29032024Fri
Last updateWed, 27 Mar 2024 8pm

Bước đầu tìm hiểu về dừa trong tín ngưỡng dân gian ở Nam Bộ

 

TS. Trần Hoàng Hảo- ThS. Dương Hoàng Lộc

1. Dẫn nhập

Dừa được mệnh danh là cây của sự sống. Ngày nay, khoa học đã chúng minh dừa có nhiều công dụng ở lĩnh vực y học, dinh dưỡng, công nghiệp, môi trường, du lịch, dừa trở thành một loại cây kinh tế nhằm đảm bảo và phát triển đời sống của con người ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, một quốc gia có điều kiện tự nhiên nhiệt đới ẩm, cây dừa được trồng khá phổ biến và gắn liền với kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. Ở Nam bộ, cây dừa được trồng ở nhiều địa phương, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau. Trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân Nam bộ, cây dừa đã để lại dấu ấn rất lớn trong ẩm thực, âm nhạc, nghề truyền thống, ca dao-dân ca, hội họa, nhà cửa, phương tiện đi lại,….Đặc biệt, dừa còn có mặt trong đời sống tín ngưỡng của người dân ở đây với nhiều biểu hiện khác nhau. Bài viết của chúng tôi bước đầu nhằm tìm hiểu về một số biểu hiện của dừa trong tín ngưỡng của  người dân Nam bộ.

2. Dừa trong tín ngưỡng dân gian ở Nam bộ

         Người Việt ở Nam bộ, trong mâm ngũ quả để dâng cúng ông bà tổ tiên, cúng Trời Đất lúc giao thừa hoặc chưng mâm trái cây trong “ba ngày tết”. Trên mâm trái cây ngũ quả nhất định phải có trái dừa màu xanh hoặc vàng bên cạnh mảng cầu, đu đủ, xoài, và một loại quả khác, nhưng thường là người ta chung một  chùm trái sung trĩu quả với sự mong muốn sung túc cả năm. Tất cả đều là những loại trái cây được trồng ở ngoài vườn, dễ mua và dễ tìm để cúng, trang trí. Khi sắp xếp chúng vào trong một mâm, các loại trái này làm cho mâm quả đầy đặn, đẹp mắt, bàn thờ trong gia đình thêm phần long trọng. Điều quan trọng nhất, mâm ngũ quả này phản ánh ước vọng của con người lên ông bà tổ tiên, trời đất khi một năm mới bắt đầu. Đó là lời khấn mà theo cách nói của người dân Nam Bộ: cầu xài (xoài) vừa (dừa) đủ (đu đủ) hay cầu vừa đủ xài. Có thể nói đây là một nét đặc biệt trong phong tục, tín ngưỡng của người Nam Bộ. Ngoài ra, nó còn thể hiện rõ triết lý sống của họ là vừa phải, không nhiều cũng không ít, mang tính trung dung. Vùng đất Nam bộ, với quá trình khẩn hoang và môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, cho nên trong công cuộc khai khẩn và tụ cư sinh sống của nhiều thế hệ cư dân thì phải chăng khát vọng về cuộc sống bình yên, sự no đủ và một đời sống khoan hòa lại được thể hiện thông qua mâm ngũ quả ngày Tết?  Chữ dừa trong cách phát âm của người Nam bộ là “vừa”, do vậy trái dừa trong mâm ngũ quả là sự thể hiện triết lí trung dung rõ ràng nhất cũng như cách nói của người Nam Bộ: “vừa vừa thôi !”.

Dừa không chỉ trên mâm ngũ quả, dừa còn được dùng để dâng cúng Trời. Trong tín ngưỡng, người Nam bộ có phong tục cúng Trời, tục ngữ có câu: “Mùng chín vía Trời, mùng mười vía Đất” phản ánh rõ nét triết lí âm dương, giao hòa giữa Thiên - Địa - Nhân. Trong lễ vật dâng cúng Trời ngoài bình bông trang, bông điệp, bánh mứt, trà, trái cây,…người ta thường dâng cúng dừa. Để trở thành vật cúng, dừa được gọt vỏ sạch sẽ, phô màu trắng tinh như tấm lòng của con người khi đối diện với Trời. Hầu như nhà nào ở Nam bộ cũng có một bàn thờ trời gọi là bàn Thiên đặt giữa sân nhà. Trong tín ngưỡng dân gian, Trời là vị thần cao nhất cai quản ba cõi thiên, địa, nhân. Trời là đấng toàn năng có thể ban phúc, giáng hoạ đến trần gian. Quyền năng của Trời được phản ánh trong tục ngữ, ca dao Nam Bộ như là: “Trời cao có mắt”; “ Mỗi năm ra thắp đèn Trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con”… Ở đây, trái dừa trở thành vật phẩm trân quý để dâng cúng Trời. Dừa là một loại quả đặc biệt, có vỏ ngoài màu xanh, khi gọt thì vỏ trong màu trắng, bên trong áo một lớp cơm dừa và một chất nước trong suốt. Khi dâng cúng, nó là vật phẩm mang tính thanh khiết thể hiện tấm lòng thành của con người. Với họ trái dừa còn là sự thâu tóm cả âm dương vạn vật, là tinh hoa của trời đất. Màu xanh của dừa tượng trưng sự sống của muôn loài thực vật, màu trắng cơm dừa tượng trưng cho cơm gạo nuôi sống con người và chất nước trong lành gợi lên dòng sông tưới mát ruộng đồng. Phải chăng đó là mong muốn của người nông dân khi họ dâng cúng đến Trời là dâng lên những ước vọng giản dị và chân thật ấy? Người dân còn đem dừa cúng Phật như dâng lên tấm lòng thuần khiết và cầu mong sự phù hộ ở chư Phật, bồ tát. Trong các gia đình có thờ Phật và ở các chùa vào ngày mồng một, ngày rằm, người ta còn dùng quả dừa để dâng cúng Phật. Trong dịp cúng sao giải hạn đầu năm ở chùa và tại gia đình, người ta hay cúng trái dừa cùng với hoa quả, nhang đèn cho chư vị thần linh. Trái dừa ở đây đã trở thành một phẩm vật trân quý nhưng quá không xa xỉ, mộc mạc nhưng không tùy tiện. Sau khi cúng, họ uống nước dừa để mong cầu sức khỏe, bình an, thanh tẩy bệnh tật và xui rủi. Nước dừa tươi là một thức uống được nhiều người ưa thích không chỉ vì có giá trị dinh dưỡng cao mà còn hấp dẫn bởi vị ngọt thanh mát, lành tính. Vì sao người dân Nam Bộ thường dùng quả dừa làm vật dâng cúng ? Trước hết, đây là một loại quả dễ tìm ở Nam Bộ. Đất Nam Bộ được kiến tạo với những sông rạch chằng chịt tạo nên vùng thổ nhưỡng phù hợp với sự sinh sôi của cây dừa; dừa mọc thành từng cụm thậm chí thành đảo dừa. Dừa bao phủ cả vùng sông nước chống xói mòn lở sạt bờ, dừa ôm trọn xóm làng phủ một màu xanh thẳm như che chở cho cư dân vùng Nam Bộ, dừa trở thành người bạn thân thiết của nông dân. Vì vậy, dừa đã không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa và đã trở thành vật cúng của người Nam Bộ. Một điều thú vị là, vật phẩm cúng Trời, Phật là những thứ mang tính thuần khiết, thanh sạch mà trái dừa là tiêu biểu, trở thành vật trung gian nối con người với thần linh thượng giới. Còn với các vị thần bản gia, hạ giới như Thần Tài, Thổ Địa, người dân Nam bộ lại cúng những món bình dân, gần gũi như chuối, cà phê, cá lóc, tam sanh,…Ở một số gia đình ở Nam bộ, ngày mùng 10 tháng giêng, họ cúng bàn thờ Thổ Địa bằng cá lóc nướng trui hoặc bộ tam sên (cách đọc trại từ chữ tam sinh đại diện 3 loài sinh vật: trên trời, trên mặt đất và dưới nước, được thể hiện bằng trứng vịt, miếng thịt heo luộc, tôm hoặc cua). Đây là những sinh vật nuôi sống con người, và có phải khi dâng cúng những lễ vật trên người ta muốn hàm ý đất đai đã nuôi sống con người?

          Ở vùng đất Bến Tre- nơi nổi tiếng là xứ dừa, quê dừa, cây dừa đã hiện diện và in sâu vào đời sống của người dân. Và tất nhiên, dừa còn có mặt trong tín ngưỡng của bà con nơi đây. Ngày Tết, cùng với mâm ngũ quả đầy đặn có trái dừa màu xanh hoặc vàng và nâu, khi dâng cơm cúng Tổ tiên, bên cạnh các món ăn khác, người Nam Bộ thường nấu món thịt kho tàu để cúng. Đây là một trong những món ăn truyền thống của vùng Nam Bộ, nguyên liệu chính để nấu là nước dừa tươi để kho thịt. Ngoài ra, người ta còn dung dừa để chế biến thành nhiều món ăn đặc sắc như món canh kiểm, bí hầm dừa là món ăn truyền thống của người dân Bến Tre, nhưng phổ biến hơn cả là huyện Ba Tri. Nhờ hương vị của nước cốt dừa mà các món này có hương vị thơm, ngon và béo hơn. Trong đám giỗ, người ta nấu món canh kiểm, bí hầm dừa để cúng ông bà tổ tiên. Thậm chí, ở một số gia đình mà chúng tôi có dịp tìm hiểu, việc cúng các món này chính là sự hồi tưởng về ông bà tổ tiên của họ, vì đây là món ăn mà khi sống các vị rất thích. Đặc biệt, trong các ngày rằm lớn tháng giêng, tháng bảy và tháng mười hay tết Đoan ngọ, họ làm bánh ít, bánh tét, nấu chè, xôi,..Nhưng đặc biệt hơn là món bánh cúng. Bánh này được làm bằng bột gạo, có pha nước cốt dừa nên rất béo, hình dạng dài cỡ chiếc đũa, gói bên ngoài bằng lá chuối, buộc lại thành từng xâu, rồi mới đem đi hấp. Bánh để trong đĩa dâng cúng Trời, Phật và ông bà tổ tiên, thậm chí có cả trong mâm cúng trong nhà hay ngoài sân. Món mứt dừa cũng được người dân quê làm, nhất là vào dịp tết. Ngày 23 tháng chạp, trong mâm cúng tiễn đưa ông Táo, ngoài trà, bánh, còn có thêm đĩa mứt dừa. Ngày 30 rước ông bà hay khi cúng giao thừa, cúng tiễn ông bà ngày mùng 3 tết, đĩa mứt dừa còn được chủ nhà bày biện lên bàn thờ.

             Người Khmer ở Nam bộ cũng gắn bó thân thiết với cây dừa. Trái dừa là vật phẩm để cúng Phật và chư Thiên, hiện diện trong các lễ hội truyền thống của họ. Phan Thị Yến Tuyết cho biết, dừa được người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long xem là loại quả có nước tinh khiết, không chỉ dùng trong ăn uống mà còn để sử dụng trong các nghi thức long trọng. Ví  dụ, người ta dùng nước dừa tươi để rửa xương cốt thân nhân sau khi hỏa táng, hoặc trong lễ cưới có tục lệ cô dâu đút chuối cho chồng ăn rồi hai vợ chồng chia nhau nước dừa để mong ước một tình yêu ngọt ngào, đậm đà hạnh phúc. Trong các lễ vật cúng của người Khmer ở đây đều có quả dừa kèm theo, mà phổ biến nhất là các “Sthalơ”, dưới hình thức quả dừa được gọt bớt vỏ ngoài, chừa lại phần xơ có dạng hơi vuông vắn, trên quả dừa đó có cắm các loại hoa, nhang, các lá trầu cuốn tròn[1]. An Trạch, thị trấn Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng có một lễ hội độc đáo tồn tại gần trăm năm gọi là lễ hội ng dừa. Lễ hội gắn liền với truyền thuyết Cái Cồng vàng. Truyền thuyết kể rằng: ngày xưa ở An Trạch tự nhiên nổi lên một cái gò hình dạng như chiếc cồng. Chân người dẫm lên trên đó thì mặt đất phát ra âm thanh như tiếng cồng vang. Được ít lâu, âm thanh đó nhỏ dần rồi mất hẳn. Người trong vùng coi đây là vùng đất địa linh (đất linh thiêng) nên đã dựng miếu thờ. Hằng năm, dân làng An Trạch cùng nhau tổ chức lễ hội cầu an ở miếu và gọi là lễ cúng Thác côn. Trong tiếng Khmer, Thác Côn có nghĩa đạp cồng nhằm nhắc lại truyền thuyết về tiếng cồng vang lên từ đất. Nét độc đáo của lễ vật dâng cúng là những trái dừa tươi vạt miệng làm thành bình hoa và người ta cắm lên đó những cành hoa, Chiếc bình hoa này người Khmer gọi là Sla-tho-đôn, vì vậy lễ hội có tên là lễ Cúng dừa. [2]Tuy nhiên cho đến nay chưa ai giải thích vì sao trong lễ hội Đạp cồng người ta cúng dừa, cũng không có một tài liệu nào cho thấy có mối liên hệ giữa tục cúng dừa với truyền thuyết Cồng vàng. Chúng tôi cho rằng việc dùng quả dừa tươi làm thành bình hoa trang trí dâng cúng Thần, Phật là một sự ngẫu nhiên, nhưng sau đó mọi người thấy đẹp nên bắt chước làm theo, lâu dần thành lệ. Như vậy dừa không chỉ là một loại quả dâng cúng, dừa trong lễ hội Đạp cồng còn là một bình hoa mang tính sáng tạo, là thành quả lao động của con người dâng lên thần linh. Ngoài việc dùng quả dừa để dâng cúng, hoa dừa cũng được dùng làm vật phẩm để dâng cúng. Trong những dịp lễ tiết quan trọng, người ta dùng hoa dừa vừa tách bẹ đặt vào bình hoa để dâng cúng trên bàn thờ gia tiên.

3. Lời kết

Như vậy ngoài giá trị kinh tế, dừa còn mang một giá trị văn hóa tâm linh vì dừa là kết tinh thành quả lao động sáng tạo của người nông dân vùng đồng bằng sông nước. Bản thân dừa trở thành người bạn thân thiết miệt vườn của người Nam Bộ, những sản phẩm của dừa trở thành thân quen trong đời sống sinh hoạt của người dân. Trong gia đình ở nông thôn Nam Bộ người ta dễ bắt gặp hình ảnh của dừa, có lẻ vì vậy trái dừa được tôn vinh thành một lễ vật để dâng cúng Trời Phật, Tổ tiên; dừa trở thành một nét văn hóa độc đáo của vùng Nam Bộ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Phan Thị Yến Tuyết, Nhà ở trang phục ăn uống của các dân tộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Hà Nội,. Nxb.Khoa học xã hội.

2. Tiền Văn Triệu, Tìm hiểu lễ hội Thác côn (Đạp cồng) của người Khơ Me Sóc Trăng, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 3/2012, tr. 60.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Phan Thị Yến Tuyết, Nhà ở trang phục ăn uống của các dân tộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Hà Nội,. Nxb.Khoa học xã hội, trang  167-168

[2] Tiền Văn Triệu, Tìm hiểu lễ hội Thác côn (Đạp cồng) của người Khơ Me Sóc Trăng, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 3/2012, tr. 60