Văn chương Sài Gòn 1881-1924 -Văn xuôi I

Văn chương Sài Gòn: nền văn chương thất lạc!

Sẽ có người hỏi “Ủa! Sài Gòn cũng có văn chương nữa sao?”. Xin nhỏ nhẻ mà thưa “Dạ, có!”. “Nó gồm có những thứ gì?”. “Dạ, có đủ! Tiểu thuyết ngắn dài, truyện thơ, thơ, phú, tiểu phẩm, tuồng, cải lương...”. “Nó có từ hồi nào?”. “Dạ, có từ hồi người Việt biết chữ quốc ngữ ít lâu”.

Khiêm tốn mà nói như vậy!

Đã là người Việt, đã là người Sài Gòn thì đều biết chữ quốc ngữ được phổ biến đầu tiên ở Sài Gòn, ở Nam kỳ nay gọi là Nam bộ. Và văn bản bằng chữ quốc ngữ đầu tiên chính là tờ Gia Định Báo, xuất bản tại Sài Gòn, số ra đầu tiên ngày 15.4.1865. Và chúng ta cũng đã thống nhứt với nhau rằng “báo chí quốc ngữ là cái nôi của văn học Việt Nam”.

Ai cũng nói, cũng biết như vậy, song lâu nay, việc tìm hiểu tận nguồn gốc của văn học quốc ngữ Việt Nam một cách minh bạch thì... ít người làm!

Vì sao tôi chọn cái mốc từ 1881 đến 1924?

Từ tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo, năm 1866 Trương Vĩnh Ký cho ra đời tác phẩm văn xuôi quốc ngữ đầu tiên. Đó là “Chuyện đời xưa" nhằm "lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích”. Tiếp đó là những sáng tác văn xuôi quốc ngữ thuộc nhiều thể loại báo chí. Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử báo chí Sài Gòn, tôi phát hiện ra một điều đáng chú ý. Đó là sự thay đổi đột ngột của mục Thứ vụ trên Gia Định Báo vào ngày 01.12.1881. Trước đó, mục Thứ vụ là mục viết những thông báo linh tinh của chánh quyền từ những văn bản thúc thuế cho đến việc rao bán đấu giá những mặt hàng dành cho quân đội, chánh quyền.

Tới ngày 01.12.1881, trong mục này bỗng xuất hiện ba bài viết văn xuôi ngắn chiếm nửa trang báo khổ A3, không có tên tác giả, gồm: "Cách thế cứu người chết ngột", "Tên chăn bò" và "Thằng ăn trộm với con heo. "Cách thế cứu người chết ngột" (đúng ra là chết ngộp) là một bài khoa học thường thức. Còn hai bài kia là truyện. Phải chăng đây là những truyện đầu tiên được đăng trên báo quốc ngữ? Nhưng tác giả là ai? Sau đó, khi được đọc cuốn "Phansa diễn ra quấc ngữ" của ông Trương Minh Ký in năm 1884 và tái bản năm 1886, tôi phát hiện trong đó có đăng hai truyện nầy, "Thằng ăn trộm với con heo" mang số 110, còn "Tên chăn bò" thì mang số 119. "Phansa diễn ra quấc ngữ" là những truyện “chuyển thơ ngụ ngôn La Fontain thành văn xuôi” của ông Trương Minh Ký. Với tôi, dù là chuyển thể từ thơ, nhưng đây là những truyện đầu tiên, viết bằng văn xuôi, in trên báo quốc ngữ Sài Gòn. Vì vậy tôi chọn thời điểm 1881 làm cái mốc bắt đầu cho văn chương Sài Gòn.

Sau một thời gian, văn chương Sài Gòn đã bứt phá khỏi "cái khung" nửa trang báo khổ A 3 để chiếm lĩnh nguyên trang báo Nam Kỳ, trong tổng số 8 trang nội dung. Thời điểm đó, tại Sài Gòn, đã xuất hiện khá đông tác giả, dịch giả mà những sáng tác, bản dịch đủ mọi đề tài và thể loại của họ nhanh chóng được đăng tải thường xuyên trên báo chí. Như truyện "Một ngàn lẻ một đêm", năm 1895 được xuất bản bằng tiếng Pháp thì ba năm sau, tức năm 1898, đã được dịch và đăng trên báo Nam Kỳ. Đáng kể nhất là quyển "Thầy Lazaro Phiền" của Nguyễn Trọng Quản, xuất bản năm 1887, được nhiều người xem là "tác phẩm văn học quốc ngữ đầu tiên" của Việt Nam.

Qua đầu thế kỷ XX, lực lượng viết càng đông hơn. Tiểu thuyết đủ loại ngày càng chiếm một phần quan trọng trên các trang báo. Năm 1902, báo Nông Cổ Mín Đàm ở Sài Gòn đã tổ chức cuộc thi văn học đầu tiên của lịch sử Văn học Việt Nam với tên gọi "Quảng văn thi cuộc.  Chỉ trong ba tháng tổ chức, cuộc thi đã thu hút được 49 tác giả khắp lục tỉnh, mà trong số nầy, về sau trở thành những người có tên tuổi trong làng viết lách Việt như Nguyễn Hữu Hạnh (sau năm 1905 trở đi là chủ bút tờ Nhựt Báo Tỉnh), Nguyễn Dư Hoài (thơ ký tòa án Bến Tre, người viết tiểu thuyết feuilleton đầu tiên), Lương Khắc Ninh (chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn), Trần Phong Sắc (nhà dịch thuật nổi tiếng đầu thế kỷ XX), Nguyễn Viên Kiều (nhà báo), Tống Hữu Định (người góp phần mở đường cho cải lương miền Nam), Đặng Lễ Nghi (người sáng tác nhiều truyện thơ)...

Còn về cái mốc chấm dứt vào năm 1924?

Quyết định chọn năm 1924 làm cái mốc tạm dừng chơn của văn chương Sài Gòn, tôi mong mọi người biết rằng, trước khi "Tố Tâm" – tiểu thuyết hiện đại đầu tiên ra đời năm 1925, thì trước đó bốn mươi năm, Sài Gòn đã có rất nhiều truyện, tiểu thuyết, dài ngắn khác nhau rồi.

Trong quãng thời gian ấy, đã có nhiều tác giả, dịch giả, sáng tác và dịch thuật rất nhiều tác phẩm, đủ các thể loại đăng trên các tờ báo ở Sài Gòn và ở Nam Kỳ, hình thành nên một thứ tạm gọi là “văn chương Sài Gòn” đủ sức khơi dậy và nuôi lớn nền văn học phong phú, đẹp đẽ như ngày nay. Thế nhưng, gia tài văn chương chữ quốc ngữ quý giá ấy “bỗng dưng biến mất" trong lịch sử văn học nước nhà từ giữa thế kỷ XX.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã từng viết “Miền Nam vốn có một một địa vị về văn nghệ và có ảnh hưởng sâu rộng trong quảng đại quần chúng lan tràn đến cả miền Trung lẫn miền Bắc. Miền Nam đã gây phong trào tiền phong về mọi phương diện văn nghệ: báo, tạp chí, truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch, đặc biệt là tiểu thuyết Trung Hoa, truyện phóng tác tiểu thuyết Tây, phong trào xuất bản rộng lớn các loại thơ bình dân và rất phồn thịnh… Văn nghệ miền Nam phải có quyền được các học giả nghiên cứu sâu rộng. Bộ văn học sử của Dương Quảng Hàm cũng như các bộ phê bình văn học của Vũ Ngọc Phan đều phiến diện. Việc giảng dạy trong các nhà trường không thể tiếp tục như cũ. Không thể quá nặng về văn học miền Bắc mà lầm tưởng là văn học Việt Nam, vì văn học Việt Nam từ thế kỷ XVIII trở lui chính là văn học hai miền, mà từ 1862 đến 1932 thì miền Nam đã vọt lên vai tiền phong, hướng dẫn cả mọi phương diện phát triển văn học quốc ngữ, mà còn đào tạo những nhà văn nhà báo cho cả hai miền sau môt cách trực tiếp hoặc gián tiếp… Định lại giá trị văn học miền Nam chính là trở về sự thật, chính là biết tỏ lòng yêu quí và lo lắng cho đời sống tinh thần của dân miền Nam mà trong hoàn cảnh hiện tại, đó là lực lượng chủ yếu của mọi thăng trầm!” (Khi lưu dân trở lại, Thời Mới xuất bản, Sài Gòn 1969).

Ông Xuân cũng từng thắc mắc “Không gì vô lý và đau xót bằng khi một học sinh đệ nhị (lớp 11 hiện nay) học Đông Dương tạp chí mà không học Phụ Nữ Tân Văn. Nói về mọi phương diện, tạp chí sau nầy đã vượt xa tạp chí trước về biên khảo, dịch thuật, bút chiến, phê bình tiểu thuyết”. Hay “lại không gì mỉa mai hơn là học Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Trọng Thuật, cả Hoàng Ngọc Phách nữa, những nhà văn mà chính phê bình gia có tiếng là Vũ Ngọc Phan nhìn nhận là kém hơn Hồ Biểu Chánh”!


***

Vậy thì văn chương Sài Gòn ra sao? Xin thưa, đó là một nền văn chương dành cho mọi người. Văn chương Sài Gòn, ai cũng đọc được, từ quan lớn, quan nhỏ, bà lớn, bà nhỏ, cô tiểu thư, cho đến chị bán tàu hũ, bán chuối chưng, bán cá... ngoài chợ, tất nhiên là phải biết chữ.

Vì viết cho mọi người nên văn chương Sài Gòn viết bằng tiếng nói thường dùng, với nguyên liệu chính là cuộc sống thường ngày. Đó là chuyện thời sự mới diễn ra tháng rồi, là chuyện tình của cô Tám, cô Chín, là chuyện của người nghèo, người giàu và cả người "chưa giàu"... Đã là văn chương thì phải được “nâng lên”, được hư cấu, thêm mắm dặm muối như người đầu bếp lành nghề nấu ăn. Nên ai đọc đều thấy có mình trong đó, đều cảm thương cho số phận nhân vật, đều tin rằng cuộc sống khó khăn nhưng vượt qua được. Thậm chí có độc giả còn nghĩ rằng, nhân vật là có thiệt và đang đồng hành cùng họ.

Vì gần cuộc sống, vì dành cho mọi người, vì là truyện đăng báo, nên văn chương Sài Gòn không cầu kỳ, không chải chuốt, không bóng bẩy, không làm dáng mà bình dị, nhẹ nhàng, thô ráp, văn gần với tiếng nói. Văn chương Sài Gòn là văn chương viết từng kỳ, viết để in liền nên mỗi kỳ phải hấp dẫn người đọc. Có nhà văn, mỗi ngày tới ngồi ở tòa soạn báo viết liền một mạch rồi đưa cho ấn công đem vô xếp chữ. Do đó, có khi chữ nghĩa không được biên tập, sửa chữa cho gọn gàng, câu cú nhiều lúc lộn xộn. Đó cũng là phong cách của nhiều nhà văn Sài Gòn kéo dài cho tới năm 1975.

Văn chương Sài Gòn bắt đầu là những truyện rất ngắn, nội dung đơn giản, tình tiết cũng giản dị. Lần lần truyện mới dài ra, dài ra, nhiều tình tiết hơn, nhiều éo le, gút mắc hơn và đến thế kỷ XX mới thực sự có những cuốn tiểu thuyết đồ sộ. Đọc lại các truyện thuở bình minh của văn học quốc ngữ, từ những tập "Chuyện đời xưa" của Trương Vĩnh Ký, "Chuyện giải buồn" của Huỳnh Tịnh Của cho chí truyện "Phansa diễn ra quấc ngữ" của Trương Minh Ký đều na ná nhau ở chỗ rất ngắn, nội dung mỏng, đọc dễ hiểu. Đến "Thầy Lazaro Phiền" của Nguyễn Trọng Quản thì mới dài, và độ dài nầy so với tiểu thuyết ngày nay chỉ là một truyện vừa! Có lẽ thời kỳ đầu, người biết quốc ngữ không nhiều, các vị viết nhằm mục đích cho người học chữ luyện chữ, tập đọc chớ chưa nhằm để “thưởng thức” như ngày nay. Thứ nữa, thuở xưa, người viết cũng không nhằm mục đích kiếm sống nên chẳng cần phải kéo dài lê thê ngày nầy qua ngày khác! Cũng còn có một lý do đặc biệt quan trọng nữa là văn học Sài Gòn "sống nhờ" báo chí, nên hoàn toàn phụ thuộc vào chủ trương xuất bản của từng tờ báo.

Có thể hình dung, văn chương Sài Gòn xưa là món rau ghém, món ăn phụ trên mâm cơm báo chí. Chỉ là món ăn phụ để người đọc báo khỏi ngán. Mà cũng ngán thiệt! Tin tức trên báo gần như chỉ có những món tin xe cán chó chó cán xe, giết người, cướp giựt... Rồi phần nghị luận thì lê thê nặng nề, khô khan (tương tự món khô chiên, món thịt kho quẹt mặn đắng, ăn ít thì ngon nhưng ăn nhiều thì uống nước no bụng)... May có món tiểu thuyết khiến "bữa ăn" báo chí dễ nuốt. Dần dà, văn chương thành món trọng yếu của nhiều người đọc báo. Và cũng từ đó, văn chương có chỗ đứng nhứt định rồi lớn lên thành một dòng văn học riêng, phản ánh một cách trung thực cuộc sống, xã hội đương thời. Chính với nội dung, phong cách và cách viết ấy, văn chương Sài Gòn tạo ra một dòng văn học riêng, không đâu có, khó bắt chước, trải qua cả trăm năm vẫn ẩn chứa sức hút vô cùng mạnh mẽ, đáng được ghi nhận trong văn học sử của nước nhà.
Cũng vì lẽ đó mà tôi đã cất công ghi lại những tiểu thuyết của những người đi trước sưu tầm được. Có thể thân nhân của các tác giả vẫn còn đâu đây nhưng do tôi không may mắn được gặp nên xin được tha thứ nếu có điều chi thất thố.

Phần lớn những tiểu thuyết và truyện ngắn in trong sách nầy đều chép từ các tờ báo xưa. Một số tác phẩm nổi tiếng nhưng không đưa vào sách nầy như "Nghĩa Hiệp kỳ duyên" của Nguyễn Chánh Sắt, hay bản dịch "Tam quốc chí" đầu tiên của Canavaggio vì đã quá quen thuộc và in ấn nhiều. Lần này, trong tập 1, xin được chọn một số tác phẩm mới chưa in lại hoặc in rất ít để phục vụ bạn đọc. Ngoài nhiều truyện của tác giả Trương Minh Ký (có khi dùng bút hiệu Mai Nham), chúng tôi in lại hai ấn phẩm nổi tiếng, có vị trí vô cùng quan trọng trong văn chương quốc ngữ. Đó là: "Kiếp phong trần" của Trương Vĩnh Ký và "Thầy Lazaro phiền" của Nguyễn Trọng Quản.

Ngoài ra, chúng tôi còn chọn lọc đăng những tác phẩm có giá trị trong nghiên cứu như "Ai làm được", tác phẩm đầu tay của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Hà Hương phong nguyệt truyện của Lê Hoằng Mưu – Nguyễn Kim Đính, Phan Yên ngoại sử, tiết phụ gian truân của Trương Duy Toản, cùng một số tác phẩm văn xuôi của nhiều tác giả, trong đó có những tác giả chúng tôi cũng chưa biết rõ. Riêng tiểu thuyết "Hà Hương Phong Nguyệt" của Lê Hoằng Mưu thì chép theo cuốn sách do nhà in Nguyễn Văn Viết in năm 1915. Nội dung các truyện được sắp xếp theo theo trình tự thời gian xuất bản của tài liệu sưu tầm được, riêng bài "Văn chương quốc ngữ" (1924) được dùng làm bài  mở đầu là để độc giả dễ nắm bắt những vấn đề trọng tâm của văn chương quốc ngữ thời kỳ này.

Tôi cũng mạn phép được “dịch” vài chữ người xưa hay dùng để độc giả ngày nay dễ theo dõi, còn lại đều giữ nguyên theo bản gốc. Những chữ không đúng với chính tả hiện hành, chúng tôi sẽ điều chỉnh trong ngoặc [ ] cho lần xuất hiện đầu tiên, các lần sau giữ nguyên như bản gốc để bạn đọc tiện nghiên cứu, tham khảo về văn chương quốc ngữ Nam bộ. Trong phần tác giả, chúng tôi cố gắng cung cấp thêm một số thông tin tiểu sử để bạn đọc tiện tra cứu, và mong được bạn đọc bổ túc thêm thông tin về những tác giả mà chúng tôi chưa biết, để lần tái bản sau ấn phẩm được hoàn thiện hơn.

Rất mong được bạn đọc góp ý.

TRẦN NHẬT VY

Nguồn: VĂN CHƯƠNG SÀI GÒN 1881-1924 - Văn xuôi I - NXB Văn hóa Văn nghệ, 2017

Thông tin truy cập

60520102
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1595
10018
60520102

Thành viên trực tuyến

Đang có 192 khách và không thành viên đang online

Danh mục website