05102024Sat
Last updateMon, 30 Sep 2024 8am

Mối quan hệ văn - sử trong tác phẩm Nam Ông mộng lục

1. Từ mười năm nay chúng ta đã có được văn bản Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) với đầy đủ nguyên bản chữ Hán gồm 31 thiên truyện và phần phiên âm, dịch nghĩa, chú giải(1). Nói riêng mối quan hệ văn - sử ở tác phẩm Nam Ông mộng lục vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn thảo: Tương quan giữa Nam Ông mộng lục với bộ sử chính thống Đại Việt sử ký toàn thư(2) - Tương quan giữa Nam Ông mộng lục với các nguồn thư tịch khác dưới thời trung đại - Cấu trúc văn bản, nội dung và hình thức nghệ thuật của mối quan hệ văn/ sử trong Nam Ông mộng lục


Kỷ niệm về giáo sư Bửu Cầm

Tôi không khỏi ngần ngại khi thuật lại những hồi ức, kỷ niệm về GS. Bửu Cầm, bởi lẽ những hồi ức, kỷ niệm ấy có liên quan mật thiết với tôi, nên không thể thuật lại mà không ít nhiều nói đến tôi, nhưng cái tôi thì lại rất đáng ghét. Hơn nữa, cũng có thể có người nghĩ rằng tôi muốn nhân viết về GS. Bửu Cầm mà gián tiếp nói về mình. Tuy nhiên, GS. Bửu Cầm là thầy của tôi từ năm l963, khi tôi học cử nhân giáo khoa Việt Hán [1], sau đó lại là giáo sư bảo trợ [2] tiểu luận cao học và luận án tiến sĩ của tôi; trong khoảng 1970-1975, khi GS. Bửu Cầm làm Trưởng ban Hán văn, thì tôi là Phụ tá Trưởng ban; từ ngày Thầy về hưu đến nay, tôi vẫn thường tới lui thăm viếng. Một phần của cuộc hội thảo khoa học này là để kỷ niệm 90 năm ngày sinh của GS. Bửu Cầm (đây là lần đầu có cuộc hội thảo khoa học về Thầy), tôi là người gần gũi Thầy trong một thời gian dài như thế, mà không ghi lại một vài hồi ức, kỷ niệm về Thầy, nghĩ cũng có lỗi không ít với thẩy của mình.

Sự thực nào cho "Mộng Mai từ lục" của Đào Tấn

Đào Tấn (1845-1907) là tác giả có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam thời Trung đại. Sáng tác của ông, theo các tư liệu hiện còn, có thể phân làm ba mảng, gồm: tuồng, thơ từ. Dễ nhận thấy với Đào Tấn, tuồng là thể loại được dụng công nhiều nhất và cũng chính thể loại này đã khiến cho tên tuổi của ông trở thành bất hủ. Chính vì vậy, nhắc đến Đào Tấn, người ta sẽ nghĩ ngay đến thể loại tuồng. Tuy nhiên, theo các tư liệu đã công bố cho đến thời điểm này, Đào Tấn không chỉ để lại các tác phẩm tuồng, thơ, mà còn để lại một từ tập mang tên là Mộng Mai từ lục (từ đây viết tắt là MMTL), gồm 60 bài từ, trong đó có không ít bài đạt đến trình độ nghệ thuật trác tuyệt.

Thử giải thích một số tục ngữ, thành ngữ thông dụng

                          (Lê Trung Hoa, Kiến thức ngày nay, số 935, ngày 1-8-2016, tr. 16-17)

            Trong tiếng Việt có một số thành ngữ, tục ngữ có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, khiến nhiều người không hiểu đúng hoặc đôi khi xảy ra các cuộc tranh luận gay gắt.

Tiêng nước tôi - Tiếng Việt mến yêu

Đối với người Việt hiện nay, các từ sau đây được coi là từ láy âm: buồn bực, non nớt, gớm ghiếc, hỏi han, nguôi ngoai, …Trong các từ đó, chỉ có một yếu tố có nghĩa, là nguôi, buồn, hỏi, gớm, non và có một yếu tố vô nghĩa: ngoai, bực, ghiếc, han, nớt.

Đôi điều bổ sung thêm về tác giả và tác phẩm “Công dư tiệp ký”

          Công dư tiệp ký (CDTK) của Vũ Phương Đề có vị trí như là tác phẩm “nối mạch” cho dòng văn xuôi tự sự Việt Nam sau hơn hai thế kỷ dường như bị quên lãng (Hiện nay ta chưa biết đích xác Nguyễn Dữ hoàn thành tác phẩm Truyền kỳ mạn lục vào thời điểm nào. Nhưng hiển nhiên nó phải ra đời trước năm 1547, khi Hà Thiện Hán viết lời tựa cho tác phẩm. Nếu tính từ năm 1547 đến năm 1755, khi Vũ Phương Đề đề tựa cho tác phẩm CDTK của mình thì cách nhau đến 208 năm. Trong khoảng thời gian này hiện ta chỉ thấy một tác phẩm là Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm –ra đời vào đầu thế kỷ XVIII. Tác phẩm này không những mở đầu mà còn có tác dụng thúc đẩy dòng văn học này phát triển, nở rộ, đạt đến những thành tựu rực rỡ trong giai đoạn cuối của văn học trung đại Việt Nam. Ngay từ khi ra đời, CDTK đã được dư luận chú ý, độc giả đón nhận. Và kể từ đó nó đã được người sau tục biên, tục bổ, bổ di làm cho tác phẩm ngày càng dày lên và cũng phức tạp thêm. Hơn thế nữa, người ta còn trích lục, sao chép nó thành những tập sách khác với những tên mới.

 

          Cùng với những tác phẩm như Việt điện u linh (VĐUL), Lĩnh nam chích quái (LNCQ),…CDTK đã góp phần đặt nền móng cho văn xuôi tự sự Việt Nam ở các giai đoạn tiếp sau. Điểm đặc sắc riêng của CDTK là nó không những mở ra thể loại tiệp ký (ghi nhanh) mà còn góp vào dòng văn học này một thể tài mới mẻ: loại truyện nhân vật được kể dưới màu sắc truyền thuyết, giai thoại dân gian lý thú và sinh động.

 

          Để góp phần ghi nhận công lao của tác giả CDTK, trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu thêm đôi điều về thân thế, sự nghiệp của Vũ Phương Đề với một số thông tin mới, đồng thời điểm qua những giá trị cốt lõi của tác phẩm này.

 

          1.Về tiểu sử của Vũ Phương Đề, từ trước đến nay chúng ta chỉ biết sơ lược qua một vài tài liệu đăng khoa lục, lịch sử và một số công trình nghiên cứu có đề cập đến tác phẩm CDTK.

 

          Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam thì Vũ Phương Đề đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) đời Lê Ý Tông. Làm quan đến chức Đông các học sĩ (1).

 

          Lược truyện các tác gia Việt Nam giớit hiệu: “Vũ Phương Đề, từ Thuần Phủ, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (Bình Giang, tỉnh Hải Dương cũ, nay thuộc tỉnh Hải Hưng) là con của Vũ Phương Nhạc. Ông sinh năm 1697 và mất năm nào không rõ.

 

          Những thông tin như trên, chúng ta cũng thấy đề ngay sau lời tựa của tác phẩm CDTK kèm với chức quan (có thể là cao nhất) trên bước đường hoạn lộ của ông: “Tứ Bính Thìn khoa Tiến sĩ, Đông các hiệu thư, thự Sơn Nam xứ Tham chính, Vũ Thuần Phủ tự”. (Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736), Đông các hiệu thư, kiêm Tham chính xứ Sơn Nam, Vũ Thuần Phủ viết tựa).

 

          Gần đây, Nguyễn Đăng Na trong tạp chí Hán Nôm, số 1-1989 (2) và trong Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1 (3) cũng đã cung cấp thêm một số chi tiết mới về Vũ Phương Đề. Nhưng nhìn chung tiểu sử của ông được giới thiệu hãy còn sơ lược. May thay, hiện tại chúng ta hảy còn lưu giữ được mấy bộ gia phả viết khá công phu về họ Vũ ở Đường An. Và trong cuốn Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích do Vũ Phương Lan, Vũ Thế Nho biên tập, chúng ta có thêm được 3 trang ghi về thân thế, sự nghiệp tác giả CDTK (4).

 

          Với những dòng ghi chép về Vũ Phương Đề trong cuốn gia phả này, và tham khảo, đối chiếu thêm một số nguồn tài liệu khác, chúng tôi sơ bộ dựng lại tiểu sử Vũ Phương Đề, như sau:

 

          Vũ Phương Đề, tự là Thuần Phủ (theo gia phả, ông còn có một tên tự nữa là Trạch Hiên). Ông sinh ra trong một dòng họ có truyền thống hiếu học và có tiếng trên đường khoa hoạn của làng Mộ Trạch, Đường An – mảnh đất tương truyền là “Tiến sĩ sào” (tổ Tiến sĩ). Ông nội của Vũ Phương Điền là Vũ Quốc Trân, cũng là người xuất thân khoa hoạn. Cha ông là Vũ Phương Nhạc (1673-1745), từng giữ chức Đông các hiệu thư dưới thời Lê Ý Tông. Mẹ ông là bà Vũ Thị Đại, con gái của Vũ Đăng Hiển (người đã được Vũ Phương Đề viết về thân thế sự nghiệp trong truyện Mộ Trạch luỹ trúng ở CDTK). Bà Đại, là vợ thứ hai của ông Vũ Phương Nhạc.

 

          Theo gia phả thì Vũ Phương Đề sinh vào giờ Thìn, ngày mồng 9, tháng 10, năm Mậu Dần –1698 (các tài liệu giới thiệu về Vũ Phương Đề từ trước đến nay thường ghi ông sinh năm 1697). Riêng các nhà khoa bảng Việt Nam ghi là ông sinh năm 1698. Có lẽ các nhà nghiên cứu căn cứ vào số tuổi năm của Vũ Phương Đề đỗ Đồng tiến sĩ để truy ngược năm sinh của ông, nhưng không lưu ý rằng người xưa chỉ tính tuổi âm, nghĩa là khi sinh ra đã tính 1tuổi. Chẳng hạn, khi ghi ông đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736), năm 39 tuổi thì thực tế ông mới 38 tuổi. Có lẽ vì thế mà có sự chênh lệch này. Ở đây chung tôi xin căn cứ theo gia phả). Năm 16 tuổi, ông thi Hương trúng Tam trường khoa Giáp Ngọ (1714), Năm Canh Tý (1720), ông 22 tuổi, lĩnh Hương tiến. Năm sau thi Hội (khoa Bảo Thái 2), ông trúng Tam trường, và sau đó được giữ chức Quốc tử giám Lễ kinh học chính giám tập. Năm At Tỵ (1725), Vũ Phương Đề nhận chức Tri huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Khoa Bính Thìn (1736), niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (Lê Ý Tông) ông đỗ Đồng tiến sĩ. Sau đó nhậm chức Lại khoa cấp sự, Kỳ thi Hương khoa Mậu Ngọ (1738), Vũ Phương Đề được cử làm Đề điệu trường Nghệ An.

 

          Khoảng thời gian từ năm 1741-1744 trong gia phả không thấy ghi Vũ Phương Đề làm gì, nhưng theo Việt sử thông giám cương mục thì tháng 3, năm Tân Dậu (1741), ông được cử làm Hiệp đồng đạo Đông Triều Hải Dương. Việt sử thông giám cương mục ghi như sau: “Vì Hải Dương đã được bình định, nên chia làm bốn đạo: Thượng Hồng, Hạ Hồng, An Lão và Đông Triều, mỗi đạo đặt một chức tuần phủ để chiếut heo địa phận vỗ về dân chúng. Bổ dụng Nhữ Đình Toản, Vũ Khâm Lân, Phạm Đình Trọng và Vũ Phương Đề đều giữ chức Hiệp đồng (5). Và vào tháng 5, năm Giáp Tý (1744), Hoàng Ngũ Phúc bao vây căn cứ Đồ Sơn thì Nguyễn Hữu Cầu phá vây tiến lên Kinh Bắc. “Trấn thủ Trần Đình Cẩm tiến quân từ Thiết Sơn đến Trai Thị, bị giặc đánh bại, tất cả quân lính đều tan vỡ. Đình Cẩm lui giữ Thị Cầu, giặc nhân thế thắng đuổi đánh, Đình Cẩm lại bị thua, giặc đuổi thao, bèn chiếm được trấn thành Kinh Bắc, tung lửa đốt phá doanh trại. Đình Cẩm cùng đốc đồng Vũ Phương Đề bỏ ấn tín chạy. Nửa đêm tin báo đến Kinh, trong Kinh thành nhốn nháo kinh sợ” (6). Những dòng ghi chép trên cho chúng ta biết đại lược là: từ tháng 3 năm 1741, Vũ Phương Đề giữ chức Hiệp Đồng đạo Đông Triều bà khoảng những năm 1744, ông làm Đốc đồng trấn Kinh Bắc. Theo Nguyễn Đăng Na thì sau khi để mất trấn thành Kinh Bắc, Vũ Phương Đề bị cách chức. Không biết ông bị cách chức bao lâu, nhưng trong gia phả lại ghi:

 

          Năm Đinh Mão (1747), Vũ Phương Đề được thăng Đông các hiệut hư. Năm Canh Ngọ (1750), lại được thăng chức Tham chính xứ Sơn Nam và tại chức 7 năm. Năm Kỷ Mão (1759), ông lại được thăng Đông các học sĩ, kiêm Kinh Bắc Tham chính.

 

          Vũ Phương Đề mất ngày 26 tháng 4 năm Tân Tụ (1761) tại nhiệm sở, thọ 63 tuổi (Các tài liệu từ trước đến nay đều để trống năm mất của Vũ Phương Đề. Chúng tôi cho đây là một thông tin mới đáng lưu ý). Sau khi mất ông được truy tặng Hàn Lâm viện thị độc, gia tặng Đông các đại học sĩ, Xuân Trạch hầu.

 

          Nguyễn Đăng Na khi giới thiệu về CDTK có đặt vấn đề rằng: “Có lẽ CDTK được sáng tác trong thời gian mất chức này (tức năm 1744). Về sau, số phận của Vũ Phương Đề ra sao, không rõ” (7). Chúng tôi nghĩ, những thông tin trên của gia phả có thể bổ sung thêm khoảng thời gian còn “không rõ” trong cuộc đời của tác giả CDKT. Chưa chắc những gì ghi trong cuốn gia phả mà chúng tôi khai thác là chính xác, nhưng dù sao đây cũng là một cuốn gia phả được biên soạn khá nghiêm túc về một dòng họ đáng gọi là “cự tộc” trong cộng đồng các dòng họ Việt Nam. Gia phả ghi rằng, năm 1747 Vũ Phương Đề được thăng Đông các hiệu thư, và năm 1750 ông lại được thăng Sơn Nam Tham chính và tại chức 7 năm, có thể hoàn toàn xác thực. Bởi như chúng ta đều biết, khi đề tựa cho CDTK (1755), họ Vũ có ghi rõ hai chức vụ mà mình đang giữ này. Hơn nữa, nếu đọc kỹ CDTK ta vẫn thấy có một vài chi tiết cho thấy khoảng thời gian nói trên Vũ Phương Đề vẫn đang tại chức. Chẳng hạn, ờ cuối truyện Bộ đầu linh từ ký, họ Vũ viết rằng:

 

          “Năm Giáp Tuất (1754), ta phụng mệnh đến trông coi việc đắp đê ở làng ấy. Đền ở nagy cạnh đê, ta vào thăm thì thấy tượng thần cũng y nguyên…”

 

          Hoặc ở truyện Xà tuyền ký, tác giả cũng để lộ một chi tiết như thế:

 

          “Năm Giáp Tuất (1754), ta phụng mệnh đi đón sứ giả [của Tàu] qua đấy, cũng có vào đền làm lễ. Nhân đó hỏi chuyện người trong ấp, người ta đã thuật lại đầu đuôi sự tích cho nghe, nên ghi chép đại lược ra đây”.

 

          Vậy, chúng ta có thể tin rằng, vào khoảng những năm 1754, 1755 Vũ Phương Đề vẫn đang tại chức, đang viết và sắp hoàn thành sách CDTK.

 

          2. Như ở trên chúng tôi đã nói, CDTK là tác phẩm có vai trò “nối mạch”, “hồi sinh” cho dòng văn xuôi tự sự Việt Nam sau hơn hai thế kỷ cơ hồ bị gián đoạn. Hơn nữa, nó còn là “tác phẩm mở đầu cho lối “ghi nhanh” –tiệp ký trong văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam” (8). Sau CDTK, dòng văn học này nở rộ chưa từng thấy. Có thể kể ra đây một số tác phẩm tiêu biểu như: Sơn cư tạp thuật, Kiến văn lục, Tang thương ngẫu lục, Vũ trung tuỳ bút, Mẫn Hiên thuyết loại, Đại Nam kỳ truyện, Thính văn di lục…”. Khảo sát những tác phẩm trên, ngoài thể truyền kỳ truyền thống, ta bắt gặp nhiều khái niệm mới về thể loại, tức là về hình thức thể hiện như ký sự, tiệp ký, ký văn, tuỳ bút, tạp thuật, ngẫu lục, chí… Dĩ nhiên vào thời kỳ ấy các tác giả hẳn là chưa hình dung thật chính xác và cụ thể nội hàm của từng khái niệm, thậm chí có khi dùng hai khái niệm về thể loại nhưng không có gì khác nhau về bút pháp thể hiện. Ví dụ: Phạm Đình Hổ viết Vũ trung tùy bút rồi ông và Nguyễn An lại viết Tang thương ngẫu lục. Cả hai khái niệm tùy bút và ngẫu lục mà hai ông sử dụng chỉ muốn nói một điều là “họ đã dùng ngòi bút sao lục, ghi chép một cách ngẫu nhiên, tuỳ hứng, tự do chứ không có trước một ý đồ nào cả” (9). Có thể nói, xét về phương thức sáng tác, trên đại thể là phát triển theo lối viết của CDTK. Thực chất đây là những giai thoại, những câu chuyện lạ lưu truyền trong dân gian. Những câu chuyện này được các tác giả ghi lại  dưới hình thức “nghe sao ghi vậy” (dĩ nhiên là có sự gia công gọt giũa và cả khảo cứu). Rất nhiều thiên truyện các tác giả đã “thực thà” thể hiện tính chất “sưu tầm truyện dân gian” ấy. Chẳng hạn, ở truyện Xà tuyền ký, Vũ Phương Đề viết: “Năm Giáp Tuất, ta phụng mệnh đi đón sứ giả của Tàu qua đây, cũng có vào đền làm lễ. Nhân đó hỏi chuyện người trong ấp, người ta đã thuật lại đầu đuôi sự tích cho nghe, nên ghi chép đại lược ra đây”. Hoặc cuối truyện Ông Lê Thì Hiến, Nguyễn An cũng chua thêm: “Hai thuyết trên chưa rõ thuyết nào đúng. Vậy cứ chép cả ra đây” (10). Rất có thể đấy là những lời “đưa đẩy” của người viết, nhưng dù sao tính chất ghi chuyện truyền miện, đồn đại trong dân gian vẫn thể hiện rõ ràng qua cách viết của các tác giả. So với loại chí quái, truyền kỳ thì loại ký sự như thế này đã ít hoang đường, hư huyễn, mà đã đậm đà tính “thời sự” hơn, độ xác thực nhiều hơn, và đặc biệt có khi độ xác thực khá cao, chẳng kém những thiên ký sự hiện đại. Điều này ta có thể thấy rõ ở một số thiên trong Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục, Thượng kinh ký sự và Hoàng Lê nhất thống chí.

 

          Chúng tôi xin quay trở lại với CDTK. Với cách nhìn hôm nay, đứng ở góc độ phương thức sáng tác mà xét, có thể gọi CDTK là một công trình sưu tầm, ghi chép truyện dân gian. Chẳng cần tìm đâu xa xôi, giở trang đầu tiên của CDTK ta đã thấy tác giả bộc bạch “thực chất công việc” của mình: “Phủ này ngày thường rất thích nói, cho nên trong lúc việc công rảnh rỗi bèn đem những điều mình biết sẵn và tìm hiểu thêm các bậc nghe rộng biết nhiều, hễ được chuyện gì cũng cứ sự thực ghi lại rồi xếp thành thiên, nhan đề là “Công dư tiệp ký” (Lời tựa CDTK). Nhưng ở đây tác phẩm không chỉ giới hạn trong khuôn khổ những thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích đậm sắc thái hoang đường như LNCQ nữa, mà đã mở rộng ra, ghi chép khá nhiều những giai thoại dân gian, dã sử về các dòng họ và danh nhân lịch sử Việt Nam. Những mẩu truyện danh nhân thường đi kèm với những giai thoại văn học lý thú và sinh động. Đây là một điểm khá mới mẻ của CDTK so với các tác phẩm trước nó như VĐUL, LNCQ. Và có lẽ không phải ngẫu nhiên mà các tập truyện sao lục lại CDTK sau này (như Việt tuấn giai đàm, Lịch đ5I danh thần sự trạng…) phần lớn đều sao chép lại những truyện ký danh nhân đậm đà chất giai thoại ấy. Chúng tôi nghĩ rằng, những thiên truyện sinh động, đậm chất giai thoại này chính là linh hồn của CDTK. Chúng ta hãy đưa những thiên truyện này trở lại môi trường xã hội trước đây, khi mà hướng đi và ước mơ của một đấng “nam nhi chi chí” thường là: học hành –thi cử- đỗ đạt- làm quan, giúp vua “tề gia trị quốc”, có như thế chúng ta mới hiểu rõ hơn vì sao những câu chuyện về ông Cống, ông Nghè ấy đã cuốn hút, làm say sưa bao lớp độc giả. Đây chính là vấn đề môi trường văn hoá và tâm lý thời đại –cái mà chúng ta dễ dàng hụt hẫng nếu không lưu tâm đến khi tìm hiểu hay thưởng thức một tác phẩm của thời quá khứ.

 

          Cũng cần nói thêm, ở VĐUL, LNCQ, khi viết về các vị thần (những câu chuyện mang tính chất thần phả) thì những vị thần đó phải là những bậc “thông minh chính trực… không phải là hạng dâm thần, tà ma quỷ quái…” (Lời tựa VĐUL của Lý Tế Xuyên). Nhưng đến CDTK thì hình như tác giả không còn kén chọn quá “khắt khe” như thế nữa, và đã “cởi mở” hơn khi ghi chép một số câu chuyện về thần thánh. Ơ đây có những vị không những không được liệt vào tự điển, không được “thông minh chính trực” mà còn là “hạng dâm thần, tà ma quỷ quái” nữa. Trong CDTK ta bắt gặp một vị thần chuyên làm khổ dân chúng bằng cách phá đê, gây lụt lội, đến khi nào dân đen dựng cho các miếu thờ tự mới chịu yên (Kim Tông thuỷ thần ký); một vị thần quên cả bố mẹ, coi Ngọc hoàng Thượng đế chỉ “bé bằng hạt tiêu” như Cường Bạo Đại Vương, đã thế, khi chết rồi còn hoạnh hoẹ dân chúng, gây ôn tác dịch  cho súc loại và con người, đòi được một các đền mới chịu nghỉ (Cường Bạo Đại Vương ký). Không những thế, ở đây ta còn bắt gặp những thần thánh linh thiêng, chẳng biết linh thiêng tới đâu mà lại bị một gã lưu manh nhãi nhèp lừa cho thất điên bát đảo (Thanh Hoa linh từ ký). Bên cạnh những thần thánh uy nghiêm, những anh hùng dân tộc kỳ vĩ, ở CDTK ta đã thấy xuất hiện những con người bình thường, thế nhưng họ đã có những hành động yêu nước, mưu trí, dũng cảm phi thường. Đấy là những anh hùng vô danh như cô gái làm nghề xướng ca trong Đào nương ký, là người đàn ông không tên tuổi trong Hạ Bì dị nhân ký… Những trang sữ chính thống đã bỏ quên họ, nhưng “nghìn năm bia miệng” vẫn khắc sâu hình ảnh anh hùng cao đẹp của họ. Vũ Phương Đề là một trong những người đầu tiên đã đưa những con người bình dị nhưng không kém khí phách anh hùng ấy vào trang viết của nhà nho. Như chúng ta đều biết, ngọn bút của nhà nho dùng để “khuyến thiện, trừng ác” chứ nào phải để mua vui, họ Vũ cũng không nằm ngoài tư tưởng đó. Và tất cả chúng ta đều phải đồng ý với nhau rằng “ngay từ đầu, chiều hướng Nho hoá đã chi phối việc ghi chép truyện cổ một cách khó cưỡng, làm cho nhiều câu chuyện vốn rất ly kỳ bị đơn giản hoá, hoặc mỹ hoá, hợp lý hoá, theo kiểu sách vở nhà nho” (11). Tất nhiên, Vũ Phương Đề cũng không thoát khỏi chiều hướng đó. Nhưng nếu thử đối sánh một số câu chuyện mang tính thần phả ở CDTK với VĐUL thì ta thấy họ Vũ viết hồn nhiên và thoải mái hơn họ Lý nhiều. Đọc một số truyện như Đế Thích ký (phụ Trương Ba), Kim Tông thuỷ thần ký, Cường Bạo Đại Vương ký… ta thấy dường như dân gian kể thế nào thì tác giả chép lại như thế ấy. Có lẽ vì thế mà chúng đậm đà phong vị dân gian. Có thể nói, họ Vũ chưa “cải hoá” những “huyền thoại kỳ lạ chưa được giải mã, thành một loạt lý lịch “trong sạch”, “đẹp đẽ” nhưng cũng hết sức tẻ ngắt và nhàm chán” (12) như một số nhà nho khác đã làm. Giữ được màu sắc của huyền thoại, giai thoại dân gian, đấy là nét son đáng chú ý trên những trang viết của CDTK.

 

          Vì vậy, những câu chuyện này không những được người ta hứng thú truyền chép rộng rãi ở thời trung đại mà còn được các nhà sưu tầm, biên soạn truyện cổ diễn dịch lại bằng cả chữ Nôm (Truyện CDTK (AB.481), Vũ Xuân Tiên dịch 36/44 truyện của CDTK tiền biên; Nam Hải dị nhân liệt truyện diễn âm (AB.472), Phan Kế Bính chọn dịch Nôm 5 truyện trong CDTK tiền biên), chữ Quốc ngữ ở thời cận hiện đại. Độc giả ngày nay vẫn cảm thấy hết sức thú vị khi đọc những giai thoại về Lê Nại, Phạm Trấn, Đỗ Uông, Lương Hữu Khánh… được tuyển dịch trong cuốn Giai thoại văn học Việt Nam (13), và cũng chẳng kém phần thích thú khi đọc những truyện như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Sự tích hồ Ba Bể, Giáp Hải, Cường Bạo Đại vương… trong bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (14).

 

          Vũ Phương Đề sinh ra và lớn lên từ một dòng họ nổi tiếng trải bao đời kế thế đăng khoa trên một vùng đất có truyền thống hiếu học và vang danh trên trường khoa hoạn, một vùng đất xứng đáng với bốn chữ “địa linh nhân kiệt”, vùng đất mà chỉ riêng huyện Đường An, tính đến năm 1851 đã có đến 108 vị đỗ đại khoa. Trong đó, riêng làng Mộ Trạch của Vũ Phương Đề đã có đến 39 vị, và trong 39 vị này đã có 30 người họ Vũ (15). Thật chẳng ngoa tí nào khi người ta gọi đó là “tổ Tiến sĩ” (Tiến sĩ sào). Và CDTK ra đời cũng chính từ niềm tự hào ấy. Vũ Phương Đề sống vào thời buổi phong kiến suy tàn, đất nước một vua hai chúa, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, cửa Khổng sân Trình đầy rẫy những hạng “sinh đồ ba quan”; ánh hào quang của một thời thịnh trị đang lùi dần vào quá vãng. Vì thế, những giai thoại về những ông Nghè, ông Cống ấy không những “ngụ nhiều điều khuyến giới, ngõ hầu để xem trong lúc thư nhàn” (Lời tựa CDTK của Vũ Phương Đề) mà còn thể hiện những đồng vọng của quá khứ, “bởi vì quá khứ luôn phục sinh, quay trở lại và trở thành nội dung thực tại của hiện tại” (16). Đấy không những là niềm tự hào về một dòng tộc vang danh, một vùng đất thần thiêng mà còn là niềm tự hào về “địa linh nhân kiệt” của một đất nước. Từ VĐUL, LNCQ, TKML đến CDTK ta luôn thấy hiện diện niềm tự hào ấy. Có thể nói, đấy là niềm cảm hứng chủ đạo, quán xuyến các tác giả trong mạch chảy của văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại. Niềm tự hào ấy không những bàng bạc trên những trang viết của các tác giả, hơn nữa còn hun đúc ngọn lửa nhiệt tình, lòng tự hào về quê hương đất nước cho những thế hệ độc giả nốit iếp sau. Quả vậy, một trong những người đọc sau đó đã thốt lên rằng: “Nước Việt ta lập quốc, sơn kỳ thuỷ tú, địa linh nhân kiệt, so với các nước trong toàn cầu, thực là anh vĩ đặc biệt, cố nhiên là không chịu nhường ai rồi […]. Cứ xem trong các sách Công dư tiệp ký, Truyền kỳ mạn lục, Lĩnh nam chích quái, Tang thương ngẫu lục thì có thể thấy rõ” (Lời bạt sách Trùng bổ VĐUL Toàn biên của Tam Thanh Quán đạo nhân). Có lẽ cũng xuất phát từ niềm tự hào đó, mà VĐUL, LNCQ và CDTK đã được các thế hệ tục biên, tục bổ, bổ di… trải dài qua các thời đại. Không những thế, chúng còn tạo ra một loạt những tập sách trích lục, sao chép lại với những tên sách mới. Điều khá lý thú là khi khảo sát những thiên chuyện trong tập sách này chúng ta thấy có một sự “hỗn dung”, “giao thoa” khá đậm đà giữa LNCQ và CDTK. Ở đây chúng tôi muốn nói đến hiện tượng người trích lục đã sao chép lẫn lộn một cách “vô tư” các thiên truyện của LNCQ và CDTK trong cùng một tập sách. Chúng ta có thể thấy điều này qua các sách Việt tuấn giai đàm (A.3006), LNCQ (A.1752), CDTK (HV.74)… Qua đó có thể thấy rằng, CDTK đã bổ sung một mảng đề tài mà LNCQ còn thiếu vắng –đấy là những truyện viết về các “nhân kiệt” chưa được “thần thánh hoá”, hãy còn hết sức phàm trần, gần gũi với các thế hệ độc giả. Ở một mức độ nào đấy có thể gọi đây là những thiên ký sự “người thật, việc thật” sinh động, hấp dẫn, vừa cung cấp thêm tư liệu về đời tư của những người nổi tiếng, vừa góp phần củng cố thêm lòng tự hào “địa linh nhân kiệt” cho dân tộc. Đấy là cái đặc biệt, là thế mạnh, là linh hồn của CDTK.

 

          Có lẽ vì tính hấp dẫn ấy của CDTK mà theo đó Trần Quý Nha đã viết thêm Tục CDTK, và sau đó không ít người đã sao chép lại những truyện trong CDTK ở những quyển sách khác. Riêng về văn bản, hiện tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Sử học, Thư viện Quốc gia Hà Nội còn lưu giữ đến 13 dị bản này của CDTK. Việc khảo sát, nhận định những dị bản này của CDTK là một vấn đề khoa học không kém lý thú.

 

 

 

CHÚ THÍCH:
(1)    Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Hữu Mùi: Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, NXB Văn học, Hà Nội, 1993.
(2)    Nguyễn Đăng Na: Tục Công dư tiệp ký: tác giả và tác phẩm, Tạp chí Hán Nôm, 1/1989, tr.48-50.
(3)    (7) (8) Nguyễn Đăng Na: Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Tập 1, NXB Giáo dục, 1997.
(4)    Vũ Phương Lan: Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích (ký hiệu: A.3132)
(5)    Việt sử thông giám cương mục, Tập 18, NXB Sử học, Hà Nội, 1960.
(6)    (9) Hoàng Hữu Yên: Tuyển tập truyện Việt Nam thế kỷ X-XIX, NXB ĐHTHCN, Hà Nội, 1987.
(10) Phạm Đình Hổ, Nguyễn An :Tang thương ngẫu lục –Ngô Văn Triện dịch, Trần Nghĩa giới thiệu (Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Tập II, NXB Thế giới, Hà Nội 1997).
(11) (12) (14) Nguyễn Đổng Chi: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập V, NXB Văn học, 1993.
(13) Hoàng Ngọc Khánh, Kiều Thu Hoạch: Giai thoại văn học Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 1988.
(15) Vũ Băng Tú: Về một bài văn bia của Tiến sĩ Vũ Tông Phan mới được phát hiện, Tạp chí Hán Nôm 4/1997, tr. 74-82.
(16) GURÊVICH. AJA: Những phạm trù văn hoá trung cổ –Hoàng Ngọc Hiến dịch, NXB Giáo dục, 1996.

Mô hình tri nhận và sự tương tác văn hóa

1. Trí não của con người, thông qua những trải nghiệm hoặc có tính cá nhân hoặc dựa vào hệ thống ý niệm của cộng đồng diễn ngôn, dung nạp, xử lý, lưu trữ, phục hồi và cả truy xuất tri thức không hoàn toàn thụ động mà có tính tương tác theo những phương thức tri nhận nhất định.

Đặc tính tu từ của điển cố văn học

Dien co          Trong văn học, một trong những biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến nhất là hình thức so sánh. So sánh là lấy phẩm chất của một cái này để làm nổi rõ đặc điểm của một cái khác. Tiến lên một bước, người ta không dùng hình thức so sánh, mà dùng hình thức ẩn dụ, hoán dụ. Thông thường, trong so sánh hay ẩn dụ, hoán dụ, người ta thường lấy những hiện tượng thiên nhiên để làm rõ những hiện tượng xã hội, hay phẩm chất của con người. Về mặt nào đó, điển cố cũng có phần giống với những hình thức ẩn dụ, hoán dụ. Nhưng có điều khác biệt là, điển cố như chất liệu dùng trong những hình thức ẩn dụ, hoán dụ không phải lấy trong thiên nhiên, mà lấy từ tác phẩm của các thời đại quá khứ xa xưa.

Tản mạn về nghĩa của "mực tàu" 墨艚 (phần 2)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phan Anh Dũng[2]

Tiếp theo bài 1 "Tản mạn về nghĩa của mực tàu", phần này (bài 2) bàn sâu hơn về phạm trù nghĩa của mực và tàu qua các văn bản Hán Nôm với lăng kính văn hóa và ngôn ngữ mở rộng. Dựa vào các dữ kiện từ văn bản Hán Nôm, phạm trù nghĩa của mực (tiếng Việt) và tàu (tiếng Việt) đã từng có nhiều nét nghĩa mà hầu như ngày nay ít ai biết đến, hay chỉ còn vết tích trong một số từ kép. Một khuyết điểm của chữ La Tinh (chữ quốc ngữ) cũng có thể dễ dàng nhận ra khi mực chỉ mực viết, ghi bằng chữ Hán  墨 mặc bộ thổ, so với mực là dây ghi bằng chữ Hán 纆 mặc bộ mịch. Chữ mặc bộ thổ có tần số dùng là 25920 trên 434717750 so với chữ mặc bộ mịch (dây) có tần số dùng là 39 trên 237243358 (chữ hiếm). Cách ghi âm tiếng TQ hiện đại trong các bài này dựa vào hệ thống pinyin (Bính Âm) phổ thông hiện nay. Các tài liệu viết tắt là TVGT Thuyết Văn Giải Tự (khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), Tập Vận (TV/1037/1067), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), Tự Vị Bổ (TViB/1666), KH (Khang Hi/1716), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986), Thiết Vận (ThV/601), Vận Kinh (VK/1161), VBL (Dictionarium Annamiticum-Lusitanum-Latinum, Alexandre de Rhodes, 1651), PGTN (Phép Giảng Tám Ngày), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/1931/1954), HV (Hán Việt), Trung Quốc (TQ), BK (Bắc Kinh), tiếng Pháp (P.), tiếng Anh (A.). Phần này có trọng tâm là nêu ra các liên hệ ngữ âm nhưng không nhất thiết xác định nguồn gốc (Việt cổ hay Hán cổ …) của các trường hợp này.

Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp: Thân/khôn/khọn-khỉ

Tóm tắt. Mười hai con giáp hay thập nhị chi đã hiện diện trong văn hoá Á Đông qua bao ngàn năm, nhưng chưa ai xem lại vấn đề về nguồn gốc phi Trung Hoa của các tên gọi này - nhất là nguồn gốc Việt Nam của chính các tên này như Tý/Tử-chuột, Mão/Mẹo-mèo (phần 4), Ngọ-ngựa, Hợi-gỏi-cúi phần 5)… Liên hệ của tên loài vật và tên các chi khác như Thân, Dần, Thìn, Tuất … không rõ nét và cần nhiều lý giải hơn.Phần này đi vào chi tiết của liên hệ chi thứ 9 (Thân) và tên con khỉ.

 

Thử giải mã một số địa danh Việt Nam

                                                         (Lê Trung Hoa,  Kiến thức ngày nay, số 940, ngày 20-9-2016, tr. 12-14)

1.Trong tiếng Việt, còn nhiều địa danh chưa lý giải được một cách dứt khóat, thuyết phục được mọi người. Trong bài này, chúng tôi nêu một số địa danh tương đối phổ biến, có khả năng gây tranh luận và cố gắng lý giải với hy vọng góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc và ý nghĩa của chúng.

Những hiện tượng mang tính chất quy luật về ngữ nghĩa dùng để xác định từ nguyên tiếng Việt

1.Cũng giống như các hiện tượng ngữ âm, các hiện tượng về ngữ nghĩa mang tính quy luật cũng có thể dùng để xác định từ nguyên tiếng Việt. Trong bài này chúng tôi xin nều bốn hiện tượng tiêu biểu là ẩn dụ, hoán dụ, láy nghĩa và chuyển nghĩa.Trong bốn hiện tượng này, hai hiện tượng đầu phổ quát hơn.

Lý thú địa danh

Trên đường Phan Đình Phùng có chợ Phú Nhuận. Tên chợ này mới đổi sau ngày thống nhất đất nước. Còn trước đó, chợ mang tên Xã Tài. Xã Tài là ai? Đó là xã trưởng Lê Tự Tài, người chủ trương lập chợ này vào cuối thế kỷ XIX. Có lẽ việc đổi tên từ Xã Tài sang Phú Nhuận này là do có người cho rằng những viên chức dưới thời Pháp thuộc chỉ là công cụ của thực dân.

Tại sao ở Việt Nam, số người mang họ Nguyễn nhiều nhất?

Chúng tôi thống kê về sự phân bố họ của 805 người ở Nam Bộ và 1.136 người ở Bắc Bộ, thấy được phần nào tỉ lệ phân bố của các họ ở nước ta (chủ yếu là người Kinh). Trong số hơn 1.000 họ của người Việt, 13 họ sau đây chiếm số lượng nhiều hơn cả.

Địa danh gốc Chăm ở Trung Bộ

Gần một nghìn năm cộng cư với người Chăm, người Việt đã tiếp thu hàng trăm địa danh ở dọc dải đất miền Trung. Cà Ná là tên núi ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cao 339m. Sau đó, Cà Ná trở thành tên xã của huyện Thuận Nam cùng tỉnh. Cà Ná, có nhiều cách lý giải, nhưng cách được tin tưởng nhiều là Canah/Canaq Klou (Canah: tẽ ra; Klou : ngã ba) vì hòn núi nằm ở chỗ có ngã ba tẽ ra.

Tản mạn về nghĩa của "mực tàu" 墨艚 qua từ điển Việt Bồ La (phần 1)

KS Phan Anh Dũng (Huế, Việt Nam)
Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Úc)

Lịch sử hình thành tiếng Việt bao gồm nhiều giai đoạn đặc biệt, phản ánh giao lưu ngôn ngữ vùng cũng như lịch sử phát triển dân tộc qua nhiều thời kỳ: từ khi giành lại độc lập từ phương Bắc và khai phá vùng đất phương Nam (Nam Tiến). Phần này chú trọng vào phạm trù nghĩa của cụm danh từ "mực tàu" và khuynh hướng thay đổi nghĩa trong văn bản Hán, Nôm và chữ quốc ngữ hiện nay.