Tháng 11/2023, không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại” đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức với nhiều tư liệu quý lần đầu được công bố. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, hàng trăm ngàn tài liệu gốc quý giá có niên đại từ trên 200 năm đang được lưu giữ, bảo quản trong điều kiện tốt nhất tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và vẫn đang tiếp tục được “giải mật”...

“Lênh đênh” như Châu bản triều Nguyễn

Trải qua 143 năm tồn tại (1802 - 1945), triều Nguyễn đã lưu dấu ấn trong lịch sử về thống nhất giang sơn, xác lập chủ quyền, quan hệ bang giao, kiến thiết kinh đô, văn hóa giáo dục, đời sống xã hội, thiết chế hành chính, chế định luật pháp, khoa cử thư tịch, giữ gìn chủ quyền biển đảo… Tất cả các hoạt động này đều được phản ánh khá rõ nét và chính xác qua hệ thống Châu bản triều Nguyễn còn lưu giữ được đến ngày nay.

Triều nhà Nguyễn cũng là triều đại có các quy định về tổ chức nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách về văn thư - lưu trữ khá chặt chẽ: dưới thời vua Gia Long là Thị Thư viện, dưới thời vua Minh Mệnh là Văn Thư phòng và từ năm 1829 do Nội các quản lý. Chính vì thế, số tài liệu văn bản được hình thành trong quá trình quản lý nhà nước được sắp xếp, đóng quyển, lưu trữ tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, do những biến thiên của lịch sử, kho tư liệu Châu bản triều Nguyễn bị thất lạc, mất mát, hư hỏng nhiều và từng có những cuộc di chuyển “đường trường thiên lý” từ Huế lên Đà Lạt rồi về Sài Gòn, sau đó mới được chuyển ra Hà Nội.

20240313Các chuyên gia từ Trung tâm Bản thảo chữ viết tay - Đại học Hamburg (Đức) hỗ trợ xử lý các Châu bản bị hư hỏng nặng.

Tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I là nơi bảo quản, lưu trữ các tài liệu có từ trước năm 1945 (bao gồm khối tài liệu chữ Hán - Nôm (châu bản), khối tài liệu tiếng Pháp và khối tài liệu chữ quốc ngữ), trong đó, tài liệu hành chính cổ xưa nhất hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm là văn bản năm 1488 (thời Hậu Lê) về việc bổ nhiệm ngạch quan cho một người tên là Phạm Nam; còn Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III là nơi bảo quản, lưu giữ các tài liệu từ sau năm 1945.

Ông Trần Đăng Phương, Trưởng phòng Xử lý nghiệp vụ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho biết: “Việc lưu trữ, bảo quản Châu bản triều Nguyễn đã trải qua một số lần chỉnh đốn vào các năm 1942, 1959. Đến năm 1961, để tránh khí hậu nóng ẩm tại Huế có thể gây hư hại cho tài liệu, toàn bộ Châu bản và một số thư tịch của Hoàng triều được chuyển lên Văn khố Đà Lạt. Cuối tháng 3/1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã di chuyển toàn bộ số Châu bản về Sài Gòn trên 2 chuyến máy bay được “thuê bao” cùng với một số tài liệu khác và có kế hoạch mang ra nước ngoài, nhưng sau đó đã không kịp chuyển đi. Năm 1978, khối tài liệu này được Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tiếp quản, sau đó giao cho Kho Lưu trữ Trung ương II (nay là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II) tại TP Hồ Chí Minh quản lý. Năm 1991 khối tài liệu Châu bản gồm 602 tập được chuyển ra Hà Nội, tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung tăng lên 735 tập vào năm 2003 và 773 tập vào năm 2012...”.

Sau khi được chuyển ra Hà Nội, đa phần Châu bản được đánh giá là bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau do các yếu tố về môi trường, chiến tranh, tài liệu bị di chuyển nhiều lần. Năm 1994, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Cứu nguy Châu bản triều Nguyễn”, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tiến hành các công việc như: phân loại, lựa chọn các tài liệu bị hư hỏng để tiến hành tu bổ, biên mục tài liệu, biên dịch nội dung thông tin và số hóa (lưu trữ bằng microfilm và đĩa CD-ROM), lập cơ sở dữ liệu để phục vụ khai thác trong mạng nội bộ, hạn chế tối đa việc sử dụng đến bản gốc. Hiện nay, các Châu bản sau khi đã xử lý, được đựng trong các hộp gỗ quý và bảo quản trong “kho Châu bản triều Nguyễn” với nhiệt độ và độ ẩm phù hợp với tài liệu giấy dó.

Ông Trần Đăng Phương cho biết thêm: “Công tác tu bổ có giai đoạn gặp khó khăn vì có 22 tập Châu bản vừa và hỏng nặng, có những cuốn bị bết dính, đóng cục như gỗ. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã phối hợp với các ban, ngành và mời các chuyên gia nước ngoài đến từ Nhật Bản giúp đỡ ngay từ năm 1992. Đến năm 2016, Trung tâm cử một đoàn cán bộ sang Nhật đem theo một cuốn Châu bản bị hư hỏng nặng cùng trao đổi với các chuyên gia về cách thức khôi phục. Một năm sau, 2 chuyên gia Nhật lại sang Việt Nam cùng trao đổi và thống nhất cách làm và đã tiến hành xử lý, tu bổ được 20 tập. Hiện nay còn 2 tập Châu bản cuối cùng vẫn chưa thể tu bổ, khôi phục được do hư hỏng quá nặng vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý”.

Chuyện bảo quản và “giải mật” Châu bản triều Nguyễn -0
Kho Châu bản triều Nguyễn hiện được bảo quản trong điều kiện tốt nhất.

Bảo tồn và tôn vinh giá trị đặc biệt 

Theo cố GS.NGND Phan Huy Lê, Châu bản triều Nguyễn là một di sản văn hóa mang giá trị kép, vừa là vật thể vừa phi vật thể vô giá, không những quý hiếm mà còn duy nhất, độc bản được bảo tồn đến ngày nay. Mặc dù trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, tài liệu đã bị hư hỏng, mất mát khá nhiều nhưng những di sản còn lại hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I hiện nay là đặc biệt quý giá. Bởi vì đây là kho sử liệu gốc, độc bản của triều Nguyễn và là tài liệu căn bản về một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam.

“Cũng nhờ kho Châu bản mà Chính Quốc sử quán nhà Nguyễn đã khai thác để biên soạn các bộ chính sử có giá trị của vương triều như “Đại Nam thực lục tiền biên”,“Đại Nam thực lục chính biên”,“Đại Nam chính biên liệt truyền”; các bộ hội điển như “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, “Minh Mệnh chính yếu”... Giá trị tư liệu của khối tài liệu này cũng đã vượt tầm quốc gia, khu vực để trở thành Di sản tư liệu của thế giới”, GS Phan Huy Lê khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thu Hoài - Phó giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho biết, sau khi Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương (năm 2014) và vinh danh là Di sản tư liệu thế giới (năm 2017), UNESCO yêu cầu các quốc gia có di sản phải có chính sách bảo tồn và phát huy giá trị của nó để công chúng và nhiều người biết đến hơn. Chính vì thế, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn”, thực hiện từ năm 2015-2025. Trung tâm đã mời các chuyên gia đến từ Trung tâm Tu bổ phục chế Tokyo (Nhật Bản) và Trung tâm Bản thảo chữ viết tay - Đại học Hamburg (Đức) hỗ trợ xử lý triệt để.

Để phát huy giá trị đặc biệt của kho tư liệu Châu bản quý giá, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã tổ chức nhiều triển lãm như: “Bút son của các Hoàng đế trên Châu bản Triều Nguyễn”, “Thuật trị quốc của Hoàng đế Minh Mạng trên di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn”, “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn”, “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”; xuất bản nhiều ấn phẩm liên quan đến Châu bản như “Mục lục Châu bản triều Nguyễn”, “Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn”, “Phê trên Châu bản triều Nguyễn”, “Quốc sử quán qua Châu bản triều Nguyễn”, sách ảnh “Châu bản triều Nguyễn - Di sản thế giới”… để giới thiệu giá trị tư liệu độc đáo của Châu bản đến với công chúng.

Cũng theo bà Nguyễn Thu Hoài, trong số những tập tài liệu bị hư hỏng nặng, sau khi được khôi phục đã “phát lộ” những tư liệu quý giá. Trước đây từng có 2 tập Châu bản thời Minh Mệnh có chứa các tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa nhưng do bị hỏng quá nặng không thể khôi phục được. Bằng các nguồn, các kênh thông tin khác nhau, Trung tâm đã khôi phục được 2 tập này qua bộ microfilm do người Mỹ đã làm từ những năm 1960 - khi họ nhận ra giá trị của Châu bản. Thực tế, họ đã làm được 64 tập, trong đó có 5 tập thời Gia Long và 59 tập thời Minh Mệnh. Hiện 1 bộ microfilm đang được lưu giữ tại thư viện của Đại học Harvard (Mỹ) và 1 bộ được lưu giữ tại Đại học Texas.

Bà Nguyễn Thu Hoài thông tin thêm: “Khi Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin - Truyền thông khai thác các tài liệu liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, Trung tâm đã cung cấp bản microfilm này. Đó là những văn bản khá quan trọng như Văn bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh 17 (1836) do Bộ Công phúc trình về việc cho thuyền đi Hoàng Sa đóng cọc gỗ làm mốc giới đã thể hiện và là bằng chứng không thể chối cãi về việc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và triều Nguyễn đã có rất nhiều hoạt động để thực thi chủ quyền đó. Nhược điểm của bản microfilm được làm từ giữa thế kỷ trước là chỉ gồm 2 màu đen trắng nên không hiện lên được các bút phê màu đỏ của nhà vua nhưng về tính tư liệu thì vô cùng quý giá”.

Nguyệt Hà

Nguồn: An ninh thế giới giữa và cuối tháng, ngày 05.02.2024.

Sáng ngày 26 tháng 10 năm 2023, tại Hội trường 606, số 1B, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội (ISSI) thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (Viện Hàn lâm-VASS) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Cơ sở dữ liệu Kho Trung Quốc cổ: Tiềm năng khai thác giá trị khoa học”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm giới thiệu thực trạng Kho Trung Quốc cổ, đánh giá giá trị tư liệu và tiềm năng nghiên cứu với hy vọng mở ra cơ hội hợp tác quốc tế nhằm quảng bá, phát huy giá trị kho tài liệu quý hiếm, để có thể chia sẻ và lan toả tri thức, di sản mà thế hệ đi trước để lại.

20231105

Kỷ yếu hội thảo, xin mời xem tại đây.

20171110 Buu Cam

 Thầy Bửu Cầm dạy lớp Hán Nôm chúng tôi vào năm 1981, lúc ấy chúng tôi đang học năm thứ ba chuyên ngành Hán Nôm, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh. Hồi ấy sinh viên ngữ văn mỗi khóa lấy rất ít, chỉ chừng trên dưới ba chục người, khóa nào đông thì lấy hai lớp như thế. Chuyên ngành Hán Nôm càng ít hơn nữa, lớp tôi chỉ có 7 người. Đến nay mỗi người mỗi ngả, dù chỉ còn mình tôi theo đuổi chữ Hán, nhưng ai cũng còn giữ lại được chút gì đó về Hán Nôm, có khi là tri thức, có khi chỉ là một chút cốt cách. Chị Thanh Giang, hoa khôi của lớp tôi (lớp có duy nhất một bông hồng!) hiện nay làm ở một công ty tàu biển. Anh Thanh Vân (thường bị các thầy nhìn vào danh sách lớp mà gọi là “chị Thanh Vân”), hiện làm ở Ngân hàng Công Thương VN. Anh Hữu Vinh, làm ở Đài Phát Thanh-Truyền hình Bến Tre. Anh Phó Quốc Vân, vượt biên sang Úc. Anh Nguyễn Mộng Long hiện làm đạo diễn ở Xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu. Anh Huỳnh Thanh Luân, hiện đang làm biên tập ở báo SGGP.

Thập Anh thi tập拾 英 詩 集 (hay Thập Anh đường thi tập 拾 英 堂 詩 集 ) của Ngô Nhân Tĩnh (1761-1813)[1], được Trịnh Hoài Đức (1764-1825) cho khắc in lần đầu tiên vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) chung với Cấn Trai thi tập 艮 齋 詩 集 của ông và Hoa nguyên thi thảo 華 原 詩 草 của Lê Quang Định (1760-1813) với tên gọi chung là Gia Định tam gia thi 嘉 定 三 家 詩 . Thế nhưng, với tình hình tư liệu hiện nay, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy bản in của Gia Định tam gia thi mà chỉ tìm thấy trang bìa Gia Định tam gia thi cùng với mục lục các thi tập của ba nhà trong Cấn Trai thi tập, được lưu trữ tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, với ký hiệu A.1392.

1. Giới thiệu tiểu sử Ngô Nhân Tĩnh

Ngô Nhân Tĩnh, một trong ba nhà thơ lớn đất Gia Định, sinh năm nào và mất năm nào, cho đến nay, trong những công trình vẫn còn chưa thống nhất. Vì thế, việc xác định năm sinh năm mất của Ngô Nhân Tĩnh cũng là điều nên làm trước khi tìm hiểu thơ ca của ông.

        Lâu nay nghiên cứu Hán Nôm là việc làm hết sức có ý nghĩa đối với sự nghiệp tìm hiểu tri thức văn hóa của con người Việt Nam; là cầu nối của quá khứ với hiện tại và tương lai. Tìm hiểu nghiên cứu, khai thác thư tịch, di tích, văn hóa, lịch sử, con người xưa để xây dựng nền văn hóa mới, tạo cơ hội cho người Việt Nam hiện tại và mai sau tiếp cận, lĩnh hội và thưởng thức những giá trị văn hóa Việt Nam, ngõ hầu giữ vững bản sắc dân tộc và có thể hòa nhập với thế giới, vượt qua những thử thách lớn lao, phức tạp của thời đại.

              Điểm qua lịch sử thư tịch Hán Nôm Việt Nam cho thấy sách vở nước ta nhiều lần bị mất mát hủy diệt, cụ thể như từ năm 1258 đến năm 1288, quân Nguyên Mông Cổ nhiều lần tấn công An Nam, khiến sách vở nước ta không thoát khỏi nạn kiếp bị hủy hoại, bốn bộ Đại Tạng KinhĐạo Đức Kinh thỉnh từ Bắc Tống về đều bị lửa thiêu rụi. Đến năm 1371, Trần Nghệ Tông Thiệu Khánh năm thứ hai (1371), quân Chiêm Thành tấn công thành Thăng Long, bắt người cướp của, hủy hoại cung điện và sách vở. Năm 1516, Hồng Thuận thứ tám, Lê Tương Dực chơi bời trụy lạc, xa xỉ, bỏ bê chính sự, nhân dân đói khổ dẫn đến nổi loạn vào cấm thành lấy đi vàng bạc, gấm vóc, ném sách vở ra đầy đường. Trong khoảng thời gian quân Minh chiếm đóng Việt Nam từ 1414 – 1427 đã thực hiện nghiêm lệnh hủy hoại thư tịch và gom về Trung Quốc. Sau này, khi quân Pháp rút khỏi Hà Nội và trong thời gian Nhật chiếm đóng Việt Nam, không ít sách vở của ta cũng bị họ lấy đi. Đó là lý do khiến cho thư tịch cổ Việt Nam bị tàn khuyết. Tuy nhiên, ngoài lý do chiến tranh, loạn lạc, sách vở nước ta còn lưu truyền đến các nước lân cận, cụ thể là Trung Quốc thông qua con đường chính thống như sứ thần tiến cống, giao lưu văn hóa, mua bán trao đổi, tặng phẩm…

 

I. Gs. Bửu Cầm là một trong những nhà giáo, nhà nghiên cứu Hán Nôm có uy tín của giới nghiên cứu ở miền Nam những năm trước 1975. Ông sinh năm 1920 tại Huế. Là người trí thức có vốn Hán học, ông còn giỏi Pháp ngữ. Ông đã học và làm việc với cac nhà Hán học nổi tiếng đương thời. Ông đã từng là Trưởng ban Hán văn trường Quốc học Huế và trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, chuyên nghiên cứu lịch sử và ngữ văn cổ trung đại Việt Nam, văn hóa, triết học cổ Trung Hoa. Quá trình làm việc của ông là quá trình đóng góp nhiều công trình giá trị về lịch sử, văn học, ngữ âm, văn hóa... cho nước nhà. Các công trình nghiên cứu khoa học của ông còn để lại bao gồm cả sách, bài báo dịch thuật, biên khảo, sáng tác trên các tạp chí uy tín khoa học bấy giờ , cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức có giá trị khoa học và thực tiễn. Bên cạnh những giá trị đó, chúng tôi, những kẻ hậu sinh còn thấy một giá trị lớn ở ông: một tấm gương về phong cách nghiên cứu khoa học. Trong cuộc hội thảo hôm nay, chúng tôi xin trân trọng trình bày những đóng góp vô giá này của ông.

 

Thông tin truy cập

60425063
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6038
6820
60425063

Thành viên trực tuyến

Đang có 212 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website