29042024Mon
Last updateTue, 23 Apr 2024 10am

Vấn đề về nguồn gốc của văn học đi từ quan niệm của Aristote và Lưu Hiệp đến quan niệm của lý luận văn học Mác xít

Lí luận văn học là một bộ môn nghiên cứu về văn học, tìm hiểu những quy luật thuộc về bản chất của văn học. Do đó, có thể xem lí luận văn học như là sự nhận thức về chính bản thân văn học. Trong quá trình nhận thức ấy, câu hỏi đầu tiên mà bộ môn lí luận đặt ra luôn là:" Nguồn gốc của văn học là gì?". Bởi vì muốn tìm đến bản chất và những quy luật nội tại của văn học thì trước hết phải nắm rõ nguồn gốc phát sinh của nó. Cội nguồn ra đời của văn học cũng chính là yếu tố quyết định các tính chất đặc trưng cơ bản trong bản thân văn học.

1. Quan niệm về nguồn gốc thơ ca củA Aristote:

Từ thuở xa xưa, thơ ca đã ra đời và tồn tại trong cuộc sống của con người. Nghệ thuật ngôn từ và những âm điệu của nó luôn gắn liền với mọi hoạt động vật chất lẫn tinh thần của nhân loại. Aristote đã đưa ra hai nguyên nhân để lí giải về nguồn gốc ra đời của thơ ca :

§               Nguyên nhân thứ nhất : đó chính là "sự mô phỏng vốn sẵn có ở con người từ thuở nhỏ và con người khác giống vật chính là ở chỗ họ có tài mô phỏng, nhờ có sự mô phỏng đó mà họ thu nhận được những kiến thức đầu tiên."

§               Nguyên nhân thứ hai :"những sản phẩm của sự mô phỏng mang lại thích thú cho con người".  (Trang 26,9)

Như vậy, theo Aristote, thơ ca ra đời từ hai nguyên nhân chính. Đây không phải là hai nguyên nhân tồn tại một cách tách biệt và rời rạc, hoàn toàn độc lập với nhau mà chúng cùng tạo nên một cội nguồn để sinh ra thơ ca. Chỉ có một nguyên nhân trong số hai nguyên nhân trên thì thơ ca không thể ra đời được.

Tư chất "mô phỏng" như là một thuộc tính bản chất của con người đã dần dần thúc đẩy con người đi đến hoạt động sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật.  Sự "mô phỏng" ở đây chính là hoạt động nhận thức. Và "con người khác giống vật chính là ở chỗ họ có tài mô phỏng, nhờ có sự mô phỏng đó mà họ thu được những kiến thức đầu tiên" (Trang 26,9)

. Con người là một động vật cấp cao so với các động vật khác nhờ ở sự phát triển của trí não. Con người có khả năng tư duy và nhận thức về thế giới xung quanh. Những sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan tác động đến các giác quan của con người và từ đấy những xung động được truyền lên não bộ, cuối cùng tạo ra ý thức của con người, tức là tạo ra nhận thức về các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Nhưng khái niệm "mô phỏng" của Aristote không chỉ dừng lại ở cấp độ nhận thức mà nó còn bao hàm cả hoạt động tái hiện lại hiện thực khách quan đã được phản ánh trong nhận thức của con người. "Thiên tính mô phỏng vốn có trong chúng ta, giai điệu và tiết tấu cũng vậy" (Trang 27,9). Từ hoạt động nhận thức thế giới khách quan, con người "thu nhận những kiến thức" sau đó kết hợp với ngôn từ, giai điệu và tiết tấu mà sinh ra thơ ca.

Đồng thời, "những sản phẩm của sự mô phỏng" khiến con người cảm thấy " thích thú" và hưng phấn khi thưởng thức chúng. Bởi vì sản phẩm của sự mô phỏng là sự truyền đạt kiến thức từ người này sang người khác mà con người luôn có thiên hướng tìm hiểu sự vật hiện tượng trong thế giới xung quanh. Aristote đã đưa ra nguyên nhân để lí giải về sự thích thú của con người khi tiếp nhận các sản phẩm của sự mô phỏng: " Sự hiểu biết không chỉ là một điều hết sức thích thú đối với các nhà triết học mà còn là điều thích thú đối với mọi người khác nữa, duy chỉ khác nhau ở chỗ : mọi người khác thu nhận những kiến thức đó không bền". (Trang 26,9)  Như vậy, nhận thức là một hoạt động đặc trưng và phổ biến ở mọi con người, vấn đề không phải là ở chỗ con người có nhận thức hay không mà là ở mức độ của hoạt động nhận thức, hoạt động mô phỏng trong từng con người nông hay sâu, lâu bền hay ngắn ngủi. Con người luôn có nhu cầu thưởng thức những sản phẩm của sự mô phỏng bởi vì sự hiểu biết mang lại niềm thích thú khi tiếp cận với kiến thức. Ong đưa ra dẫn chứng trong thực tế rằng "nhiều cái vốn khó coi, nhưng hình tượng của nó lại được ta ngắm nghía một cách thích thú, thí dụ như hình tượng của những con vật ghê tởm và hình tượng của những xác chết" (Trang 26, 9). Tuy nhiên, đó không đơn thuần chỉ là trí tò mò của con người mà đấy thực sự là nhu cầu được "hiểu biết" và "sự hiểu biết" còn mang lại cảm xúc cho con người là "niềm thích thú". Từ đấy, Aristote phân biệt ra hai cấp độ của sự mô phỏng đồng thời cũng dẫn đến hai cấp độ nhận thức khác nhau :

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người sáng tác                                              Người tiếp nhận

 

 

Mô phỏng                                                                   Nhận thức

                                                               (từ sản phẩm của mô phỏng)

           
   
 

Phương

thức

phỏng

 
     

Đối

tượng

nhận

thức

 
 
 

 


Tái hiện hiện thực Nhận thức về bản chất

  mà con người sự vật, hiện tượng

đã nhìn thấy  

 

Hư cấu, tưởng tượng Nhận thức về kỹ xảo

hoặc tái hiện hiện thực  ( nghệ thuật xây dựng

mà con người   hình tượng)

chưa nhìn thấy

 

Theo Aristote, người sáng tác nên tác phẩm thơ ca có thể xây dựng hình tượng nghệ thuật theo hai phương thức :

§                  Thứ nhất : đó là tái hiện lại sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan mà con người đã nhìn thấy và nhận thức và từ đấy, người tiếp nhận sẽ nhận dạng và nhận chất sự vật, hiện tượng ấy, " họ có thể tìm hiểu và suy luận rằng đây chính là [ một cái gì đó] đơn nhất, chẳng hạn đây là một người nào đó và như vậy, người tiếp nhận sẽ nhận thức về bản chất của sự vật, hiện tượng được mô phỏng trong tác phẩm.

§                  Thứ hai : bằng trí tưởng tượng, người sáng tác hư cấu nên một hình tượng nghệ thuật hoàn toàn mới lạ hoặc tái tạo lại một hiện thực mà người tiếp nhận chưa từng nhìn thấy. Từ đấy, khi tiếp xúc với tác phẩm thì người tiếp nhận sẽ thưởng thức về mặt nghệ thuật xây dựng hình tượng.

Theo chúng tôi nghĩ, Aristote đã phân loại hai phương thức xây dựng hình tượng nghệ thuật một cách chuẩn xác và rõ ràng. Tuy nhiên, về phần nhận thức của người tiếp nhận thì dường như ông có cái nhìn hơi đơn giản và mang tính chất thiên lệch, một chiều. Ở phương thức thứ nhất, người tiếp nhận sẽ "tìm hiểu và suy luận rằng" đối tượng của sự mô phỏng "là một cái gì" hoàn toàn cụ thể và đơn nhất, còn ở phương thức thứ hai thì cái mà họ nhận thức không phải là "bản thân sự mô phỏng mà là ở chỗ kỹ xảo, hoặc do màu sắc hoặc do một nguyên nhân cùng loại". Thực ra, trong bản thân người tiếp nhận luôn diễn ra cả hai hoạt động nhận thức trên một cách đồng thời. Người đọc nhận thức về đối tượng của sự mô phỏng và nghệ thuật mô phỏng. Hai hoạt động nhận thức ấy xảy ra cùng một thời điểm, hoà trộn vào nhau, cái này tương hỗ cho cái kia để người đọc tiếp cận đến một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn chứ không chỉ đơn giản là người đọc chỉ tiếp cận đến một mặt của tác phẩm văn học.

Từ sự phân tích trên, chúng tôi đi đến kết luận rằng: theo Aristote, nguồn gốc của thơ ca phát sinh từ chính bản chất nội tại của con người: đó là thiên tính mô phỏng và nhu cầu thưởng thức sản phẩm của sự mô phỏng để mở rộng tầm hiểu biết của con người. Hai nguyên nhân đó tạo nên một quá trình đi từ sáng tác thơ ca đến tiếp nhận thơ ca. Hoạt động sáng tác sinh ra thơ ca và hoạt động tiếp nhận nuôi dưỡng nó, khiến cho nó có lí do và có môi trường để tồn tại, để truyền đi và lan rộng từ không gian này sang không gian khác, từ thời đại trước đến thời đại sau. Trong hai nguyên nhân ấy thiết nghĩ không có cái nào quan trọng hơn cái nào, cái nào đóng vai trò cốt yếu hơn cái nào bởi vì chúng cùng nhau kết hợp lại để tạo nên đời sống cho thơ ca và chúng cùng thuộc về bản chất tự nhiên của con người, đều là thuộc tính và nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người.

2. Quan niệm về nguồn gốc thơ ca của Lưu Hiệp:

Văn tâm điêu long được mở đầu bằng thiên " Nguyên đạo" mà dịch giả Phan Ngọc đã chuyển sang nghĩa tương ứng với hệ thống lí luận văn học hiện đại là " Văn bắt nguồn từ tồn tại khách quan". Ngay từ tựa đề đã cho chúng ta thấy một cách rất rõ ràng quan điểm về nguồn gốc văn chương của Lưu Hiệp. 

"Văn ra đời cùng một lần với trời đất". Chữ "văn" trong văn học bắt nguồn từ chữ "văn" này nhưng ở trong câu nói trên, ý Lưu Hiệp không muốn nói đến văn học mà muốn nói đến vẻ đẹp của sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. "Từ khi trời (cái sắc thắm xanh) đất (cái sắc vàng) từ chỗ còn hỗn độn đã tách ra làm hai cái thể vuông (đất) và cái thể tròn (trời), thì [đã xuất hiện] hai viên ngọc [là] mặt trăng, mặt trời, nhằm nêu lên cái vẻ xán lạn của trời, [cùng] cái cảnh gấm vóc của núi sông để phơi bày cái cảnh tượng uy nghi của đất.(Trang 125, 9)( …) Bất kỳ vật gì, trong động vật [cũng như ]trong thực vật cũng đều có văn cả. Con rồng, con phượng lấy [vảy, lông, màu sắc] thêm, [trông như] vẽ mà báo trước điềm lành. Con hổ, con beo nhờ có [bộ da] vằn vện mà có vẻ uy nghi. Màu sắc tươi đẹp của mây, của ráng còn vượt quá cái tài, cái khéo léo của người hoạ sĩ. Hoa lá của cỏ cây không chờ đến tài của người dệt gấm [mới đẹp]”.(Trang 126,1 ). Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan đều có văn của nó, đều thể hiện cái vẻ đẹp riêng bằng những hình thể cụ thể, sắc nét và lộ rõ. Cái văn "uy nghi, xán lạn, rực rỡ, tươi đẹp" ấy của vạn vật tồn tại một cách tự nhiên, khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người, không do con người tạo nên. Vậy còn văn của con người biểu hiện như thế nào và biểu hiện ở đâu, bằng cách gì?

Lưu Hiệp rất đề cao giá trị của con người. Con người là "nơi chung đúc cái linh thiêng của thiên tính (tính linh). Chỉ có con người là "tham dự được vào [sự biến hoá] của trời đất". Người cùng trời, đất hợp thành ba yếu tố "tam tài", người là "tinh hoa" của "ngũ hành" : "kim, mộc, thủy, hoả, thổ". Như vậy, con người vừa là nơi hội tụ những gì tinh hoa, tinh túy, cao đẹp và linh thiêng nhất của trời đất vạn vật, lại là trung tâm của vụ trụ, hấp thụ các yếu tố đã được tinh luyện của vũ trụ. Và cái điểm cao nhất, sáng đẹp nhất của con người là cái "tâm", cái đời sống tinh thần bên trong.

" …Gió thổi qua rừng, âm hưởng vang lên, điệu như tiếng đàn, tiếng sáo. Suối chảy trên đá, nghe có nhạc điệu, như tiếng chuông tiếng khánh hoà nhau. Đủ biết cái hình xuất hiện thì cái đẹp (chương) nảy sinh; thanh âm đã phát ra thì cái nhạc ( văn) lộ rõ.Oi! Những vật vô tri vô giác kia mà còn đẹp rực rỡ như thế, [ con người là] cái vật có tinh thần ( tâm) lẽ nào chẳng có văn hay sao?"

                                                                             ( trang 126,9)

"Tâm" ở đây là đời sống tinh thần bên trong của con người, là nơi nảy sinh và hội tụ của cảm xúc và suy nghĩ, tư tưởng. Cái tâm của con người tiếp xúc với sự vật, hiện tượng cũng như khi "gió thổi qua rừng, suối chảy trên đá", ắt hẳn phải phát sinh ra cái đẹp của hình, cái thanh của nhạc. "Con người có hoạt động tinh thần (tâm) thì lời nói xuất hiện; lời nói xuất hiện thì cái văn sáng lên". Như vậy, văn của con người là ngôn từ. Ngôn từ chứa đựng và thể hiện cái đẹp của con người và vạn vật khi đi qua cái tâm của con người. Nếu ta lí giải ý của Lưu Hiệp theo các thuật ngữ của lí luận văn học hiện đại thì chúng ta thấy khi sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan tác động vào con người thì bằng ngôn từ, con người phản ánh thế giới khách quan ấy. "Không ai là không lấy cái tinh thần (tâm) của tự nhiên (đạo) để trình bày thành văn chương. (…) Cái tự  nhiên (đạo) nhờ các thánh nhân mà thành văn chương." (Trang 129, 9). Văn chương bắt nguồn từ chính thế giới khách quan, phản ánh thế giới khách quan bằng ngôn từ và sự phản ánh ấy là kết quả của quá trình thế giới khách quan và con người tiếp xúc với nhau.

Chữ "văn" được Lưu Hiệp sử dụng ở hai cấp độ: vẻ đẹp và văn chương. Nếu để chỉ về vạn vật thì đó là vẻ đẹp phát ra từ hình hài cảnh tượng. Còn để chỉ con người thì đó là vẻ đẹp của con người được thể hiện bằng ngôn từ và đó cũng chính là thơ ca, là văn chương.

Cũng chính từ hai cấp độ của chữ "văn" đó mà ta có thể hiểu thiên "nguyên đạo" cũng theo hai lớp nghĩa :

§               Thứ nhất : "Văn" , tức là vẻ đẹp, là thuộc tính của mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới này. Từ trời đất, cỏ cây, muôn thú  đến con người, vạn vật đều có vẻ đẹp riêng tồn tại một cách tự nhiên. Vẻ đẹp ấy được sinh ra cùng lúc với vạn vật. Riêng đối với con người thì "văn" là ngôn, cái đẹp của con người nằm ở lời nói, được thể hiện bằng lời nói.

§               Thứ hai : "văn", tức là văn chương, được bắt nguồn từ thế giới khách quan, phản ánh cái "văn" (cái vẻ đẹp) của vạn vật trong thế giới khách quan. " Cái văn của ngôn ( lời nói) [được xem trọng như vậy phải chăng vì nó là tinh hoa (tâm) của trời đất" (Trang 127,9)

Từ hai lớp nghĩa trên, ta có thể đúc rút ra tư tưởng của Lưu Hiệp là văn chương là vẻ đẹp của con người dùng để thể hiện vẻ đẹp của thế giới khách quan bằng ngôn từ. Văn của con người cũng là một hiện tượng tồn tại một cách tự nhiên trong thế giới khách quan ( "Nguồn gốc của cái văn ở con người là bắt đầu từ khi vũ trụ ra đời ( thái cực)") (Trang 126,9) và đồng thời, nó được sinh ra, được thể hiện ra bằng ngôn từ khi thế giới khách quan tác động vào đời sống tinh thần của con người. Phải chăng mối quan hệ của "văn" và "đạo" là mối quan hệ phức tạp hai tầng lớp như vậy chăng? Theo chúng tôi nghĩ, hai tầng lớp ý nghĩa này không tách rời nhau mà thẩm thấu và chuyển hoá cho nhau thành một thể thống nhất chứ không đồng nhất, nó thể hiện tính độc lập tương đối của "văn" đối với "đạo" và cũng cho chúng ta thấy cả sự phụ thuộc, ràng buộc của "văn" và "đạo". Quan niệm của Lưu Hiệp có những điểm gặp gỡ với quan niệm của một thi sĩ nổi tiếng Nhật Bản Tsurayuki ( 883 - 946). Trong bài tựa của quyển Cổ kim tập, Tsurayuki đã viết : "Từ trái tim con người như hạt giống, thơ ca Nhật Bản mọc lên và nảy nở thành vô số lá cây của ngôn từ. Bởi con người hào hứng với bao điều mắt thấy tai nghe, họ tìm  cách thể hiện những cảm nghĩ của mình qua thơ ca. khi nghe dạ oanh ca hát trong hoa và ếch nhái trong nước kêu vang, ai lại không thấy là mọi sinh vật đều phát tiết thơ ca? (…) Thơ ca bắt đầu khi trời đất tựu thành".(Trang 49, 20). Đối  với Tsurayuki, thơ ca của con người cũng như thanh âm và dáng hình đẹp đẽ diệu kỳ của vạn vật, thơ ca là vẻ đẹp của con người phát tiết ra ngoài. Và cũng như lá của cây, thơ ca nảy sinh từ hạt giống là trái tim, nhờ ngôn từ để chuyển tải cảm xúc của con người trước những điều "mắt thấy tai nghe". Điểm khác nhau cơ bản là thi sĩ Nhật Bản ít chú tâm vào vai trò quan trọng của những điều "mắt thấy tai nghe" mà nhấn mạnh vào tình cảm con người. Còn Lưu Hiệp lại có cái nhìn biện chứng về quá trình phát sinh thơ ca : cái nhìn về quá trình tương tác giữa hiện thực khách quan và tình cảm con người.

" Người ta có sẵn bảy tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục), bị sự vật xúc động thì sinh cảm xúc. Cảm xúc [trước sự vật] thì nói lên cái chí. Cái đó là tự nhiên. " (Trang 149,9).

" Nói chung, các ý vươn cao lên, nhìn thấy sự vật nảy sinh ra tình cảm, tình cảm do sự vật làm cảm hứng, cho nên nghĩa của nó rõ ràng và trang nhã. Sự vật được biểu hiện qua tình cảm nên lời tươi đẹp." (Trang 158,9).

Thơ ca được tạo ra không phải theo sự tác động một chiều từ hiện thực khách quan lên con người, từ "đạo" đến "tâm" mà còn có chiều ngược lại là con người phản ánh hiện thực khách quan, "tâm" cảm nhận về đạo. Ngôn từ của "văn" không chỉ mang bản chất của thế giới khách quan mà nó còn xuất phát từ nội tại bản thân con người. Tuy nhiên, theo Lưu Hiệp, tuy ông có nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của tình cảm con người nhưng vẫn khẳng định sự vật là nguồn gốc, là yếu tố quyết định để thơ ca nảy sinh bởi lẽ sự vật tác động lên con người, đánh thức và khơi dậy cảm xúc. Thất tình chứa đựng sẵn trong bản thân con người nhưng chỉ ở trạng thái ẩn và tĩnh, "bị sự vật xúc động thì sinh cảm xúc", "nhìn thấy sự vật nảy sinh ra tình cảm, tình cảm do sự vật làm cảm hứng". Sự là yếu tố chủ động tác động để khơi gợi tình, từ đấy tình được thể hiện bằng lời (ngôn từ) và thơ ca thành hình. "Tình cảm vì sự vật mà thay đổi; lời vì tình cảm mà phát ra". Tình cảm của con người thay đổi cùng cảnh sắc của đất trời. Con người là "nơi tinh khí anh hoa chung đúc lại, nơi thanh sắc của sự vật chiếu đến, lẽ nào lại không chịu ảnh hưởng gì? Vì vậy cho nên đầu năm, [khi] mùa xuân đến, tình cảm người ta thoải mái, thông suốt. [Sang] mùa hạ gay gắt, nồng nực. [Mùa thu ] hiu hắt ngưng đọng lại, trời cao, không khí trong, [khiến cho] cái chí dồn chứa xa. [Mùa đông], tuyết bay vô hạn, thì cái suy nghĩ [cũng] nghiêm túc và sâu" (Trang 159,9) .

Chung Vinh trong " Thi phẩm" cũng đã thể hiện quan điểm về nguồn gốc của văn học giống như Lưu Hiệp. Ong nói rằng :" Khí tác động đến sự vật, sự vật làm cảm động con người, cho nên lay động tính tình, biểu hiện ra ở việc nhảy múa ngâm vịnh". Theo Chung Vinh thì "khí là lực lượng siêu nhiên, vô hình nhưng có trong tất cả mọi vật, tác động đến từng sự vật trong tự nhiên". Phạm trù này gần giống với khái niệm Brahma của triết học An Độ. Đó là khái niệm chỉ về năng lực sự sống của toàn vũ trụ, tuy vô hình nhưng được triển khai trong vạn vật. Cả hai nhà lí luận kiệt xuất của thời Nam Bắc Triều này đều khẳng định thơ ca bắt nguồn từ sự vật, tức là từ hiện thực khác quan và do sự vật tác động lên tình cảm của con người.

Theo quan niệm của Chung Vinh thì quá trình làm nảy sinh thơ ca gồm có 5 bước :   

 Khí            Sự vật         Con người            Tính tình             Nhảy múa ngâm vịnh

 

 

Còn theo quan điểm của Lưu Hiệp thì quá trình ấy diễn biến qua các bước sau:

                Ngôn từ

Đạo ……… Sự vật           Con người              Tình cảm                  Văn

 

Trong khi Chung Vinh đi từ "Khí", đi từ năng lực tự nhiên siêu nhiên của vũ trụ và năng lực đó tác động vào sự vật, tạo sức sống cho sự vật thì Lưu Hiệp lại cho rằng nguồn gốc của thơ ca bắt nguồn ngay từ đạo, từ hiện thực khách quan và sự vật là cái biểu hiện của đạo một cách cụ thể hữu hình. Trong quyển " Thơ văn cổ Trung Hoa - Mảnh đất quen mà lạ", Nguyễn Khắc Phi cho rằng cách dịch của Phan Ngọc về chữ "đạo" là không chính xác mà mang tính chủ quan. Nguyễn Khắc Phi cho rằng khái niệm "đạo" này xuất phát từ tư tưởng của Lão Tử, là một hiện thực khách quan mang tính vô hình, không xác định, không cảm nhận bằng các giác quan được và cho rằng tư tưởng của Lưu Hiệp về nguồn gốc của văn chương không mang tính duy vật khách quan hoàn toàn như theo cách dịch và cách hiểu của Phan Ngọc mà vẫn còn mang tính chất duy tâm huyền bí. Theo chúng tôi nghĩ, có thể quan niệm của Lưu Hiệp ảnh hưởng quan niệm của Lão Tử cũng có thể không mà chính những lí giải của Lưu Hiệp mới là cơ sở, là căn cứ vững vàng và chắc chắn để hiểu một cách chính xác về khái niệm "đạo” của Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long. Lưu Hiệp đã xác định: "Nói chung, từ cái hữu hình mà trở lên là cái đạo, từ cái hữu hình trở xuống gọi là khí", như vậy, đạo là cái khởi điểm của vật thể hữu hình và cao hơn, đạo bao gồm toàn thể các vật thể hữu hình. Đạo là thế giới khách quan nói chung mà sự vật, hiện tượng là những biểu hiện của đạo một cách cụ thể. Từ đó có thể thấy, khái niệm đạo của Lưu Hiệp không còn là cái mông lung, mờ tối, huyền bí và vô hình như  Nguyễn Khắc Phi đã đề cập đến. Hơn nữa, chính trong cách lí giải của Lưu Hiệp về nguồn gốc của thơ ca mà chúng tôi đã phân tích rõ ở trên, đạo tác động vào các giác quan của con người để khuấy động và làm dấy lên tình cảm. Điều đó nghĩa là các giác quan của con người có thể chạm vào và tiếp xúc với đạo. Mọi khái niệm chỉ mang tính quy ước tương đối, vấn đề là ở chỗ người sử dụng khái niệm ấy đã lí giải và vận dụng khái niệm ấy như thế nào. Và từ cách lí giải của Lưu Hiệp, ta có thể khẳng định đối với ông, đạo chính là thế giơí hiện thực khách quan đang tồn tại xung quanh con người và tác động lên con người trong quá trình vận hành của nó.

Cả hai nhà lí luận đều nhấn mạnh vào tình cảm, vào nội tâm bên trong của con người và đây cũng là lối tư duy đặc trưng của phương Đông. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai nhà lí luận là trong khi Chung Vinh chỉ dừng lại ở điểm cuối cùng của quá trình ấy là khái niệm "văn thơ" mà ông gọi là "nhảy múa ngâm vịnh" thì Lưu Hiệp đi sâu hơn một bước khi ông khẳng định văn chương là vẻ đẹp của con người để thể hiện vẻ đẹp của vạn vật và văn được biểu hiện bằng ngôn từ hay nói cách khác, ngôn từ là chất liệu của văn thơ. Tuy rằng Lưu Hiệp chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa các loại hình nghệ thuật nhưng nhận định này đóng một vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu bản chất đặc trưng của thơ ca trong sự phân biệt với các loại hình nghệ thuật khác.

3. Nguồn gốc của văn học: từ Aristote, Lưu Hiệp đến quan niệm của các nhà lý luận Mác xít

Khi đi vào lí giải nguồn gốc của thơ ca, cả Aristote và Lưu Hiệp đều có cái nhìn duy vật khách quan. Theo Aristote, thơ ca là sự mô phỏng thế giới khách quan, là sự bắt chước của con người đối với sự vật, hiện tượng trong thế giới hiện thực. Như vậy, đối tượng của văn học là thế giới khách quan được tái hiện qua hành động mô phỏng của con người. Lưu Hiệp cũng khẳng định văn học bắt nguồn từ thế giới khách quan tồn tại độc lập với ý chí chủ quan của con người (nguyên đạo).

Điểm khác biệt đầu tiên giữa Aristote và Lưu Hiệp là trong khi Aristote đi tìm nguồn gốc thơ ca từ điểm nhìn là nội tại bản thân con người (chủ thể sáng tạo và tiếp nhận thơ ca) thì Lưu Hiệp lại xuất phát từ góc độ khác, đó là quá trình phát sinh của thơ ca. Aristote cho rằng thơ ca phát sinh là từ những thuộc tính thuộc về bản thân con người, tồn tại ngay trong nội tại bản chất con người: thiên tính mô phỏng và nhu cầu nhận thức. Như vậy, thơ ca ra đời như một điều tự nhiên bởi vì mô phỏng là một hoạt động ở trong thuộc tính tự nhiên của con người và sản phẩm của sự mô phỏng đáp ứng nhu cầu thường trực của con người là nhu cầu nhận thức, nhu cầu hiểu biết và nó tạo ra niềm "thích thú" khi được hiểu biết. Đi ra từ nội tại bản thân của con người nhưng quan niệm của Aristote không rơi vào chủ nghĩa duy tâm mà vẫn mang tính duy vật bởi vì quan điểm này nhìn thấy tính chất mô phỏng của văn học, đó là sự tái hiện lại thế giới hiện thực khách quan mà con người đã nhận thức được và tích luỹ trong kiến thức của mình. Lưu Hiệp lại nhìn nhận nguồn gốc của thơ ca theo một quá trình từ điểm khởi nguồn là hiện thực khách quan tác động lên con người, khơi dậy cảm xúc và con người dùng ngôn từ để thể hiện cảm xúc của mình đối với sự vật, hiện tượng đó. Trong cả hai quan niệm đều hội đủ hai yếu tố là thế giới khách quan và con người. Nhưng Aristote đi sâu vào yếu tố con người trong mối quan hệ tương tác giữa hai yếu tố hơn còn Lưu Hiệp lại nhìn thấy quá trình tương tác của hai yếu tố ấy.

Điểm khác biệt thứ hai là ở chỗ khi phân tích yếu tố con người thì Aristote đặc biệt nhấn mạnh vào sự nhận thức của con người. Hoạt động hiểu biết thế giới khách quan và tái hiện lại thế giới ấy là tâm điểm cuả việc sáng tác ra thơ ca và nhu cầu nhận thức, niềm hứng thú trong nhận thức là tâm điểm của hoạt động tiếp nhận thơ ca. Cái tam giác sáng tác - tác phẩm - tiếp nhận được xây dựng trên thuộc tính nhận thức của con người. Trong khi đó, Lưu Hiệp và các nhà lí luận văn học phương Đông lại đặc biệt đề cao cái tình, nhấn mạnh vào cảm xúc của con người trước sự vật, hiện tượng. Văn học Nhật Bản ngay từ những ngày khởi thủy đã đúc kết quan niệm về nguồn gốc của thơ ca trong một câu nói đầy chất thơ : "Thơ ca mọc lên từ trái tim người".  Sự khác nhau trong tư duy của phương Đông và phương Tây này đã tạo nên sự khác nhau về thể loại văn học. Trong khi ngay từ thời cổ đại, kịch và sử thi đã phát triển thành hai thể loại đặc trưng của Hy Lạp thì thơ ca lại là thể loại giữ vai trò thống lĩnh ở Trung Quốc nói riêng và các nước phương Đông nói chung. Và rõ ràng kịch và sử thi mang tính chất tự sự thể hiện nhận thức của con người đối với thế giới khách quan còn thơ thì lại mang tính trữ tình, bộc lộ và thể hiện tình cảm, cảm xúc của con người đối với thế giới khách quan.

Sách Lí luận văn học do Phương Lựu chủ biên có nhận định rằng: "Démocrite cho rằng con người bắt chước tiếng chim hót mà làm ra tiếng hát, bắt chước ong xây tổ mà làm nhà. Aristote bổ sung thêm rằng bắt chước đem lại nhận thức và niềm vui. Lí thuyết này mặc dầu có chỉ ra nguồn gốc khách quan của nghệ thuật, song đã đơn giản hóa đi rất nhiều, xem nhẹ tính tích cực sáng tạo của nghệ thuật"(Trang 42,10). Thực ra, theo chúng tôi, khái niệm " mô phỏng" của Aristote không phải là một khái niệm bó hẹp hoạt động sáng tác văn chương trong hoạt động bắt chước một cách đơn thuần mà khái niệm này chỉ ra thuộc tính của văn chương là thuộc tính phản ánh thế giới hiện thực. Do đó, chúng ta chỉ có thể xem quan niệm của Aristote là quan niệm còn mang tính đơn giản chứ không phải là quan niệm " xem nhẹ tính tích cực sáng tạo của nghệ thuật".

Quan niệm về nguồn gốc văn học của lí luận văn học Mác xít cho rằng trải qua quá trình lao động, con người bằng bàn tay của mình đã làm cải biến thế giới khách quan và cải biến chính bản thân mình nhưng đó không phải là bàn tay đơn thuần của thể xác và sức lực mà là bàn tay gắn liền với trí óc. Qua lao động, các giác quan của con người tiếp xúc vơí thế giới từ đó nhận thức của con người về các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan được nâng cao lên dần dần. Từ đó, con người "sáng tạo ra một "tự nhiên thứ hai"(…) dần dần con người có được năng lực "nhân đôi" thế giới trong tinh thần : biết nhìn ra ý nghĩa của thế giới tự nhiên, biết hình dung trước bằng tinh thần cái kết quả đã đạt được, biết "vật thể hoá" nguyện vọng, ý chí, nhu cầu con người vào thế giới tự nhiên. Năng lực đó làm phát triển óc tưởng tượng của con người, tạo ra khả năng sáng tạo những hình tượng nghệ thuật nguyên thủy". Ban đầu, năng lực thẩm mi của con người gắn liền với mục đích lao động dựa trên cơ sở cái thực dụng có ích để phục vụ cho lao động. "Các giá trị thẩm mi lúc đầu còn hoà trộn, đồng nhất với giá trị thực dụng, với cái có ích"(Trang 47,10). Về sau, do nhu cầu "thống nhất các thành viên trong xã hội vào một thể thống nhất, nhu cầu gìn giữ cho mình và cho hậu thế hoạt động sống xã hội của con người vừa mới nảy sinh, nhu cầu tự điều chỉnh đời sống xã hội"(Trang 49,10) mà năng lực thẩm mĩ phát triển thành năng lực sáng tạo nghệ thuật, tư duy thực dụng biến thành tư duy nghệ thuật và do đó mà các giá trị thẩm mĩ tách ra khỏi giá trị thực dụng để trở thành nghệ thuật thuần túy. Chính vì vậy mà "quy luật đồng hoá và quy luật truyền cảm là yêu cầu cơ bản nhất của  nghệ thuật nói chung, lại thể hiện nổi bật trong nghệ thuật nguyên thủy" (Trang 49,10).

Như vậy, nguồn gốc của văn học theo quan điểm của lí luận văn học Mác xít có thể được tóm tắt theo sơ đồ như sau:

 

Lao động 

       
 
   

 Tác động và phát triển

 các giác quan

 
 
 


 

 

Cải biến thế giới khách quan

 và con người

 

 

Nhận thức về thế giới khách quan

 

                    Nhu cầu công xã

Năng lực

sáng tạo

 
                               thị tộc

            Năng lực 

Giá trị thẩm mĩ

trở thành nghệ thuật thuần túy

 
            thẩm mĩ               

           
   
 
 
     
 
 

 

 


          Tư duy Tư duy

        thực dụng            Nhu cầu công xã      nghệ thuật

                              thị tộc

 

Từ đó chúng ta thấy rằng không phải mọi giá trị thẩm mĩ đều là các sáng tác nghệ thuật và "mặt khác, nội dung nghệ thuật cũng không phải chỉ có một mình cái thẩm mĩ" (Trang 48,9). Khái niệm "giá trị thẩm mĩ" ngoại diên rộng hơn khái niệm "sáng tác nghệ thuật" và khái niệm " sáng tác nghệ thuật" lại có nội hàm sâu hơn. Sự ra đời của nghệ thuật không chỉ bắt nguồn từ một nguyên nhân trực tiếp duy nhất là lao động mà còn thành hình từ trong chính nhu cầu của đời sống xã hội và nhu cầu này phát sinh ra dưới tác động của lao động.

Đối chiếu so sánh với quan niệm của Aristote chúng ta thấy rằng cách lí giải của Aristote có phần đơn giản và mang cái nhìn thô sơ hơn so với cách lí giải của tư tưởng Mác - xít. Cũng nhìn thấy nguồn gốc của thơ ca là từ hiện thực khách quan nhưng Aristote lại chuyển hiện thực khách quan vào trong ý thức của con người và ông đưa ra cách lí giải bằng cách đi sâu vào bản chất của con người và do đó đã có những hạn chế như sau:

Ø              Thứ nhất : Aristote cho rằng mô phỏng là "thiên tính" của con người, là cái có sẵn do thiên tạo trong khi đó, hoạt động nhận thức tuy là một thuộc tính của con người nhưng nó được hình thành và  phát triển dần về cả lượng và chất trong quá trình con người lao động và tiếp xúc với thế giới khách quan. Cách lí giải của Aristote lại đơn giản hoá hoạt động nhận thức thành một hoạt động bản năng của con người và do đó dẫn đến quan niệm thơ ca ra đời như là một sản phẩm của bản năng con người.

Ø              Thứ hai : Aristote khép kín  quá trình phát triển của thơ ca vào khả năng và nhu cầu nhận thức của con người và chỉ dừng lại ở chỗ chức năng của thơ ca là đem lại sự hiểu biết và niềm thích thú chứ chưa thấy được chức năng xã hội rộng lớn của thơ ca. Sản phẩm của sự mô phỏng chỉ mới đi trong quy trình từ sự nhận thức của cá nhân đến sự cảm nhận của cá nhân.

Tuy nhiên, theo chúng tôi nghĩ, điểm hạn chế của Aristote cũng có hạt nhân hợp lí của nó nếu chúng ta nhìn theo một góc độ khác. Quan điểm Mác - xít hướng cái nhìn về chức năng của thơ ca trên một bình diện rộng lớn là đối với toàn xã hội. Trong khi đó, với đặc trưng lớn nhất là sự mô phỏng thì trước hết, thơ ca đem sự hiểu biết đến cho người đọc và người tiếp nhận khi tiếp xúc với tác phẩm thì trước hết là họ cảm thấy nhu cầu về nhận thức và về thị hiếu thẩm mĩ của mình được đáp ứng. Từ đó, thơ ca có môi trường để nó được nuôi dưỡng và gìn giữ, được truyền từ nơi này sang nơi khác, từ thế hệ trước đến thế hệ sau là nhờ ở sự cảm nhận của người đọc. Tác phẩm phải đi đến từng cá nhân rồi mới toả rộng ra phạm vi toàn xã hội. Hơn nữa, điểm đáng chú ý trong quan điểm của Aristote đó là ông nhấn mạnh vào hoạt động tiếp nhận văn học và xem đấy là một trong hai nguyên nhân làm phát sinh thơ ca. Đấy là điều mà chúng ta còn xem nhẹ trong việc lí giải nguồn gốc văn học hiện nay.

Đặt quan điểm của lí luận văn học Mác xít trong mối tương quan so sánh với quan điểm của Lưu Hiệp thì thấy rằng quan điểm của lí luận văn Mác xít và quan điểm của Aristote thiên về hoạt động nhận thức của con người, chú trọng vào ý thức, vào sự phản ánh hiện thực khách quan trong quá trình lao động trong khi đó, quan điểm của Lưu Hiệp nói riêng và của lí luận văn học phương Đông nói chung thì lại lí giải nguồn gốc văn chương dựa vào tình cảm, cảm xúc của con người trước sự tác động của sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Mà văn chương là sự tái hiện của những cái mà chúng ta nhìn thấy và cảm thấy. Trong tác phẩm thơ ca luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn đến độ chín của suy nghĩ và cảm xúc. Phải có cả hai yếu tố ấy , tức là phải có cái "trí" trong quan niệm của phương Tây kết hợp với cái "tình" trong quan niệm của phương Đông thì một chỉnh thể nghệ thuật trọn vẹn mới có thể ra đời.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. 74 Tác giả, Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc, NXB Thế Giới 2000.
  2. Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. HCM, Bình luận văn họctập 1, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội, 1999.
  3. Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. HCM, Bình luận văn họctập 2, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội, 1999.
  4. I.X.Lisevich, Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc, NXB Giáo dục, 1999.
  5. Khâu Chấn Thanh, Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, NXB Văn Học, 2001.
  6. Nguyễn Khắc Phi, Thơ văn cổ Trung Hoa – Mảnh đất quen mà lạ, NXB Giáo dục, 1999.
  7. Nguyễn Văn Dân, Lý luận văn học so sánh, NXB Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1998.
  8. Nguyễn Văn Hạnh - Huỳnh Như Phương, Lí luận văn học – Vấn đề và suy nghĩ, NXB Giáo Dục,1995.
  9. Nhóm dịch giả Lê Đăng Bảng, Thành Thế Thái Bình, Đỗ Xuân Hà, Thành Thế Yên Báy và Phan Ngọc dịch, Aristote – Nghệ thuật thơ ca và LưuHiệp – Văn tâm điêu long, NXB Văn học 1999.
  10. Phương Lựu chủ biên, Lí luận văn học, NXB Giáo Dục,1997.
  11. Phương Lựu, Từ văn học so sánh đến thi học so sánh, NXB Văn học, 2002.
  12. Vũ Xuân Bạch Dương, Quan điểm về thơ ca của Chung Vinh trong Thi phẩm, Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM.

 

Hồ Khánh Vân