Người thầy của lớp “Bế môn đệ tử”

20171110 Buu Cam

 Thầy Bửu Cầm dạy lớp Hán Nôm chúng tôi vào năm 1981, lúc ấy chúng tôi đang học năm thứ ba chuyên ngành Hán Nôm, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh. Hồi ấy sinh viên ngữ văn mỗi khóa lấy rất ít, chỉ chừng trên dưới ba chục người, khóa nào đông thì lấy hai lớp như thế. Chuyên ngành Hán Nôm càng ít hơn nữa, lớp tôi chỉ có 7 người. Đến nay mỗi người mỗi ngả, dù chỉ còn mình tôi theo đuổi chữ Hán, nhưng ai cũng còn giữ lại được chút gì đó về Hán Nôm, có khi là tri thức, có khi chỉ là một chút cốt cách. Chị Thanh Giang, hoa khôi của lớp tôi (lớp có duy nhất một bông hồng!) hiện nay làm ở một công ty tàu biển. Anh Thanh Vân (thường bị các thầy nhìn vào danh sách lớp mà gọi là “chị Thanh Vân”), hiện làm ở Ngân hàng Công Thương VN. Anh Hữu Vinh, làm ở Đài Phát Thanh-Truyền hình Bến Tre. Anh Phó Quốc Vân, vượt biên sang Úc. Anh Nguyễn Mộng Long hiện làm đạo diễn ở Xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu. Anh Huỳnh Thanh Luân, hiện đang làm biên tập ở báo SGGP.

Học chuyên ngành Hán Nôm, chúng tôi rất tự hào về các thầy của mình: thầy Lưu Khôn dạy tiếng Hoa (giáo trình Đài Loan) và Đường Tống bát đại gia rất uyên bác; thầy Trần Trọng San dạy thơ Đường rất nghệ sĩ;  thầy Nguyễn Tri Tài dạy Hán văn cơ sở rất thú vị và dễ nhớ; thầy Nguyễn Khuê uyên bác, nghiêm túc và thương học trò theo kiểu “thương cho roi cho vọt”. Và thầy Bửu Cầm, chúng tôi đã nghe danh ông từ lâu qua các luận văn cao học bảo vệ ở Đại học Văn khoa Sài Gòn.

 Thầy Bửu Cầm đến lớp tôi để dạy chữ Nôm, tôi nhớ môn học ấy có trích đoạn từ Đại Nam quốc sử diễn ca và Thanh Tâm Tài Nhân thi tập. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của thầy. Thầy tuổi đã cao, tóc bạc trắng, người trắng trẻo và nho nhã. Thầy hay mặc áo trắng ngắn tay, lưng đã hơi khom. Tiếng nói của thầy trong và rõ, có pha giọng Huế.

          Thấy bọn tôi học Hán Nôm, thầy có vẻ ái ngại. Trong giờ ra chơi có lần thầy hỏi: “Sao các anh không học ngành gì đó để sau này ra làm xuất nhập khẩu chẳng hạn, học làm gì ngành này?”. Hồi ấy nghề có tiền nhất là xuất nhập khẩu, quận nào cũng có công ty kiểu này. Thầy hỏi thế như giận dỗi, chứ không phải vì không yêu nghề, vì thầy đã dành gần như cả đời mình cho việc nghiên cứu Hán Nôm. Bọn tôi tuổi trẻ ngông cuồng, may mà không phải ai cũng thích nhiều tiền, nhờ thế mà còn có người làm nghề nọ nghề kia.

          Hồi ấy thời bao cấp, hậu chiến nên cả nước ai cũng nghèo. Nhà thầy ở Lăng Cha Cả, tôi được anh em trong lớp phân công chở thầy từ trường đến đầu đường Trần Quốc Thảo-Võ Văn Tần (bây giờ) để đón xe bus. Xe đạp của tôi quá rách nát, nhưng bao giờ cũng chở thầy đến nơi. Trên đường đi thầy nói chuyện rất vui. Chúng tôi rất thích đến thăm thầy và được xem đồ cổ. Thầy chỉ cho chúng tôi những kiến thức nhập môn của nghề này: thế nào là gồm đời Minh, thế nào là đời Thanh. Thầy nói cái bình thời Minh màu xanh ngọc này là đắt nhất, đến cả mười lượng vàng, cái đĩa màu xanh lam kia, to vậy nhưng chỉ khoảng 6 lượng thôi…Hồi ấy vàng rất có giá, chỉ cần một vài lượng là có thể mua được một căn nhà rồi.

          Có một chi tiết làm tôi cứ nhớ mãi. Lớp tôi tốt nghiệp năm 1982, nhưng tôi được chọn làm luận văn nên ở lại thêm nửa năm nữa. Tôi làm luận văn về Nguyễn Thông, phải dịch khá nhiều tư liệu mới. Đến chỗ văn bản nói ngày tháng can chi (ngày tí tháng sửu chẳng hạn), tôi bí không biết tra ở đâu. Hỏi thầy, thầy không trả lời ngay mà vào phòng trong, lát sau mang ra mảnh giấy, trong đó có ghi tên một quyển sách tra cứu âm dương lịch. Tôi về tìm sách ấy, tra cứu, từ đấy trở đi tôi có thể tra cứu mà không cần hỏi thầy nữa. Nghĩ lại, thấy “ông cụ” thâm nho thật, thay vì chỉ kết quả cho học trò, thầy lại chỉ cách tra cứu để sau đó học trò tự mình làm được. Đó cũng chính là cách Khổng Tử dạy học trò.

 Thầy về hưu, chúng tôi có đến thăm thầy một lần. Sau đó đến lại, thầy nói từ lâu thầy đã “bế môn tạ khách” không tiếp ai nữa. Chúng tôi ra về mà rất buồn. Vài năm sau chúng tôi cũng có đến nữa, nhưng thầy vẫn bế môn. Cho đến dịp Tết âm lịch năm kia – 2007, thầy Nguyễn Khuê cho biết có thể đến thăm thầy Bửu Cầm, tôi với anh Nguyễn Ngọc Quận, đàn anh mấy khóa trước rất hồ hởi, theo thầy Khuê đến thăm thầy Bửu Cầm. Khu Lăng Cha cả đã dời đổi tất cả, không còn nhận ra chút gì, nhưng căn nhà thầy ở vẫn mang nét xưa cũ của một bậc thầy “đại ẩn” - ẩn giữa phố phường. Thầy già và gầy ốm hơn trước nhiều, thầy xấp xỉ 90 rồi còn gì. Thế nhưng tinh thần vẫn rất minh mẫn, thầy kể bao nhiêu chuyện ngày xưa. Lớp Hán Nôm khóa 1978-1982 của chúng tôi là lớp cuối cùng của thầy dạy ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, và chúng tôi là lớp học trò “bế môn đệ tử ” của Thầy.

Từ cuộc gặp gỡ ấy, tôi với anh Quận có bàn với thầy Khuê, cô Ánh Loan về việc mở hội thảo khoa học về nghiên cứu Hán Nôm và văn hóa VN hướng đến kỷ niệm 90 năm năm sinh của thầy. Đồng thời chúng tôi cũng xin phép thầy được viết về thầy với tư cách là người đứng đầu danh sách 5 học giả Hán học tiêu biểu nhất ở phía Nam ([†]) trong công trình “Các nhà Trung Quốc học trên thế giới” của Đại học Quốc gia Đài Loan.

                                                          TP.HCM, tháng 5 năm 2009

                                                                  Đoàn Lê Giang

    

[†] 5 học giả ấy là: Bửu Cầm, Nguyễn Khuê, Phạm Thị Hảo, Cao Tự Thanh, Nguyễn Tôn Nhan.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62981136
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5175
18300
62981136

Thành viên trực tuyến

Đang có 278 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website