29032024Fri
Last updateWed, 27 Mar 2024 8pm

Nhật Chiêu - "Đứa con hoang" của văn chương Nam Bộ

         Trong những nhà văn gốc Nam Bộ, Nhật Chiêu là dân Nam Bộ chính hiệu. Anh sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nên Nhật Chiêu là một nhà văn Nam Bộ “thuần chủng” không hề có sự pha tạp nào. Nhưng Nhật Chiêu là một nhà văn Nam Bộ khá lạ lùng. Lạ lùng ở chỗ, là người Nam Bộ nhưng văn chương của Nhật Chiêu không hề mang chút hơi hướm nào của văn chương Nam Bộ từ trong cốt cách, trong nội dung và hình thức biểu đạt của nó. Vì vậy, có thế nói, Nhật Chiêu là “đứa con hoang” của văn chương Nam Bộ.

         Không như những nhà văn Nam Bộ khác, khi viết văn thường ít dụng công chăm chút cho tính mỹ cảm của văn chương mà viết văn cốt để trình bày tư tưởng, tình cảm chân mộc của mình vốn là bản sắc văn hóa của cư dân Nam Bộ, Nhật Chiêu là người đi đến tận cùng cái đẹp. Cái đẹp trong văn chương và cái đẹp trong cuộc đời. Những trang văn của anh bao giờ cũng là hiện thân của cái đẹp. Một tình yêu đẹp, một phong cảnh đẹp, một nỗi cô độc đẹp, một niềm hạnh phúc đẹp… Vì vậy, có thể nói anh là con người của chủ nghĩa duy mỹ và duy cảm. Nhưng không phải là một thứ duy mỹ và duy cảm cực đoan và xa rời đời sống. Ngược lại, đó là một chủ nghĩa duy cảm và duy mỹ luôn gắn  với nhân sinh, là cái đích mà con người hướng đến để tự thanh lọc mình trước những cái xấu xa, thấp hèn đang đầy rẫy trong cuộc sống hôm nay. Chính vì vậy, đọc văn Nhật Chiêu, nhà văn Hồ Anh Thái cho rằng: “Đọc truyện đời mà dấn dần trôi vào cõi huyền ảo. Phảng phất men say. Độc giả nào chợt thấy chơi vơi chuếnh choáng có lẽ cũng không lấy gì làm lạ... Nếu bạn thấy thế giới ấy chập chờn viễn vông, xin lưu ý rằng có thể đây là một điều hàm ngụ. Nếu chỉ đơn giản là bạn thấy nó đẹp thì tôi tin đó là cái đích mà tác giả Nhật Chiêu hướng đến.” (1)

        Vâng! lời chia sẻ của nhà văn Hồ Anh Thái về văn chương Nhật Chiêu quả không đại ngôn tí nào. Ta hãy cùng khám phá những diễn ngôn anh biểu đạt để thấy vẻ đẹp ấy hiện ra lấp lánh như thế nào trong văn chương của Nhật Chiêu. Đây là vẻ đẹp thân thể của một người đàn bà được anh cảm nhận bằng tất cả cảm xúc của sự thăng hoa trong tình yêu mà không phải khi yêu, ai cũng có sự cảm nhận tinh tế ấy. Đó là sự cảm nhận vừa trần tục lại vừa thánh thiện, thanh khiết. Cái thanh khiết chỉ có ở những tình yêu đẹp, tâm hồn đẹp và của một sự tận hiến cho cái đẹp.  Anh Viết: “Nệm vẫn còn vết trũng và hơi ấm do thân thể nàng để lại. Gối vẫn còn phảng phất mùi hương nguyệt quế của tóc nàng. Ta nhẹ ướm mình vào vết trũng đó, hơi ấm đó, mùi hương đó, ướm mình vào sự vắng mặt nồng nàn đó. Ta mơn trớn hình dáng của sự vắng mặt trong tiếc nuối. Giá nàng còn nằm lại! Ta thích ân ái lần nữa trước khi sương tan, trước khi nắng lên và trong tiếng hót của chim rừng.” (2)

     Viết về tình yêu và sự ân ái say đắm, nồng nàn trong tình yêu bằng những lời văn mượt mà, óng ả như tơ trời, mênh mông như sương khói, lãng đãng như hoàng hôn và đam mê, quyến rũ khi đêm về... nếu không có thiên năng và một tâm hồn đa cảm luôn hướng về cái đẹp vừa rất CON nhưng cũng rất NGƯỜI ấy, không phải nhà văn nào cũng thể hiện được. Nhìn vào thực trạng đời sống văn học khi vẫn còn những trang văn miêu tả cảnh làm tình nhầy nhụa nhằm đánh vào thị hiếu thấp hèn của một bộ phận người đọc mà chúng ta không khó lắm để tìm thấy trong đời sống văn học hôm nay, chúng ta mới thấy trân qúi những trang văn đẹp và quyến rũ như thế của Nhật Chiêu.

      Tình yêu trong văn chương của Nhật Chiêu là tình yêu đẹp, ở đó luôn có sự kết hợp hài hòa giữa “Hoan lạc. Âm nhạc. Phiêu bạt...” (3) của cả một đời người chứ không chỉ là những khoảnh khắc thoáng qua theo kiểu tình một đêm của những kẻ hãnh tiến núp mình ở các công sở hoặc kẻ lắm tiền nhiều của muốn tìm cảm giác lạ, đầy bản năng để thỏa mãn dục vọng thấp hèn của mình mà ta thấy đầy rẫy trong đời sống của xã hội được mệnh danh là hiện đại hôm nay.

      Yếu tính của văn chương bao giờ cũng hướng đến cái đẹp. Đọc văn Nhật Chiêu ta không chỉ thấy hiện hữu cái đẹp trong tình yêu của con người mà còn thấy hiện lên vẻ đẹp của thiên nhiên, một thiên nhiên thấm đượm triết lý phương Đông mà anh đã cảm nhận bằng tất cả sự uyên áo và tinh tế. Vì vậy, thiên nhiên trong văn của Nhật Chiêu bao giờ cũng mang nặng yếu tố tâm linh, luôn gắn với cảm thức nhân sinh mà ta ít bắt gặp nơi những trang văn của các nhà văn Nam Bộ khác. Đó là một thiên nhiên đầy mặc khải, huyễn hoặc và thanh sạch của một “Cao nguyên duỗi mình tắm mưa. Nhưng vườn cà phê mà nàng vừa rời xa hẳn đang náo nức hân hoan trong cuộc tắm táp tinh khôi vì mưa xuân đã đến. Mưa xuân rơi trên cây dương liễu, trên cây phượng tím bên ngoài của sổ. Mưa xuân rơi rơi trên giấc ngủ của nàng.” (4) Thật là một hình ảnh huyền ảo và đẹp đến lạ lùng, thể hiện trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Và sự tưởng tượng ấy lại chắp cánh cho sự liên tưởng của anh bay cao bay xa như những giấc mơ “Và nàng tự hỏi dương liễu đi đâu vậy? Mà tại sao đi nhanh đến thế với những lồng đèn đỏ đong đưa? Cứ thế, đong đưa như những lồng đèn đỏ trong mưa. Dáng dấp muộn phiền u uất, cây dương liễu cứ đi... Rồi dương liễu mờ khuất sau dốc đồi xanh ngắt thông, sau vài khối đá tảng, những hình khối đá đứng bơ vơ không biết làm gì, đứng đấy một cách trừu tượng mơ hồ” (5). Còn đây là một cảnh đẹp của thiên nhiên gắn với những hoài niệm của con người mà khi đọc lên lòng ta không khỏi thảng thốt “Qua khỏi cơn mưa nhẹ, với muôn vàn sợi tơ mưa mỏng giăng trong nắng, với mặt trời chín ửng như một quả hồng đang lơ lững bên kia đồi, ta bước vào xứ sở của những ngọn đồi.  (...) Không ta không chọn một ngọn đồi mà ta đang buông mình vào dòng hoài niệm, vào lần đầu tiên ta đặt chân vào xứ sở của những ngọn đồi, xứ sở của những cầu vồng xanh.” (6) Hoặc “Ta đang đi. Nhưng có phải ta bước đi đâu? Đó là bước chân của nắng tắt. Đang tự mình hóa đêm. Đó là bước chân của cỏ. Nhẹ đi trong u huyền” (7)

   Và cái đẹp trong thiên nhiên của văn Nhật Chiêu, còn là cái đẹp luôn ẩn chứa những triết lý nhân sinh mà anh cảm nhận thật tinh tế “Trong một giọt sương, nàng cảm thấy cũng có ký ức của bầu trời xanh” ( 8) Và đó cũng là cái đẹp của nỗi cô đơn vốn là căn tính của hửu thể mà con người không thể nào vượt thoát khỏi sự cô đơn ấy cho dẫu đó là sự vượt thoát đầy “lãng mạn” và “huyễn hoặc” của những người tự cho mình có trái tim sắt đá. Ta hãy nghe anh chia sẻ: “Giá như một lần, tôi có thể đi vào giấc ngủ ấy, cái thế giới trống rỗng không có gì ấy. Trong cái nhà tù hư vô ấy, chỉ có bóng tối.”(9). Đây là nỗi cô đơn của một tâm thức hiện sinh mà nếu không có sự trải nghiệm nhà văn khó có thể viết được những câu văn tự vấn đầy khắc khoải như thế!? Không chỉ có con người cô đơn trong cõi hư vô mà cảnh vật cũng chìm trong nỗi cô đơn ấy “Những cái tháp chỉ còn chứa đựng hư vô. Ngàn năm còn lại mấy bình hư vô” (10) . Văn đẹp như những bài thơ!

        Văn chương Nhật Chiêu là một thứ văn chương hướng thiện, có khả năng làm thanh sạch tâm hồn con người. Văn chương ấy không phải ai viết cũng được, nếu người cầm bút không có thiên lương và không có tình yêu đối với cái đẹp một cách thanh sạch. Song văn chương Nhật Chiêu không chỉ ẩn chứa cái đẹp mà còn ẩn chứa trong đó những giá trị mang tính triết luận; một thứ triết luận vừa trí tuệ lại vừa đẹp, vừa gần gụi lại vừa xa xôi, vừa hiện thực lại vừa huyền ảo. Đó là một thứ văn chương ẩn chứa nhiều giá trị triết lý nhân sinh mà trong đó có sự hôn phối diệu kỳ giữa triết học phương Đông và phương Tây. Điều mà ta hiếm thấy trong văn chương của các nhà văn Nam Bộ như: Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo... thậm chí cả những nhà văn trẻ sau nầy như Nguyễn Ngọc Tư…

            Chất triết lý ấy ẩn chứa rất nhiều trong tập truyện ngắn Mưa mặt nạ và tập truyện tuyệt ngắn và truyện một câu Lời tiên tri của giọt sương, thể loại sở trường của Nhật Chiêu. Như ở truyện Cuối cùng và đầu tiên, người con gái cuối cùng còn sống sót sau cơn đại hồng thủy trên một con thuyền với người đàn ông lạ, lại là người con gái đầu tiên của cái xã hội loài người đó trong vài trăm năm sau. Xem ra ở đời, cuộc sống vốn vô thường là thế!? Không có cái gì là đầu tiên và cũng không có gì là cuối cùng. Ai tin vào cái đầu tiên và cuối cùng, có lẽ chỉ là những chú cừu lẩn thẩn trong sa mạc hoang vắng. Vì vậy, những gì gọi là đầu tiên và cuối cùng trong cuộc đời, nhiều khi chỉ là những vấn đề có tính ý niệm về mặt triết học như những gì diễn ra trong câu chuyện cực ngắn nầy!? Còn ở truyện Tiểu thuyết trinh thám lại là một ngụ ngôn triết học độc đáo và sâu sắc về việc tìm kiếm bản thể của con người. Đó là một cuộc tìm kiếm vô vọng... Bởi, con người luôn là một vũ trụ đầy bí ẩn mà chúng ta không thể nào hiểu hết được. Và các truyện Bức Tranh, Tề vật luận, Thế giới ảo, Gương, Tên trộm, Chiếc nhẫn, Cá du, Một cách lễ độ, Hang tối, Thú lạ, Quần áo không vua... cũng là những câu chuyện chuyên chở trong nó những ý niệm triết học rất sâu sắc và thú vị. Song tính triết luận trong văn chương của Nhật Chiêu không chỉ thể hiện trong những câu chuyện mang ý vị triết học như đã dẫn ra ở trên mà đặc biệt còn được thể hiện trong những diễn ngôn của anh trong tác phẩm. Đặc điểm này đã làm nên một thứ hương vị và nhan sắc riêng của văn chương Nhật Chiêu, cái mà các nhà lý luận văn học gọi là phong cách, là cá tính sáng tạo.

        Đọc một số tác phẩm của anh như Mưa mặt nạ, Lời tiên tri của giọt sương, Viết tên trên nước, Đi dưới mưa hồng... ta luôn bắt gặp những diễn ngôn ẩn chứa tính chất triết lý sâu sắc làm ta thích thú đến bất ngờ. Đó cũng là cái duyên riêng có của văn chương Nhật Chiêu so với các nhà văn Nam Bộ khác. Và đây cũng là một yếu tố cho thấy anh là “đứa con hoang” của văn chương Nam Bộ. Do ảnh hưởng của tính chất địa văn hóa, người Nam bộ vốn sống thoải mái, nhìn thoải mái, nghĩ thoải mái, nói thoải mái, chứ ít khi châu mày triết lý cao siêu như người Bắc Bộ. Vậy mà, đọc văn Nhật Chiêu, mặc dầu, anh vẫn nói thoải mái, nghĩ thoải mái nhưng đó là sự thoải mái của một trái tim rất nóng và cái đầu rất lạnh, nên văn anh luôn thể hiện một độ chín tư duy và chiều sâu tâm hồn. Và điều đó tan chảy trong văn của anh một cách tự nhiên, không kiểu cách hay làm dáng “triết gia” gì cả. Đây cũng là điều tôi rất thích thú và bị quyến rũ khi lạc vào thế giới văn chương của Nhật Chiêu. Bạn hãy đọc những diễn ngôn sau đây để thấy rõ hơn điều đó.

      Trong Mê cung, khi nói về việc tìm con đường thoát khỏi mê cung của chính mình, Nhật Chiêu đã để cho nhân vật tự thú bằng một câu đầy chất triết luận: “Với em cũng thế. Làm thế nào em thoát khỏi chính em, thoát khỏi mọi hệ lụy của mình” (11) Còn trong truyện Ao, cũng có những câu đầy tính triết luận nói về cái đẹp của lao động sáng tạo nghệ thuật: “Khi nhào trộn đất thó làm bình, thì anh cũng nhào trộn cả hư không trong lòng bình, cả bài ca anh hát bằng giọng điệu của người cô độc.” (12) Hay ở truyện Viết tên trên nước, có những câu mà tính triết luận gợi ra cho ta nhiều ngẫm ngợi về kiếp nhân sinh: “Tôi theo đuổi kẻ theo đuổi tôi. Nghe nói chính cái bóng của tôi đang bị theo đuổi. Đó chính là cái dấu tích duy nhất của tôi.” (13) Còn đây là những câu không chỉ có tính triết luận mà còn là những hình tượng văn học mang tính triết lý về những điều làm ta đớn đau trước những cái thật /giả, giả / thật đang hiện hữu trên sân khấu cuộc đời như một thứ giá trị ảo được che đậy bởi những chiếc mặt nạ có khă năng đánh lừa con người  mà Nhật Chiêu miêu tả: “Dân làng tranh nhau nhặt mặt nạ và biết đâu, mặt nạ cũng tranh nhau nhặt con người, dưới cơn mưa ảo, dân làng tranh nhau nhặt cái ảo như thể đang nhặt vàng, nhặt bạc, như thể đang nhặt lên những giấc mơ, những khát vọng, những mảnh vụn của bóng tối trong đáy sâu tâm thức, hoặc đang nhặt những cơn điên, những phiêu lưu vô định. Có vô số mặt nạ... có cả mặt nạ của mặt nạ, mặt nạ của hư không, mặt nạ của chân lý, mặt nạ của giải thoát...” (14) Có thể nói tính chất triết luận trong văn chương của Nhật Chiêu đã trở thành một cảm hứng trong cá tính sáng tạo của Anh. Cá tính ấy là sự kết tinh của quá trình nghiệm sinh và một kiến thức triết học Đông Tây mà anh đã tiếp nhận và thấu cảm được trong hành trình sống của mình. Anh quan niệm:“Bản chất của văn chương cũng giống như mộng tưởng vậy, đó là thế giới của “Cái có thể”, chứ không phải là thế giới của cái đúng tuyệt đối hay cái sai tuyệt đối. Đọc văn chương là được khám phá cái có thể ấy.” (15). Đây cũng là một quan niệm văn chương nhuốm màu triết học. Đó là một loại văn chương mang chở tư tưởng nhân văn cao cả chứ không phải là thứ văn chương tả tình, tả cảnh đơn thuần, dễ dãi trên các trang sách đang bày bán tràn lan ở các “chợ văn chương”. Và nói như người xưa đó là loại văn chương “đáng thờ”. Theo tôi, văn chương không có tư tưởng là loại văn chương không có tương lai, là loại văn chương đoản mệnh. Bởi lẽ, nó không bao giờ là sự chọn lựa của nhân loại. Văn chương của Nhật Chiêu là một loại văn chương thấm đượm khá sâu sắc tư tưởng triết học trên nền tảng của các giá trị nhân bản nên nó là văn chương của tương lai...

     Một điều cũng dễ nhận thấy trong văn chương của Nhật Chiêu luôn khác biệt với các nhà văn Nam Bộ khác, đó là, trong tác phẩm của anh gần như rất ít sử dụng phương ngữ Nam Bộ, điều mà chúng ta rất thường gặp trong văn chương của các nhà văn Nam Bộ khác kể cả những văn tài như Nguyễn Ngọc Tư. Lý giải điều này thật không đơn giản và cần có một công trình nghiên cứu khác về anh. Song theo chúng tôi, có lẽ do Nhật Chiêu sinh trưởng ở Sài Gòn, nơi giao lưu của nhiều nền văn hóa cộng với ảnh hưởng của lối sống đô thị phải giao tiếp hàng ngày với nhiều người ở các miền khác nhau nên anh luôn có ý thức dùng ngôn ngữ phổ thông. Phải chăng, vì thế, ngôn ngữ văn chương của anh gần như không có phương ngữ Nam Bộ.

    Một điều cũng cần nói đến trong văn chương của Nhật Chiêu đã góp phần tạo nên một Nhật Chiêu Nam Bộ trong đời sống mà lại không Nam Bộ trong văn chương đó là tính hiện đại trong tác phẩm của Anh. Hầu hết các truyện ngắn của anh rất ngắn, kết cấu rất lạ theo kiểu kết cấu của truyện ngắn phương Tây chứ không theo lối kết cấu truyền thống. Mỗi truyện ngắn của anh luôn dồn nén về cảm xúc và tư tưởng như một bài thơ Hai ku của Nhật Bản, một thể loại thơ mà anh rất am hiểu. Có thể nói văn chương của Nhật Chiêu là sự hóa thân diệu kỳ giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại. Đây cũng là điều khác biệt của anh so với các nhà văn Nam Bộ khác. Và điều này càng xác tín vấn đề mà người viết đặt ra: Nhật Chiêu là “đứa con hoang” của văn chương Nam Bộ. Sự khác lạ của văn chương Nhật Chiêu đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho văn chương Nam Bộ, làm cho nó trở nên đa thanh, đa giọng điệu, đa sắc màu, tạo thêm sự hấp dẫn nơi người đọc. Vì vậy, dù là “đứa con hoang” của văn chương Nam Bộ nhưng Nhật Chiêu không phải là một nghịch tử mà là một quí tử. Văn chương Nhật Chiêu đã góp một tiếng nói riêng làm rạng rỡ cho nền văn chương Nam Bộ. Đặc biệt, Văn chương Nhật Chiêu đã thức nhận cho người đọc một cách nhìn mới, cách nghĩ mới về văn chương Nam Bộ. Đó không chỉ là thứ văn chương vui chơi, dễ dãi, ít dụng công trong nghệ thuật viết văn như người ta vốn nghĩ mà còn có một thứ văn chương buộc người ta phải ngẫm ngợi về những lẽ được mất của nỗi đau phận người. Bởi nói như Alfred de Muset: “Không gì làm cho con người trở nên lớn lao hơn là một nỗi đau thương lớn”. Đây phải chăng là thông điệp trong văn chương của Anh và cũng là một đóng góp quan trọng của Nhật Chiêu vào nền văn chương Nam Bộ nói riêng và văn chương dân tộc nói chung...

 

Chú Thích:

 

   (1)  Nhật Chiêu, Viết tên trên nước, Nxb. Thanh niên 2010, lời giới thiệu của Hồ Anh Thái ở bìa 4,

 (2) (3) (4) (5) ( 6) ( 7) ( 8) (9) (10) (11) (12) (13), Nhật Chiêu, Viết tên trên nước, Nxb. Thanh niên 2010, tr.6, tr. 7, tr.22, tr. 22, tr.46, tr. 47, tr.37, tr.37, tr. 26, tr.9, tr. 30, tr.18

(14) Nhật Chiêu, Mưa mặt nạ, Nxb. Văn nghệ, 2008, tr. 6

 (15) Nhật Chiêu, Đi dưới mưa hồng, Nxb. Văn nghệ, 2007, tr.8

Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=20772