29032024Fri
Last updateWed, 27 Mar 2024 8pm

Sergei Esenin - Nhà thơ làng quê trong thơ ca hiện đại Nga

Sergei Alexandrovich Esenin (1895 – 1925) là một trong những nhà thơ ký tên trong bản tuyên ngôn của trường phái hình tượng Nga vào tháng giêng năm 1919, và cũng là người tuyên bố cáo chung của nó, tuy nhiên ông thường được ghi danh trong thơ ca Nga không phải như một đại diện của chủ nghĩa hình tượng, mà trước hết như một nhà thơ nông dân. 

17863266 USSR CIRCA 1975 Postage stamps printed in USSR dedicated to Sergei Alexandrovich Yesenin 1895 1925 R Stock Photo

Tự nhận là “nhà thơ cuối cùng của làng quê”, Esenin là hiện tượng dân chủ nhất trong “thời đại bạc” của thơ ca Nga. Thế kỷ XIX đã chứng kiến một số gương mặt xuất thân từ tầng lớp bình dân như Alexei Koltsov (1809 – 1842), Ivan Nikitin (1824 – 1861), Ivan Surikov (1841 – 1880)… bằng con đường tự học mà trở thành các nhà thơ. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử lúc giao thời giữa hai thế kỷ XIX và XX đầy biến động, hiện tượng từ đáy sâu đại dương nhân dân nổi lên những tài năng lớn như Maxim Gorky hay Sergei Esenin trở nên có ý nghĩa đặc biệt, như những dấu hiệu “báo bão” – những biểu tượng cho sự xuất hiện của nhân dân trên vũ đài lịch sử.

Esenin sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Konstantinovo thuộc tỉnh Ryazan. Cha mẹ nghèo, đông con, nhà thơ tương lai được gửi cho ông ngoại nuôi dưỡng. Ông ngoại là một nông dân khá giả, sùng đạo, nên từ nhỏ Esenin đã được nghe nhiều thánh thi, cùng những truyền thuyết Thiên Chúa giáo. Những bài thơ đầu tiên thuở thiếu thời của nhà thơ là những bài thơ tôn giáo, nhưng về sau theo lời khuyên của bạn bè Esenin chuyển sang các thể loại thơ khác. Năm 1912, Esenin chuyển đến Moskva, mang theo cuốn thơ đầu tay “Những suy tưởng đớn đau” (nhưng nó không được xuất bản lúc sinh thời nhà thơ). Theo lời dặn của cha, Esenin đến giúp việc cho một cửa hàng sách, sau đó là một xưởng in, nhưng rồi nhanh chóng rời bỏ những công việc này, tham gia vào hội nhóm thơ nhạc do nhà thơ Surikov tổ chức dành cho các nhà thơ tự học xuất thân từ nông dân, ghi danh vào Đại học Nhân dân thành phố Moskva mang tên A.L.Shanyavsky. Esenin bắt đầu say mê đọc các tác gia kinh điển Nga, đặc biệt gần gũi với tác phẩm của Koltsov, Gogol, Nekrasov, Belinsky và các nhà văn dân chủ thế kỷ XIX. Nhà thơ tham dự vào một vài cuộc họp kín của các nhóm cách mạng trẻ tuổi. Những bài thơ đầu tiên xuất hiện trên báo không gây được tiếng vang nào trong giới phê bình và độc giả.

Bước chuyển quan trọng trong đời thơ của Esenin là việc chuyển đến Petrograd (Petersburg) năm 1915. Ở môi trường mới, Esenin lập tức được giới văn chương thủ đô (trong đó có các nhân vật ưu tú như A. Blok, Z. Gippius, S. Gorodetsky) chú ý và đánh giá cao. Nhà thơ gần gũi với nhóm các nhà thơ được gọi là “nông dân mới”, và vào năm 1916 tập thơ đầu tiên với nhan đề  “Radunitsa”[1] đã gây được tiếng vang lớn. Esenin trở thành một nhà thơ nổi tiếng, ông viết về điều này trong  một bài thơ:

Sáng mai mẹ gọi con dậy sớm

Mẹ hiền nhẫn nhịn của con ơi

Con sẽ ra đường phía sau đồi

Đón khách quý đến nhà thăm viếng…

 

Sáng mai mẹ gọi con dậy sớm,

Thắp sáng căn phòng khách nhà ta

Người ta bảo con nay sắp sửa

Thành nhà thơ nổi tiếng nước Nga…

                   (1917)

Sáng tác của Esenin đặc biệt giàu hình ảnh. Trong những môtíp làng quê truyền thống, nhà thơ bộc lộ cái nhìn tươi mới và lối diễn đạt độc đáo. Ví dụ:

Ánh sáng trăng to lớn

Soi thẳng mái nhà ta;

Những cây bạch dương đứng

Như những cây nến to…

Bên cạnh đó, lan toả khắp thơ ông là những giai điệu u sầu: ca ngợi sự bình dị của cuộc sống thôn quê, nhà thơ cũng đồng thời cảm thấy sự bất lực không thể bảo tồn được cuộc sống đó:

Tôi là nhà thơ cuối của làng quê

Cầu gỗ ván khiêm nhường trong bài hát

Đứng bên cạnh lễ mixa tiễn biệt

Lắc bình hương đốt bằng lá bạch dương

 

Ngọn nến kia sẽ cháy đến tận cùng

Những giọt sáp chảy tan thành lửa đỏ

Vành nguyệt cầu chiếc đồng hồ bằng gỗ

Khò khè điểm giờ mười hai của tôi

 

Trên lối mòn cánh đồng rộng xanh ngời

Vị khách sắt hiện ra trong chốc lát

Lúa kiều mạch tuôn rót bởi bình minh

Cánh tay đen sẽ gặt, gom về tất

 

Những bàn tay xa lạ và chết chóc

Những bài ca sống sao với các ngươi!

Chỉ những chú ngựa đuôi cong bông lúa

Sầu muộn thương người chủ cũ khôn nguôi.

 

Ngọn gió sẽ làm não lòng tiếng hí

Vũ điệu đưa tang được cử hành thôi

Sắp, sắp rồi, chiếc đồng hồ bằng gỗ

Khò khè điểm giờ mười hai của tôi.

                             (1920)

 

Một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Esenin. Đó là kinh cầu hồn, là lời tiễn biệt. Nhà thơ cảm nhận sự hài hoà ngàn năm giữa thiên nhiên, con người và vũ trụ đang rời xa. “ Người khách sắt”, kẻ xa lạ với thế giới “bằng gỗ” cổ xưa, đang tới gần, và có lẽ đó sẽ là ca nhân mới của thời đại mới, sẽ không còn hát những khúc ca về “cây cầu gỗ ván”, “cánh đồng xanh”, “những cây bạch dương”, “bình hương”, “lễ mixa”,... - những hình ảnh của làng quê gần gũi với nhà thơ. Thơ ca làng quê của Esenin có cội nguồn từ “thời đại vàng” thế kỷ XIX, từ Pushkin, Lermontov, qua Nekrasov, đến các nhà thơ nông dân đầu thế kỷ XX, trong đó nổi tiếng có Nikolai Klyuev (1884- 1937), người rất gần gũi và được Esenin xem là thầy thơ trong bước đầu sáng tác của mình. Đồng thời, nó cũng mang đậm dấu ấn của tư duy nghệ thuật và thi pháp hiện đại chủ nghĩa.

Thái độ của Esenin đối với Cách mạng Tháng Mười khá phức tạp. Ông nhiệt thành đón chào cách mạng (thậm chí bất hoà với Klyuev do ông này có thái độ phản cách mạng), tuy nhiên, đó là sự tiếp nhận mang “khuynh hướng nông dân” (như lời của chính nhà thơ). Nhà thơ viết loạt trường ca trong hai năm 1917-1918 (“Otchar”[2],“Sách thánh ca”[3], “Inonia”[4], “Đấng Toàn năng”) như những “kinh sách” đặc biệt bằng thơ, với ý đồ đưa “ngọn đèn thờ” của nghệ thuật vào cuộc sống đang giữa cơn giông bão cách mạng. Nhưng rồi nhà thơ cũng nhanh chóng nhận ra rằng những biến động lịch sử to lớn đầy phức tạp của thời đại không thể thích hợp với thế giới “Inonia” mang màu sắc tôn giáo và đầy tính không tưởng của nhà thơ.

Năm 1919, Esenin gắn bó với các nhà hình tượng chủ nghĩa. Tuy nhiên, cũng như trước đó nhà thơ đã gần gũi với các nhà tượng trưng (ngoài ảnh hưởng của Blok còn có lúc chịu tác động tư tưởng thần bí của Merezhkovsky và Gippius) và với các nhà đỉnh cao (thơ của Gorodetsky), mối quan hệ của Esenin với phái hình tượng chủ nghĩa kéo dài không lâu. Các nhà hình tượng chủ nghĩa tôn thờ chủ nghĩa trực cảm, đề cao hình tượng thuần tuý, dùng câu thơ tự do như phương tiện để nhận thức “sự hỗn độn của thế giới”. Quan điểm nghệ thuật đó mang tính chất của chủ nghĩa suy đồi tư sản, và vì thế Esenin khó có thể chia sẻ. Mặc dù các nhà hình tượng vẫn cố cho rằng Esenin là nhà thơ của họ, và mặc dù năm 1924 Esenin mới chính thức tuyên bố về sự tan rã của chủ nghĩa hình tượng Nga, nhưng nhà thơ thực ra đã chia tay với nhóm từ năm 1921.

Esenin không thể sống và sáng tác tách biệt khỏi xã hội đương đại, khỏi nước Nga, lúc này đã trở thành nước Nga Xô viết, thành Liên Xô:

Tôi muốn làm ca sĩ

Và làm người công dân

Để thành niềm vinh dự

Và gương sáng trong ngần

Chứ không phải là đứa con ghẻ

Trong vĩ đại Xô viết liên bang

                   (“Stansy”, 1924)

Những tác phẩm trong hai năm cuối đời (tập thơ “Nước Nga Xô viết”, các bài thơ “Trở về tổ quốc”, “Thuyền trưởng của thế gian”, “Bài ca về ba mươi sáu”, trường ca “Anna Snegina”...) thể hiện mong muốn “nhận thức nước Nga đang trỗi dậy trong mỗi phút giây công xã” của nhà thơ. Có những bài thơ đã trở thành bất hủ như “Thư gửi mẹ”, “Gửi con chó của Kachalov”. Tuy nhiên, trong lúc nhiệt thành khám phá nước Nga mới, nơi Esenin vẫn tiếp tục cảm giác mình là nhà thơ của “nước Nga đang rời xa”. Cuộc sống riêng của nhà thơ cũng hết sức phức tạp, với nhiều mối tình và các cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cộng thêm căn bệnh nghiện rượu. Bởi vậy, ông đã tự rời bỏ cuộc đời ở tuổi 30, với những dòng thơ tuyệt mệnh :

Trên đời này chết có gì là mới mẻ

Nhưng sống, dĩ nhiên rồi cũng thế, chẳng mới hơn.

                   (“Bạn ơi, xin tạm biệt…”, 1925)

Cho đến nay, Esenin là một trong những nhà thơ Nga được đọc nhiều nhất, và là người phục sinh sự tươi sáng, tinh khôi, giàu hình tượng cho thơ ca hiện đại Nga.



[1] Nhan đề tập thơ khó chuyển dịch sang tiếng Việt. “Radunitsa” là tên một nghi lễ cổ của người Đông Slav, có lẽ gắn với tục thờ tổ tiên có từ thời đa thần giáo: vào chủ nhật đầu tiên sau Lễ Phục sinh, người ta mang thức ăn và rượu đến mộ ông bà, khóc, múa hát và cầu nguyện

[2] Nhan đề này có lẽ bắt nguồn từ  “otets” nghĩa là “cha”. Trong tiếng Nga cổ, danh từ này khi dùng để gọi (zvatelny padezh, tức cách thứ 7 đã bị mất đi trong tiếng Nga hiện đại) là “otche” (nghĩa là “cha ơi”).

[3] Nguyên bản là “Oktoikh” (sát nghĩa là sách “tám điệu”) – một loại kinh phụng vụ của nhà thờ Chính thống giáo, gồm các bài cầu nguyện tám điệu, dùng cho mỗi ngày trong tuần từ chủ nhật đến thứ bảy.

[4] Inonia là tên gọi của một thành phố nơi Chúa của những người đang sống ngự trị mà Esenin, trong trường ca tự xưng là nhà tiên tri, hứa hẹn sẽ có.

(Bài đã đăng Tạp chí Hồn Việt)