Một bản dịch mới "Gia Định thành thông chí"

Bản dịch mới Gia Định thành thông chí của Phạm Hoàng Quân xứng đáng là một tấm gương trong lãnh vực dịch thuật/biên khảo, đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện hoạt động học thuật ở nước ta còn khá lộn xộn như trong vài chục năm nay đã cho thấy.

Gia Định thành thông chí (嘉定城通志) còn có tên Gia Định thông chí (嘉定通志), là một quyển địa chí do Trịnh Hoài Đức (1765-1825) biên soạn, viết về địa lý-lịch sử-văn hóa của miền đất Gia Định xưa (tương đương Nam Bộ ngày nay) bằng chữ Hán có xen những tên riêng bằng chữ Nôm, là một sử liệu quan trọng lâu nay được coi là đầu tiên và có uy tín hơn cả về miền Nam nước Việt thời nhà Nguyễn (đương thời gồm 5 trấn Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên).Gồm tất cả 6 quyển:(1) Tinh dã chí (vị trí đất Gia Định ứng với các phận sao, theo quan niệm thiên văn học Trung Quốc cổ);(2) Sơn xuyên chí (núi rừng, gò giồng, sông rạch, cồn bãi, bưng biền, biển đảo thuộc 5 trấn);3) Cương vực chí (lịch sử khai thác đất Gia Định; việc giao thiệp với Cao Miên, Xiêm La; tình hình các dân tộc Việt, Cao Miên, Hoa; biên giới quốc gia, địa giới các trấn, phủ, huyện tổng cùng danh mục thôn ấp);(4) Phong tục chí (quần áo, nhà cửa, ăn uống, ngôn ngữ, lễ tết, đình đám, tín ngưỡng...);(5) Vật sản chí (nông sản và mùa vụ ở 5 trấn với động thực vật, thổ sản);(6) Thành trì chí (phụ chép: công thự, kho tàng, chùa miếu, chợ phố và cầu đường).Gia Định thành thông chí được dâng lên vua Minh Mạng vào năm 1820, làm căn cứ tham khảo cho nhiều bộ sách sử địa khác như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí (phần Lục tỉnh Nam Việt)...Vì tầm quan trọng đặc biệt của nó nên lâu nay đã có nhiều bản dịch để cung cấp cho sự tham khảo trên nhiều lãnh vực, mà bản đầu tiên là của Gabriel Aubaret bằng tiếng Pháp, xuất bản tại Paris năm 1863, sau khi Pháp chiếm xong 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ và chỉ sau 43 năm kể từ khi Trịnh Hoài Đức dâng sách cho vua.

Phải đợi đến năm 1972 mới có bản dịch tiếng Việt đầu tiên của Tu Trai Nguyễn Tạo (Nha Văn hóa - Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa Sài Gòn xuất bản). Tiếp đến có bản dịch của Viện Sử học (1999) do Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính - chú thích (NXB Giáo Dục, Hà Nội); bản dịch của Lý Việt Dũng xuất bản năm 2005 và tái bản năm 2006 (NXB Tổng Hợp Đồng Nai). 

Trong số các bản dịch vừa kể, mỗi bản đều chứa ưu khuyết điểm và có giá trị đóng góp riêng, trong suốt thời gian dài đã trở thành tài liệu tham khảo căn bản cho các nhà nghiên cứu về địa lý-lịch sử-văn hóa vùng đất Nam Bộ.Tuy nhiên, chưa hài lòng với những bản dịch của tiền bối, gần đây nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân (sinh năm 1966 tại Tiền Giang) đã bỏ rất nhiều công phu để dịch lại, đồng thời chú giải và khảo chứng tỉ mỉ thêm nữa sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, vừa do NXB Tổng Hợp TP.HCM (hợp tác với SaigonBooks) ấn hành trong quý 1-2019. Sách dày 744 trang khổ 20 x 27cm, in ấn trang trọng trên giấy trắng tốt.Bài biên khảo ở đầu sách (“Sơ lược về tác phẩm và quá trình nghiên cứu dịch thuật”) cho thấy sự dụng công của dịch giả từ khi khởi sự công việc đến lúc hoàn tất, trên cơ sở sưu tập và điểm duyệt lại tất cả những công trình liên quan đã xuất hiện từ trước, nêu được các mặt ưu khuyết điểm cụ thể của từng công trình một để từ đó rút tỉa kinh nghiệm, cố gắng tối đa tránh bớt những chỗ sai lầm của các bậc tiền bối.Theo Phạm Hoàng Quân: “Nhìn chung, những bản dịch đã lưu hành đều có những hạn chế nhất định, hiện rõ ở ba điểm tương tự nhau là: chưa phân tích kỹ văn bản gốc, không kê cứu đối chiếu bản đồ, không chú thích đầy đủ” (trang 19).Cũng theo ông Quân: “Việc phân tích kỹ văn bản gốc phối hợp với kê cứu bản đồ hiện đại là bước cần thiết để có được những chú thích phù hợp, làm cho tư liệu cổ xưa gần với người đọc ngày nay” (trang 20).Từ nhận thức này, dịch giả Phạm Hoàng Quân đã tránh được nhiều vết xe đổ, trong bản dịch mới của mình đã hết sức cố gắng thực hiện phần chú thích với gần một ngàn địa danh trong phần Sơn xuyên chí(quyển 2), vài trăm địa danh trong Cương vực chí (quyển 3) và Thành trì chí (quyển 6), đối chiếu tên gọi hiện nay, xác định đối tượng địa danh thuộc địa bàn cấp xã, thậm chí một số ít còn đến cả địa bàn cấp ấp...Có thể nói, giá trị chủ yếu và đáng chú ý nhất của bản dịch Phạm Hoàng Quân tập trung ở các phần chú giải và khảo chứng, hiệu khám, qua đó đính chính được rất nhiều chỗ sai lầm hoặc giải thích còn lờ mờ của các bản dịch cũ.Cụ thể như trong phần Sơn xuyên chí (chính văn từ trang 55 đến 124) có tất cả 973 mục chú thích, mà phần chú thích còn dài hơn cả phần chính văn của bản dịch (chiếm từ trang 125 đến 282, tổng cộng 157 trang), giả định tách riêng phần này để làm thành một tiểu từ điển về địa danh Nam Bộ xưa thì cũng nên!Để đạt được kết quả như trên, Phạm Hoàng Quân tra cứu/tham khảo rộng rãi hầu khắp các sách vở tài liệu liên quan đã có, được viết bằng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, như trong phần liệt kê “Thư mục tham khảo” đã chứng tỏ.Ngoài ra, cách trình bày từng chương mục, từng vấn đề đâu đó thật rạch ròi, có phương pháp, như đã nêu trong phần “Phàm lệ” ở đầu sách, lại được chuyển tải bằng một thứ văn phong vừa bình dân vừa hiện đại, ngôn ngữ/thuật ngữ chuẩn xác, giúp độc giả dễ theo dõi.Phần “Sách dẫn” về tên đất, tên người, tên sách được biên soạn cẩn thận (từ trang 615 đến 720), hợp tiêu chuẩn với loại sách biên khảo nghiêm túc, mà ai muốn tham khảo sách cũng cần đến nó.Cuối sách còn có thêm ảnh chụp một số tài liệu cần thiết để làm phụ bản, trong số đó có bản chữ Hán Cung tiến Gia Định thành thông chí biểu đã đăng trên tạp chí Nam Phong năm 1927 mà dịch giả Phạm Hoàng Quân đã chịu khó dịch ra tiếng Việt để công bố, đưa lên ở đầu sách (trang 33).Thành tích của công trình dịch thuật mới đạt được như trên đã mô tả, nếu muốn nói cho vừa phải, là khá cao. Đó chắc hẳn là nhờ có sự đam mê đặc biệt trong lãnh vực nghiên cứu đang xét cùng với phương pháp làm việc khoa học và tinh thần trách nhiệm cao đối với học thuật, chưa kể đức tính kiên trì nhẫn nại và có thể nói mà không sợ mang tiếng ngợi khen vô bằng cứ, bản dịch mới Gia Định thành thông chícủa Phạm Hoàng Quân xứng đáng là một tấm gương trong lãnh vực dịch thuật/biên khảo, đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện hoạt động học thuật ở nước ta còn khá lộn xộn như trong vài chục năm nay đã cho thấy.Lẽ tất nhiên, bản dịch-chú-khảo chứng Gia Định thành thông chí của Phạm Hoàng Quân sẽ còn một số chỗ sơ sót nhưng cá nhân tôi chưa kịp nhận ra, vì muốn nhận ra có lẽ cần phải bỏ thời gian để khảo cứu đi sâu tỉ mỉ vào từng chi tiết. Vì thế, có thể coi đây như một thách thức đầy quyến rũ dành cho các nhà khảo cứu trẻ, để trong một tương lai không xa chúng ta hi vọng sẽ có được một công trình mới khác hoàn hảo hơn về Gia Định thành thông chí, trên cơ sở phát huy thêm nữa những gì mà Phạm Hoàng Quân đã làm được hôm nay.■

20190308 chua ba

Cổng chùa Bà Thiên Hậu, ký họa trên tạp chí của Pháp 1864. Ảnh: topsimages.com

“...Chẳng hạn như, khi nói về dòng chảy, nguyên tác dùng những từ giang, khê, câu, kinh, và chúng được dịch ra là sông, khe, ngòi, kênh, cách dịch như vậy là đúng theo nguyên tác, nhưng không đúng cách gọi thực tế. Trong nguyên tác, do gò bó bởi việc Hán hóa định danh, Trịnh Hoài Đức đã không thể tìm được từ tương ứng cho các cách gọi sông, rạch, xẻo, ngả, tắt, ngọn, v.v... trong tiếng nói của người địa phương đương thời, và cái khó của người dịch là phải chuyển hóa lời văn cổ nhã kia gần gũi và sát với thực tế cuộc sống. Những dịch giả miền Bắc, cũng tựa như dịch giả Nguyễn Tạo người miền Trung, quả thật không thể thỏa mãn yêu cầu cần có một bản dịch vừa sát sao văn nghĩa lại vừa hợp với lời ăn tiếng nói theo kiểu người miền Nam được...”.“...Như ở phần Sơn xuyên chí, trấn Phiên An, mục sông Tân Bình [sông Sài Gòn], nguyên tác viết “đại tịch thập tam xích”, có nghĩa là “thủy triều xuống đến mức thấp nhất thì độ sâu 13 thước [~ 5m]”, lại dịch sai là “khi nước lên sâu 13 thước ta”, nước xuống lầm thành nước lên, tuy sơ suất nhỏ nhưng có thể ảnh hưởng lớn đến việc nghiên cứu lịch sử môi trường...”.“...Trong số ít địa danh gắn được mối liên hệ với ngày nay thì lại chú sai cũng khá nhiều, có chỗ sai do suy luận ngoài luồng, như cù lao Tân Dinh (nghĩa Dinh/Doanh mới) vốn được định danh từ sự kiện nơi này từng đặt lỵ sở Dinh (Long Hồ), lại chú thích rằng nguyên do là cù lao này có giống thú tên Din, vậy nên viết Tân Din (không hiểu nổi chữ Tân phải giải thích ra sao); có chỗ sai do không nắm vững và không bao quát được nội dung mô tả, như việc lấy thông tin thực địa của địa bàn rạch Cái Nhum ở Chợ Lách (Bến Tre) để chú thích cho ngã ba Cái Nhum ở Mang Thít (Vĩnh Long); sông Ba Thắc được chú thích là sông Hậu, nhưng chỗ này nếu đọc kỹ sẽ thấy đoạn văn nguyên tác diễn tả sông Ba Thắc là sông Ba Xuyên, tức kinh Phú Hữu sau này, vốn là đường giao thông huyết mạch từ Đại Ngã (Vàm Tấn) đến Bãi Xàu rồi tỏa đi nhiều nơi, Gia Định thành thông chí viết “cửa Ba Thắc” thì ứng với cửa sông Hậu, lại có riêng mục “Hậu giang” để diễn tả sông Hậu, vì vậy sông Ba Thắc phải là một dòng khác sông Hậu”.(trích “Gia Định thành thông chí - Sơ lược về tác phẩm và quá trình nguyên cứu dịch thuật”)
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 28.02.2019.

Thông tin truy cập

60519832
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1325
10018
60519832

Thành viên trực tuyến

Đang có 951 khách và không thành viên đang online

Danh mục website