17092024Tue
Last updateWed, 11 Sep 2024 4pm

Một số địa danh ở vùng Hạ Long

            1.Hạ Long là một kỳ quan của Việt Nam và cả thế giới. Hạ Long nổi tiếng nhờ có nhiều    vịnh, sông, núi, hang động và đảo đẹp.

            2.Hai vịnh nổi tiếng nhất là Hạ Long và Bái Tử Long.

Hạ Long vịnh ở hướng đông nam tỉnh Quảng Ninh, diện tích 1. 553km2, gồm 1.969 hòn đảo, trong đó có 989 hòn đã có tên và 980 hòn chưa có tên, trong đó 40 đảo đã có người ở, có nhiều núi và hang động đẹp, là khu du lịch nổi tiếng, được UNESCO công nhận là Di sản tự nhiên thế giới ngày 14-12-1994. Vào thời tiền sử, đảo đã có người ở. Ngày 7-7-2007, vịnh đã được đề cử vào danh sách bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Tên vịnh đã trở thành tên thành phố tỉnh lỵ tỉnh Quảng Ninh, được thành lập năm 1994, diện tích 129,9km2, dân số 187.500 người (2006), gồm 18 phường: Bạch Đằng, Bãi Cháy, Cao Thắng, Cao Xanh, Giếng Đáy, Hà Khánh, Hà Khẩu, Hà Lầm, Hà Phong, Hà Trung, Hà Tu, Hồng Gai, Hồng Hà, Hồng Hải, Hùng Thắng, Trần Hưng Đạo, Tuần Châu, Yết Kiêu.

Ha Long gốc Hán Việt, có nghĩa là “rồng đáp xuống”.

Nằm trong vịnh Hạ Long có vịnh Bái Tử Long, thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Người Pháp đặt tên vịnh này là Toulon. Nguyền nhân bên nước Pháp có vịnh Toulon (đọc là “tu-lông”), tỉnh lỵ tỉnh Var, nằm bên bờ Địa Trung Hải. Vậy dạng gốc là Baie Toulon. Ở đây có hiện tượng mượn âm trong tiếng Việt: những từ ngữ có âm thanh hoặc hình thức na ná tiếng Việt, người Việt dùng từ ngữ Việt để biểu thị; như Ksách (từ Khmer, nghĩa là “cát”) được Việt hoá thành Kế Sách (huyện, tỉnh Sóc Trăng), Rury (tên kỹ sư người Pháp có công hướng dẫn làm đèo) bị biến thành Rù Rì (đèo ở phía bắc Nha Trang),..

Trong vịnh Hạ Long có rất nhiều hang động đẹp. Ba hang động quen thuộc với nhiều du khách trong nước cũng như quốc tế.

Thiên Cung là động ở núi Đầu Gỗ, dài độ 120m, rộng độ 25m, cao độ 20m, được phát hiện trước thế kỷ 20 (căn cứ vào bút tích của một nhà thám hiểm ghi trong động năm 1901), mới được tái phát hiện năm 1992. Động nằm cách động Đầu Gỗ độ 200m. Thiên Cung gốc Hán Việt,  là “cung trên trời” vì vẻ đẹp của động.

Đầu Gỗ là hang đá trên đảo cùng tên trong vịnh Hạ Long, diện tich độ 500m2, cửa hang rộng độ 17m, cao độ 12m, nằm cách động Thiên Cung độ 200m. Đầu Gỗ là từ thuần Việt, vì đây là nơi chứa những đầu gỗ thừa khi cắt ra để chuẩn bị cắm trên sông Bạch Đằng. Có người cho rằng vì đỉnh núi giống đầu một cây gỗ súc nên có tên trên. Cũng có người cho rằng tên gốc là Dấu Gỗ (viết đúng chính tả là Giấu Gỗ) vì đây là nơi giấu các khúc gỗ trước khi đem cắm ở sông Bạch Đằng

Sửng Sốt là động trong đảo Bồ Hòn ở vịnh Hạ Long. Người Pháp gọi là Les Surprises (ngạc nhiên). Động gồm ba khoang, diện tích độ 10.000m2. Sửng Sốt là từ thuần Việt, nghĩa là ngạc nhiên vì vẻ đẹp tuyệt vời của động.

Một số địa danh thuần Việt khác cũng đáng chú ý.

Ba Chẽ sông bắt nguồn từ núi Am Váp, dài 78km, sau trở thành tên  huyện của tỉnh Quảng Ninh, diện tích 576,7km2, dân số 17.300 người (2006), gồm thị trấn Ba Chẽ và 7 xã: Đạp Thanh, Đồn Bạc, Lương Mông, Minh Cầm, Nam Sơn, Thanh Lâm, Thanh Sơn. Ba Chẽ là địa danh thuần Việt, nghĩa là “ba nhánh (sông)”.

Ngọc Vừng là đảo thuộc quần đảo Vân Hải trong vịnh Hạ Long. Địa điểm trên đảo Titôp, thuộc vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có địa danh Nghĩa Địa.. Cũng gọi là đảo Hồng Thập Tự.

Nghĩa Địa vì năm 1905, một tàu hàng Pháp không có hoa tiêu, đã đâm vào đá ngầm, đoàn thuỷ thủ tử nạn, được chôn trên đảo.

Ngọc Vừng có nghĩa là “ngọc sáng”.

Số địa danh Hán Việt nhiều và đa dạng hơn cả.

Bạch Đằng là tên sông nhánh của sông Thái Bình, chảy qua thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, dài 20km, rộng 2km. Tại dòng sông này, tháng 11-938, Ngô Quyền phá quân Nam Hán; năm 981, Lê Hoàn thắng quân Tống; năm 1288, Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên Mông.

Có hai cách lý giải nguồn gốc sông này: 1. Trên sông Bạch Đằng có Phà Rừng (xưa gọi bến Rừng, đò Rừng) được Hán Việt hoá mà thành: Đằng có âm cổ là Tlưng, sau chuyển thành Rừng; Bạch: màu trắng của nước sông. 2. Tên nôm của Bạch Đằng là Dầng (nghĩa là dâng – nước thuỷ triều dâng lên) được Hán Việt hoá mà thành. Chưa thể xác định thuyết nào đúng.

Cát Ông là tên đảo ở vịnh Hạ Long, gần đảo Cát Bà. Cát Ông có dạng gốc là Các Ông, bị sai lệch. Giống như Các Bà bị nói chệch thành Cát Bà.

Nổi tiếng hơn là Cát Bà. Đây là đảo thuộc thành phố Hải Phòng, diện tích 280km2. Trên đảo có vườn quốc gia cùng tên, thành lập, rộng 15.200ha. Cũng viết Các Bà. Ngày 23-5-1983, được công nhận là Vườn quốc gia. Các Bà trở thành thị trấn của huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Trước năm 1977 là một huyện riêng.

Cát Bà có dạng gốc là Các Bà, vì trên đảo còn đền thờ Các Bà và trên các bản đồ hành chính (như bản đồ 1938) còn ghi Các Bà, giống như Các Ông, Các Lái bị nói chệch thành Cát Ông (Hải Phòng), Cát Lái (TP. HCM). Đây là các trường hợp đặc biệt, vì miền Bắc thường phân biệt hai vần tận cùng bắng -c và -t, nhưng ở đây không phải như vậy.

Cát Hải là huyện đảo thuộc thành phố Hải Phòng, diện tích 323,1km2, dân số 27.300 người (2006), gồm hai thị trấn Cát Bà, Cát Hải và 10 xã. Cát Hải là từ Hán Việt, có nghĩa là “biển tốt”.

Cẩm Phả là thị xã của tỉnh Quảng Ninh, diện tích 435,8km2, dân số 155.800 người (2006), gồm 13 phường. Cẩm Phả nghĩa là “khắp nơi đẹp như gấm”.

Móng Cái là thị xã của tỉnh Quảng Ninh, được thành lập tháng 7-1998, diện tích 515km2, dân số 72.400 người (2006), gồm 5 phường: Hoà Lạc, Ka Long, Ninh Dương, Trà Cổ, Trần Phú và 12 xã: Bắc Sơn, Bình Ngọc, Hải Đông, Hải Hoà, Hải Sơn, Hải Tiến, Hải Xuân, Hải Yên, Quảng Nghĩa, Vạn Ninh, Vĩnh Thực, Vĩnh Trung.

Móng Cái là âm Quảng Đông của hai từ Hán Việt Mang Nhai, nghĩa là “phố lớn”; “nơi con sông Mang chảy đi nhiều ngả”.

Đảo nhỏ trong vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh mang tên Sư Tử.  Thời Pháp thuộc gọi là Sphinx (quái thần hình sư tử, đầu đàn bà). Sư Tử vì dáng núi giống con vật này.

Vân Đồn là đảo dài 18km trong vịnh Bắc Bộ. Còn có tên Quần Lạn, Vân Hải. Dưới thời Lý Trần, đây là nơi thuyền bè nước ngoài tấp nập vào buôn bán với nước ta.

Vân Đồn còn là tên vịnh của tỉnh Quảng Ninh, diện tích gần 100km2. Nơi đây, quân ta đã đánh tan chiến thuyền quân Nguyên Mông năm 1288, góp phần đánh đuổi quân xâm lược.

Vân Đồn cũng là tên huyện của tỉnh Quảng Ninh, diện tích 551,3km2, dân số 39.800 người (2006), gồm thị trấn Cái Rồng và11 xã. Vân Đồn gốc Hán Việt,  là “đồn mây”.

Đảo nhỏ trong vịnh Hạ Long, mang tên Tuần Châu, dài 2km, diện tích độ 4km2,. Tuần Châu gốc Hán Việt, do Linh Tuần và Tri Châu ghép lại.

Trên đảo Titôp, thuộc vịnh Hạ Long, có địa danh Nghĩa Địa. Cũng gọi là đảo Hồng Thập Tự.

Nghĩa Địa  vì năm 1905, một tàu hàng Pháp không có hoa tiêu, đã đâm vào đá ngầm, đoàn thuỷ thủ tử nạn, được chôn trên đảo.

Ti Tốp là đảo trong vịnh Hạ Long, được Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đặt tháng 5 -1962 để kỷ niệm chuyến thăm đảo của Giéc-man Ti Tốp. Trước đó, đảo có tên Nghĩa Địa.

Ti Tốp gốc Nga, nhà du hành vũ trụ Liên Xô, cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đảo ngày 21-1-1962.

3.Tự hào về Hạ Long, chúng ta có nghĩa vụ quý trọng và bảo vệ danh thắng. Đây là vùng đất mang về cho đất nước nguồn tài chính to lớn về du lịch và một di sản vô cùng quý báu cho con cháu các thế hệ mai sau.

 

                                    TÀI LIỆU THAM KHẢO

-Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.

-Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, HN, Nxb Văn hóa Thông tin, 2013.

-Ngô Đăng Lợi (cb), Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, 1998.

 

Nguồn: Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 906, ngày 10-10-2015, tr. 9-11.