Sự tinh tế và “thiên tính nữ” trong phong cách phê bình – tiểu luận của Lê Hồng Sâm

Thật vui và xúc động vào những ngày cuối năm Đinh Dậu (2017) được cầm trên tay bản thảo Tuyển tập Văn chương Pháp, tản mạn đọc và cảm nhận của nhà nghiên cứu – nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm. Tôi nghĩ, cuốn sách thực ra  “nhỏ bé” và “khiêm nhường”, so với khối lượng những công việc đồ sộ mà Lê Hồng Sâm đã làm trong hơn nửa thế kỷ qua. Nhưng vui và cảm động vì nó thể hiện lòng quý yêu của một nhà giáo còn rất trẻ (tiến sĩ Dương Xuân Quang), cách xa tác giả nhiều thế hệ, đã dành thời gian sưu tầm, tập hợp từ rất nhiều nguồn những trang viết “còn lại” của “bà giáo già” mà anh kính trọng và ngưỡng mộ. Không vui và xúc động làm sao được?

Thực ra, từ hơn nửa thế kỉ nay, cái tên Lê Hồng Sâm không còn xa lạ với những người yêu sách, đặc biệt với công chúng độc giả văn học Pháp ở nước ta. Người ta biết đến bà không chỉ qua các công trình nghiên cứu, dịch thuật về văn học Pháp mà còn ở các diễn đàn hội thảo, tọa đàm, giới thiệu văn chương, trên bục giảng nơi bà từng truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò.  Nhưng đặc biệt hơn, ít ai nghĩ người phụ nữ với dáng vẻ bề ngoài mảnh mai và yếu đuối ấy lại “dynamique” và “active” (năng động, tích cực) đến kỳ lạ: bà phụ trách Bộ môn Văn học phương Tây trong suốt nhiều năm, một bộ môn có nhiều hoạt động nhất vào hai thập niên 80, 90 ở khoa Ngữ văn, phối hợp và điều hành Dự án hợp tác giữa hai bộ môn Văn học Pháp Đại học Paris 7 và Đại học Tổng hợp Hà Nội, chủ biên nhiều công trình nghiên cứu và dịch thuật văn học Pháp trong khuôn khổ hợp tác giữa hai trường (Lịch sử văn học Pháp, 5 tập, Tuyển tập văn học Pháp, 6 tập), chủ biên giới thiệu và dịch bộ Tấn trò đời của Balzac, 16 tập, dịch hai tác phẩm đồ sộ của Rousseau: Émile hay là về giáo dụcNhững lời bộc bạch, dịch Bên phía nhà Swann của Marcel Proust (cùng Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào, Dương Tường), và nhiều tác phẩm khác...

Đến thời điểm này nhà giáo Lê Hồng Sâm đã gần bước sang tuổi 90, nhưng nếu ai có dịp đến thăm bà tại nhà riêng, một căn hộ nhỏ đẹp, ấm áp tại Đường Láng Hạ, Hà Nội, sẽ gặp hình ảnh quen thuộc: người phụ nữ với phong thái nhẹ nhàng, tóc búi cao, vầng trán rộng, đôi mắt sáng, vẫn trẻ trung “đùa nghịch” với những con chữ trên chiếc máy vi tính để bàn có phần cũ kĩ. Chứng kiến sức làm việc của bà, đôi khi tôi tự hỏi: nguồn mạch nào đã nuôi dưỡng sự dẻo dai, bền bỉ ở một con người đã đi qua gần một thế kỷ mà vẫn giữ được niềm đam mê với văn chương sách vở đến như vậy? Không ít lần băn khoăn tự tìm lời giải đáp cho mình, tôi chỉ có thể giải thích bằng tình yêu của bà với nền văn hóa Pháp. Ở bộ môn Văn học phương Tây khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, Lê Hồng Sâm từng đảm nhiệm phần văn học hiện thực thế kỷ XIX, trong đó có nhà văn Pháp Honoré de Balzac. Tấm gương lao động với khát vọng “được làm việc bằng hai tay và hai khối óc” nơi cây đại thụ của nền văn chương Pháp, phải chăng cũng ít nhiều ảnh hưởng tới bà? (Thật khó có thể tin, chỉ trong chưa đầy 20 năm, chính xác là 18 năm - từ 1829 đến 1847- bậc thầy của nền văn chương hiện thực Pháp đã hoàn thành tới 97 tác phẩm trên tổng số 137 tác phẩm dự kiến của bộ Tấn trò đời!).

Nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức quê ở Quốc Oai, Hà Nội (Hà Tây cũ). Cha bà, một vị quan thanh liêm, yêu nước, hết lòng vì dân, tới giờ vẫn còn lưu truyền đôi câu đối người dân Quốc Oai viết tặng cụ: “Lập ấp, đắp đê, mong làng xóm qua vòng đói khát/ Xây trường, mở lớp, dạy cháu con biết đạo làm người”. Trong ký ức của nhà giáo Lê Hồng Sâm về người cha đáng kính, in đậm hình ảnh nhà nho già cuối đời tận tụy dạy học, sống thanh bạch, giản dị và coi trọng tình người. Nhưng sâu sắc nhất vẫn là triết lý sống, triết lý giáo dục cụ truyền lại cho các con. Bà từng tâm sự: “Nhà tôi có 6 chị em. Cha mẹ tôi coi trọng tính trung thực, lòng nhân hậu, và giáo dục các con chủ yếu qua cách hành xử của bản thân”[1].

“Qua cách hành xử của bản thân”, cụ thể hơn, trong tư cách một nhà giáo, Lê Hồng Sâm không chỉ “nói hay”, mà còn “làm đúng” trong chuyên môn, cũng như mọi công việc khác. Được làm việc với bà trong tư cách học trò và đồng nghiệp, với chúng tôi thật là may mắn. Sinh viên của cô Lê Hồng Sâm học tập được ở người Thầy của mình rất nhiều. Trước hết là sự cẩn trọng và tinh tế trong nghiên cứu, giảng dạy. Phẩm chất đáng quý này được duy trì nhất quán trong suốt thời gian dài, cả khi đang làm việc, lẫn lúc đã rời bục giảng. Trong giao tiếp, bà bao giờ cũng tạo được sự tin yêu, ở tất cả mọi người, dù họ là ai. Trong giảng dạy, bà luôn khiến học trò say mê vì cách diễn giải và truyền đạt. Trong dịch thuật, bà vô cùng cẩn trọng, cả khi bất đắc dĩ phải phiên dịch trực tiếp, cũng chính xác từng câu, từng chữ. Lối trình bày và tư duy minh triết ấy được thể hiện nhất quán trong hầu hết các công trình nghiên cứu của bà. Văn chương Pháp, tản mạn đọc và cảm nhận chỉ là một trong những cuốn sách thể hiện rõ ràng và đầy đủ phẩm chất đáng quý ấy.

Cuốn sách được chia thành 3 phần. Phần I, “Dưới bóng những đại thụ” gồm các bài viết về Rousseau, Balzac, Stendhal, Hugo, Flaubert, Maupassant và Bernanos; phần II, “Giữa những làn hương”, dành riêng cho các nhà văn nữ - bà de Staël, George Sand, Louise Michel, Marguerite Yourcenar, Nathalie Sarraute, Simone de Beauvoir, Marguerite Duras, và nhiều tác giả khác được đề cập chung trong hai bài “Sự đông đảo của những cây bút nữ” và “Dấu vết người cha và bóng dáng người mẹ trong hai cuốn truyện hay của Pháp”; phần III, “Cảm nghĩ…đó đây” tập hợp những trò chuyện, ký ức, trao đổi và cả những tham luận trên diễn đàn hội thảo quốc tế, hoặc công bố trong các ấn phẩm tại Pháp. Hơn ba mươi bài viết tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau, được sắp đặt trong các đề mục riêng hợp lý. Tất nhiên, nói  “hợp lý”, không có nghĩa các bài hoàn toàn độc lập với nhau. Chẳng hạn, trong phần II, Giữa những làn hương, vốn chỉ dành riêng cho các nhà văn nữ như Marguerite Duras, Simone de Beauvoir, Nathalie Sarraute, Marguerite Yourcenar.. thì bản thân những cái tên “sáng giá” này cũng là những đại thụ.  Theo tôi, cách lựa chọn và sắp đặt của tác giả cùng người sưu tầm bao quát được đầy đủ tinh thần cuốn sách.

Cụ thể, ở phần thứ nhất Dưới bóng những đại thụ, trong số 7 tác gia được đề cập - Rousseau, Balzac, Stendhal, Hugo, Flaubert, Maupassant, Bernanos - thì cái tên Honoré de Balzac là “nặng ký” nhất. Tôi nói “nặng ký”, bởi phần về Balzac tuy chỉ gồm 3 bài, nhưng một bài riêng được rút từ phần giới thiệu Tuyển tập Tấn trò đời, với cái tên chung “Cảnh đời muôn vẻ” lại tập hợp 12 bài viết trong đó có những bài hết sức công phu như “Lão Goriot”, “Bước thăng trầm của kỹ nữ” hay “Bà chị họ Bette” và “Những người Chouan”. Đấy là chưa kể, trong phần III, Balzac còn được nhắc đến trong 3 bài riêng: “Chabert, tấm gương phản chiếu bóng hình bao thời đại bao xứ sở” ;  “Nhớ Đỗ Đức Hiểu – Dịch giả” (bàn về một từ trong Lời nói đầu bộ Tấn trò đời); và “Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa được dịch và tiếp nhận ở Việt Nam như thế nào?”(tham luận tại hội thảo quốc tế về Balzac tại Paris năm 2014).  

Khẳng định Balzac là “nhân vật nặng ký” còn vì bản thân đối tượng nghiên cứu, một trong số những nhân vật khổng lồ của nền văn chương Pháp, “một trái núi”, với tất cả sự phong phú và phức tạp trong thế giới quan và sáng tác; để giúp người đọc Việt Nam hiểu được đầy đủ mọi khía cạnh về con người và tác phẩm ấy, thật không dễ gì. Nhưng với tư cách là một trong những nhà nghiên cứu văn học Pháp hàng đầu, một balzacienne đúng nghĩa, Lê Hồng Sâm đã vượt qua những khó khăn đó. Không chỉ có thâm niên trong giảng dạy và nghiên cứu Balzac, bà còn là thành viên Việt Nam trong Hội Nghiên cứu quốc tế về Balzac. Bà đã đảm nhận trọng trách Tổng chủ biên công trình dịch và giới thiệu hầu như toàn bộ Tấn trò đời gồm 16 tập, với hàng chục ngàn trang. Có lẽ nhờ những ưu thế này mà trong tuyển tập Văn chương Pháp, tản mạn đọc và cảm nhận, Lê Hồng Sâm đã cung cấp cho người đọc một bảng “tổng phổ” kiến thức phong phú về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà hiện thực bậc thầy Honoré de Balzac.

 Tự biết sự giới hạn về thời gian và sức lực của mỗi người trong cuộc đời nghiên cứu, Lê Hồng Sâm chỉ chọn cho mình những nhà văn nào bà yêu thích và có điều kiện am hiểu sâu sắc. Trong Văn chương Pháp, tản mạn đọc và cảm nhận, ngoài Balzac, một nhà văn cũng giành được sự quan tâm của Lê Hồng Sâm, đó là nữ tác giả hết sức quen thuộc với người đọc Việt Nam: Marguerite Duras. Trong giáo trình Lịch sử văn học Pháp, Lê Hồng Sâm từng có một chương viết hết sức công phu về nhà văn cùng giới với mình. Sau chương viết này, bà còn trở lại không ít lần với Duras, trực tiếp dịch Một con đập ngăn Thái Bình Dương năm 1997, Nhịp điệu ôn hòa trầm bổng năm 1998 và cuối cùng là Người tình Hoa Bắc năm 2008. Cũng năm 2008, trong một Diễn đàn về Duras, nhân chuyến thăm Việt Nam của đoàn làm phim Pháp và người con trai duy nhất còn lại của nữ văn sĩ, Lê Hồng Sâm đã tham luận về “Một vài thay đổi trong cách nhìn và thể hiện nhân vật, từ Người tình đến Người tình Hoa Bắc”. Là một người phụ nữ làm nghiên cứu, phê bình, phải chăng vì thế, Lê Hồng Sâm có khả năng đồng cảm thực sự với các nhà văn nữ. Nhận định về cách Marguerite Duras thể hiện tình trạng những đứa trẻ xứ Đông Dương trong Một con đập ngăn Thái bình dương, ngòi bút của người phân tích biểu lộ rõ niềm rung động: “Hết sức ám ảnh là cái chết của những em bé này, được nhắc, được kể, được miêu tả, trở đi trở lại tới mười một lần trong cuốn truyện không dài lắm. Trẻ chết đến mức “bùn lầy trong miền chứa đựng nhiều em bé chết hơn là những em có thời gian ca hát trên mình trâu”, chết chủ yếu vì đói, rồi chết đuối, chết vì bệnh tả, vì cảm nắng, vì ngạt do giun, vì sốt rét, vì bị ô tô cán, v.v.. Trong bức thư gửi Sở Địa chính, bà mẹ đã thốt lên những lời ghê rợn: “Có lẽ các người không biết nhưng nơi đây trẻ em chết nhiều đến nỗi người ta chôn chúng ngay trong bùn ruộng, dưới các túp lều và chính người cha dùng chân nén phẳng đất ở chỗ chôn con mình. Thành thử chẳng có gì cho thấy dấu vết một em bé chết và đất đai mà các người thèm khát, mà các người đã tước của họ, những đất đai duy nhất không bị ngập mặn trong miền, đều nhan nhản xác trẻ em”[2]

 Dường như “thiên tính nữ” còn ẩn hiện trong việc lựa chọn đối tượng dịch thuật và nghiên cứu của bà. Ở phần II, Giữa những làn hương, một nhan đề thật nên thơ dành cho các nữ tác gia, ta thấy những tiền bối lẫy lừng của Marguerite Duras như bà de Staël “nhà lý luận đầu tiên của chủ nghĩa lãng mạn Pháp”, George Sand “đại văn hào đồng thời là biểu tượng cho cuộc chiến đấu của phụ nữ”, Louise Michel, “người con gái quang vinh của Công xã Paris”, cùng những người đồng thời trứ danh: Nathalie Sarraute, người mở đường cho tiểu thuyết mới, Simone de Beauvoir “người phụ nữ biết chọn và sáng tạo cho mình một số phận độc đáo”, Marguerite Yourcenar, nữ viện sĩ Hàn lâm đầu tiên của nước Pháp, kể từ khi thành lập Viện năm 1635.

Về niềm ưu ái này của Lê Hồng Sâm, giáo sư Nicole Mozet, trong bức thư gửi người bạn thân (in ở phần đầu cuốn sách), hồi tưởng: “Trong khi trò chuyện, chúng ta thường hay đề cập lối viết của các nhà văn nữ, vị trí của những nhà văn này trong văn chương. Có phải vì thế mà bạn đã viết về Nathalie Sarraute, đã dịch Marguerite Yourcenar và Marguerite Duras? Sau đó bạn đã dịch một cuốn sách của tôi về George Sand....”

Quả như thế, trong Văn học Pháp, tản mạn đọc và cảm nhận, ngoài “Giữa những làn hương”, ở các phần còn lại “Dưới bóng những đại thụ” và “Cảm nghĩ …đó đây”, mối quan tâm của Lê Hồng Sâm với “căn tính nữ” cũng không hề ít. Chẳng hạn, trong 4 bài “Tình yêu và người phụ nữ trong tác phẩm của Stendhal”, “Một tấm lòng chất phác của Gustave Flaubert”, “Fantine, Cosette và chiếc đòn gánh Việt Nam”, “Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa được dịch và tiếp nhận ở Việt Nam như thế nào?”, cũng vẫn là mối quan tâm dành cho phái yếu … Phải chăng vì thế, bút pháp trong rất nhiều công trình nghiên cứu của Lê Hồng Sâm thường nhỏ nhẹ, dịu dàng, tinh tế. Tinh tế cũng có thế là phẩm chất của một nhà nghiên cứu nam. Nhưng nhỏ nhẹ, dịu dàng và tinh tế, tôi nghĩ chỉ thấy được thật rõ ở một cây bút nữ.  Không ưa chạy theo đám đông, hùa theo “thời thượng”,  Lê Hồng Sâm luôn giữ cốt cách riêng của mình, trong khi đón nhận và ứng dụng một cách mực thước những thành tựu của nghiên cứu phê bình thế giới. Nét riêng ấy, phương hướng ấy, giáo sư Nicole Mozet cũng gợi nhớ trong thư:

 “Vừa dạo bước trên những lối đi rộng lớn trong khu rừng Chambord, chúng ta vừa bàn luận về những gì chúng ta đọc, về những dự kiến và những công trình chúng ta đang thực hiện, về một phương pháp tiếp cận mà chúng ta những muốn là uyển chuyển và cởi mở[3], sử dụng được những đóng góp của các phương pháp và các suy tư mới mẻ, song không đẩy đến mức cực đoan cũng không tự giới hạn ở đó”.

Cởi mở với những tìm tòi, khám phá trong phê bình văn chương hiện đại, Lê Hồng Sâm đã cùng nữ đồng nghiệp Đặng Anh Đào dịch Thi pháp văn xuôi của Tzvetan Todorov năm 2004, Dẫn luận về văn chương kỳ ảo cũng của Todorov năm 2007, Bản mệnh của lý thuyết của Antoine Compagnon năm 2006.

Giới thiệu tác phẩm tự thuật của Rousseau, viết về “chủ nghĩa hiện thực” của Balzac, bà cho thấy vấn đề được tiếp cận theo nhiều khuynh hướng: xã hội học, phân tâm học, thi pháp học...Và dường như những cách đọc trên đều được bà thể nghiệm uyển chuyển, có mức độ. Ta gặp lại cách đọc xã hội học xiết bao quen thuộc, và thuyết phục, bởi không dài dòng, cũng không khiên cưỡng: Bà chị họ Bette là “bức tranh u ám nhưng chân thực” về xã hội Pháp đương thời; trong Bí mật của nữ vương tước De Cadignan bóng dáng đẹp đẽ của nhà cộng hòa Michel Chrestien chỉ thấp thoáng vì “Tấn trò đời là một hài kịch, nhân vật chính của nó không thể là những anh hùng” và “Balzac sẽ chẳng phải là Balzac, nếu những chuyện yêu đương tán tỉnh của mấy bà quý phái vô công rồi nghề không được đặt trên một cái nền lịch sử-xã hội hết sức cụ thể”... Cách đọc phân tâm học ẩn hiện trong sự phân tích những nhân vật, những cảnh huống bộc lộ một nỗi đau sâu xa từ thời thơ ấu, một ước ao ngầm ẩn, mà bản thân tác giả Tấn trò đời không hay biết, cũng như trong nhận định về lão Goriot “sống và hạnh phúc qua chuyển di, ủy thác”, trong sự vận dụng thích hợp khái niệm “cái chết của Người Cha” ở Đại tá Chabert, ở Tướng về hưu, “xung năng chết’ ở Hai người đàn bà xóm Trại, “chủ thể ham muốn”, “đối tượng bị (được) ham muốn”, rồi “ẩn dụ về kiểu giết Cha, tượng trưng cho bước chuyển sang tuổi trưởng thành” ở Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa ... Bổ sung cho những cách tiếp cận trên, thi pháp học khai thác cấu trúc truyện kể, thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật v.v. Không gian với chức năng nhận thức, lý giải, “chức năng mới mẻ nhất” do Balzac đem lại; không gian khép kín trong tiểu thuyết Stendhal; không gian chao đảo, biến động trong truyện Bernanos, một “không gian thấp thoáng điều huyền bí, nơi mà thực tế tầm thường bề ngoài đột nhiên phát lộ ý nghĩa ẩn giấu”; không gian bao hàm sự tan rữa, tàn tạ trong Một tấm lòng chất phác của Flaubert; không gian bao la bát ngát nhấn chìm những cố gắng nhỏ nhoi hữu hạn của con người trong Một con đập ngăn Thái Bình Dương của Marguerite Duras; thời gian ngưng đọng trong Bà Bovary, thời gian gấp gáp hối thúc trong Moderato cantabile...Rồi cấu trúc truyện kể, từ Đi tìm tuyệt đối của Balzac với cái kết bất ngờ, khi truyện hoàn toàn có thể kết thúc, thì hành động lại bắt đầu, chung cục lại hoãn và “cơ sở của cấu trúc này chính là quan niệm sâu xa, cho rằng đam mê lớn không thể tiêu diệt, nó chỉ thiếp ngủ mà không chết và chỉ chấm dứt cùng với sự sống của nạn nhân bị nó chi phối”, đến cấu trúc khác lạ của Tuổi thơ, với những đoạn dài ngắn không đều, xen nhiều khoảng trắng, “nhằm theo sát và tái hiện các hướng động (tropisme) trong tính rời rạc, lưu chuyển, thoáng qua của chúng”, rồi cấu trúc trùng điệp của Moderato cantabile “với những biến tấu muôn vẻ của một số chi tiết vừa mang chất thơ vừa có ý nghĩa biểu tượng”.

Và không ít trường hợp, đôi ba lời bình cuối cùng nhẹ buông, bỗng đưa câu truyện từ một thời gian rất xa xôi, một không gian thật khác lạ, đến gần ta, ở trong ta, thành vấn đề của chính ta. Phần kết thúc truyện Pierre Grassou “chỉ kết thúc văn bản của truyện” còn cuộc sống tầm thường của nhân vật bất tài công thành danh toại vẫn tiếp diễn, vượt ra  ngoài dấu chấm hết văn bản “bởi vì, nào có riêng gì thời Balzac, nào có riêng gì trên đất Pháp, người ta mới gặp, ở không ít lĩnh vực, “những chàng Grassou đã thành đạt, liên đới cùng những Grassou sẽ thành đạt”?”  Và rộng hơn, phổ quát hơn ý nghĩa xã hội-lịch sử cụ thể của Phòng Cổ vật, điều khiến ta ngậm ngùi có lẽ là sau mỗi cuộc bể dâu, ở thời nào, nơi nào, dường như “cũng rớt lại một số người bơ vơ, lạc lõng, tự nhốt kín trong chân lý riêng của mình, khăng khăng thủy chung với những tín điều có thể là trong trẻo, thuần khiết, nhung không còn sức sống, chẳng có tương lai, tạo nên đây đó một vài dạng Phòng Cổ vật”.

Như đã khẳng định bên trên, ở phong cách riêng của Lê Hồng Sâm, có sự tinh tế,  cẩn trọng, những phẩm chất thường thấy ở những “người nữ” theo đuổi nghề nghiên cứu. Phẩm chất ấy cũng có phần được chi phối bởi “căn tính nữ”. Điều này được thể hiện  trong phần III  “Cảm nghĩ… đó đây”, qua ba bài viết ngắn, nhưng rất thú vị về dịch thuật, đó là “Nhớ Đỗ Đức Hiểu – Dịch giả”, “Chi tiết nhỏ hàm chứa vấn đề lớn hay là dịch thuật và văn hóa”, “Đôi lời về việc dịch Bên phía nhà Swann của Marcel Proust”. Luận bàn về dịch thuật, bao giờ Lê Hồng Sâm cũng tỏ ra rất nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Tôi muốn dẫn ra đây một ví dụ, qua một kỉ niệm khó quên của bà với người đồng nghiêp đàn anh thân thiết trong bộ môn Văn học Pháp – giáo sư – nhà giáo Ưu tú Đỗ Đức Hiểu. Những năm 1990, khi chuẩn bị công trình chuyển ngữ bộ Tấn trò đời, với tư cách Tổng chủ biên, bà lựa chọn và cuối cùng nhờ giáo sư Đỗ Đức Hiểu, mà bà cho là có đầy đủ sự uyên bác, dịch Lời nói đầu của bộ Tấn trò đời.  

 “Trong Lời nói đầu nổi tiếng của Balzac, có một câu tuyên bố gần hai trăm năm nay đã là đề tài của bao sự bình luận, tranh luận, và bắt đầu như sau: “J’écris à la lueur de deux Vérités éternelles: la Religion, la Monarchie…”. Nhiều người – trong đó có tôi – từng dịch là: “Tôi viết dưới ánh sáng của hai Chân lý vĩnh cửu: Tôn giáo và nền Quân chủ…”. Lần này, trong bản dịch toàn văn, đặt đúng vị trí mở đầu cho cả bộ tiểu thuyết, đoạn trên được anh Hiểu dịch là: “Tôi viết dưới ánh sáng le lói của hai Chân lý vĩnh cửu: Tôn giáo và nền Quân chủ…”. Khi đọc lại, tôi trao đổi với anh Hiểu không nên thêm từ le lói vì:

            - Đúng là lueur trong tiếng Pháp có hai nghĩa trái ngược:

            (1) Ánh sáng không rực rỡ, không mạnh (nhưng có thể lâu bền)

            (2) Ánh sáng vụt lóe (có thể rực rỡ, nhưng sớm tắt)

            Nhưng lueur còn là một yếu tố của ngữ à la lueur de...có nghĩa: dựa trên cơ sở... để tiếp tục, để tiến lên...

            Theo tôi, nên đặt lueur vào cả một ngữ à la lueur de… và dịch là dưới ánh sáng của…, đừng thêm le lói vì không cần thiết, đã thế sắc thái biểu cảm của từ còn gây nghĩ ngợi. Vốn khiêm tốn – nhiều khi quá khiêm tốn – anh Hiểu bảo: “Chị là chủ biên, tôi theo ý chị. Nhưng tôi vẫn băn khoăn, vì ở nước Pháp thế kỷ XIX, tôn giáo và nền quân chủ không còn mạnh, không còn tỏa sáng rực rỡ như trong quá khứ, nên lueur ở đây có thể có dụng ý chỉ trạng thái le lói, yếu ớt chăng?”

            Một nguyên tắc anh Hiểu và tôi đề ra là khi đọc lại các bản dịch, chỉ nêu lên và phân tích những gì mình thấy chưa đúng, để người dịch nhận ra và tự chữa. Khi nào không liên hệ được với dịch giả hoặc khi dịch giả yêu cầu, người đọc lại mới sửa. Rất tôn trọng anh Hiểu, lại không thể tìm được một từ tiếng Việt tương đương với lueur, bao hàm cả mấy nghĩa như trong tiếng Pháp mà nhất thiết phải chọn hoặc ánh sáng vụt lóe, hoặc ánh sáng le lói, hoặc dưới ánh sáng của … (ngữ), trong Tấn trò đời tập 1 xuất bản năm 1999, tôi để nguyên “… dưới ánh sáng le lói…” chờ hạ hồi phân giải.

            Giữa năm 2000, phát biểu về dịch thuật trong cuộc hội thảo quốc tế về Balzac tại Pháp, tôi có nêu trường hợp trên, bên những trường hợp khác. Nhiều trường hợp gây bàn luận khá sôi nổi (văn chương vốn đa nghĩa, vả lại chẳng phái lúc nào Balzac cũng viết rõ ràng, chính xác). Với cách nói khéo cường điệu, dễ đẹp lòng người, rất quen thuộc ở người Pháp (mà người nghe cần tỉnh táo, trừ hao), một chuyên gia Balzac-học than: “Các vị đã đặt ra cho chúng tôi bao vấn đề hóc búa, bời các vị chải văn bản bằng lược bí [4]khi chuyển ngữ, và các vị buộc chúng tôi phải học lại, nghiên cứu lại tiếng Pháp đấy!”. Về trường hợp à le lueur de…, sau khi kết luận nên dịch là dưới ánh sáng của…, giáo sư Claude Duchet, một trong các nhà sáng lập Hội nghiên cứu quốc tế về Balzac lắc lắc mái tóc bạc, trầm ngâm: “Tuy nhiên, Đỗ Đức Hiểu có cái lí của ông ấy đấy, về phương diện ý thức hệ mà nói…”.

Tại sao phải dẫn ra đây một đoạn dài vốn đã có trong nội dung của cuốn sách, vì lẽ tôi muốn người đọc hiểu được đầy đủ hơn sự tinh tế, cẩn trọng và kiên quyết của dịch giả - nhà giáo Lê Hồng Sâm. Trong nghiên cứu, trong dịch thuật, những phẩm chất này vô cùng quan trọng. Một điều bà thường xuyên nhắc nhở các đồng nghiệp trẻ cùng bộ môn là làm văn học nước ngoài, nhất thiết cần thuần thục ngôn ngữ gốc. Trong khoảng hơn mười năm gần đây, cộng tác với Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội và Trung tâm Quốc gia về Sách của nước Pháp, bà đã chủ trì hai khóa “Dịch thuật và văn chương Pháp” để đào tạo lớp người kế cận, trong khi bản thân tiếp tục chuyển ngữ tác phẩm của những nhà văn lớn như J.J. Rousseau, M. Proust... Tác phẩm dịch chung Émile hay là về giáo dục, NXB Tri Thức, 2008 đã được trao giải thưởng danh giá Phan Chu Trinh.

Cách đây chưa lâu, vào tháng 10 năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Văn khoa Hà Nội (1945-2015), trong một bài viết chân dung nhà giáo Lê Hồng Sâm, tôi tự thấy mình thật có lý khi đặt tiêu đề bài viết về bà là “Nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm - Cánh chim không mỏi”. Bà không chỉ là một giảng viên, một nhà nghiên cứu, một dịch giả, mà còn là một nhà hoạt động văn hóa thực thụ, từng nhiều năm gieo tình yêu và kết nối hai nền văn hóa Việt Nam và Pháp. Tấm Huy chương Cành cọ Hàn lâm mà chính phủ Cộng hòa Pháp trao tặng bà cách đây gần 15 năm (25 tháng 3 năm 2003), chính là sự  tôn vinh đóng góp này. Tuyển tập Văn chương Pháp, tản mạn đọc và cảm nhận, thực ra chỉ thêm một “dấu son nhỏ” vào sự nghiệp chung - kết nối hai nền văn hóa Pháp - Việt của nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm.

Trần Hinh

Những ngày cuối năm Đinh Dậu 2017

 

 


[1] Dẫn theo Kim Yến, Nhà giáo nhân dân, dịch giả lê Hồng Sâm: Cần giáo dục thói quen tự vấn, Sài Gòn tiếp thị ngày 15/11/2012

[2] Xã hội thuộc địa trong Một con đập ngăn Thái Bình Dương của Marguerite Duras, tr.131

[3] Trần Hinh nhấn mạnh.

[4]Passer au peigne fin: xem xét kĩ càng tỉ mỉ, không bỏ sót một chi tiết nào.

Thông tin truy cập

60521634
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3127
10018
60521634

Thành viên trực tuyến

Đang có 205 khách và không thành viên đang online

Danh mục website