06122024Fri
Last updateMon, 02 Dec 2024 10am

Đối chiếu một số loại câu đồng nghĩa giữa tiếng Việt và tiếng Anh

Chao         1.Khi nghiên cứu về nghĩa, trên phương diện từ vựng người ta chú ý đến những kiểu quan hệ ngữ nghĩa như: đồng nghĩa, trái nghĩa, đồng âm v.v…. Trên phương diện cú pháp cũng có những vấn đề tương tự: có những câu với cùng một hình thức từ ngữ nhưng lại được hiểu theo những nghĩa khác nhau, đó là những câu mơ hồ. Lại có những câu có hình thức khác nhau nhưng lại diễn đạt cùng một nội dung, cùng chỉ một đối tượng, một sự tình v.v… đó là những câu đồng nghĩa (paraphrase). Việc nghiên cứu vấn đề câu đồng nghĩa (CĐN) sẽ góp phần nghiên cứu một cách có hệ thống các quan hệ ngữ nghĩa – cú pháp, xây dựng các mô hình cú pháp, phát hiện các cấu trúc đồng nghĩa trong các ngôn ngữ phục vụ công tác xử lý dịch tự động văn bản, tóm tắt văn bản, dạy tiếng v.v… Với ý nghĩa đó, bài viết này đề cập đến việc đối chiếu một số loại CĐN của tiếng Việt với tiếng Anh, phát hiện các loại CĐN tương ứng, các cấu trúc đồng nghĩa, sự giống và khác nhau trong việc sử dụng các loại phương tiện và phương thức diễn đạt đồng nghĩa trong hai ngôn ngữ thuộc hai loại hình ngôn ngữ khác nhau.

            2. Nguyên tắc phân loại các loại CĐN. Các bình diện đồng nghĩa của phát ngôn.

            2.1. Nguyên tắc phân loại các CĐN.

            Dựa vào tiêu chí [± lệ thuộc vào tình huống) và CĐN ngữ nghĩa học (không phụ thuộc vào tình huống). Chúng tôi tiến hành đối chiếu 4 loại CĐN ngữ dụng học (4 loại đầu) và 24 loại CĐN ngữ nghĩa học (24 loại sau) giữa tiếng Việt và tiếng Anh. Cơ sở của việc nhận diện các CĐN là dựa vào các định nghĩa về CĐN của R. Martin 1976 [7].

            2.2. Các bình diện đồng nghĩa của phát ngôn.

            Nói đến CĐN là nói đến tính bất biên về nghĩa. Tính bất biến này phản ánh sự giống nhau giữa các phát ngôn về ít nhất một trong những bình diện sau đây: đồng sở chỉ (referent); cùng chỉ một sự tình (state of affairs); đồng nghĩa cấu trúc tham tố (argument/ participant); đồng nghĩa biểu hiện (representation); đồng nghĩa logic ngôn từ (logic – discursive); đồng nghĩa toàn phát ngôn (nghĩa biểu hiện + nghĩa logic ngôn từ); đồng hiệu lực lại lời (illocutionnary effect/ force).

            3. Đối chiếu các loại CĐN ngữ dụng học giữa tiếng Việt và tiếng Anh.

            3.1. Câu đồng nghĩa bởi lối nói mang hàm nghĩa ý hội thoại.

            Định nghĩa: “Pj là một câu đồng nghĩa ngữ dụng học của Pi nếu trong một tình huống nào đó Pj dựa vào cùng ý định với Pi” [R.Martin; 7,82]. Tóm tắt: Trong tình huống S (Pj ó Pi).

            Các hàm ý (conversational implicature) được suy ra dựa trên việc suy luận ra hệ quả logic từ ngữ nghĩa của các từ ngữ trong câu, và căn cứ vào tình huống cụ thể. Ví dụ:

Câu nói                        Hệ quả logic     Tình huống                    Hàm ý

Phòng này có rêu                      ® Rêu trông rất bẩn     ® Người nói muốn thuê nhà     ® Để nghị làm sạch rêu             Hoặc® Tôi không thuê phòng này.

            Trong cùng một tình huống thuê nhà, một câu như (1) “Phòng này có rêu” (mang hàm ý) có thể được nói ra một cách hiển ngôn là (2) “Đề nghị làm sạch rêu” hoặc là một lời từ chối câu(3). “Tôi khôngthuê phòng này nữa”. Vậy câu (1) có thể xem là đồng ý nghĩa với câu (2) hoặc câu (3). Ký hiệu (1) ó (2) hoặc (1) ó (3). Trong tiếng Anh lối nói này cũng rất phổ biến. Ví dụ: This room is mossy (Phòng này có rêu) ® hàm ý: Clean it (Hãy làm sạch rêu đi) v.v…

            3.2. Câu đồng nghĩa bỏi lối nói có hàm ý trong câu điều kiện – kết quả

            Cấu trúc câu điều kiện – kết quả trong tiếng Việt là: [nếu … thì], [hễ… là], [có… mới],v.v… Trong tiếng Anh là: [if A Then B], [B unless A]. Các cấu trúc trên có thể thay thế cho nhau, mặt khác mỗi câu lại có thể có hàm ý. Trong một tình huống, nếu một câu mang hàm ý có thể thay cho một câu hiển ngôn với nghĩa tương đương ứng thì đó là các CĐN. Cơ sở suy ra hàm ý là các quy tắc logic: Modus tollens: (a ® b) º (~ b ® ~ a); Modus ponens: (a ® b) º có a vậy thì có b; qui tắc đặc thù của ngôn ngữ: (a ® b) º (~ a ® ~ b). Ví dụ (1): “Nếu tôi nói dối thì trời sa xuống đất” (a ® b). Suy ý: Không thể có chuyện trời sa xuống đất (~b). Vậy thì hàm ý là: “Tôi không nói dối” (~a) (2). Hàm ý (2) có thể đượcnói ra một cách hiển ngôn. Vậy (1) đồng nghĩa với (2). Ký hiệu (1) ó (2).

            3.3 Câu đồng nghĩa bởi phép thế bằng các danh ngữ đồng sở chỉ.

            Định nghĩa: “Pj là một câu đồng nghĩa dụng (paraphrase pragmatique) của Pi nếu tất yếu phải là từ Pi thì suy ra được Pj nhờ tính đồng nhất về sở chỉ (referent) của các tham tố (arguments) trong hai câu” [R.Martin; 7,82]. Ký hiệu:  (Pj ¬ Pi).

            Đây là những câu có các danh ngữ đồng sở chỉ, cùng diễn đạt một phán đoán nhưng không đồng nghĩa biểu hiện (representation) vì nghĩa của đại từ và danh ngữ mà nó thay thế khác nhau. Cả tiếng Việt và tiếng Anh đều có loại CĐN này. Ví dụ: (1) John/ he looks not very well. (Trông John/ anh ta không được khoẻ). (2) I spent one milion/ all my money. (Tôi đã tiêu hết 1 triệu/ tất cả số tiền của tôi). Nếu “one million” « “all my money” thì hai câu này là hai CĐN ngữ dụng.

             3.4. Câu đồng nghĩa bởi phép thế bằng các danh từ đồng sở chỉ.

            Định nghĩa: “Pj là một câu đồng nghĩa ngữ dụng (paraphrase pragmatique) của Pi, nếu trong cùng một tình huống nào đó Pj đưa tới những sự kiện, hiện tượng hệt như của Pi đưa tới” [R. Martin; 7,82].

            Ví dụ: Ba đã xin lỗi Mai  « Ba đã xin lỗi bạn.

            Tiếng Anh: she drank all my “7up« She drank all my soft drinks. Nếu “Mai” và “bạn”, “7up” và “soft drinks” có cùng sở chỉ thì các cặp câu trên là các cặp CĐN ngữ dụng. Các bình diện [± đồng nghĩa] ở loại CĐN này tương tự như ở loại CĐN bởi phép thế đại từ. Hai tác giả J. R. Hurford và B. Heaslay [5] đã đưa ra hai ví dụ sau: (1)a. Nancy wants to get married when the Morning Star is in the sky. (Nancy muốn cưới lúc có sao Mai xuất hiện trên bầu trời) và b. Nancy wants to get married when the Evening Star is in the sky (Nancy muốn cưới lúc có sao hôm xuất hiện trên bầu trời). Theo hai tác giả trên, tuy “the Morning Star” và “ the Evening Star” cùng chỉ một ngôi sao nhưng “the Morning Star” có ý chỉ buổi sáng còn “the Evening Star” lại có ý chỉ buổi chiều tối, do đó nghĩa của hai cụm từ đó có sự khác nhau và nghĩa của hai câu cũng khác nhau: câu (1a) cho thấy ý định của Nancy là muốn cưới vào buổi sáng, còn ở câu (1b) lại cho thấy Nancy muốn cưới vào buổi tối.

            4. Đối chiếu các loại câu đồng nghĩa ngữ nghĩa học giữa tiếng Việt và tiếng Anh.

            Định nghĩa: “Hai câu Pi và Pj sẽ được coi là có liên hệ đồng nghĩa ngữ nghĩa học (paraphrase semantiqu) nếu đối với mọi người nói và trong mọi tình huống, Pi tương đương với Pj một cách logic (logicquement équivalente). Hoặc: nhất thiết là Pi thì suy ra được Pj và ngược lại. Ký hiệu  (Pi « Pj). [R. Martin; 7,85]. Định nghĩa này là cơ sở để nhận diện tất cả các loại CĐN ngữ nghĩa học.

            4.1 Câu đồng nghĩa bởi phép thế bằng các từ đồng nghĩa.

            Ví dụ: (1)L. Peter goes to Ha Noi by airplane/ craft (L. Peter đi Hà Nội bằng máy bay). (2). Please close/ shut the window (Hãy đóng của sổ lại).

            4.2 Câu đồng nghĩ bởi phép thế bằng dạng chủ định trái nghĩa.

            Tiếng Việt dùng các phủ định từ đặt trước các từ trái nghĩa. Tiếng Anh dùng các phủ định (negative prefixes) như: in – (incorrect = không đúng), un – (unreasonable = vô lý), dis – (dislike = không thích), im – (impossible = không thể), ir – (irregular = không đều đặn),v.v…

            Khi A và B là hai từ trái nghĩa mức độ thì: [không A ³ B] và [không B £  A]. Ví dụ: (3)Rice is inexpensive « (4) Rice is average. Hoặc « Rice is cheap.

            4.3. Câu đồng nghĩa bởi phép thế bằng các từ đảo nghĩa (converse).

            Các cặp từ đảo nghĩa là những cặp từ như: buy (mua) – sell (bán), borrow (mượn) – lend (cho mượn), give (giao, cho) – take (nhận), win (thắng) – lose (thua), teach (dạy) – study (học), own (có, sở hữu) – belong to (thuộc về), parent (cha) – child (con), examiner (giám khảo) – examinee (người thi),v.v…

            Phép thế các từ đảo nghĩa kết hợp với phép đảo cấu trúc cú pháp đề – thuyết (chủ – vị) sẽ tạo ra các cặp câu có quan hệ đồng sở chỉ. Ví dụ: (1) a. Bill bought a chicken from salesman « b. Salesman sold a chicken to bill. (Bill mua con gà của người bán hàng) « Người bán hàng bán con gà cho Bill). (2)a. She had to eat her dinner before she went out « b. She could go out after she ate her dinner « c. She could not go out until she finished her dinner.

            Các cụm từ và cấu trúc so sánh sau trong tiếng Anh có thể diễn đạt tương đương: [“greater than”] – “less than”, [- er than]/ [more …than]]/ […more than], [would rather … than]/ [prefer… to], v.v…

            4.4. Câu đồng nghĩa bởi lối nói vòng.

            Những cặp CĐN loại này có quan hệ đồng sở chỉ. Ví dụ: (1)a. I want to go to London. « b. I want to go the Capital of England. (Tôi muốn đi Luân Đôn. « Tôi muốn đi thủ đô nước Anh). (2) a. The thief killed the old woman. « The thief cause the old woman to die. (Tên trộm giết bà cụ già. « Tên trộm làm cho bà cụ già chết).

            Giữa cụm nói vòng và các từ gốc có quan hệ phái sinh ngữ nghĩa, nhờ đó ta có thể suy ra được sở chỉ của cụm nói vòng là đồng sở chỉ với từ gốc đó mà không cần dựa vào ngữ cảnh hay tình huống giao tiếp.

            4.5. Câu đồng nghĩa bởi việc dùng các danh từ chỉ công cụ.

            Ví dụ: (1)a. Tôi kẻ dòng kẻ bằng cái thước này. « b. Bằng cái thước này tôi kẻ dòng kẻ. « c. Cái thước này kẻ dòng kẻ. (2) Tôi dùng cái thước này kẻ dòng kẻ. (1a) « (1b) « (1c) « (2)Tôi dùng cái thước này kẻ dòng kẻ. (1a) « (1b) « (1c) « (2).

            Trong tiếng Anh cũng có những lối nói tương tự: (3) a. I draw a line with this ruler « b. With this ruler, I draw a line. « c. This  ruler draws  line. (4) I use this ruler to draw a line.

            4.6. Câu đồng nghĩa bởi lối nói có nghĩa bị động.

            Tiếng Việt dùng các từ “bị”, “được”, “do”, “mắc” và đảo cấu trúc cú pháp đề – thuyết so với câu có nghĩa chủ động. Tiếng Anh dùng cấu trúc: [tobe past participle]. Những cặp câu bị động và chủ động tương ứng chỉ có quan hệ đồng sở chỉ, cùng chỉ một sự tình nhưng không đồng nghĩa logic ngôn từ (tức khác nhau về nhận định/ phán đoán vì cấu trúc đề – thuyết/ C – V khác nhau). Ví dụ: (1)a. Tôi đánh hắn. « b. Hắn bị tôi đánh. Tiếng Anh: (2) I strike him « b. He is struck by me.

            4.7. Câu đồng nghĩa bởi lối phủ định kép

            Lối phủ định kép trong tiếng Việt được tạo ra bằng cách dùng liên tiếp hai từ kèm phủ định hoặc từ kèm phủ định và từ trái nghĩa. (Ví dụ: Không thoát khỏi cái chết « Phải chết), hoặc dùng cụm “không phải là” kết hợp với các từ có hình vị có nghĩa phủ định như: phi, vô, bất, v.v… (Ví dụ: Không phải là phi lý. « Có lý). Tiếng Anh dùng các cấu trúc như: [tobe not without], ví dụ (1)a. His anger is reasonable «  b. His anger is not without any reason; [not + prefix negative] (2)a. He likes to watch television. « b. He doesn’t dislike to watch television; [not + antonym], ví dụ (3)a. I have to eat « I can not refuse eating it.

            4.8. Câu đồng nghĩa bởi lối nói khẳng định dùng cấu trúc có từ phiếm chỉ.

            Những cấu trúc khẳng định dùng từ phiếm chỉ trong tiếng Việt là những cấu trúc như: [nào (mà) chẳng], [gì/ ai… mà không/ chẳng/ chả],v.v… Ví dụ (1)a. Lấy ai mà chẳng được. « b. Lấy ai cũng được.

            Để diễn đạt ý khẳng định phiếm chỉ, tiếng Anh có những lối nói khác. Ví dụ: Any day will do. (Ngày nào cũng được). Every body knows May Day is a day off. (Mỗi/ Mọi người biết rằng ngày 1 tháng 5 là ngày nghỉ).

            Có thể nói, trong tiếng Anh  không có loại CĐN tương tự như loại CĐN này của tiếng Việt.

            4.9. Câu đồng nghĩa bởi lối nói bác bỏ dùng cấu trúc có từ phiếm chỉ.

            Trong tiếng Việt lối nói này có cấu trúc: [A + gì/ nào/ thế nào/ sao…]. Ví dụ (1) a. “Chồng gì anh, vợ gì tôi”. « b. Anh không đúng là “chồng tôi”, tôi không đúng là “vợ” anh.

            Tiếng Anh không có lối diễn đạt tương tự như tiếng Việt mà dùng những lối diễn đạt khác. So sánh: Tiếng Việt (2)a. Việc đó thì làm thế nào được/ Việc đó thì sao mà làm được « b. Việc đó thì không thể làm được.(2a) « (2b).

            Tiếng Anh: It’s impossible to do it. (Không thể làm được việc đó). Tiếng Việt: 3 (a). Mai thì ngoan gì « b. Mai không ngoan. Tiếng Anh: dùng trọng âm

            Ví dụ: She’ s nice hay dùng lối phủ định thông thương: She’s not nice, hoặc câu cảm thán: What a nice girl !v.v…

            Như thế, trong tiếng Anh không có lối diễn đạt tương tự như trong tiếng Việt.

            4.10. Câu đồng nghĩa bởi việc dùng các động từ, tính từ có nghĩa đối xứng.

            Vị từ đối xứng là những vị từ như: to marry (cưới), to divorce (ly dị), to join (đi liền với, liên doanh), same (giống), to resemble (tương đồng), simultaneous with (cùng lúc, đồng thời), different (khác), v.v… Để tạo ra các CĐN thì phải đảo cấu trúc cú pháp đề – thuyết. Cả tiếng Việt và tiếng Anh đều có những cấu trúc đồng nghĩa loại này. Chẳng hạn: [X is married to Y] « [Y is married to X], [X is match for / to Y] « [Y is match for/ to X], [X is the same Y] « [Y is the same X], [X is identical to Y] « [Y is identical to X], v.v…

            4.11. Câu đồng nghĩa bở phép thế bằng các danh từ chỉ số lượng, các con số.

            Cả tiếng Việt và tiếng Anh đều có loại CĐN này. Ví dụ: (1)a. Tôi sống ở đây được một năm rồi. « b.Tôi sống ở đây được 12 tháng rồi.(một năm « 12 tháng). Tiếng Anh: (2)a. I have been living here for a year « b. I have been living here for 12 months. (a year « 12 months).

            4.12. Câu đồng nghĩ bởi phép đảo trật tự từ ra trước và sau các liên từ “và”/ “and”, “hay”, “hoặc”/ “or”.

            Ví dụ: (1)a. Tim and Peter are brothers (Tim và Peter là anh em). « b. Peter and Tim are brothers (Peter và Tim là anh em).

            Có những trườp hợp ta không đảo trật tự được. Chẳng hạn khi trỏ sự nối tiếp của hai sự kiện. Ví dụ: Tôi ngủ dậy và ăn sáng ¹ Tôi ăn sáng và ngủ dậy. Khi dùng liên từ “hay”, “hoặc” có khi cũng không đảo được. Chẳng hạn câu: “Tự do hay là chết, chúng ta nhất định thắng”, ta không đảo được thành “Chết hay là tự do” vì câu tương đương với hai lối nói này khác nhau. Lý do: Về logic chúng ta có công thức (a ® b) º (~ a) v b. Do vậy mà: (a v b) º (~ a) ® b. Do đó: Tự do hay là chết « Nếu không có tự do thì sẽ chết. Còn: Chết hay là tự do « Nếu không chết thì sẽ có tự do. [2,62].

            4.13. Câu đồng nghĩa bởi việc dùng đại từ tương hỗ.

            Tiếng Việt dùng đại từ “nhau”, tiếng Anh dùng đại từ “eachother”. Phương thức dùng câu đồng nghĩa là rút gọn và nói gộp. Ví dụ: Bary went out with Tom and Tom went out with Bary « Bary and Tom went out with eachother. (Bary đi ra ngoài với Tom và Tom đi ra ngoài với Bary « Bary và Tom đi ra ngoài với nhau)

            4.14. Câu đồng nghĩa bởi phép danh hoá.

            Phép danh hoá trong tiếng Việt: [sự, việc, cuộc + động từ], trong tiếng Anh: [v + ing]. Trong tiếng Việt, khi hành động (sự tình) được chú ý thì đưa lên làm đề thì động từ được danh hoá. Ví dụ: (1)a. Tôi cần học tiếng Anh. « b. Việc học tiếng Anh của tôi là cần thiết. Và như vậy (1a) « (1b).

            Trong tiếng Anh phép danh hoá có nhiều mục đích:

            a. Diễn đạt ý nghĩa tiếp diễn. Ví dụ: (2)a. I’m learning Vietnamese «. B. My learning Vietnamese is in process. « c. I’m in process of learning Vietnamese.

            b. Diễn đạt thức cầu khiến (subjunctive mood). Ví dụ: (3)a. I demand that you should come « b. I demand your coming. Tiếng Việt không có lối nói như tiếng Anh ở câu (3b): Tôi yêu cầu việc đến của anh (-).

            c.Khi muốn nhấn mạnh đến hành động và đưa hành động lên làm chủ đề. Ví dụ: I need to study English. « My studying English is necessary.

            4.15. Câu đồng nghĩa bởi việc tách phó động từ chỉ hướng khởi động từ.

            Ví dụ: (1)a. He put on his clothes « He put his clothes on. Theo R. Murphy [8] thì khi thay thế danh từ bằng đại từ thì chỉ có một cách diễn đạt. Ví dụ: “They gave me a form and told me to fill it in” (not fill in it).

            Trong tiếng Việt có khi không đặt phó động từ chỉ hướng ngay sau danh được. Ví dụ: nói: Tôi cởi áo ra. Không nói: Tôi cởi ra áo (-). Nhưng nếu liệt kê nhiều thì lại được: Tôi cởi áo vét, áo sơ mi và cả áo may ô nữa (+)

            4.16. Câu đồng nghĩa bởi phép thay thế các kết từ (liên từ, giới từ).

            Trong tiếng Việt cũng như trong tiếng Anh có những kết từ ó thể thay thế cho nhau. Chẳng hạn: để/ mà, để/ cho, cùng/ với, về/ đến/ tới, v.v… Ví dụ: Bàn về/ đến/ tới ngữ pháp. Trong tiếng Anh: at/ on, in/ at, into/ in, at/ by, by/ with, by/ on, from/ to, of/ about, to/ towards, v.v… Ví dụ: I’m shocked at/ by that information (Tôi bị sốc bởi thông báo đó). The weather in summer is different from/ to the weather in winter. (Thời tiết mùa hạ khác thời tiết mùa đông).

            4.17.Câu đồng nghĩa bởi phép thế bằng các trạng từ chỉ “thì”(tense) và thể (aspect).

            Chỉ thì (tense): Theo S. Z. Harris [4] trong tiếng Anh có các cặp trạng từ có thể thay thế cho nhau. Đó là (1) At present – now: He goes at present. « He goes now. (2) In the future – after now: He will go in the future. « He will go after now. (3) In the past – before now: He went in the past « He went before now.

            Tiếng Việt  dùng các phó từ hay trạng từ thay thế cho nhau: (1) Tôi sắp đi. « Tôi đi ngay bây giơ đây. « Tôi sẽ đi. « Rồi tôi se đi. « Rồi tôi đi.

            (2) Tôi vừa / mới / vừa mới đi.

            (3) Tôi đi ¹ 0.

            Chỉ thể (aspect): Ở thể tiếp diễn, tiếng Việt dùng các phó từ như “đang”, “đang còn”, “còn” thay thế cho nhau; tiếng Anh dùng “to be + v-ing” hay “in process” thay thế cho nhau. Ví dụ: Tôi đang/ còn đang/ còn học tiếng Việt (I’m learning Vietnamese. « My learning Vietnameses is in process. « I’m in process of learning Vietnamese.

            Ở thể hoàn thành, tiếng Việt dùng các phó từ “đã”, “rồi”; tiếng Anh dùng [to have + past participle]. Ví dụ: Anh ta đa ăn cơm. « Anh ta ăn cơm rồi. « Anh ta đa ăn cơm rồi. (He has eaten the meal already ¹ 0.

            4.18. Câu đồng nghĩa bởi phép thế bằng các trạng từ chỉ cách thức.

            Tiếng Việt dùng các cụm từ mở đầu bằng các giới từ như “bằng”, “với”; dùng các tính từ ghép hay láy + động từ hay cụm từ [một cách + tính từ ghép hay láy] để biểu thị ý nghĩa về cách thức. Ví dụ: Ba chậm rãi nói « Ba nói chậm rãi « Ba nói một cách chậm rãi. Tiếng Anh có ba cách diễn đạt ý nghĩa cách thức: [-y], [to be + adj], [in + a(adj) + manner]. Ví dụ: He drove erratically « The way he drove was erratic. « He drove in an erratic manner. (Nghĩa cả ba câu này là: Anh ta lái xe với một cách thức không bình thường).

            4.19. Câu đồng nghĩa bởi việc dùng cấu trúc có chủ ngữ hình thức.

            Trong tiếng Việt không có loại CĐN này. Trong tiếng Anh là các cặp câu như: (1)a. Gas is easy bo buy. « It’s easy to buy gas. (Ga thì dễ mua).

            4.20. Câu đồng nghĩa bởi phép thế phó từ chỉ mức độ “very” bằng cụm trạng ngữ “to a great extent”.

            Loại CĐN này chỉ có trong tiếng Anh. Ví dụ: (1)a. This lesson is very hard. « b. This lesson is hard to a great extent. (Bài học này rất khó).

            Tiếng Việt chỉ dùng phép thế các phó từ đồng nghĩa: rất, lắm, quá, vô cùng, cực kỳ,v.v…

            4.21.Câu đồng nghĩa bởi phép thế bằng danh từ phái sinh cùng gốc với tính từ.

            Loại CĐN này chỉ có trong tiếng Anh. Ví dụ: (1)a.She is beautiful. (Cô ta đẹp) « b. She is a beauty. (Cô ta là người đẹp). (2)a. He is foolish « b. He is a fool. (Anh ta là kẻ ngốc).

            4.22. Câu đồng nghĩa bởi phép thế bằng các danh từ phái sinh cùng gốc với động từ.

            Loại CĐN này chỉ có trong tiếng Anh. Ví dụ: (1)a. My son speeds. « b. My son is a speeder. (Con trai tôi chạy nhanh « Con trai tôi là người chạy nhanh). (2)a. He admires her « He has admiration for her. (Anh ta ngưỡng mộ cô ta « Anh ta có sự ngưỡng mộ đối với cô ta).

            4.23. Câu đồng nghĩa bởi phép thế động từ bằng các tính từ cùng nghĩa.

            Loại CĐN này chỉ có trong tiếng Anh. Ví dụ: (1)a. Tom fears snakes « Tom is afraid of snakes. (Tom sợ rắn)

4.24. Câu đồng nghĩa bởi phép chêm tính từ hay mệnh đề phụ tính ngữ.

Loại CĐN này chỉ có trong tiếng Anh. Ví dụ: (1)a. The interesting novel had lost « b. The novel which is interesting had lost. (Cuốn tiểu thuyết hay đã bị mất).

5. Tổng kết.

5.1. Tiếng Việt đã sử dụng các phương tiện và phương thức diễn đạt đồng nghĩa qua các loại CĐN đã phân tích ở trên là (phương tiện ghi trước, phương thức ghi sau):

(1)Câu (từ ngữ cả câu) – Lối nói có hàm ý, (2) Cấu trúc điều kiện – kết quả – Lối nói có hàm ý, (3) Đại từ – Thế, (4) Danh ngữ đồng sở chỉ – Thế, (5) Từ đồng nghĩa – Thế, (6) Phủ định từ + từ trái nghĩa – Thế, (7) Từ đảo ngữ – Thế + đảo cấu trúc đề – Thuyết, (8) Cụm từ – Nói vòng, (9) Danh từ chỉ công cụ – Thay đổi vị trí và các chức vụ cú pháp trong câu, (10) Các từ “bị”, “được”, “do”, “mắc” – Đảo cấu trúc đề – thuyết, (11) Phủ định từ – Phủ định kép, (12) Các cấu trúc khẳng định phiếm chỉ - Dùng cấu trúc khẳng định phiếm chỉ, (13) Cấu trúc bác bỏ dùng từ phiếm chỉ – Dùng cấu trúc bác bỏ dùng từ phiếm chỉ,(14) Vị từ có nghĩa đối xứng – Đảo cấu trúc đề thuyết,(15) Danh từ chỉ số lượng, con số – Thế, (16) Liên từ “và”, “hay”, “hoặc” – Đảo trật tự từ, (17) Đại từ tương hỗ “nhau” – Rút gọn, nói gộp, (18) Danh từ có nghĩa khái quát: sự việc, cuộc + động từ – Danh hoá, (19) Phó động từ chỉ hướng: ra, vào… - Tách trạng từ chỉ hướng, (20) Kết từ – Thế, (21) Trạng từ chỉ “thì”, “thể” – Thế, (22) Trạng từ chỉ cách thức – Thế.

Tổng số: 22 loại CĐN, 22 loại phương tiện, 1à loại phương thức khác nhau. (Có một số loại CĐN dùng cùng một lúc hai loại phương tiện hay hai loại phương thức khác nhau).

5.2. Tiếng Anh sử dụng các loại phương tiện và phương thức sau: (1) Câu –Lối nói có hàm ý, (2) Cấu trúc điều kiện – kết quả- Lối nói có hàm ý, (3) Đại từ – Thế, (4) Danh nghĩa đồng sở chỉ –Thế, (5) Từ đồng nghĩa – Thế, (6) Phủ định từ, phụ tố có nghĩa phủ định, từ trái nghĩa – Thế, (7) Từ đảo nghĩa – Thế + đảo cấu trúc đề – thuyết (C-V), (8) Cụm từ – Nói vòng, (9) Danh từ chỉ công cụ - Thay đổi vị trí và chức vụ cú pháp trong câu, (10) Cấu trúc bị động – Đảo cấu  trúc đề – thuyết, (11) Phủ định từ, phụ tố có nghĩa phủ định, từ trái nghĩa – Phủ định kép, (12) Vị từ có nghĩa đối xứng – Đảo cấu trúc đề – thuyết, (13) Danh từ chỉ số lượng, con số – Thế, (14) And, or – Đảo trật tự từ, (15) Eachother – Rút gọn, nói gộp, (16) [V+ing] – Danh hoá (có biến đổi hình thái của từ), (17) Phó động từ chỉ hướng: on, off, in… - Tách phó động từ chỉ hướng. (18) Kết từ –Thế, (19) Trạng từ chỉ “thì” – Thế, (20), [-ly], [tobe+adj], [in+a (adj) manner] –Thế, (21) Cấu trúc có chủ ngữ hình thức “It” – Dùng cấu trúc có chủ ngữ hình thức, (22) Very, [to a great extent] – Thế, (23) Danh từ phái sinh từ tính từ –Thế +biến đổi hình thái của từ, (24) Danh từ phái sinh từ động từ-Thế + biến đổi hình thái của từ, (25) Động từ, tính từ cùng nghĩa –Thế, (26) Mệnh đề phụ tính ngữ – Chêm.

Tổng số: 26 kiểu CĐN (không có các kiểu (4.8) và (4.9) như tiếng Việt). Sử dụng 26 loại phương tiện, 13 loại phương thức. (Trong mỗi loại CĐN có thể sử dụng hai loại phương tiện hay phương thức khác nhau).

6) Nhận xét chung.

6.1. Chúng tôi đã đối chiếu 28 loại CĐN giữa tiếng Việt và tiếng Anh. Kết quả: có 20 loại tương tự; 2 loại (4.8) và (4.9) chỉ có trong tiếng Việt; 6 loại chỉ có trong tiếng Anh: (4,19); (4,20); (4,21); (4.22); (4.23); (4.24). Nếu tiếp tục thống kê và đối chiếu thì số lược các kiểu CĐN giống và khác nhau sẽ thay đổi.

Số lượng các biến thể trong mỗi loại CĐN cũng khác nhau. Chẳng hạn ở loại (4.14) tiếng Anh có loại CĐN mà ở vị trí bổ ngữ của động từ gấy khiến có thể đặt cụm danh hoá. Ví dụ: “I demand your coming”, tiếng Việt không có cách diễn đạt này. Ở kiểu (4.18) tiếng Anh có cách diễn đạt cùng cụm từ mở đầu bằng giới từ [in + a(adj) + manner] thay cho trạng từ có hậu tố chỉ cách thức (-ly), ví dụ: He goes quickly « He goes in a quick manner; tiếng Việt không có cách diễn đạt này.

6.2. Tiếng Việt không các phụ tố cấu tạo từ, cấu tạo dạng thức ngữ pháp của từ do vậy không sử dụng các phụ tố trong các phép diễn đạt đồng nghĩa. Trong khi đó tiếng Anh – một ngôn ngữ biến hình – có nhiều phụ tố, do vậy đã sử dụng một số loại phụ tố làm phương tiện trong các phép diễn đạt đồng nghĩa. Đó là các tiền tố có nghĩa phủ định như: in-, im-, dis-, un-, ir-,…, hậu tố chỉ cách thức [-ly]; hậu tố – ing dùngtrong phép danh hoá và thể tiếp diễn; hậu tố – er, - ee cấu tạo các danh từ phái sinh, dùng trong phép so sánh, v.v…

6.3 Tiếng Việt không có các danh từ phái sinh có cùng căn tố với động từ kiểu như: to speed/ speeder, beautiful/ beauty.

6.4. Tiếng Việt không có loại động từ và tính từ có cùng nghĩa như: To fear (sợ), afraid (sợ).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Yu.D.Aprexian. Ngữ nghĩa học từ vựng. Các phương tiện đồng nghĩa của ngôn ngữ và những quy tắc chuyển dạng câu nói. Nxb Khoa học, Moskva, 1974.

2.      Nguyễn Đức Dân. Logic và tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 1996.

3.      Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt. Sơ thảo ngữ pháp chức năng, quyển 1, Nxb Khoa học xã hội, 1991.

4.      S.Z.Harris, The two systems of grammar: Report and paraphrase in: Transformation and Discourse Analysis Papers 79. P. 293 – 351, University of Pensylvania, 1969.

5.      James Hurford and Brendan Heasley, Semantics a Course book 1988. Giáo trình ngữ nghĩa học. Nguyễn Minh chú dẫn. Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 1997.

6.      Hồ Lê. Cú pháp tiếng Việt. Quyển I. Phương pháp nghiên cứu cú pháp. Nxb KHXH. 1991.

7.      R. Martin. Inference, antonymie et paraphrase. Librairie C. Klincksieck, 1976.

8.      R. Murphy. English grammar in use, Cambridge Univeristy Press, 1985.

9.      V.M. Solsev, Bàn về khả năng so sánh các ngôn ngữ, 1976. (Bản dịch của Bùi Khánh Thế).

10.   Trần Ngọc Thêm, Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985.

11.  Lê Quang Thiêm, Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ, Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1989.