“Ngoại phiên thông thư” - Tập tư liệu cổ về quan hệ Việt - Nhật

Tóm tắt

Ngoại phiên thông thư 外蕃通書 (còn có tên khác là “Ngoại phiên thư hàn” 外蕃書) là tập thư từ ngoại giao giữa Mạc phủ Tokugawa徳川với các nước: Triều Tiên, Lữ Tống (Philippine), Campuchia, Thái Lan, Việt Nam... Thời gian trao đổi các bức thư này là khoảng thế kỷ 17, tương đương với thời Edo sơ kỳ đến trung kỳ của Nhật Bản, và thời Trịnh-Nguyễn phân tranh ở Việt Nam. Người tập hợp, chỉnh lý tập sách ấy là Kondo Juzo 近藤 重蔵 (cũng gọi là Kondo Morishige 守重) (1771-1829), học giả, bề tôi của Mạc phủ Tokugawa. Ngoại phiên thông thư có 27 quyển, trong đó  quyển 1 là mục lục, phần thư từ với Việt Nam gọi là “An Nam quốc thư” 安南國書. Sách được biên tập vào khoảng từ năm 1808-1819, bằng Hán văn và tiếng Nhật cổ có thêm chữ Katakana. An Nam quốc thư sưu tập thư từ của Mạc phủ Tokugawa với chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài về ngoại giao, mậu dịch và bảo hộ công dân Nhật Bản buôn bán ở Việt Nam. Đây là một trong những tập tư liệu cổ nhất về quan hệ Việt Nam và Nhật Bản. Bài viết này bước đầu đi vào nghiên cứu, giới thiệu Ngoại phiên thông thư, phần An Nam quốc thư.

*****

1. MỞ ĐẦU

Việt Nam và Nhật Bản đã có quan hệ với nhau rất sớm, từ thế kỷ 8, khi nhà thơ Nhật Bản thời Nara là Abe no Nakamaro 阿倍仲麻呂, một lưu học sinh trong đoàn Khiển Đường sứ du học rồi làm quan ở Trung Quốc, trên đường trở về nước bị trôi dạt đến Việt Nam([1]). Tuy nhiên quan hệ ngoại giao chính chức giữa Việt Nam và Nhật Bản có lẽ từ cuối  thế kỷ 16, khi người Nhật bắt đầu đến buôn bán ở Hội An. Tư liệu cổ nhất về vấn đề này là bức thư mới được phát hiện gần đây: thư của Nguyễn Hoànggửi cho Quốc vương Nhật Bản vào năm Quang Hưng thứ 14 thời Lê Thế Tông (1591) nói về việc tặng quà để đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước([2]). Một tư liệu khác là thư của Phiên chủ Shimazu Iehisa 島津 家久ở phiên Satsuma đảo Kyushu (do Văn Chi Huyền Xương 文之玄昌 (1555-1620) chấp bút) viết theo chỉ thị của Thiên hoàng Nhật Bản đồng ý giao hảo theo lời đề nghị của vua An Nam. Bức thư có tiêu đề An Nam Bố chánh châu Hữu cơ phó tướng Bắc quân Đô đốc đồng tri Hoa Quận công 安南布政州右奇副將北均都督同知華郡公([3]). Thế nhưng thư từ công văn về quan hệ Việt Nam và Nhật Bản không chỉ vậy mà còn rất nhiều,đã được tập hợp, biên soạn thành sách từ khá sớm. Bộ sách ấy là Ngoại phiên thông thư 外蕃通書của Kondo Juzo 近藤 重蔵, sách viết tay biên soạn vào đầu thế kỷ 19 tập hợp những thư từ ngoại giao giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong (Việt Nam) dưới thời chúa Trịnh – chúa Nguyễn với Nhật Bản dưới thời Mạc phủ Tokugawa trong khoảng thời gian từ 1601 đến 1694.

2. KONDO JUZO VÀ NGOẠI PHIÊN THÔNG THƯ

Kondo Juzo (1771-1829) là nhà thám hiểm, nhà thư tịch học thời Edo hậu kỳ. Tên là Morishige 守重, hiệu là Shiko 子厚, Seisai正斎, Shoten Shinjin 昇天真人. Ông sinh ở Edo trong  gia đình là bề tôi của Mạc phủ Tokugawa. Năm 1798 ông đi làm công tác thám hiểm, điều tra về tình hình xứ Ezo (sau này là vùng Hokkaido). Từ năm 1808 đến 1819 làm chức Thư vật phụng hành, quản lý thư viện Momijiyama 紅葉山文庫 ở thành Edo. Ông nghiên cứu nhiều tài liệu và biên soạn nhiều công trình có giá trị như: Ngoại phiên thông thư sưu tập tư liệu về lịch sử ngoại giao Nhật Bản, Biên yếu phân giới đồ khảo 分界nói về địa chí và việc phòng bị xung quanh vùng Ezo, Hữu văn cố sự 右文故事khảo chứng về các sách vở quan trọng của thư viện Momijiyama… Sau đó do liên lụy vì chuyện phạm pháp của con trai nên ông bị mất chức. Ông mất năm 1829 ở vùng Omi (tỉnh Shiga).

Ngoại phiên thông thư là bộ sách có giá trị nhất của Kondo Juzo. Bộ sách sưu tập các thư từ ngoại giao của Mạc phủ Tokugawa với các nước, biên soạn theo từng nước và qua từng thời kỳ. Sách hoàn thành năm 1818 và năm sau Kondo Juzo dâng lên cho Mạc phủ. Toàn bộ có 27 quyển:

-         Quyển 1-5: Triều Tiên 朝鮮

-         Quyển 6, 7: Hà Lan 阿蘭陀

-         Quyển 8-10: nhà Minh (Trung Quốc)

-         Quyển 11-14: An Nam 安南

-         Quyển 15-17: Xiêm La暹羅

-         Quyển 18, 19: Campuchia 柬埔寨

-         Quyển 20: Chiêm Thành 占城, Patani太泥 (Bắc bộ Malaysia)

-         Quyển 21-23: Lữ Tống 呂宋 (Philippines)

-         Quyển 24-25: Ma Cao 阿媽港

-         Quyển 26: Tây Ban Nha新伊西把

-         Quyển 27: Anh 漢乂利亜.

Tất cả có 12 nước và khu vực. Tử quyển 11 đến quyền 14 có tên là “An Nam quốc thư” 安南國書. So sánh các tư liệu trên ta có thể thấy: Tư liệu liên quan đến Triều Tiên là nhiều nhất (5 quyển), thứ hai là tư liệu liên quan đến Việt Nam (4 quyển), thứ ba là Trung Quốc, Xiêm La, Philippines (3 quyển), thứ tư là Hà Lan, Campuchia, Ma Cao (2 quyển), cuối cùng là tư liệu liên quan đến Chiêm Thành, Tây Ban Nha và Anh – mỗi nước chỉ có 1 quyển.

An Nam quốc thư có 4 quyển, số lượng thư cụ thể như sau:  

Quyển 11: An Nam quốc thư 1, 10 bức, thiếu 4 bức còn  6

Quyển 12: An Nam quốc thư 2, 14 bức, thiếu 1 bức còn 13

Quyển 13: An Nam quốc thư 3, 19 bức, thiếu 1 bức còn 18

Quyển 14: An Nam quốc thư 4, 19 bức

Tổng cộng có 62 bức, nhưng trong đó có 6 bức chỉ có tên mà không có nội dung  nên chỉ còn 56 bức. Biên soạn An Nam quốc thư, Juzo căn cứ vào các tài liệu gốc lưu trữ ở thư viện của Mạc phủ, bên cạnh đó, ông còn căn cứ vào một số công trình, trước tác của những người đi trước như: Dị quốc vãng lai cập nhật ký 異國往來及日記 (gọi tắt là Dị quốc nhật ký 異國日記), Cổ sự loại uyển 古事類苑, Thư hàn bình phong書翰屛風, Tinh Oa văn tập惺窩文集, Nam Phố văn tập南浦文集 và các tủ sách tư nhân…Sau mỗi bức thư Juzo còn hiệu đính, chú thích rất công phu. Nguyên văn các bức thư viết bằng Hán văn, khảo chứng của Juzo thì được viết bằng tiếng Nhật cổ (chữ Hán kết hợp với chữ phiên âm katakana). Bức thư đầu tiên trong An Nam quốc thư là thư của Đoan quốc công 端國公Nguyễn Hoàng viết cho Tướng quân Tokugawa Ieyasu徳川家康năm 1601, lúc này Ieyasu chưa chính thức cai quản quốc gia dù đã nắm quyền bính trong tay (2 năm sau nữa: năm 1603 mới bắt đầu thời Tokugawa/ Edo). Bức thư cuối cùng trong tập sách là thư của Quốc vương An Nam viết cho quan Phụng hành Nagasaki năm 1694([4]) cám ơn về việc đã giúp dân An Nam bị nạn trên biển về nước.  

Ở Việt Nam người đầu tiên biết đến bộ sách này là Sở Cuồng Lê Dư 楚狂輿. Lê Dư (?-1967) người Quảng Nam, năm 1900 ông cùng với Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác ra Hà Nội học tiếng Pháp và tham gia công tác tại trường Đông Kinh nghĩa thục và phong trào Đông du. Năm 1908 ông bị Nhật trục xuất cùng với các lưu học sinh Đông du khác. Ông tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc, từng đến Triều Tiên. Năm 1925 ông về nước làm việc ở trường Viễn Đông bác cổ, cộng tác thường xuyên với Nam phong tạp chí, Hữu thanh, Đông tây … và sáng tác và trước thuật nhiều tác phầm có giá trị như: Tây Sơn ngoại sử, Nữ lưu văn học sử, Phổ Chiêu thiền sư thi văn tập …Lê Dư là người đầu tiên viết về lịch sử quan hệ Việt Nam – Nhật Bản với bài viết rất công phu bằng chữ Hán: Liệt quốc thái phong ký, tục tam: Cổ thời ngã quốc dữ Nhật Bản giao thông chi lịch sử 列國採風記, 續三, 古時我國與日本交通之歷史(Ghi chép phong vật các nước, phần 3: Lịch sử ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản thời cổ) đăng trên Nam phong tạp chí (Hán văn), số 43, tháng 1/ 1921. Trong đó ông đã sử dụng khá nhiều tư liệu từ Ngoại phiên thông thư. Lê Dư cũng là người đầu tiên giới thiệu Ngoại phiên thông thư ở Việt Nam. Ông đã đăng 35 bức thư trong tổng số 56 bức thư của Ngoại phiên thông thư - An Nam quốc thư  nói ở trên trong hai số  Nam phong tạp chí:

-   Bài 1: Cổ đại Nam Nhật giao thông khảo 古代南日交通攷, phụ đề: Bản triều tiên đại dữ Nhật Bản giao thông chi văn thư 本朝先代與日本交通之文書 (thư từ ngoại giao giữa các đời trước triều Nguyễn với Nhật Bản), 25 bức (Nam phong tạp chí, Hán văn, số 54, tháng 12 năm 1921, tr.200-213)

-   Bài 2: Cổ đại ngã quốc dữ Nhật Bản chi giao thông (tục) 古代我國與日本之交通 (), 10 bức  (Nam phong tạp chí, Hán văn, số 56, tháng 2 năm 1922, tr.54-59).

Không chỉ đăng báo, Lê Dư còn chú thích, khảo đính khá công phu, tất nhiên cũng viết bằng Hán văn. Ông mở đầu bằng một đoạn giới thiệu rất hay:

Trước đây trên tạp chí này tôi từng đăng Thái phong chí 採風誌([5]) của Nhật Bản thuật lại việc giao lưu giữa nước ta với Nhật Bản thời cổ, kế vì bận việc nên gác bút mấy tháng. Nhìn lại văn chương thời bấy giờ, rõ ràng rất đáng ghi lại. Như Hiếu Văn hoàng đế 孝文皇帝bản triều trừ bọn cướp Nhật ở duyên hải, là một việc khoái trá. Gả con gái cho thương nhân người Nhật, là một việc hay lạ. Cha con họ Trịnh vỗ về nuôi nấng hơn trăm thương nhân người Nhật gặp nạn, lại tâu với vua Lê đóng thuyền lớn để đưa họ về Nhật Bản, là một việc hào sảng. Còn những chuyện đó qua đây lại, tặng châu báo ngọc, các nhân vật nổi tiếng ở Đông Hải như Đức Xuyên Gia Khang/ Tokugawa Ieyasu, Gia Đằng Thanh Chính/ Kato Kiyomasa加藤清正([6])đều có thư từ tặng đáp. Hội An ở Quảng Nam, các xã Phục Lễ復禮, Hoa Viên 華圜ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An đều là chợ búa buôn bán giữa người nước ta và người Nhật đương thời. Những chuyện ấy sử sách Nhật Bản có quyển chép đại khái, có quyển chép rõ ràng, mà sử Nam ta thì khuyết, há không phải là điều đáng tiếc đối với các nhà sử học của nước ta sao!([7])

Tư liệu của Lê Dư rất quý, tiếc rằng nhà in xếp chữ Hán sai lầm khá nhiều, nên khi dùng phải rất cẩn thận. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu một số tư liệu trong Ngoại phiên thông thư trong đó có so sánh khảo dị với tư liệu của Lê Dư.

3. QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA ĐÀNG TRONG VỚI NHẬT BẢN

Năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ xứ Quảng Nam, xây dựng vùng Thuận Quảng phía nam sông Gianh thành một vùng đất trù phú với mục đích phù Lê chống lại nhà Trịnh. Trong vùng đất đó Hội An nổi lên như một hải cảng quốc tế sầm uất trên con đường mậu dịch Đông - Tây và Nam - Bắc. Các thương thuyền của các công ty Đông Ấn Độ, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản…đến buôn bán khá đông đúc. Trong tình hình đó chúa Nguyễn đã biết đến những đất nước xa xôi và muốn có quan hệ cấp nhà nước với họ để phát triển kinh tế, nâng cấp khả năng quân sự và bảo hộ thần dân của mình khi đi buôn bán nơi xa. Qua các bức thư đó mà Mạc phủ Tokugawa, một lực lượng quân phiệt mới nắm chính quyền vào đầu thế kỷ 17 biết đến Đàng Trong, từ đó mà hình thành quan hệ chính thức giữa Mạc phủ với chúa Nguyễn. Có thể liệt kê ra đây một số bức thư quan trọng:   

1.         An Nam quốc đô nguyên súy Thụy quốc công thượng thư 安南國都元帥國公上書: Thư của Nguyễn Hoàng ([8])về vụ đụng độ giữa lính Đàng Trong với đoàn thuyền của Shirahama Kenki白濱顯貴(năm 1601);

2.         Thần quân phục tứ An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công ngự thư神君復賜安南國大都統國公御書: Thư của Tokugawa Ieyasu trả lời về sự việc trên (năm 1601);  

3.         Thần quân phục tứ An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công ngự thư 神君復賜安南國大都統國公御書: Thư của Minamoto Ieyasu源家康 ([9]) gửi chúa Nguyễn Hoàng cám ơn về tặng vật của chúa Nguyễn (năm 1602);

4.        An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công thượng thư 安南國大都統國公上書: Thư Nguyễn Hoàng gửi Tokugawa Ieyasu cám ơn về tặng phẩm (1603);

5.         Thần quân phục tứ An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công ngự thư (Nhật Bản quốc Nguyên Gia Khang phục chương) 神君復賜安南國大都統國公御書 (日本國源家康復章): Thư của Ieyasu gửi Nguyễn Hoàng biểu lộ tình cảm và khuyến khích thương nhân Việt Nam đến Nhật buôn bán (1603);

6.         An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công thượng thư安南國大都統國公上書: Thư của Nguyễn Hoàng gửi Ieyasu cảm ơn về tặng vật, đồng thời gửi lại quà tặng cho Ieyasu (1605);

7.         Thần quân phục tứ An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công ngự thư (Nhật Bản quốc Tùng nhất vị Nguyên Gia Khang báo chương) 神君復賜安南國大都統國公御書 (日本國從一位源家): Thư trả lời của Ieyasu về bảo hộ thương nhân và đề nghị chúa Nguyễn trừng trị nghiêm khắc kẻ có tội (1605);

8.         An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công phục Bản Đa Thượng Dã Giới Chính Thuần thư 安南國大都統國公復多上野介正純: Thư của Nguyễn Hoàng trả lời Honda Kozukenosuke Masazumi本多上野介正純về việc nhận Yashichiro 七郎làm con nuôi và về tặng vật (1606)([10]);

9.         An Nam quốc chủ([11]) dữ Trường Kỳ Mộc Thôn Tông Thái Lang thư安南主與長崎木村宗太郎書: Thư của An Nam quốc chủ (Nguyễn Phước Nguyên阮福源) gửi cho thương nhân ở Nagasaki 長崎là Kimura Sotaro 木村宗太郎về việc ban cho quốc tính cho Sotaro 宗太郎(1619.)

Qua  các bức thư trên có thể thấy tặng vật qua lại giữa 2 bên khác nhau:

Đàng Trong tặng:

-    Kỳ nam, lụa trắng mịn, mật ong, gỗ lôi, chim công (Thư của Nguyễn Hoàng, 1601)

-    Kính, kỳ nam, sáp thơm, hương thắp (Thư Nguyễn Hoàng, 1605)

-    Kỳ nam, trầm hương, lụa, đoạn hoa  (Thư Nguyễn Phước Nguyên, 1622)

-   Kỳ nam, lụa, rượu (Thư nước An Nam, 1635)

Đàng Trong muốn Mạc phủ giúp hoặc thương nhân Nhật Bản mang tới: vũ khí, thuốc súng, sơn (Thư của Nguyễn Hoàng, 1601).

Nhật Bản tặng:

-         Binh khí (Thư của Tokugawa, 1601; 1602)

-         Đại đao (Thư của Tokugawa, 1603; Thư Nguyễn Hoàng, 1604)

-         Giáp trụ (Thư Nguyễn Hoàng, 1603)

-         Trường đao, đại đao (Thư Tokugawa, 1605).

Như vậy Đàng Trong tặng sản vật địa phương quý (kỳ nam, trầm hương, gỗ quý…), rượu, vải lụa. Điều ấy cho thấy Đàng Trong có nhiều sản vật quý hiếm, có rượu ngon và có vải lụa đẹp. Đàng Trong cần binh khí, giáp trụ, đao kiếm Nhật, và thường được Mạc phủ tặng các món ấy. Điều ấy cũng cho thấy trình độ luyện kim và kỹ thuật chế tạo vũ khí, đao kiếm của Nhật rất cao.

            Dưới đây chúng tôi xin trích ra hai bức thư của chính quyền Đàng Trong và Nhật Bản xung quanh vụ rắc rối về một thương nhân Nhật Bản.

(1)  Bức thư thứ nhất là thư của Nguyễn Hoàng gửi Tokugawa Ieyasu.

Bản trên Nam phong tạp chí của Sở Cuồng Lê Dư có tên là: Hy tông Hiếu Văn hoàng đế ký Nhật Bản Đức Xuyên Gia Khang thị thư 煕尊孝文皇帝寄日本德川家康氏 (Thư của Hy tông Hiếu Văn hoàng đế gửi Đức Xuyên Gia Khang 德川家康 nước Nhật Bản), mở đầu là: “Thiên hạ thống binh Đô nguyên súy Đoan quốc công nước An Nam(安南国天下統兵都元帥端國公). Bản Ngoại phiên thông thư ghi là An Nam quốc đô nguyên súy Thụy quốc công thượng thư安南国都元帥瑞國公上書. Vậy đây là thư của Đoan quốc công Nguyễn Hoàng (1525 - 1613) hay của con ông là Thụy quốc công Nguyễn Phước Nguyên 瑞國公阮福源 (1563-1634, ở ngôi chúa 1613-1634)?

Theo tôi, không thể căn cứ vào nhan đề trên Nam phong để xác định tác giả là Nguyễn Phước Nguyên (Hy tông Hiếu Văn hoàng đế), vì đó là nhan đề do Lê Dư đặt. Cần phải căn cứ vào niên đại, tước hiệu, thực tế lịch sử để xác định. 

Xét về mặt niên đại thì đây phải là thư của Nguyễn Hoàng, vì ông cai trị Đàng Trong từ 1558 đến 1613, đồng thời những câu chuyện, sự kiện kể trong thư là chuyện của Nguyễn Hoàng. Trong bức thư năm 1601 có đoạn: Tôi ở Đông Kinh nghe được tin ấy, thương tiếc khôn xiết. Năm trước ta vâng mệnh triều đình, lại về trấn lớn, thấy Hiển Quý/ Kenki vẫn còn ở nước tôi. Đoạn này nói đến những sự kiện liên quan đến Nguyễn Hoàng: năm 1593 Nguyễn Hoàng mang quân về Thăng Long (Đông Kinh) giúp vua Lê chúa Trịnh đánh họ Mạc, năm 1600 được cho về lại Thuận Hóa (trấn lớn大鎮).

Bức thư ấy như sau:

Thiên hạ thống binh Đô Nguyên súy Thụy quốc công nước An Nam 安南國天下統兵都元帥國公.

Nay nhiều lần đội ơn Gia Khang công có ý tốt đã sai Bạch Tân Hiển Quý (Shirahama Kenki) mang thuyền tới buôn bán, thông thương kết hiếu, lại đội ơn ban cho thư trát, đó là việc qua lại với quan Đô đường trước kia. Nay tôi vừa giữ chức Đô thống Nguyên súy, muốn theo việc trước hai nước giao thông, không may đến tháng 4 năm trước  Hiển Quý đỗ thuyền ở cửa biển Thuận Hóa bị sóng gió làm hỏng thuyền, không nơi nương tựa. Quan Đại Đô đường ở Thuận Hóa không biết Hiển Quý là thương nhân lương thiện, tranh cãi với người trên thuyền, không ngờ quan Đô đường lỡ việc qua đời, các tướng súy đem quân báo oán, vả lại ngày ngày đều muốn giết chết Hiển Quý. Tôi ở Đông Kinh nghe được tin ấy, thương tiếc khôn xiết. Năm trước ta vâng mệnh triều đình, lại về trấn lớn, thấy Hiển Quý vẫn còn ở nước tôi, tôi vốn muốn phát thuyền đưa về, nhưng tiết trời chưa thuận nên kéo dài đến hôm nay. May thấy thương thuyền của quý quốc lại tới, Hiển Quý am hiểu mọi việc, tôi đều ưng ý. Nên kính cẩn chuẩn bị lễ bạc, tạm biểu lộ ý mọn, ngõ hầu nhận cho. Ngoài ra còn có một phong thư riêng, làm phiền dâng lên thượng vị. Sau này Hiển Quý về nước, hai nước kết làm anh em, hợp đạo trời đất. Nếu thật như thế, xin giúp cho quân khí như thuốc súng, sơn cùng khí giới để dùng vào việc nước, thì tôi vô cùng cảm tạ ơn đức, ngày sau sẽ cố sức báo ơn, hết lòng chúc tụng. Nay thư.

Ngày 5 tháng 5 năm Hoằng Định thứ 2 (Năm 1601 Tây lịch, năm Khánh Trường thứ 6 của Nhật Bản).

Bảng riêng kê năm món tặng vật.

Kỳ nam hương một phiến (ba cân mười lượng). Lụa mịn trắng ba tấm. Mật trắng mười hũ. Gỗ lôi 檑木một trăm súc. Chim công năm con.

Lê Dư có khảo chứng như sau: “Quốc triều Thực lục Tiền biên chép Hy tông Hiếu Văn hoàng đế vào năm thứ 28 (năm 1585, năm Thiên Chính thứ 13 của Nhật Bản) người Tây Dương hiệu Hiển Quý/ Kenki đem năm chiếc thuyền lớn tới đậu ngoài biển cướp bóc. Hoàng tử thứ sáu (tức Hiếu Văn hoàng đế) đánh phá được, Chúa mừng nói “Con ta thật là anh kiệt” v.v. Nay xem lá thư này, có thể biết Hiển Quý tức chỉ người Nhật Bạch Tân Hiển Quý/ Shirahama Kenki, mà oai vũ của nước ta thời cổ đã được nêu cao ở nước ngoài, há không phải là sự quang vinh trong lịch sử sao!”

Tuy nhiên tôi cho rằng sự kiện nêu trong thư trên không phải sự kiện năm 1585, vì:

-   Về sự việc: sự việc trên, Kenki bị gặp bão hỏng thuyền và xảy ra việc giết chết  viên Đô đường (Đàng Trong); còn sự kiện 1585 thì chỉ nói đến việc tàu cướp biển của Kenki bị Nguyễn Phước Nguyên phá được([12])

-   Về địa điểm, sự việc trên xảy ra ở cửa biển Thuận Hoá, còn sự việc 1885 xảy ở Cửa Việt (sông Thạch Hãn, Quảng Trị)

-   Về thời gian, sự việc trên xảy ra sau 1593 (năm Nguyễn Hoàng đang mang quân ra Bắc) vì Nguyễn Hoàng biết tin này khi đang ở Thăng Long chứ không phải ở Đàng Trong. Và Kenki đã ở lại Thuận Hoá-Hội An cho đến trước 1600 (năm Nguyễn Hoàng về lại Thuận Hoá). Trong thư trên Nguyễn Hoàng viết: “Tôi ở Đông Kinh nghe được tin ấy (tin quan Đô Đường bị quân Kenki giết hại – ĐLG), thương tiếc khôn xiết. Năm trước ta vâng mệnh triều đình, lại về trấn lớn, thấy Hiển Quý vẫn còn ở nước tôi, tôi vốn muốn phát thuyền đưa về”).

Vì vậy việc liên quan đến Kenki có thể có hai sự kiện khác nhau: một là Kenki bị Nguyễn Phúc Nguyên đánh tan năm 1585; một là vụ việc tranh cãi xảy ra án mạng khoảng từ năm 1593 đến 1559. 

(2) Bức thư thứ hai là thư trả lời của Tokugawa Ieyasu.

Bản trên Nam phong đề là Nhật Bản Đức Xuyên Gia Khang thị thượng Hy tông Hiếu Văn hoàng đế thư日本德川家康氏上煕尊孝文皇帝 (Thư của họ Tokugawa Ieyasu nước Nhật Bản dâng Hy tông Hiếu Văn hoàng đế). Bản Ngoại phiên thông thư đề là Thần quân phục tứ An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công ngự thư 神君復賜安南國大都統國公御書 (Thư của Vua thần ban cho An Nam quốc đại đô thống Thụy quốc công). Bức thư trả lời của Tokugawa về chuyện Shirahama Kenki như sau:

Minamoto Ieyasu nước Nhật Bản trả lời Thống binh Nguyên súy Thụy quốc công nước An Nam安南國統兵元帥國公.

Thư tín tới tay, đọc đi đọc lại mấy lần. Thương thuyền đi từ Nagasaki 長岐nước Nhật đến đất ấy gặp gió ngược đắm thuyền, bị hung đồ giết chết, người trong nước nên răn bảo nhau. Đến nay túc hạ vỗ về nuôi nấng người trên thuyền, nhân từ ơn huệ rất sâu. Những sản vật hiếm của quý quốc đã theo mục lục thu nhận, phàm vật vì là từ xa tới ít thấy nên quý. Nay nước tôi bốn bên vô sự, các xứ thanh bình. Thương nhân tới lui buôn bán dưới biển trên bờ không thể gặp chính sự bạo ngược, xin cứ an tâm. Ngày sau thuyền của nước tôi tới đất ấy, cứ lấy dấu ấn trên thư này làm chứng cứ, những thuyền không có dấu ấn thì không nên cho buôn bán. Binh khí của tệ bang lơ thơ gửi tặng, quả thật là lông ngỗng từ ngàn dặm. Đang lúc tháng 10, xin giữ gìn trân trọng.

Ngày tháng Tiểu xuân năm Tân sửu Khánh Trường thứ 6 (1601).

     Đọc bức thư ấy của Ieyasu chúng ta vẫn có thể cảm nhận thái độ không bằng lòng của vị tướng quân này khi thấy thương nhân Nhật Bản ra nước ngoài buôn bán gây xích mích với dân sở tại, thậm chí bị giết lầm, nhưng đồng thời cũng thấy được lòng biết ơn của ông đối với chúa Nguyễn khi chúa Nguyễn đã che chở, giúp đỡ thần dân Nhật Bản. Bức thư cũng cho biết việc trao đổi sản vật lúc bấy giờ và nhu cầu phải có giấy tờ, dấu má xác nhận của Mạc phủ về thương nhân Nhật Bản để khỏi bị hiểu lầm.

4. QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA ĐÀNG NGOÀI VỚI NHẬT BẢN

Đàng Ngoài dưới sự cai quản thực tế của chúa Trịnh từ cuối thế kỷ 16 đến thế kỷ 17 cũng khá phát đạt. Thăng Long cùng các cảng Phố Hiến, Nghệ An buôn bán khá sầm uất. Các đời chúa Trịnh có giao thiệp với Nhật Bản thời kỳ này có:

-         Bình An vương Trịnh Tùng 平安王鄭松: ở ngôi chúa từ 1570 đến 1623

-         Thanh Đô vương Trịnh Tráng 清都王鄭壯: ở ngôi chúa từ 1623 đến 1657

-         Tây Định vương Trịnh Tạc西定王鄭柞: ở ngôi chúa từ 1657 đến 1682

-         Định Nam vương Trịnh Căn 定南 : ở ngôi chúa từ 1682 đến 1709.

Trong Ngoại phiên thông thư có một số thư trao đổi giữa chúa Trịnh với Mạc phủ Tokugawa, bên cạnh đó cũng có một số thư giữa vua Lê, quan chức trao đổi với chính quyền và thương nhân Nhật Bản. Có thể liệt kê dưới đây một số thư quan trọng:

1.      An Nam quốc Quảng Phú hầu thượng thư 安南國廣富候上書: Thư của Quảng phú hầu gửi vua Nhật Bản về vụ tàu buôn Nhật Bản, Phúc Kiến bị đắm (1610);

2.      An Nam quốc Thư quận công thượng thư([13])安南國舒郡公上書: Thư gửi cho Nhật hoàng về vụ tàu Nhật Bản và Phúc Kiến đắm ở Nghệ An (1610);

3.      An Nam quốc Bình an vương lệnh chỉ 安南國平安王令旨: Lệnh chỉ của Bình an vương Trịnh Tùng về vụ tàu buôn Nhật Bản bị đắm (1610);

4.      An Nam quốc Văn lý hầu đạt thư 安南國文里候達書: Thư của Tổng thái giám Chưởng giám sự Văn lý hầu([14]) 掌監事文里候xứ Nghệ An gửi thư báo về tàu buôn Nhật Bản bị đắm (1610);

5.      An Nam đại đô thống thượng thư安南大都統上書: Thư của vua Lê Kính Tông黎敬(1600-1919) gửi quốc vương Nhật Bản về tặng vật để giao hảo (1613)

6.      Tùng Bình Tát Ma thủ Gia Cửu phục An Nam quốc Hoa quận công thư 松平薩摩守家久復安南國華郡公書: Thư của Fujiwara Iehisa 藤原家久, Thủ hộ xứ Matsudaira Satsuma松平薩摩守護trả lời Hoa quận công nước An Nam về đề nghị giao hảo (1616);

7.      An Nam quốc Thanh đô vương phó Giác Tàng thư 安南國清都王付角藏書: Thư của Thanh đô vương Trịnh Tráng nước An Nam gửi cho Suminokura 角倉muốn kết tình giao hảo và đặt mua vũ khí (1625);

8.      An Nam quốc Phái quận công thị tào trưởng Trợ Thứ Hữu Vệ Môn thư 安南國派郡公示艚長助次右衛門書: Thư của Phái quận công 郡公nước An Nam truyền thị cho thương nhân Nhật Bản là Trợ Thứ Hữu Vệ Môn 助次右衛門được mua bán tơ tằm chở về Nhật (1634).

9.      An Nam quốc vương trình Trường Kỳ phụng hành thư安南國王呈長岐奉行書: Thư của quốc vương An Nam gửi cho quan Phụng hành Nagasaki 長岐奉行cám ơn về việc đã giúp dân An Nam bị nạn trên biển về nước (1694).

Những bức thư trên chủ yếu nói về chuyện giao hảo, buôn bán, bảo hộ thần dân hai nước… Qua những bức thư trên có thể thấy việc buôn bán, trao tặng vật phẩm Đàng Ngoài-Đàng Trong, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm giống và khác nhau:

Vua Lê chúa Trịnh thường tặng kỳ nam, lụa trắng tương tự như tặng vật của chúa Nguyễn (Thư Lê Kính Tông, 1613). Chúa Trịnh cũng muốn mua vũ khí (kiếm, chủy thủ) tương tự như chúa Nguyễn (Thư Thanh đô vương Trịnh Tráng, 1625). Nhật Bản tặng lại vũ khí (áo giáp, trường kiếm, cung, túi cung, lưu huỳnh - Thư của Thủ hộ Satsuma Fujiwara Iehisa, 1616). Thương nhân Nhật mua nhiều thứ, nhưng thích tơ tằm của Việt Nam (Thư Phái quận công, 1634).  

Xin trích dưới đây 4 bức thư nói về tình hữu nghị qua việc Việt Nam và Nhật Bản đã giúp đỡ thần dân hai nước bị nạn trên sông trên biển được có chỗ ăn ở và đưa về nước. Thư từ ngoại giao nhưng rất cảm động.

Thư từ, công văn, lệnh chỉ về vụ tàu buôn Nhật Bản và Phúc Kiến bị đắm ở Nghệ An còn lưu giữ được khá nhiều, xin trích 3 bức: 

(1) An Nam quốc Quảng phú hầu thượng thư安南國廣富候上書安南國廣富候上書 (của Quảng phú hầu nước An Nam)

Dương vũ Uy dũng công thần Cẩm y vệ thự vệ sự Phò mã Đô úy Quảng Phú hầu đài hạ nước An Nam 安南國揚武威勇功臣錦衣衛署衛事驸馬都尉廣富候上書安南國廣富候廣富候臺下làm văn thư đệ đạt tới quốc vương điện hạ nước Nhật Bản xét rõ lời lẽ nông cạn.

Năm trước có bọn thuyền chủ Giác Tàng nước Nhật Bản chở nhiều hàng hóa, ngày 11 tháng 5 tới xứ Nghệ An nước tôi trú lại, quan bản xứ quan kính cẩn làm tờ... khải gửi tới. Đài hạ dòng dõi nhà tướng, dự việc cầm quân, nhờ là con rể của chúa thượng, được nhận ơn hậu của Lê hoàng, vì có việc nhà, kính bẩm xin về quê. Lại được chúa thượng đặc biệt sai đài hạ vâng lệnh tuần thủ các thuyền Nhật Bản, Phúc  Kiến, lập ra phố xá để tiện mua bán. Vả lại đài hạ dò biết Giác Tàng trong lòng kính cẩn trọng hậu, kết làm nghĩa phụ dưỡng tử. Đến ngày 16 tháng 6 bọn Giác Tàng từ biệt trở về, tới ngoài cửa biển chợt gặp sóng gió, mười ba người bọn Giác Tàng nhảy xuống nước bơi vào, không may đều chết đuối. Còn lại thân thích là Trang Tả Vệ Môn 庄左衛門và bọn khách thương (lược một đoạn kê tên người) tất cả hơn trăm người cố tìm đường sống, may mà thoát chết. Đài hạ liền sai binh lính cứu vào, mang về nhà riêng, nuôi nấng 49 người. Đài hạ nghiêm thị cho Đại Đô đường Hữu phủ Thư quận công nuôi dưỡng 39 người cùng Chưởng giám Văn Lý hầu nuôi dưỡng 26 người, cùng chia nhau giúp cho cái ăn cái mặc. Bọn Trang Tả được sống, đại để đều nhờ sự nhân từ và công sức của đài hạ. Nay đài hạ vốn đã ra ơn, muốn giữ tròn tính mệnh cho bọn Trang Tả, lại đệ đạt đưa họ tới cửa khuyết bái yết. Đài hạ mạo muội xin thánh ý, nén lòng giáng hồng ân, lại xin lệnh thu xếp đóng thuyền cho bọn Trang Tả được tùy tiện về nước, ngõ hầu lành lặn trở về quê quán (dường như chữ quý lầm từ chữ quán). Trang Tả đẳng đắc vực quốc vương nhi tự đắc thù sư văn nghĩa ân đắc ủy thê tử nguyện vọng, thì công đức ấy của đài hạ không chỉ là giúp được bọn Trang Tả, mà tiếng tăm của đài hạ còn được truyền tới quý lân hai nước. Kính mong điện hạ xem xét cúi xuống thu nhận để biết lòng thương người xa, để tỏ nghĩa hòa hiếu. Chút lời thảo thảo, kính soạn văn thư.

Ngày 20 tháng 2 năm Hoằng Định thứ 11, 1610).

(2) An Nam quốc Thư quận công thượng thư安南國舒郡公上書 (Thư của Thư quận công nước An Nam)

Quốc lão Trung quân Đô đốc phủ Hữu Đô đốc kiêm Tri Thái y viện Chưởng viện sự Thư quận công đài hạ nước An Nam 安南國老中軍都督府右都督兼知太醫院堂院事舒郡公臺下làm văn thư mạo muội đệ đạt đạt tới quốc vương điện hạ nước Nhật Bản xét rõ lời lẽ nông cạn.

Năm trước có bọn chủ thuyền Giác Tàng nước Nhật Bản chở theo vật quý, ngày 15 tháng 5 tới đạo Nghệ An bản quốc buôn bán. Đài hạ bẩm lên, chúa thượng lệnh sai mua lại những vật quý của các thuyền Nhật Bản, Phúc Kiến tiến nạp. Đến ngày 11 tháng 6 bọn Giác Tàng từ biệt trở về, tới cửa biển Đan Nhai chợt gặp sóng gió, bọn Giác Tàng cộng 13 người chết đuối. Người em là Trang Tả Vệ Môn cùng bọn khách thương và người làm công cộng hơn trăm người may mà thoát được. Đài hạ nghe tin, liền sai binh sĩ cứu vướt đưa về, chia cấp cơm áo. Nay đài hạ rất thương bọn Trang Tả ở chốn tha hương, muốn về bản quốc, vẫn sai người dẫn tới cửa khuyết bái yết. Đài hạ mạo muội nói lời viển vông, làm chuyển thánh ý, may được đội ơn ra lệnh ưng thuận sắp xếp chế tạo thuyền bè đưa bọn Trang Tả tùy tiện về nước, nên tóm tắt việc ấy kính cẩn làm văn thư mạo muội đệ đạt để quốc vương xem xét, ngọ hầu thành toàn tình nghĩa hòa hiếu giữa láng giềng. Thư không hết lời, kính thưa đầy đủ.

Ngày 3 tháng 4 5/ Hoằng Định thứ 11 (1610).

(3) An Nam quốc Bình an vương lệnh chỉ安南國平安王令旨(Lệnh chỉ của Bình an vương Trịnh Tùng nước An Nam) (chép trong Dị quốc nhật ký 異國日記Thư hàn bình phong書翰屛風)

Em của chủ thuyền người Nhật là Trang Tả Vệ Môn và các khách thương Thậm Hữu Vệ Môn 甚右衛門, Nguyên Hữu Vệ Môn 源右衛門, Đa Hữu Vệ Môn多右衛門, Thiện Tả Vệ Môn 善左衛門, Truyền Binh Vệ 傳兵衛dâng tờ khải nói năm trước rời bờ vượt biển, ngày 5 tháng 5 tới xã Phục Lễ huyện Hưng Nguyên xứ Nghệ An mở cửa hàng trao đổi hàng hóa, ngày 16 tháng 6 dời thuyền về nước, tới cửa biển Đan Nhai bị sóng gió, Trang Tả cùng khách thương trên thuyền tổng cộng 105 người nương náu đã lâu, xin cho trở về vân vân. Nên cho kiều ngụ nơi đất khách, chỉnh đốn hành lý, tùy ý trở về bản quốc. Phàm tuần ty những nơi đi qua biết rõ nơi sẽ tới thì xét thực cho đi. Thảng hoặc trên đường trễ nãi sinh sự, quốc pháp rất nghiêm, ắt không tha thứ bỏ qua. Nay lệnh.

Ngày 26 tháng giêng năm Hoằng Định thứ 11 (1610).

            Những bức thư trên đã cho chúng ta nhiều thông tin quan trọng:

-         Từ thế kỷ 16-17, các thuyền buôn Nhật Bản và Phúc Kiến đã biết đến cửa Đan Nhai 丹涯 (cũng gọi là Cửa Hội). Từ cửa Đan Nhai đi ngược dòng sông Lam (cũng gọi là sông Cả), qua Bến Thuỷ (thành phố Vinh bây giờ) để đến xã Phục Lễ lập thương điếm buôn bán. Thương nhân người Nhật là Matsumoto 松本đã có công xây khu phố buôn bán ở đất Phục Lễ - Chợ Tràng, Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An tương tự như Hội An mặc dù quy mô nhỏ hơn. Tiếc rằng sau đó chiến tranh Trịnh-Nguyễn liên miên (1627 lần thứ nhất, 1633 lần thứ hai…) và nạn sụt lở đất, nên dần dần Phục Lễ không còn thuận lợi cho buôn  bán nữa. Người Nhật người Hoa bỏ đi, Phục Lễ dần dần mất đất và mất cả tên trên bản đồ.

-         Sự kiện đắm tàu ở cửa sông Đan Nhai (Cửa Hội) là một sự kiện lớn, được phản ánh qua nhiều bức thư trong Ngoại phiên thông thư. Sự kiện ấy xảy ra vào ngày 16 tháng 6 năm Hoằng Định thứ 10 (1609, tức niên hiệu Khánh Trường 10 của Nhật Bản). Hôm ấy thuyền chở rất đông người và chất đầy hàng hoá, rời Phục Lễ theo dòng sông Lam ra cửa Đan Nhai thì gặp sóng to gió lớn. Chủ tàu là Kakuzo/ Giác Tàng cùng 13 người nữa cứu tàu thì bị sóng cuốn trôi. Khi tàu chìm, quan quân địa phương đã hết lòng cứu hộ, kết quả là có 105 người sống sót. Các quan lớn người địa phương như Phò mã Quảng Phú hầu, Hoa quận công, Văn Lý hầu mỗi người nhận nuôi một số. Sau đó trình lên phủ chúa, chúa Trịnh Tùng cho đóng tàu đưa họ về nước. Trong số những người còn sống có một người con gái Nhật được Liêm quận công 廉郡公nuôi, sau gả cho Hình bộ lang trung Nguyễn Như Trạch (1579-1662), mộ bà còn ở xứ Rú Đền, huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.([15])

Ngược lại Nhật Bản cũng nhiều lần giúp dân Việt Nam bị nạn trên biển được ăn ở và gửi tàu buôn cho về nước. Sự việc này được ghi rõ trong bức thư cuối cùng trong tập An Nam quốc thư, đó là thư của quốc vương An Nam gửi viết năm 1694 cho quan Phụng hành Nagasaki. Bức thư như sau:

An Nam quốc vương trình Trường Kỳ phụng hành thư 安南國王呈長岐奉行書 (Thư của quốc vương An Nam gửi quan Phụng hành Nagasaki)

Quốc vương An Nam gửi thư tới trấn thủ vương Trường Kỳ của quý quốc Nhật Bản.

Trộm nghe giữ tín để kết giao, là lời dạy trong kinh trước, làm ơn cho trọn vẹn, là bản ý của người nhân. Trước đây có dân An Nam phiêu dạt tới quý quốc, được trấn thủ vương có đức hiếu sinh, rộng lượng nuôi dưỡng. Mới rồi có thuyền chủ Lý Tài Quan 李才官nước Đại Minh tới quý quốc, nghe nói có dân An Nam ở đó bèn lãnh chín người đưa về bản quốc, ơn ấy vẫn nhớ không nguôi, nghĩa ấy lấy gì báo đáp. Nay có vật mọn thổ sản kỳ nam hương thượng phẩm một phiến giao cho thuyền chủ Lý Tài Quan kính mang qua cảm tạ. Nếu có tình nghĩa xin ông nhận cho, thủy chung kết hiếu tương thân, để hai nước thông thương buôn bán, từ nay trở đi càng thêm thân ái, thì muôn năm nghĩa nặng núi gò. Nay thư.

Ngày 18 tháng 5 năm Chính Hòa thứ 15 (1694).

Trong lịch sử, có không ít lần người Việt đi đánh cá, đi buôn bán hay chuyên chở hàng hoá trên biển thì gặp bão trôi dạt lên tận Okinawa, Kyushu, hoặc lênh đênh trên biển thì được tàu buôn người Hoa, người phương Tây cứu giúp. Sau đó được chở đến Nhật Bản và được Mạc phủ chu cấp, nuôi dưỡng rồi gửi tàu buôn cho về lại Việt Nam. Bức thư trên là một trong những trường hợp ấy. Sách Trường Kỳ chí 長崎誌 (Ghi chép về Nagasaki) của Nhật Bản, Nhật Bản kiến văn lục 日本見聞錄của Trương Đăng Quế 張登桂Việt Nam cũng ghi chép về những trường hợp tương tự([16]). 

5. LỜI KẾT

            Ngoại phiên thông thư đã lưu giữ lại rất nhiều tư liệu về quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản 300-400 năm trước. Nhờ nó mà ta có thể phục dựng được một phần bức tranh lịch sử thời Đàng Trong, Đàng Ngoài thời ấy. Qua các tư liệu còn lại, chúng ta thấy khát vọng vươn ra thế giới của giới lãnh đạo và thương nhân Việt Nam bấy giờ, thấy được tình hình giao thương nhộn nhịp ở Thăng Long, Nghệ An, Hội An… và thấy được tình hữu nghị thân thiết giữa hai nước Việt-Nhật.

Tập tư liệu sớm nhất và phong phú nhất về lịch sử bang giao giữa hai nước này đã được Sở Cuồng Lê Dư giới thiệu bằng Hán văn từ gần một thế kỷ trước (năm 1921), rồi 70 năm sau đó, năm 1990 Kawamoto Kunie đã lưu ý các học giả Việt Nam về tập tư liệu này và dự định phiên dịch nó ra tiếng Việt, tuy nhiên đến nay công việc vẫn chưa thành. Nhờ bài viết của Kawamoto mà nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh và tôi mới biết đến tập sách này và đã sao chụp nó gần 20 năm nay, nhưng đến nay mới có dịp dịch ra tiêng Việt và bước đầu giới thiệu cho độc giả. Hy vọng toàn bộ tập sách sẽ được ra mắt trong thời gian gần đây.

                                                                        TP.HCM, tháng 10 năm 2013      

Tư liệu tham khảo

1.      Bùi Văn Chất, Mối giao thương Việt - Nhật, Nghệ An đầu thế kỷ XVII, Chuyên san Khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An, số 6 /2013

2.      Kondo Juzo近藤 重蔵, Ngoại phiên thông thư 外蕃通書 – An Nam quốc thư安南國書, Quyển 11-14 (Hán văn và tiếng Nhật cổ)

3.      Ogura Sadao 小倉貞男, Người Nhật Bản thời Châu ấn thuyền朱印船時代の日本人, Chuko shinsho 中公新書913 (tiếng Nhật), 1989

4.      Sở Cuồng Lê Dư 楚狂 輿, Liệt quốc thái phong ký, phần 3 - Cổ thời ngã quốc dữ Nhật Bản giao thông chi lịch sử 列國採風記, 續三, 古時我國與日本交通之歷史, Nam phong tạp chí 南風雜誌 (Hán văn),  số 43, tháng 1 năm 1921

5.      Sở Cuồng Lê Dư 楚狂 輿, Cổ đại Nhật Nam giao thông khảo古代南日交通攷 - Bản triều tiên đại dữ Nhật Bản giao thông chi văn thư 本朝先代與日本交通之文書, Nam phong tạp chí (Hán văn), số 54, tháng 12 năm 1921

6.      Sở Cuồng Lê Dư 楚狂 輿, Cổ đại ngã quốc dữ Nhật Bản chi giao thông (tục) 古代我國與日本之交通 (), Nam phong tạp chí, Hán văn, số 56, tháng 2 năm 1922

7.      Ủy ban quốc gia, Hội thảo quốc tế về đô thị cổ Hội An, Đô thị cổ Hội An, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991

PHỤ LỤC:

Bức thư đầu tiên trong Ngoại phiên thông thư:

Thư của Chúa Nguyễn Hoàng gửi Tướng quân Tokugawa Ieyasu 

 

 

[1] Đoàn Lê Giang, Abe no Nakamaro trong quan hệ Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản số 3 năm 1999; http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

[2] Nguyên văn bức thư: An Nam Quốc Phó Đô Đường Phúc Nghĩa Hầu Nguyễn Hoàng thư  安南国副都堂福義侯阮gửi Quốc vương Nhật Bản, ngày 21 tháng 3 (nhuận) năm Quang Hưng光興thứ 14 thời vua Lê Thế Tông, Việt Nam, tương đương năm Thiên Chính天正thứ 19 của Nhật Bản, dương lịch là năm 1591. Bức thư hiện lưu tại Bảo tàng quốc lập Kyushu (thành phố Dazaifu, tỉnh Fukuoka). (Nguồn: Báo Yomiuri shimbun ngày 15 tháng 4 năm 2013, dẫn theo: http://sans-culotte.seesaa.net/pages/user/m/article?article_id=368072900&page=1 )

[3] Yamabe Susumu: Vài nét về quá trình tiếp thu và sử dụng chữ Hán ở Nhật Bản, Tạp chí Hán Nôm, số 6 / 2008.

[4] Nguyên văn: An Nam quốc vương trình Trường Kỳ phụng hành thư 安南國王呈長岐奉行書, thư viết năm Chính Hòa 正和thứ 15 tức 1694, nhưng Kondo Juzo ghi là “Nhật Bản Nguyên Lộc bát niên” tức 1695 (Nguyên Lộc/ Genroku nguyên niên: 1688), có lẽ Juzo đã tính sai 1 năm. 

[5] Chính xác là bài Liệt quốc thái phong ký, tục tam: Cổ thời ngã quốc dữ Nhật Bản giao thông chi lịch sử列國採風記, 續三, 古時我國與日本交通之歷史(Ghi chép phong vật các nước, phần 3: Lịch sử ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản thời cổ) đăng trên Nam phong tạp chí (Hán văn), số 43, tháng 1/ 1921 (đã nói ở trên)

[6] Kato Kiyomasa 加藤清正 (1561-1610): Võ tướng, lãnh chúa đại danh, phiên chủ phiên Kumamoto 熊本xứ Higo 肥後. Từng là gia thần của Mạc phủ Tokugawa, rất được Mạc phủ tin cẩn.

[7] Cao Tự Thanh dịch. Nội dung các văn thư trích Ngoại phiên thông thư trong bài viết này cũng đều do nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh dịch.

[8] Việc xác định tác giả các bức thư của chúa Nguyễn Đàng Trong từ 1601 đến 1613 là việc làm rất phức tạp, trước mắt chúng tôi tin vào kết luận của nhà nghiên cứu Nhật Bản Kawamoto Kunie: “Các văn thư của Việt Nam có ghi những chữ ‘Thuỵ Quốc công’, ‘Đoan quốc công’, “Đại đô thống” trong hai quyển An Nam quốc thư 1 và 2, chắc chắn tất cả đều là thư của Nguyễn Hoàng. Sau khi Nguyễn Hoàng chết năm 1613, văn thư của ‘An Nam quốc đại đô thống’ và văn thư khác trong An Nam quốc thư 3, nhất định là của chúa Nguyễn đời thứ hai, Nguyễn Phúc Nguyên” (Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Gaiban tsusho (Ngoại phiên thông thư), tham luận in trong kỷ yếu Đô thị cổ Hội An, NXB.KHXH, HN, 1991) 

[9] Minamoto Ieyasu 源家康cũng là tên của tướng quân Tokugawa Ieyasu.  Ông vốn họ Fujiwara 藤原, sau xưng là Minamoto . Năm 1567 Thiên hoàng ra sắc chỉ đổi cho ông thành họ Tokugawa. 

[10] Honda Kozukenosuke Masazumi本多上野介 正純, gọi tắt là Honda Masazumi 本多 正純 (1565-1637): võ tướng, lãnh chúa đại danh xứ Utsu宇都 rất có thế lực, sống vào giai đoạn đầu Edo, bề tôi thân tín của tướng quân Tokugawa Ieyasu.

[11] Bản của Sở Cuồng trên Nam phong số 54 in lầm là Quốc vương, dẫn đến cách hiểu rất sai.

[12] Thời bấy giờ có một số đoàn tàu buôn quốc tế vừa đi buôn vừa là cướp biển. Có lẽ đội tàu của Kenki cũng là loại này.

[13] Thư quận công舒郡公: Nguyễn Cảnh Kiên, con trai Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, quê Đại Đồng, phủ Anh Sơn, ông thuộc dòng họ thế gia vọng tộc thời Lê Trịnh.

[14]  Văn Lý Hầu文里候: tức Thái Bảo Liêm quận công Trần Tịnh, quê ở thôn Mật, xã Nguyệt Ao, huyện La Sơn, xứ Nghệ An (nay là làng Mật Thiết, xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), sống vào cuối THế Kỷ 16 đầu THế Kỷ 17. Ông đang làm quan nha môn đóng tại xã Hoa Viên, huyện Hưng Nguyên (nay thuộc tỉnh Nghệ An). Văn Lý Hầu Trần Tịnh làm chức Đô Đường, đã tạo điều kiện thuận tiện cho người Nhật và người Hoa lập phố xá buôn bán ở Nghệ An.

[15] Tháng 10/2010 trong khi tìm kiếm chiếc xe khách bị nước cuốn trôi dưới lòng sông Lam, đội cứu hộ đã tình cờ phát hiện ra chiếc tàu buôn của Nhật bị đắm này ở dưới lòng sông đoạn chảy qua địa phận xã Xuân Lan, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Trong khoang, súng thần công và đao kiếm vẫn còn. Sự việc này đã được báo cho các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản (Bùi Văn Chất, Mối giao thương Việt - Nhật, Nghệ An đầu thế kỷ XVII, Chuyên san Khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An, số 6/2013).

[16] Nhật Bản kiến văn lục của Trương Đăng Quế (hoàn thành năm 1828) ghi về sự kiện năm 1815 có 5 người Việt Nam chở gỗ từ Gia Định ra Phú Xuân, giữa đường gặp bão, trôi dạt đến Nhật Bản, được Mạc phủ giúp đỡ đưa về nước. Có lẽ Lê Dư là người đầu tiên nói đến tác phẩm này (Nam phong tạp chí số 54 tháng 12 năm 1921).

 

Nguồn: Tạp chí Phát triển khoa học công nghệ (Đại học Quốc gia TP.HCM), tập 17, X2 (2014) 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

62809021
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3584
14839
62809021

Thành viên trực tuyến

Đang có 182 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website