14102024Mon
Last updateWed, 09 Oct 2024 1pm

Hội thảo Quốc tế Kỉ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015)

 
 VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

HỘI THẢO QUỐC TẾ KỈ NIỆM 250 NĂM SINH ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU (1765-2015)

Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du: Những diễn giải mới

(Thông báo lần thứ nhất)

 

Nhân kỉ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du, nhằm đánh giá lại những thành tựu nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều, đồng thời cũng là dịp để các học giả trong và ngoài nước có cơ hội giao lưu học thuật, công bố các thông tin và các nghiên cứu mới liên quan đến Nguyễn Du cũng như các tác phẩm của ông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du: Những diễn giải mới” . Thời gian tổ chức Hội thảo vào tháng 8 năm 2015, tại Hà Nội.

Là tác gia đỉnh cao của văn học Việt Nam truyền thống, mang tinh thần nhân văn vượt biên giới và vượt thời đại, đồng thời là một hiện tượng có ý nghĩa lớn của  giao tiếp văn hoá văn chương trong khu vực Đông Á trước thời hiện đại, Nguyễn Du và di sản của ông đã được các nhà biên khảo, dịch thuật, phẩm bình, nghiên cứu trong và ngoài nước khai thác ở mọi góc cạnh từ hơn một thế kỷ nay. Trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã đạt được trong việc nghiên cứu sự nghiệp, văn bản tác phẩm của Nguyễn Du, với những lợi thế về kỹ thuật và trình độ khoa học nhân văn thế giới của thế kỷ XXI, Hội thảo hướng đến mọi tìm tòi mới, từ phát hiện văn bản, đến diễn dịch văn bản (bao gồm cả dịch thuật, lý giải, và đọc mới những cách diễn dịch trước đây, nhưng sẽ tập trung vào việc tìm kiếm tư liệu, tiếp cận các tập thơ chữ Hán, kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du từ những góc nhìn mới. Những gợi ý của nghiên cứu văn bản học hiện đại, của tiếp cận chuyên ngành / liên ngành (đọc sâu văn bản, liên văn bản, tiếp nhận và diễn giải văn bản, văn hóa học, ….) sẽ được khuyến khích sử dụng để đa dạng hoá cách hiểu tác phẩm cũng như phương thức lưu truyền, quảng bá di sản của Nguyễn Du.   

Với mục đích, ý nghĩa như trên cùng thực tế di sản của Nguyễn Du, Hội thảo sẽ tập trung vào 2 chủ đề lớn, thảo luận ở 2 tiểu ban, trong đó Truyện Kiều sẽ được đặt riêng thành một tiểu ban và là trọng tâm của Hội thảo. Cụ thể như sau:

TIỂU BAN 1: Cuộc đời, di sản của Nguyễn Du – nhìn từ trong và ngoài quốc gia

Cuộc đời Nguyễn Du, di sản tổng thể của ông, đặc biệt là bộ phận thơ chữ Hán, sẽ là những tiêu đích chính của các thảo luận ở tiểu ban này. Ba vấn đề chủ chốt kết tụ các tham luận, là:

1/ Phát hiện những tư liệu mới của lịch sử, văn hiến Việt Nam cũng như Trung Hoa và khu vực Đông Á liên quan đến thời đại, cuộc đời, và tác phẩm của Nguyễn Du.

2/ Tìm hiểu các tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du theo hướng đọc sâu, và kết nối với sinh hoạt văn chương dân tộc, với giao lưu văn hoá văn chương khu vực đương thời.

3/ Đánh giá di sản tổng thể của Nguyễn Du ở tính song ngữ, song văn hoá bằng những gợi ý của các nghiên cứu Đông Phương học quốc tế.

TIỂU BAN 2: Truyện Kiều – những phương thức diễn dịch, chuyển hóa

Nhằm làm rõ hơn vị trí đặc biệt của Truyện Kiều - kiệt tác văn chương dân tộc, là di sản mang tầm nhân loại, và cũng là một hiện tượng tiêu biểu cho sự chuyển hóa văn hóa của khu vực Đông Á thời kỳ trung đại – thảo luận của tiểu ban sẽ tập trung vào các vấn đề chính sau:

1/ Với quan niệm dịch theo nghĩa: 1) là một diễn dịch văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, 2) là chuyển hóa văn hóa từ một nền văn hóa này sang một khu vực văn hóa khác hoặc đồng khu vực văn hóa nhưng khác biệt về quốc gia/dân tộc, và 3) là chuyển một nội dung nhất định từ hình thức này sang một/những hình thức văn chương nghệ thuật khác trong một nền văn hóa dân tộc, các vấn đề sẽ đặt ra là:

- Truyện Kiều nhìn từ nguyên bản và nhìn từ quá trình diễn hóa cốt truyện gốc trong đặc thù vùng văn hóa Đông Á cũng như trong lịch sử giao tiếp văn chương nhân loại.

- Từ Truyện Kiều đến các phiên bản của nó trong các loại hình nghệ thuật-văn chương Việt Nam.

- Truyện Kiều trong diễn giải của cộng đồng Việt.

- Thông tin từ các nghiên cứu quốc tế về việc dịch, giới thiệu Truyện Kiều sang các ngôn ngữ dân tộc khác, đặc biệt là đời sống các bản dịch trong công chúng đọc địa phương (bao gồm cả độc giả thông thường và giới nghiên cứu).

2/ Đặt Truyện Kiều vào dòng các tác phẩm cổ điển thế giới để tìm hiểu sự tương tác của tính nhân loại và tính dân tộc trong việc thể hiện tinh thần nhân văn, tìm hiểu con đường kết tinh giá trị cổ điển mang tính dân tộc, tìm hiểu phương thức dân tộc hóa và nhân loại hóa một giá trị văn hóa.

 

Ban Tổ chức Hội thảo trân trọng kính mời các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, đặc biệt là những nhà nghiên cứu có thâm niên nghiên cứu văn học Việt Nam giai đoạn trung đại, có các nghiên cứu liên quan đến Nguyễn Du và Truyện Kiều, những dịch giả từng dịch Truyện Kiều sang các ngôn ngữ nước ngoài… viết bài tham gia Hội thảo.

Ngôn ngữ chính sử dụng trong Hội thảo là tiếng Việt và tiếng Anh. Chúng tôi xin gửi kèm sau đây mẫu Đăng ký tham dự Hội thảo.

- Thời hạn nhận Đăng ký tham dự Hội thảo và Tóm tắt tham luận : muộn nhất là  ngày 30 tháng 5 năm 2015.

-  Thời hạn nhận Tham luận toàn văn : muộn nhất là ngày 15 tháng 7 năm 2015.

-  Thời gian gửi Giấy mời chính thức tham dự Hội thảo : từ ngày 18 tháng 7 năm 2015.

 

Mọi ý kiến đóng góp, thông tin trao đổi, thủ tục đăng ký, bản tóm tắt và tham luận toàn văn xin được gửi đến một trong các địa chỉ sau:

- Phòng Quản lí khoa học & Hợp tác quốc tế, Viện Văn học:

Số 20 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Điện thoại: 0438252895 (118), hoặc: 0988364078).

- Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Các thông tin tiếp theo về Hội thảo sẽ được đăng tải tại: http://www.vass.gov.vn

và http://vienvanhoc.vass.gov.vn

 

BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO