Đọc sách “Những bài học thuộc lòng”

“Bổn cũ soạn lại” mà… “Tân Quốc văn Giáo khoa thư”? Có gì mâu thuẫn ở đây chăng? Không. Đứng ở thời điểm nào đó, hôm qua là cũ, hôm nay là mới, rồi… hôm nay sẽ cũ để hôm sau nữa là mới. Vậy, cũ và mới chỉ là một ý niệm tương đối. Nhưng thời gian vô cùng khắc nghiệt, nhất là thời gian ấy xảy ra nhiều biến cố, nhận chìm con người trong vòng xoáy thời cuộc, đầu óc ngổn ngang, kỉ ức bị xói mòn, trôi giạt, thiêu đốt, hơn bốn mươi năm là quá dài, quá lâu…  để ta nhớ về trước đó.

“Tân Quốc văn Giáo khoa thư” là “phụ danh” sách Những bài học thuộc lòng do Trần Văn Chánh sưu tầm và giới thiệu. Soạn giả góp nhặt từ các “bổn cũ” 1955-1975, đem so sánh với “giáo khoa thư” Nha Học chánh Đông Dương xuất bản thì nó là “tân quốc văn”.

20190315 Tran Van Chanh

Tiểu Học nguyệt san của Bộ Giáo Dục VNCH, giống như Giáo Dục tạp chí của Nha Học Chánh Đông Dương trước năm 1945, nội dung chính là hướng dẫn và soạn mẫu bài dạy bậc Tiểu học, đủ hết các môn. Thêm phần đầu là lý luận về giáo dục và phần cuối là văn học để tham khảo. Mỗi niên khóa có 9 số Tiểu học nguyệt san phù hợp với 9 tháng học, từ tháng 1/1957 đến tháng 7/1963 phỏng có 60 số, mỗi số (không kể các bài học thuộc lòng ngắn cho Lớp Năm và Tư – như lớp Một và Hai hiện nay) có khoảng 12 bài học thuộc lòng cho các lớp Ba, Nhì, Nhất (như lớp Ba, Bốn, Năm hiện nay), số bài học thuộc lòng trong toàn bộ nguyệt san này khoảng 720 bài. Sách quốc văn thời ấy rất nhiều, ít nhất cũng trên 10 bộ đến 20 bộ, cứ coi như 10 bộ, mỗi bộ 3 quyển (chỉ tính các lớp Ba, Nhì, Nhất), mỗi quyển khoảng 30 bài học thuộc lòng, để dạy trọn năm, 30 bài x 30 quyển =  900 bài. Tổng số bài học thuộc lòng khoảng trên 1.600 bài. Tất nhiên soạn giả Trần Văn Chánh không thể tìm đủ, không thể đọc hết tư liệu, và trong số bài đã đọc phải chọn lựa nên dùng bài nào. Một công việc thật vất vả, tốn nhiều công sức, thời gian, nếu không có sự đam mê, yêu thích và kiên nhẫn không thể làm được. Sau nhiều năm làm việc, soạn giả chọn 263 bài. Theo yêu cầu của bạn đọc thì con số chưa nhiều, nhưng không phải là ít.

Những sách quốc văn Trần Văn Chánh sưu tầm, đều do các nhà giáo có uy tín, nhiều kinh nghiệm sư phạm biên soạn và được Hội đồng Tu thư của Bộ Giáo Dục xét duyệt, cho phép dùng trong nhà trường. Những bài học thuộc lòng soạn giả trích từ đây là của các tác giả tên tuổi, như Phan Bội Châu, Chu Mạnh Trinh, Yên Đổ, Nguyễn Can Mộng, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà, Nguyễn Nhược Pháp, Bàng Bá Lân, Khái Hưng, Vũ Hoàng Chương… các nhà giáo Vũ Văn Lễ (Bạch Lĩnh), Hà Mai Anh, Bùi Văn Bảo (Bảo Vân), Đặng Duy Chiểu (Chiêu Đăng), Vũ Huy Chân, Bùi Quang Kim…, các tác giả quen thuộc với sách giáo khoa: Như Tuyết, Thi Thi, Đề Quyên, Trần Trung Phương… các nhà thơ đương thời: Tường Linh, Diên Nghị, Kiên Giang, Huy Lực, Vũ Quỳnh Bang… và cả trong ca dao, Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên, Gia Huấn ca. Có những bài không có tên tác giả, hoặc ghi tên tắt, khó đoán. Tuy vậy, trong một số bài khuyết danh có thể nhận ra cũng do Nguyễn Văn Vĩnh dịch.

Định hướng giáo dục thời ấy là “Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng”. Quốc văn cũng như quốc sử đề cao lòng yêu nước, yêu đồng bào (giai đoạn “đệ nhất cộng hòa” có một ít bài ca ngợi chế độ, nhưng tỉ lệ không đáng kể). Trong mỗi lớp bậc tiểu học có 3 khẩu hiệu chính: Tổ Quốc trên hết – Tiên học lễ, hậu học văn – Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời. Phần sinh hoạt có tranh chân dung hay chiến công vị anh hùng, mỗi lớp là một Liên đội, mang tên Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo v.v… và tranh vẽ con vật tên đội (mỗi liên đội có nhiều đội, mỗi đội khoảng 10 học sinh) với tiếng reo: Voi – Mạnh, Hổ - Hùng, Sóc –Lanh, Hoàng Anh – Vui Vẻ …chẳng hạn. Sau khi vào lớp, ổn định, học sinh đồng ca bài hành khúc “Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau…”, điểm danh, thầy cô giáo giảng câu Cách ngôn ghi trên bảng và hướng dẫn làm một phép tính nhẩm. Bài Đức dục hay Công dân giáo dục bắt đầu. Mỗi tuần có 3 bài Đức dục, 2 bài Công dân giáo dục.

Soạn giả Trần Văn Chánh trích lại lời chỉ dẫn của Bộ Giáo dục trong Chương trình Tiểu học: “Trong lúc dạy Việt ngữ, giáo chức nên nhớ rằng chương trình ấy không phải đứng tách hẳn chương trình của các môn học khác như đức dục, công dân giáo dục, sử ký, địa lý v.v… mà phải cố tìm cách cho chương trình các môn học ấy và khoa Việt ngữ có liên lạc với nhau…”. Trong tinh thần mật thiết giữa các môn học ấy, ở phần “Tiểu dẫn” một quyển Địa lý địa phương (chương trình lớp Ba học địa lý tỉnh), các soạn giả Nguyễn Đình Cầm và Trần Sĩ viết: “Địa lý là một môn học rất cần ích cho trẻ em. Nếu sớm từ giã chốn học đường, các em đã hiểu được những điều cốt yếu tại tỉnh nhà, con sông nào rộng, ngọn núi nào cao, cổ tích nào đáng nhớ… Có biết như vậy mới đem lòng yêu mến sinh trưởng…”.

Soạn giả Trần Văn Chánh cũng hệ thống nội dung các bài học thuộc lòng theo các chủ điểm: Bổn phận đối với bản thân, rèn luyện cơ thể, phẩm chất đạo đức – Bổn phận đối với gia đình: cha mẹ, ông bà, anh chị em, cô bác họ hàng… - Tình yêu quê hương xứ sở - Tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tình nhân loại – Tôn trọng lao động – Bổn phận đối với cộng đồng xã hội – Kinh nghiệm sống, phổ biến tri thức –  Yêu thương loài vật – Và luôn luôn ước mơ có một cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc. 263 bài học thuộc lòng soạn giả đưa vào sách xoay quanh các chủ điểm ấy.

Từ những câu đơn giản: Anh em, cha mẹ, ông bà, Cùng nhau sum họp một nhà yên vui. (V.D.H / Nhà cửa)

Những câu thơ đẹp tươi màu sắc: Trong ánh nắng gió đồng quê mát rợi, Giọt sương mai lấp lánh lá cà xanh. Những trái cà chen chúc bám trên cành, Căng nhựa ngọt, da non khoe sắc thắm. (Đề Quyên / Vườn cà tím)

Phong cảnh đất nước: Tôi đã đi, Từ Cà Mau ra Bến Hải. Tôi đã dừng lại. Khắp các nẻo đường. Nước xanh màu bát ngát đại dương, Hay trùng điệp núi rừng cao nguyên đất đỏ (THNS / Những nẻo đường đất nước) * Sài Gòn có bến Chương Dương, Có đài chiến sĩ, có đường Tự Do. Có Chợ Quán, có Cầu Kho. Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm. Có ô tô buýt khắp miền, Vườn chơi có Thảo Cầm Viên, Tao Đàn… (Bảo Vân / Sài Gòn) * Em yêu nước Việt Miền Nam, Tuy Hòa, Phan Thiết, Nha Trang, Sài Gòn. Em yêu những buổi hoàng hôn. Nắng tàn nhẹ kéo, chập chờn sóng reo… (Thanh Giang / Nước Việt Miền Nam) * Hòn Chồng phơi bước dạo chơi, Chênh vênh khối đá nằm phơi ven bờ. Mặc cho sóng vỗ gió lùa, Tháng năm vẫn đứng trơ trơ khôn rời (Như Tuyết / Nha Trang) *  Qua đường chè đến Di Linh, Rừng thông đã thấy bên mình hiện ra. Trông thành Đả Lạt không xa, Đón chào hoa tím, dịu dàng gió thông (Như Tuyết / Đường lên Đà Lạt) * Sông Hương đáy hiện khuôn trời, Ngự Bình lồng bóng giữa vời chon von (Vũ Huy Chân / Huế) *  Còn nữa… Phong cảnh Cái Sắn, Hải Vân, Lũy Thầy, Hương Sơn, Thăng Long v.v…

Sinh hoạt học đường: Tựu trường. Nghỉ hè. Học tập. Thầy và bạn. Thời cắp sách. Vui chơi. Cắm trại…

Sinh hoạt gia đình: Nhớ ơn tổ tiên. Mẹ chợ về. Chị tôi. Bữa cơm gia đình. Mười yêu em bé…

Thành thị, nông thôn, các nghề: Cảnh buổi sáng, ban đêm trong thành phố, ở thôn quê. Làm vườn. Giã gạo. Mùa gặt. Trăng thôn dã. Đánh cá đêm. Gánh nước đêm. Em bé đánh giày…

Những bài học lịch sử: Bài Việt sử. Ngày giỗ tổ. Hưng Đạo vương. Voi sa lầy. Lam Sơn khởi nghĩa. Cửa Chi Lăng. Mùa Xuân chiến thắng. Diệt xâm lăng. Nguyễn Thái Học – Cô Giang…

Những điều khuyên răn thường thức về vệ sinh, tập luyện, giữ gìn thân thể.

Đến những vật nhỏ như Cây kim, món ăn như Phở, Rau muống, Mắm cà…v.v…

Thử đọc lại bài Về quê ngoại của Mạc Hoài Dương trong sách Việt văn toàn thư lớp Ba của Bùi Văn Bảo: Một buổi hoa vàng ngập lối đi, Mẹ tôi âu yếm dẫn tôi về. Viếng thăm quê ngoại, vì lâu lắm, Người vẫn hằng mong trở lại quê. Cau trắng bà phơi ở trước thềm, Ngỡ ngàng khi thấy bóng quen quen. Dừng tay, bà vội lần ra ngõ, Cạnh bức tường rêu dụi mắt nhìn. Sau phút hàn huyên, ôm lấy tôi, Nhớ thương, bà chẳng nói nên lời. Trên đôi gò má nhăn nheo ấy, Giọt lệ vui mừng khẽ khẽ rơi… Một bài trọn vẹn yếu tính của thơ, cả hai mặt nghệ thuật và nhân văn. Một hoạt cảnh rất cảm động đi sâu khắc đậm vào lòng người đọc.

Trần Văn Chánh cũng nêu ra một số điểm hạn chế trong việc biên soạn sách giáo khoa thời ấy, việc chọn bài và giải nghĩa. Soạn giả cho rằng “do nhận thức – tầm nhìn chung của xã hội lúc bấy giờ còn rất hạn chế về vấn đề bảo vệ môi trường, không tránh được vài sách Quốc văn Tiểu học đã vô tư đưa vào một số bài học thuộc lòng có nội dung liên quan đến những thú vui (như đá gà, săn bắn…) mà nếu đứng trên quan điểm bảo vệ môi sinh hiện đại thì là không lành mạnh, có thể mang đến những tác dụng – hiệu quả tiêu cực” … Ý kiến của soạn giả nói chung là đúng, song thiết nghĩ “thú đi săn”  mỗi thời  khác nhau. “Thú đi săn” có tận xa xưa, từ đông sang tây. Tại nông thôn nước ta ngày trước săn bắn theo kiểu “thủ công”, nhiều loài không bị săn bắn, mục đích chính là để bảo vệ hoa màu, diệt trừ ác thú, sau nữa cải thiện bữa ăn và thực là một sinh hoạt cộng đồng sôi động vui vẻ. Số chim thú bị bắt giết không bao nhiêu, nai hươu vẫn quanh quẩn trong những khu rừng gần làng xóm, đàn chim di thê năm sau trở về vẫn nhiều như mọi lần. Bây giờ với phương tiện hiện đại người ta lùng bắt, tận diệt, kiếm lợi chứ không phải mua vui, khiến chúng phải tuyệt chủng.

Tôi, từ tuổi trẻ có hơn 18 năm làm anh giáo làng dạy tại một ngôi trường quê. Đọc sách Những bài học thuộc lòng, trao đổi với nhiều cựu đồng nghiệp, ai cũng thấy thích thú và cảm phục công việc của anh Trần Văn Chánh. Và Nhà xuất bản đã đáp ứng được yêu cầu của không ít bạn đọc. Chẳng biết những người cùng trang lứa ngoài ngành thì sao? Có thể chúng tôi do chút nghĩa cũ càng, dẫu lìa ngó ý!

Trần Huiền Ân

1.3.2019

Thông tin truy cập

60532117
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13610
10018
60532117

Thành viên trực tuyến

Đang có 343 khách và không thành viên đang online

Danh mục website