14102024Mon
Last updateWed, 09 Oct 2024 1pm

Truyện ngụ ngôn “Con ve và cái kiến” và nỗ lực cải cách ngôn ngữ dịch thuật của Nguyễn Văn Vĩnh

(ThS. Tạ Anh Thư, Bình luận văn học - niên san 2015, tr. 97-106)

Tóm tắt

Nguyễn Văn Vĩnh là một nhân vật có ảnh hướng lớn đến đời sống chính trị, xã hội, văn hoá Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Ông còn là một dịch giả với nhiều đóng góp quan trọng trong việc dịch và giới thiệu văn học Pháp ở Việt Nam. Bài viết khảo sát bản dịch truyện ngụ ngôn “Con ve và Con kiến” để từ đó nhận diện vai trò quan trọng của Nguyễn Văn Vĩnh trong nỗ lực cải cách ngôn ngữ dịch thuật.

Từ khóa: Nguyễn Văn Vĩnh, “Con ve và cái kiến”, ngôn ngữ dịch thuật…

Nguyễn Văn Vĩnh là một nhân vật có ảnh hướng lớn đến đời sống chính trị, xã hội, văn hoá Việt Nam vào hồi đầu thế kỷ XX .

Theo những người từng tiếp xúc với Tân Nam Tử(1), ấn tượng mạnh nhất về ông qua các câu chuyện là mong muốn mãnh liệt xây dựng một nước Việt Nam thực sự hiện đại, phát triển như là châu Âu. Để làm được việc đó, ông ra sức cổ vũ chữ quốc ngữ, hô hào người dân học nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe theo cách của người phương Tây. Ở khía cạnh một dịch giả, ông nổi tiếng với nhiều bản dịch xuất sắc những tác phẩm văn học kinh điển của Pháp sang tiếng Việt để giới thiệu cho công chúng Việt Nam một nền văn hóa khác, hòng mở mang sự hiểu biết của họ.

Với chủ trương dung hòa hai nền văn hóa cũ mới, qua các bản dịch sử dụng chữ quốc ngữ một cách cách tinh tế, Nguyễn Văn Vĩnh có vai trò như là một trong những người môi giới quan trọng nhất giữa nền văn hóa phương Tây được du nhập qua thuộc địa và nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam.

1. Truyện Ngụ ngôn La Fontaine, chiếc cầu nối văn hoá và ngôn ngữ Đông – Tây

Một trong những con đường ngắn nhất để truyền bá chữ quốc ngữ, xây đắp quốc văn là dịch thuật. Dịch từ một ngôn ngữ khác ra ngôn ngữ của dân tộc là một cách để hoàn thiện tiếng Việt. Nói như Phạm Quỳnh: “Đem diễn dịch những trang tuyệt bút của nền văn chương Pháp ra tiếng Nam thực là một công việc cải tử hoàn sinh cho tiếng nước mình! Nhờ thế mà tiếng nước Nam sẽ thay đổi, biến hóa rồi trở nên thuần thục, bắt chước được câu văn Pháp sự súc tích, sự minh bạch, sự mạch lạc hữu lý”(2).

Tuy nhiên, với một nền quốc văn non trẻ thời bấy giờ, công tác “cải tử hoàn sinh” cho tiếng Việt không hề dễ dàng. Chữ quốc ngữ vẫn còn thiếu và yếu, chưa đủ để diễn đạt những thuật ngữ khoa học hay những tư tưởng triết học. Vì thế, vai trò và trách nhiệm của các dịch giả là rất to lớn. Trong bài báo tựa đề “Trưng cầu dân ý về việc dịch các thuật ngữ triết học”(3), Nguyễn Văn Vĩnh phân tích rằng để dịch một tác phẩm Tây Âu, dịch giả không được bằng lòng với những từ ngữ mơ hồ có thể gây ra sai lạc về nghĩa của văn bản. Ông kêu gọi phải xây dựng một ngôn ngữ vững mạnh và giàu đẹp để việc dịch thuật được dễ dàng, tránh cho các dịch giả sáng tác ra từ ngữ vô tội vạ. Về phần mình, Nguyễn Văn Vĩnh cũng gương mẫu trong việc không ngừng nâng cao chất lượng các bản dịch.

Truyện ngụ ngôn của La Fontaine là một mối quan tâm lớn của Nguyễn Văn Vĩnh. Ông đã nhiều lần giới thiệu các bản dịch của mình trên các tờ báo khác nhau do chính ông làm chủ bút. Đầu tiên là những bản dịch được đăng năm 1907 trên Đăng Cổ Tùng Báo. Đến năm 1912, có thêm một số bản dịch khác được giới thiệu trên La Revue Indochinoise. Sau đó, truyện ngụ ngôn La Fontane được giới thiệu một cách có hệ thống trên Đông Dương Tạp Chí từ năm 1913 đến 1915.

Có nhiều lý do cho việc chọn lựa Truyện ngụ ngôn của Nguyễn Văn Vĩnh. Một trong những lý do chính đó là mong muốn đem tới sự thấu hiểu giữa văn hóa Đông -Tây, sử dụng văn chương như là cầu nối giữa hai dân tộc. Nguyễn Văn Vĩnh hy vọng rằng nền văn học nhân văn (mà truyện ngụ ngôn là một bộ phận) có thể giúp cho người Việt Nam hiểu rõ hơn tư tưởng của người Pháp. Từ đó, tiếp thu được những giá trị vốn được nước Pháp ca tụng để tiến lên trên con đường văn minh.

Bên cạnh đó, bằng con đường dịch thuật, Nguyễn Văn Vĩnh hy vọng có thể giúp cho nền quốc văn nước nhà tìm thấy những cách thức diễn đạt mới. Qua việc biên dịch truyện ngụ ngôn của La Fontaine, ông muốn chỉ cho người Việt thấy rằng người dân Pháp lúc bấy giờ đang dùng một thể loại văn chương mà chính bản thân người Việt đã biết rất rành. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi lẽ phương Đông lúc ấy là ‹‹ xứ sở của truyện kể và ngụ ngôn. ››(4). Để viết nên Truyện ngụ ngôn, La Fontaine đã lấy cảm hứng từ những câu ngụ ngôn của Ésope, cũng như từ quyển Sách Ánh sáng của Pilpay (được dịch sang tiếng Pháp năm 1644) và của quyển Panchatantra(5). Vì vậy, ta có thể xem tập truyện của La Fontaine như là nơi dung hợp của những cảm hứng rất khác biệt, tập hợp cả tinh thần phương Đông và phương Tây vào trong một dạng di sản chung.

Từ đó, không quá ngạc nhiên khi Nguyễn Văn Vĩnh xem việc biên dịch truyện ngụ ngôn của La Fontaine như là một công cụ mang tính giáo dục hiệu quả nhằm dẫn dắt tinh thần Việt thâm nhập vào tinh thần phương Tây trên cả ba mặt: giáo dục, luân lý và tôi rèn văn chương.

2. Những bước phát triển của bản dịch truyện ngụ ngôn Con ve và Cái kiến

Trong số rất nhiều mẩu chuyện được chuyển ngữ sang tiếng Việt, Nguyễn Văn Vĩnh đặc biệt thích thú với chuyện Con ve và con kiến (La Cigale et la Fourmi)(6). Sự công bố trở đi trở lại bản dịch này của Nguyễn Văn Vĩnh là một ví dụ rất tiêu biểu và có ý nghĩa đặc biệt ở khía cạnh đổi mới chữ quốc ngữ - ngôn ngữ văn học của dân tộc. Quá trình đổi mới các bản dịch cũng là minh họa cho quá trình phát triển của chữ quốc ngữ theo từng giai đoạn trong bối cảnh đầu thế kỷ XX trên Đông Dương tạp chí.

Ở lần công bố đầu tiên trên Đăng Cổ Tùng báo (1907), bài thơ này được Nguyễn Văn Vĩnh dịch bằng thể lục bát thể thơ truyền thống của dân tộc. Năm 1914, một bản dịch mới được đưa ra, giải phóng văn bản khỏi hệ nhịp câu truyền thống để tiến đến sát hơn với bản gốc trong tiếng Pháp. Âm điệu thơ là lạ, vần chân liền hoặc cách quãng, với số chữ so le. Bản dịch bám rất sát nguyên bản, cả từ và điệu:

Nguyên bản :

La cigale et la fourmi

La Cigale, ayant chanté
Tout l’été,
Se trouva fort dépeurvue
Quand la bise fut venue;
Pas un seul petit morceau
De mouche ou de vermisseau.

Bản dịch năm 1907 (Đăng Cổ Tùng Báo, số 823, ngày 24 tháng 10):

Trên cây có một con ve (6)

Hát hết mùa hè, mùa lạnh kiết xo (8)

Bắc phong càng thổi càng lo (6)

Mùa sâu bọ hết, ăn nhờ vào đâu? (8)

Bản dịch năm 1914 (Đông Dương Tạp Chí, số 40, ngày 19 tháng 02):

Ve sầu kêu ve ve

Suốt mùa hè

Đến kỳ gió bấc thổi

Nguồn cơn thật bối rối.

Để hiểu rõ hơn sự tiến triển của bản dịch, trước hết phải hiểu thêm một chút về phép gieo vần truyền thống của người Việt.

Một cách giản lược, ở một chương trong Việt Nam Phong Tục với tiểu tựa ‹‹Những dạng thức đặc biệt trong diễn đạt của chúng ta ›› (xuất bản năm 1915 trên Đông Dương Tạp Chí ) Phan Kế Bính đã lý giải rằng thể lục bát là thể thơ truyền thống mang tính thuần Việt. Những lời bình chú cũng như cách dùng của các dạng thơ ca thuần tuý Việt Nam mà ông đưa ra có thể lý giải cho vấn đề của chúng ta :

1. ‹‹ Dạng vần sáu-tám ›› - (thượng lục hạ bát)

Còn gọi là thể Kiều. Trong thể loại này, câu đầu có 6 cụm âm tiết, câu thứ hai có 8 cụm âm và âm thứ sáu của câu hai hợp vần với âm cuối trong câu đầu tiên. Bốn câu thơ với ba cặp hợp vần tạo nên một đoạn nhỏ. Các bản truyện thơ của ta thường được viết theo dạng này.

2. Biến thể ‹‹ lục-bát ›› còn được gọi là thể thơ ‹‹ Phạm - công ››

Theo thể loại này thì câu đầu có sáu âm và câu hai có tám âm nhưng âm thứ tư cùa câu hai hợp vần với âm cuối câu một. Những người học cao không thường dùng thể thơ này, chỉ có những người ít học mới dùng nó.

Nhờ sự hướng dẫn này, chúng ta có thể lý giải được sự tiến triển giữa hai bản dịch năm 1907 và năm 1914:


Bản dịch năm 1907 Bản dịch năm 1914

‹‹Trên cây có một con ve

Hát hết mùa , mùa lạnh kiết xo

Bắc phong càng thổi càng lo

Ruồi, sâu bọ hết, ăn nhờ vào đâu?››  

‹‹ Ve sầu kêu ve ve

Suốt mùa

Đến kỳ gió bấc thổi

Nguồn cơn thật bối rối

Một miếng cũng chẳng còn

Ruồi bọ không một con …››

( Thể Phạm-công hay biến thể lục bát)  (Thể không tuân theo phép giao vần truyền thống của người Việt)


Việc Nguyễn Văn Vĩnh sử dụng thể thơ ‹‹ Phạm-công ›› (biến thể lục bát) trong bản dịch năm 1907 nhưng đến năm 1914 thì bỏ không dùng nữa, chứng tỏ một mong muốn có cân nhắc trong việc làm cho ngôn ngữ viết của người Việt thoát khỏi những sự gò bó truyền thống trong việc sử dụng ngôn ngữ, vốn đã hạn định tiếng Việt chỉ dành cho những người có học (hay nhà Nho). Phan Kế Bính tin rằng chỉ có ‹‹ người ít học ›› mới sử dụng cái biến thể lục bát ấy và rằng ‹‹ những nho sĩ có tài ›› ít khi đụng đến nó.

Chú giải của Phan Kế Bính khiến ta nghĩ rằng Nguyễn Văn Vĩnh không qua đào tạo bởi hệ thống giáo dục truyền thống của Việt Nam, bởi những người thầy luôn có qui tắc riêng về sự hoàn mỹ của văn chương. Thuộc thế hệ nhà văn mới, Nguyễn Văn Vĩnh sẽ phải bắt đầu bằng việc du nhập vào Bắc kỳ những thể thức thơ mới, chủ yếu mượn vận luật từ tiếng Pháp mà bất cứ khi nào có thể là ông áp dụng ngay vào bản dịch của mình, song song với việc hệ thống hoá cách dùng của quốc ngữ , lối chữ mà theo ông, phải trở thành chữ viết tương lai của dân tộc Việt Nam.

Về phương diện này, ví dụ về Truyện ngụ ngôn tỏ ra thực sự hiệu quả. Chúng ta hãy lấy lại bản gốc Con ve và Cái kiến và so sánh với bản dịch năm 1914(7) của Nguyễn Văn Vĩnh :


        

  1. 1. La Cigale, ayant chan                                       ‹‹ Ve sầu kêu ve ve

Tout l'été,                                                                    Suốt mùa

Se trouva fort dépourvue                                             Đến kỳ gió bấc thổi

Quand la bise fut venue.                                             Nguồn cơn thật bối rối

  1. 5. Pas un seul petit morceau                             Một miếng cũng chẳng còn

De mouche ou de vermisseau                                     Ruồi bọ không một con

Elle alla crier famine                                                   Vác miệng chịu khúm núm

Chez la Fourmi sa voisine,                                          Sang chị kiến hàng xóm

La priant de lui prêter                                                 Xin cùng chị cho vay

  1. 10. Quelque grain pour subsister           Răm ba hạt qua ngày

Jusqu'à la saison nouvelle                                             ‘Từ nay sang tháng h

“Je vous paierai”, lui dit-elle,                                       Em lại xin đem tr,

« Avant l'août, foi d'animal,                                       Trước thu, thề đất giời !

Intérêt et principal.”                                                     Xin đủ cả vốn lời. »

  1. La Fourmi n'est pas prêteuse (a)           Tính kiến ghét vay cậy (a)

C'est là son moindre défaut (b)                                  Trăm thói, thói này vi. (b)

« Que faisiez-vous au temps chaud?(b)                       « Nắng ráo chú làm gì? » (b)

Dit-elle à cette emprunteuse (a).                                  Kiến hỏi ve như vậy. (a)

Nuit et jour à tout venant (c)                                      Ve rằng : luôn đêm ngày(e)                                

  1. 20. Je chantais, ne vous déplaise (d)               Tôi hát, thiết(8) gì bác

Vous chantiez ? j'en suis fort aise: (a)                        Kiến rằng : xưa chú hát (e)

Et bien ! dansez maintenant (c)                                   Nay thử múa coi đây.


Có sự giống nhau đến kinh ngạc trong cách đặt câu trong hai văn bản này. Trước hết, hãy chú ý đến sự hiện diện của câu thơ thứ hai chỉ có 3 âm tiết trong bản tiếng Việt (kết cấu từ những câu có 5 âm tiết) giống với bản tiếng Pháp (kết cấu từ những câu có 7 âm tiết). Mặt khác, từ câu 1 đến câu 14, La Fontaine đã dùng cách sắp xếp đơn giản nhất của luật gieo vần trong tiếng Pháp để có được tổ hợp vần bằng(9) và Nguyễn Văn Vĩnh tuân theo rất giống (từ câu 1 đến câu 14) cách gieo vần này, dù nó không nằm trong luật gieo vần truyền thống của tiếng Việt. Bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh không thể dùng tổ hợp vần dương(10) và âm(11) được như La Fontaine đã làm , bởi vì tiếng Việt, do không có âm ‹‹ e ›› câm, nên không thể mượn được. Ngược lại, những âm điệu tương tự được dùng rất hay ở những từ nằm cuối mỗi hai tổ nhịp âm, theo cách mà La Fontaine sử dụng và trên cùng số lượng câu thơ.

Từ câu 15 đến hết bài, La Fontaine sử dụng vần ôm (a b b a , c d d c), Nguyễn Văn Vĩnh cũng làm vậy ở đoạn bốn câu đầu (a b b a) nhưng không dùng nữa trong đoạn thứ hai. Ông kết thúc câu tự do hơn bằng cách cho một vài âm tiết trong số chúng hợp vần với nhau, một cách rất cân đối(12) [Ve rằng – La Cigale répond ; Kiến rằng – la Fourmi répond : (e e)] tạo cảm giác hụt hơi và thêm phần bi thảm, trong ý đồ làm rõ bối cảnh mặt đối mặt.

Phân tích trên cho thấy rằng, việc vay mượn các biện pháp tu từ văn chương phương Tây(13) trong tiếng Việt diễn ra ở cả hình thức bên ngoài và nội dung bên trong.

Về mặt hình thức, thể hiện ở những câu ứng trong hệ gieo vần mà La Fontaine dùng từ câu 1 đến câu 19 ;

Về mặt nội dung, thể hiện ở sự tiếp thu tinh thần tự do đã làm rõ đặc tính của La Fontaine trong việc biên soạn Truyện Ngụ ngôn, thế kỷ XVII (xem thêm bản dịch của ông Vĩnh từ câu 19 đến hết.)

Bình chú của Alain-Marie Bassy, tác giả phần dẫn nhập của ấn bản Truyện Ngụ Ngôn bằng tiếng Pháp(14), có thể giúp chúng ta thấy rõ hơn ‹‹tinh thần tự do›› này:

Thực ra, ngụ ngôn luân lý, theo Aristote, phụ thuộc ở « Phép tu từ » chứ không ở « Tính thơ ca ». « Ngụ ngôn » thì chắc chắn nhưng « Thơ ca » thì chưa hẳn. La Fontaine sẽ làm gì đây ? Theo quán tính của mình, ông sẽ cho tiến hành dịch di phong cách. Chính đó là nơi mà « Phép tu từ » ngự trị, dẫn thơ ca nhập vào. Nhưng ta hãy hiểu rõ rằng : Thơ không chỉ là vần luật và đặt câu. Nhiều người khác đã biết làm thơ trước cả ông ta. Cách dùng câu tự do, làm luân phiên các âm vận và các nhịp khác nhau, làm nên bằng chứng chống lại sự cự tuyệt không làm thơ theo những quy tắc gieo vần và sắp câu của La Fontaine. Trái lại, thơ của ông sẽ tự khẳng định mình bằng cách đánh thức xúc cảm với những giai điệu và ám thị .

Qua lời bình chú này, ta nắm rõ hơn sự tương đồng giữa Nguyễn Văn Vĩnh và tác giả Truyện Ngụ ngôn – La Fontaine, nhất là dưới góc độ cách dùng ngôn ngữ cách tân (dịch di phong cách, sắp câu tự do, gieo nhịp và ám thị) cho phép sử dụng văn học vào những mục đích cụ thể (chính trị, giáo dục…) chứ không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện phong cách.

Tuy vậy, không thể cho rằng Nguyễn Văn Vĩnh bê nguyên vào văn chương truyền thống của Việt Nam bản mẫu của Pháp, bằng cách vay mượn một cách máy móc các vận luật trong ngôn ngữ này. Đúng là Nguyễn Văn Vĩnh có một ý muốn bám theo sát nhất có thể nội dung gốc của văn bản tiếng Pháp. Tuy nhiên, việc vay mượn các phương pháp tu từ của phương Tây không mang tính hệ thống mà chỉ được dùng để chuyển tải tinh thần của bản gốc cao nhất có thể.

Trong một đề dẫn đăng kèm với bản dịch truyện ‹‹Con ve và Cái kiến›› ở đề mục có tên là ‹‹Miếng bánh đã chọn của người An Nam›› trên tạp chí Revue Indochinoise (tháng 3, năm 1912) Nguyễn Văn Vĩnh tự hào giới thiệu :

Đây là một trong những mẩu truyện ngụ ngôn rất hiếm hoi của La Fontaine mà chúng tôi đã biên dịch thành công sang tiếng An Nam, từng câu thơ một, gần như từng từ một, kèm trong bản dịch là những ngữ điệu rất An Nam, một thể loại không xa lạ với nền thơ ca Hán –Việt. Chúng tôi đã cố gắng giữ nguyên nhịp thơ tiếng Pháp bằng cách theo sát độ dài của từng câu thơ và trật tự các vần âm có trong bản gốc, các vần dương tương ứng với âm ‹‹ bình ›› của người An Nam và các vần âm tương ứng với âm ‹‹ trắc ››.

Lời dẫn này bộc lộ rõ quyết tâm giữ lấy lượng độc giả truyền thống của Nguyễn Văn Vĩnh. Ông tiếp nhận ‹‹ một ngữ điệu rất An Nam, một thể loại không xa lạ với thơ ca Hán-Việt››. Làm như thế, ông hy vọng tạo ra được một cầu nối văn hoá, một hệ quy chiếu chung, để một văn bản bất kì được hiểu trọn vẹn trong tổng thể ý nghĩa nguyên bản của nó, dù đôi lúc sai lệch trong quá trình biên dịch là khó tránh.

Sự tiến bộ của bản dịch phản ánh quá trình tìm tòi, học hỏi để nâng cao năng lực diễn đạt của chữ quốc ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh. Không phải ngay từ đầu, ngôn ngữ dịch thuật của Nguyễn Văn Vĩnh đã có được sự súc tích, mạch lạc và sâu sắc như thế. Thời gian đầu, do chú trọng tới mục tiêu thu hút độc giả, khuyến khích người đọc ham mê chữ quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh dịch rất nhiều và rất nhanh. Vì thế trong những bản dịch của ông, có nhiều đoạn không được sát nghĩa lắm, nhiều đoạn lược dịch hoặc phỏng dịch. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: "Lối dịch ấy các nhà báo thường dùng và gọi là "lược dịch" cốt lấy mau, miễn là hoạt thì thôi. Người không có nguyên văn để đối chiếu, tưởng là hay tuyệt, nhưng nếu dùng những bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh để so với nguyên bản mà học dịch, thì nhiều khi người ta thấy những ý trong câu dịch không còn là ý của tác giả nữa"(15).

Nguyễn Văn Vĩnh cũng thừa nhận chủ trương dịch thoát của mình. Trong bài diễn văn đọc tại hội dịch sách ngày 26-6-1907, ông đưa ra lí do:

“Chắc rằng làm việc là việc bạc, vì bây giờ đem sách người mà dịch ra tiếng bản quốc, nếu cứ dịch cho đúng từng chữ thì xem không hiểu được. Tất phải dịch lấy nghĩa. Lấy nhời nhẽ ta mà giải nhời nhẽ người. Đến lúc thiên hạ xem hiển nhiên rồi, tất có người rạch ròi muốn biết nghĩa thâm trầm thì lại đem dịch lại, nhưng lúc bấy giờ dịch kỹ mới có người hiểu. Chúng tôi cũng biết rằng sách dịch ra bây giờ, đời sau là có người chê, nhưng có thế mới gọi là tiến bộ, chúng tôi cũng sẽ thỏa lòng rằng: mình đã có cắm nêu lên trước, cho nên mới có kẻ theo hút sau.”

Trong tập Thơ ngụ ngôn của La Fontaine(16), ông giới thiệu lại chặng đường nâng cao chất lượng bản dịch tác phẩm mà ông tâm đắc:

“Tập dịch văn này tôi làm ra kể đã lâu lắm rồi, khi còn ít tuổi chưa làm văn vần bao giờ mà đọc qua thơ la Fontane cũng phải cảm hứng chấp thành văn vần, tuy lắm câu văn còn lấc cấc lắm, nhưng các bạn độc giả cũng nhiều ông xét quá rộng cho là dụng công dịch lấy đúng. Đúng là đúng cái tinh thần chứ không nề gì những chữ hổ đổi làm sư tử, cái gậy đổi ra con chó khiến cho những người thắc mắc được một cuộc vui. Ngồi soi bói từng câu, từng chữ, mà kể ra được có ba bốn chữ dịch lầm…”

Thực ra việc dịch thoát hay không cũng còn tùy vào tác phẩm. Ở những tác phẩm mà việc biên dịch không chính xác vài câu chữ không ảnh hưởng đến tư tưởng và đặc trưng tác phẩm thì ông chủ trương dịch thoát và không cầu kì; nhưng đối với những tác phẩm cần sự chính xác cao và sự tinh tế về ngôn ngữ như Truyện Kiều thì lại khác. Nguyễn Văn Vĩnh dịch đi dịch lại Truyện Kiều nhiều lần, chú thích vô cùng cẩn thận. Bản dịch truyện ngụ ngôn Con ve và con kiến mà chúng ta đang phân tích cũng là một ví dụ chứng minh cho điều này.

Chính vì vậy, khi giới thiệu bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh trên tạp chí Revue Indochinoise, Vayrac(17) - một người bạn thân của Nguyễn văn Vĩnh coi đây là dịp để giới thiệu với độc giả Pháp của tờ tạp chí danh tiếng này những phẩm chất của người bạn Việt Nam của ông :

Bản dịch của ông Vĩnh với độ chính xác mực thước và với sự lịch lãm hiếm hoi giúp cho dân An Nam thưởng thức tác phẩm của nhà ngụ ngôn lừng danh mà không hề làm biến dạng nó. Với việc thường dịch từng từ, ông Vĩnh thậm chí còn biết chuyển tải sự chuyển động của từng vần thơ của La Fontaine:

Il ouvre un large bec, laisse tomber sa proie

Mo môm rông toac, liên roi mât môi

(ouvrir bec large immense, aussitôt tomber perdre proie)

Ngụ ngôn Con Ve và Cái Kiến được chuyển thể từng từ và từng câu một.(18)

Đánh giá của Vayrac chú trọng đến ‹‹độ chuẩn xác›› trong việc biên dịch và đến việc người dịch ‹‹không xuyên tạc, làm biến tướng văn bản››, từng vần thơ tiếng Pháp phải được dịch ‹‹từng từ một››. Khi nhắc đến văn phong dịch mang tính ‹‹lịch lãm hiếm có›› của Nguyễn Văn Vĩnh, cái nhìn của Vayrac là cái nhìn của một người Pháp, bị chinh phục bởi một bản dịch theo sát bản gốc trong khi vẫn bảo toàn từng sự vận động trong câu thơ gốc của La Fontaine.

Không phải lời đánh giá này có giá trị vì Vayrac là người Pháp và cũng là viên chức của chính quyền thực dân mà chủ yếu là do ông ta là người có học thức (cử nhân văn chương ) và vì rằng Vayrac là người đã học tiếng Việt(19) và phụ trách việc cải cách quan trường tại Bắc Kỳ.

Thật vậy, dưới góc độ là người có trình độ và từng là nhà sư phạm, nhất là dưới góc độ một người nhập môn trong việc học một ngôn ngữ mới cũng như trong việc tiếp thu một nền văn hoá xa xăm như An Nam, Vayrac biết chắc chắn rằng một bản dịch dù có tốt đến mức nào đi nữa cũng không nằm ngoài mục đích dùng để thay đổi cách nghĩ của công chúng về những tư tưởng mới lạ. Theo hướng này thì chuyện các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh có lịch lãm hay không không phải là vấn đề đặt ra cho chúng ta nữa. Tuy nhiên, việc chúng đủ chuẩn xác để truyền tải cả một hệ tư tưởng, vốn đã làm cho tác phẩm gốc tồn tại như là biểu trưng về văn hoá của nước Pháp, mới là điểm chính yếu cho những ai quan tâm tới sự hoà hợp dân tộc Pháp – Việt.

Tóm lại, có thể khẳng định rằng, việc Nguyễn Văn Vĩnh nỗ lực thay đổi bản dịch từ thể loại lục bát hoặc song thất lục bát của văn chương truyền thống, vốn đã được mọi người quen thuộc, đến một bản dịch tự do hơn về âm luật chứng tỏ rằng qua hoạt động biên dịch của mình, ông đã tìm cách trải nghiệm các phương thức ngôn ngữ và phong cách khác nhau vì mục tiêu đổi mới nền quốc văn của dân tộc. Đồng thời, bắc một nhịp cầu nối liền sự hiểu biết giữa văn hóa giữa Đông và Tây ở một thời điểm mà hố sâu ngăn cách giữa hai nền văn hóa là vô cùng to lớn.

Cho đến nay, vẫn chưa có bản dịch nào vượt được bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh hồi đầu thế kỷ. Bản dịch truyện ngụ ngôn ‹‹Con ve và Con kiến›› là bản dịch duy nhất ‹‹ gần ›› đến như vậy với bản gốc, cả trong chiều sâu nội dung lẫn vỏ ngoài hình thức. Thành quả này cũng như những nỗ lực của Nguyễn Văn Vĩnh trong công cuộc cải cách chữ quốc ngữ nói chung đã gây một ảnh hưởng lớn trong nền văn học nước ta, đóng vai trò tiền phong cho sự ra đời của thể loại thơ mới. Để rồi từ đó, Tản Đà tiếp nối cho ra đời những vần thơ hiện đại đặc sắc, cho đến khi Tình Già của Phan Khôi xuất hiện làm bùng phát lên trào lưu Thơ Mới (1932 – 1945) phát triển rực rỡ, chấn động văn đàn và là bước chuyển mình mạnh mẽ của nền văn học Việt Nam.

Chú thích

  1. (1)Từ dùng của Nguyễn Văn Vĩnh. Ông tự nhận mình là Người Nam mới, tỏ rõ quyết tâm trong việc cải cách xã hội An Nam thời bấy giờ.
  2. (2)Phạm Quỳnh, La Poésie Annamite, Hanoi, 1931, Avant-Propos.
  3. (3)ĐDCT, số 10
  4. (4)La Fontaine, Truyện Ngụ ngôn, Nxb Văn học; dẫn nhập, tr 11.
  5. (5)Quyển Panchatantra (‹‹ năm quyển sách ››) là ‹‹ một tuyển tập truyện kể và ngụ ngôn hình thành ở Ấn độ khoảng thế kỷ thứ VI, tập hợp 70 câu chuyện rất xa xưa. Đầu tiên được dịch sang tiếng Ba-tư, sau sang tiếng Ả-rập, các câu chuyện này được truyền đến châu Âu dưới cái tên Bidpay (hoặc là Pilpay), tên của một người đàn ông Ấn theo đạo Bà-la-môn, là người có lẽ đã viết ra chúng (khoảng thế kỷ thứ III). Các câu chuyện này, thường được dùng lại và cải biên ở Âu châu, tạo nên nền tảng cho rất nhiều huyền thoại cũng như những câu chuyện thần tiên ›› (tham khảo Từ điển Petit Robert des Noms Propres, 2001)
  6. (6)La cigale et la fourmi (Con Ve và Cái Kiến) xuất bản trong ĐDTC no40, 19/02/1914
  7. (7)Bản dịch đúng như khi xuất hiện trên ĐDTC, số 40 (19/02/1914), tr.14.
  8. (8)Hiện tại , từ này viết là ‹‹ thiệt ›› chứ không phải là ‹‹ thiết ›› (điều này chứng tỏ sự chưa vững của quốc ngữ vào thời biên dịch của Nguyễn Văn Vĩnh)
  9. (9)Vần bằng: 2 câu thơ có vần dương luân phiên với hai câu có vần âm.
  10. (10)Vần dương: những vần không tận cùng bằng ‹‹ e ›› câm.
  11. (11)Vần âm: những vần tận cùng bằng ‹‹ e ›› câm.
  12. (12)Không theo cách gieo song hành các cặp âm đối nhau như trong phép gieo vần truyền thống của tiếng Việt.
  13. (13)Sở dĩ dùng khái niệm ‹‹mang tính phương tây›› hơn là ‹‹mang tính Pháp›› là bởi vì phép gieo vần của Pháp vay mượn nhiều từ kỹ thuật sắp câu của người Hy-lạp và La-tinh, mà ta thấy rõ trong đa số các bài thơ tiếng Pháp nói chung.
  14. (14)La Fontaine, Ngụ Ngôn – (Fables de La Fontaine), 1995, (Phần Dẫn nhập được ký bởi A-M. Bassy – trích tr.14, 15).
  15. (15)Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại.
  16. (16)Thơ Ngụ ngôn La Fontaine – Nguyễn Văn Vĩnh dịch, xuất bản lần đầu năm 1916, lần thứ hai năm 1928.
  17. (17)
  18. (18)CAOM (Center d’archive nationl d’outre mer – Văn khố quốc qia hải ngoại), RSTNF 5219 (phông lưu trữ thống sứ Bắc kỳ bộ mới) : trích báo cáo của Vayrac (17 tháng hai 1937), trang 1-2.
  19. (19)Chứng chỉ ngôn ngữ An Nam năm 1908, loại ưu. CAOM – RSTNF 5219 : ‹‹ Báo cáo về những nỗ lực đã thực hiện ở bắc kỳ trong hai mươi lăm năm qua nhằm cung cấp cái đọc đúng cho dân An Nam ›› , bởi E.Vayrac, trang 2 – 3. Như vậy, tính đến lúc phát hành Truyện Ngụ ngôn trên tạp chí Revue Indochinoise, Vayrac đã sử dụng tiếng Việt ít nhất được 4 năm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Vĩnh, Con ve và Cái kiến, Đăng Cổ Tùng Báo, số 823, ngày 24 tháng 10 năm 1907.
  2. Nguyễn Văn Vĩnh, Con ve và Cái kiến, Đông Dương tạp chí, số 40, ngày 19 tháng 02) năm 1914.
  3. Nguyễn Văn Vĩnh, Thơ Ngụ ngôn La Fontaine (song ngữ Pháp-Việt), Hà Nội, Nxb Văn học, 2001.