- Trần Thị Như Quỳnh
- Hội thảo Khoa học quốc tế "Kawabata Yasunari: Từ Nhật Bản đến Việt Nam)
- Lượt xem: 624
Ký hiệu nước trong sáng tác của Kawabata Yasunari (Khảo sát trường hợp ba tiểu thuyết: Xứ tuyết, Hồ và Những người đẹp say ngủ)
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ "KAWABATA YASUNARI: TỪ NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM"
Ký hiệu nước trong sáng tác của Kawabata Yasunari (Khảo sát trường hợp ba tiểu thuyết: Xứ tuyết, Hồ và Những người đẹp say ngủ)
Water as a sign in the writings of Kawabata Yasunari (in the cases of Snow Country, The Lake, and The Sleeping Beauties)
Tác giả: Trần Thị Như Quỳnh
ThS., Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang
TÓM TẮT
Văn chương Kawabata Yasunari luôn ẩn chứa những hình ảnh được mã hóa dưới dạng các biểu tượng và đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về biểu tượng trong văn chương Kawabata Yasunari. Đã có nhiều nghiên cứu, bài viết tập trung phân tích các biểu tượng trong các tác phẩm như biểu tượng tuyết trong Xứ tuyết, gương trong Cố đô, trà đạo (chén uống trà, gian trà thất, những buổi trà đạo…) và chiếc khăn furoshiki trong Ngàn cánh hạc... Trong bài tham luận này, người viết mong muốn đề xuất hướng nghiên cứu, góc nhìn mới, mang tính phổ quát hơn về biểu tượng nước trong tiểu thuyết của Kawabata Yasunari qua khảo sát ba tiểu thuyết: Xứ tuyết, Hồ và Những người đẹp say ngủ.
Cấu trúc bài tham luận được chia thành bốn phần với các ý chính như sau:
Phần một, tham luận đề cập tới biểu tượng nước trong sáng tác của Kawabata Yasunari thuộc dạng cổ mẫu sáng thế, xuất hiện với nhiều dạng thức, biểu hiện xuyên suốt các tác phẩm của ông: tuyết (trong Xứ tuyết), hồ (trong Hồ), biển (trong Những người đẹp say ngủ)... Nhưng dù xuất hiện dưới dạng thức nào, biểu tượng nước trong văn chương Kawabata Yasunari cũng luôn chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa.
Phần hai, người viết nói tới vấn đề nước biểu tượng cho cái đẹp, sự thuần khiết, đặc biệt của người phụ nữ. Đó là những người phụ nữ gắn liền với những vùng đất bao quanh bởi nước. Như hai cô gái Komako và Yoko nơi miền xứ tuyết hay những người đẹp say ngủ, hằng đêm nằm bên khách, trong tiếng sóng biển vỗ ì oạp. Nước như gột sạch tạp niệm và khiến cái đẹp của người phụ nữ trên trang văn Kawabata Yasunari trở nên đầy thanh khiết. Nhưng, nước yên bình mà cũng dữ dội, và đó cũng là hai mặt cá tính trong nội tâm người phụ nữ trên trang viết của Kawabata Yasunari.
Phần ba, bài tham luận hướng tới khía cạnh nước biểu tượng cho quá khứ, ẩn ức sâu kín, đau thương, vụn vỡ của con người. Là Gimpei với vùng hồ trong ký ức và là ông lão Eguchi, những đêm ngủ cạnh những người đẹp say ngủ đều nhớ về một phần ký ức xưa cũ trong tiếng sóng nước từ xa mỗi lúc dội lại gần hơn. Đau thương, mất mát, đam mê lụi tàn, sầu đau thân thể... chìm vào dòng nước ký ức kéo dài tới hiện tại.
Phần bốn, bài tham luận đề cập đến vấn đề nước trong tiểu thuyết của Kawabata Yasunari biểu tượng cho cái chết. Cái chết luôn hiện diện trong văn chương Kawabata và không ít lần, cái chết đó gắn liền với “nước”. Yoko chết vì lửa nhưng giữa ngọn lửa cháy, là dòng nước “hình cánh cung” phun vào “đám lửa cũ”, là “dải ngân hà” trong tâm trí Shimamura và cả nền tuyết vùng sơn cước xứ tuyết. Cái chết của cha Gimpei vẫn luôn ghim trong tiềm thức hắn, gắn liền với mặt hồ ký ức. Những người đẹp say ngủ, nếu có chết trong khi ngủ say, thân xác các cô được đưa tới những vùng hồ nước nóng xa ngái... Gắn liền với biểu tượng nước, cái chết trong văn chương Kawabata, vừa là sự “về cội”, vừa là sự “tái sinh, chuyển kiếp”, nhưng cũng vừa là sự “cực đoan” của những con người, mang nặng nỗi đau nhân thể và nỗi sầu nhân thế.
Từ khóa: Biểu tượng, nước, Xứ tuyết, Hồ, Những người đẹp say ngủ