08052024Wed
Last updateMon, 06 May 2024 1am

10 sự kiện nổi bật năm 2016 của Khoa Văn học và Ngôn ngữ

10 SỰ KIỆN NỔI BẬT NĂM 2016

CỦA KHOA VĂN HỌC VÀ NGÔN NGỮ

(TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM)

 1 Chương trình Văn học của Khoa Văn học và Ngôn ngữ được đánh giá đạt tiêu chuẩn kiểm định Đại học Đông Nam Á (AUN-QA). Sự kiện này đánh dấu thành công sau một chặng đường đổi mới không ngừng của Khoa, vừa giữ được truyền thống tốt đẹp, vừa hội nhập sâu rộng vào cộng đồng đại học thế giới.  
 2 Bộ môn Nghệ thuật học được đổi tên thành Bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu-Điện ảnh, để đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực nghệ thuật có liên quan đến ngôn từ, mở thêm định hướng việc làm mới cho sinh viên ở TP.HCM – thành phố được coi là “kinh đô điện ảnh” của VN. Bộ môn có 2 chuyên gia về điện ảnh là: TS. Đào Lê Na và   ThS. Hồ Khánh Vân, cả hai đều đã từng được đào tạo bài bản với thời gian dài ở Dự án Điện ảnh do Quỹ Ford tài trợ cho Trường ĐH KHXH&NV HN.
 3 GS.TS Huỳnh Như Phương, nguyên Trưởng Bộ môn Lý luận và Phê bình văn học; PGS.TS Võ Văn Nhơn, nguyên Trưởng Bộ môn Văn học VN đã hết tuổi quản lý, nên nhân sự các bộ môn có sự sắp xếp lại: PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu chuyển sang làm Trưởng Bộ môn Lý luận và Phê bình văn học; PGS.TS. Trần Thị Phương Phương chuyển sang làm Trưởng Bộ môn Văn học Nước ngoài và Văn học So sánh; PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh kiêm nhiệm Trưởng Bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu-Điện ảnh; PGS.TS Lê Giang kiêm nhiệm Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam.
 4 Hai Hội thảo khoa học cấp Quốc gia được giới nghiên cứu đánh giá cao: (1) Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ do Khoa kết hợp với Trường Đại học Thủ Dầu Một và Viện Văn học tổ chức ngày 23/10/2016, đây là hội thảo lớn nhất về văn học và ngôn ngữ Nam Bộ từ trước đến nay; (2) Văn học Phật giáo: thành tựu và   những định hướng nghiên cứu mới do Khoa kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo của Trường và Viện Nghiên cứu Phật học tổ chức ngày 30/12/2016 , đây là hội thảo lớn nhất chuyên về văn học Phật giáo ở nước ta.
 5 Nhiều tọa đàm khoa học có ý nghĩa được tổ chức: Tọa đàm khoa học quốc tế Nghiên cứu Hán học ở Việt Nam: lịch sử qua lời kể, BM Hán Nôm kết hợp với Đại học Quốc gia Đài Bắc (Đài Loan) tổ chức (tháng 6/2016); Tọa đàm khoa học về công trình Nguyễn Khuê – Tuyển tập nghiên cứu và sáng tác nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của giáo sư Nguyễn Khuê do BM Hán Nôm tổ chức (11/2016); Hai tọa đàm khoa học do BM Ngôn ngữ tổ chức: về công trình Logich – ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của GS. TS. Nguyễn Đức Dân (6/2016); về công trình Ngôn ngữ học tiếp xúc và tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của GS. TS. Bùi Khánh Thế (12/2016)…
 6 Chương trình văn nghệ Hội ngộ Khoa Văn (10/2016) do Khoa tổ chức sau một thời gian ngừng khá dài, đã tạo thành công bước đầu. Chương trình này cùng với chương trình Khởi đầu mới đón SV năm thứ nhất, sẽ là 2 chương trình lớn của Khoa tổ chức dành cho sinh viên và cựu sinh viên.
 7 Hai giảng viên đã bảo vệ luận án tiến sĩ cấp đơn vị chuyên môn: Nguyễn Đông Triều và Lê Ngọc Phương. Có thêm 2 TS mới, số lượng TS của Khoa sẽ lên đến 24 người, một con số rất ấn tượng đối với một khoa của đại học. GV đi và về: ThS. Phan Nguyễn Kiến Nam đi học cao học (thứ hai) ở Đài Loan. TS. Đinh Lư Giang trở lại Khoa làm việc sau 4 năm giảng dạy ở Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo (Nhật Bản).
 8

Nhiều sách của tập thể và cá nhân giảng viên trong Khoa được xuất bản: Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ (Kỷ yếu HTKH, Đoàn Lê Giang, Huỳnh Như Phương, Võ Văn Nhơn, Hoàng Trọng Quyền (tuyển chọn), NXB. Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2016); Văn học Phật giáo: thành tựu và những định hướng nghiên cứu mới (Kỷ yếu HTKH, Nguyễn Công Lý, Đoàn Lê Giang (chủ biên), NXB.KHXH, 2016); Văn học dân gian An Giang (Nguyễn Ngọc Quang (chủ biên), Phan Xuân Viện, Nguyễn Hữu Ái, La Mai Thi Gia, Lê Thanh Vy, NXB. Văn hóa dân tộc, 2016); Hãy cầm lấy và đọc (Huỳnh Như Phương, NXB Tổng hợp TP HCM, 2016); Nguyễn Khuê – Tuyển tập nghiên cứu và sáng tác (do Khoa VH&NN, cựu SV Hán Nôm tổ chức bản thảo và xuất bản, NXB. Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2016); Logich – ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt (Nguyễn Đức Dân, NXB. Trẻ, 2016); Ngôn ngữ học tiếp xúc và tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam (Bùi Khánh Thế, NXB. ĐHQG TP.HCM, 2016, BM Ngôn ngữ tổ chức bản thảo); Văn chương phương Nam – một vài bổ khuyết (Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thị Phương Thúy biên soạn, NXB. Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2016); Tìm trong di sản văn hóa phương Nam (Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng biên soạn, NXB. Văn hóa Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, 2016); Một thế kỷ văn học yêu nước và cách mạng TP.Hồ Chí Minh 1900-2000 (Đoàn Lê Giang chủ biên phần Văn học 1900-1945, 3 tập, NXB. Văn hóa Văn nghệ, 2016); Bình luận văn học, niên san 2016 (Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM); …

 9 Quỹ học bổng Hỗ trợ sinh viên ngữ văn đã trao học bổng cho gần 40 sinh viên vượt khó với số tiền hơn 100 triệu trên tổng số hơn 150 triệu đồng do cựu sinh viên và các nhà hảo tâm đóng góp. Số còn lại được bổ sung vào Quỹ để dành cho sinh viên những năm sau.
 10 Nhiều tin vui từ các thầy cô giáo trẻ và chuyên viên trong Khoa: cô Ngô Trà Mi “lên xe hoa”, cô Nguyễn Thị Tâm sinh em bé; các thầy cô: Đinh Lư Giang, La Mai Thi Gia, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Nguyễn Thị Phương Thúy, Lê Văn Dũng dọn về nhà mới.