Ba bài tựa trong Thập anh thi tập

Thập Anh thi tập拾 英 詩 集 (hay Thập Anh đường thi tập 拾 英 堂 詩 集 ) của Ngô Nhân Tĩnh (1761-1813)[1], được Trịnh Hoài Đức (1764-1825) cho khắc in lần đầu tiên vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) chung với Cấn Trai thi tập 艮 齋 詩 集 của ông và Hoa nguyên thi thảo 華 原 詩 草 của Lê Quang Định (1760-1813) với tên gọi chung là Gia Định tam gia thi 嘉 定 三 家 詩 . Thế nhưng, với tình hình tư liệu hiện nay, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy bản in của Gia Định tam gia thi mà chỉ tìm thấy trang bìa Gia Định tam gia thi cùng với mục lục các thi tập của ba nhà trong Cấn Trai thi tập, được lưu trữ tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, với ký hiệu A.1392.

-               Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.1392, bản khắc in. Tờ bìa giống hệt với bản có ký hiệu A.780. bên trong có bài Tự tự ở đầu. Sau Tự tự lại là Cấn Trai Quan quang tập, rồi đến Cấn Trai Khả dĩ tập, tiếp theo chúng tôi lại thấy trang bìa của tập thơ Thập Anh đường thi tập được khắc in là Thập Anh thi tập (ở trên ghi Minh Mệnh tam niên mạnh xuân thuyên 明 命 三 年 孟 春 詮 (tức năm 1822), bên phải ghi: Ngô 吳 (tên dường như bị đục bỏ), bên phải ghi: Cấn Trai tàng bản), tiếp theo là trang bìa của Gia Định tam gia thi được khắc theo lối chữ chân phương nét tròn mềm mại hơn, ở trên ghi: Minh Mệnh tam niên mạnh xuân cát nhật 明 命 三 年 孟 春 吉 日; bên phải ghi: Trịnh Lê Ngô tam gia hợp thuyên 鄭 黎 吳 三 家 合 詮 ; bên trái ghi: Cấn Trai tàng bản 艮 齋 藏 版 . Tiếp theo là mục lục ba tập thơ của ba tác giả. Sau phần mục lục là Cấn Trai thi tập tự của Nguyễn Địch Cát, Cấn Trai thi tập bạt của Ngô Thì Vị, Độc Cấn Trai thi tập bạt của Diệu Quang Bá, Gia Định tam gia thi tập tự của Trịnh Hoài Đức (riêng bài này được khắc theo lối chữ lệ, phần tên của Trịnh Hoài Đức thì chữ Hoài Đức lại được thay bằng dạng chữ khải, có lẽ đã bị đục bỏ, và do người đời sau thêm vào, rồi đến Cấn Trai Thoái thực truy biên.

Toàn bộ văn bản thơ chữ Hán Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa nguyên thi thảo của Lê Quang Định lại được đóng chung thành quyển riêng, ký hiệu A.779, lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

-               Bản chữ Hán, ký hiệu A.779, gồm hai phần: phần đầu là Thập Anh đường thi tập của Ngô Nhân Tĩnh, cùng với ba bài tự: Thập Anh đường thi tập tự của Trần Tuấn Viễn người Quảng Đông Trung Quốc, viết vào năm Bính dần, Gia Long năm thứ 5 (1806); Thập Anh đường thi tự của  Nguyễn Địch Cát viết vào năm Đinh mẹo, Gia Long thứ 6 (1807); và bài Thập Anh đường thi tự của Bùi Dương Lịch viết vào năm Tân mùi, Gia Long thứ 10 (1811); phần hai là Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định.

Theo chúng tôi suy đoán, thì hai tập thơ của Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định, có lẽ đã bị những người sưu tầm nộp cho Viện Viễn Đông bác cổ trước đây tách ra vì mục đích kiếm lợi. Dẫu sao vẫn may mắn là chúng ta còn nhìn thấy được văn bản Hán văn của Thập Anh thi tập ngày nay.

Theo bài tựa của Trần Tuấn Viễn, thì Thập Anh thi tập có hai phần: một phần viết trong thời gian ông phụng mệnh đi hỏi thăm tin tức vua Lê, và một phần được viết trong thời gian đi sứ năm Nhâm tuất: “Tôi xem những bài thơ của ông, một tập được làm khi phụng mệnh tìm thăm tin tức của vua Lê, một tập được làm khi bắt bọn trộm cướp sang nộp cống” (Dư duyệt chư tác, kỳ nhất tắc tác ư phụng mệnh phỏng Lê chi nhật, kỳ nhất tắc tác ư phược đạo nhập cống chi niên…予 閱 諸 作 , 其 一 則 作 於 奉 命 訪 黎 之 日 , 其 一 則 作 於 縛 盜 入 貢 之 年 )[2]. Nhưng với tình hình hiện nay, chúng tôi chưa thể xác quyết thời gian sáng tác của từng bài cụ thể, ngoài những bài có liên quan đến những sự kiện cụ thể, hoặc tựa bài ghi rõ thời gian sáng tác.

Theo mục lục tập thơ Gia Định tam gia thi do Trịnh Hoài Đức cho khắc in, Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh, gồm 187 bài thơ và 3 bài tựa: Thập Anh đường thi tập tự của Trần Tuấn Viễn người Quảng Đông Trung Quốc, viết vào năm Bính dần, Gia Long năm thứ 5 (1806); Thập Anh đường thi tự của  Nguyễn Địch Cát viết vào năm Đinh mẹo, Gia Long thứ 6 (1807); và bài Thập Anh đường thi tự của Bùi Dương Lịch viết vào năm Tân mùi, Gia Long thứ 10 (1811).

Tuy nhiên, văn bản chụp lại Thập Anh thi tập mà chúng tôi có được từ Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, có một số bài bị thiếu khuyết mất chữ, nên không thể dịch được, đành chịu tồn nghi, chờ dịp thẩm sát lại. Ngoài ra, trong tập thơ còn bị mất tờ 11. Theo thống kê của chúng tôi, chỉ còn lại 183 bài, và từ mục lục khắc in của tập thơ (gồm có 187 bài) cho thấy, tập thơ bị thiếu mất 4 bài.

Ở tờ 10b, bài Áo Môn lữ ngụ Xuân Hoà đường thư hoài, nhưng từ bài thứ ba, bị thiếu. Tiếp theo chúng tôi thấy có hai bài Thi và Hoạ. Theo một vài tư liệu mà nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đưa ra trong bài viết “Văn học Hán Nôm ở Gia Định” của ông, chúng tôi nhận thấy, bài Áo Môn lữ ngụ Xuân Hoà đường thư hoài có 5 bài, và bài Thi, Hoạ kia chính là nằm trong tựa Ức hữu đắc cầm kỳ thi hoạ tứ vịnh, từ đó ta có thể biết, còn thiếu 2 bài là Cầm và Kỳ[3]. Như vậy, tờ 11 của bản Thập Anh thi tập mà chúng tôi hiện có, bị thiếu hơn 4 bài thơ, đó là: một nửa bài Áo Môn lữ ngụ Xuân Hoà đường thư hoài 3; nguyên bài Áo Môn lữ ngụ Xuân Hoà đường thư hoài 4 và 5; và 2 bài Cầm và Kỳ trong bộ tứ bài Ức hữu đắc cầm kỳ thi hoạ tứ vịnh.

Từ đó có thể thấy, Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh có 187 bài thơ và ba bài tựa đúng như mục lục khắc in trong Gia Định tam gia thi đã khắc, khác với những ghi chép trong cuốn Thư mục đề yếu Hán Nôm Việt Nam của giáo sư Trần Nghĩa chỉ có 81 bài.

Cho đến nay, thơ Ngô Nhân Tĩnh đã được dịch và giới thiệu ít nhiều trong các công trình: Văn học Nam Hà của Nguyễn Văn Sâm; Võ Trường Toản (phụ Gia Định tam gia) của Nam Xuân Thọ; Hợp tuyển thơ văn Việt Nam do GS. Huỳnh Lý chủ biên… Tuy nhiên, số lượng thơ của Ngô Nhân Tĩnh được giới thiệu trong những công trình ấy vẫn chưa nhiều. Công trình dịch thơ Ngô Nhân Tĩnh nhiều nhất hiện nay, có thể nói là Gia Định tam gia do Hoài Anh biên dịch, đã dịch được hơn 80 bài trên tổng số 187 bài. Tuy nhiên, ba bài tựa trong tập thơ Thập Anh thi tập vẫn chưa được ông Hoài Anh chuyển ngữ sang tiếng Việt. Nhận thấy ba bài tựa ấy có giá trị về mặt lý luận phê bình văn học cổ của cha ông, chúng tôi đã cố gắng chuyển dịch sang tiếng Việt, để một mặt có thể giúp ích trong việc tiếp cận tác giả và tác phẩm Ngô Nhân Tĩnh; một mặt có thể cung cấp thêm một vài tư liệu cho những nhà nghiên cứu phê bình văn học cổ nước ta. Với mục đích như vậy, trong bài viết này, chúng tôi dành nhiều trang cho việc giới thiệu nguyên văn chữ Hán và bản dịch, còn phần tìm hiểu con người và thơ ca Ngô Nhân Tĩnh, xin chờ một dịp khác.

Qua ba bài tựa ấy, chúng tôi tin rằng, người đọc có thể hình dung được con người và thơ ca của Ngô Nhân Tĩnh, người từng được thi hào Nguyễn Du khen ngợi về tài năng thơ ca và phẩm hạnh: “Bát đại kỳ văn hoa lưỡng quốc, Nhất xa cao vũ nhuận toàn Hoan” (Văn chương ông khác nào văn chương tám nhà cổ văn lớn của Trung Quốc làm tăng vẻ đẹp hai nước. Mưa móc ông chở đầy xe sẽ thấm nhuần cả châu Hoan) (Tống Ngô Nhữ Sơn công xuất trấn Nghệ An)…[4]

Bản nguyên văn chữ Hán của ba bài tựa trong Thập Anh thi tập được trình bày dưới hình thức cổ văn, không có chấm câu. Còn bản trình bày dưới đây, chúng tôi đã chấm câu. Thứ nữa là, nguyên văn thiếu mất nhiều chữ nên chúng tôi đành phải đoán ý để dịch. Chỗ nào chưa dịch được, chúng tôi đành để trống. Rất mong nhận được sự phủ chính từ các bậc thức giả.

Bài tựa thứ nhất:

拾 英 堂 詩 集 序

世 之 所 謂 工 於 詩 者,謂 其 法 律 細 也 , 謂 其 句 工 也 , 謂 其 選 字 也 。 以 此 衡 詩 誰 曰 不 ▓ [5]。 顧 吾 之 所 取 詩 從 聲 調 外 更 欲 紬 繹 而 別  ▓以 窺 其 至 性 至 情 之 所 蘊 也 。 詩 以 言 志 者 也 。 凡 士 之 蓄 其 所 有 無 所 洩 則 弗 宣 。 是 故 燕 ▓ 無 詩 惟 出 使 行 役 則 有 詩 。 蓋 異 地 之 風 塵 ▓ 景 色 色 皆 足 以 動 吾 鄉 閭 井 里 之 思 , 觸 緒 ▓ 懷 而 長 言 詠 嘆 , 遂 亹 亹 然 溢 出 於 喉 間 而 ▓ 之 ,能 禦 而 蘊 藉 者 , 徵 其 中 和 豪 邁 者 , 騐 其 ▓ 負 。 大 凡 學 士 言 志 者 所 為 悉 本 於 詩 也 , 至 於 忠 臣 義 士 或 賦 物 而 別 寄 遙 情 , 或 寫 景 而 ▓ 寓 微 意 , 而 生 平 一 段 惓 惓 君 國 之 忱 往 往 ▓ 露 於 筆 端 而 不 自 覺 。 是 則 所 謂 性 情 之 正 也 。 丙 寅 之 三 月 , 予 到 越 南 主[6] 於 故 人 ▓兵 ▓▓侯 家 。 吳 侯 出 詩 草 兩 帙 示 予 , 且 囑 予 曰 : ▓為 我 序 之 。 予 閱 諸 作 , 其 一 則 作 於 奉 命 訪 黎 之 日 , 其 一 則 作 於 縛 盜 入 貢 之 年 。▓ ▓ 之 不 文 正 。 昔 人 所 謂 望 門 牆 而 未 入 其 宮 者  , 烏 足 以 序 吳 侯 之 詩 耶 ? 然 吾 思 吳 侯 昔 年 來 粵 , 與 予 盤 桓 累 月 , 挹 其 言 論 丯 采 ,蹇 蹇 氣 概 恆 寓 ,彬 彬 風 雅 。中 集 中 雄 健 綺 麗 之 句 美 不 勝 收 , 而 吾 閱 至 身 世 無 聊 聖 帝 知 暨 義 以 君 臣 每 自 寬 等 語, 隱 然 尋 繹 其 惓 惓 君 國 之 ▓,未 嘗 不 執 卷 , 流 連 而 三 復 之 不 置 也 。 大 凡 忠 君 者 必 信 友 。 此 吾 之 所 以 樂 與 吳 侯 定 交 者 職 是 故 也 。

夫 詩 之 為 教 正 欲 使 人 得 其 情 性 之 正 而 澤 身 於 忠 孝 節 義 之 間 也 。 事 有 關 於 名 教 , 予 又 何 得 不 敘 ? 以 予 之 所 欲 言 至 ,其 詩 之 氣 格 渾 成 , 琢 金 玉 以 成 章 , 織 經 史 而 作 錦 , 斯 則 有 目 所 共 賞 者, 固 不 煩 予 之 品 題 也 。

嘉 隆 五 年 歲 次 丙 寅 蒲 月 吉 日 。

中 浣 廣 東 順 德 簡 圃 陳濬 遠 拜 書 。

 

THẬP ANH ĐƯỜNG THI TẬP TỰ

Thế chi sở vị công ư thi giả, vị kỳ pháp luật tế dã, vị kỳ cú công dã, vị kỳ tuyển tự dã. Dĩ thử hoành thi thuỳ viết bất (mất một chữ). Cố ngô chi sở thủ thi tùng thanh điệu ngoại cánh dục trừu đạc nhi biệt (mất một chữ) dĩ khuy kỳ chí tính chí tình chi sở uẩn dã. Thi dĩ ngôn chí giả dã. Phàm sĩ chi súc kỳ sở hữu vô sở tiết tắc phí tuyên. Thị cố Yên (mất một chữ) vô thi, duy xuất sứ hành dịch tắc hữu thi. Cái dị địa chi phong trần (mất một chữ) cảnh sắc sắc giai túc dĩ động ngô hương lư tỉnh lý chi tứ, xúc tự (mất một chữ) hoài nhi trường ngôn vịnh thán, toại vỉ vỉ nhiên dật xuất ư hầu gian nhi (mất một chữ) chi, năng ngự nhi uẩn tạ giả, trưng kỳ trung hoà hào mại giả, nghiệm kỳ (mất một chữ) phụ. Đại phàm học sĩ ngôn chí giả sở vi tất bổn ư thi dã, chí ư trung thần nghĩa sĩ hoặc phú vật nhi biệt ký dao tình, hoặc tả cảnh nhi (mất một chữ) ngụ vi ý, nhi sinh bình nhất đoạn quyền quyền quân hoài chi thầm, vãng vãng (mất một chữ) lộ ư bút đoan nhi bất tự giác. Thị tắc sở vị tính tình chi chính dã. Bính dần chi tam nguyệt, dư đáo Việt Nam chủ (trú -ND) ư cố nhân (mất một chữ) binh (mất hai chữ) hầu gia. Ngô hầu xuất thi thảo lưỡng trật thị dư, thả chúc dư viết: (mất hai chữ) vị ngã tự chi. Dư duyệt quan chư tác, kỳ nhất tắc tác ư phụng mệnh phỏng Lê chi nhật, kỳ nhất tắc tác ư phược đạo nhập cống chi niên. (mất hai chữ) chi bất văn chính. Tích nhân sở vị vọng môn tường nhi vị nhập kỳ cung giả, ô túc dĩ tự Ngô hầu chi thi da? Nhiên ngô tư Ngô hầu tích niên lai Việt, dữ dư bàn hoàn luỹ nguyệt, ấp kỳ ngôn luận phong thái, kiển kiển khí khái hằng ngụ, bân bân phong nhã. Trung tập trung, hùng kiện ỷ lệ chi cú, mỹ bất thăng thu, nhi ngô duyệt chí ‘Thân thế vô liêu thánh đế tri’[7] kỵ ‘Nghĩa dĩ quân thần mỗi tự khoan’[8] đẳng ngữ, ẩn nhiên tầm dịch kỳ quyền quyền quân quốc chi (mất một chữ), vị thường bất chấp quyển, lưu liên nhi tam phục chi bất trí dã. Đại phàm trung quân giả tất tín hữu, thử ngô chi sở dĩ lạc dữ Ngô hầu định giao giả chức thị cố dã. Phù thi chi vi giáo chính dục sử nhân đắc kỳ tình tính chi chính, nhi trạch thân ư trung hiếu tiết nghĩa chi gian dã. Sự hữu quan ư danh giáo, dư hựu hà đắc bất tự dĩ dư chi sở dục ngôn chí kỳ thi chi khí cách hồn thành trác kim ngọc dĩ thành chương, chức kinh sử nhi tác cẩm, tư tắc hữu mục sở cộng thưởng giả, cố bất phiền dư chi phẩm đề dã.

Gia Long ngũ niên tuế thứ Bính dần bồ nguyệt cát nhật.

Trung hoán Quảng Đông Thuận Đức Giản Phố Trần Tuấn Viễn bái thư.

 

BÀI TỰA TẬP THƠ THẬP ANH ĐƯỜNG

Cái mà người đời cho là thơ hay, chính là nói phép tắc thể cách của thơ nghiêm chỉnh, là nói câu cú khéo léo, là nói chọn chữ kỳ lạ, lấy điều ấy mà xét thơ, ai nói là không (mất chữ). Nhưng những bài thơ ta chọn lấy, ngoài thanh điệu ra, ta còn thích tìm ra chỗ biệt tài để xem cái uẩn khúc chí tình chí tính của nhà thơ. Thơ là để nói chí. Phàm kẻ sĩ chất chứa những điều ẩn ức mà không có nơi để phát ra thì không thể tỏ bày. Thế nên, Yên (mất chữ) không làm thơ mà khi đi sứ, hành dịch thì lại có thơ. Gió bụi, cảnh sắc nơi đất khách cũng đủ làm rung động nỗi niềm quê hương làng xóm của mình, xúc chạm nỗi lòng mà ca ngâm vịnh thán, dào dạt tràn ra nơi cổ họng mà (mất chữ), ấy là biết kiềm chế mà khoan dung, chứng tỏ ông là người trung hoà, khoáng đạt, lại nghiêm khắc.

Phàm là bậc học sĩ muốn nói chí mình thì đều làm thơ. Còn như các bậc trung thần nghĩa sĩ, hoặc làm thơ vịnh vật để gởi gắm tình ý sâu xa, hoặc tả cảnh để thác ngụ ẩn ý, còn nỗi tình thực một đời lắng lo cho việc vua việc nước thường thường thấm đẫm lộ ra nơi đầu ngọn bút nhưng không tự biết, đó chính là điều mà người ta gọi là tính tình thẳng ngay vậy. Tháng ba năm Bính Dần, tôi đến Việt Nam ngụ ở nhà người bạn cũ là (mất chữ) Binh (mất chữ) hầu gia. Hầu gia liền mang ra hai tập bản thảo thơ đưa tôi xem và nói tôi rằng, (mất chữ) vì tôi mà đề tựa. Tôi xem những bài thơ của ông, một tập được làm khi phụng mệnh tìm thăm tin tức của vua Lê, một tập được làm khi bắt bọn trộm cướp sang nộp cống (câu này có 6 chữ, mất hai chữ, nên không rõ ý, không thể dịch). Người xưa nói, “chỉ ngóng qua cửa rào mà chưa vào trong nhà”, làm sao đủ để viết tựa cho thơ của Ngô hầu? Nhưng tôi lại nhớ đến năm xưa khi Ngô hầu sang đất Việt (Quảng Đông), cùng tôi quấn quýt mấy tháng liền, giãi bày bàn luận lời lẽ đẹp đẽ, khí khái việc lưu trệ nơi đất khách mà phong nhã hài hoà. Trong tập thơ, những câu mạnh mẽ hùng tráng đẹp đẽ không thể kể hết, nhưng tôi xem đến những câu như “Thân thế vô liêu thánh đế tri” và “Nghĩa dĩ quân thần mỗi tự khoan” mới hé mở mối tơ tình khẩn thiết vì vua vì nước, tôi chưa từng bỏ quyển, cuốn trôi theo mà đọc đi đọc lại không rời. Phàm là người trung với vua thì ắt thành thật với bạn bè. Đó là lý do tôi vui vẻ cùng Ngô hầu kết giao.

Ôi, thơ là để giáo hoá cho ngay thẳng, muốn cho người ta có được tính tình ngay thẳng, và giúp cho thân mình vào trong điều trung, hiếu, tiết, nghĩa. Những việc liên quan đến danh giáo tôi lẽ nào lại không kể. Và điều mà tôi muốn nói đến là khí cách thơ ông hồn thành, mài dũa vàng ngọc mà thành chương, dệt kinh sử mà thành bài, thế thì những người có con mắt xanh hãy cùng nhau thưởng thức, mà không phiền vì lời phẩm đề của tôi vậy.

Ngày lành tháng năm, năm Bính Dần, Gia Long năm thứ 5 (1806).

Thuận Đức Giản Phố Trần Tuấn Viễn bái viết vào trung tuần ở Quảng Đông.

 

Bài tựa thứ hai:

拾英 堂 詩 序

汝 山 吳 子 之 為 人 質 任 自 然 , 最 喜 無 事 , 是 集 有 詩 多 至 百 數 十 首, 竊 嘗 怪 之,及 竟 其 集 則 天 籟 自 鳴 , 意 到 筆 到 , 不 費 推 敲 , 求 索 之 勞 而 亦 無 椎 鑿 刻 鏤 之 迹 。 朱 夫 子 所 謂 咨 嗟 詠 嘆 之 餘 , 有 自 然 之 音 響 節 族 斯 之 謂 歟 ?

嘉 隆 五 年 孟 夏 月 吉 日 。

葵 江 阮 迪 吉 謹 題 識 。

 

THẬP ANH ĐƯỜNG THI TỰ

Nhữ Sơn Ngô tử chi vi nhân chất nhậm tự nhiên, tối hỉ vô sự, thị tập hữu thi đa chí bách sổ thập thủ, thiết thường quái chi, cập cánh kỳ tập, tắc thiên lại tự minh, ý đáo bút đáo, bất phí thôi xao cầu sách chi lao nhi diệc vô chuỳ tạc khắc lũ chi tích. Chu phu tử sở vị tư ta thán vịnh chi dư, hữu tự nhiên chi âm hưởng tiết tấu tư chi vị dư?

Gia Long ngũ niên Mạnh hạ nguyệt cát nhật.

Quỳ Giang Nguyễn Địch Cát cẩn đề chí.

 

BÀI TỰA THƠ THẬP ANH ĐƯỜNG[9]

Ngô Nhữ Sơn là người bẩm tính tự nhiên, rất thích vô sự, mà tập thơ có hơn một trăm mấy chục bài, tôi từng trộm lấy làm lạ, suốt cả tập thơ là tiếng sáo trời tự ngân vang, ý đến thì hạ bút, chẳng phí công sức chọn lời tìm chữ đắn đo mà cũng không thấy vết tích của việc khắc chạm mài dũa. Đó là điều mà Chu phu tử[10] nói, thở than ngâm vịnh mà có âm hưởng tiết tấu tự nhiên đó chăng?

Ngày lành tháng đầu hè, Gia Long năm thứ 6.

Quỳ Giang Nguyễn Địch Cát kính cẩn viết tựa.

 

Bài tựa thứ ba:

拾英 堂 詩 序

詩 者 情 之 發 而 神 固 行 其 間, 當 乎 情 莫 不 有 情, 而 情 極 者 唯 神, 則 行 乎 情 而 不 囿 乎 情 , 雖 作 者 亦 莫 知 其 然 而 然 者 , 故 觀 詩 觀 其 神 則 幾 矣 。  ▓ 汝 山 ▓ 兵 部 大 人 負 中 州[11] 英 氣 來 遊 我 越 , 方 其 天 造 雲 雷, 自 許 馳 驅 以 輔 成 大 業 。 忠 愛 之 情 發 之 詩 ,隨 感 隨 發 , 筆 與 情 到 而 其 一 般 宕 佚 之 致 飄 乎 ,旁 日 月 而 挾 宇 宙 ,隱 隱 乎 情 之 外 , 非 一 篇 一 句 所 可 指 摘 。殆 蒙 莊 所 謂 若 有 真 宰 而 不 得 其 朕 者 斯 非 神 之 全 歟 ? 辛 未 春 大 人 奉 特 旨 涖 驩。 存 時 備 驩 學 ,錯 荷 青 眼 而 獲 見 之 , 固 知 越 運 當 興 ,上 天 佑 之 為 生 賢 佐 ▓ 大 人 之 得 全 於 天 也, 固 有 來 矣 , 乃 如 之 詩 而 可 以 尋 常 感 發 觀 之 哉 ? 枳 棘 非 鸞 鳳 之 栖 , 敝 州 何 幸 快 覩 ! 以 存 之 摧 頹 倦 惰 ,奉 為 謦 欬 而 若 有 所 興 起 ,焉 是 惡 得 以 無 言 耶 ? 既 承 辱 命 不 敢 自 厭 ,謹 綴 數 言 於 後 。

嘉 隆 十 年 辛 未 閏 仲 春 月 穀 日

乂 安 鎮 督 學 裴 楊 瀝 存 成 拜 書

 

THẬP ANH ĐƯỜNG THI TỰ

Thi giả, tình chi phát nhi thần cố hành kỳ gian, đáng hồ tình mạc bất hữu tình, nhi tình cực giả duy thần, tắc hành hồ tình nhi bất hựu hồ tình, tuy tác giả diệc mạc tri kỳ nhiên nhi nhiên giả, cố quan thi quan kỳ thần tắc cơ hĩ . (mất một chữ) Nhữ Sơn (mất một chữ) binh bộ đại nhân phụ Trung Châu anh khí lai du ngã Việt, phương kỳ thiên tạo vân lôi, tự hứa trì khu dĩ phụ thành đại nghiệp. Trung ái chi tình phát chi thi, tuỳ cảm tuỳ phát, bút dữ tình đáo nhi kỳ nhất ban đãng dật chi trí phiêu hồ. Bạng nhật nguyệt nhi hiệp vũ trụ, ẩn ẩn hồ tình chi ngoại, phi nhất thiên nhất cú sở khả chỉ trích. Đãi Mông Trang sở vị nhược hữu chân tể nhi bất đắc kỳ trẫm giả, tư phi thần chi toàn dư? Tân mùi xuân đại nhân phụng đặc chỉ lị Hoan, Tồn thời bị Hoan học, thác hà thanh nhãn nhi hoạch kiến chi, cố tri Việt vận đương hưng, thượng thiên hựu chi vi sinh hiền tá (mất một chữ) đại nhân chi đắc toàn ư thiên dã, cố hữu lai hĩ, nãi như chi thi nhi khả dĩ tầm thường cảm phát quan chi tai? Chỉ cức phi loan phụng chi thê, tệ châu hà hạnh khoái đổ. Dĩ Tồn chi tồi đồi quyện noạ phụng vi khánh khái nhi nhược hữu sở hứng khởi, yên thị ô đắc dĩ vô ngôn da? Ký thừa nhục mệnh bất cảm tự yếm, cẩn xuyết sổ ngôn ư hậu.

Gia Long thập niên Tân Mùi nhuận trọng xuân nguyệt cốc nhật.

Nghệ An trấn đốc học Bùi Dương Lịch Tồn Thành bái thư.

 

BÀI TỰA TẬP THƠ THẬP ANH ĐƯỜNG[12]

Thơ là từ tình cảm phát ra mà cái thần vốn nằm trong đó, đáng phải tình thì không gì không có tình, mà tình cùng cực thì chỉ còn thần, cho dẫu ở trong tình nhưng lại không bị tình trói buộc. Vì thế, xem thơ phải xem cái thần của nó thì mới may ra. Ngô Nhữ Sơn Binh bộ đại nhân mang anh khí Trung Châu mà sang ở đất Việt ta, gặp khi trời nổi cơn mây mù sấm động, tự hứa lòng rong ruổi mà phò giúp thành đại nghiệp. Cái tình trung quân ái quốc phát lộ vào thơ, theo cảm xúc mà phát ra, câu chữ ý tình đều thấu đáo mà thơ thường phóng dật vô cùng, nương tựa nhật nguyệt, ôm cả vũ trụ, tình cảm chan chứa, nào phải chỉ một bài một câu mà có thể trích được, giống như lời Mông Trang nói, như có chân tể mà chẳng nắm bắt được, đó không phải là sự thành toàn của thần chăng?

Mùa xuân năm Tân Mùi, đại nhân phụng đặc chỉ đến đất Hoan. Tồn tôi bấy giờ giữ chức đốc học ở Hoan, may nhờ ngài để mắt đến mới được gặp mặt. Mới hay trời cao phò tá nên sinh người hiền tài giúp rập, như Ngô đại nhân được trời thành toàn nên mới đến đây vậy. Còn như thơ của ngài đâu thể đem cảm hứng tầm thường mà xem? Loài cỏ tranh gai góc chẳng phải là chỗ cho loan phụng đỗ nghỉ, tệ châu sao được may mắn mà ngắm nhìn thoả thích thế chăng! Tồn tôi già yếu, biếng nhác, vâng làm hắng đặng, mà khi có điều hứng khởi, thì đâu thể chẳng nói một lời? Đã thừa lệnh nào dám từ khước nên cẩn trọng đề vài lời ở dưới.

Ngày lành tháng trọng xuân, năm nhuận Tân Mùi, Gia Long thứ 10 (1811),

Đốc học trấn Nghệ An, Bùi Dương Lịch hiệu Tồn Thành bái thư. 

TP.HCM, 04-2009

L.Q.T.

[1] Ngô Nhân Tĩnh (1761-1813), tự Nhữ Sơn, hiệu Thập Anh, tổ tiên người Quảng Đông, sang nước Nam trú ở đất Gia Định. Tĩnh là người có tài học, làm thơ hay, xuất thân làm Thị học (độc) viện hàn lâm. Sau được phong nhiều chức vụ lớn trong triều, từng hai lần đi sứ Trung Quốc, hai lần đi sứ Chân Lạp. Sau chuyến đi sứ Chân Lạp, ông bị vu oan, rồi chết trong niềm uất ức.

 

[2] Trần Tuấn Viễn, Thập Anh đường thi tập tự, trong Thập Anh thi tập, ký hiệu A.779, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ.

[3] Cao Tự Thanh, “Văn học Hán Nôm ở Gia Định”, in trong Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập II, Văn học - Báo chí - Giáo dục, Hội đồng Khoa học Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.91, tr.101.

[4] Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính biên khảo và chú giải, Nguyễn Du, niên phổ và tác phẩm, Nxb. Văn hoá thông tin, 2001, tr.687-688.

[5] Những ô đen là những chữ bị mất hoặc không nhìn rõ trong nguyên văn.

[6] Chúng tôi ngờ chép nhầm chữ 住 thành 主

[7] Câu này ắt là do Trần Tuấn Viễn nhớ ý của câu “Thân sự vô liêu thánh chủ tri” nằm trong bài thơ thứ 4 chùm 5 bài Đồng Trần Tuấn, Hà Bình Xích hạ chu trung tạp vịnh trong Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh.

[8] Câu mở đầu của bài thứ 14 nằm trong chùm 30 bài thơ Nhâm Tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, làm trong lúc đi sứ Trung Quốc năm 1802.

[9] Trong 10 thế kỷ bàn luận về văn chương, tập 1, Nxb. Giáo dục, 2007, tr. 226, có bài này với tựa đề là “Thơ ưa tự nhiên”.

[10] Chu phu tử: tức Chu Hy, học giả thời Tống.

[11]中 州 Trung Châu: tức Trung nguyên, Trung Hoa.

[12] Trong tập sách Người xưa bàn về văn chương, bài này có tên là “Tựa Ngô Hiệp trấn Tĩnh Viễn hầu thi tập” trích trong Tồn Trai ốc lậu thoại thi văn, kí hiệu VHv.89. Xin xem Đỗ Văn Hỷ, Người xưa bàn về văn chương, tập 1, Nxb. KHXH Hà Nội, 1993, tr.32-33.

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63468262
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11249
18874
63468262

Thành viên trực tuyến

Đang có 380 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website