Ngày tôi sinh, với tác phẩm thơ phản chiến Chiến tranh Việt Nam và tôi (1972) ông đã danh nổi như cồn. Nhưng ngay cả cái tập thơ trứ danh đó, lớn lên tôi cũng chỉ đọc bài được, bài mất, chưa bao giờ được cầm trên tay nguyên tập. Thơ cũng như người, Nguyễn Bắc Sơn là của…chế độ cũ. Một thời gian dài ông vẫn sống nhưng không tồn tại, nghĩa là suốt ngày rong chơi nhưng cứ phải giấu giấu giếm giếm, phù du đâu đó trong trí nhớ và sự ngưỡng mộ, yêu mến của bạn bè, người yêu thơ, trong đó có tôi.
Thì đã làm sao? Cái thời mới lớn, nói nghiêm túc về một vấn đề không nghiêm túc, thơ Nguyễn Bắc Sơn đã chất đầy trong hành trang tán gái của tôi và nhiều gã trai khác. Thơ ông có những câu bình dị mà ấm áp, đẹp đến nhức lòng:
Ở Ðà Lạt, ngoài khung cửa kính
Giàn su xanh thở ấm má em hồng
Và tôi, kẻ mười năm không áo lạnh
Biết đời mình đủ ấm hay không?
Ở Ðà Lạt ta tha hồ cuốc đất
Và tha hồ ẩn hiện giữa ngàn cây
Sẽ đi tìm cây cần trúc nhỏ
Ra hồ ngồi, câu đá câu mây…
Mê thơ, nhưng mãi đến năm 1989, khi có một thời gian ngắn trọ học ở Phan Thiết, tôi mới có dịp gặp người. Gặp thôi, không quen. Phải lòng những câu thơ thổn thức, gã trai mới lớn là tôi dứt khoát sắp xếp thì giờ để đi, đến và gặp cho bằng được hai biểu tượng thi ca đang ẩn dật đâu đó giữa đất trời Phan Thiết mặn mòi mùi gió biển. Một là Mộng Cầm nữ sĩ – nàng thơ của Hàn Mặc Tử - bà chủ quán chè nhỏ bé lọt thỏm trong xóm lao động nghèo Hưng Long nằm ngay mép biển. Hồi đó, bà Mộng Cầm đã ngoài thất thập. Bà vẫn tự tay nấu chè nhưng không mấy khi đứng bán. Tôi và lũ bạn không lấy đó làm buồn. Dù sao thì cái lúm đồng tiền và chiếc răng khểnh của cô hàng nước không biết tên, cháu gái nữ sĩ một thời cũng hay hay, rất ưa nhìn.
Người thứ hai, dĩ nhiên là Nguyễn Bắc Sơn, gã nhà thơ kiêu bạc nhất Việt Nam mà tôi từng nghe danh, hình hài đã già nhưng tuổi thì chưa nhiều mấy... Ở Đồi Dương hôm đó, Nguyễn Bắc Sơn đang say, đang rượt đuổi một gã nào đó to như hộ pháp, râu ria xồm xoàm. Thơ cũng giống như món nợ, đuổi thì người ta chạy chứ sợ hay thua thì chắc là không, tôi đoán thế. Bởi lẽ, nhà thơ là người lẻo khoẻo, râu ria lém đém. Nói chung là vừa đủ cho tôi hơi thất vọng. Trước đó, đọc thơ, tôi cứ nghĩ ông là một tráng sĩ lừng lững, ngang tàng. Không ngang tàng, sao viết được thế này:
Những hào sĩ đứng bên bờ nhật nguyệt
Vỗ tay cười khinh lớp sóng lô nhô.
Sau này, đi viết, ra Phan Thiết thường xuyên, tôi gặp, ngồi quán chung với ông nhiều lần. Lần nào ông cũng bảo: “Tụi mày là Trung ương, về địa phương muốn bắn thì mang theo đạn. Tụi tao chỉ dọn bãi”. Nói vậy thôi, chứ gặp nhau, ông chỉ uống một ly cà phê đen, chẳng bia rượu hay nhậu nhẹt gì. Chục lần như một, bất kể sáng chiều, cứ gặp là tôi thấy ông đã say trước. Bảo say là vì mặt ông vừa đỏ vừa tái, đi chân nam đá chân chiêu, chứ trước đó có uống hay không thì thật tình tôi không biết.
Gặp nhau, ông toàn nói chuyện tào lao, chẳng kể gì về đời mình, dù trước mặt ông là một tôi chân thành ngưỡng mộ. Cơ hồ muốn tâm sự điều gì, ông đã gửi hết vào thơ. Như tự nhận: “Ta đọc ba ngàn quyển sách/ Xong rồi chẳng nhớ điều chi”, ông coi sách vở “như lá mít”, luôn tự nhạo báng mình là vô dụng. Tôi chẳng thấy ông làm gì cả, suốt ngày rong chơi, đi đâu không ai biết, về đâu không ai hay hoặc chỉ “ngồi khua ly trong quán cô hồn” để tự nhấm nháp “cái ngu đần của kẻ thông minh” mà ưu thời mẫn thế. Ông tự trào: “Bậc thánh triết là những tay biếng nhác/ Sống khề khà quanh bữa tiệc nhân sinh”. Khi vui hoặc cao hứng, ông không làm thơ mà buông vài tiếng… chửi thề. Vậy là qua ngày.
Thạo chữ Hán, rành Anh Văn, Pháp Văn, giỏi võ, am hiểu đông y, ông làm thơ đau đời rồi bốc thuốc xoa dịu nỗi đau đời. Lớn lên, chưa kịp thỏa hùng tâm tráng chí, Nguyễn Bắc Sơn đã bị bắt lính, trở thành một binh nhì địa phương quân. Bi kịch ở chỗ, cụ thân sinh của ông lại tham gia Cách mạng, đã đi hết hai mùa kháng chiến. Năm 1976 cụ về hưu với cấp bậc Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam khi đang là Phó Chủ nhiệm Chính trị Khu 6. Cảm thức cô độc, chán ghét, thậm chí tuyệt vọng về sự phi nghĩa, vô nghĩa của cuộc chiến và màu áo lính Cộng hòa, Nguyễn Bắc Sơn trút hết vào thơ.
Ông viết:
Lỡ mai đụng độ ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Bỏ tiền mua vội một ngày vui
Tập “Chiến tranh Việt Nam và tôi” rặt một giọng đập phá, vô chính phủ, bi quan cười cợt mọi giáo điều hay sự tung hô, nhưng vẫn đẫm tình thương với con người đã đưa tên tuổi Nguyễn Bắc Sơn lên thành một hiện tượng lạ, hiếm hoi, đầy kiêu bạc của thơ ca miền Nam trước 1975. Bởi, nỗi niềm của ông cũng là tiếng thở dài của một thế hệ thanh niên miền Nam đang tuyệt vọng với rằn ri đời lính, cha con, bè bạn gầm gừ chĩa súng vào nhau:
Lũ chúng ta sống đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Thua ông gần 30 tuổi – Nguyễn Bắc Sơn sinh năm 1944 - nhưng may mắn tôi được ông xem như một người bạn vong niên. Bài viết của tôi ông đọc khá nhiều, nhất là những bài báo có liên quan đến nắng gió Phan Thiết hoặc con người toàn xứ “ma Bình Thuận”. Một lần, có việc đang đi chung với nhà văn Hồ Việt Khuê, nhà báo Phương Nam, tôi bất ngờ bị ông đang ngồi cà phê với các anh Hà Thanh Tú, Huỳnh Thanh….của báo Bình Thuận - chặn ngay đầu cầu Trần Hưng Đạo. Kéo riêng tôi ra một khoảng xa, đứng ngay giữa đường, bộ mặt rất quan trọng, nhà thơ dấm dẳn: “Hồng Lam, mày đi nhiều, để anh chỉ cho mày một tuyệt chiêu phòng thân. Khỏi cần dao súng gì, mày cứ chơi chiêu này là chắc cú…”.
Trong tay đang cầm một chiếc túi vải kéo giải rút đầu miệng, Nguyễn Bắc Sơn lập tức quật mạnh ba nhát vào ngực tôi. Tôi….gục ngay giữa đường, đau lịm cả người, hoa cả mắt. Gượng tỉnh, bung nút áo, tôi thấy ngực mình hằn sâu ba vết, mép thâm tím và ứa máu. Trời ạ, tuyệt chiêu của gã nhà thơ – giang hồ già là ba cái…ổ khóa Viro bằng đồng nặng trịch bỏ trong túi dết giộng thẳng vào ngực gã đàn em giang hồ - là tôi - một cách không thương tiếc. Không đề phòng, hôm đó tôi lãnh đủ! Còn may, ông mới thử vô ngực chứ không thử hàm răng hay khuôn mặt. Nguyễn Bắc Sơn cực điên những khi rất tỉnh, có việc gì mà ông chẳng dám làm!
Năm 1998, tôi ra tìm cuốn “300 năm Phan Thiết” làm tư liệu. Sách đã phát hành trước đó hai năm nên cả ở Sở VHTT lẫn báo Bình Thuận cũng chẳng ai còn cuốn nào dư để cho tôi. Nguyễn Bắc Sơn bảo: “Sao mày không hỏi anh. Dễ ợt, theo anh về nhà, anh lấy cho”. Dẫn tôi đến trước một căn nhà gỗ, nhỏ nhưng gọn gàng, nằm nép bên một động cát phía sau trường Dục Thanh, Nguyễn Bắc Sơn điềm nhiên đẩy cánh cổng bằng gỗ đã bong sơn mời tôi vào. Trong khi tôi đang đứng quan sát một vòng, anh điềm nhiên mở nốt cánh cửa nhà không khóa, vào thẳng giá sách, không cần tìm mà rút ngay cuốn sách tôi cần, bảo: “Bỏ vô cặp liền đi”.
Không hiểu ý, tôi điềm nhiên lật vài trang sách, xem ngay tại chỗ. Nguyễn Bắc Sơn không buồn mời trà pha nước gì cả, cứ giục hoắng củ tỏi: “ Cất đi. Đi lẹ lên!”. Rồi chụp tay tôi, ông già nhỏ thó lôi xềnh xệch ra cửa như ma đuổi. Chưa đến cửa thì một phụ nữ đứng tuổi bước vào, đon đả chào: “Anh Sơn lâu mới lại chơi hí? Chú em đây là…?”.
Rất kỳ quặc, Nguyễn Bắc Sơn vẹt chị phụ nữ sang một bên, kéo tôi lách nhanh qua cửa, giục: “Chạy (xe) đi!”. Không hiểu gì sất, tôi nổ máy, ông nhà thơ già tót ngay lên sau yên…
Quay lại quán cà phê, kể cho các nhà văn đàn anh là Hồ Việt Khuê và Lê Nguyên Ngữ nghe, hai ông anh cười ngất. Anh Ngữ bảo: “Cha Sơn vừa đưa mày đi ăn cắp sách đó. Chả làm gì có nhà. Hồi nãy, anh em mày vừa vào nhà ...Nguyễn Như Mây (nhà văn, có thời là chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Thuận). May mà vợ nó không la làng lên, không thì mày chết!”
Tôi nghe suýt ngất, chỉ mong đất nứt cho mình độn thổ. Nhìn sang, lão tiền bối Nguyễn Bắc Sơn, mặt không chút hối hận, nói tỉnh bơ: “Ừ, thì nhà thằng Mây. Nhà ai kệ nó chớ. Mày cần sách thì cứ lấy mà đọc. Để đó nó mục, uổng, có ai đọc đâu!”
Hồn nhiên, Nguyễn Bắc Sơn cứ sống rong rêu như cái bóng của mình. Sau 1975, ông không sáng tác thêm được bao nhiêu. Thơ ông thuộc vể ngày cũ. Đời ông thuộc về miền hoang vắng. Nhưng bạn bè, người yêu thơ chưa bao giờ quên ông. Nguyễn Bắc Sơn thuộc tuýp nghệ sĩ tác phẩm không nhiều nhưng giai thoại không ít. Ông sống lẫn lộn giữa hiện tại và quá khứ, giữa hoài niệm trong veo và thực tại đua chen, giữa hư và thực. Rất nhiều năm, như một người thừa không thể thiếu.
Mười năm nay, tôi ít ghé lại Phan Thiết. Tôi cũng hầu như không gặp ông, chỉ thỉnh thoảng hỏi thăm qua anh em văn nghệ, nghe về ông qua một vài giai thoại mới. Từ cơn đau tim thi ca, khi tuổi lớn, đời ông chuyển dần sang cơn đau tim bệnh lý. Những giai thoại nhạt dần, lịm dần, thoi thóp. Và đến sáng mùng 4-8-2015, tôi nghe tin ông đã về cõi tiêu diêu....
Chợt nhớ ra, chơi với ông bảo nhiêu năm, tôi cũng chẳng còn giữ được tấm ảnh nào chụp chung cùng ông cả. Hình như cứ phải có ai đó ra đi, có gì đó mất mát, người ta mới nhận ra mình là kẻ vô tâm...
Ừ thôi, đã nhạt một kiếp người. Muốn đọc lại vài câu thơ ông viết, không hiểu sao tôi chẳng nhớ được gì khác ngoài duy nhất những câu trong bài “Bỏ xứ”. Cơ hồ trong đó, thơ ông đã soạn sẵn lời giã biệt:
Kỳ lạ nhỉ, giờ đây ta bỏ xứ
Theo trái phong du níu gió lên trời
Xin bái biệt cổ thành với nhà ga hoang không thiết lộ
Khói của chòi rơm, bãi cát trăng soi.
Đi nhé, anh Sơn! Xin chào nhé, một tâm hồn hoang vắng!
4-8-2015
Nguồn: Văn nghệ Công an số 254(354) (17.8 đến 7.9.2015)