nước.

Trong Hội thảo Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ hôm nay, chúng tôi mong muốn các nhà nghiên cứu trình bày và thảo luận 4 vấn đề sau đây:

  1. Đánh giá các tư liệu mới phát hiện, sưu tầm về văn học Nam Bộ: văn học dân gian, văn học Hán Nôm, văn học quốc ngữ cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX… về độ tin cậy, ý nghĩa và giá trị của chúng
  2. Phân tích phong cách, đánh giá, định vị các tác giả văn học Nam Bộ trong quá trình hiện đại hóa văn học Nam Bộ cũng như cả nước
  3. Tìm ra quy luật phát triển của văn học Nam Bộ; những giá trị, đặc điểm của văn học Nam Bộ, biểu hiện sự đa dạng trong thống nhất chung với các địa phương khác trong cả nước; vai trò, vị trí của văn học Nam Bộ so với nền văn học chung, thống nhất của dân tộc.
  4. Đặc điểm của tiếng Việt ở Nam Bộ: những nét thú vị, độc đáo, những vấn đề đặt ra trong việc nghiên cứu tiếp xúc ngôn ngữ và giảng dạy tiếng Việt ở địa bàn Nam Bộ.

             Khoa học là một cuộc chạy tiếp sức đường dài. Hết thế hệ nọ đến thế hệ kia chạy đua trên con đường khoa học dài vô tận. Hội thảo này đánh dấu một bước tiến dài trên con đường nghiên cứu về ngữ văn Nam Bộ, đồng thời cũng mở ra con đường phát triển thênh thang phía trước. Trong khoa học có đúng sai, nhưng không có tiếng nói cuối cùng. Trong các vấn đề khoa học của hội thảo này, có những vấn đề thảo luận để đi đến thống nhất, nhưng cũng có những vấn đề còn bỏ ngỏ. Khoa học và tri thức là kết nối, chia sẻ và lan tỏa. Hội thảo ở Trường Đại học Thủ Dầu Một lần này kết nối các nhà nghiên cứu khắp mọi miền Tổ Quốc, chia sẻ tư liệu và tri thức, rồi lan tỏa đi khắp nơi. Từ nhận thức sẽ đi đến hành động. Kết qủa của Hội thảo này sẽ tạo ra những giá trị cụ thể trong các công trình nghiên cứu, các giáo trình giảng dạy của các cá nhân, tập thể trên khắp cả nước trong tương lai.

                                                                              TP.HCM, tháng 10 năm 2016

                                                                                                                             Đ.L.G